LTS: Tôn trọng văn hóa là sự tôn trọng bản thân. Đó là điều căn bản trong ứng xử văn hóa, nhưng đáng tiếc là một số người đã không thực hiện điều đó. Một vài biểu hiện không thiện chí đối với đức tin tôn giáo đã xảy ra trên thế giới vì quan niệm hẹp hòi của một số ít người, từng khiến đau lòng nhiều người. Gần đây, một số việc làm thiếu cân nhắc của một vài nhà làm kinh doanh cũng vô tình gây thương tổn cho những người có đức tin tôn giáo… Thái độ của Phật giáo về điều này như thế nào?
Kinh tạng Pàli Nikàya lưu lại nhiều tài liệu nói về thái độ xử thế hết sức minh triết và nhân bản của Đức Phật. Một trong số các cách thái ứng xử của Ngài rất cần thiết cho việc thiết lập nếp sống hiểu biết, hòa bình, tôn trọng lẫn nhau giữa con người và con người cũng như giữa các nền văn hóa, đó là thái độ hộ trì chân lý (saccànurakkhana) hay còn gọi là thái độ tôn trọng trong sự thật. Theo giải thích của Đức Phật thì một số người có niềm tin hay quan điểm nào đó và nỗ lực theo đuổi nó mà không bài xích xem thường đức tin hay quan điểm của người khác thì người đó được xem là người biết tôn trọng sự thật hay hộ trì chân lý. Ngài nêu rõ lập trường của mình:
“Này Bharadvaja, nếu có người có lòng tin và nói: “Đây là lòng tin của tôi”, người ấy hộ trì chân lý, nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều: “Chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là sự hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý. Cũng vậy, nếu có người chấp nhận một quan điểm và nói: “Đây là sự chấp nhận quan điểm của tôi”, người ấy hộ trì chân lý. Nhưng người ấy không đi đến kết luận một chiều. ”Chỉ đây là sự thật, ngoài ra là sai lầm”. Cho đến như vậy, này Bharadvaja, là hộ trì chân lý. Cho đến như vậy, chân lý được hộ trì. Và cho đến như vậy, chúng tôi chủ trương hộ trì chân lý”. (Kinh Cankì, Trung Bộ kinh).
Đức Phật chủ trương chỉ nói pháp, trình bày quan điểm của mình mà không làm tổn thương đức tin hay bài xích quan điểm của người khác. Đây là thái độ rất trí thức của Ngài, một thái độ giáo dục đầy trí tuệ mở đường cho mọi cách thái hòa bình và nhân ái của đạo Phật xuyên suốt hơn 25 thế kỷ. Quan điểm và thái độ này của Đức Phật được vua A Dục (Asoka) thế kỷ thứ ba trước Tây lịch trân trọng tiếp thu và triển khai thành đạo cụ ứng dụng cho toàn xứ sở rộng lớn của Người, với lời lẽ như thế này:
“Người ta không nên chỉ kính trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác vì lý do này hay lý do khác. Vì làm như thế, người ta chẳng những làm tổn thương giáo phái của mình mà còn làm tổn thương giáo phái của người khác. Những ai kính trọng giáo phái của mình và bài xích giáo phái của người khác, nghĩ rằng “ta sẽ làm rạng danh giáo phái của ta”, thì ngược lại người ấy chỉ làm tổn thương giáo phái của chính mình”. (Bi ký A Dục Vương)
Chúng ta học hỏi được gì từ một quan điểm sáng suốt và cách thái nhân bản như thế? Trước hết thì phải nói rằng hơn 25 thế kỷ hiện hữu và phát triển, đạo Phật đã tuyệt đối giữ vững lập trường và thái độ này, kết quả là không một động thái nào của Phật giáo gây tổn thương đến đức tin hay làm khổ đau cho người khác. Người Phật tử có thể hãnh diện gọi đây là cách thái văn hoá của tôn giáo mình, một thái độ trí tuệ đã làm nên lịch sử hoà bình nhân ái hơn 2.500 năm rất đáng tự hào của Phật giáo. Chắc chắn không phải chỉ 25 thế kỷ qua mà mãi mãi về sau này, những người con Phật sẽ triệt để tuân thủ quan điểm và thái độ nhân bản này của Đức Bổn Sư, bởi đó là lẽ sống văn hoá rất minh triết mà họ nguyện theo đuổi vì hạnh phúc và an lạc cho số đông.
Chúng ta hiểu rằng, đức tin là điều thiêng liêng của con người mà ai cũng có bởi trong chừng mực nào đó, nó là động lực của sự sống. Người có tôn giáo thì nuôi dưỡng đức tin tôn giáo, đã đành. Người không theo tôn giáo nào cũng có niềm tin của riêng mình. Bởi niềm tin là nghị lực làm cho con người muốn sống và biết sống. Đừng ai bảo rằng tôi không có đức tin vì tôi không theo tôn giáo. Đức tin vẫn có trong bạn đấy. Nó chỉ hiện hữu dưới hình thức này hay hình thức khác mà thôi. Chẳng phải phần lớn loài người đang đặt niềm tin vào chủ nghĩa khoa học – kỹ thuật đó sao? Có ai biết chắc nó đưa nhân loại về đâu? Vấn đề tế nhị đến thế nên con người cần có cái nhìn tế nhị hơn để tránh làm tổn thương đức tin của người khác.
Một vài biểu hiện không thiện chí đối với đức tin tôn giáo đáng tiếc đã xảy ra trên thế giới và quan niệm hẹp hòi của một số ít người từng khiến đau lòng nhiều người. Gần đây, một số việc làm thiếu cân nhắc của một vài nhà làm kinh doanh quảng cáo cũng vô tình gây thương tổn cho những người có đức tin tôn giáo. Rõ ràng, chúng ta làm việc gì cũng bắt nguồn từ niềm tin. Chúng ta tin việc làm của mình có kết quả hay có hiệu quả thì chúng ta mới nỗ lực thực hiện. Thực hiện có kết quả càng khiến chúng ta tin tưởng nhiều hơn. Nhưng trong khi chúng ta chấp nhận theo đuổi niềm tin của mình ví thấy có lợi thì đôi khi lại vô tình gây thương tổn đến đức tin của nhiều người khác mà chúng ta không hay biết. Do đó, nếu chúng ta có sự suy nghĩ cân nhắc cho thật kỹ giữa niềm tin của mình và đức tin của người khác thì chắc chắn chúng ta sẽ tránh được các việc làm đáng tiếc hay thương tổn cho nhiều người khác. Suy nghĩ tinh tế là dấu hiệu của người hiểu biết sâu sắc, trong khi tôn trọng đức tin của người khác phản ánh thái độ văn hóa của người ấy.
Cuộc sống đẹp và hạnh phúc là kết quả sự hòa điệu giữa con người và con người cũng như giữa các nền văn hóa trong tư thế tương quan tôn trọng lẫn nhau. Nó là sắc thái văn hoá mới mẻ, rất nhân bản trong bối cảnh thế giới hiện nay. Rõ ràng, trong một thế giới có nhiều đức tin khác biệt khá tế nhị như thế giới của chúng ta và nhất là trong xu thế hội nhập ngày nay thì thái độ cân nhắc tôn trọng đức tin của người khác là vấn đề đáng được mọi người lưu tâm nhiều hơn. Nó không chỉ phản ánh cái nhìn hay quan điểm sáng suốt và sâu sắc, mà còn là biểu hiện của cách thái văn hoá mang tính toàn cầu, rất nhân bản và rất an lạc, mở ra không chỉ cho những người có tôn giáo mà cho cả nhân loại trên hành tinh nói chung.■
Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 26 | ĐỨC THỆN