Gương Sáng Tối Thượng Thừa của HT Thích Huyền Vi

02. GƯƠNG SÁNG TỐI THƯỢNG THỪA

Luận về GƯƠNG SÁNG cao siêu

Tối thắng là điểm Tổ nêu muôn đời

Thượng căn suy xét trau dồi

Thừa cơ quyết chí theo lời NGƯỜI XƯA.

                                                H.V

Gương sáng Tối Thượng Thừa

Hoằng Nhẫn Thiền sư thuật

Luận về bản thể của người tu hành làm đạo, chúng ta cần phải biết từ lâu đời nhiều kiếp cho đến ngày nay, thân tâm của mỗi chúng ta vốn thanh tịnh, không sanh cũng không diệt, không phân biệt, tự tánh viên mãn, bản thân trong sạch. Đây chính là Bổn sư và cũng là thắng niệm của chư Phật trong khắp mười phương.

Hỏi: Làm sao biết được tâm mình xưa nay vốn thanh tịnh?

Đáp: Trong kinh Thập Địa (Dasá-bhùmi Sùtra) chép rằng: Trong thân tâm của mỗi chúng sanh đều có sẵn Phật tánh Kim Cang, cũng giống như vừng thái dương, thể chất của nó sáng suốt soi khắp mười phương, viên mãn, rộng lớn, không ngằn mé. Chỉ vì mây đen của “ năm ấm”[1]che phủ ánh sáng, giống như chiếc đèn trong bình, không thể chiếu sáng được. Thí dụ như giữa không gian, nếu tám hướng mây mù đồng che phủ thì khắp trong thiên hạ sẽ tối tăm, vì mặt trời không thể soi sáng được. Vì sao mặt trời không thể soi sáng? Ánh sáng vốn không hoại, chỉ vì mây mù che lấp. Tâm thanh tịnh của tất cả chúng sanh cũng bị ngăn che giống như thế. Chỉ vì vin níu vọng niệm, gây nên phiền não, do các kiến chấp ngăn che bởi mây đen tội lỗi, muốn cho ngưng lại không phát khởi, thì phải giữ gìn tâm niệm, tất nhiên vọng tưởng không sanh. Pháp tánh tự nhiên hiển hiện, vì thế phải biết tâm mình từ nhiều đời đến nay vốn thanh tịnh.

Hỏi: Làm sao biết được tâm mình từ nhiều đời đến nay không sanh, không diệt?

Đáp: Kinh Duy ma Cật (Vimalakirtinirdesa Sùtra) nói: “Như” không có sanh, “ như” không có diệt. “ Như” là chơn như Phật tánh, tự nó thanh tịnh trong nhiều đời. Thanh tịnh là do nơi tâm mà có. Chơn như sẵn có hay không , đều do nhân duyên phát sanh. Lại nói rằng: “Chúng sanh đều có bản tánh như vậy và các hiền thánh cũng có bản tánh như vậy”.

Tất cả chúng sanh là chúng ta và toàn thể muôn loài, còn các vị hiền thánh là chư Phật trong mười phương. Danh tướng chư Phật tuy khác, nhưng chơn tâm pháp tánh trong thân đều đồng, không sanh cũng không diệt, cho nên đều nói “ như” vậy. Vì thế cho nên phải biết rằng tâm mình từ xưa đến nay vốn không sanh, không diệt.

Hỏi: Thế nào gọi tâm mình là Bổn sư?

Đáp: Chơn tâm đây tự nhiên sẵn có, không do bên ngoài đem đến, mà cũng không phải nhờ sự tu tập trong ba đời, dù cho có hết sức cố gắng cũng không ra ngoài bản tâm thanh tịnh của mỗi người. Nếu biết giữ gìn chơn tâm thì dễ đến bờ giác, còn mê mờ bỏ phần chơn thì sẽ đọa lạc vào ba đường khổ (Địa ngục,Ngạ quỉ, súc sanh). Cũng vì thế nên chư Phật trong ba đời dùng tâm mình làm Bổn sư.

Trong Luận có nói: “ Biết được chơn tâm thì vọng niệm không phát khởi, do đó gọi là vô sanh”. Vì thế nên biết Chơn tâm là Bổn sư.

Hỏi: Thế nào gọi tâm mình “ thắng” (hơn) sự niệm Phật?

Đáp: Thường suy nghĩ Đức Phật không khởi sanh tử, khéo gìn giữ bản tâm nên được đến bờ kia. Trong kinh Kim Cang (Vajraprajnàparamita Sùtra) nói: Nếu dùng sắc tướng để thấy “ ta”  dùng âm thanh để cầu “ta”, người đó thực hành tà đạo,không thể thấy được “ Như Lai”. Cho nên nói rằng : “ Giữ gìn chơn tâm căn bản hơn niệm danh hiệu chư Phật”. Lại nữa: Chữ “ thắng” chỉ dùng lời nói tóm tắt để khuyên bảo người, thời quả thể rốt ráo bình đẳng không hai.

Hỏi:Phật cùng chúng sanh đều đồng chơn thể, cớ sao chư Phật bất sanh, bất diệt, tự tại vô ngại, được vô lượng an lạc, còn chúng sanh lại bị đọa lạc trong biển sanh tử, lãnh chịu biết bao điều khổ não?

Đáp: Chư Phật trong mười phương ngộ nhập được pháp tánh, đều do tự nhiên soi sáng tâm nguyên, vọng tưởng không sanh,thì chánh niệm không bao giờ mất. Tâm “ ngã sở”[2] diệt cho nên không thọ sanh tử, vì không sanh tử nên rốt ráo tịch diệt.

Muốn sự an vui tự bản thể phát xuất, tất cả chúng sanh mê chơn tánh, không biết căn bản của tâm có nhiều vọng tưởng, không tu theo pháp chánh niệm, do đó tánh ái phát khởi, vì thế tâm niệm luôn luôn bị xao động, nên sanh tử chồng chất, khổ não xuất hiện.

Kinh Tâm Vương (Citta Sùtra) nói rằng: Chơn như Phật tánh chìm trong biển “ sáu thức tri kiến”[3], trầm luân sanh tử không được thoát ly, chúng ta gắng sức hiểu như thế, giữ gìn chơn tâm, căn bản,vọng niệm không sanh, tâm ngã sở đoạn diệt, tự nhiên cùng với Phật tánh bình đẳng không hai.

Hỏi:Chơn như Phật tánh đồng có một không hai, mê theo đường mê, ngộ theo đường ngộ. Vì sao giác tánh của Phật và sự hôn mê của chúng sanh lại có sai khác?

Đáp: Từ đây trở lên thuộc về phần khó thể nghĩ bàn, phàm phu hiểu rõ tâm thì ngộ, mất bản tánh cho nên mê, duyên họp thì họp , không thể diễn giải được, chỉ tin chân lý giữ gìn bản tâm của mình.

Kinh Duy ma Cật (Vimalakirti Nirdesa Sùtra) nói: Không có tánh của mình, mà cũng không có tánh của người. Chơn lý vốn không sanh không diệt. Ngộ được điểm nầy tức là lìa cả hai bên, vào trí vô phân biệt.Nếu ai hiểu được điểm nầy, thì ở nơi pháp yếu “ tri và hành” giữ gìn tâm đệ nhứt. Giữ tâm là thế nào?-Chính là căn bản của Niết bàn, là yếu môn nhập đạo, là tôn chỉ của 12 bộ kinh[4].

Hỏi: Làm sao biết gìn giữ chơn tâm là căn bản của Niết bàn?

Đáp: Thể của Niết bàn là tịch diệt, vô vi, an lạc, tâm ta đã là chơn tâm, phải đoạn vọng tưởng, vì vọng tưởng đoạn, nên đầy đủ chánh niệm. Có đầy đủ chánh niệm thì trí tịch chiếu mới sanh. Trí tịch chiếu sanh nên thông cùng pháp tánh, nhờ pháp tánh được thông suốt nên ngộ được Niết bàn. Vì thế nên nói giữ gìn chơn tâm chính là căn bản Niết bàn.

Hỏi: Làm sao biết giữ gìn chơn tâm căn bản là yếu môn nhập đạo?

Đáp: Cho đến dùng một ngón tay vẽ hình tượng Đức Phật, hoặc tạo công đức nhiều như số cát sông Hằng, đó chỉ là Phật sự, vì muốn hướng dẫn chúng sanh không trí tuệ tạo thêm nghiệp thắng báo ở tương lai và thấy chánh nhơn Phật tánh. Nếu muốn chính mình sớm được thành Phật, thì phải giữ gìn chơn tâm căn bản. Các Đức Phật trong ba đời, nhiều vô lượng vô biên, nếu có người ác không giữ gìn chơn tâm, mà lại thành Phật thì thật không có lý. Trong Khế kinh có nói: “ Chú tâm một chỗ, không việc gì chẳng làm xong. Cho nên biết giữ gìn chơn tâm căn bản là yếu môn nhập đạo.” Đây chính là yếu môn nhập đạo vậy.

Hỏi:Làm sao biết giữ gìn chơn tâm căn bản là Tôn chỉ của 12 bộ kinh?

Đáp: Trong tất cả Khế kinh Như Lai nói: Tất cả tội phước, quả báo, nhân duyên dẫn thành tất cả núi, sông, đất liền, cỏ cây, muôn vật, các thứ tạp vật, đưa nhiều thí dụ không lường, không ngằn mé, hoặc hiện thần thông vô lượng, các thứ biến hóa, chỉ vì Phật sự, vì giáo đạo cho chúng sanh không trí tuệ, nên có các thứ dục tâm, tâm hành muôn sự sai khác. Vì thế nên Như Lai theo tâm môn của chúng sanh dẫn vào Nhứt thừa. Ta đã hiểu biết Phật tánh của chúng sanh xưa nay vốn thanh tịnh, cũng như mặt trời dưới có mây che, chỉ rõ ràng giữ chơn tâm căn bản. Mây vọng niệm tan biến thì mặt trời trí tuệ xuất hiện, cần gì phải nhiều học vấn mới thoát khổ sanh tử, mới hiểu biết tất cả nghĩa lý và những sự việc trong ba đời, như gương sạch bụi, ánh sáng tự nhiên hiện ra. Thế nên trong tâm vô minh, người học giỏi không kham được.Nếu có thể rõ biết như thế thì không mất chánh niệm. Trong tâm vô vi của người học thức là thật học, tuy nói thật học nhưng không có sở học. Vì sao? Ta và Niết Bàn cả hai đều không, lại không hai không một, cho nên không có sở học, pháp tánh tuy không cần phải rõ biết giữ gìn chơn tâm căn bản, vọng niệm không sanh, tâm “ ngã sở” diệt trừ.

Trong Kinh Niết Bàn (Nirvàna Sùtra) nói rằng: Người biết Đức Phật không nói pháp, ấy là đầy đủ đa văn, cho nên biết rằng giữ gìn chơn tâm căn bản là Tôn chỉ của 12 bộ kinh vậy.

Hỏi: Làm sao biết giữ gìn chơn tâm căn bản là Tổ của chư Phật trong 3 đời?

Đáp: Chư Phật trong ba đời đều từ tâm phát sinh, giữ gìn chơn tâm thì vọng niệm không sanh, tâm “ ngã sở” đoạn diệt, sau được thành Phật. Vì thế nên biết rằng giữ gìn chơn tâm căn bản là Tổ của chư Phật trong 3 đời vậy.

Từ trên đến đây bốn câu vấn đáp, nếu nói rộng ra, làm sao cho cùng? Ta nay hy vọng các vị tự biết bổn tâm căn bản là Phật. Do đó ta ân cần khuyên các vị, ngàn kinh, muôn luận, không gì hơn giữ gìn chơn tâm căn bản, đó là điều cốt yếu vậy. Hôm nay đây chúng ta hãy gắng sức xét kỹ, trong kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika Sùtra) đã chỉ cho các vị xe Đại bạch ngưu chứa các món châu báu, ngọc minh châu, thần dược nhiệm mầu…chính các vị không nhận, không dùng lại than nghèo, trách khổ? Vọng niệm không sanh, tâm “ ngã sở” đoạn diệt, tất cả công đức lành tự nhiên viên mãn, không phải nhờ bên ngoài để cầu dứt sanh tử, đối với tất cả chỗ chánh niệm quan sát, không nên vì ham vui hiện tại mà gieo nhân khổ cho đời sau. Chúng ta hãy cố gắng, đừng để mình đã mê lầm lại làm cho người khác mê lầm theo. Hôm nay tuy bị cảnh vô thường, nhưng sẽ là nhân thành Phật ở tương lai, đừng để ba đời chìm mất hết công phu. Trong Kinh nói: “Ở nơi điạ ngục như vui thú điền viên, ở nơi ác đạo như trong nhà mình”. Chúng ta cùng chúng sanh hiện cảnh là như thế, không hiểu, không biết, sợ hãi, giết người, không khỏi bị lương tâm dày vò, quở phạt. Thật lạ thay! Thật khổ thay!

Nếu có người mới phát tâm học tọa thiền, y như trong kinh Quán Vô lượng Thọ (Amitayus Sùtra), ngồi đoan tranh chánh niệm, nhắm mắt, ngậm miệng, tâm trực chỉ nhứt như, tùy ý gần xa, khởi tưởng một ngày, gìn giữ chơn tâm mỗi niệm chớ trụ, tức là khéo điều hòa hơi thở, chớ cho vừa thô vừa tế, khiến cho thành bịnh khổ. Khi ngồi thiền ban đêm, hoặc thấy tất cả cảnh giới thiện ác, hoặc vào sắc tam muội xanh, vàng, đỏ, trắng hay thấy tâm phóng ra hào quang sáng lớn, hoặc thấy thân tướng Như Lai hay thấy các thứ biến hóa, nhưng biết thâu nhiếp vọng tâm không trụ trước, hiểu tất cả đều do không tưởng, vọng tưởng tạo thành.

Trong Khế kinh nói: Cõi nước trong mười phương đều như hư không , ba cõi hư huyễn chỉ do vọng tâm tạo tác, nếu không được định, nếu không thấy tất cả cảnh giới cũng không có gì lạ. Nhưng khi đi, đứng, nằm ngồi thường phải giữ gìn chơn tâm căn bản. Lãnh hội như thế thì vọng niệm không sanh, tâm “ ngã sở” diệt, tất cả muôn sự vật không ngoài tâm của mình. Do đó chư Phật nhiều lời chỉ giáo, cho nhiều thí dụ, nhưng vì chúng sanh thực hành không đồng, khiến cho giáo môn có sự sai khác, kỳ thật tám muôn bốn ngàn pháp môn, vị thể có ba thừa[5], tám chánh đạo [6]cũng như hành tông của 72 bậc thiền, chẳng có gì qua được tâm của mình, chính tâm của mình là căn bản. Nếu có thể tự biết tâm mình, mỗi niệm rèn luyện, chớ nên trụ trước tức là chính mình thấy tánh thành Phật vậy. Ở trong mỗi niệm thường cúng dường mười phương chư Phật, nhiều như số cát sông Hằng, mười hai bộ kinh, mỗi niệm thường chuyển, nếu người nào rõ tâm nguyên nầy, tất cả tâm nghĩa tự hiện, tất cả hạnh nguyện đầy đủ, tất cả công hạnh viên mãn, tất cả mọi việc làm xong, không thọ lãnh thân hiện hữu. Lãnh hội như thế thì vọng niệm không sanh, tâm “ ngã sở” đoạn diệt, bỏ xác thân nầy rồi, quyết định được pháp thân vô sanh. Vì thế gắng sức chớ tạo nghiệp lớn, lời nói tuy chân thật không vọng, nhưng thất khó tin khó hiểu. trong số đại chúng đông đảo, người nghe và hay thực hành đạt được mục đích, trong vô số ức chỉ có một, còn số tự an tự tịnh, khéo điều hòa các giác quan, chính phải nhìn nơi tâm trong sáng vắng lặng, đừng để tâm vô ký móng sanh.

Hỏi: Thế nào gọi là tâm vô ký?

Đáp: Đừng để tâm phóng túng và duyên ngoại cảnh, tâm xấu chưa dứt, khi luyện tập chơn tâm khó thanh tịnh. Đối với việc đi, đứng, nằm, ngồi, phải theo dõi ý và xem xét tâm. Tâm vô ký là tâm chưa rõ biết trong sạch và soi sáng căn nguyên. Cũng gọi là tâm vô lậu, không khỏi sự sanh tử luân hồi. Người không giữ gìn chơn tâm, sẽ bị chìm đắm trong biển sanh tử, không biết bao giờ mới được thoát ly. Thật đáng thương xót, biết như thế chúng ta cần phải cố gắng. Trong Khế kinh nói: “ Nếu chúng sanh thật tâm mà sở nguyện không phải xuất phát tự bên trong, thì chư Phật trong 3 đời, nhiều như số cát sông Hằng, cũng không cứu vớt được”. Trong Kinh cũng có nói: “ Chúng sanh phải biết tự độ, Phật không thể độ cho chúng sanh”. Nếu Phật độ chúng sanh dễ dàng, thì với vô số vô lượng Phật trong quá khứ cớ sao chúng ta không thành Phật? Chỉ vì lòng chí thành của chúng ta không tự phát ở bên trong, nên phải chịu chìm nổi mãi trong biển sanh tử luân hồi. Chúng ta phải tinh tấn siêng tìm tâm căn bản, đừng để vọng tưởng xem vào, quá khứ đã qua, tương lai chưa đến, thân hiện tại nầy được nghe pháp nhiệm mầu, sáng suốt khuyên nhau giải quyết lời nói nầy, chúng ta hiểu rằng gìn giữ bản tâm là con đường duy nhứt. Sao không chịu phát tâm chí thành cầu nguyện thành Phật, thọ lãnh vô lượng an lạc tự tại? Đừng chạy theo thế tục ham cầu lợi danh, mà tương lai phải bị đọa vào địa ngục, chịu nhiều điều khổ sở, không gì sánh được. Phải gắng sức mặc áo rách, ăn cơm hẩm, một lòng gìn giữ chơn tâm căn bản. Những người si mê không hiểu , phải tự xét mình để bồi đắp công lai, đó là người rất tinh tấn vậy. Người si mê trong thế gian không hiểu lý nầy, trong tâm vô minh phần nhiều hành sự gian khổ, rộng tu điều thiện mong được giải thoát, như thế là qui sự sanh tử về một mối. Nếu sáng suốt, không mất chánh niệm để cứu độ chúng sanh là hàng Bồ-Tát có nghị lực siêu phàm. Qua lời nói trên, các vị phải giữ gìn tâm thứ nhứt, nếu không chuyên cần giữ gìn là người si mê vậy. Không chịu một đời hiện tại mang khổ, lại muốn tương lai muôn kiếp chịu tai ương.

Các vị nên biết lời dặn nầy tám gió không lay động được, thật là núi cao quí báu vậy. Phải biết bản thể kết quả đối với muôn cảnh vật tác dụng nhiều vô lượng vô biên, dùng biện tài vô ngại, theo bịnh cho thuốc, để cho vọng niệm đừng sanh, tâm “ ngã sở” diệt. Ấy thực là bậc Trượng phu xuất thế. Như Lai lúc sinh thời, dùng không biết bao lời khen ngợi, ta nói lời nầy thực lòng khuyên các vị “ vọng niệm” và “ngã sở” phải đoạn diệt. Được như thế là kẻ sĩ xuất phàm.

Hỏi: Làm sao tâm “ ngã sở” đoạn diệt?

Đáp: Vì tâm tự phụ cho mình hơn người, tự nghĩ ta có thể làm như vậy, đó là tâm “ ngã sở” bị sa đọa trong cảnh Niết Bàn. Trong kinh Niết Bàn (Nirvàna Sùtra) nói: “ Vì như hư không bao trùm muôn vật, nhưng hư không chẳng tự nghĩ rằng ta có thể chứa đựng như thế”. Theo thí dụ nầy ,tâm “ ngã sở” đoạn diệt chứng Kim Cang tam muội (Vajrasamàdhi).

Hỏi: Các người tu hành cầu chơn thường tịch tịnh như thế nào?

Đáp: Ưa thích cảnh vô thường trong thế gian, không ưa thích đệ nhứt nghĩa đế chơn thật nhiệm mầu, chưa thấy lý, chỉ muốn khởi tâm dựa theo lý trí so sánh giác tâm phát khởi, là tâm vô lậu. Nếu muốn quên tâm ấy thì bị vô minh che lấp, lại không hợp lý, chỉ muốn tâm không ngăn dứt, không có duyên nghĩa , tức là chấp không, mặc dù thọ thân người , nhưng hành động theo loài súc sanh. Lúc bấy giờ không có phương tiện định huệ, không hiểu rõ Phật tánh, đây là chỗ người tu hành bị chìm đắm. Nếu ai vượt hẳn các điểm trên, sẽ chứng được Vô dư Niết Bàn (Anupadhisésa).

Hỏi: Thế nào là nguyện nếu rõ chơn tâm?

Đáp: Lãnh hội được lòng tin đầy đủ, chí nguyện thành tựu, thong dong tâm tịch tịnh, phải chỉ giáo cho người thích thân tâm nhàn lạc, không cần nương tựa. Nếu ngồi ngay thẳng biết điều hòa hơi thở, gạn lọc tâm, không ở trong, ở ngoài hay chính giữa, tốt đẹp,sáng suốt, xem xét mọi việc rõ thấy tâm Phật, lưu động như nước chảy, ánh sáng mặt trời không ngừng tắt.

Khi đã nhận thấy tâm không ở trong, ở ngoài, như như bất động, xem mọi việc đều viên dung, thường trú, lúc ấy vọng thức bỗng nhiên đứt hẳn, dứt vọng thức nầy mới diệt được các chướng ngại ở trong. Hàng Thập địa  bồ tát (Dasabhùmi Bodhisattva) vọng thức diệt rồi, thì tâm bừng sáng như ánh mặt trời. Đó là sự việc không thể nghĩ bàn, người nào muốn được tâm ấy phải xem kinh Niết Bàn, phẩm thứ ba, về phẩm Kim Cang Thân và phẩm 3 kinh Duy Ma Cật, phẩm Phật A Súc,dần dần lưu tâm tìm xét kỹ lưỡng tối đa. nếu hiểu được kinh này rõ ràng thì những lúc đi, đứng, nằm, ngồi cũng như đối với ngũ dục, bát phong, không để mất tâm niệm phạm hạnh đã lập. Được vậy thì mọi việc đã giải quyết xong và sẽ không thọ thân sanh tử khác nữa. Ngũ dục là :Sắc, thinh, hương, vị, xúc.Bát phong là: lợi,suy,hủy, dự xưng, cơ, khổ,lạc. Đây là chỗ của người tu hành rèn luyện trau dồi Phật tánh.

Trong kinh nói: Thế gian không có chỗ Phật trụ ,Bồ Tát không được thiện dụng cần phải giải thoát báo thân nầy. Chúng sanh đời quá khứ bản tánh có kẻ thông minh, có người ngu độn, không nên phê phán. Hạng thượng trí chỉ trong một niệm là giác ngộ, bậc hạ trí phải trải qua nhiều kiếp mới thành tựu. Nếu khi có hiệu nghiệm, tùy theo tánh của chúng sanh mà phát khởi thiện căn của Bồ Tát, lợi mình, lợi người, trang nghiêm cõi Phật. Cần phải hiểu rõ phương pháp tứ y [7] mới được thật tướng. nếu y theo văn tự chấp trước thì quên mất chơn tâm. Các vị Tỳ kheo xuất gia tu tập để ra khỏi gông cùm sanh tử, gọi là chơn chánh xuất gia. Một niệm tu hành đầy đủ đến rõ biết chi tiết về thân, đến khi mạng chung không mất chánh niệm, tức là được thành Phật quả.

Từ trên đến đây luận về đạo lý, chỉ do lòng tin theo văn, hiểu nghĩa khởi ra những lời nói như thế, thật không phải rõ ràng chứng biết, nếu trái đạo lý phải sám hối trừ nghiệp, nếu hợp chánh đạo thì hồi hướng bố thí cho chúng sanh, phát nguyện đều biết bản tâm một đời thành Phật. Người nghe phải gắng sức trong tương lai sẽ thành Phật. Hy vọng rồi đây sẽ độ cho môn đồ của ta.

Hỏi: Luận Tối thượng thừa nầy từ đấu đến cuối nói rõ tâm mình là chánh đạo, nhưng chưa biết hạnh quả 2 môn, đứng về môn nào?

Đáp: Luận nầy nói rõ Nhứt thừa làm tôn chỉ đến nơi ý đạo dứt trừ đường mê, giải thoát con đường sanh tử, mới có thể độ mình độ người. Đứng về hạnh môn thì lợi mình không nói, chỉ nói những điều lợi người. Nếu có người thực hành thì được thành Phật ngay. Ta xin chỉ Trời Đất thề nguyện, nếu ta nói dối các vị thì ta phải đọa vào 18 cảnh địa ngục. Nếu ai không tin lời ta thì đời đời sẽ bị khổ về nạn hổ lang, ác thú vậy.


Bài khác nên xem

Ni trưởng MA HA BA XÀ BA ĐỀ (Mahaprajapati – Mahapajapati)

phuocthanh

Nữ Giới Trong Đạo Phật

phuocthanh

Hiếu Đạo – Suối Nguồn Bình An Nhân Loại

ducquang