Một số nhân vật tiêu biểu trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Châu Á cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX


Cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX, ở nhiều nước Châu á diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo. Trong số những người có vai trò và đóng góp quan trọng đối với phong trào này nổi bật lên bốn nhân vật tiêu biểu là: Ngài Henry Steel Olcott (Hoa Kỳ), Pháp sư Anagarika Dharmapala (Sri Lanka), Hoà thượng Thái Hư (Trung Quốc) và Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (Ấn Độ).

1. Ngài Henry Steel Olcott (1832-1907)

Henry Steel Olcott sinh năm 1832 trong một gia đình theo đạo Tin Lành ở Orange, Bang New Jersey, Hoa Kỳ. Năm 20 tuổi, ông bỏ đạo Tin Lành theo Thuyết Duy Linh. Trước khi đến với Phật giáo, ông từng trải qua nhiều công việc khác nhau như: làm việc tại một trang trại thí nghiệm, phục vụ trong quân đội, làm thanh tra trong một uỷ ban đặc biệt xem xét hồ sơ về vụ ám sát cố Tổng thống A. Lincoln (1809-1865), viết báo, làm luật sư trong ngành bảo hiểm, v.v…

Năm 1875, H.Olcott cùng người vợ, bà Helena Petrovna Blavatsky – một bác sĩ chuyên khoa bệnh mắt người Nga, sáng lập ra Hội Linh Trí (TheosophicalSociety), một tổ chức đóng vai trò chính giúp người Mỹ đến với Phật giáo của Phương Đông.

Năm 1879, vợ chồng H.Olcott du lịch đến Ấn Độ. Một năm sau đó, năm 1880, họ quyết định viếng thăm Sri Lanka. Ngày 25 tháng 5 năm 1880, vợ chồng H.Olcott quy y Tam Bảo tại Tu viện Wijananda ở Galle. Họ có lẽ là những người Phương Tây đầu tiên công khai và trịnh trọng trở thành tín đồ đạo Phật.

Ông bà tự nguyên quy y Tam Bảo với một sự lí giải của những người từng theo đạo Tin Lành như sau: “Nếu đạo Phật chứa đựng một giáo thuyết độc đoán mà buộc chúng tôi phải chấp nhận, thì chúng tôi sẽ không thọ Tam quy, Ngũ giới và theo đạo Phật trong mười phút. Đạo Phật của chúng ta do Đức Đạo sư Thích Ca khai sáng, là đạo của trí tuệ, là linh hồn của tất cả những tín ngưỡng thế giới cổ đại”(1). Lập luận của H.Olcott có lẽ cũng là suy nghĩ của nhiều người Âu – Mỹ “cải đạo” theo Phật giáo khá phổ biến đương thời và các giai đoạn sau này.

Tại Colombo, thủ đô của Sri Lanka, H.Olcott đã thành lập được 7 chi nhánh thuộc Hội Linh Trí và một Hội Linh Trí Phật Giáo (Buddhist Theosophical Society), một sự học tập theo kiểu mẫu của Công giáo như chính ông đã thừa nhận. Giải thích về việc thành lập Hội Linh Trí Phật Giáo, H.Olcott cho rằng: “Người Kitô có hội truyền bá lời dạy của Chúa, thì tại sao chúng ta không lập hội để truyền bá lời Phật dạy”(2).

Với mục đích như vậy, H.Olcott đã tiến hành xây dựng nhiều trường Phật học và những “Sunday school” cho hội viên của Hội. Sự khởi xướng của ông đã trở thành một cuộc vận động lâu dài và thành công đối với nền giáo dục Phật giáo theo kiểu Phương Tây tại Sri Lanka. Nhờ những thành tích này, vợ chồng H.Olcott đã nhận được sự tin yêu và kính trọng của nhiều vị cao tăng trưởng lão và hầu hết Phật tử ở Sri Lanka.

Trong lần thứ hai trở lại Sri Lanka vào năm 1881, H.Olcott đã thành lập một ngân quỹ giáo dục quốc gia, viết và phân phát kinh sách Phật giáo. Để thực hiện tốt hơn nữa công cuộc chấn hưng, bên cạnh công tác giáo dục Phật giáo của Hội Linh Trí và Hội Linh Trí Phật Giáo, H.Olcott còn tiến hành biên soạn các sách Phật học và giảng dạy giáo lí Phật giáo để làm giáo trình cho các trường học ở Sri Lanka. Một trong những công trình tiêu biểu của ông là cuốn Buddhist Catechism, nguồn tài liệu chính để nhà sư trẻ Việt Nam Thích Thiện Chiếu dựa vào biên soạn cuốn Phật giáo vấn đáp, xuất bản ở Sài Gòn vào đầu năm 1932.

Năm 1882, H.Olcott trở lại Sri Lanka lần thứ ba. Để khôi phục lại Hội Linh Trí Phật Giáo đã gần như ngưng hoạt động trước đó ít lâu, sau sự từ chối cộng tác của các vị tăng sĩ, ông đã tuyển mộ một số Phật tử người Ấn Độ và người Sri Lanka tham gia công việc phát thuốc trị bệnh cho nhân dân Sri Lanka. Từ năm 1882 đến năm 1883, đoàn chữa bệnh từ thiện của ông đã điều trị cho gần 3.000 người. Tuy đạt được kết quả tốt, danh tiếng vang xa, nhưng nhận thấy nội dung hoạt động dần đã đi xa mục đích truyền bá Phật pháp của mình, nên cuối năm 1883, ông tuyên bố ngưng việc chữa bệnh từ thiện.

Tháng 1 năm 1884, với tư cách là một nhà lãnh đạo phong trào chấn hưng Phật giáo Sri Lanka, H.Olcott được Hội Phật Giáo Sri Lanka tín nhiệm mời làm đại diện và giao nhiệm vụ đến London yêu cầu Chính phủ Anh Quốc xem xét và giải quyết các vấn đề còn tồn tại của Chính quyền thuộc địa của họ ở Sri Lanka, trong đó có vụ xung đột diễn ra vào ngày 25 tháng 3 năm 1883 giữa tín đồ Công giáo và tín đồ Phật giáo ở Kotahela khiến 1 người chết và 40 người bị thương.

Trong chuyến đi đến London vào tháng 4 năm 1884, H.Olcott đã đệ trình lên Chính phủ Anh Quốc một thỉnh nguyện thư với năm nguyện vọng của Phật giáo Sri Lanka, gồm:

1. Vụ xung đột giữa Phật giáo và Công giáo phải được đưa ra xét xử.

2. Phật giáo phải được tự do trong mọi sinh hoạt tôn giáo.

3. Các ngày đại lễ của Phật giáo phải là ngày nghỉ của quốc gia.

4. Tất cả những hạn chế về nghi lễ của Phật giáo phải được loại bỏ.

5. Hộ khẩu của tăng sĩ phải được thành lập và vấn đề tồn tại đối với Phật giáo phải được giải quyết(3).

Chỉ có hai điều trong năm nguyện vọng nêu trên được chấp thuận. Chính phủ Anh Quốc tuyên bố các ngày đại lễ của Phật giáo là ngày nghỉ của toàn dân Sri Lanka. Người dân Sri Lanka tin rằng, thành công này chủ yếu là nhờ lời thỉnh cầu của H.Olcott.

Có thể khẳng định, H. Olcott chính là người tiên khởi và có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc vận động tổ chức và thực hiện phong trào chấn hưng Phật giáo tại Sri Lanka, cũng là khởi đầu cho phong trào chấn hưng Phật giáo quốc tế, vào cuối thế kỉ XIX. Nhờ những hoạt động tích cực và hiệu quả của ông, Phật giáo đã trở nên thịnh hành không chỉ ở Sri Lanka mà còn ở cả Hoa Kỳ quê hương ông trong một diện mạo mới.

Một vị thủ tướng Sri Lanka từng ca ngợi H.Olcott: “Đó là một trong những vị anh hùng đấu tranh cho nền độc lập của chúng ta và là một người tiên phong trong phong trào phục hưng nền văn hoá và tôn giáo (Phật giáo) ngày nay”(4).

2. Pháp sư Anagarika Dharmapala (1864-1933)

Anagarika Dharmapala, thế danh là David Hewavitharne, sinh ngày 17 tháng 9 năm 1864, trong một gia đình theo đạo Phật ở thủ đô Colombo, Sri Lanka.

Từ thuở thiếu thời cho đến khi trưởng thành, mặc dù phải theo học trong một vài trường của Công giáo, tiêu biểu như Trường Đại học Thánh Thomas gần Colombo, hằng ngày phải đọc kinh cầu nguyện và nghe giảng Kinh Thánh, nhưng A.Dharmapala vẫn chứng tỏ là con một gia đình Phật giáo thuần thành.

Ngày 25 tháng 5 năm 1880, ông cùng hai vị thân sinh tham dự buổi lễ quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới của vợ chồng ngài H.Olcott với một vị đại sư Sri Lanka tại Tu viện Wijananda ở Galle. Có thể nói, việc hai người Phương Tây công khai thọ lĩnh Phật pháp đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chàng thanh niên A.Dharmapala.

Sau sự kiện xung đột diễn ra vào ngày 25 tháng 3 năm 1883 giữa tín đồ Công giáo với tín đồ Phật giáo ở Kotahela, vị thân sinh của A.Dharmapala đã buộc ông phải dời Trường Đại học Thánh Thomas. Sau một thời gian ngắn nghiên cứu về các môn cổ học Châu Âu ở Thư viện Quốc gia Colombo, trau dồi tiếng Pali và nghiên cứu kinh điển Phật giáo cùng với bà Blavatsky tại trụ sở Hội Linh Trí ở Ấn Độ, đến năm 1886, ông chính thức tham gia làm việc ở Hội Linh Trí tại Sri Lanka. Từ đây, ông là người giúp việc đắc lực cho vợ chồng ngài H.Olcott trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo ở Sri Lanka, bắt đầu bằng việc thành lập và hoạt động hiệu quả của các tờ báo Phật giáo như San-darasa (bằng tiếng địa phương) và The Buddhist (bằng tiếng Anh, sau này trở thành cơ quan ngôn luận của Hội Thanh niên Phật tử Colombo).

Nhờ sự khuyến khích và giúp đỡ của vợ chồng ngài H.Olcott và của thi sĩ người Anh E.Arnold (tác giả cuốn The Light of Asia) giai đoạn sau này, A.Dharmapala đã khởi xướng và tiến hành nhiều công việc chấn hưng Phật giáo ở Ấn Độ trong giai đoạn cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX.

Năm 1891, A.Dharmapala cùng với nhà sư Kozen Gunaratne người Nhật Bản sang thăm các Phật tích tại Ấn Độ. Ông đã rất xúc động trước những thánh tích thiêng liêng của Phật giáo. Nhưng trước cảnh điêu tàn của Lộc Dã Uyển (Vườn Hươu) – nơi Đức Phật thuyết pháp đầu tiên, sự xuống cấp của Bồ Đề Đạo Tràng – nơi Đức Phật thành đạo…, ông đã ngồi bên tòa Kim Cương cạnh gốc cây Bồ Đề phát nguyện: “Uy nghiêm thay! Nơi thánh tích! Quả thực là một thắng cảnh vô tỉ của thế giới. Mỗi Phật tử chúng ta, ai nấy phải có nhiệm vụ bảo hộ duy trì nơi thánh địa này tới khi nào có các vị tu hành tới quản đốc, không thể để cho một thánh địa vĩ đại như thế này phải đoạn tuyệt”(5). Từ đó, ông tích cực vận động trùng tu và tôn tạo những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ.

Bên cạnh việc trùng tu và tôn tạo các Phật tích, A.Dharmapala còn thường xuyên đi thuyết giảng và tiến hành các hoạt động hoằng dương Phật pháp ở Ấn Độ và nhiều nước Phương Tây như Hoa Kỳ, Anh Quốc. Lần giảng pháp của ông tại Hoa Kỳ vào năm 1893 có chủ đề Phật giáo và Thông Thiên học; vào năm 1896 có chủ đề Sự hoà giải của Phật giáo và Công giáo, v.v… Những bài thuyết pháp của ông đã làm cho nhiều người dân Mỹ bấy giờ thích thú và chú ý lắng nghe.

Để đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo, năm 1891, A.Dharmapala đã thành lập Hội Đại Bồ Đề (Mahabodhi Society), xuất bản Tạp chí Bồ Đề (Bodhi Journal). Ngay sau đó, nhiều trung tâm Phật học thuộc Hội Đại Bồ Đề đã được thành lập trên khắp đất nước Ấn Độ.

Mục đích của Hội Đại Bồ Đề cũng như những chi nhánh của Hội chủ yếu là truyền bá giáo lí Phật giáo và vận động mọi người trong xã hội thực hành lời Phật dạy, góp phần xóa bỏ sự phân biệt đẳng cấp, tín ngưỡng hay sắc tộc, chú trọng các hoạt động giáo dục, từ thiện xã hội, nhất là đối với người nghèo và người tàn tật. Hội đã được một số danh nhân Ấn Độ đương thời như: M.Gandhi, R.Prasad, S.Radhakrishnan, J.Nehru, G.R.Tagore, S.Chittaranjan Das, I.Gandhi, M.Desai, L.Bahadur Shastri, Narsimha Rao, v.v… quan tâm hướng dẫn và tư vấn. Do vậy, những hoạt động của Hội đã thực sự gây tiếng vang không chỉ rộng khắp trong đất nước Ấn Độ mà còn uy tín cả ở nhiều nước Phương Tây.

Mỗi khi thuyết giảng trước đông đảo tín đồ Phật giáo và nhân dân Ấn Độ, A.Dharmapala luôn trịnh trọng tuyên bố: “Phật giáo đồ Ấn Độ đã bị truy phóng một thời gian dài 800 năm. Ngày nay, họ đã và đang quay trở về tổ quốc. Tất cả chúng ta hãy thức tỉnh siêu vượt chế độ, giai cấp và tín điều, với mục đích duy nhất của Hội Đại Bồ Đề là đem giáo lí của Đấng Phật Đà tặng mọi người dân Ấn Độ”(6).

Ngày 13 tháng 7 năm 1930, nghĩa là khi bước sang tuổi 66, ông mới chính thức xuất gia với pháp danh Anagarika Dharmapala.

Nhờ sự hoạt động không biết mệt mỏi của A.Dharmapala và Hội Đại Bồ Đề, hàng triệu người dân nghèo Ấn Độ đã quy y Tam Bảo, đánh dấu sự phát triển trở lại của Phật giáo trên chính quê hương của tôn giáo này.

A.Dharmapala qua đời vào ngày 16 tháng 1 năm 1933 tại Sarnath, Ấn Độ, thọ 69 tuổi. Trước khi mất, ông nguyện cầu cho mình rằng: “Tôi muốn tái sinh trở lại đời này 25 lần để truyền bá giáo lí đạo Phật”(7).

3. Hoà thượng Thái Hư (1890-1947)

Nhờ A.Dharmapala, phong trào chấn hưng Phật giáo truyền sang Trung Quốc. Năm 1908, A.Dharmapala đã viết thư liên lạc với cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc để mời cộng tác. Dương Nhân Sơn đã thành lập Tịnh xá Kỳ Hoàn và triệu tập thanh niên tăng ni và cư sĩ hữu tâm nghiên cứu Phật học qua Hán văn, Anh văn và Phạn văn. Cộng tác với Dương Nhân Sơn có Âu Dương Tiệm, Mai Quang Huy, Thích Nhân Sơn, những nhân vật sau này trở thành rường cột của phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, nói đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc không thể không đề cập đến Hoà thượng Thái Hư. Hoà thượng là người có công rất lớn trong việc chỉnh lí Tăng già, đoàn kết thống nhất Phật giáo, bảo hộ tài sản tự viện và canh tân nền giáo dục Phật giáo ở Trung Quốc. Nếu Ấn Độ có Pháp sư A.Dharmapala và sau này là Tiến sĩ B.R. Ambedkar thì Trung Quốc có Hoà thượng Thái Hư. Những nhân vật này đã có công rất lớn với phong trào chấn hưng Phật giáo từng quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung.

Hoà thượng Thái Hư họ Lữ (Lã), huý là Duy Tâm, sinh ngày 8 tháng 01 năm 1890 tại huyện Sùng Đức, tỉnh Triết Giang, Trung Hoa. Năm 1904, khi 16 tuổi, ông xuất gia đầu Phật; thọ giới Cụ túc vào ngay cuối năm này. Khi mới xuất gia, do sự đối đáp về Phật pháp một cách lanh lợi, ông được sư tổ (Hoà thượng Ký Thiền) khen là “Huyền Trang tái thế”. Năm 1909, ông theo Hoà thượng Ký Thiền dự Đại hội Giáo dục Phật giáo tại tỉnh Giang Tô. Đầu năm 1910, ông đến Tịnh xá Kỳ Hoàn tu học nửa năm. Cuối năm 1910, ông làm giảng sư Trường Tiểu học Phật giáo tại chùa Tiểu Vũ, núi Phổ Đà. Năm 23 tuổi (1911), ông giảng Phật pháp trong tỉnh Quảng Châu, được cử trụ trì chùa Song Khê, núi Bạch Vân.

Năm 1918, sau chuyến khảo sát Phật giáo ở Đài Loan, Nhật Bản, Hoà thượng Thái Hư thành lập Tạp chí Giác Xã, sau trở thành nguyệt san Hải Triều Âm, một tờ báo có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam. Năm 1920, ông thành lập Hội Chính Tín Phật Giáo. Năm 1922, ông thành lập và làm Viện trưởng Phật học viện Vũ Xương. Ông còn trực tiếp sáng lập và giảng dạy một số Phật học viện khác như Phật học viện Mân Nam (Phúc Kiến), Viện Giáo lí Hán Tạng, v.v… Tiếp đó, dưới sự ảnh hưởng tư tưởng và thực tiễn giáo dục Tăng già của Hoà thượng Thái Hư, nhiều Phật học viện khác được thành lập ở khắp nơi, đào tạo ra hàng loạt nhân tài cho Phật giáo Trung Hoa cận hiện đại. Sau này, ông thành lập Thế giới Phật học Uyển để thống nhất các đồ thư quán Trung Hoa và các nước trên thế giới.

Năm 1923, Hoà thượng Thái Hư sáng lập và làm Hội trưởng Hội Liên hiệp Phật giáo Thế giới. Năm 1924, ông tổ chức Hội nghị Phật giáo Thế giới tại Lô Sơn, Trung Hoa. Năm 1925, ông tổ chức Hội nghị Phật giáo Đông á ở Tokyo, Nhật Bản.

Năm 1928, Hoà thượng Thái Hư thành lập Hội Phật học Trung Hoa tại Nam Kinh. Liền sau đó, ông thống nhất các hội Phật giáo trong nước để thành lập ra Hội Phật học Toàn quốc Trung Hoa. Nhiều Chi nhánh của Hội sau này đã được thành lập ở những nơi có Hoa Kiều sinh sống như Indonesia,Myanmar, Thái Lan, Đài Loan, v.v… Cũng trong năm này, sau chuyến tham quan và hoằng pháp ở Châu Âu, dưới sự giúp đỡ của Hoà thượng Thái Hư, Hội Phật Học các nước Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, v.v… được thành lập. Sau đó, ông tập hợp tất cả Hội Phật học Thế giới để thành lập ra tổ chức Liên Hiệp Phật giáo Quốc tế tại Nam Kinh.

Tương tự như Pháp sư A.Dharmapala, Hoà thượng Thái Hư thường xuyên đi giảng thuyết và hoằng pháp ở khắp nơi trong đất nước Trung Hoa và ở nhiều quốc gia Phương Tây cho các đối tượng không chỉ là tín đồ Phật giáo mà còn cả với các thành phần ngoài Phật giáo, nhất là giới trí thức và giới thanh niên, với những chủ đề cập nhật với đời sống xã hội và khoa học hiện đại như: tư cách và trí thức làm người phụ nữ tân thời, Phật pháp với khoa học, dùng Phật học phê bình chủ nghĩa xã hội, chỗ dị – đồng giữa Phật học với khoa học và tôn giáo(8),v.v…

Quan điểm cải cách Phật giáo của Hoà Thượng Thái Hư thể hiện ở ba nội dung chính: cách mạng giáo lí, cách mạng giáo chế và cách mạng giáo sản. Điều này được ông tuyên bố ngay trong buổi truy điệu Hoà thượng Ký Thiền vào năm 1913.

Về cách mạng giáo lí: Hoà thượng Thái Hư phân toàn bộ Phật pháp thành 3 hệ thống: Giáo lí chung của năm thừa; Giáo lí chung của ba thừa, và Giáo lí của Đại Thừa (gồm: Pháp không quán hệ, Pháp tướng duy thức, và Chân như tỉnh thức); chia tất cả tam tạng kinh điển Phật giáo thành ba văn hệ Phật giáo gồm: Văn hệ Pali, Văn hệ Tây Tạng và Văn hệ Hán tạng. Cách mạng giáo lí được Hoà thượng thực hành bằng những việc cụ thể như thuyết giảng, trước thuật, lập các Phật học viện và Đồ thư quán. Theo ông, trung tâm của cách mạng giáo lí là phải xóa bỏ những suy nghĩ và hành động mê tín làm ngu muội con người, tích cực nêu cao tinh thần “tự lợi lợi tha” của Phật giáo Đại Thừa để thực hành cải tạo xã hội.

Về cách mạng giáo chế: Nội dung này được Hoà thượng Thái Hư phác hoạ cụ thể trong tác phẩm Chỉnh lí chế độ Tăng già. Theo đó, trước tiên, ông quan niệm, tất cả hàng Phật tử (bậc tại gia gồm Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di và Thức Xoa Ma Na; bậc xuất gia gồm Sa Di, Sa Di Ni, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni) đều có hai chức nghiệp: Thế nghiệp là phục dịch công vụ và nghề nghiệp sinh sống; và Đạo nghiệp là thực hành Phật pháp và phát triển trí đức. Để hiện thực cách mạng giáo chế, Hoà thượng đã cho thành lập các đoàn thể Phật học, các tổ chức Phật giáo và tổ chức xã hội khác. Ông cho rằng, trong việc chỉnh lí Tăng già, cần đặc biệt chú trọng đến bậc xuất gia. Bởi vì, họ phải lãnh đạo các tổ chức xã hội. Sự lãnh đạo của họ bao gồm cả Thân giáo (tự thân thực hành), Khẩu giáo (truyền bá giải thích) và ý giáo (tư tưởng thâm nhập). Mặc dù vậy, ông cũng không quên nhấn mạnh đến vai trò của bậc tại gia và mối quan hệ chặt chẽ giữa bậc xuất gia với bậc tại gia trong sự nghiệp chấn hưng Phật giáo. Trung tâm của cách mạng giáo chế, theo ông, là phải cải cách chế độ sinh hoạt tổ chức của Tăng già, xây dựng Tăng đoàn thích ứng với nhu cầu thời đại.

Về cách mạng giáo sản: Cách mạng giáo sản là sử dụng tất cả động sản và bất động sản của Phật giáo vào công việc Phật giáo, chẳng hạn như: kiến thiết Phật học viện, đào tạo Tăng tài, thành lập các tổ chức văn hóa Phật giáo, các tổ chức từ thiện Phật giáo. Nội dung cách mạng giáo sản còn thể hiện bằng nguyên tắc sinh lợi: “Như lí cầu tài, như lí thọ dụng”, nghĩa là sinh lợi hợp lí và sử dụng hợp lí(9). Hoà thượng Thái Hư nhấn mạnh, trung tâm của cách mạng giáo sản là phải thay đổi những quy định cũ về kế thừa tài sản tự viện thành chế độ công hữu của Tăng chúng thập phương, đồng thời bồi dưỡng các bậc cao tăng thạc đức, bồi dưỡng các thanh niên tăng để thực hiện tốt các hoạt động Phật giáo.

Trong ba nội dung cải cách Phật giáo, Thái Hư Đại sư nhấn mạnh, cách mạng giáo chế là căn bản nhất và quan trọng nhất, bởi vì chỉ có bồi dưỡng được Tăng già chân chính, xây dựng được chế độ tổ chức nghiêm cách, thì mới bảo đảm được việc thực thi cách mạng giáo lí và cách mạng giáo sản.

Việc Hoà thượng Thái Hư xây dựng và đề cao thuyết “Nhân sinh Phật giáo” từ năm 1928 cũng là một biểu hiện tiêu biểu tư tưởng cải cách Phật giáo của ông. Tư tưởng “Nhân sinh Phật giáo” của ông thể hiện ở 4 phương diện chính: Một là, Phật giáo phải biến chuyển theo tinh thần văn hoá khoa học thế giới hiện đại. Hai là, lấy tinh thần nhân sinh Phật giáo Đại Thừa để chỉnh lí Tăng sĩ hiện có, xây dựng một chế độ Tăng già thích ứng với hoàn cảnh xã hội mới. Ba là, tuyên truyền mạnh mẽ “Nhân sinh Phật giáo” để thu hút người mới tin theo đạo Phật và khai hoá những người đã theo đạo Phật, đoàn kết họ lại xây dựng một tổ chức Phật tử thích ứng với xã hội đương thời. Bốn là, hoằng dương “Nhân sinh Phật giáo” sâu rộng trong toàn dân, làm cho nhân dân thuộc các lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp hoà nhập giáo lí thập thiện của Phật giáo.

Tôn chỉ căn bản tư tưởng “Nhân sinh Phật giáo” của Hoà thượng Thái Hư là lấy tinh thần “Xá kỉ lợi nhân”, “Nhiêu ích hữu tình” của Phật giáo Đại Thừa để thay đổi xã hội và nhân loại, xây dựng nhân cách và Tăng cách hoàn thiện; là Phật giáo hiện tại phải gắn bó mật thiết với đời sống nhân gian.

Tóm lại, tư tưởng cải cách của Hoà thượng Thái Hư là dùng Phật pháp để biến đổi không chỉ hiện trạng Phật giáo mà còn cả hiện trạng xã hội thế tục đương thời, từ đó mong muốn xây dựng một “Nhân gian Tịnh Độ” ngay tại hiện thế. Hoà thượng Thái Hư tuy mất vào ngày 17 tháng 3 năm 1947 , nhưng những tư tưởng cải cách Phật giáo của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ đến tăng sĩ, Phật tử và thiện tín không những ở Trung Hoa mà còn ở nhiều nước Châu Á đương thời và hiện nay.

4. Tiến sĩ Bhimrao Ramji Ambedkar (1891-1956)

Bhimrao Ramji Ambedkar sinh ngày 14 tháng 4 năm 1891 tại Bang Maharastra, trong một gia đình thuộc giai cấp Paria, giai cấp cùng khổ nhất trong xã hội Ấn Độ cả về phương diện vật chất lẫn phương diện tinh thần.

Thuở nhỏ, do thân phận giai cấp cùng đinh, B.R. Ambedkar đã không được đến trường học. Tuy nhiên, may mắn là, do cha ông phục vụ trong quân đội Ấn Độ biết được chút ít tiếng Anh, nên song song với việc học ngôn ngữ bản địa, ông còn học thêm tiếng Anh với cha mình. Sau này, tuy được nhận vào một số ngôi trường phổ thông, nhưng nhiều giáo viên đã từ chối việc giảng dạy cũng như kiểm tra bài tập cho một học trò thuộc giai cấp cùng đinh như ông. Mặc dù vậy, với khả năng thông minh vốn có và ý chí kiên định của mình, vượt qua biết bao khó khăn, ông đã trúng tuyển vào Trường Đại học Bombay năm 1908. Đây là một sự kiện lạ lùng và hi hữu đối với một thanh niên thuộc giai cấp hạ tiện trong xã hội Ấn Độ đương thời.

Sau khi tốt nghiệp hai bằng cử nhân (Chính trị và Kinh tế) trong nước và làm việc trong một thời gian ngắn tại Bang Baroda, B.R. Ambedkar nhận được học bổng của Bang này cho du học tại Trường Đại học Columbia, Hoa Kỳ. Hoàn thành chương trình cao học ở Hoa Kỳ năm 1915, năm 1916 ông qua London, nước Anh, học ngành Kinh tế học. Năm 1917, hết học bổng, ông trở về nước kiếm sống bằng nhiều nghề khác nhau như: làm thư kí quân đội, làm gia sư, giảng dạy ở đại học, viết báo, v.v… ở đâu và làm việc gì, ông luôn gặp sự phân biệt đối xử giai cấp. Năm 1920, ông trở lại London, nước Anh, để tiếp tục việc học tập và nghiên cứu. Năm 1923, ông nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế học của Trường Đại học London.

Sau khi nhận bằng Tiến sĩ của Trường Đại học London, B.R. Ambedkar trở về nước, cho dù luôn gặp trở ngại trong hoạt động, nhưng ông vẫn đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong sự nghiệp chính trị của mình: đề cử vào Hội đồng Lập pháp Bombay (1926), quyền Chủ tịch Bombay (1928), thành viên của Uỷ ban Quốc hội về Cải cách Hiến pháp (1932), Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Bombay (1935), thành lập Đảng Lao động (1935), đề cử trong Uỷ ban Cố vấn Quốc phòng (1941), đề cử vào Uỷ ban Lập pháp Ấn Độ (1947), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Ấn Độ (1947), đệ trình và được chấp thuận bản Dự thảo Hiến pháp Ấn Độ (1949)(10), v.v…

Về hoạt động Phật giáo, năm 1935, B.R. Ambedkar bắt đầu phát động phong trào vận động nhân dân cùng đinh cải đạo từ Ấn Độ giáo sang Phật giáo.

Năm 1949, B.R. Ambedkar tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới tổ chức tại Kathmandu, Nepal. Tại hội nghị này, ông đã thuyết trình tham luận Chủ nghĩa Mác so với Phật giáo. Tháng 12 năm 1950, ông tham dự Đại hội Liên hữu Phật tử Thế giới do Hội Thanh niên Phật giáo Sri Lanka tổ chức tại thành phố Kandy. Trong đại hội này, ông kêu gọi những người nghèo khổ Sri Lanka hãy trở về với đạo Phật.

Tháng 7 năm 1951, B.R. Ambedkar thành lập Hội Bảo tồn Tăng đoàn Đức Phật (Bharatiya Bauddha Janasangha). Tháng 9 năm 1951, ông biên soạn bộ Con đường Thanh tịnh của Đức Phật (Bauddha Upasana Patha). Cũng trong năm này, ông bắt đầu biên soạn tác phẩm Đức Phật và Giáo pháp của Ngài (The Buddha and His Dharma).

Năm 1954, B.R. Ambedkar được bầu chọn làm đại biểu danh dự trong Đại hội Phật giáo Thế giới tổ chức tại Rangoon, thủ đô Myanmar. Năm 1955, ông thành lập Hội Phật giáo Ấn Độ; tiếp tục khuyến khích người dân cải giáo theo đạo Phật.

Sau nhiều năm tích cực tuyên truyền và vận động, ngày 14 tháng 10 năm 1956, B.R. Ambedkar cùng hơn 50 vạn người đã tập trung về Nagpur thuộc Bang Maharastra làm Lễ Quy y Tam Bảo và thọ trì Ngũ giới. Đây là một sự kiện vô cùng trọng đại đối với bản thân B.R. Ambedkar nói riêng, với lịch sử Phật giáo Ấn Độ nói chung.

Tại buổi Lễ Quy y tập thể, B.R.Ambedkar đã phát biểu: “Nhờ từ bỏ tôn giáo cũ (Ấn Độ giáo), một tôn giáo dựa trên sự bất bình đẳng và áp bức, hôm nay tôi được tái sinh. Tôi không tin vào triết lí Thượng Đế tái sinh. Thật là một sai lầm và quái gở khi cho rằng Đức Phật là hóa thân của thần Visnu. Tôi không còn là tín đồ của Thượng Đế hay bất cứ Nữ thần nào của Ấn Độ giáo. Tôi sẽ không làm Lễ Sraddha nữa. Tôi sẽ tuyệt đối sống theo Bát Thánh Đạo của Đức Phật. Phật giáo là một tôn giáo đúng đắn. Trí tuệ, từ bi và chính đạo là các nguyên lí soi đường của Phật giáo”(11).

Ông nhấn mạnh cảm giác sung sướng của người cải đạo theo Phật giáo: “Tôi đã phát động phong trào từ bỏ Ấn Độ giáo vào năm 1935 và từ dạo đó, tôi đã không ngừng đấu tranh. Cuộc cải đạo theo Phật giáo này khiến tôi vô cùng hài lòng và sung sướng không thể tưởng tượng được. Tôi thấy mình như được thoát ra khỏi Địa Ngục”(12).

Có thể thấy, như lời tuyên bố của B.R. Ambedkar trong lễ Quy y và những tâm sự sau này của ông, ông cải đạo vì tin tưởng rằng Phật giáo là con đường duy nhất sẽ đưa người cùng khổ ra khỏi sự kiềm tỏa tinh thần của Ấn Độ giáo và nâng cao hơn đời sống vật chất cho họ. Đương thời, có nhiều tôn giáo, như Công giáo, Islam giáo, Sikh giáo tìm mọi sách quyến rũ, nhưng B.R. Ambedkar lại quyết định chọn Phật giáo. Bởi theo ông, giáo pháp của Đức Phật chứa đựng nhiều tiêu chuẩn tích cực như nhân ái, nhân bản, khoan dung, khoa học, tự do và đặc biệt là sự bình đẳng.

Sau lễ Quy y không lâu, B.R. Ambedkar đến Delhi nói chuyện về Phật giáo cho mọi tầng lớp nhân dân. Vài tuần sau, ông tham dự Hội nghị Phật giáo Thế giới lần IV được tổ chức tại Kathmandu với bài phát biểu về Đức Phật và Karl Marx. Trên đường về Delhi, ông nói chuyện về Phật giáo 2 lần tại Benares và viếng thăm Kusinagar, nơi Đức Phật nhập Niết Bàn.

Trong thời gian này, mặc dù bận rộn nhiều Phật sự, nhưng B.R. Ambedkar vẫn sắp xếp thời gian hoàn thành hai tác phẩm: Đức Phật và Karl Marx và Đức Phật và Giáo pháp của Ngài.

B.R. Ambedkar mất ngày 5 tháng 12 năm 1956, ngay sau khi viết xong các phần Lời tựa và Lời Dẫn nhập cho tập sách Đức Phật và Giáo pháp của Ngài.

Vào những thập niên nửa cuối thế kỉ XX, phong trào cải đạo theo tinh thần của B.R. Ambedkar vẫn tiếp tục được vận động và tiến hành ở Ấn Độ. Ngày 4 tháng 11 năm 2001, nghĩa là 56 năm sau khi B.R. Ambedkar mất, dân nghèo Ấn Độ đã tiến hành cải đạo theo Phật giáo trong một Lễ Quy y Tam Bảo tập thể với số lượng lên tới trên 50 vạn người. Đây là Lễ Quy y với số lượng tín đồ Phật giáo khổng lồ lần thứ 2 trong lịch sử Ấn Độ và thế giới .(13)

Một vài nhận xét bước đầu

1. Qua những hoạt động cụ thể của các nhân vật Phật giáo tiêu biểu đã trình bày, có thể nhận thấy, ở từng quốc gia, nội dung phong trào chấn hưng Phật giáo có những biểu hiện khác nhau. Do đó, trong giới khoa học xuất hiện một số thuật ngữ để chỉ phong trào này như: chấn hưng Phật giáo, phục hưng Phật giáo, canh tân Phật giáo, cải cách Phật giáo, hiện đại hoá Phật giáo,… Nhưng nhìn chung, xét về mặt bản chất của sự kiện, Nguyễn Duy Hinh đã khá xác đáng khi cho rằng, việc Phật giáo nhiều nước Châu á tiến hành chấn hưng hay hiện đại hoá là nhằm thích ứng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và khoa học xã hội hiện đại, thích ứng với tình hình từng quốc gia Châu á bị thực dân hoá nay đấu tranh giành độc lập, truy cầu một nền văn hoá dân tộc đối kháng với văn hoá Phương Tây(14).

2. Theo quy luật sinh học tự nhiên, các nhân vật Phật giáo tiêu biểu nêu trên đều thị tịch, nhưng rõ ràng là những tư tưởng chấn hưng, cải cách Phật giáo của họ thì còn ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ trong giới Phật giáo mà còn ra cả ngoài xã hội thế tục đương thời cho đến các giai đoạn sau này và hiện nay ở từng quốc gia lẫn quốc tế. Kết quả mà từng nhân vật Phật giáo nói riêng, phong trào chấn hưng Phật giáo các quốc gia Châu á nói chung đã đạt được hay một số ý đồ đặt ra chưa thể thực hiện được vẫn còn nguyên giá trị lí luận và giá trị thực tiễn đối với sự phát triển của Phật giáo trong giai đoạn hiện nay.

3. Từ Sri Lanka, Ấn Độ, Trung Quốc, với sự hoạt động tích cực của các nhân vật Phật giáo xuất chúng đã nêu, nhất là những đóng góp quan trọng của ngài Henry Steel Olcott, Pháp sư Anagarika Dharmapala và Hoà thượng Thái Hư, ngọn gió chấn hưng Phật giáo, bằng nhiều con đường và nhiều cách thức, đã thổi sang các nước ở Châu á khác như: Nhật Bản, Myanmar, Việt Nam, v.v…

Riêng phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam, diễn ra từ cuối thập niên 20 thế kỉ XX, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ nhất và trực tiếp nhất từ phong trào chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, đặc biệt là những tư tưởng cải cách Phật giáo của Hoà thượng Thái Hư. /.

TS Lê Tâm Đắc

Bài khác nên xem

Tưởng niệm cố Hoà Thượng Thích Hạnh Phát – Ân Sư, Cố Vấn Giáo Hạnh BHD GĐPT Cam Ranh

phuocthanh

Kinh Công Đức Tắm Phật

phuocthanh

Quy Y Tam Bảo

datthinh