Tập Truyện Ngắn Của Quảng ý Bùi Nguyễn Hiệp

XUÂN VỀ

Xuân về, trăm hoa khoe sắc, chim hót líu lo, cây cối đâm chồi nảy lộc. Cùng với sự chuyển mình của thiên nhiên, loài người cũng rộn ràng đón chào mùa xuân – mùa báo hiệu một năm mới bắt đầu. Đây cũng là thời điểm mọi người tất bật lo tổng kết cuối năm, lo tất niên, lo chuẩn bị đón Tết… Đường phố nhộn nhịp hẳn lên, các bãi giữ xe không còn chỗ chứa, hàng hoá bày bán la liệt khắp nơi, người ta chen nhau đi mua sắm. Ai cũng tất bật, vội vàng.

Hoà mình vào dòng người nhộn nhịp, nhìn mọi người chen chúc nhau, lăng xăng tới lui, tôi chợt thấy thật thương mình và thương mọi người. Thương vì thấy sao mình cứ lăng xăng mãi, cứ luẩn quẩn mãi, rồi để làm gì ?

Tạt vào một quán cà phê bên đường phố, tôi ngắm nhìn dòng người qua lại và để mặc cho dòng suy nghĩ miên man. Nhìn lại một năm qua, đã có những lúc tôi tự đắc với những thành công, cười hài lòng với những điều mình đạt được ; nhưng những niềm vui đó không tồn tại được lâu, để rồi có những lúc giận run lên vì những điều bất như ý, hay có lúc thất vọng não nề vì những thất bại trong cuộc sống. Càng nghĩ, tôi càng thấy tội nghiệp cho mình quá. Loay hoay mãi với những vui buồn, hờn giận, cứ mãi để ngoại cảnh chi phối mình, để rồi đánh mất chính mình lúc nào không biết và cứ để dòng đời cuốn mình trôi lăn theo nó cùng những dục vọng, được mất, hơn thua…..

Vô số những người đang chen lấn ngoài kia, họ đang vội vã vì điều gì? Điều đó có mang lại cho họ niềm vui và hạnh phúc không? Và hạnh phúc đó tồn tại được bao lâu?  Câu thơ của một vị Thiền Sư chợt thoáng qua trong tôi :

« Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua sân trước một nhành mai »

Ý nghĩa thâm sâu của câu thơ thì tôi chưa thể hiểu được, nhưng chỉ với hai chữ « Đừng tưởng » đã làm tôi phải suy nghĩ nhiều. Tôi tự vấn : Đừng tưởng mình có chút ít kiến thức học được ở thế gian mà ra vẻ hơn người. Cái kiến thức thế gian ấy dù là đại học hay tiến sĩ thì chỉ cần một cái trượt chân vấp ngã, đầu va vào đâu đó là đã tiêu tan hết rồi. Nhớ lại gương Ngài A Nan, là vị đa văn đệ nhất, thuộc hết các bài thuyết pháp của Đức Phật đã thuyết trong 49 năm, mà đến lúc Phật nhập Niết Bàn, A Nan vẫn chưa chứng được A la hán, thì cái kiến thức cỏn con giả tạm của mình nào có nghĩa lý gì ? Và cũng đừng tưởng mình có chút ít tài cán nào đó là có quyền coi thường những người khác. So với việc tu chứng của các vị chân tu thì những tài vặt ấy nào có nghĩa gì, đôi lúc lại làm cho cái TA lớn lên và trở thành vật cản trên bước đường tu học. Nhớ Ngài Huệ Năng xuất thân từ chốn quê mùa, bản thân không biết chữ mà đã trở thành một vị Tổ Sư, còn Ngài Thần Tú thông thuộc kinh sách, đứng đầu hơn 500 vị Tăng thì vẫn chưa thể vào cửa Đạo.

Tôi ngẫm nghĩ hình ảnh « xuân tàn » và « hoa rụng hết », đó là lẽ thường của thiên nhiên theo luật Vô thường : xuân đến rồi lại đi, hoa nở rồi tàn, con người được sinh ra, lớn lên rồi chết đi, không ai thoát khỏi luật vô thường ấy cả. Nhưng câu thơ tiếp khiến tôi suy nghĩ nhiều :  « Đêm qua sân trước một nhành mai ». Có một cái gì đó đang đi ngược với quy luật  thiên nhiên, không giống với những điều con người đang lầm tưởng. Hình ảnh ấy khiến tôi liên tưởng đên những con người đang cố bơi ngược dòng đời để tu học. Họ là những Phật tử chân chánh, nghiêm trì pháp học và pháp hành. Khác với những người xung quanh, họ làm những việc mà người đời cho là ngớ ngẩn : họ không màng đến danh lợi, không bon chen vì sự giàu sang, họ sống bình thản giữa cuộc sống xô bồ, mỉm cười khi có chuyện vui cũng như lúc có chuyện buồn, mỉm cười với tất cả mọi người, kể cả với những người tìm cách hãm hại họ. Tâm họ luôn bình lặng thì làm sao ngoại cảnh chi phối được họ.

Tôi đứng lên trả tiền ly cà phê và hoà mình vào dòng người. Tiếng gọi mời mua hàng vang lên náo nhiệt khắp nơi. Vậy là năm con Gà sắp qua đi và năm con Chó đang đến gần. Cũng hình ảnh con gà suốt ngày đi kiếm ăn nhưng mỗi người lại nhìn theo một cách khác nhau : có người ví nó là một con vật cần cù luôn chăm chỉ tìm thức ăn, nhưng cũng lại có người ví đó là hình ảnh của lòng tham không đáy, suốt ngày đi bươi bới mà vẫn thấy chưa vừa. Quả thật cái nhìn của con người với một sự vật chỉ mang tính phiếm diện, thế nên tốt xấu ở đời cũng còn tuỳ thuộc vào quan điểm, sở thích của từng người:

« Thương nhau quả ấu cũng tròn

                    Ghét nhau quả bồ hòn cũng méo… »

Quả thật tôi thấy mình rất tội nghiệp khi cứ mãi loay hoay và bị chi phối bởi những cái giả tạm ấy.

« A, xin chào ! », một giọng nói quen thuộc vang lên khiến tôi giật mình, thì ra là một anh huynh trưởng GĐPT đang mỉm cười thật tươi với tôi. Sau cái bắt tay thật chặt, anh chào tôi rồi lại tiếp bước. Nụ cười hiền lành ấy, cái bắt tay chân thành ấy khiến lòng tôi ấm lại. Hình ảnh các anh chị em Áo Lam chợt hiện rõ trong trí óc tôi.Từng anh, từng chị với mái tóc bạc trắng và các em Oanh vũ còn phát âm chưa rõ, tất cả là anh chị em của nhau, cùng nắm chặt tay nhau trên bước đường tu học, mọi ranh giới về tuổi tác, địa vị đã bị xoá nhoà. Chắc hẳn nhiều anh chị em cũng đang hoà mình vào dòng người này, cũng có một cuộc sống bình thường như bao người khác, nhưng các anh chị là những con người thật khác, khác vì đó là những người đang cố bơi ngược dòng đời, đang tự nguyện đứng vào tổ chức áo Lam để quyết tâm tu học. Họ sống giữa cuộc đời đầy đau khổ nhưng tâm họ luôn hướng về bến bờ giải thoát, như hình ảnh chiếc huy hiệuHoa Senmà họ luôn mang trong tim : gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Họ không chỉ lo cho bản thân mình mà còn lo cho bao người khác được tu học.

Tôi chợt mỉm cười một mình : tôi thật hạnh phúc vì đã được biết đến giáo lý của Đức Phật, đã chọn được một con đường đi, không phải để đến với vinh quang hay thành đạt, mà đến với bến bờ giải thoát, đến với hạnh phúc thật sự, vĩnh hằng. Tôi huýt sáo nho nhỏ, phía trước tôi là con đường đã chọn, và tôi quyết tâm đi theo con đường đó. Tôi ngước nhìn bầu trời, trên cao kia, những đám mây trắng bồng bềnh trôi, an nhiên, tự tại, quả thật là :

Thênh thang như mây trời

Ung dung tan hợp với đời”

Tôi trở về nhà, lòng thật thanh thản. Trong vị đắng còn sót lại của ly cà phê lúc nãy còn có những vị ngọt vẫn còn đọng trên đầu lưỡi.

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

 ÔNG TÁI MẤT NGỰA

Chuyện xưa kể rằng: Ông Tái có duy nhất một đứa con trai và một con ngựa quý. Một hôm, con ngựa của ông bỏ đi đâu mất, bà con lối xóm đến hỏi han chia sẻ, ông bảo:

–  Thật cảm ơn bà con, nhưng việc con ngựa quý bỏ đi như thế  cũng chưa biết là rủi hay may.

Mấy hôm sau, con ngựa quý của ông trở về, dắt theo một con ngựa quý đồng loại khác. Bà con lối xóm kéo đến xem ngựa và chia vui cùngông Tái. Ôngchỉ thản nhiên nói:

–        Cũng thật chưa biết là may hay rủi.

Đứa con trai của ông rất thích con ngựa mới, tìm cách leo lên lưng nó để cưỡi, không may bị con ngựa lạ hất tung xuống đất đến nỗi gãy chân. Bà con lối xóm lại kéo đến thăm hỏi, ông Tái vẫn thản nhiên cảm ơn bà con và bảo:

–        Trong cái rủi có ẩn cái may!

Quả vậy, đất nước bị chiến tranh. Tất cả trai tráng khỏe mạnh trong làng đều xung trận, con trai ông Tái vì bị gãy chân nên được miễn quân dịch… Câu chuyện còn nữa với những sự được mất không hề làm xao lòngông Tái. Nhưngcâu chuyện cho chúng ta một bài học rằng: Không vướng bận được mất như ông Tái thì quả thật cuộc sống thật an lành, hạnh phúc.

Nhớ đến chuyện ông Tái vì nhà tôi cũng liên tiếp gặp chuyện không may vào những ngày cuối năm. Quả thật là “Họa vô đơn chí”. Hai đứa em gái mới bị tai nạn xe máy, may là chỉ bị trầy xướt phần mềm ở chân; vết thương chưa lành thì nhà lại bị ăn trộm viếng thăm. Bọn trộm lợi dụng lúc cả nhà đi vắng rồi đột nhập vào cạy tủ lấy hết tiền, vàng, nữ trang… Đó là những của hồi môn mà hai bên nội ngoại đã cho vợ chồng tôi trong ngày cưới để làm vốn, đó là của cải dành dụm của gia đình tôi trong thời gian dài. Vậy mà chỉ trong thoáng chốc là tan biến đi hết, ngay cả trong mơ chúng tôi cũng không dám nghĩ đến cảnh này chứ đừng nói là một thực tế rành rành trước mắt. Ôi, giờ đây chúng tôi mới thật thấm thía hai chữ VÔ THƯỜNG.

Khi công an đến lập biên bản và khám xét hiện trường, bà con lối xóm đã tụ tập đến để hỏi han khá đông. Tôi nghe rõ những tiếng bàn tán từ phía đám đông:

– Mất rồi thì làm sao mà tìm lại được. Chỉ mò kim đáy bể thôi.

– Thôi, của đi thay người vậy…

Lâm vào tình trạng dở khóc dở cười này, tôi chợt nhớ đến câu chuyện củaông Tái. Chả mong được như ông, nhưng tôi cũng thầm nghĩ: “Mình còn chưa biết mạng sống của mình sẽ mất đi lúc nào chứ nói gì đến của cải vật chất…” Lòng tôi chợt nhẹ bớt. Chắc tại kiếp trước mình cũng đã ăn trộm của người khác nên kiếp này phải nhận quả báo đấy thôi.

Các anh chị,cô bác Phật tử ở chùa nghe tin gia đình chúng tôi liên tiếp trả nghiệp nên đến chia sẻ, động viên:

– Mất của thì cũng đau lòng lắm nhưng nếu tin vào luật nhân quả thì đây là lúc mình phải trả nghiệp từ nhiều kiếp trước. Thôi gia đình em hãy bình tĩnh, tinh tấn tu học nhiều hơn nữa, cố gắng làm nhiều việc lành, tránh xa mọi điều xấu để sau này gặt hái những kết qủa tốt đẹp. Coi như mình mới trả xong một nghiệp là đã bớt đi một gáng nặng rồi đó.

Quả thật trong cái rủi có cái may. Gia đình tôi bị mất đồ đạc vật chất nhưng lại nhận được những tình cảm cao quý, những giá trị tinh thần từ bà con, bạn bè… mà lúc bình thường thật khó cảm nhận được hoặc chỉ cảm nhận lờ mờ. Vậy là gia đình chúng tôi lại có thêm một bài học hay từ thực tế.

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

 

 BA MẸ LÀ QUÊ HƯƠNG !

Đến lễ Vu Lan, người ta càng nghĩ về ba mẹ nhiều hơn, đặt biệt là người Phật tử. Thú thật, với bản thân tôi, khi đã trưởng thành, công việc mưu sinh và trăm ngàn công việc, lo toan khác đã chiếm gần hết tâm trí nên tôi ít có thời gian nghĩ đến và chăm sóc ba mẹ.

Độ này, cả ba và mẹ đều hay đau bệnh, tóc ba mẹ đã bạc nhiều hơn. Cả cuộc đời lao khổ lo cho đàn con ăn học nên người, rồi bao tai ương đổ xuống gia đình mà ba mẹ là người trực tiếp gánh chịu, giờ đây sức lực của ba mẹ đã giảm sút nhiều. Gánh nặng của bệnh tật, của tuổi già, của bao tháng ngày vất vả đang hằn lên đôi vai gầy của ba mẹ.

Gia đình tôi vốn xuất thân từ nghề nông. Ba thì lo công việc làm vườn, mẹ thì vừa làm vườn vừa lo việc đan len để nuôi chúng tôi ăn học. Lúc tôi còn nhỏ, mọi thứ đều thiếu thốn. Ba phải ra vườn từ lúc trời chưa sáng để tưới cây. Tôi thường theo ba để giúp ba đỡ ống dây tưới. Trời Đà Lạt sáng sớm rét căm căm, ba nhường cho tôi những chiếc áo khoác ấm nhất, thế mà tôi vẫn cảm nhận cái lạnh giá qua bàn tay tê cứng; còn ba chỉ choàng một chiếc áo khoác mỏng manh và phải cầm vòi sen tưới nước, những cơn gió thổi qua tạt nước tứ tung làm người ba ướt sũng. Không biết ba lạnh đến mức độ nào…Còn mẹ, ngoài những lúc phụ giúp ba làm vườn, mẹ chật vật với cái máy đen len cũ suốt cả ngày đêm để kiếm thêm tiền lo cho chúng tôi ăn học. Cơn bệnh dạ dày luôn hành hạ mẹ, vậy mà mẹ vẫn cố thức thật khuya để làm việc. Anh em chúng tôi lớn lên trong mồ hôi, nước mắt và tình thương yêu vô bờ của ba mẹ.

Tuy nghèo khổ nhưng ba mẹ tôi rất nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Trong nhà luôn để sẵn một cái roi, hễ anh em chúng tôi làm điều gì sai trái, ba chỉ nói ngắn gọn: “Nằm lên phản!”, thế là chúng tôi lấm lét leo lên chiếc phản gỗ và nằm sấp xuống chờ đợi. Ba rút cái roi từ góc nhà và phát thật đau vào mông chúng tôi mỗi đứa 3 cái, rồi ba quát: “Đứng dậy!”. Như đã được huấn luyện sẵn, chúng tôi lật đật đứng dậy, khoanh 2 tay trước ngực và mếu máo: “Dạ xin lỗi ba, lần sau con không dám tái phạm nữa”. Ba nghiêm nét mặt và dặn dò chúng tôi: “Lần sau đứa nào hư thì phạt gấp đôi, nghe chưa!” Rồi ba lặng lẽ quay đi. Còn mẹ, mẹ chỉ im lặng làm việc, chúng tôi thường hướng ánh mắt về mẹ cầu cứu nhưng mẹ làm ra vẻ không để ý gì. Chờ cho ba nguôi giận và đi ra ngoài, mẹ kéo chúng tôi vào lòng, xoa đầu từng đứa, mẹ thủ thỉ: “Ba đánh là đánh vào cái hư, cái xấu của các con để sau này không còn cái hư, cái xấu trong người nữa. Lần sau đừng có hư nữa, nghe chưa!”

Những trận đòn và những lời răn dạy ngiêm khắc của ba,  những lời khuyên ân cần của mẹ đã gieo vào chúng tôi biết bao điều hay, lẽ phải. Tất cả anh em chúng tôi đều khép mình vào kỷ luật của gia đình. Khi ai muốn đi đâu thì đều phải xin phép ba mẹ, ngồi vào bàn thì phải chờ đầy đủ mọi người rồi cùng ăn cơm, trước khi ăn phải mời hết thảy các người lớn, gặp người lớn phải cung kính vòng tay chào, gặp người hoạn nạn thì tuỳ sức của mình mà giúp đỡ… Và còn hàng trăm điều lớn nhỏ khác mà ba mẹ dạy dỗ đã huân tập vào chúng tôi những chủng tử tốt lành.

Một duyên lành đối với gia đình chúng tôi là cả ba và mẹ đều là Huynh trưởng gia đình Phật tử (GĐPT). Tôi nhớ lúc còn nhỏ, ba mẹ đã dẫn chúng tôi đến sinh hoạt GĐPT ở chùa. Anh chị em chúng tôi tuỳ theo lứa tuổi, giới tính mà được đưa vào sinh hoạt ở các đoàn phù hợp. Cứ mỗi buổi sáng chủ nhật thì cái gia đình Phật tử nhỏ của chúng tôi lại dắt nhau đến cùng sinh hoạt với GĐPT lớn ở chùa. Có lẽ nhờ phúc duyên đó mà sau này gia đình chúng tôi luôn giữ vững con đường tu học dù phải gánh chịu bao nghịch duyên của cuộc đời. Những lúc gia đình gặp hoạn nạn, ba luôn động viên anh chị em chúng tôi cần phải thương yêu nhau nhiều hơn để cùng vượt qua khó khăn, ba bảo: “Là Phật tử thì mình cần phải cám ơn nghịch cảnh vì nó cho mình những bài học quý. Trong gian nan mới biết được sức mình và thúc đẩy thêm việc tu học…” Còn mẹ thì dạy cho chúng tôi bài hát: “Cám ơn bùn cho sen thêm ngát, cám ơn rác cho hồng thêm hoa, cám ơn ma cho ta thấy Bụt”. Tuyệt vời thay những lời khuyên của mẹ, những lời dạy của ba. Càng lớn chúng tôi mới càng thêm thấm thía với những lời dạy bảo quý báu ấy. Cả cuộc đời nuôi nấng chúng tôi nên người, ba mẹ chưa một lời than thở mà chỉ âm thầm chịu đựng mọi thiệt thòi chỉ mong sao cho chúng tôi được no ấm, được cắp sách đến trường, được bằng bạn, bằng bè.

Vậy mà giờ đây, khi chúng tôi đã khôn lớn, mỗi người có công ăn việc làm riêng, ít gần gũi với ba mẹ hơn, để lại cho ba mẹ những tháng ngày hiu quạnh. Công ơn ba mẹ như trời biển, chúng con chưa có gì để đền đáp cả. Và như Đức Phật đã dạy, dù trải qua trăm nghìn kiếp, chúng con vai trái cõng cha, vai phải cõng mẹ đi khắp quả địa cầu này, phải chịu cảnh tan xương nát thịt vì ba mẹ thì cũng chưa thể báo đáp một phần nhỏ công ơn của ba mẹ. Chúng con chỉ mong ba mẹ thân tâm luôn an lành, tinh tấn tu học theo giáo pháp của Đức Phật, luôn tìm được sự an vui trong từng giây phút, mãi là tấm gương sáng cho chúng con noi theo… “Cha mẹ thương con biển trời lai láng”, chúng con biết ba mẹ không bao giờ phiền trách chúng con, mà chỉ luôn nghĩ đến chúng con với lòng thương yêu vô bờ bến.

Về phía chúng con, chúng con sẽ luôn nhớ lời dạy bảo của ba mẹ, luôn siêng năng tinh tấn tu học, làm lành lánh ác, biết sám hối lỗi lầm… và không để ba mẹ phải phiền lòng hay hổ thẹn khi nhắc đến chúng con.

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

 ÔNG NĂM

 

Ngồi trên chiếc ghế nhỏ đặt trước hiên nhà, ông Năm lơ đãng nhìn những hạt mưa dày đặc đan xéo ngoài sân. Ông dõi mắt theo những dòng nước chảy trên nền đất, đổ vào con mương nhỏ trước nhà rồi hòa nhập vào con suối lớn. Ông chợt mỉm cười nhẹ nhàng, tâm ông giờ đây thật thanh thản…

Ông nhớ lại cách đây không lâu, lúc ông còn vướng phải một thói quen mà ông biết là không có lợi cho mình, đó là thói quen uống rượu. Ông không nhậu nhẹt say sưa, cũng không làm gì quá đáng những lúc uống rượu vào. Ông chỉ uống giải khuây với mấy ông bạn già và với mấy người anh em thân thiết, sau đó về nhà nằm nghỉ. Lúc đó ông nghĩ rằng như thế cũng chẳng có hại gì, vì ông uống rượu chỉ để giải khuây chứ không làm phiền đến ai và cũng không uống quá say để hại đến sức khỏe. Cho đến khi ông cảm thấy đau nhói ở vùng bụng, đến khám bác sĩ thì mới biết là vết loét ở bao tử đã bị biến chứng. Ông tưởng rằng cái bệnh của ông đã lành từ lâu rồi, ai dè vết thẹo cũ ở bao tử lại tái phát khi ông uống rượu vào.

Bác sĩ kê cho ông một đơn thuốc và bảo ông phải kiêng cử các chất chua, cay cũng như bia, rượu, cà phê… Nghĩ mình tuổi đã cao, phải chú tâm chữa trị chứ không thể coi thường sức khỏe như hồi còn trai trẻ nên ông quyết tâm phải chữa cho lành bệnh. Ông kiêng hết tất cả những thứ mà bác sĩ căn dặn và uống thuốc đều đặn. Giai đoạn đầu thật khó khăn cho ông vì hầu như đã mất hết những hương vị ăn uống quen thuộc hàng ngày như khi ăn bún, phở thì không được vắt chanh vào, không được bỏ ớt cay, không được uống cà phê, đi dự tiệc thì chỉ uống nước ngọt… thật khó chịu vô cùng!

Cho đến một hôm, ông gặp người bạn cũ cùng làng ngày xưa,ông Tư Nghĩa, trong một buổi tiệc đám cưới của đứa con trai người hàng xóm. Hôm đó nhằm ngày rằm nên ông chọn bàn chay để ngồi. Một lát sau thì có thêm mấy người ngồi vào bàn cùng ông, trong đó cóông Tư Nghĩa. Haiông tay bắt mặt mừng, nói chuyện rôm rả, toàn là những kỷ niệm ngày xưa lúc thời trai trẻ. Sau buổi tiệc, ông Năm mờiông Tư Nghĩavề nhà mình để tiếp tục hàn huyên. Hôm đó nhà ông Năm đi vắng hết, ông vừa mở khóa cửa bước vào nhà thì việc làm đầu tiên củaông Tư Nghĩalà bước đến gian nhà thờ Phật, đốt nhang và kính cẩn vái ba vái trước bàn thờ Phật. Việc làm này khiến ông Năm bất ngờ kèm thêm sự cảm phục về tâm thành đối với Đạo Phật của người bạn cũ. Ông lặng lẽ pha trà với một niềm vui mới được nhen nhúm, ông biết mình vừa tìm thêm được một người bạn đạo.

Pha xong ấm trà, ông Năm ngồi xuống chiếc ghế đối diệnông Tư Nghĩavà cất giọng trầm ngâm:

– Kỳ này anh còn hay đi chùa không?

–  Vẫn đi đều, ba mươi, mồng một, mười bốn, rằm thì đến chùa sám hối, ngày thường thì đến làm công quả ở chùa, rồi cùng ban nghi lễ đi tụng kinh kỳ an, kỳ siêu cho các gia đình trong xóm, thỉnh thoảng đi nghe thuyết pháp hay đi thọ bát…

Không đợi ông Tư hết lời, ông Năm thở dài:

– Anh tu học tinh tấn và tạo được nhiều phước đức quá. Còn tôi kỳ này cũng ít đi chùa lắm. Cũng nhiều vướng mắc lắm anh à, các pháp môn thì bài bác lẫn nhau, quý Thầy thì…

Như hiểu được tâm tư của ông Năm,ông Tư Nghĩa cười và bảo:

– Tôi biết những rắc rối hiện nay trong đạo Phật, những dao động trong giới Phật tử hiện nay. Nhưng tôi không để tâm nhiều lắm đến mấy chuyện đó đâu anh ạ. Ai tu nấy chứng, ai làm sai người đó mang tội. Mình cứ bị dính mắc vào những chuyện như thế thì cuối cùng mình cũng mang nghiệp tội thôi.

– Vậy theo anh, mình biết mà làm ngơ hay vẫn làm theo cái sai là không mang tội sao?

– Ai bảo anh vậy? Tôi đâu có nói thế bao giờ đâu. Mình là người Phật tử thì phải có trí tuệ chứ. Anh còn nhớ câu chuyện “Con sư tử trọng pháp không?”. Con sư tử biết rõ người bắn tên độc vào mình là một gã thợ săn mặc áo cà sa để đánh lừa nó nhưng nó thà chịu đau đớn mà chết chứ nhất quyết không làm hại đến chiếc áo cà sa mà kẻ thợ săn đang mặc. Các pháp môn trong một đạo cũng như tay với chân, không ai lại lấy tay này để đánh vào tay kia bao giờ.

Châm thêm nước vào tách trà của ông Tư, ông Năm chợt lái câu chuyện sang hướng khác:

– Kỳ này tôi cũng hay lai rai với mấy anh em bạn lắm ông à, nhưng cả tuần này vì đau bao tử nên cũng kiêng dè nhiều thứ lắm.

– Vậy anh cũng giống tôi hồi trước rồi. Trước đây một thời tôi cũng hay nhậu nhẹt lắm, nhưng từ lúc tôi bị tai nạn sau một chầu nhậu thì tôi tỉnh ngộ đến bây giờ.

– Ủa, anh bị tai nạn hồi nào?

– Cách đây gần ba năm rồi. Cũng vì nghĩ rằng tuổi già hiu quạnh nên lúc đó tôi cũng hay đi nhậu lắm. Có bữa đi ăn giỗ về, uống hơi nhiều nên khi chạy xe máy thì nhìn đường cứ nhập nhòa trước mắt, rồi lao thẳng vào cột điện bên đường, té xuống bất tỉnh luôn. May có người đi đường họ đưa đi cấp cứu chứ không thì chết hôm đó rồi. Đợt đó nằm bệnh viện hơn một tháng trời, nhìn cảnh vợ con vừa lo việc nhà, rồi việc cơ quan, vừa lo mang cơm, xách nước, chăm sóc cho mình hàng ngày, thật ân hận quá anh à. Chỉ vì một chút vui của mình mà làm khổ mình, khổ gia đình. Và trong thời gian nằm ở bệnh viện, tôi cũng nghiệm ra nhiều điều hay lắm.

–  Anh nghiệm ra điều gì?

–  Tôi thấy lúc mình ngồi uống rượu là mình ích kỷ lắm đó. Vì lúc đó mình chỉ nghĩ đến niềm vui của bản thân mình, nhưng niềm vui đó cũng chỉ là giả tạm, là chốc lát thôi anh à. Mình đâu biết rằng lúc đó vợ mình đang mong mỏi mình ở nhà, con mình đang lo lắng cho sức khỏe của mình nhưng chúng không dám can ngăn. Lúc ngồi uống rượu mình cũng đâu có nghĩ rằng rượu sẽ làm cho mình mất tỉnh táo, có thể gây nguy hiểm cho tính mạng, cho sức khỏe của mình. Mình cũng chẳng nghĩ đến cảnh lúc mình nhận hậu quả từ rượu, đau ốm khổ sở thì lúc ấy chỉ còn vợ con là gắn bó, hết lòng chăm sóc cho mình mà thôi. Còn những người bạn nhậu kia thì quá lắm chỉ đến thăm mình một vài lần, chứ có ai dám bỏ thời gian để đến chăm sóc mình ngày này qua ngày khác như vợ con mình không? Có ai dám bỏ tiền của ra để chăm lo trọn đời cho mình không? Nghĩ đến đó mà thấy ân hận anh ạ. Rồi sau khi ra viện, tôi lại chứng kiến cảnh ông hàng xóm vì uống rượu mà bị xơ gan rồi chết, cảnh hai anh em ở xóm trên uống rượu rồi đánh nhau và từ bỏ nhau luôn. Từ đó, tôi thề là sẽ bỏ rượu và nguyện ăn chay trường luôn. Đến bây giờ thì thấy người khỏe ra, tinh thần sảng khoái, chỉ nghĩ đến những điều tốt lành và hết lòng tu tập để được giải thoát. Bây giờ mới thấy là uống rượu có hại và mất thời gian quá trời.

Ông Tư còn nói nhiều lắm, nhưng ông Năm cứ nghe lùng bùng ở lỗ tai. Ông nhớ lại những lúc ngồi bên bàn nhậu cùng mấy người bạn già, ông thường cao hứng cất lời nghêu ngao: “Ai trên đời chẳng uống rượu, rượu từ gạo mà ra…”. Và mấy bạn ông thường cất tiếng phụ họa: “Vợ có nói năng chi, ta cũng đi cho bằng được. Ba xị với bịch mồi. Rượu là rượu mà ta là ta…”. Trong lúc đó ở nhà, vợ con ông đứng ngồi không yên để mong ông về ăn cơm cùng gia đình. Ông cũng thường lý luận rằng Tế Điên hòa thượng uống rượu ăn thịt mà cũng đắc đạo, bây giờ thì ông mới thấy căn cơ của ông không thể đem ví với căn cơ của ngài Tế Điên được. Thật ra đó cũng chỉ là lý luận để bào chữa cho việc uống rượu của ông mà thôi, chứ ông thừa biết làm sao ông uống rượu mà có thể ngộ đạo như ngài Tế Điên được.

Tiễn ông Tư về xong, ông Năm lên giường nằm với vẻ mặt suy tư. Ông biết uống rượu là có hại cho sức khỏe của ông, sẽ  làm vợ con ông phiền muộn, nhưng sao ông vẫn cứ uống nhỉ? Ừ, thì đồng ý là lai rai cho đỡ buồn, nhưng đâu phải chỉ có rượu mới là thứ để giải khuây, thậm chí lúc buồn uống rượu vào lại buồn hơn, chưa kể là rượu làm cồn cào ruột gan của ông, đêm khuya phải tìm nước lọc để uống, hay có lúc phải lục đục đi làm nước chanh, nước cam uống để giải rượu. Chỉ vì cái cảm giác lâng lâng lúc uống rượu, những câu chuyện tiếu lâm bên bàn nhậu mà ông quên rằng sau đó sẽ là những trận cãi vã, những mâu thuẫn nảy sinh trong anh em, bè bạn bởi vì “rượu vào thì lời ra”, và khi uống rượu ít ai kiềm chế được bản thân mình. Ông cũng biết rõ rằng sức khỏe ông sẽ suy giảm và bệnh tật sẽ phát sinh khi uống rượu, nhưng có lẽ bệnh chưa phát khởi ngay lúc ông uống rượu nên ông sinh ra chủ quan, cứ nghĩ rằng sẽ không sao. Ông nhớ lại câu thơ:

Vui trong tham dục là vui khổ

Khổ để tu hành ấy khổ vui.

Và ngay chiều hôm đó, ông quyết tâm sẽ bỏ rượu luôn. Sẵn dịp đang kiêng cử để chữa bệnh, ông âm thầm quán xét những tác hại của rượu, nhớ lại những lời tâm tình củaông Tư Nghĩamà khống chế những thói quen thèm rượu. Ông thường đến chùa, nghe thuyết pháp rồi mua kinh sách về nhà đọc thêm. Ông tham gia ban nghi lễ ở chùa, thành lập nhóm pháp đàm để cùng nhau đàm đạo, thực hành ngồi thiền, chia sẻ kinh nghiệm tu học… Đi đâu ông cũng thường chở vợ ông cùng đi nên kỳ này gia đình ông rất hạnh phúc, trong ấm ngoài êm. Nhớ lại những lúc ông đi nhậu về, vợ thì cằn nhằn, con cái thì im lặng, không khí gia đình thật nặng nề. Nhưng bây giờ thì khác rồi. Mỗi lần đi nghe thuyết pháp về hay khi đọc được một bài Kinh hay, ông thường đem ra chia sẻ với vợ con. Ông nhận thức rõ ràng ảnh hưởng rất lớn từ ông đến với vợ con ông từ khi ông bỏ rượu. Tuy đôi khi bạn bè ông cũng điện thoại rủ rê, nhưng ông đã quyết tâm thì đố ai lay chuyển được. Lúc đầu thì mấy ông bạn ông còn trách móc, khích bác ông, nhưng ông chỉ xem những lời nói đó không phải xuất phát từ những người bạn tốt, vì những người bạn tốt thật sự chỉ khuyên ông những điều đem lại lợi ích cho ông mà thôi, còn đây thì… Ông mỉm cười mà không giải thích gì thêm. Rồi đây, ông sẽ từ từ khuyên các bạn ông bỏ rượu như ông vậy, cứu được người nào là tạo thêm được phước đức cho người đó và cho cả ông nữa.  Còn rủ một người uống rượu là tạo thêm tội cho cả hai bên. Nghĩ đến đó ông chợt rùng mình. Mô Phật, con xin sám hối…

Mưa vẫn rơi đều ngoài sân. Những dòng nước mưa cuốn sạch đi những cọng rác, những vết nhơ trên nền sân gạch, cũng như những lời chỉ dạy trong Kinh Phật, những chia sẻ của những người bạn tốt đã cuốn sạch trong tâm ông những thói quen, tập khí sai lầm để giờ đây tâm ông thật thanh thản. Ông chợt cất tiếng hát khe khẽ: “Ai trên đời mà uống rượu, là tự hại mình thôi. Vợ thì ngóng trông ta, con thì hay phiền muộn. Ta thời hay bệnh tật, rượu làm hại đời ta…”.

  Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

 

NGÀY LỄ PHẬT  ĐẢN

 Kỷ niệm ngày đức Phật Thích Ca đản sanh, năm nào cũng vậy, hàng chục triệu Phật tử trên khắp mọi miền đất nước Việt Nam vui mừng, phấn khởi tổ chức một ngày đại lễ long trọng, tưng bừng sau bao năm ấp ủ, hoài mong.

Sắp đến ngày đại lễ, không khí ở các ngôi chùa, tịnh xá, niệm Phật đường đã bắt đầu nóng lên. Phật tử vân tập đông đảo đến chùa để tụng kinh, làm lễ đài, kết xe hoa… Ai ai cũng mong muốn dựng nên một lễ đài thật hoành tráng, và xe hoa của chùa mình thật lộng lẫy, đẹp hơn xe hoa của các chùa khác. Mọi người tích cực làm việc, nét mặt ai cũng hân hoan, phấn khởi khi nghĩ đến chiếc xe hoa mà mình đã góp nhiều công sức làm nên sẽ được diễu hành trên khắp các đường phố với sự trầm trồ của hàng ngàn người xem.

Trong những ngày này, chắc hẳn ai ai cũng nhớ lại cách đây hơn 2550 năm về trước, ở nước Ấn Độ, một vị thái tử bằng xương bằng thịt đã ra đời trong niềm hân hoan của muôn loài: trời mưa hoa thơm, nhạc trời chúc tụng, quả đất rung động… Nhưng có lẽ ít người còn nhớ đến việc vị thái tử ấy sau 19 năm sống trong nhung lụa giàu sang, vợ đẹp con ngoan cùng hàng trăm người hầu cận đã rời bỏ tất cả những thứ xa hoa tráng lệ ấy trong một đêm trăng tròn tháng 2 để ra đi tìm con đường cứu khổ cho chúng sinh. Hàng chục năm sống trong nệm ấm nhung êm để đến lúc này một thân một mình, đầu trần chân đất với chiếc áo mỏng manh đổi được từ một người thợ săn, thái tử phải chịu cảnh gió rét mưa sa, dãi dầm mưa nắng, không nơi trú ngụ, chịu đói chịu khát… để đi tìm con đường giải thoát cho vạn loại chúng sanh. Con đường tìm đạo của thái tử vô cùng gian nan trắc trở: 5 năm tu đạo với các vị đạo sĩ, 6 năm tu khổ hạnh trong rừng già mà mỗi ngày chỉ ăn một hạt gạo và một hạt mè, 49 ngày ngồi thiền định dưới cội bồ đề… Với sự sung túc của một con người đã quen sống trong nhung lụa từ thưở lọt lòng, thử hỏi mấy ai trong chúng ta chịu đựng được sự hy sinh như thái tử?

        Ngẫm lại bản thân, rõ ràng mình đang đi ngược lại với con đường mà vị thái tử năm xưa đã chọn: mình cứ mãi lo cho hạnh phúc của riêng mình, cứ mãi bon chen, bươn chải để được giàu có, được “mở mày mở mặt” với đời, hay được “bằng bè bằng bạn”… Và vì mãi mê với những khái niệm giả tạm ấy mà mình đã quên mất lối về, quên hẳn con đường mà vị thái tử năm xưa ấy đã chịu bao hy sinh, thử thách mới tìm được và tận tình chỉ dạy lại cho chúng ta. Những thứ mà mình đang mơ ước ấy, phấn đấu để đạt được bằng mọi giá ấy thì cách đây hơn 2550 năm về trước, vị thái tử Tất Đạt Đa đã được hưởng trọn vẹn, đầy đủ. Nhưng những thứ vinh hoa xa xỉ ấy có phải là hạnh phúc thật sự của đời người? Nếu là hạnh phúc thật sự thì sao thái tử lại từ bỏ tất cả, và sau này một vị vua của Việt Nam là Trần Nhân Tông cũng từ bỏ ngai vàng, giàu sang để chọn đời sống tu hành trên núi TrúcLâm Yên Tử? Có phải chăng mình đang mãi mê chạy theo những thứ phù phiếm giả tạo mà những người tu hành cần hiểu rõ và tránh xa?

Trở lại câu chuyện của vị thái tử. Ngay từ lúc sống trong cung điện, được hưởng mọi thứ xa hoa và được dạy dỗ chu đáo, nét mặt của thái tử vẫn lộ vẻ buồn kín đáo. Trong những lần đua ngựa giải trí cùng các vị vương tôn công tử, vị thái tử ấy đã ghìm cương con ngựa của mình lại khi biết chắc mình sắp thắng cuộc bởi vì nhiều lý do: lúc thì vì thương con ngựa đang đầm đìa mồ hôi, khi thì vì thương những người bạn sẽ phải ấm ức khi thua cuộc… Chỉ với một hành động nhỏ ấy của thái tử thì đã ít ai trong chúng ta noi gương được. Chỉ cần dừng lại một chút để nhìn lại chính mình, chắc chúng ta sẽ phải giật mình hoảng hốt vì sự lăng xăng của mình. Chúng ta đang mãi chấp vào hình tướng mà quên đi sự trở về với nội tâm thanh tịnh trong chính mình. Có phải chăng chúng ta cứ mãi chạy theo cái SỰ mà quên đi cái LÝ trong lúc người tu cần phải biết “sự lý viên dung”???

Chỉ những việc đơn giản như việc ăn chay chúng ta cũng thấy nhiều trở ngại. Chúng ta đâu biết rằng một con vật khi bị đem ra làm thịt cho chúng ta ăn cũng biết đau đớn, quằn quại. Ta đâu dám chắc rằng miếng thịt mà mình đang ăn trong miệng không phải là thịt của bà con thân thuộc mình từ nhiều kiếp trước bị đọa lạc làm súc sanh ở đời này, vì một nhân duyên nào đó mà trở thành thức ăn cho ta. Chúng ta đâu thấy được những oan hồn đang lảng vảng xung quanh đĩa thịt trên bàn, hay ý thức rằng miệng mình là huyệt mộ đã chôn cất bao chúng sanh vô tội. Thật ra dù miếng ăn thật ngon nhưng khi ngậm vào miệng rồi phun ra thôi thì mình còn không dám ăn lại chứ đừng nói nuốt xuống bụng thì nó đã dơ bẩn thế nào. Hàng ngày chúng ta đến chùa cúng dường, lễ Phật, nhưng mấy ai ý thức được rằng cúng dường là tập tính buông xả, vì chỉ có buông xả mới có tiến bộ trên đường tu; còn lễ Phật là phải học theo công hạnh của Phật, bắt chước đời sống, lời ăn tiếng nói, sự tu tập của Phật chứ không phải để cầu xin được buôn may bán đắt, giàu sang hay thành đạt…

Đại lễ Phật Đản là dịp để mỗi người con Phật tưởng nhớ đến ngày đức Bổn sư của mình đản sanh, một con người bằng xương bằng thịt nhưng đã kiên trì, quyết tâm vượt qua mọi gian nan, cám dỗ để tìm ra con đường giải thoát thật sự và chỉ dạy lại cho mọi loài chúng sanh. Sự tưởng nhớ được thể hiện ra bên ngoài bằng nhiều hình thức khác nhau; nhưng vượt lên trên tất cả, cao quý hơn tất cả là mỗi người Phật tử phải quyết tâm noi gương ngài để tu học, để đạt đến sự an vui thật sự cho mình và cho mọi loài như lời ngài chỉ dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” và “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành”.

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

ĐỜI LÀ KHỔ !

 

Ai cũng khổ. Có thân là khổ. Nghèo đã khổ. Mà giàu lại càng khổ. Khổ vì bệnh tật. Khổ vì tham lam, sân hận, si mê. Khổ vì mình. Khổ vì những người cùng sống quanh mình. Nhìn đâu cũng thấy khổ. Và giữa trăm ngàn điều khổ đau ấy, làm sao để mình bớt khổ ?

Trước khi nhìn ra xung quanh, hãy nhìn lại chính mình một chút. Mỗi lúc gặp phải cảnh khổ, mọi người lập tức đổ lỗi: “Tại vì thằng đó, tại vì con đó mà mình khổ…” Chứ ít ai lại nghĩ: “Tại mình làm mình khổ. Tại mình bị ngoại cảnh chi phối nhiều quá. Người ta chửi mình thì mình giận, người ta chọc mình thì mình tức. Vậy cuối cùng mình lại để cho người ta sai khiến mình ư ? Mình thua người ta ư ? Sao mình lại không làm chủ được chính mình mà để bị nô lệ vào người khác?”  Khi thấy mình đau khổ, thử nhìn lại chính mình: tại tâm mình còn lăng xăng, tại mình chưa chiến thắng được với ngoại cảnh, tại vì mình tu hành chưa tinh tấn hay tại mình hèn nhát không dám đối đầu với sự thật, hay tại mình quen nhìn thấy lỗi của kẻ khác mà chưa nhìn thấy lỗi của chính mình?

 “Ai ăn người đó no, ai tu người đó chứng”. Dù là cha mẹ, là con cái hay là anh chị em ruột thịt đi chăng nữa thì cũng không thể tu giùm cho nhau được. Ngay cả Ngài Mục Kiền Liên có trăm ngàn phép thần thông, là một vị đại đệ tử của Phật mà cũng không thể khuyên được mẹ lúc bà còn sống, cũng như không thể cứu được mẹ lúc bà bị đoạ vào địa ngục. Ngài phải nhờ đến sự giúp đỡ của Đức Phật và sự trợ lực của hàng ngàn chư Tăng rồi mới được gặp mẹ, mà lúc đưa cơm cho mẹ thì cơm cũng biến thành than đỏ. Đáng sợ thay luật nhân quả. Phàm phu như chúng ta thì làm sao cứu được mình và người thân mình một khi đã bị đoạ vào địa ngục? Vì thế ngay lúc còn sống, mỗi người cần phải xem xét lại từng lời nói của mình, từng việc làm của mình và từng ý nghĩ của mình. Chỉ cần một lời nói độc ác hay một ý nghĩ sai trái là đã tạo nghiệp chướng nặng nề lắm rồi, và nhiều nghiệp chướng như thế sẽ đưa ta vào cõi địa ngục hay đoạ làm súc sanh.  Nếu muốn biết kiếp sau ta vui hay khổ thì hãy nhìn lại những việc mình làm trong kiếp hiện tại, còn những quả báo mà ta đang lãnh chịu ở hiện tại là do nguyên nhân trong nhiều kiếp trước. Tóm lại, người biết tu hành thì trước hết phải biết nhìn vào lỗi lầm của chính mình, thấy được tâm tham lam, tâm sân hận, tâm si mê của chính mình để tìm cách làm chủ được nó, không để cho nó sai khiến mình làm những điều tội lỗi. Có như thế thì lòng mình mới thanh thản và nhìn vào cuộc sống xung quanh với đôi mắt bình an.

Bây giờ hãy quan sát những người quanh ta. Gần gũi nhất là cha mẹ, vợ chồng, anh chị em sống trong cùng một mái nhà. Tuy mỗi người có một nghiệp riêng của mình nhưng cả nhà cùng có chung một cộng nghiệp hay đã có duyên nợ với nhau nên mới sinh ra làm người một nhà, người này chịu ảnh hưởng của người kia. Tuy thế mỗi người đều có tính nết khác nhau nên việc làm mếch lòng nhau hay làm cho nhau bực tức là điều khó tránh khỏi. Chúng ta hãy thử nhìn kỹ những người xung quanh mình, họ sống cùng với ta nhưng không ai tu được giùm cho mình hết, và mình cũng không thể tu giùm cho người thân nào trong gia đình. Cũng như ngài Mục Kiền Liên không thể tu được cho mẹ, dù ngài rất đau khổ khi thấy mẹ làm điều sai quấy. Luật nhân quả không tha thứ một ai. Nhưng con người nào đâu biết sợ. Họ cứ để mặc cho tham sân si làm chủ lấy họ, sai khiến họ. Họ sợ rằng bỏ đi tham sân si là đánh mất chính mình. Khi không còn tham sân si thì họ đâu còn phải đua chen danh lợi, đâu có buồn với những người xung quanh, đâu có tự ái khi mọi người chửi mắng họ, đâu có đau khổ buồn giận vì thấy những điều sai trái. Tội nghiệp con người quá, họ tự đánh mất chính mình mà thôi, họ luôn bị ngoại cảnh chi phối mà vẫn không hay biết, đến khi tỉnh mộng thì đã quá muộn rồi. Khi chịu lãnh quả báo thì chỉ một mình mình chịu lấy, nhìn xung quanh thì không thấy người thân nào cả, và cũng không có người thân nào có thể chịu tội thay cho mình được, dù rằng lúc còn sống mình đã hy sinh cả đời mình, đã dám làm những việc sai trái cũng chỉ vì những người thân ấy. Ôi chao, giờ mới biết cho dù vì ai chăng nữa mà khi phạm tội thì mình tự chịu lấy chứ những người kia không thể gánh giùm mình được.

Vậy thì mình phải thương lấy chính mình. Cuộc sống của chính mình, mình phải lo cho nó chu tất trước tiên. Nếu không chu tất thì mình có tội với chính mình. Như đứa con mình sinh ra mà cứ để cho nó lêu lổng với bạn xấu và làm những việc lỗi lầm thì mình là người có tội đầu tiên. Nếu cứ để cho cái Tâm của mình vọng động, rong ruổi theo tham sân si thì mình sẽ luôn bị đau khổ. Vậy thì hãy thương lấy chính mình, lo đối trị với cái tâm lăng xăng của mình trước khi mình lo cho người khác. Một khi mình đã an nhiên, tự tại rồi thì sẽ nhìn mọi người xung quanh với đôi mắt vị tha, bao dung, mình sẽ thương tất cả mọi người với cái tâm bình đẳng và sẽ giúp được mọi người bớt khổ.  

Mọi người xung quanh mình cũng đều là những người đang tu học nên cho dù đó là chồng, vợ hay con cái mình đều có lúc làm cho mình tức giận. Chưa kể đến những kẻ chọc giận mình, chửi bới mình, đặt điều vu khống cho mình, tìm cách hại mình…Đó cũng là vì kiếp trước mình đã chửi mắng họ, vu khống cho họ nên nay mình nhận lấy quả báo mà thôi. Nếu mình nổi giận thì mình đã bị cái tham sân si của họ lôi kéo mình và mình đã tạo nghiệp xấu cho mình rồi, và những người kia họ sẽ cười lại chính mình: mình chọc giận mà nó giận là nó thua mình rồi. Còn nếu mình vẫn cứ mỉm cười với tấm lòng an nhiên tự tại như mặt nước hồ phẳng lặng thì tự nhiên mình sẽ thấy tội nghiệp cho những kẻ đang tạo nên tội lỗi đó: tội nghiệp vì mình biết chắc việc làm của họ sẽ đưa họ đến khổ đau, tội nghiệp vì họ không biết luật nhân quả, không biết sợ quả báo mà dám nói ra những lời hung ác hay làm những điều xằng bậy, tội nghiệp vì thấy những quả báo khổ đau đang chờ lấy họ. Nhưng tội nghiệp cho họ thì cũng phải thấy lo sợ cho chính mình: nếu mình không tu thì mình cũng sẽ phải chịu quả báo khổ đau. Biết vậy rồi thì mình phải tìm cách khuyên giải người đó để họ đừng làm sai nữa. Như thế họ sẽ không gây nghiệp xấu mà bản thân mình cũng được hưởng phước lợi vì đã ngăn chặn được việc xấu. Còn nếu không khuyên được thì cũng cầu nguyện cho họ sớm hiểu được luật nhân quả mà dừng ngay những việc làm sai trái chứ nhất quyết mình không bao giờ để cho cái tham sân si của người khác lây sang mình, lôi kéo mình vào con đường đau khổ.

Sống trong an lạc, cuộc sống của chúng ta sẽ vô cùng thanh thản, an nhiên, tự tại. Chúng ta sẽ không còn vướng bận được mất của thế gian vì chúng ta hiểu rõ mọi vật đều vô thường, không thật, như trong Kinh Pháp Cú dạy:

“Thân này xây bằng xương

Đắp tô bằng thịt máu

Già chết và kiêu mạn

Huỷ báng chứa nơi đây”

        Và :               “ Con ta, tài sản ta

                 Kẻ mê mãi lo xa

                 Chính ta còn không có

                Tài sản, con đâu ra”

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

 

 GIẬN THÌ GIẬN…

 Hương hất mạnh tay làm đổ cả mâm cơm trên bàn khiến hai đứa nhỏ khóc thét lên vì sợ. Mấy hôm nay cha mẹ chúng cứ cãi nhau suốt khiến việc ăn uống của chúng thật thất thường, đôi lúc phải chạy qua nhà người cô gần nhà để ăn cơm ké. Chúng không hiểu tại sao cha mẹ chúng cứ cãi nhau, nhưng chúng hoàn toàn không muốn thế…

Lâm ngồi bất động trên chiếc ghế salon, để mặc cho vợ cất lời chì chiết. Lâm biết là mình có lỗi khi tận tình giúp đỡ người bạn gái ngày xưa đang gặp cảnh ngộ trắc  trở mà không cho vợ biết.

Cách đây chừng hai tháng, Lâm gặp lại Lành, cô bạn học cùng trường ngày xưa. Qua câu chuyện hỏi thăm gia cảnh, Lâm được biết là Lành vừa mới ly dị với chồng vì không chịu nỗi thói nghiện rượu và hay đánh đập vợ con của gã chồng vũ phu. Lành nuôi đứa con trai mới lên 5 tuổi, hai mẹ con phải thuê nhà trọ để sống. Cảm thông với hoàn cảnh của người bạn không may, Lâm đã giấu vợ để giúp đỡ cho mẹ con Lành. Khi thì gói bánh kẹo cho cu Tín, khi thì đưa đón giúp cu Tín đến trường… Kể ra thì cũng không giúp gì nhiều, nhưng phần thì Lâm sợ vợ hiểu lầm rồi ghen tuông, phần thì Lâm nghĩ rằng mình không làm gì mờ ám thì cũng chẳng có gì phải sợ cả.

Rồi chuyện cũng bị phát hiện khi có người nhìn thấy Lâm thường xuyên lui tới nơi ở của mẹ con Lành. Chuyện đến tai Hương, Hương âm thầm theo dõi chồng. Đến buổi chiều cách đây ba hôm, chờ khi Lâm đón cu Tín về và đưa thằng bé vào khu nhà trọ, Hương tiếp bước theo vào nhà. Lâm sững sờ khi nhìn thấy vợ xuất hiện đột ngột như từ trên trời rơi xuống ở ngưỡng cửa nhà Lành. Hương cười khẩy rồi quay ngoắt người bước đi, không thèm nói một lời nào. Biết có chuyện chẳng lành xảy ra, Lâm vội hấp tấp đuổi theo vợ, nhưng Hương đã leo lên chiếc xe ôm đang chờ sẵn rồi lao đi mất. Lâm vội lên xe, nổ máy và phóng nhanh về nhà. Quả thật như Lâm dự đoán, vừa bước vào nhà, một bầu không khí nặng nề đang bao trùm, tiếp theo là những tiếng khóc lóc, kể lể của vợ. Lâm chỉ biết nín thinh vì anh biết rằng có thanh minh lúc này thì Hương cũng không tin.

Thế là chiến tranh bắt đầu xảy ra trong ngôi nhà lâu nay được bà con hàng xóm cho là hạnh phúc và mẫu mực. Bao con người phải chịu đựng cảnh đau khổ chỉ vì sự chủ quan của Lâm. Lâm không dám đến nhà mẹ con Lành nữa, và Lành cũng cảm thấy áy náy vì nghĩ rằng mình là nguyên nhân gây ra sự xáo trộn trong gia đình Lâm. Hai người không dám gặp nhau và cũng không thể thanh minh được vì rõ là tình ngay lý gian. Còn vợ Lâm khi đi làm thì thôi, hễ về đến nhà là bước vô phòng đóng kín cửa lại, không thiết gì đến việc nhà cửa. Hễ Lâm bước vào tìm cách xin lỗi, thanh minh thì lập tức nhận những lời chì chiết của Hương, vì thế không khí gia đình luôn luôn ngột ngạt, cả hai vợ chồng đều không còn tâm trí đâu để làm việc và nghĩ đến việc ăn uống. Tội nghiệp nhất là hai đứa nhỏ, chúng cứ lấm la lấm lét hết ngồi ở sau bếp lại kéo ra ngồi  ngoài sân, khuôn mặt trẻ thơ thật buồn. Chúng ngồi vào bàn học mà không học được gì cả, làm gì cũng thật khẽ vì sợ quấy rầy đến cha mẹ chúng; thậm chí chúng cũng không thiết tha chạy sang chơi với lũ trẻ hàng xóm.

Hất đổ mâm cơm xong, Hương chạy vô phòng đắp chăn nằm khóc, Lâm ngồi sầu não ở ghế salon, hai đứa trẻ len lén kéo nhau ra sân rồi chạy sang nhà hàng xóm. Khoảng năm phút sau thì có tiếng xe máy chạy vào sân,ông bà Hùng-bamẹ Hương xuất hiện lúc này khiến Lâm bối rối vô cùng. Sự việc xảy ra đã mấy hôm nay nhưng Lâm chưa dám nhờ ai hai bên nội ngoại dàn xếp, nay chắc nghe ai kể lại nên ba mẹ Hương đã biết chuyện. Lâm đứng dậy chào hỏi, kéo ghế mờiông bà Hùngngồi, rồi cất tiếng gọi:

–        Hương ơi, ba má đến chơi nè!

Nhìn cảnh mâm cơm bị hất tung nằm dưới đất, ông Hùng hỏi với giọng ôn tồn:

– Hai đứa mới cãi nhau nữa phải không? Hai đứa nhỏ đâu rồi? Kêu con Hương ra đây để ba má nói chuyện.

Không cần Lâm gọi, Hương đã từ trong phòng bước ra, đôi mắt đỏ hoe. Mẹ Hương nhìn con và trách:

– Có chuyện gì thì tụi bây phải nói cho ba mẹ biết để còn giải quyết chớ. Cứ im lặng vậy rồi đứa nào cũng nóng nảy thì không hay đâu. Ngồi xuống đi, có chuyện gì thì kể đầu đuôi cho ba má nghe!

Hương ngồi xuống ghế, bắt đầu kể lại việc cô nghe người ta nói Lâm giúp đỡ mẹ con Lành, việc cô theo dõi và bắt quả tang Lâm đưa đón con của Lành, việc Lâm hay đến nhà Lành… Bao nhiêu uất ức trong lòng từ mấy hôm nay như được dịp tuôn ra hết, Hương vừa kể vừa lấy ống tay áo quệt dòng nước mắt đang tuôn trào theo lời kể của cô. Khi Hương dứt lời, ông Hùng quay sang Lâm:

– Con Hương đã kể rồi, bây giờ đến con, chuyện có đúng như vậy không?

– Dạ, đúng là có chuyện con giúp đỡ mẹ con của Lành, nhưng chỉ trên danh nghĩa bạn bè giúp đỡ nhau thôi ba má ạ, chứ không có tình ý gì đâu. Lỗi là do con không nói cho vợ con biết việc giúp đỡ của con, nên khi Hương biết chuyện thì cô ấy cho là con giấu diếm cô ấy để đi lại với Lành.

Ông Hùng tiếp lời với vẻ điềm tĩnh thường ngày:

– Thật ra ba má đã biết chuyện từ hôm qua rồi. Cô Thúy đã báo cho ba mẹ biết chuyện xích mích giữa hai đứa. Và ba mẹ cũng đã tìm hiểu rõ ràng chuyện này. Hôm qua ba mẹ đã lên gặp mấy người hàng xóm trong khu nhà trọ của mẹ con cô Lành, họ đều nói rằng Lâm chỉ đến giúp đỡ mẹ con cô Lành với ý tốt thôi, thỉnh thoảng Lâm cũng giúp đỡ những người xung quanh đó nữa; và ba mẹ cũng đã nói chuyện với cô Lành, cô ấy gởi lời xin lỗi vợ chồng con.

Hương vẫn chưa tin là Lâm vô tội, cô chất vấn:

– Nếu không có chuyện gì mờ ám thì việc gì anh phải giấu tôi? Nếu anh giải thích rõ ràng thì đâu đến nỗi này.

Ông Hùng đỡ lời giúp Lâm:

– Đó là lỗi của thằng Lâm và là nguyên nhân gây ra xung đột trong gia đình. Thôi, bây giờ chuyện đã rõ ràng rồi thì hai đứa bây phải hòa thuận với nhau để còn làm gương cho con cái. Tụi bây phải biết rằng vợ chồng con cái trong nhà như tay chân, tim phổi trong cơ thể mình vậy. Cái tay trầy xướt thì cả cơ thể cùng đau nhức theo. Trái tim mà đau bệnh thì tay chân cũng rã rời, không làm được việc gì hết. Trong nhà chỉ cần một người buồn giận là cả nhà sẽ buồn theo đó. Nóng giận thì mất khôn thôi con ạ. Chuyện gì thì cũng phải bình tĩnh tìm hiểu đầu đuôi ngọn ngành cho rõ ràng, nếu người trong cuộc mà rối trí thì phải nhờ người thân giúp đỡ chớ.

Bà Hùng tiếp lời chồng:

– Tụi bây đi chùa nhiều mà không chịu nghe theo lời mấy thầy giảng gì hết. Mình mà nóng giận phiền não là tự mình làm khổ mình mà thôi, chứ đâu có ai đem phiền não cột vào mình đâu. Tự nhiên đi nghe người này người kia, rồi tâm sân hận nổi lên. Rõ ràng là tự mình đẻ ra cái tâm sân hận đó, rồi tự mình ôm ấp nó, nuôi dưỡng cho nó mập ra, để rồi nó quay ra hành hạ mình, cắn xé tâm trí mình, xúi giục mình làm những việc sai trái, rồi làm cho mình uất ức, giận hờn mà sanh ra bệnh tật, làm khổ mọi người xung quanh. Biết rõ ràng như vậy rồi thì mình đừng đẻ ra cái tâm sân hận đó nữa, nếu nó đã khởi lên thì đừng nuôi nấng nó mà phải khéo đuổi nó ra khỏi tâm mình, không thèm nhìn mặt nó, không thèm tiếp đón nó. Mình phải biết rõ nuôi tâm sân hận như là nuôi ong tay áo, trước sau gì mình cũng bị nó đốt cho sưng húp mặt mũi mà thôi, không những thế nó còn đốt luôn cả những người thân của mình, thật tai hại vô cùng. Từ nay về sau các con phải biết giữ gìn cái tâm của mình, đừng để cho những sân hận, phiền não dính vào nó vì những thứ đó sẽ làm cho tâm mình bệnh hoạn, dơ bẩn. Các con phải biết đưa những dòng nước mát của từ bi, hỷ xả, của những thương yêu chảy vào tâm của mình để tâm được tưới tắm sự an lạc, nảy nở những chồi lộc của thương yêu, trí tuệ. Như thế thì cuộc sống của các con mới hạnh phúc được.

Lâm và Hương ngồi yên lặng ngheông bà Hùngphân tích thiệt hơn. Bây giờ thì hai người ai cũng thấy mình có lỗi lầm trong chuyện xáo trộn gia đình vừa qua, và cũng thật dại dột khi tự rước đau khổ vào nhà. Im lặng một lát, Lâm nói chậm rãi:

– Dạ thưa ba má, tụi con biết những sai lầm của tụi con rồi. Thật là khi gặp chuyện phiền não thì tâm trí u mê, không nghĩ được chuyện gì cho tốt đẹp hêt. Cũng không nhớ gì đến những lời dạy đem lại ích lợi cho mình. Cho tụi con xin lỗi và cám ơn ba má nhiều lắm.

Bà Hùng cười:

– Biết lỗi thì cùng nhau sửa lỗi đi. Trưa nay ba má ăn cơm ở đây đó nghe.

Như hiểu ý mẹ, Hương đứng dậy dọn mấy mảnh vỡ chén bát trên sàn nhà, Lâm vội đi lấy chổi để phụ vợ thu dọn chiến trường. Xong, Lâm đề nghị:

– Bây giờ cũng trễ rồi, không nấu cơm kịp đâu. Để con chạy ra quán mua đồ ăn nấu sẵn về ăn tạm cũng được.

Khi Lâm đã chạy xe ra ngõ, Hương cũng vội chạy sang nhà hàng xóm để dắt hai đứa nhỏ về.Ông bà Hùngnhìn nhau, cả hai cùng thở phào nhẹ nhõm.

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

Bài khác nên xem

Tài Liệu: Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam mất gì khi phá sản tinh hoa của Gia Đình Phật Tử Việt Nam (TT)

phuocthanh

[Video Clip] Thư chúc tết Ất Mùi của Hòa Thượng Thượng Thủ Hội Đồng Chứng Minh GĐPT Việt Nam

Người Áo Lam

Như giọt trăng sao

phuocthanh

1 comment

nguyễn duy anh 21/09/2011 at 20:07

hay quá ! lâu rồi không đọc

Comments are closed.