Tạo Sân Chơi Trong Gia Đình Phật Tử

TẠO SÂN CHƠI

TRONG SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

 

Hiện nay việc tạo ra những sân chơi lành mạnh, bổ ích, phù hợp với sinh hoạt GĐPT là rất cần thiết. Các em đoàn sinh ngày nay sớm tiếp xúc với cuộc sống hiện đại qua tivi, Internet, báo, đài… nên tầm hiểu biết của các em  cũng được nâng lên rất nhiều và đời sống tinh thần của các em cũng đã thay đổi nhiều. Việc thay đổi hình thức sinh hoạt trong GĐPT để thu hút các em đến với Đoàn cần được các anh chị Huynh trưởng nghiên cứu, xem xét và cải thiện một cách nghiêm túc. Ngay ngành giáo dục hiện nay cũng đang mạnh dạn thay đổi phương pháp giảng dạy từ bậc tiểu học cho đến bậc đại học, cách dạy “Thầy đọc – trò chép” đang được thay bằng phương pháp “Trò làm việc – thầy hướng dẫn”, cách dạy này chú trọng vào việc lấy người học làm trung tâm, thầy chỉ là người giúp đỡ, hướng dẫn, bổ sung, uốn nắn…chứ không chỉ truyền đạt kiến thức một chiều. Do đó, trong GĐPT cũng cần thay đổi phương pháp giáo dục theo tinh thần “tuỳ duyên bất biến”.

Việc tạo ra những sân chơi cho các em đoàn sinh cần phải được các anh chị trưởng đầu tư, nghiên cứu để tạo ra những sân chơi phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi, từng ngành chứ không chỉ làm qua loa, nhất thời. Ví dụ như sân chơi cho oanh vũ phải khác với sân chơi dành cho tuổi thanh, thiếu;  và đã gọi là sân chơi thì phải vui, sinh động, thu hút được càng nhiều thành viên trong độ tuổi phù hợp tham gia càng tốt và khi đến sân chơi thì mọi người phải được tham gia. Sân chơi phải đa dạng, phong phú, muôn hình muôn sắc nhưng đều không ngoài mục đích giáo dục; và muốn thế thì cần phải có sực góp sức của nhiều anh chị em. Sân chơi tạo ra sự liên kết giữa các đoàn sinh với nhau, giữa các đơn vị gia đình với nhau và giúp xoá bỏ những khoảng cách về mọi mặt. Qua sân chơi, các em sẽ học được nhiều kiến thức mới và có dịp để bộc lộ năng khiếu, bộc lộ tính cách của mình. Và nhờ những sân chơi, các anh chị Huynh trưởng sẽ hiểu các em mình nhiều hơn.

Có nhiều cách để tổ chức sân chơi phù hợp với từng đồi tượng. Ngoài những cách như: tổ chức  những cuộc thi đố vui, thi hát, thi vẽ, thi hùng biện… trong đơn vị gia đình hay giữa các đơn vị gia đình với nhau; hay tổ chức những trò chơi thi đua sinh động có lồng ghép nội dung Phật pháp, Chuyên môn… những buổi dã ngoại, cắm trại, những trò chơi lớn, trò chơi nhỏ…chúng ta có thể tạo một sân chơi dành cho các em ở trên…giấy: 10 tờ giấy khổ A4 gấp đôi lại và bấm lại theo đường gấp ta đã có một tập sách nhỏ gồm 40 trang, nếu đem đi photo thì với giá 150 đồng/1 tờ thì cuốn sách mà ta tạo ra chỉ có giá 1500 đồng cộng với 1 tờ bìa A4 giá 500 đồng, tổng cộng cuốn sách chỉ có giá 2000 đồng. Rẻ đến bất ngờ và hợp với túi tiền của đoàn sinh GĐPT khi muốn phát hành rộng rãi. Tập sách nhỏ này có thể được viết tay hay đánh vi tính tuỳ theo điều kiện từng gia đình và được phát hành mỗi tháng 1 tập (1 số).

Đó là về hình thức, còn về phần nội dung thì Ban biên tập có thể biên soạn nội dung phù hợp với từng đối tượng tham gia. Lấy ví dụ: để tạo sân chơi cho Oanh vũ, tập sách có tên là “Sân chơi cho Oanh vũ” và được chia làm nhiều tập (nhiều số): Số 1 và 2 dành để ôn tập toàn bộ kiến thức về Phật pháp, chuyên môn, văn nghệ,…của bậc Mở mắt, số 3 và 4 dành ôn tập kiến thức của bậc Cánh mềm, số 5 và 6 bao gồm kiến thức trong bậc học Chân cứng, số 7 và 8 gồm các nội dung của bậc Tung bay, tập 9 và 10 dùng để ôn tập về kiến thức liên quan đến tài liệu Tuyết Sơn. Trong mỗi tập sách (mỗi số phát hành) gồm các nội dung sau:

  1. 1.    Em tìm hiểu Phật Pháp:

Có 10 câu trắc nghiệm liên quan đến các bài học Phật pháp (kèm theo một phiếu trả lời cho mục này).

  1. 2.    Em ôn tập chuyên môn:

Có 10 câu trắc nghiệm về chuyên môn (kèm 1 phiếu trả lời) .
* Các em sẽ trả lời những câu hỏi trắc nghiệm bằng cách đánh dấu lên phiếu trả có đính kèm trên tập sách lời rồi gởi lên Ban biên tập theo thời hạn quy định để chọn ra 5 em có phiếu trả lời đúng nhất và sớm nhất để trao phần thưởng.

  1. 3.    Đố vui:

Trong mục này có thể đưa ra những ô chữ, những câu đố hay các mật thư phù hợp với trình độ các em để các em giải và gởi về Ban biên tập. Cũng sẽ có phần thưởng cho 5 em gởi đáp án đến sớm nhất và đúng nhất.

  1. 4.    Em sáng tác thơ – văn:

Đây là mục dành đề đăng những bài viết do chính các em sáng tác. Các em viết văn, làm thơ,…theo những chủ đề phù hợp với sinh hoạt GĐPT và gởi về Ban biên tập. Những bài được chọn đăng sẽ được nhận phần thưởng do Ban biên tập tặng.

  1. 5.    Em thi vẽ:

Các em vẽ trên giấy A4 rồi gởi về Ban tổ chức đúng thời hạn. Những tranh được chọn đăng sẽ có phần thưởng.

  1. 6.    Đáp án số trước :

Đây là nơi Ban tổ chức đưa ra đáp án cho tập “Sân Chơi” ở số trước.

  1. 7.    Hoan hô những em được thưởng:

Trang này dành để ghi tên các em được nhận phần thưởng của Ban tổ chức vì đã trả lời đúng các câu hỏi trong phần Phật pháp, chuyên môn, đố vui hay có bài được chọn đăng ở số trước.

Trên đây chỉ là một số gợi ý để tạo ra sân chơi cho các em, có Ban hướng dẫn tỉnh đứng ra tổ chức và giao cho Uỷ viên ngành thực hiện. Đây là dịp để các em bộc lộ năng khiếu, tham gia tìm hiểu về GĐPT và cũng là dịp để các em biết thêm các bạn mới ở những gia đình khác và có dịp giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Các anh chị có thể sáng tạo thêm những chuyên mục mới, những hình thức mới, và những sân chơi mới để các em của chúng ta luôn mong ngày Chủ nhật được đến chùa để vui chơi, học hỏi, tham gia thi đua và mong thấy bài mình được đăng và tên mình xuất hiện trên tập sách “Sân Chơi” dành cho các em. Tạo cho các em sự trông mong đến ngày sinh hoạt để được đến chùa chính là trách nhiệm của các anh chị Huynh trưởng.

Quảng Ý ( Lâm Đồng)

Bài khác nên xem

Hội Thi Oanh Lam BHD GĐPT Quảng Đức – Sài Gòn năm 2019

Huệ Quang GĐPTVN

GĐPT Cam Ranh: Trại Kiền Trắc – kỷ niệm ngày Dũng – năm 2023

Huệ Quang GĐPTVN

Ngành Thiếu BHD Lâm Đồng đã tổ chức khai mạc trại bồi dưỡng Đội Chúng trưởng

phuocthanh