Tam Bảo và Quy Y Tam Bảo

 

TAM BẢO VÀ QUY  Y TAM BẢO

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )

 I. VĂN :

Tam Bảo là ba ngôi quý báu : PHẬT, PHÁP và TĂNG

1. PHẬT: Tiếng Phạn gọi là Phật Đà, có 3 nghĩa :

–   Tự giác : Tự mình giác ngộ.

–   Giác tha : Giác ngộ cho mọi người, mọi loài.

–   Giác hạnh viên mãn : Hai công hạnh trên hoàn toàn viên mãn.

Đức Phật (BUDDHA) là người tỉnh thức tuyệt đối, toàn diện. Người tỉnh thức biết được và thấy được chân tướng của vũ trụ và cuộc đời. Vì vậy người tỉnh thức không còn bị ràng buộc vào ảo vọng, sợ hãi, giận hờn và tham đắm. Người tỉnh thức là người tự do, có đầy đủ an lạc, có đầy đủ tình thương và sự hiểu biết.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thầy của chng ta là một bậc tỉnh thức (giác ngộ) hoàn toàn. Người chỉ đường cho tất cả chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi thế giới ảo vọng để trở nên người tỉnh thức.

PHẬT là NGÔI BÁU THỨ NHẤT.

2. PHÁP: (DHARMA) là chân lý, là sự thật về nhân sinh, vũ trụ. Đức Phật tìm ra và Người đã chỉ dạy cho chúng ta những điều này, đưa ta thoát khỏi ngục tù ảo vọng, giận hờn, sợ hãi và tham đắm, dẫn ta đến chân trời tự do, an lạc, vô úy, làm cho sự hiểu biết và tình thương phát triển trong ta. Từ bi và trí tuệ là những hoa trái đẹp đẽ nhất của đạo lý tỉnh thức.

Sau khi Phật nhập Niết Bàn, tất cả lời dạy của Ngài được kiết tập lại thành Kinh, những giới luật do Đức Phật chế ra cho hàng đệ tử xuất gia và tại gia gọi là Luật. Về sau, nhằm giải thích Kinh, Luật mà tạo thành Luận. Tóm lại, Pháp gồm KINH, LUẬT, LUẬN thường được gọi chung là “Tam Tạng kinh điển”.

PHÁP là NGÔI BÁU THỨ HAI.

3. TĂNG: (SANGHA) là đoàn thể những người xuất gia tu hành, thực tập đạo tỉnh thức và cùng nhau đi trên con đường giác ngộ. Tăng gồm ít nhất 4 người trở lên, sống theo 6 phép hoà kính, giữ gìn giới luật, chỉ dạy cho mọi người phương pháp thoát khổ, được vui.

Các hàng Tăng chúng :

–   Tì kheo : Hàng nam giới xuất gia giữ 250 giới.

–   Tì kheo ni : Hàng nữ giới xuất gia giữ 350 giới.

TĂNG là NGÔI BÁU THỨ BA.

 * QUY Y TAM BẢO trở về nương tựa Phật, Pháp, Tăng.( Quy : trở về, Y : nương tựa)

–   Trở về nương tựa Phật, người đưa đường chỉ lối cho chúng ta trong cuộc đời.

–   Trở về nương tựa Pháp, con đường của tình thương và sự hiểu biết.

–   Trở về nương tựa Tăng, đoàn thể những người nguyện sống cuộc đời tỉnh thức.

 * LỄ QUY Y :

” Trước Tam Bảo con xin mở rộng lòng thương và tìm cách bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con xin mở rộng tầm hiểu biết để có thể thương yêu và chung sống với mọi người, mọi loài. “

Những lời này được phát nguyện dưới sự chứng minh của vị thầy truyền giới. Vị này sẽ đặt pháp danh và là bổn sư của người quy y. Sau đó, người này được chính thức gọi là Phật tử.

Cần nhớ lễ quy y chỉ là hình tướng bên ngoài, chúng ta phải biết tự quy y Tam Bảo nơi tự tâm mình. Phật nơi tự tâm là bản tánh sáng suốt, Pháp nơi tự tâm là bản tính từ bi, bình đẳng và Tăng nơi tự tâm là bản tánh thanh tịnh, hoà hợp. Dù đã phát nguyện quy y, người Phật tử không bao giờ cầu xin ân huệ mà chỉ tự nhận lãnh trách nhiệm, cố gắng trau giồi đức hạnh, kiên trì tu tập để thanh lọc và thành tựu giải thoát. Phật dạy : “Con phải tinh cần nỗ lực, các Đức Như  Lai chỉ là những vị thầy. “

 II.  TƯ :

Biết được ý nghĩa của ba ngôi báu và quy y rồi, em phải làm sao để sống đúng theo truyền thống một Phật tử, là một người đã hướng về, nương tựa, sống theo Phật, Pháp, Tăng.

“Nhất giả lễ kính chư Phật

Nhị giả xưng tán Như Lai”

Lễ kính chư Phật sẽ được vô lượng công đức.

Mỗi người chúng ta đều có tính Phật hay khả năng tỉnh thức trong lòng. Vì vậy, ai cũng cĩ thể trở thành người giác ngộ như Đức Phật. Tính Phật này là khả năng tỉnh thức, khả năng vượt thoát ảo vọng. Nếu chúng ta tu tập theo đạo lý tỉnh thức thì chúng ta làm cho tính Phật trong ta sẽ đạt được tự do và an lạc hoàn toàn như Phật. Phật ở ngay trong tâm mỗi chúng ta. Chúng ta phải trở về tìm Phật ngay trong tâm ta. Đức Phật dạy “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”.

Pháp của Đức Phật chỉ dạy cách thức TU- HÀNH, giữ giới luật để phát triển trí tuệ, hiểu biết chân lý của cuộc đời. Đức Phật dạy chúng ta phải tự cứu mình bằng cách làm theo phương pháp Phật chỉ dạy.

Muốn tu tập đạo giải thoát, ta phải nương tựa vào Tăng đoàn. Một mình đơn độc sẽ gặp nhiều khó khăn trong sự tìm học và thực hành đạo lý tỉnh thức. Người xuất gia cũng như người tại gia phải biết về nương tựa nơi Tăng để có thể đi xa trên con đường tu tập.

 III. TU :

Tin không chưa đủ, em phải tu nghĩa là tự sửa mình. Mặc dù Đức Phật nói “Chúng sanh là Phật sẽ thành” nhưng nếu không tu tập, hành trì giáo pháp thì mãi mãi, chữ “sẽ” chỉ là tương lai không vươn tới được.

Vậy sau khi Quy Y Tam Bảo, hằng ngày, ta phải năng lễ Phật, tu dưỡng bản thân để tiến tới làm người giác ngộ.

Tu dưỡng nghĩa là bồi dưỡng và chuyển đổi.

–   Về tình cảm: chuyển đổi tham lam, giận hờn thành yêu thương và hoà thuận, đem vui cứu khổ.

–   Về lý trí: chuyển đổi si mê, lầm lạc thành sáng suốt, hiểu biết chân chánh.

–   Về ý chí: chuyển đổi hèn nhát, thụ động thành tinh tấn, hỷ xả và dũng cảm.

Làm vậy tức là em đã Quy y Tam Bảo một cách đúng đắn và tích cực. Song song với việc tu dưỡng bản thân, em phải noi gương Đức Phật và các vị Tăng, Ni, khuyến khích, giúp đỡ mọi người sống tốt, hướng thiện và hướng thượng.

Cuộc sống chỉ có thể tốt đẹp khi tập thể chúng ta tốt đẹp. Một con én không làm nên được mùa xuân nên ta phải quan tâm đến mọi người, cùng nhau tu dưỡng thì xã hội sẽ tốt đẹp vì đó là tập thể những người tốt. Từ đó, cuộc sống riêng và chung sẽ được an lành, hạnh phúc.

 IV.CÂU HỎI :

  1. Định nghĩa ba ngôi báu ?
  2. Thế nào gọi là Quy y Tam Bảo ?
  3. Tại sao muốn có an lạc và hạnh phúc phải tu dưỡng bản thân và giúp đỡ mọi người cùng tu? Cho ví dụ cụ thể ?
  4. Làm sao biết được Phật là bậc giác ngộ, giải thoát hoàn toàn ?
  5. Em hiểu thế nào là sự quy y và lý quy y ?

 

 

 

Bài khác nên xem

GĐPT Cam Ranh: Lễ Khai khóa năm tu học 2018

Huệ Quang GĐPTVN

Nghi thức Cúng dường Lễ Phật đản PL 2565

Huệ Quang GĐPTVN

Nghe – Trả lời và gọi điện thoại

datthinh