Niết bàn

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

I. DẪN NHẬP :

Đức Thế Tôn thị hiện ở đời chỉ với mục đích duy nhất là giúp chúng sanh thoát khổ, mà con đường thoát khổ của Ngài đã chỉ rõ trong 84.000 pháp môn qua giáo lý mà Ngài đã để lại sau 49 năm thuyết pháp độ sanh cũng chỉ với một đích cuối cùng là giải thoát sanh tử để tiến tới quả vị Niết bàn.

II. NỘI DUNG :

1. Định danh :

a. Đinh nghĩa  từ Niết bàn :

–    Tiếng Phạn là Nirvãna, tiếng Pali là Nibbãna.

–    Tên gọi khác là Nê-hoàn, Nê-viết, Niết-bàn-na, Niết-lê-bàn-na, nê-phạ-nam, nặc-phạ-nam, Trạch diệt, Li hệ, Giải thoát.

–    Hình thức dịch nghĩa khác : Diệt, Tịch diệt, Diệt độ, Tịch, Vô danh.

–    Là sự diệt tân lửa phiền não, đạt đến cảnh giới giác ngộ.

Tóm lại Niết Bàn “là kết quả của sự đoạn diệt Mười hai nhân duyên, hay đọan diệt khổ hay có thể gián tiếp định nghĩa như là “Khổ diệt”, “Ai diệt”, “Thủ diệt”, “Vô minh diệt” hay bằng các tên gọi tương đương khác như “Vô vi”, “Vượt qua bộc lưu”, “Qua bờ bên kia”, “Loại hết sanh y” … mà chúng ta đã có ngót ba mươi từ tương đương với Niết Bàn ở Nikàya hay A Hàm” (trích Phật học Khái luận của Thích Chơn Thiện trang  58+59).

b. Những danh từ liên hệ đến Niết bàn :

–    Niết bàn ấn (còn gọi là Niết bàn tịch tĩnh ấn) : Dấu ấn Niết bàn trong giáo pháp của đức Thế Tôn, một trong Tam pháp ấn.

–    Niết bàn bát vị : Tám pháp vị của Niết bàn (theo kinh Phương đẳng Bát nê hoàn 2) : thường trụ, Tịch diệt, bất lão, bất tử, thanh tịnh, hư không, bất động, khoái lạc.

–    Niết bàn bộ: Những bộ kinh nói về Niết bàn trong 5 đại bộ kinh điển Đại thừa.

2. Hình tướng chứng nghiệm Niết bàn :

 Về ngoại đạo tuy cũng có Niết bàn nhưng hoàn toàn khác với Phật giáo. Về nghĩa của Niết bàn, Đại thừa và Tiểu thừa giải thích khác nhau như sau :

a.  Theo quan điểm của Trung luận :

Thật tướng cũng là “tính không”, là nhân duyên sinh ra các pháp, cho nên không sai biệt với sinh tử thế gian.

Theo “Nam bản Niết bàn kinh 3”, Niết bàn có 8 đặc tính : Thường, hằng, an, thanh tịnh, bất lão, bất tử, vô cầu, an lạc.

b. Theo Duy thức tông Niết bàn gồm có :

+ Bản lai tự tính thanh tịnh niết bàn : Chỉ cho chân như, nghĩa là tướng bản lai của tất cả vạn vật là lý thể của chân như tịch diệt.

+ Hữu dư y niết bàn : Khi còn mang thân ngũ uẩn nhưng đã chứng được đạo quả vì không còn tạo nghiệp.

+ Vô dư y niết bàn : Chứng nghiệm được đạo quả Niết bàn khi không còn mang thân ngũ uẩn, như một Bồ Tát khi tịch, không còn vật chất, tức giải thoát hoàn toàn.

+ Vô trụ xứ niết bàn : Nương nơi trí tuệ mà xa lìa phiền não chướng và sở tri chướng, không trệ vào các cõi mê của sinh tử. Vì tâm đại bi cứu tế chúng sinh, nên hoạt động trong 3 cõi mê mà không trệ nơi cảnh giới của Niết bàn. Đây là nét đặc thù của Phật giáo Đại thừa.

c. Theo Địa luận tông và Nhiếp luận tông, thì Niết bàn gồm có :

+ Tịch tịch niết bàn

+ Phương tiện niết bàn

d. Theo Tông Thiên thai, Niết bàn có 3 loại :

+ Tính tịnh niết bàn

+ Viên tịnh niết bàn

+ Phương tiện tịnh niết bàn (còn gọi là Ứng hóa niết bàn : Phật vì cứu độ chúng sinh mà thị hiện thân giả huyễn, khi hết duyên thì nhập Niết bàn)

e. Theo Tông Tịnh độ thì cõi Phật A Di Đà  :

+ Niết bàn vô vi.

f. Chỉ cho sự nhập diệt của đức Phật : gọi là

+  Đại-bát Niết-bàn hay Bát Niết bàn.

3. Vị trí của Niết bàn :

 Kinh Tạp A hàm đức Phật dạy : “Nguồn gốc thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường đưa đến sự chấm dứt thế gian, đều nằm trong con người”. Như vậy thế gian đồng nghĩa với khổ đau., tiêu diệt thế gian là chấm dứt khổ đau, tức Niết bàn. Niết bàn không phải cái gì được tạo ra hay cái gì cần tạo ra, mà tự nó thành tựu nhờ tu tập Tứ Diệu Đế, đạt đến Đạo đế, Diệt đế.

4. Ý nghĩa Niết bàn trong tam tạng kinh :

 +  Kinh A Hàm và Agama : là đoạn trừ ái thủ, vô minh hay đoạn trừ 10 kiết sử, là công phu chuyển đổi nội tâm, vọng tâm mà không đề cập đến các pháp hiện tượng giới. Khi tâm thanh tịnh thì thế giới thanh tịnh.

 +  Kinh Bát nhã : Niết bàn là vượt qua hết mọi khổ ách, là không chấp thủ nhân ngã và pháp ngã, dùng trí tuệ quán chiếu để thấy rõ năm uẩn là vô ngã để cắt lìa chấp thủ, vượt ra hết mọi khổ ách để chứng nhập đương thể của các pháp (đương thể là cái không sanh, không diệt (vô sanh), mà vô sanh thì vô đắc và khi hoàn toàn vô đắc là niết bàn).

 + Kinh Kim Cương : Niết bàn là Vô đắc, tức là nội dung của sự thể nhập vào thực tại vô ngã của các pháp.

 + Kinh Lăng Già : “Vô hữu niết bàn Phật, vô hữu Phật niết bàn” (không có đức Phật chứng niết bàn, và cũng không có niết bàn của Phật chứng). Nổ lực phủ nhận sứ chứng niết bàn và phủ nhận niết bàn của Phật chứng, là nổ lực diễn đạt về niết bàn như thật và đồng thời tránh ngộ nhận do suy tư đầy ngã tướng của người học có thể nẩy sinh.

 + Kinh Pháp Hoa : Trình bày “Phật tri kiến” một cách gián tiếp rất là biểu tượng, do đó suốt 28 phẩm kinh, không thấy nói “Phật tri kiến” là gì, nhưng bằng trí tuệ có đón nhận Phật tri kiến qua các hình ảnh đầu kinh “Thế tôn nhập và xuất vô lượng nghĩa xứ định mới thuyết Pháp hoa”. Hình ảnh nói lên rằng chân lý Pháp Hoa có mặt trong sự an trú tâm trong vô ngã pháp. Như thế Niết bàn chính là thực tại vô ngã hay niết bàn chính là thực tại này với sự vắng mặt của chấp thủ. Đây cũng là ý nghĩa “thập như thị” của Pháp hoa.

 + Kinh Hoa Nghiêm : Pháp giới trùng trùng duyên khởi của Hoa Nghiêm được nhìn qua “Đại lâu các trang nghiêm tăng” (Đại lâu các này là trú xứ của những ai đã hiểu nghĩa Không, Vô tướng và Vô nguyện , của những ai đã hiểu rằng hết thảy các pháp đều vô phân biệt, rằng pháp giới vốn là vô sai biệt, rằng chúng sanh giới vốn là bất khả đắc, rằng hết thảy các pháp vốn vô sanh). Như thế pháp giới Hoa Nghiêm chính là pháp giới của A Hàm và Agama được xóa tan ái thủ. Ở đây, Niết bàn như là chính pháp giới được đoạn tận ái và thủ.

 + Duy thức : Tổ Thế Thân gọi Niết bàn là quả “chuyển y” và trình bày nội dung của chứng đắc niết bàn qua bài kệ:

Vô đắc bất tư nghì

Thị xuất thế gian trí

Xả nhi thể trọng cố

Tiện chứng đắc chuyển y

Có nghĩa là đắc niết bàn là đắc vô đắc, khi ta lìa xa mọi chấp thủ và đối tượng (nhân ngã và pháp ngã). Diễn tả tích cực hơn là : “sinh tử tức niết bàn, phiền não tức bồ đề”.

Như vậy “sinh tử tức niết bàn” có ý nghĩa của “Tam vô tánh” khi chấp thủ hoàn toàn đoạn diệt, thì tâm thức được chuyển thành bốn trí.

III. SUY NGHIỆM :

Qua những lý giải cũng như những ý nghĩa trong Tam tạng kinh điển trên đây đã cho chúng ta nhận định được rằng Niết bàn là thật có, không ở ngoài pháp giới, chỉ cần pháp giới đoạn tận ái thủ là có Niết bàn. Cũng như tất cả các tông phái Phật giáo đều nhìn nhận Niết bàn sẽ hiển lộ nếu dẹp hết chấp thủ và vọng tưởng. Vậy Niết bàn là tất cả các pháp, và chính điều này đã cho chúng ta thấy rõ Đặc tính của Niết Bàn :

– Vĩnh cửu và hạnh phúc vì đã hoàn toàn thoát khỏi vòng sanh tử luân hồi : giải quyết dứt khoát khổ đau ngay trong kiếp hiện tại khi lòng tham ái bị tiêu diệt tức là thọ và tưởng uẩn đã đoạn tận.

– Có thật và duy nhất :

+ Sự chứng ngộ của chư Phật và Bồ Tát.

+ Niết bàn là vô sanh: bất hoại, bất diệt.

+ Niết bàn là duy nhất : không phải nhân mà cũng không phải quả.

IV. TU TẬP :

Muốn đạt được cảnh giới Niết Bàn, trước hết chúng ta cần phải :

–    Phát Bồ đề tâm.

–    Tinh tấn thực hành những lời Phật dạy.

–    Cầu thỉnh Y chỉ sư và thường xuyên tiếp cận Thiện Tri Thức để giúp chúng ta giải nghi những gì không quán triệt được trên con đường tu học.

Bài khác nên xem

Chương trình Tu học GĐPT Việt Nam

phuocthanh

Ý nghĩa lá cờ Phật giáo

datthinh

Mẫu chuyện đạo : Hạnh tu nhẫn nhục

datthinh