Ngũ Uẩn

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. GIỚI THIỆU :

Ngũ uẩn là giáo lý căn bản trong hệ thống giáo lý “ Nhân thừa ” của Đức Thế Tôn, là cơ sở để hình thành Nhân sinh quan, Thế giới quan và cả giải thoát quan của Phật giáo. Đức Thế Tôn thành Phật cũng từ sự phát hiện và thể nghiệm chân lý từ thân hữu lậu ngũ uẩn, do đó giáo lý của Ngài đã thể hiện tính nhân bản đặc sắc, bởi thân vừa là địa ngục và cũng là nơi thăng hoa trí tuệ của con người. Tìm hiểu và tu tập ngũ uẩn để từng bước chuyển hữu lậu ngũ uẩn thành vô lậu ngũ uẩn chính là niềm hoài bảo hàng đầu của người Phật tử chúng ta.

B. NỘI DUNG :

     I. ĐỊNH NGHĨA :

Trong kinh tạng Nikàya, Ngũ Uẩn Trung Hoa phiên âm là Kiền Độ, còn gọi là Ngũ ấm, ngũ chúng, ngũ thủ uẩn. Đức Phật định nghĩa như sau :“ Phàm sắc, thọ, tưởng, hành, thức, cái gì thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần . . . đây gọi là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn. Do nhân tứ đại, do duyên tứ đại được gọi là sắc uẩn. Do nhân xúc, duyên xúc được gọi là thọ uẩn, do nhân xúc, duyên xúc được gọi là tưởng uẩn, hành uẩn. Do nhân danh sắc, do duyên danh sắc được gọi là thức uẩn ” ( Kinh Tương Ưng III/trang 121).

     II. HÀNH TƯỚNG CỦA NGŨ UẨN :

1. Sắc uẩn :

Là phần vật chất, nói nôm na thân tứ đại này gồm bốn :  đất, nước, gió, lửa ( và tư tưởng ). Sắc uẩn lại gồm nội sắc và ngoại sắc. Nội sắc là thân mình. Ngoại sắc là tha nhân và thế giới vật lý quanh mình.

Sắc uẩn do thức ăn vật chất nuôi dưỡng ( kể cả thức ăn tinh thần ). Do vậy, khi các thức ăn tập khởi, thời sắc uẩn tập khởi. Khi các thức ăn đoạn diệt, thì sắc uẩn đoạn diệt. Từ đó con đường tu tập đưa đến đoạn diệt sắc là Bát Chánh Đạo.

     2. Thọ uẩn :

Là những cảm nhận về hỷ, lạc, xả, ưu, khổ ……qua lục căn : nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý ( thọ do nhãn xúc sinh, thọ do nhĩ xúc sinh, thọ do tỷ xúc sinh, . . . thọ do ý xúc sinh ). Bởi Thọ uẩn là do xúc sinh, vì vậy Thọ uẩn cũng có nội thọ ( cảm thọ về các thiên lạc ) và ngoại thọ ( cảm thọ về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp ).

     3. Tưởng uẩn :

Là những khả năng kinh ngiệm về sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Là những khả năng hồi tưởng, ký ức . . . Tưởng uẩn có 6 : sắc tưởng, thanh tưởng. . . xúc tưởng, pháp tưởng. Như vậy, do xúc tập khởi mà tưởng tập khởi do xúc đoạn diệt tưởng đoạn diệt . Tóm lại Thọ uẩn là sự tưởng tượng, tư duy về hình dáng sự vật sau tác dụng của căn đối với cảnh.

     4. Hành uẩn :

Là mối quan hệ tác dụng của tâm và ý chí khởi ra các hành động thiện ác, chỉ cho tất cả pháp hữu vi trừ sắc, thọ, tưởng, thức.

     5. Thức uẩn:

Là sự tích tụ của Nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức. Tức là tác dụng của tinh thần để nhận thức và phân biệt trạng thái tâm đối với cảnh.

C. SUY NGHIỆM VÀ PHÂN TÍCH:

Nghe qua 5 uẩn như thế, em suy nghĩ về : Tính không thực có của 5 uẩn. Sự chấp 5 uẩn  là có thật, chính là nguyên nhân đưa đến đau khổ, phiền não và làm phát hiện nơi em sự trầm tư về con người.

1.  Tính không thực của Ngũ uẩn :

Lâu nay, cứ tưởng rằng thân này của ta, tư tưởng này của ta. Nhưng rõ ràng tứ thân cho đến tư tưởng cảm thọ v.v… là không có thật, vì nó biến chuyển liên tục, không có một yếu tố nào thường tại. Một hơi thở ra không có vào, hay là không ra là “ cái ta ” không còn tồn tại, mà không sắc, thì thọ, tưởng, hành, thức… cũng không có mặt. Như lời Phật dạy “ Cái này có là do cái kia có mà thôi ”.

Vậy ngũ uẩn là không có thực, hay chính xác hơn là không có tự ngã riêng biệt. Không có cái gì gọi là “ tôi ” hay “ của tôi ” cả, mà đó chỉ là sự họp lại của 5 dòng hiện tượng, mà cũng có thể tan ra bất cứ lúc nào, do một nguyên nhân hết sức nhỏ bé không do ta điều khiển hay chủ động, hoàn toàn đột xuất đối với ta.

2.  Chấp 5 Uẩn có thật hay “ cái gọi 5 uẩn ” đưa đến khổ đau:

Đã biết rằng thân này không có thật, nhưng chúng ta vẫn bế nó, chìu chuộng nó, từ đó lệ thuộc vào nó. Từ việc lo ăn, mặc, ngũ, nghĩ . . . cho đến vì danh dự hảo mà tự cao, tự đại . . . tất cả đều do chấp Ngũ Uẩn là có thật, cung phụng nó, cho nó là ta, ai xúc phạm tới là sân si nổi lên.

Những câu kinh trong bài sám Tam Bảo nói lên rất rõ nguyên nhân khổ đau, phiền não do Ngũ Uẩn gây ra :

“Mắt ưa xem huyền cảnh hàng ngày.

Tai thích tiếng mật đường đua nịnh.

Mũi quen ngửi mùi thơm bất tịnh.

Lưỡi dệt thêu lắm chuyện cay chua

Thân tạm dùng gấm vóc sô va.

Ý mơ tưởng bao la vũ trụ ……”

Như vậy, chính vì chấp Ngũ Uẩn, nên chạy theo lục dục thất tình mãi mãi không vươn lên đựoc, đó chính là phiền não khổ đau trói buộc ta trong vòng sinh tử luân hồi.

3.  Trầm tư về con người Ngũ Uẩn :

Không đợi tới khi chết, mà thực ra, thân tứ đại này, con người Ngũ Uẩn này đã sinh và chết trong từng giây phút, từng sát na. ( Sự sinh ra và chết đi của các tế bào… để tiến lên sự huỷ diệt toàn bộ do suy yếu, bênh tật, tai nạn…)

Vẻ đẹp hình thức hay tâm hồn chúng ta, đều do nghiệp báo hay phước của nhiều đời, nhiều kiếp trước, vậy mà ta vẫn cứ quên, để vào lúc nào đó, tưởng rằng ta hơn người, rồi ngã mạn nổi lên, tiếp theo là phiền não, nếu cuộc đời không ưu đãi.

Cuộc nhân sinh thật là ngắn ngủi, một làn gió độc, một cái sẩy tay sẩy chân, một trục trặc nào đó của một bộ phận trong cơ thể chúng ta. Thế là đủ để chấm dứt cuộc sống này,tất cả sẽ mất theo, có gì nữa đâu mà tranh giành hơn thua, chém giết nhau…

Những thăng trầm của cuộc sống : Vinh, nhục, giàu nghèo, thị phi . . . cũng có thể đe doạ hạnh phúc của mình. Những lời mắng chửi của kẻ khác có khi ám ảnh suốt đời đối với một vài người và có thể dẫn đến hành động đối với những kẻ khác.

Như vậy hạnh phúc thường tình của ta thật quá mong manh và có thể bị tước đi bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do ý niệm lệch lạc về Ngũ Uẩn, do cho rằng thân này là tôi, là của tôi, dẫn đến chấp thủ, và chính thái độ chấp thủ nhiều hay ít, sâu hay cạn đã dẫn đến phiền não, khổ đau nhiều hay ít vậy.

D. TU TẬP :

Bài học về Ngũ Uẩn cho em một cái nhìn đúng đắn và mới mẻ về con người, em quyết tâm thực hiện :

  1. Phải thấy rõ tính không thật có của Ngũ Uẩn để bớt nuông chìu, nô lệ cho “ cái ta ” dưới mọi hình thức.
  2. Phải suy tư về vô tính vô thường của con người Ngũ Uẩn để khỏi thất vọng trước những cảnh ly biệt, vỡ tan không tránh khỏi.
  3. Phải luôn luôn tỉnh thức trong nhận định rằng Ngũ Uẩn là giả hợp, từ đó không chấp thủ, không lo sợ sự tan rã của nó.
  4. Phải nổ lực tinh tấn quán chiếu tính vô ngã của 5 Uẩn để không buông lung giãi đãi.
  5. Từng bước, thực hành ly tham, sống an ổn ít muốn, biết đủ, không bi tham, nhưng không đắm chìm, từ đó công phu tu tập sẽ có kết quả, trí tuệ, giải thoát sẽ đến với mình.
  6. Để dễ nhớ và thuộc nội dung Ngũ Uẩn, em học thuôc lòng bài kệ của Đức Thế Tôn về Ngũ Uẩn sau đây :

Năm Uẩn là gánh nặng.

Kẻ gánh nặng là ngươi

Cầm lấy gánh nặng lên ( tham ái và chấp thủ )

Chính là khổ ở đời.

Còn đặt gánh nặng xuống (đoạn dứt tham ái và chấp thủ)

Tức là lạc ở đời.

Đặt gánh nặng xuống xong

Không mang thêm gánh khác.

Nếu nhổ khỏi ái lên.

Tận cùng đến gốc rễ.

Không còn đói và khác.

Đã giải thoát Tịnh Lạc

Câu hỏi :

  1. Trình bày định nghĩa và nội dung Ngũ Uẩn ?
  2. Tại sao nói  “ Ngũ Uẩn giai không ” ( Ngũ Uẩn không có thực tính ) ?
  3. Chứng minh rằng : sự chấp 5 uẩn có thật sẽ đem đến phìên não khổ đau ? Cho một ví dụ cụ thể.
  4. Khi biết Ngũ Uẩn không có thực tính, ta có chán đời không ? Thái độ đúng đắn của người Phật Tử khi nhận ra 5 Uẩn không có thực tính là như thế nào ?
  5. Em hãy cho ví dụ để phân biệt một niềm vui giải thoát, và một niềm vui sẽ dẫn đến phiền não ?

Bài khác nên xem

GFDPT Khánh Trà (BHD GĐPT Bình Thuận)tổ chức thi vượt bậc năm 2012

phuocthanh

Lịch sử Đức Phật Thích Ca từ Sơ sinh đến Xuất gia

datthinh

Ý nghĩa Pháp khí – Pháp cụ trong đạo Phật

datthinh