Những cơn đau như dùi đâm vào khu vực bao tử và ruột già trước mùa Phật Đản làm tiêu tốn sức khỏe tôi khá nhiều. Mùa này anh Ủy viên văn nghệ phải nhập viện vì tụ máu vùng não, anh đã chân thành dặn dò tôi là phải cố gắng chăm lo cho Văn nghệ Phật Đản năm nay. Anh không dặn thì chúng tôi cũng phải liệu lo sao cho chu toàn. Nghĩ về một tương lai của Phật Giáo Việt Nam, của Gia Đình Phật Tử Việt Nam một mai khi bước ra khỏi thế kiềm tỏa của các thế lực, quyền hành để làm tròn nhiệm vụ đem đạo đức góp phần xây dựng xã hội đúng theo tinh thần Phật Giáo lòng tôi lại thêm bao bâng khuâng nghĩ ngợi, tập họp hết những nét đẹp thanh thoát, an lạc thuần túy trong nền Văn hóa Phật Giáo để đưa vào một vở múa hoành tráng trêm một sân khấu ba tầng khi có cơ hội. Vở nhạc cảnh đầu tiên mà tôi nghĩ ra là Kính mừng Phật Đản: Tầng thứ nhất là chư Thiên trên cung trời Đâu Suất (Tusita) tiễn đưa Hộ Minh Bồ Tát nhất sanh bổ xứ làm một cuộc tái sinh; tầng thứ hai là cảnh hoa viên Lâm Tỳ Ni với nhạc cảnh Ma Da hoàng hậu du ngoạn và vin cành Vô ưu đức sơ sinh bước đi trên 7 đóa, và tầng thứ ba là ca vũ dân gian Ấn Độ với tiết điệu vui nhanh đón mừng khánh đản… và có thể tiếp tục đến đoạn nhà tiên tri A Tư Đà xem tướng cho thái tử v.v…Nhưng thường, theo lễ nghi tôn giáo (các tôn giáo khác) thì tới đoạn Đức Phật đản sinh thì đạo tràng có thể trang nghiêm cử hành lễ khánh đản được rồi nên việc phân đoạn tạm dừng nơi đây và hội ý Ban hướng dẫn để liên kết 3 gia đình Phật Tử vào trong một vở nhạc cảnh 3 hồi cho mùa Phật đản năm nay.
Trước tiên, chọn gia đình Chánh Đạt thực hiện nhạc cảnh chư Thiên cung trời Đâu Suất với tiếng niệm trầm hùng rền vang sư tử hống nguyên văn: “Buddham Saranam Gachami từ Bồ Đề đạo tràng tạo âm thanh rất ấn tượng, có thể nói về trang phục và vũ điệu kiểu Gandhara uyển chuyển nhẹ nhàng như bánh xe quay là sở trường của Chánh Đạt qua những vũ điệu Dược sư tâm chú hay Hoa sen trước đó. Đặc biệt năm nay ban huynh trưởng đã đầu tư chăm chút như gấm thêu hoa làm rực vàng cung trời Đâu Suất. Kế đến là cảnh Lâm viên đầm thắm dưới gót bà mẫu hậu cùng các cung nga, thể nữ trên đường về quê do GĐ Chánh Thọ tiếp diễn khi chư Thiên sắp đôi hình lên tầng trên chờ đợt phút giây xuất thế – cảnh gió lặng chim ngừng và các bàn tay chuyển pháp đưa đỡ hài nhi trên bảy đóa sen. Tầng thứ 3 do GĐ Từ Hiếu múa lụa tung hoa cùng vũ điệu dân gian Ấn Độ gây tưng bừng thành Ca Tỳ La Vệ, pháo hoa rực sáng trong ngoài…..
Đang khi tổng dượt cơn đau quặn thắt kéo tới, phải nhờ người đưa về trạm Y tế để khám bệnh nhưng tôi thầm lo nếu bệnh viện phác giác cơn bệnh ngặt nghèo sẽ giữ mình lại thì toi công mùa Phật đản, còn không đi khám thì anh chị em trong ban hướng dẫn lo – bổng dưng giữa đường có một cú phone của em “tân bác sĩ” Từ Nghiêm dặn hãy về nhà để em mang thuốc lên chữa trị. Mặc dù tối hôm đó thuốc em không chữa hết bệnh nhưng tới trưa thứ hai cơn đau cũng đứt. Lòng tự nguyện sẽ ăn cháo trắng 3 ngày để chu toàn Phật sự. Đêm 13 diễn ở chùa An Linh; đêm 14 diễn tại Huê Lâm, ngày 15 dự lễ đài Phật đản ở Quảng Hương Già lam và đêm 15 diễn tại Từ Hiếu, tới ngày 16 đi sinh hoạt đến tối, trong 4 ngày này sức khỏe đã khá dần lên không còn đau nữa. Tối 16 ăn thử tô cháo có chút thịt thời lại phát đau không ngừng – nghĩ Phật sự đã xong thôi đành buông tay cho mệnh vận vậy. Sáng ra đi khám bệnh tới phần siêu âm bụng trạm y tế báo bị sỏi mật phải cấp cứu ngay. Tôi như bị con chim đại bàng túm lấy quẳng vào bệnh viện Bình dân lên bàn mỗ ngay chiều 20/4 ngày vía Bồ tát Quảng Đức, những lời nhắn sau cùng vẫn là lời thăm hỏi của nhạc sĩ Hằng Vang từ tổ đình Quán Thế Âm gọi đến…..Trong phòng mỗ mỗi người hỏi một câu tôi mê đi lúc nào không biết nhưng trong tâm tư tôi vẫn còn vang vọng tiếng niệm của chư Thiên dưới cội Bồ Đề : “ Buddham Saranam Gachami…….”
Đức Quảng