Giới – Định – Tuệ

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. DẪN NHẬP :

Suốt 49 năm thuyết pháp độ sanh, bằng nhiều cách thức khác nhau, nhưng lúc nào đức Phật cũng dành nhiều thời gian để chỉ bày cho chúng đệ tử kỹ càng về ba môn học gọi là Giới-Định-Tuệ, xem như là con đường độc đạo, một đáp án thỏa đáng và rốt ráo duy nhất cho bài toán để giải quyết tận gốc rễ vấn đề khổ đau của con người. Để rồi qua hơn 25 thế kỷ, ba môn học Giới-Định-Tuệ vẫn rực sáng như 3 viên dạ minh châu trong toàn bộ kho tàng giáo lý của Như lai cũng như kho tàng triết học – khoa học của nhân loại.

B. NỘI DUNG CỦA GIỚI – ĐỊNH – TUỆ :

1. Giới học :

Nói cho đủ là Giới luật, tức là giới pháp, quy luật để ngăn ngừa những điều tà quấy của đệ tử Phật (theo Từ điển Phật học Huệ quang tập II- Tr.1719). Như vậy giới luật có nghĩa “ phòng phi chỉ ác, biệt biệt giải thoát ” (ngăn ngừa mọi tội lỗi, đọan diệt tất cả các tội ác và tùy theo năng lực giữ giới, nếu giữ được một giới thì được giải thoát một phần tội ác và giữa được nhiều giới thì giải thoát được nhiều phần), thực hành giới luật là phương pháp điều trị thân và khẩu ở bên ngoài cho được thanh tịnh để nhờ đó tâm ý bên trong cũng được thanh tịnh. Giới như phương thuốc chữa bệnh, còn bệnh thì còn thuốc, hết bệnh thì thuốc không cần. Vì vậy mà giới không phải bất di bất dịch, khi nào còn tạo tội lỗi thì giới là điều cần thiết, khi thân tâm thanh tịnh thì giới cũng tự tiêu tan. Vì vậy bước đầu tu học, mỗi mỗi việc làm đều phải cố gắng giữ gìn thân, khẩu đừng cho mắc phải những điều tội lỗi để tâm thần thanh thản an vui.

Giới luật là thọ mạng của Phật pháp, cho nên trước khi đức Thế Tôn nhập Niết bàn, Ngài đã căn dặn : “ Các thầy Tỳ kheo, sau khi Như Lai diệt độ, các thầy phải trân trọng tôn kính tịnh giới, như mù tối mà được mắt sáng, nghèo nàn mà được vàng ngọc. Phải biết tịnh giới là đức Thầy cao cả của các thầy. Nếu Như Lai ở đời thì cũng không khác gì tịnh giới ấy ”.(Kinh Di giáo – HT.Trí Quang dịch)

2. Định học :

Tiếng Phạn là Samãdhi tức tâm chuyên chú vào một đối tượng, đạt đến tinh thần không tán loạn hoặc chỉ cho trạng thái vắng lặng của tâm thức (theo Tự điển Phật học Huệ quang –Tập II, Tr. 1522). “ Tâm viên ý mã ” là một thành ngữ nói lên đặc tính của tâm thường hay lăng xăng, vọng động, không bao giờ ngừng nghỉ. Để tâm lắng xuống, không vọng động theo ngoại cảnh, ấy là trạng thái tâm lý của Định. Thế gian nầy sỡ dỉ có sinh tử luân hồi triền miên chỉ vì tâm chúng sanh còn vọng động, nhiểm ô tội lỗi, vô minh che lấp. Vì vậy phải tu định để chấm dứt những tà niệm dấy khởi, để trong mỗi niệm khi đi, đứng, nằm, ngồi ta luôn luôn giữ được chánh niệm tỉnh giác. Trong Thiền định, Thiền là diễn tiến còn Định là cứu cánh và thực hành Thiền để đạt Định bởi Định là nhân tố căn bản của giải thoát, Niết bàn, một trạng thái tâm lý thoát ra ngoài ý thức suy luận, vượt lên trên mọi hiện tượng hiện hữu của thế giới trần tục. Tuy nhiên chúng ta cũng cần phân biệt rõ trong Thiền định, Thiền là sự vận dung tư duy để thể nghiệm chân lý, còn Định là xã bỏ tư duy để thể nhập chân lý,  chứng quả Niết bàn.

3. Tuệ học :

Tiếng Phạn Adhiprajnã tức là Trí tuệ quán xét chân lý để đoạn trừ vọng hoặc. Còn Tuệ (tiếng Phạn là Prajnã) là Trí phán đoán sự vật. Ngoài ra cần lưu ý Tuệ và Trí thường được gọi chung nhưng thực ra có nghĩa khác nhau : Thông đạt sự tướng hữu vi gọi là Trí; thông đạt đến lý không, vô vi gọi là Tuệ (Theo Tự điển Phật học Huệ Quang – Tập II,Tr.1963).

Tóm lại Tuệ theo Phật giáo dùng để chỉ một khả năng nhận thức có đủ 3 tác dụng :

–   Liễu tri (Parinnata) : biết rõ sự vật.

–   Thắng tri (Abhinnatha) : biết thấu đáo bản chất thật sự của sự vật : “ Vô thường, khổ, vô ngã và biết thấu đáo hành nghiệp của mỗi chúng sanh ”.

–   Đoạn tận (Pahanatha) : chấm dứt được khổ đau nhờ đoạn tận mọi nguyên nhân tập khởi của chúng.

Qua 3 tác dụng trên đã cho ta thấy rõ một điều thật hiển nhiên đó là : Nhận thức thông thường của con người chỉ có tác dụng làm giàu ta bằng kiến thức, và mỗi khi nó không tự liễu tri và thắng tri chính mình thì nó tự tha hóa và làm băng hoại bản thân bằng cách chạy theo những ảo giác của cuộc đời để thâu lượm kiến thức. Trái lại tuệ giác chỉ có thể đạt được bằng con đường tu tập giới và định mới có thể diệt trừ được bóng tôi vô minh để đạt được quả vị giải thoát.

C. SUY NGHIỆM :

1. Vị trí Giới Định Tuệ trong hệ thống pháp môn tu học :

Tam tạng tang giáo điển Kinh – Luật – Luận là toàn bộ kiến trúc của ngôi nhà Phật giáo nhằm mục đích thăng hoa cuộc sống con người về mặt tinh thần, trong đó đã nêu rõ 2 phạm trù một cách rõ nét : phạm trù của bề rộng kiến thức là phần kinh văn của Kinh Luật Luận và phạm trù của chiều sâu về tư duy nội dung là phần hành trì, mà giáo lý Tam vô lậu học Giới-Định-Tuệ được xem như là nòng cốt.

2. Tương quan Giới Định Huệ :

–   Giới – Định – Tuệ là một pháp môn có mối quan hệ mật thiết với nhau vì cả 3 đều khẳng định rằng : Con đường thấu hiểu những chân lý là con đường phải trải qua những hành động thực tế, phải qua chứng ngộ và đạt kết quả cao hay thấp là do năng lực phấn đấu, tu tập của bản thân từng người.

–   Giới – Định – Tuệ là 3 giai đoạn phát triển của nhận thức, của quá trình khai sáng trí tuệ, có mối liên quan nhân quả với nhau, chúng ta không nên hiểu một cách cứng nhắc máy móc, qua bước này mới tới bước kia. Mà cần phải thấy rõ là không phải các bước phát triễn tuần hoàn mà nhiều lúc diễn ra đồng thời liên tiếp nhau.

–   Tiến trình Giới – Định – Tuệ là tiến trình bao hàm những bước phát triển tiệm ngộ và đốn ngộ (tiệm tiến và đột biến), cho nên chỉ có hiểu rõ tinh thần nầy mới có được quan điểm đúng đắn với các danh xưng về các ngôi vị Phật quả theo đúng thực chất trong trình độ tu chứng.

3. Những tác dụng của Giới Định Tuệ trong đời sống :

Người Phật tử khi tinh tấn thực hành Giới Định Tuệ một cách nghiêm túc thì gặt hái được những tác dụng vào đời sống thực tế đối với bản thân, gia đình và xã hội :

–   Đào tạo một tinh thần kỷ luật.

–   Sanh định : gột rửa được những tâm lý nhiễm ô như tam dục, hận thù  . . .

–   Sống an lạc và tự chủ.

–   Giữ gìn sự hòa hợp và đoàn kết.

–   Duy trì mạch sống của Phật pháp.

–   Chí nguyện vững bền.

–   Đưa đến tuệ giác cứu cánh.

D. TU TẬP GIỚI ĐỊNH TUỆ TRONG ĐỜI SỐNG :

Con đường Trung đạo thông qua pháp môn Giới – Định – Tuệ đưa chúng ta đến giải thoát, an lạc đã rộng mỡ, chúng ta hãy nhanh chóng khởi hành với một tâm hồn khát khao đón nhận, cùng một ý chí kiên định. Đừng bao giờ còn phát sinh ý nghĩa không có con đường nào để chúng ta vượt qua bể khổ của cuộc đời, mà vì chúng ta đã không chịu đi trên con đường đã được đức Thế Tôn dọn sẵn hơn 25 thế kỷ qua. Bởi Giới Định Tuệ là căn bản của giác ngộ và giải thoát, là nguyên tắc cơ bản trong vô lượng pháp môn, do đó để áp dụng trong thực tế, chúng ta cần phải :

–   Nghiêm trì giới luật : Không giải đãi, trong mỗi cử chỉ, lời nói, việc làm phải dè dặt, xét đoán luôn luôn vì mục đích làm lợi cho những người chúng quanh nhằm thể hiện lối sống từ bi, hỷ xã.

–   Tu tập Thiền định : Chọn và xử dụng những phương pháp phổ biến để tu tập  như Sổ tức – Niệm phật – Quán tưởng nhằm giúp cho việc xã bỏ các vọng tưởng, không để tâm vọng động theo ngoại cảnh, ngũ dục, triền cái.

–   Gần gủi các bậc Thiện tri thức : tham vấn học hỏi giáo pháp, tinh tấn hành trì để phát huy những sở đắc trong việc hành trì.

Bài khác nên xem

Truyền tin : 14 chữ Morse đơn giản

datthinh

BHD Khánh Hòa: Thi kết khóa tu học thường niên của Huynh trưởng & Đoàn sinh

Huệ Quang GĐPTVN

GĐPT Thiện Hoa 3 tham dự Sám hối kỳ I/2015

phuocthanh