Đại ý Kinh – Chú – Kệ ( Trong các thời công phu )

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )


A. GIỚI THIỆU :

Trong kho tàng kinh điển Phật giáo được đề cập đến dưới danh xưng : Kinh – Luật – Luận mà những người con Phật được thọ hưởng hiện nay được hình thành từ những lời Đức Thế tôn thuyết giáo, từ những luận giải hay những bài thuyết giảng về yếu lý của lời Phật dạy của chư  Lịch đại Tổ sư, được kết tập lại qua từng thế hệ, mà chúng ta thường được nghe tán tụng trong các khóa lễ mỗi khi đến chùa.

B. NỘI DUNG :

I. SỰ PHÂN BIỆT VỀ Ý NGHĨA, HÌNH THỨC, SỰ TÁN TỤNG GIỮA KINH, CHÚ VÀ KỆ :

–  Kinh :  thuộc về hiển giáo, giải bày ý nghĩa rõ ràng, có thể lấy ý mà lĩnh hội.

–  Chú : thuộc vệ mật giáo, không thể giải thích ý nghĩa, nhưng có một tác dụng nhất định trong tâm thức chúng ta, giúp chúng ta điều trị được một số tâm bệnh, một số trạng thái thần kinh hoang tưởng hoặc si ám . . .

–  Kệ : thâu tóm yếu lý nội dung chính của một phẩm kinh bằng những câu  văn ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ.

II.  SUY NGHĨ VỀ NGHĨA LÝ KINH – CHÚ – KỆ :

Là một Phật Tử phải học hiểu nghĩa lý của các Kinh, Chú, Kệ, để khi niệm đọc, tâm hiểu, có hiểu, tâm mới định, tuệ mới phát.

Vậy đại ý hai thời công phu là:

1.  Thời kinh sáng :

Sáng sớm muôn vật đều yên tĩnh. Tâm im lặng trong suốt ( trạm tịch ) hành giả thức dậy, vệ sinh cá nhân thay áo quần sạch sẽ lên chánh điện công phu là :

–   Chú Lăng Nghiêm : Sớm đối trị bệnh ngũ dục chưa nhen nhúm mầm mống, lắng nghe cho được tâm hồn trong suốt vắng lặng (trực tâm) để rõ bày tánh  Chân Như  của Như Lai Tạng. Đó là chỗ tĩnh lặng bất động, có cảm đến đâu là suốt thấu đến đó .

–   Chú Đại Bi, Chú Như Ý Bảo Luân Vương : đồng để lóng sạch bụi phiền não trong tâm ta. Bụi lòng đã sạch thì lòng Đại Bi trùm khắp, đồng thể chuyển được pháp luân như ý.

–    Chú Tiêu Tai Kiết Tường : có công năng tiêu mất điều tai ương, đưa đến sự an lành, xe pháp luân càng vững chãi.

–    Chú  Công Đức Bảo Sơn : được điều lành hiện nơi tâm – ở núi pháp tánh được ngọc báu bằng công đức.

–    Chú  Chuẩn Đề : Tan sạch lý chướng làm cho pháp tánh được tỏ bày quả toại .

–    Chú  Quyết Định Quang Minh Vương : Đắc quả đã toại rồi liền cầu trí sống lâu của Đức Quang Minh Vương Như Lai.

–    Chú Dược Sư Quán Đảnh : khi trí sống lâu đã phát triển. Trí ấy như mặt trăng báu mà trong bình lưu ly hàm tàng nó. Quán tia sáng rọi ngay vào đỉnh đầu nên gọi là quán đảnh.

–    Chú Quan Âm Linh Cảm Chú : được thấm sâu vào lỗ tai viên thông pháp giới. Đức Quan Thế Âm đem đến sự linh cảm mầu nhiệm vô cùng, tỷ như trăng soi mà vắng, vắng mà soi.

–    Chú Thất Phật Diệt Tôi Chơn Ngôn : còn e sợ nghiệp cũ mù mờ, trí Kim Cang khó tỏ rạng cần phải diệt sạch căn nghiệp từ vô thỉ nên gọi là diệt tội.

–    Chú Vãng Sanh : khi căn bản nghiệp chướng đã sạch, mong cầu Đức A Di Đà trút gội lên đỉnh đầu bằng nước Cam Lồ như chính cảnh Tịnh Độ.

–    Chú Thiên Tiên Nữ : là gom phép quán mầu nhiệm trên để cộng thành diệu dụng của pháp tánh thì những sở nguyền sẽ đạt được kết quả như ý.

–    Bát nhã tâm kinh : Song song với sự trì tụng các Chú mầu nhiệm ấy, tiến phép diệu quán là do nhất tâm mà có. Còn sợ chấp trước nơi quan cảnh, nên cần tụng Bát Nhã Tâm Kinh chỉ ngay tâm thể vắng lặng tịch diệt. Vì tâm vốn là “ Không ” mà “ Tướng ”  cũng không luôn.

Trọn 12 bài mật chú và một bài hiển kinh ( Bát nhã ), ý nghĩa gồm thâu lẫn nhau. Hành giả lấy công đức hành trì hồi hướng lên ngôi Tam Bảo để chứng minh : nguyện sức Bát bộ hộ trì của chư Phật, chư vị Bồ Tát có bốn ân, bạn hữu đều nhờ ơn thoát khổ trong 8 nạn 3 đồ. Nước trị, dân an, đàn việt. Tín đồ thêm phước huệ. Nguyện các thiền môn an tịnh, toàn thể Tăng chúng, Phật Tử tiến tu lên bậc thập Địa Bồ Tát.

Tiếp theo là niệm Phật để được thập chứng, dù chỉ niệm một danh hiệu Phật cũng như niệm tất cả Phật, vì Phật đạo đồng danh hiệu, tức là một thân cùng hoà lẫn với nhiều thân. Tự cùng hoà với Tha. Rốt lại là 3 tự Quy Y gồm tất cả công đức đã tụng mật chú , hiển kinh trên để thành ngôi Tam Bảo của tự tánh Như Lai Tạng.

2.  Thời kinh chiều :

Nếu ban mai mang ý nghĩa tâm hồn còn vắng lặng, trong suốt làm chủ, thì kinh chiếu nhắm hướng ngay vào Tịnh Độ làm chính. Buổi chiều với bản nguyện gom góp những hạnh lành trong ngày để quy về Tịnh Độ. Vậy, phải nhớ trước công dụng sau mới gom đức.

–    Kinh A Di Đà : khởi đầu bằng Kinh A Di Đà là để phát khởi được nhiệm mầu của chánh báo là căn thân, y báo là quốc thổ của nước Cực Lạc và đặc biệt khuỵên người chuyên tâm niệm danh hiệu Phật để gây nhân tốt, đinh lực tâm, phát được tuệ. Mục đích cho chúng sanh xa lìa uế độ ( cõi Ta Bà ), cầu về cảnh toàn tịnh của thế giới Cực Lạc.

–    Chú  vãng sanh : cầu Đức A Di Đà đến trụ trên đỉnh đầu của ta để gia bị cho ta nhổ trốc gốc rễ của nghiệp chướng và thọ ký cho ta được quả quyết vãng sanh. Nhất tâm ước nguyện tha thiết trừ vọng tạp, nghiệp chướng và thọ ký cho ta từ vô thỉ, nên y theo Hồng Danh Bảo Sám mà phải nguyện rằng : con nay phát tâm sám hối, đây chẳng cầu được phước báu giàu sang, làm người hay làm trời, cho đến Thanh Văn, Duyên Giác mà chỉ nguyện cho con và chúng sanh đồng đắc quả Phật mà thôi.

–    Lạy Hồng danh : Tiếp theo xướng lạy 88 danh hiệu Phật để sám hối tất cả căn nghiệp từ vô thỉ đến nay.

–    Tụng bài kệ : 10 đại nguyện của Đức Phổ Hiền Bồ Tát để tuyên dương lại lời phát nguyện trước dung thông tục đế với chân đế cũng như đắc pháp Tam Muội của Phật trí thì tất cả các pháp đều in hiện tượng vào biển cả. Thế là tỏ rõ nghĩa cứu cánh (cảnh hiện tâm) vẫn  in như vậy.

–    Tụng bài Mông Sơn : thiết lễ thí thực để tỏ lòng tế độ các đảng, cô hồn nơi âm cảnh, cầu âm siêu dương thái, kẻ còn người mất đều được phổ độ.

–    Bát Nhã Tâm Kinh : Nêu rõ lẽ tội phước đều không. Vì Thật Tướng là phi ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng. Bởi các tướng ấy đều có diệt, có sanh. Còn Thật Tướng thì không sanh không diệt. Vậy Thật Tướng thì bất sanh bất diệt, hay bất sanh bất diệt mới là Thật Tướng của vạn hữu.

Tiếp tụng chú vãng sanh là lập đi lập lại sự xác quyết y cứ vào đức A Di Đà, mong rọi hào quang đến đỉnh đầu ta để hộ niệm cho ta. Chú vãng sanh có công năng biến lục đạo thành tịnh độ, khiến chúng sanh hữu tình được chứng lên bậc Thâp địa Bồ tát.

Cuối cùng niệm Phật hồi hướng để xiển minh lẽ thực chứng, sau cùng kết thúc về tam quy y là: từ thuỷ chí chung, công việc này có bao nhiêu phép lành, mỗi đều tập trung về ngôi tự tánh tam bảo, để nguyện cho pháp giới chúng sanh đồng phát tâm vô thượng bồ đề.

3.  Hai thời sóc vọng :

Lễ chúc tán Thù Ân ( sáng ) Sám Hối Hồng Danh ( tối ), nguyện cầu đức Hộ Pháp Vi Tôn chư thiên 8 loại, các thần hộ giáo Già Lam, nhờ các ngài ngăn diệt ma chướng ủng hộ ngôi tam bảo.

C. THỰC HÀNH:

Khi đã hiểu qua công năng của các khoá tụng, em từng bước thực hành chăm chỉ tinh tấn với hạnh nguyền thời sớm, thời chiều từ bắt đầu đến niệm Phật, Bồ Tát. Đó là Pháp tu Tịnh Độ. Phần hồi hướng và Tam quy là phần hướng về rốt ráo phổ độ chúng sanh. Hai thời chúc tán, Sóc Vọng để chúc các vị Bồ Tát, Hộ Pháp, chư Tăng, quốc thái dân an, âm siêu dương thái.

 Câu hỏi:

  1. Qua bài học chúng ta có phân biệt thế nào là Kinh, Chú, Kệ. Cho một ví dụ ?
  2. Chúng ta hiểu thế nào về dùng trực tâm để tỏ bày tánh Chơn Như của Như Lai Tạng ?
  3. Nói rằng tội phúc đều vô chủ, nhân pháp đều vô tướng thì ta phải hiểu thế nào khi ta còn sám hối và phát nguyện ?
  4. Thế nào là Tam Bảo của Tự Tánh ?

Bài khác nên xem

Tứ chánh cần

datthinh

Em tập đánh chuông mõ

datthinh

BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn tổ chức Bát Quan Trai Giới lần I năm 2013

phuocthanh