Chuyện tiền thân : Thí thân nhường nước cứu chúng sanh

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

Thuở xưa có một vị vua tên là Trường Thọ, Ngài có Thái Tử tên Trường Sanh. Nhờ lòng từ bi độ lượng của Ngài mà dân chúng trở nên nhân từ, mùa màng tốt tươi.

Đương thời, bên lân quốc có một Tiểu Vương tính nết tham lam, cai trị bạo ngược, nhân dân đói khổ mà chưa tìm được phương sách cứu khổ. Ngày nọ, Tiểu Vương liền hội quần thần phán rằng: “ Ta nghe vua Trường Thọ nhân từ, không chịu sát sanh, quân sự không dự bị, ta định đem binh chinh phục, các ngươi nghĩ sao? ” Các quan nghe qua đều tán thành, liền kéo quân chinh chiến. Quan trấn thủ biên cương dâng biểu báo cáo và xin binh tiếp viện.

Nhà vua hội bá quan : “ Nay Tiểu quốc đem quân xâm lăng không ngoài mục đích danh lợi và nền kinh tế phong phú của nước mình. Nếu ta đem binh ngăn chận thì trái hẳn lòng dân. Vậy ta không thể làm thế ”. Các quan đồng tình nguyện đem binh chống giữ, nhưng nhà vua vẫn khư khư : “ Việc chinh chiến thắng bại lẽ thường : Nếu có bên thắng tất có bên thua! Vậy cuộc chiến chưa chắc hưởng lợi. Hơn nữa tuy dân hai nước không đồng văn hóa nhưng cũng là loài người, cũng thụ hưởng sinh khí của tạo hóa, ai không là người sợ chết ? Nếu ta ham sống, chỉ lo bảo tồn gia tộc mà làm hại dân lành thì đâu phải tư thế của người hiền ”.

Nghe nhà vua nói vậy, quần thần đều lui về bàn tính : “ Hoàng thượng có đức nhân từ, không tính việc can qua, vậy việc nầy chúng ta phải cùng nhau đem binh chống giặc, như thế mới là tôi trung lúc quốc gia hữu sự ”.

Được tin quần thần đem quân chống giặc, nhà vua bất mãn nói cùng Thái Tử : “ Nay Phiên tặc xâm lăng bờ cõi, quần thần cố giữ non sông, thế thì dân lành bị hại, ta định trốn bỏ ngôi vàng, hoạ may đó là chước hay cứu người vô tội ”. Thái Tử tỏ ý bằng lòng, liền đó cha con sửa soạn hành lý, nửa đêm trốn khỏi thành.

Sáng ra, quần thần, Hoàng Hậu kinh hoàng trước tin nhà vua và Thái Tử mất tích, kẻ khóc người than, chia nhau tìm kiếm. Do đó Phiến Vương chiếm đất lấy thành như vào chỗ không người, tới kinh đô thu góp của quý và lên ngôi cửu ngũ.

Từ ngày rời chốn phồn hoa, nhà vua và Thái Tử đang ngồi tựa gốc cây nghĩ về thế sự, thảm thương nhân loại không hiểu được lý : “ VÔ THƯỜNG, KHỔ, KHÔNG, VÔ NGÃ ” của Phật, cứ kéo nhau vào vòng khổ não. Nghĩ vậy nên Ngài quyết chí tu hành, ngõ hầu thành chánh quả tế độ chúng sanh mới toại nguyện.

Lúc đó có một Đạo sĩ : Vì muốn chiêm ngưỡng lòng nhân của nhà vua nên đi đến kinh thành, gặp nhà vua đang ngồi ở dưới gốc cây, rưng rưng đôi mắt : “ Bệ hạ! Bấy lâu muốn chiêm ngưỡng lòng nhân, nay gặp thì Ngài đã vong quốc, chắc vì thế mà hạ thần cũng tuyệt mạng ”.

Quá chua xót, nhà vua đáp : “ Từ xa, Ngài muốn gặp ta để nhờ ban châu báu nhưng nay là lúc nguy nan, nghe đồn vua Phiên sẽ phong thưởng cho ai bắt được ta, vậy ta cũng không tiếc chi tấm thân này ”.

Đạo sĩ quá cảm động thưa rằng : “ Tôi không thể nào làm được việc đó ”  và ông tính trở về. Nhưng nhà vua cứ muốn hiến thân giúp cho Đạo sĩ. Sau cùng nhà vua định cách đi xuống Trường An bằng các đường khác, Đạo sĩ đi đuờng khác, Ngài đến Ngọ môn thì Đạo sĩ cũng vừa đến, rồi Ngài tự trói mình và bảo Đạo sĩ vào tâu Tham vương. Lúc ấy thần dân thấy cảnh nhà vua thọ nạn đều khóc than  vang dậy, không cảnh não nùng nào hơn.

Tham Vương được Đạo sĩ nạp nhà vua, quá đỗi vui mừng, truyền quân đem ra ngả tư đường thiêu sống.

Khi ấy trên lốt áo đốn củi, Thái Tử Trường Sanh đến trước mặt vua với đôi mắt đẫm lệ, nhà vua trông thấy giả bộ ngó lên trời than : “ Trường Sanh ! Con sẽ là đứa bất hiếu nếu không nghe di chúc của ta mà tạo mối hận thù, tội đó liên luỵ đến muôn đời, con nên hiểu muốn thành Phật là do bố đức nhân từ, cao dày như trời đất, chứ không phải tu  hành tầm thường mà thành chánh quả được. Nay vì lẽ Đạo tối thượng ta phải hy sinh  thân xác, mi chớ manh tâm phục hận, vì thế là con bất hiếu ”.

Vua vừa dứt lời, quân sĩ Tham Vương đã đốt củi, thương thay chỉ vì lòng từ bi thương xót một vị Đạo sĩ già, mà thân xác vua tan tành, thiên hạ âu sầu, dân gian ta thán.

Quần thần và dân chúng xin Tham Vương cho phép làm lễ quốc táng. Tham vương cho phép.

Nói lại Thái Tử Trường Sanh trở về cội cây, nơi mà hình bóng cha trầm tư suy lý, càng nhớ cha, nhớ mẹ thì càng tức giận quân thù. Tự nghĩ : “ Dù cha có lời di hối, nhưng ta đành tâm thất hiếu,  quyết giết sạch quân thù ”. Nghĩ vậy liền thẳng xuống kinh thành, xin vào ở cho một cận thần của Tham Vương, hầu tìm dịp báo oán.

Viện cận thần thấy Thái Tử làm việc giỏi giang, trồng rau rất tốt lại có biệt tài nấu ăn nên tiến cử với Tham Vương. Tham Vương rất bằng lòng khen : “ Bạch kinh cầu xảo rất tinh thông ” và phong cho chức Trừ Giám, không bao lâu lên chức Cận Thần.

Ngày nọ, Tham Vương đòi cận thần ( tức Thái Tử ) bảo : “ Ta ngày đêm sợ Thái Tử Trường Sanh đến báo oán, vậy ta muốn ban đủ bình quyền tước vị cho khanh ra trấn nhậm biên cương để  trị an bờ cõi ”. Thái Tử vui mừng nhận lời. Tham Vương lại hỏi : “ Ta muốn cùng khanh săn bắn ? ” Thái Tử đáp : “ Thưa bệ hạ! Việc săn bắn rất hợp với bản chất hạ thần ”.

Thế là vua tôi dẫn nhau vào rừng, vì mê đuổi thú nên vua và quân sĩ bị lạc.

Tham Vương và Thái Tử chịu đói khát liên tiếp ba ngày đêm, quanh quẩn trong rừng, quá mệt Tham Vương trao gươm cho Thái Tử rồi kê đầu lên vế của chàng thiếp đi. Lúc ấy Thái Tử nghĩ thầm : “ Đây là lúc thuận tiện ra tay ” nhưng khi tuốt gươm ra, vừa muốn chém xuống thì lời di hối của cha còn lảng vảng bên tai nên lại tra gươm vào vỏ.

Tham Vương tỉnh giấc : “ Ta nằm mơ thấy Trường Sanh đến giết ta không biết điềm lành dữ thế nào ? ” Thái Tử tâu : “ Có lẽ vì mấy ngày mệt nhọc nên Ngài mơ mộng đó thôi, hơn nữa hạ thần đây thì Trường Sanh cũng không làm gì đặng

Tham vương vững bụng nằm xuống ngủ lại.

Thái Tử mấy phen định giết nhưng vẫn không thi hành được. Lúc đó Tham Vương thức dậy nói : “ Trẫm mới thấy Thái Tử Trường Sanh nói tha mạng Trẫm rồi ”.

Khi ấy Thái Tử quỳ xuống tâu: “ Chính hạ thần là Trường Sanh, mấy lần định giết bệ hạ nhưng vì lời di hối của Phụ Vương bảo không nên lấy oán báo oán nên hạ thần không nỡ xuống tay. Vậy xin bệ hạ cứ trừ tuyêt hậu hoạn hầu linh hồn hạ thần sớm siêu thoát ”, Tham Vương nghe quá xúc cảm : “ Tiên quân quả đáng là Thượng Thánh, còn Thái Tử đáng bậc hiếu thảo, nay ta trong tay Thái Tử mà người không giết thì ta lòng nào mà phản nghịch lẽ trời che đất chở. Hơn nữa ta cần Thái Tử dẫn đường về nước ”.

Thái Tử vâng lời ra lộ quan, gặp bọn tùng giá đang đi tìm. Nhà vua nói : “ Ta gặp Thái Tử Trường Sanh ”. Bọn chúng ngạc nhiên, nhà vua tiếp : “ Ta rất đội ơn Thái Tử, khi về kinh đô ta sẽ giao lại tất cả ngôi báu thành trì cho người, còn ta sẽ về bổn quốc và kết tình anh em với Ngài hầu chia họạ phúc với nhau ”. Nói rồi chỉ tay Thái Tử.

Được tin thần dân mừng rỡ, quốc gia từ đó trở lại cảnh thanh bình.

Vua Trường Thọ là tiền thân Phật Thích Ca. Trường Sanh Thái Tử là tiền thân của Ngài A-Nan. Tham vương tiền thân Đề Bà Đạt Đa.

Phật Dạy :

“ Lấy oán báo oán, oán oán chập chồng

Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan ”.

Bài khác nên xem

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu khai khóa bậc Lực năm 2019

Tâm Lễ

Lịch sử Đức Phật Thích Ca

datthinh

Lịch sử kết tập Kinh luật lần thứ nhất TT. Thích Phước Sơn

phuocthanh