Lễ bố tát tiếng Phạn là Upavasatha, tiếng Pali là Upoastha phiên âm là Bố sa tha, Bố sái tha, Bô sa tha, Bố tát, Bố tát đà bà. Nghĩa là Trưởng tịnh, trưởng dưỡng, cận trụ, cộng trụ, thuyết giới…Nói chung, trong những ngày ấy, người tu tập sống đời phạm hạnh, trưởng dưỡng đạo tâm, tịnh trừ tam nghiệp, tập sống và làm hạnh của bậc thánh giả A la hán, với tinh thần thiểu dục tri túc.
Trong truyền thống Vệ đà, mỗi tháng thường có những ngày hiến tế lễ Soma. Trước đó một ngày chủ tế phải dọn mình bằng cách nhịn ăn, tiết chế các thứ dục lạc và vào trong nhà thờ lửa cầu nguyện. Do ý nghĩa này mà từ Uposatha được hiểu theo nghĩa bóng là “ngày kiêng cữ” hay nhịn ăn, nói theo Hán văn là “ngày trai nhật”. Tục lệ các ngày trai như vậy có trong nhiều tôn giáo và Đức Phật cũng đã vận dụng trong Tăng đoàn Phật giáo.
Như trên đã nói, Đức Phật đã chấp nhận những ngày trai giới theo truyền thống Vệ đà (Bà la môn giáo) nhưng chỉnh lý theo mục đích sinh hoạt của Tăng già. Trong những ngày ấy các Tỷ khiêu sống trong một cương giới đều phải tập họp một chỗ để thuyết giới. Từ đó lễ Bố tát trở thành phận sự của một Tỷ khiêu không thể thiếu được. Đến đây gốc Bố tát đã biến đổi, tức đối với đạo Phật, Bố tát cũng có nghĩa là thuyết giới và như thế bố tát đã trở thành từ của Phật giáo.
Về thời hạn của Bố tát các kinh luận có khác nhau: Trung a hàm q.14, Tăng nhất a hàm q.16 lấy 6 ngày trai trong tháng là mồng 8, 14, 15, 23, 29 và 30. Còn luật Tứ Phận thì lấy ngày mồng 1,14,15 làm lễ bố tát. Luận Đại Trí Độ lấy ngày mồng 1, 14, 16, 23, 29 làm ngày bố tát.
Vào lúc 18h30 ngày 01.11 năm Giáp Ngọ, tại Tổ Đình Huê Lâm, Huynh Trưởng GĐPT Quảng Đức Sài Gòn tham dự lễ bố-tát, Ni Trưởng Thích Nữ Như Châu, Trú Trì Tổ Đình, đã đọc giới nhằm giúp chư hành giả luôn sống trong tinh thần của giới luật, thúc liễm thân tâm, trau dồi Giới, Định, Tuệ. Lễ bố tát lần thứ 1 và lần thứ 2, số lượng Huynh trưởng tham dự khá khiêm tốn, qua đến lần thứ 3 số lượng Huynh Trưởng có phần tăng lên.
Lễ bố tát nói theo nghĩa rộng là ngày trai giới để dọn mình, trưởng dưỡng thiện căn tịnh trừ nghiệp chướng của hàng Phật tử. Ngày ấy cũng là ngày mà các tăng sĩ nói riêng các Phật tử tại gia nói chung tập họp về các trụ xứ để tựng giới điều mà mình đã thọ. Đây cũng là trách nhiệm và bổn phận của hàng Phật tại gia sống gần với đời sống của bậc A La Hán, tạo nhân xuất thế về sau. Lễ Bố Tát hoàn mãn lúc 19h30 cùng ngày.
Vp BHD GĐPT Quảng Đức Sài Gòn