( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Hướng Thiện
do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2005 – PL 2549 )
I. VĂN :
Có một vị Tỳ kheo đến khất thực tại một nhà nọ, được mời vào phòng. Người chủ lên tiếp chuyện, tay có đeo một chiếc nhẫn, vô ý đánh rơi mà không biết. Lúc ấy có một con ngỗng đi ngang qua gắp nuốt vào bụng. Vị Tỳ kheo thấy nhưng không nói gì. Một lát sau chủ nhà mới biết mất chiếc nhẫn bèn hỏi vị Tỳ kheo. Vị này im lặng không đáp. Người chủ sinh nghi, hỏi dồn, vị Tỳ kheo vẫn im lặng. Không thể nén lòng tức giận, người chủ nhà mắng chửi và đánh đập nhưng vị Tỳ kheo vẫn cam chịu, không nói một lời.
Lúc bấy giờ, người nhà chạy lên thưa với chủ rằng : “ Không biết vì sao con ngỗng nhà ta ngã chết ngoài sân kia ”.
Nghe xong, vị Tỳ kheo thong thả nói : “ Hồi nãy tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn ”.
Người chủ liền bảo mỗ bụng ngỗng ra, quả nhiên tìm được chiếc nhẫn. Chủ nhà hối hận : “ Bạch thầy, sao lúc nãy thầy không nói ngay để đến nỗi con sinh nghi xúc phạm đến danh thể của thầy ? ”
Vị Tỳ kheo trả lời : “ Ông nghĩ cũng phải, nhưng nếu tôi nói ngay thì con ngỗng sẽ bị giết vì lời nói của tôi. Việc ấy tôi không bao giờ dám làm cả, dẫu có hại đến tính mạng tôi cũng vậy ”.
II. TƯ :
Im lặng như chánh pháp và nói năng như chánh pháp chính là trường hợp này. Dù là nói sự thật nhưng nếu nói không đúng lúc có thể gây nguy hiểm cho người và vật. Vì sự an nguy của sanh mạng khác, dù có hy sinh, người tin Phật, theo Phật vẫn không từ nan.
III. TU :
– Em học theo hạnh nhẫn và bền tâm giữ gìn giới luật.
– Em không nói, không làm điều gì gây hại cho người, cho vật.
IV. CÂU HỎI :
1. Tại sao thầy Tỳ kheo không nói ngay cho chủ nhà biết việc con ngỗng đã nuốt chiếc nhẫn ?
2. Vì sao khi con ngỗng chết rồi thầy Tỳ kheo mới nói lên sự thật ?
3. Em rút ra được bài học gì qua câu chuyện này ?