Vấn đề Huấn luyện Huynh Trưởng trong Gia Đình Phật Tử

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp – Lộc Uyển

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

I. QUAN NIỆM VỀ HUẤN LUYỆN TRONG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ :

Vấn đề huấn luyện là vấn đề quan trọng bậc nhất của sinh họat Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử. Nói đến huấn luyện Huynh trưởng không phải chỉ nói đến các trại huấn luyện mà thôi, Huynh trưởng đến dự trại mà mang tâm niệm là mình sẽ trở thành một Huynh trưởng giỏi, lành nghề ngay sau khi khóa trại kết thúc là sai lầm. Thời gian trại từ 5 đến 10 ngày làm sao đủ để đào tạo cho một Huynh trưởng giỏi, cho nên vấn đề huấn luyện Huynh trưởng có nhiều mặt :

Tự huấn : Bằng cách học hỏi các sách vở, tài liệu, học hỏi kinh nghiệm Huynh trưởng cấp trên, cũng như bạn bè.

Tự luyệnBằng chính những kinh nghiệm hằng ngày của mình, bằng chính những sáng kiến của mình.

Trại huấn luyện : Trại Huấn luyện cốt để tôi luyện thêm ý chí, vun xới thêm tinh thần và củng cố năng lực.

* Mục đích chính yếu của trại huấn luyện là :

–   Thống nhất phương pháp điều khiển.

–   Thống nhất tổ chức và quản trị.

–   Nâng cao ý thức trách nhiệm và tinh thần trung kiên đối  với tổ chức.

Cho nên trại huấn luyện là để kết thúc chuỗi dài chuẩn bị, học tập, nghiên cứu, kinh nghiệm chứ không phải đến dự trại với bàn tay trắng, với bộ óc trống rỗng …

II. CHỦ ĐÍCH TU HỌC VÀ HUẤN LUYỆN CỦA HUYNH TRƯỞNG :

Còn nói đến chủ đích thì không thể tách rời tu học thường xuyên với huấn luyện. Chủ đích của tu học và huấn luyện là trau dồi rèn luyện 3 lĩnh vực :              

1.  Đức độ, tác phong :                                                       

–   Có lý tưởng cao đẹp.

–   Sống hòa hợp, giản dị, gần gủi các em, làm chỗ nương tựa cho các em.

2.  Kiến thức :

–   Có kiến thức sâu xa về đạo Pháp, các môn tu chứng để giải thóat.

–   Hiểu biết tâm sinh lý Đòan sinh.

–   Thông suốt chương trình tu học các Ngành về các bộ môn :

+ Văn nghệ.

+ Hoạt động thanh niên.

+ Hướng nghiệp.

3.  Năng lực :

–   Có khả năng về các lĩnh vực họat động xã hội.

–   Có nghị lực, kiên trì với ý tưởng, không từ chối khó khăn, gian nan, nguy hiểm.

–   Huynh Trưởng là tấm gương sáng cho đoàn sinh noi theo.

III. NHỮNG ĐÒI HỎI Ở TRẠI SINH :

Để thực hiện mục tiêu của sự rèn luyện Huynh trưởng, tổ chức trại huấn luyện, đòi hỏi các trại sinh :

1.- Biểu lộ ý thức tự giác, có tác phong gương mẫu trong mọi họat động của trại, nên sinh hoạt này sẽ được các anh chị Huynh  trưởng mang về vận dụng trong nề nếp sinh hoạt của Gia Đình.

2.- Tự đặt mình trong những điều kiện sinh hoạt khắc khổ, tìm cách khắc phục mọi khó khăn trong thực tiễn đời sống trại sinh.

3.- Rèn luyện tác phong nề nếp làm việc khoa học ( thông qua tổ chức và điều khiển trại sinh của Ban Quản Trại ).

IV. TẦM NHÌN BAO QUÁT CÁC TRẠI HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG:

Trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển là Trại Sơ Cấp, nghĩa là trại tập sự làm Huynh trưởng, là cửa ngỏ bước đến làm trưởng. Như thế các trại sinh cần học hỏi nhiều, chịu đựng nhiều, vì trại sinh đã khoát cho mình chiếc áo trưởng như thế các trại sinh đã nhận trách nhiệm và bổn phận của một người Huynh trưởng. Khi trại sinh đã học hết chương trình trại trúng cách trại nầy, lúc ấy mới chính thức là Đoàn phó thực thụ của một đoàn.

Sau 2 năm sinh hoạt Gia Đình Phật Tử với tư cách một Huynh trưởng tập sự, vừa phụ tá cho Đoàn trưởng, vừa trau luyện chuyên môn lại cũng vừa tu dưỡng tác phong, đạo đức, đã thấy gắn bó với đàn em. Từ đó cảm thấy thiết tha với tổ chức Gia Đình Phật Tử, lý tưởng Gia Đình Phật Tử được hình thành. Cũng từ 2 năm đó đã có thêm những hiểu biết sâu hơn về giáo lý. Đã rõ nét hơn về những vấn đề tinh thần. Đã có đủ năng lực và tinh thần để dự trại huấn luyện thứ hai : A Dục, Trại đào tạo Đoàn trưởng.

Từ trại A Dục đến trại Huyền Trang, Huynh trưởng lại thêm 3 năm sinh họat hay nhiều hơn thế nữa. Mấy năm trời thực tập, mấy năm trời học hỏi kinh nghiệm tiến bộ, mấy năm hun đúc thêm tinh thần và ý chí, học hiểu sâu thêm về giáo lý. Bây giờ tự kiểm điểm lại nếu thấy mình năng lực đã cao, ý chí đã vững, làm đơn xin dự trại Huyền Trang. Bác gia trưởng khi đặt bút ký tên giới thiệu các Huynh trưởng dự trại cũng nên đắn đo suy nghĩ và kiểm điểm lại sự tu học cũng như tinh thần phục vụ Huynh trưởng.

Sau khi trúng cách trại Huyền Trang tối thiểu là 5 năm vươn mình lên trong tổ chức mới tham dự trại cao cấp  nhất của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, đó là trại Vạn Hạnh. Đến đây không còn ai là huấn luyện viên nữa mà mỗi Trại sinh là một huấn luyện viên cho chính mình. Đời sống trại bây giờ là đi sâu vào nội tâm. Thời gian được qui định trong qui chế về huấn luyện không phải áp dụng đương nhiên hay máy móc, có thể bị kéo dài thời gian vì chưa đủ điều kiện bởi các yếu tố khác.

Một quan niệm sai lầm khác : Huynh trưởng đi dự trại là được thăng Cấp và coi đó là mục đích duy nhất. Trúng cách trại huấn luyện chỉ là một điều kiện trong những điều kiện để xét cấp mà thôi, trại huấn luyện sẽ mất đi nhiều ý nghĩa và tinh thần trại sinh bị lệch lạc với sự quan niệm sai lầm này.

V. KẾT LUẬN :

–   Nguyên tắc huấn luyện Huynh trưởng cũng là nguyên tắc rèn luyện đoàn sinh theo mục đích lý tưởng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

–   Những bài học và phương pháp rèn luyện tại trại cũng là những bài học vận dụng trong thực tiễn sinh họat và điều khiển các Đoàn cơ sở của Gia Đình Phật Tử Việt Nam nhưng phải phù hợp với tâm sinh lý Đoàn sinh ( không thể xem Đoàn sinh như một Huynh trưởng ).

–   Phát huy triệt để kết quả của Trại Huấn Luyện để xây dựng tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam thành một tổ chức lớn mạnh tồn tại lâu dài.

–   Chúng ta đang đứng trong cuộc đấu tranh của hai khuynh hướng sống :

+ Khuynh hướng chạy theo những nhu cầu vật chất, kinh tế.

+ Khuynh hướng tôn trọng những giá trị tinh thần cao đẹp.

Cuộc sống đấu tranh này đòi hỏi chúng ta nhiều nghị lực, và ý chí kiên định mới giữ vững được lý tưởng của chúng ta, lý tưởng của Gia Đình Phật Tử Việt Nam – Trại huấn luyện cốt yếu là để tăng cường nghị lực và tôi luyện ý chí cho người Huynh trưởng.

 

Bài khác nên xem

Nhiệm vụ Đầu Thứ Đàn

datthinh

BHD GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức kết khóa Trại Lộc Uyển 16

phuocthanh

Đoạn đức, Ân đức và Trí đức – Quyền lực của nhà lãnh đạo (trích Quyền Lực Đích Thực – Thích Nhất Hạnh)

phuocthanh