Thầy gởi đến trang nhà gdptvn tài liệu Tu Tập Thiền Định. Nhờ trang nhà post lên để mọi người cùng tham khảo và hiểu đúng và tu tập đúng với chánh pháp của đức Đạo sư đã dạy. Chúc an lành.
(Click vào đường link dưới đây để xem nội dung file PDF)
TU TẬP THIỀN ĐỊNH
******
TU TẬP THIỀN ĐỊNH
Dhyāna-Samādhi bhāvanā
LỜI MỞ ĐẦU
NHỮNG LƯU Ý QUAN TRỌNG ĐỂ HÀNH GIẢ CÓ ĐỦ SỨC TINH TẤN TRONG THỰC HÀNH.
Hành giả muốn thành công trong việc thực hành Thiền-Định thì, bản thân hành giả lúc nào cũng luôn luôn quan niệm và nghĩ rằng: Con người chúng ta có hai thực thể hiện hữu hiện tiền để cho chúng ta nuôi dưỡng làm cho lớn mạnh đó là: Thân mạng và Tuệ mạng (ngũ uẩn: Thân (đất, nước, gió, lửa)Tâm(thọ, tưởng, hành, thức) phải được nuôi dưỡng.
Thân mạng thì nuôi dưỡng bằng đồ ăn thức uống v.v…, còn Tuệ mạng trí tuệ thì phải được nuôi lớn bằng Thiền-định. Vậy hằng ngày chúng ta nuôi dưỡng thân mạng này bằng đồ ăn thức uống, ngày ba bữa thì, chúng ta cũng phải nuôi dưỡng tuệ mạng của chúng ta cũng tương đương hoặc hơn thế nữa, để nuôi lớn tuệ căn qua Thiền đinh; nếu chúng ta cứ biết lo nuôi dưỡng cái thân giả tạm bị lệ thuộc vào vô thường này rồi một ngày nào đó, nó sẽ mất đi khi hết duyên không nắm giữ được; trong khi chúng ta vì nó (thân mạng) mà tạo ra ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý không thanh tịnh mà bỏ quên cái tuệ mạng không nuôi lớn và, bắt nó phải gánh chịu những hậu quả của thân và khẩu để lại, vì thân vô thường mà chúng ta đã tạo ra thì, tất nó phải thiêu chột và chết khô thôi! Như vậy việc nuôi thân căn vật chất không thôi, có đáng để cho hành giả chúng ta đâm đầu vào mà không cần biết hậu quả của chúng ta để lại trở thành nghiệp nhân chobước đi kế tiếp, có đáng trách và đáng sợ hay không?
Khi thân căn của chúng ta nó đói khát thì chúng đòi hỏi chúng ta buộc phải tìm đủ cách để cung cấp đồ ăn thức uống cho chúng nếu không, chúng sẽ khô héo già chết không còn nắm giữ được nữa; trong khi tuệ mạng không mất kia, nó hướng dẫn chúng ta đi đến bến bờ giải thoát và, theo ta đến chung cuộc, mà nó èo ộp dẫn chúng ta đi vào những nơi tăm tối của ba đường dữ, do hậu quả của tâm ácthông qua mọi tạo tác của thân-khẩu để lại; như vậy có đáng sợ không?Vì tuệ căn của chúng ta cũng phải cần thức ăn thiền định để nuôi dưỡng thánh thai trong lớn mạnh dẫn chúng ta đi đến bến bờ giải thoát lại bị bỏ quên thì thật là đáng trách và đáng xấu hổ. Vì vậy, nên hành giả chúng ta luôn nên nhớ nghĩ đến điều này, nhờ đó chúng ta mới có động cơ thúc đẩy làm cho chúng ta luôn luôn tinh tấn siêng năng trong thực hành Thiền định nuôi lớn tuệ căn; đó là điều cốt lõi để tu tập Thiền Định giải thoát khổ đau, đạt được tuệ giác an vui hạnh phúc vĩnh viễn trong hiện tại cũng như tương lai.
Hành giả chúng ta trước khi đi vào thực hành Thiền định của ba phương pháp Thiền-Tịnh-Mật thì, trước tiên chúng ta phải đọc hết qua ba phương pháp này. Nếu hành giả thấy phương pháp nào thích hợp với sở thích và điều kiện sống của mình thì chọn một trong ba phương pháp đó mà thực hành. Cầu mong hành giả sớm thành công trong từng bước thực hành Thiền-Định của mình trong bước đi Trung đạo giữa vật chất (thân căn) và tinh thần (tuệ căn), vì tâm và vật (tâm sinh lý) luôn luôn tác động hỗ tương lẫn nhau mà hình thành và hủy diệt cũng giống như con đường Trung đạo giữa khổ đau và hạnh phúc, chúng ta chọn con đường Trung Đạo để thanh tịnh ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý đưa đến Niết-bàn giải thoát, đó là mục tiệu cuối cùng mà đức Đạo sư nhắm đến.
Đại lãn-Đức Thắng
TU TẬP THIỀN ĐỊNH
Dhyāna-Samādhi bhāvanā
ĐẠI LÃN – ĐỨC THẮNG
Trong Thiền tối sơ khi Phật còn tại thế thì Thiền không chỉ làm căn bản cho các định mà còn phát ra những sức mạnh chung cho thiên nhãn và thiên nhĩ nữa, tất cả đều nương vào Dhyāna này. Hơn nữa, trong Thiền có cả những tác dụng của suy xét và quán niệm chân lý, cho nên người học đạo thường lấy Thiền làm khởi đầu tối yếu trong việc thực hành. Tuy nhiên do tính chất trong Thiền đã có định và trong định không có Thiền nên Định được phân ra làm ba loại: Vị Định, Tịnh định, vô lậu định.
– Vị định (chưa có định) là lúc nó cùng với phiền não tham tương ưng mà khởi, yêu đắm đối với định.
– Tịnh định là cùng với tâm thiện hữu lậu tương ưng mà khởi.
– Vô lậu định, là bậc trí nương vào định mà đạt được trí vô lậu.
– Thiền là từ lược của Thiền-na (dhyāna) còn dịch là tư duy tu, hay tịnh lự. Tư duy tu có nghĩa là tư duy về đối cảnh mà chúng ta đang để tâm vào mà nghiên cứu tu tập và, dùng tâm thể tịch tĩnh tịnh lự để xét về nghĩa tư duy suy nghĩ đó.
– Định được dịch nghĩa từ chữ Samādhi phiên âm là Tam-ma-địa, Tam-muội hay Tam-ma-đề, có nghĩa là chánh thọ, chánh định là định tâm dừng vào một cảnh xa lìa mọi vọng động.
Vậy Thiền có nghĩa là nhất tâm khảo sát nghiên cứu về một vật nào đó tức là Thiền, còn nhớ nghĩ về một cảnh vắng lặng nào đó gọi là định. Sự khác biệt giữa Thiền và Định chỉ được dùng để nói đến nghĩa rộng và nghĩa hẹp: Nghĩa rộng thì chỉ cho Định và, nghĩa hẹp thì chỉ cho Thiền. Bỡi vì sự tư duy xét nghĩ của Thiền-na, tự nó đã có nghĩa là đình chỉ để đưa đến tịch tĩnh nên cũng gọi nó là Định; nhưng trong Tam-muội (Samādhi, chánh định) lại không có nghĩa xét nghĩ tư duy, nên Định này không được gọi là Thiền. Về tên gọi thì Định có rất nhiều tên gọi khác nhau tùy thuộc vào người đọc mà có được phiên âm để phù hợp với đối cơ mà gọi tên trong khi phiên âm. Theo luận Câu Xá Quang ký6 thì có ba tên: Tam-ma-địa (samādhi), Tam-ma Bát-để (samā-patti), Ta-ma-di-đa (samāhita). Theo Duy Thức Liễu nghĩa đăng7 thì có năm tên gọi: (1). Tam-ma-di-đa (samāhita) là Đẳng dẫn. (2). Tam-ma-địa hay tam-muội (Samādhi) là Đẳng trì. (3). Ta-ma Bát-để (samā-patti) là Đẳng chí. (4). Đà-na-diễn-na, Thiền-na (dhyāna) là Tịnh lự. (5). Chất-đa-hê-ca A-yết-la-ca (cittaikāgratā) là Nhất tâm tánh cảnh.
Theo Pháp Giới Thứ Đệ, quyển hạ thì, Thiền có thế gian Thiền và xuất thế gian Thiền. Thiền thế gian là thiền của các hàng phàm phu thực hành, tức căn bản là lấy tứ Thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc Định làm căn bản. Trong khi Thiền xuất thế gian có hai loại: (1). Xuất thế gian Thiền, hay là nhị thừa cộng Thiền, chỉ cho Lục Diệu môn, Thập lục đặc thắng, Thông minh, Cửu tưởng, Thập tưởng, Bát-bối-xả, Bát thắng xứ, Thập nhứt thiết xứ, Luyện thiền, Tứ thập biến hóa, Nguyện trí, Đảnh thiền, Vô tránh tam-muội, Tam tam-muội, Sư tử phấn tấn, Siêu việt tam-muội, Tam minh, Lục thông thiền v.v… (2). Xuất thế gian thượng thượng thiền, hay là bất cộng thiền, như Tự tánh đẳng tứ chủng đại thiền, Thủ lăng nghiêm đẳng bách bát tam-muội, Chư Phật bất động đẳng bách nhị thập tam-muội.
Theo Luận Đốn ngộ nhập đạo yếu môn quyển thượng:
“Hỏi: Sao gọi là Thiền? Sao gọi là Định?”
“Đáp: Vọng niệm không sinh là Thiền, ngồi thấy bản tánh là Định. Bản tính tức là tâm không sinh. Định là đối cảnh không tâm, tám ngọn gió không thể lay động. Tám ngọn gió là: hơn, kém, khen, chê, ca ngợi, trách, khổ, vui, đó gọi là tám ngọn gió. Người nào nếu đạt được định như vậy thì, dù là phàm phu cũng nhập vào địa vị của Phật.”
Ngoài ra thường Thiền định được dùng cùng một nghĩa để chỉ cho tâm vật bất động đều gọi là tam-muội cả. Như Trí Độ luận5 “Khéo trụ tâm vào một chỗ bất động, đó gọi là Tam-muội.” hay cũng trong Trí Độ luận 28 thì: “Tất cả Thiền định đều gọi là Định hay tam-muội. Ngoài tứ Thiền ra, các Định khác cũng gọi là Định, cũng gọi là Tam-muội, mà không gọi là Thiền.”
Tuy Thiền-Định đều phát xuất từ đức của tâm, song tâm của dục giới không có đức này (chỉ có được khi chúng ta tu tập), mà chúng thuộc về tâm đức của sắc giới và vô sắc giới. Đứng về mặc tương đối của sắc và vô sắc thì Thiền là pháp của sắc giới, Định là pháp của vô sắc giới và, tự chúng có bốn cấp bậc cạn sâu khác nhau, nên chúng ta thường nghe có tứ Thiền, tứ Định. Tứ Thiền, tứ Định này là pháp thế gian chung cho Phật pháp, ngoại đạo, phàm thánh cùng tu tập, ngoài Định thế gian này ra còn có Định xuất thế gian của Phật, Bồ-tát, A-la-hán chứng đắc, đó là các Định vô lậu nhờ tu tập mà có được, cho nên muốn đạt được Thiền thì phải xa lìa phiền não dục giới. Muốn đạt được Định thì phải đoạn trừ phiền não dục giới và, muốn đạt được các Định vô lậu thì phải đoạn tuyệt phiền não vô sắc giới. Vì chúng ta là hành giả của dục giới nên muốn đạt được Thiền định này bắt buộc chúng ta phải nổ lực tu tập đoạn trừ phiền não ba nghiệp (thân-khẩu-ý phát sinh từ tham-sân-si) của cõi dục hình thành.
Theo tông Câu xáthì định này được chia ra là hai phần: Hữu tâm định và Vô tâm định. Hữu tâm định gồm có bốn Tịnh lự và bốn định vô sắc, Tâm định này có được là nhờ tu tập đoạn trừ dần dần các phiền não hạ địa trong mười địa theoCâu Xátông, nhờ đó mà sinh ra sắc giới bốn tịnh lự thiên và bốn vô sắc giới thiên của định này. Vô tâm định gồm có vô tưởng định và Diệt tận định. Vô tưởng định chỉ cho trạng thái vô tưởng mà các phàm phu cùng ngoại đạo tưởng lầm và cho rằng đây là trạng thái chân Niết-bàn để cho họ tu tập và mong đạt đến. Diệt tân định, chỉ cho cảnh giới tịch tĩnh vô dư Niết-bàn mà các bậc Thánh tu tập đạt được định. Ngoài ra giai đoạn trung gian cận phân định của sơ tịnh lự và nhị tịnh lự được gọi là trung gian định; nếu hành giả nào tu tập định này thì sẽ được sinh về Đại Phạm thiên. Đây là hai loại định có được nhờ vào sự tu tập của hành giả dành cho cõi dục mà chúng ta đang cư ngụ, chứ không phải sinh ra đã có rồi như là cõi sắc và vô sắc.
Vậy Thiền là tên gọi tắc của Thiền-na(禪那)được phiên âm từ chữ Phạn dhyāna có nghĩa là tịnh lự cùng với nghĩa “Định”(定) của Tam-ma-địa được phiên âm từ samādhi chữ Phạn họp lại mà gọi là Thiền-Định(禪定). Thông thường tinh thần chúng ta không ổn định hoàn toàn, lúc thế này lúc thế khác, luôn thay đổi theo các duyên bên ngoài và bên trong ý nghĩ, nên chúng ta không làm chủổn định tâm lý của mình vì vậy mọi rắc rối phức tạp luôn vây khốn chúng ta làm cho chúng ta luôn luôn cảm thấy bất ổn trước cuộc sống; để kiểm soát cuộc sống của chúng ta trở nên an ổn và an lạc phát sinh thì hành giả chúng ta, nhất là các hàng Bồ-tát trong lúc thực hành con đường Bồ-tát của mình thì, Thiền-Định là con đường đi đến tối ưu, dành cho chúng ta trong sự nghiệp tự độ và độ tha, lợi mình lợi người đưa đến an vui giải thoát, mà đức Đạo sư đã từng dạy: “Chế tâm nhứt xứ, vô sự bất biện”(制心一處, 無事不辦). (Chú tâm vào một chỗ, không việc gì là không làm được). Vậy muốn khống chế tâm cảnh dao động, nhiễu loạn của chúng ta khi tiếp xúc với mọi hoàn cảnh chung quanh, khi chúng ta chưa làm chủ được chính mình thì điều cốt yếu là phải dùng Thiền-Định làm một phương pháp đối trị lại những nhiễu loạn dao động trước mọi hoàn cảnh bằng cách kéo tâm mình trụ vào một đối tượng duy nhất thì, mọi sự dao động nhiễu loạn bất ổn của ngoại cảnh và tự tâm sẽ tự biến mất và, mọi sự an ổn sẽ tự hiện hữu; cho nên gọi “Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện” là vậy. Khi chúng ta đem tâm mình tập trung vào một đối tượng duy nhất thì, ngay lúc đó tâm chúng ta cắt đứt hết đối các duyên liên hệ khác bên trong hoặc bên ngoài, lúc này tâm chúng ta chỉ có một đối tượng duy nhất, trong thiền học gọi đó là “nhất tâm tánh cảnh” , chính là cảnh giới thiền định được hình thành. Cảnh giới này nếu chúng ta huân tập nhiều chừng nào thì lực của tâm định mạnh chừng đó và, cứ như thế chúng ta tiến lên sẽ đạt được trạng thái “Tâm vật nhất như” (心物一如) là thành tựu được Thiền-Đinh và, trí tuệ phát sinh cũng là nhờ vào sức mạnh của tâm định này. Ở đây trí tuệ là hậu quả tất yếu có được từ Thiền-Định, nên người nào có công phu Thiền-Định thì người đó sẽ tập trung bảo trì được lực lượng trí tuệ càng ngày càng sáng hơn và, khi chúng ta gặp phải bất cứ cảnh ngộ nào đi nữa cũng điều hòa ngay vào cảnh đó một cách tự nhiên, để sau đó đưa đến giải thoát hết mọi hoàn cảnh có thể làm bất ổn cho hành giả. Đây là lúc chúng ta làm chủ được tâm mình, vô công dụng đạo hiện bày, việc độ ta độ người, lợi ta lợi người sẽ được thành tựu viên mãn.
Đối với Thiền-Định nhiều người hiểu lầm rằng ngồi Thiền sẽ đưa đến thân khô, tâm lạnh như gỗ đá bên vực sâu, nhức đầu ù tai, sinh ra điên loạn v.v… Họ không biết rằng việc tu Thiền-Định tiêu cực như vậy của họ là do không đúng phương pháp, không người hướng dẫn nên đi sai đường, hoặc dụng tâm không đúng, điều thân, điều tức không thông, do vậy nên từ đó sinh ra những trở ngại. Đối Thiền-Định nếu hành giả nào đi đúng đường có người hướng dẫn đúng thì những hiện tượng tiêu cực đó sẽ không bao giời xảy ra và, sẽ thành tựu được mọi kết quả như hành giả mong muốn.
Tóm lại, Thiền-Định là một pháp tu cơ bản của đạo Phật, một phương pháp tu chính nhằm xóa bỏ tất cả mọi nghiệp khổ của chúng sanh phát xuất từ ba độc tham-sân-si tác động qua ba nghiệp thân-khẩu-ý mà hình thành nghiệp quả khổ gần nhất và, xa hơn nữa là vô minh hoặc của chúng sanh trong ba cõi sáu đường. Ở đây, Thiền-định cũng có thể chỉ cho Thiền thế gian là thiền của các hàng phàm phu thực hành, tức căn bản là lấy tứ Thiền, tứ vô lượng tâm, tứ vô sắc Định làm căn bản chỉ dành riêng cho các loài chúng sanh hữu tình khi xa lìa được phiền não của dục giới; nhưng các hàng Bồ-tát cũng dùng Thiền-Định để tu tập đó là Thiền-na ba-la-mật trong Lục ba-la-mật một trong sáu pháp tu của các hàng Bồ-tát và, Thinh văn cũng dùng Thiền-định để tu tập. Tuy cũng là Thiền định hết nhưng Thiền định của các nhà Tiểu thừa Thinh văn được giới hạn trong ba học, chúng cũng chỉ có giá trị thực tiễn trong tự lợi mà thôi, còn đối với các hàng Bồ-tát không những có giá trị trong tự lợi mà còn mang đến lợi tha cho người nữa. Đó chính là sự khác biệt giữa Bồ-tát và Thinh văn là như vậy, nên trong cùng Thiền định, chúng cũng tùy thuộc vào thuộc tính của người hành trì và, phương pháp hành trì cũng tùy thuộc vào thuộc tính căn cơ của hành giả mà thiền-định được áp dụng cho các tông phái của Phật giáo sau này, nên vấn đề sai biệt đó phải có trên tên gọi và cách thức hành trì trong phương pháp để phù hợp với căn cơ hành giả, nhưng vẫn không xa lìa THIỀN-ĐỊNH BAN SƠ của đức Đạo Sư.
Theo phương pháp tu THIỀN-ĐỊNH này Phật Giáo Việt Nam cũng tùy theo thuộc tính căn cơ và trình độ của hành giả Việt Nam mà theo đó chọn ra ba phương pháp tu cho Phật Giáo Việt Nam là THIỀN-TỊNH-MẬT để hướng dẫn các hành giả nương vào ba phương pháp tu này, tùy theo căn cơ và trình độ khế hợp với mỗi hành giả mà thiết lập cách tu hành theo phương pháp Thiền-định của mỗi tông phái Thiền-Tịnh-Mật trong nhiều Tông phái của Phật giáo phát triển sau này, mà điều thân điều tâm của người tu cho phù hợp trong khi hành trì và, đưa đến công dụng là làm sạch ba nghiệp thân-khẩu-ý không tạo ra nhân ác trong lúc tu tập của hành giả qua Thiền-định. Đó là mục tiêu cuối cùng giải thoát khổ của đức Đạo sư cũng là pháp tu của Phật giáo Việt Nam trong hiện tại.
Ở đây chúng tôi, chỉ đề cập đến vấn đề thực hành của ba phương pháp thực hành Thiền định dành cho Thiền-Tịnh-Mật chứ không đề cập đến lý thuyết, vì chính những lý thuyết của ba môn phái trên đều như ba phái chủ trương. Vậy, làm cách nào để đưa tâm hành giả vào định trong lúc thực hành ba phương pháp Thiền-Tịnh-Mật để ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý thanh tịnh trong lúc hành giả thực hành?
– Những phương pháp tu theo Thiền để đưa đến Nhất tâm trong lúc thực hành chính làdùng tâm mình đếm hơi thở vô-ra từ một đến mười và bắt đầu đếm lại từ một: Thở vào đếm một, thở ra đếm hai tiếp tục cho đến mười và, bắt đầu đếm một trở lại từ một cho đến mười; hay thở vào thở ra đếm một và, tiếp thở vào thở ra đếm hai và cứ như vậy đếm đến mười và trở lại từ một; hai cách thở trên chúng ta có thể đếm ngược từ mười trở lại một cũng được. Haytheo dõi hơi thở vô-ra, có nghĩa là dán chặt tâm của mình lên trên hơi thở vô, hơi thở ra, liên tục không gián đoạn không dừng nghỉ, không cho tâm mình rời khỏi hơi thở(quan trọng chính ở đây là khi hành giả đếm hơi thở vô-ra hay theo dõi hơi thở vô-ra nơi mũi thì phải biết rõ là mình đang đếm hay đang theo dõi hơi thở, nếu chỉ biết đếm và theo dõi hơi thở theo quán tính thuộc lòng thì hành giả sẽ từ từ rơi vào trạng thái hôn trầm và sẽ đưa đến ngủ gục.) Ban đầu hơi thở của chúng ta mới tập cho nên có khó khăn vàhơi thở nặng (thô) nhưng nếu chúng ta kiên trì vượt qua giai đoạn tập thở này thì một thời gian sau hơi thở hành giả bắt đầu đều đặn và trở nên nhẹ nhàng (tế) dần và cho đến khi thuần thục thì sẽ đạt đến độ nhẹ nhàng như một sợi chỉ cho đến lúc hơi thở tạm ngưng … đó gọi là tu Chỉ hay tu Định (Samatha-bhāvanā). Sau đó hành giả dùng phương pháp theo dõi hơi thở (tùy tức) vô-ra này kết hợp với bốn niệm xứ(thân (kāya), thọ (vedanā), tâm (citta), pháp (dhamma) qua 16 đề tài lấy làm đối tượng quán kết hợp với pháp thở vô-ra mà thực hành phép CHỈ-QUÁN (sammatha – vipassana). Đây chính là phép tu Định-Tuệ song hành theo như KinhTạp A-hàm,Tương Ưng An-na-ban-na, kinh 778A-nan[1] (Hán tạng).Phương pháp kết hợp theo Sanskrite (Hán tạng) như sau:
Thân niệm xứ: (Kāya-smṛty-upasthāna)
* Khi niệm hơi thở vào dài, tập như niệm hơi thở vào dài.
Khi niệm hơi thở ra dài, tập như niệm hơi thở ra dài.
* Khi niệm hơi thở vô ngắn, tập như niệm hơi thở vô ngắn.
Khi niệm hơi thở ra ngắn, tập như niệm hơi thở ra ngắn.
* Giác tri tất cả thân hành niệm hơi thở vào, tập như tất cả thân hành niệm hơi thở vào.
Giác tri tất cả thân hành niệm hơi thở ra, tập như tất cả thân hành niệm hơi thở ra.
* Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở vào, tập như thân hành an tịnh niệm hơi thở vào.
Thân hành an tịnh khi niệm hơi thở ra, tập như thân hành an tịnh niệm hơi thở ra.
Thọ niệm xứ: (Vedanā-smṛty-upasthāna)
* Giác tri hoan hỷ khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri hoan hỷ niệm hơi thở vào.
Giác tri hoan hỷ khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri hoan hỷ niệm hơi thở ra.
* Giác tri an lạc khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri an lạc niệm hơi thở vào.
Giác tri an lạc khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri an lạc niệm hơi thở ra.
* Giác tri tâm hành khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm hành niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm hành khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri tâm hành niệm hơi thở ra.
* Giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm hành an tịnh niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm hành an tịnh, khi niệm hơi ra, tập như giác tri tâm hành an tịnh niệm hơi thở ra.
Tâm niệm xứ: (citta-smṛty-upasthāna)
* Giác tri tâm khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri tâm niệm hơi thở ra.
* Giác tri tâm hoan hỷ khi niệm hơi thở vào, tập như giác tri tâm hoan hỷ niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm hoan hỷ khi niệm hơi thở ra, tập như giác tri tâm hoan hỷ niệm hơi thở ra.
* Giác tri tâm an định khi niệm hơi thở vào, tập như tâm an định niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm an định khi niệm hơi thở ra, tập như tâm an định niệm hơi thở ra.
* Giác tri tâm giải thoát khi niệm hơi thở vào, tập như tâm giải thoát niệm hơi thở vào.
Giác tri tâm giải thoát khi niệm hơi thở ra, tập như tâm giải thoát niệm hơi thở ra.
Pháp niệm xứ: (dharma-smṛty-upasthāna)
* Quán vô thường khi niệm hơi thở vào, tập như quán vô thường niệm hơi thở vào.
Quán vô thường khi niệm hơi thở ra, tập như quán vô thường niệm hơi thở ra.
* Quán đoạn diệtkhi niệm hơi thở vào, tập như quán đoạn diệt niệm hơi thở vào.
Quán đoạn diệt khi niệm hơi thở ra, tập như quán đoạn diệt niệm hơi thở ra.
* Quán vô dục khi niệm hơi thở vào, tập như quán vô dục niệm hơi thở vào.
Quán vô dục khi niệm hơi thở ra, tập như quán vô dục niệm hơi thở ra.
* Quán trừ bỏ khi niệm hơi thở vào, tập như quán trừ bỏ niệm hơi thở vào.
Quán trừ bỏ khi niệm hơi thở ra, tập như quán trừ bỏ niệm hơi thở ra.
Và theoTương Ưng bộ kinh V (S. 54 Ānāpānasaṃyutta Pāli), hay Kinh Trung bộ III số 118[2]. … Phương pháp kết hợp theo Pāli như sau:
Về Kāya (Thân):
* Thở vô dài, tôi rõ biết,thở vô dài.
Thở ra dài, tôi rõ biết, thở ra dài.
* Thở vô ngắn, tôi rõ biết, thở vô ngắn.
Thở ra ngắn, tôi rõ biết,thở ra ngắn.
* Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra.
* An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô.
An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra.
Về Vedana (thọ)
* Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra.
* Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra.
* Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra.
* An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô.
An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra.
Về Citta (tâm)
* Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô.
Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra.
* Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô.
Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra.
* Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô.
Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra,
* Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô.
Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra.
Về Dhamma (pháp)
* Quán vô thường, tôi sẽ thở vô.
Quán vô thường, tôi sẽ thở ra.
* Quán ly tham, tôi sẽ thở vô.
Quán ly tham, tôi sẽ thở ra.
* Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô.
Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra.
* Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô.
Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra.
Tất cả mọi phương pháp: đếm hơi thở vô-ra từ một đến mười, biết rõ hơi thở dài, ngắn, lạnh,nóng … Đặt dụng tâm tất cả nơi toàn thân, biết rõ ràng hơi thở vô-ra , cho đến khi hơi thở vô-ra được phân biệt rõ ràng; những phương pháp khác về thở vô-ra và, cách theo dõi hơi thở vô-ra cùng, mười sáu đối tượng của bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp), hành giả lấybốn niệm xứ làm đối tượng làm nền tảng cho việc thở vô-ra này. Phương pháp dùng hơi thở Vô-ra để trụ tâm mình vào số đếmvô-ra nơi mũi từ một đến mườivà, đếm trở lại cũng bắt đầu từ một đến mười, biết một cách rõ ràng … cho đến lúc pháp đếm này thành thục trong việc điều hơi thở, … Hay, pháp theo dõi biết rõ hơi thở vô-ra nơi mũi lúc hành giả lấy việc theo dõi làm nền tảng cho đến lúc thuần thục. Khi chúng ta thực tập theo dõi hơi thở vô-ra biết rõ ràng nơi mũi thực sự được nhuần nhuyễn rồi thì, sau đó hành giả thay vào việc theo dõi hơi thở vô-ra là mười sáu đối tượng của tứ niệm xứ (thân-thọ-tâm-pháp) như trên để thực hành.Khi thực hành pháp này hành giả cũng phải biết rõ là mình đang thực hành mười sáu đối tượng này theo thứ tự không nhầm lẫn. Thở vô-ra là một sự việc tự nhiên như chính cuộc sống của hành giả, nhưng hành giả phải biết mình đang thở vô, đang thở ra và, biết mình thở vô dài, biết rõ ta đang thở vô dài và, thở ra dài biết rõ là ta đang thở ra dài …. Lúc này chúng tacó thể chọn một trong bốn niệm xứ (thân, thọ, tâm, pháp: qua mỗi đối tượng là bốn cách), đối tượng nào thích hợp với mình thì có thể thực hành đối tượng đó không sao. Ban đầu hơi thở vô-ra của hành giả có thể thô và khó khăn, trì trệ trong việc điều hòa, nhưng sau đó từ từ tập nhiều thì sẽ trở nên dễ dàng nhẹ nhàng hơn cho đến lúc hơi thở có lúc trở thành như sương khói, cuối cùng hành giả sẽ cảm thấy hơi thở như ngưng lại và, thân trở nên nhẹ nhàng như có như không, xuất nhập tùy ý mình, an lạc nhẹ nhàng xuất hiện. Bắt đầu hành giả có thể thực hành từ 15’ và nếu được cứ tăng dần lên từ 20’– 30’ – 45’ cho đến 1h. hay hơn nữa. Vì phương pháp thực tập này càng nhiều chừng nào thì năng lực tập trungthiền định càng trở nên tích tụ lớn mạnh chừng đó, việc mở mang và phát sinh trí tuệsẽ theo sau và, đến một lúc nào đó đủ duyên thì, sức mạnh của định đó sẽ bùng vỡ, hiện tiền hành giả làm chủ được chính mình trong tự tại an vui giải thoát.Như trong kinh Trung Bộ III số: 118 : “Niệm hơi thở vô hơi thở ra dựa theo kinh ‘Bốn niệm xứ’ ” đức Đạo sư dạy: “Này các tỳ-kheo đây là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý chứng ngộ Niết-bàn. Đó là “Bốn niệm xứ.”
Hay như Kinh Tăng nhất A-hàm phẩm Quảng diễn[3]từ kinh 1 Niệm Phật cho đến kinh 10 Niệm Tử: Đây là một hình thức của Thiền quán ban đầu, được đức Đạo sư dạy cho đệ tử của Ngài cách quán niệm trên từ Phật cho đến cuối là niệm Tử (sự chết) đã nói lên được sự nhất thống của phương pháp Thiền định từ Như Lai Thiền cho đến Tổ sư Thiền phát triển sau này:
- Niệm Phật
« Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Đã tu hành một pháp rồi, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn.
Một pháp ấy là gì ? Đó là niệm Phật. »
Phật bảo các Tỳ-kheo :
« Thế nào là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả bào lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn ? »
Bấy giờ, các Tỳ-kheo bạch Thế Tôn rằng :
« Gốc rễ của Pháp do Thế Tôn nói. Nguyện xin Thế Tôn vì các Tỳ-kheo nói diệu nghĩa này. Các Tỳ-kheo sau khi nghe từ NHư Lai rồi sẽ thụ trì .»
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các tỳ-kheo :
« Hãy lắng nghe, lắng nghe, và suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt rộng rãi cho các ngươi. »
Các Tỳ-kheo bạch rằng :
« Kính vâng, bạch Thế Tôn. »
Sau khi các Tỳ-kheo thọ giáo rồi, Thế Tôn bảo rằng:
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không hề rời, niệm tưởng công đức Như Lai :
« Thể của Như Lai được thành tựu từ kim cương, đầy đủ mười lực, bốn vô sở úy, dõng mãnh giữa đại chúng. Gương mặt của Như Lai đoan chánh vô song, nhìn không chán mắt. Giới đức thành tựu giống như kim cương không thể phá hoại, trong sạch không tỳ vết cũng như lưu ly. Tam-muội của Như Lai chưa từng sút giảm, đã tĩnh chỉ, vĩnh viễn tịch tĩnh, không có niệm khác. Các thứ tình kiêu mạn, ngang bướng đã vắng im, ý tham dục, tưởng sân hận, tâm ngu hoặc, mạn kết do dự, tất đều tận trừ. Huệ thân của Như Lai, trí không bờ đáy, không bị chướng ngại. [554b01] Thân Như Lai, được thành tựu từ giải thoát, các cõi đã hết, không còn sinh phần để nói ‘Ta sẽ đọa nơi sinh tử’ Thân của NHư Lai đã vượt qua thành trì của tri kiến, biết căn cơ người khác đáng được độ, chết đây sinh kia, xoay vần qua lại trong ngằn mé sinh tử, có người giải thoát, người không giải thoát ; Như Lai thảy đều biết tất cả.
« Đó là tu hành niệm Phật, liền có danh dự, thành tựu quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên các Tỳ-kheo, luôn phải tư duy không rời niệm Phật, liền sẽ được những thứ công đức này. Như vậy, các Tỳ-kheo, hãy học điều này. »
Hơn nữa ………
- Niệm Pháp
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, chuyên tinh niệm Pháp, không có niệm tưởng nào khác, trừ các dục ái, không cón trần lao, tâm khát ái vĩnh viễn không nổi lên nữa.
« Phàm Chánh pháp là ở nơi dục mà đạt đến vô dục, lìa các kết phược và các bệnh của triền cái. Pháp này giống như các loại hương, không có tỳ vết của niệm loạn tưởng.……..
Hơn nữa ……….
3.Niệm Tăng
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có niệm tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Tăng.
« Thánh chúng của Như Lai thành tựu từ nghiệp lành, chất trực, thuận nghĩa, không có nghiệp tà, trên dưới hòa mục, pháp pháp thành tựu. Thánh chúng của Như Lai thành tự giới, thành tựu tam-muội, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu tri kiến giải thoát. Thánh chúng ấy gồm có bốn đội tám hạng. Đó là Thánh chúng của Như Lai, xứng đáng được tùy thuận cung kinhq, thừa sự, lễ bái. Sở dĩ như vậy là vì đó là ruộng phước của thế gian. Ở trong chúng này đều cùng là pháp khí, cũng vì tự độ lại độ người khác đến đạo ba thừa. Nghiệp như vậy gọi là Thánh chúng.
……………….
Hơn nữa ……
- Niệm Giới
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Giới.
“Giới có nghĩa là dừng các điều ác. Giới khiến thành tựu đạo, khiến người hoan hỷ. Giới là anh lạc đeo thân, hiện những vẻ đẹp.
“Phàm cấm giới, giống như bình cát tường, mọi sở nguyện liền đạt được. Mọi pháp đạo phẩm đều do giới mà thành tựu. ………………………..
Hơn nữa …
5.Niệm Thí
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Thí.
“Những gì tôi bố thí hôm nay, là tối thượng trong các sự thí, vĩnh viễn không có tâm hối hận, không mong đền đáp để mong được thiện lợi. Nếu người nào mắng tôi, tôi quyết không mắng trả. Dù người hại tôi, dùng tay đánh, dao gậy đập, gạch đá ném, tôi cũng sẽ khởi lòng từ, không nổi sân hận. Những gì tôi bố thí, ý muốn cho sẽ không dứt tuyệt.
……………………
Hơn nữa …
6.Niệm Thiên
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm Thiên.
“Thân, miệng, ý trong sạch, không tạo hành vi ô uế; thực hành giới thành tựu thân. Thân phóng ánh sáng tỏa khắp mọi nơi, thành tựu thân trời kia. Các hành đầy đủ mới thành thân trời.
………………….
Hơn nữa …
7.Niệm Tịch tĩnh
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm tịch tĩnh.
“Tịch tĩnh là tâm ý tưởng lắng đọng, chí tánh an nhàn, mà không nóng nảy; tâm hằng chuyên nhất, thích nơi vắng vẻ, thường tìm phương tiện nhập định tam-muội, thường niệm tưởng không ham tranh thắng, dành chỗ trước trên.
……………………
Hơn nữa …
8.Niệm An-ban
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có [556b01] tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm an-ban.
“Nói an-ban, tức là khi hơi thở dài, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang dài; nếu hơi thở lại ngắn, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang ngắn; nếu hơi thở rất lạnh, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang lạnh; nếu hơi thở lại nóng, hãy quán biết hơi thở ta hiện đang nóng. Quán khắp thân thể từ đấu đến chân, tất cả đều nên quán biết. Nếu hơi thở lại có dài ngắn, cũng hãy quán hơi thở có dài ngắn. Dụng tâm đặt nơi toàn thân, biết hơi thở dài ngắn, tất cả đều biết rõ, cho đến khi hơi thở ra-vào được phân biệt rõ ràng. Nếu tâm đặt nơi thân, biết hơi thở dài ngắn, cũng lại biết rõ, đếm hơi thở dài ngắn, cũng lại biết rõ, đếm hơi thở dài ngắn cũng phân biệt rõ ràng.
…………………
Hơn nữa …
9.Niệm Thân
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm thân.
“Niệm thân là lúc nào cũng nhớ nghĩ đến tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, mật, gan, tim, phổi lá lách, thận, ruột non, ruột già, bạch chức, bàng quang, dạ dày, thương đãng, phân, tiểu, dịch vị, nước mắt, đờm dãi, mủ, máu, mỡ, nước miếng, đầu lâu, não.
Cái nào là thân?
Đó là đại chủng gì?
Đó có phải là đại chủng đất?
Đó có phải là đại chủng nước?
Đó có phải là đại chủng gió?
Đó có phải là đại chủng lửa?
Được tạo ra bỡi giống của cha, giống của mẹ chăng?
Nó từ đâu đến? Do ai tạo ra?
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tâm chết ở đây sẽ sinh về nơi nào?
…………………………
Hơn nữa …
10.Niệm Tử
« Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, buộc niệm ở trước, không có tư tưởng nào khác, chuyên tinh niệm sự chết.
“Chết là mất ở đây, sinh bên kia; qua lại các đường, sinh mạng trôi đi không dừng, các căn tan hoại, như khúc gỗ mục nát; mạng căn đoạn tuyệt, giòng họ [557a01] chia lìa, không hình không tiếng, cũng không tướng mạo.
“Như vậy, này các Tỳ-kheo, đó gọi là niệm sự chết, liền được thành tựu đầy đủ quả báo lớn, các điều thiện đủ cả, được vị cam lồ, đến chỗ vô vi, liền được thần thông, trừ các loạn tưởng, được quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Cho nên này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.”
Qua Kinh Tăng nhất A-hàm, phẩm Quảng diễnđã cho hành giả chúng ta một cái nhìn tổng quan về Thiền Định của đức Đạo sư từ thiền quán nguyên thỉ cho đến Thiền công án hay Tham thoại đầu đưa đến NGHI TÌNH của Thiền tông trong những thời kỳ phát triển sau nàytất cả đều phát xuất từ đây qua niệm thân và niệm tử.
Thiền tham công án, hay Thiền tham thoại đầu,từ phương pháp tham công án hay tham thoại đầu mở ra chân trời mới trong việc thực hành cho hành giả trong việc nuôi lớn mở rộng khối NGHI TÌNH; nhưng ở đây hành giả không cần trả lời hay tìm hiểu kết quả của NGHI TÌNH mà chỉ cần siêng năng hành trì cho mối nghi tình trở thành năng lực lớn mạnh, đưa đến một cách tự nhiên trong việc làm bùng vỡ khối nghi tìnhnơi hành giả, qua tham công án hay tham thoại đầu trong nhất tâm miên mật về “Thân này do Đất, nước, gió lửa,chăng?Thân này được tạo ra bỡi giống của cha hay giống của mẹ?Thân này nó đến từ đâu? Do ai tạo ra? Thân này chết rồi sẽ đi về đâu?”Hành giả tham công án hay tham thoại đầutức là chúng ta cần tham thấu vào những gì chúng ta không biết, không hiểu; chính cái không biết không hiểu đó sẽ sinh ra Nghi Tình, từ nghi tình này chúng ta luôn hỏi xoáy vào chúng càng lâu càng nhiều sẽ trở thành một khối NGHI lớn dầntrong miên mật thì,trước hết ba nghiệp thân-khẩu-ý hành giả cắt đứt hết mọi duyên bên ngoài hay duyên ý bên trong chỉ còn có mỗi một công án, hay một thoại đầu trở thành miên mật nhất tâm bất loạn thì ngay lúc đó ba nghiệp trở nên thanh tịnh và, cùng lúc khối nghi tình đó càng ngày càng lớn mạnh, đến một lúc nào đó đủ duyên thì năng lực tập trung của thiền định này sẽ bùng vỡ cùng hiện tiền trí tuệ xương minh, giải thoát khổliền có mặt và an lạc hiện ra, đây gọi là hiện tiền lạc trú.
– Hay hành giả cũng có thể tu tập Thiền Định theo ba loại Tịnh quán của Kinh Viên Giác[4] cũng được, đức Phật dạy:
“Người Thiện Nam! Tất cả chúng sanh, nếu Phật ở đời, hoặc Phật diệt hậu, hay thời mạt pháp, các chúng sanh có đủ chủng tính đại thừa, những ai có lòng tin, muốn tu tập Viên Giác bí tạng to lớn của Phật thì, nên ở nơi Già lam an cư với đồ chúng, hoặc có duyên sự nên tùy theo khả năng mà tư duy thiền quán như những gì Ta đã dạy; nếu không có duyên sự nào khác nữa thì, hãy kiến lập đạo tràng giới hạn theo ba thời gian: Nếu là dài hạn thì, một trăm hai mươi ngày, trung hạn thì trăm ngày, ngắn hạn thì tám mươi ngày, an trí nơi ở thanh tịnh. Nếu Phật đang ở đời thì, nên tư duy đúng (về Phật)*, nếu Phật đã diệt độ rồi thì, thiết kế hình tượng, mắt nhìn tâm chánh tưởng nhớ lại, cũng như ngày còn tại thế, treo tràng hoa phan lọng, trải qua hai mươi mốt ngày. Đảnh lễ danh hiệu các đức Phật mười phương, cầu ai sám hối; nếu gặp cảnh giới tốt thì tâm được nhẹ nhàn. Một lòng nhiếp niệm trải qua hai mươi mốt ngày như vậy.
“Nếu là đầu của ba tháng hạ an cư, phải ở nơi thanh tịnh của Bồ-tát, tâm lìa Thinh văn, không dựa vào đồ chúng. Đến ngày an cư, nên ở trước Phật tác bạch như vầy: “Con Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di tên … nương vào Bồ-tát thừa, tu hạnh tịch diệt, cùng trụ vào thật tướng thanh tịnh, lấy đại Viên Giác làm già lam cho con, an cư cả thân tâm, nơi tánh tríbình đẳng, tự tính Niết-bàn, không lệ thuộc vào đâu. Nay con được phép không nương vào Thinh văn, mà xin đượcmười phương Như lai cùng chư đại Bồ-tát an cư ba tháng, vì đại nhân duyên Vô thượng Diệu Giác của Bồ-tát nên không cần liên hệ với đồ chúng.” Người Thiện Nam! Đó gọi là thị hiện an cư của Bồ-tát, qua ba kỳ hạn rồi, đi lại tùy ý.
Người Thiện Nam! Nếu các chúng sanh tu hành đời mạt thế cầu đạo Bồ-tát vào ba thời kỳ, nếu những cảnh giới kia, không phải là những gì hành giả đã được nghe thì, tuyệt đối không nên chấp nhận.
“Người Thiện Nam! Nếu các chúng sanh tu Xa-ma-tha[5] (chỉ)*, trước hết muốn đạt đến cực tĩnh tức không nên khởi lên nhớ nghĩ thì, cực tĩnh liền hiện lên tính giác. Tĩnh ban đầu như vậy, từ bản thân cho đến thế giới thì, giác cũng như vậy. Người Thiện Nam! Nếu giác biến khắp thế giới thì, trong một thế giới có một chúng sanh nào đó khởi lên một niệm, tức hành giả đều có thể biết hết tất cả, trăm nghìn thế giới lại cũng như vậy; nếu những cảnh giới kia; không phải là những gì hành giả đã được nghe thì, tuyệt đối không nên chấp nhận.
“Người Thiện Nam! Nếu các chúng sanh tu Tam-ma-bát-đề[6] thì, trước hết nhớ tưởng đến mười phương Như lai, tất cả mười phương thế giới Bồ-tát, nương vào các pháp môn thiền định cần khổ tu tập từ từ, phát đại nguyện rộng lớn, tự huân tập thành chủng tử; không phải là những gì hành giả đã được nghe thì, tuyệt đối không nên chấp nhận.
“Người Thiện Nam! Nếu các chúng sanh tu Thiền-na[7] thì, trước tiên phải giữ lấy cách đếm, trong tâm biết rõ đến các niệm khởi lên, dừng lại, mất đi (sinh-trụ-diệt), biến khắp trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), biết phân biệt số lượng của ý nghĩ rõ ràng, dần dần tăng thêm cho đến biết được cả một giọt mưa trong trăm nghìn thế giới, giống như mắt thấy vật dùng đang sử dụng; không phải là những gì hành giả đã được nghe thì, tuyệt đối không nên chấp nhận.
Đó gọi là phương tiện ban đầu của ba quán pháp. Nếu các chúng sanh siêng năng tinh tấn tu hết ba quán pháp này thì, gọi là Như lai xuất hiện ở đời; nếu những chúng sanh độn căn đời sau cuối cùng, do nghiệp chướng xưa không được thành tựu thì, phải siêng năng sám hối khởi lên hy vọng, trước hết phải đoạn ưa-ghét, ganh tỵ, dua nịnh, cầu tâm thắng thượng, tùy theo mà học lấy một trong ba quán pháp thanh tịnh, quán pháp này không được thì lại tu tập quán pháp kia, tâm không buông xả, theo thứ tự mà cầu chứng ngộ.”
Thiền định dù là phương pháp nào đi nữa cũng đưa đến chung cuộc là thanh tịnh ba nghiệp Thân-khẩu-ý để đạt đến giải thoát khổ đau. Đó là mục tiêu cuối cùng của đức Đạo sư muốn chúng đệ tử của mình phải đạt được qua những pháp tu tập Thiền Định qua các kinh vừa là Tiểu-Đại thừa, tùy theo sở thích phù hợp căn cơ của từng hành giả, nếu thấy thích hợp thì tu tậptheo đó mà áp dụng trong thực hành.
– Những phương pháp tu Tịnh và Mật,ngoài phương pháp thực hành riêng Tịnhđộ tôngvà mật tông theo nghi quỹ đàn phápcủa mỗi tông ra thì, đối với cuộc sống hằng ngày của Phật giáo theo hệ Bắc truyền trong sinh hoạt, thường dùng hai thời công phu để thể hiện việc hành trì cho mỗi ngày là: dùng niệm Phật, tụng kinh bái sámquán tưởng, trì chú có thời gian ấn định vào những giờ giấc nào trong ngày từ sáng cho đến chiều tối, ngoài phương pháp tu có giờ giấc chung cho một tập thể Tăng đoàn sống theo lục hòa ra,hành giả còn có thời gian phát triển riêng theo thuộc tính cá nhân mỗi hành giảqua bốn oai nghi đi-đứng-nằm-ngồiđược Giới Luật (Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Sa-di, Sa-di-ni) đức Đạo sư đã chế riêng ra cho bốn chúng đệ tử xuất gia, nhằmgiữ gìn ba nghiệp (Thân-Khẩu-Ý) được trong sạch và luôn phải tự biết việc mình đanglàmtheo ‘hiện pháp lạc trú’ của luật “Tỳ-ni nhật dụng” bộ luật Tiểu dùng hằng ngày dành cho các vị mới vào xuất gia làm chú tiểu, luôn luôn kiểm soát nhất cử nhất động hằng ngày trong cuộc sống phải rõ biết mình đang làm gì nghĩ gì? Dù đã thụ giới Sa-di, Sa-di-ni hay Tỳ-kheo-Tỳ-kheo-ni. Cộng vào đó theo pháp tu tứ chánh cầntrong từng ý nghĩ và hành động ‘miệng nói và thân tạo tác’ khi khởi lên (ý nghĩ cùng việc làm đó ‘thiện’ hay ‘ác’. Nếu là thiện đã nghĩ đã làm rồi thì, nên phát triển lớn mạnh thêm, nếu việc thiện chưa nghĩ chưa làm thì nên khởi nghĩ và thực hành tức khắc và phát triển lớn mạnh hơn; nếu là ácđã nghĩ đã làm thì nên chấm dứt lập tức nếu chưa làm thì đừng bao giờ tơ tưởng và thực hành chúng) theo chức năng “Cầu tuệ giác Bồ-đề (Phật đạo).”Trong việc Cầu tuệ giác Bồ-đề này mang hai hình thức: “Thượng cầu tuệ giác Bồ-đề, hạ hóa chúng sanh” và vì “Cầu tuệ giác Bồ-đềmà cầu sinh Cực lạc” cho mỗi hành giả từ khi hành giả theo học hỏi nghiên cứuvà phát hiện ra đượctuệ giác vô thượng bồ-đề của đức Đạo sư cũng chính là bản giác của tâm mỗi chúng ta, để từ đó hành giả chí nguyện phát tâm thực hành mong đạt được tuệ giác ấyqua việc thanh tịnh ba nghiệp ‘thân-khẩu-ý‘ và, qua thời gian huân tập thực hành lâu dài lập đi lập lại hằng ngày, kết quả sẽ tích lũy từ từ thêm lớn mạnh, giai đoạn nàygọi là tâm Bồ-đề (trí tuệ) phát sinh, sau đó đủ duyên năng lực thực hành tích lũy đủ lớn mạnh thì bùng vỡ thể hiện hoàn toàn tuệ giác hiện hữu (toàn giác). Phương pháp này không chỉ dành riêng cho các hàng xuất gia không thôi mà các hàng Phật tử tại gia cũng thực hành ngay tại nhà mình y như các hàng xuất gia trong việc thanh tịnh hóa ba nghiệp của mình, vì tại gia vẫn có năm giới, bát giới, Thập thiện, Bồ-tát giới tại gia v.v… mà chúng ta áp dụng theo học giới của mình đã lãnh thọ, ngoài hai thời khóa tụng ra, Tứ chánh cần, hay Luật Tiểu “Tỳ-ni- nhật dụng” chúng ta cũng có thể thực hành được những điều nàotrong luật tiểu Tỳ-ni nhật dụng nếu thấy phù hợp với hành giả, khi có điều kiện cho phép. Qua hai thời công phu của mỗi khóa trì tụng kinh chú này, ngoài việc “trên cầu tuệ giác vô thượng, dưới hóa độ chúng sanh”vẫn còn có mục đíchnữa là vì “cầu tuệ giác bồ-đề mà cầu sinh Cực lạc”Với mục đích cầu sinh Cực lạc này có hai hình thức thể hiện: Một, cầu vãng sanh về nước Cực lạc của đức Phật Di-đà để hoàn thành năng lực rồisau đó trở lại đời ác năm trược trước tiên để giáo hóa chúng sanh; thứ hai cầu thực hiện nước Cực lạc ngay trên cõi đời ác năm trược này nhờ vào thần lực của đức Phật A-di-đàmà thực hiện như Di-đà đại bản: (Đại chính 12/337) dạy:“Có người muốn nguyện độ sanh nhanh chóng nên nguyện đem công đức của nguyện này mà tự hoàn thành, đi vào thế giới sanh tử mà tự tại thuyết pháp giáo hóa, nhờ vào thần lực của đức Phật A-di-đà làm cho người này khi giáo hóa chúng sanh phát khởi chánh tín cho đến khi thành tựu Bồ-đề, nhưng người này từ đầu đến cuối không bị cái khổ của các đường dữ ảnh hưởng, dù họ sống trong đời ác năm trược nhưng không khác gì họ đang sống trong cõi nước Cực lạc.”Vào thời kinh chú trì tụng buổi sáng, tôn giả A-nan đã từng phát nguyện, trong bài tựa của Chú Lăng nghiêm:
… “Nguyện kim đắc quả thành bảo vương,
Hoàn độ như hằng sa chúng;
Tương thử thâm tâm phụng trần sát,
Thị tắc danh vi báo Phật ân.”…
Theo bài tựa của Thần chú Lăng Nghiêm thì chí nguyện của Ngài đã nói lên được hai mặt: “Thượng cầu tuệ giác vô thương và, hạ hóa chúng sanh” Ở đây, cầu tuệ giác vô thượng chính là cầu Tuệ giác vô thượng của Phật, nếu viên mãn tuệ giác này là thành Phật; mà muốn thành Phật thì trước hết phải phát tâm Bồ-đề tức là hành giả trên phải cầu hoàn thành tuệ giác vô thượng, dưới là phải hóa độ chúng sanh, nguyện vào đời năm trược trước hết, sau khi hoàn thành tuệ giác. Trì chú là một hình thức làm tăng thượng để diệt trừ các mê hoặc vi tế, cộng với sức gia hộ đại hùng đại lực đại từ bi của Phật, biến năng lực Định thực hànhthâm sâu cùng năng lực thực hành kiên cố sẽ vượt qua hết mọi khổ nạntrong cuộc sống dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.Còn thời công phu buổi chiếu tối là đem chí nguyện ban đầu buổi sáng và tất cả mọi hoạt đông của hành giả như vậy mà hồi hướng cầu sinh về thế giới cực lạc; vì hành giả sống trong cuộc đời ác năm trược này nội chướng của dục vọng và ngoại chướng của mọi nghịch cảnh luôn luôn áp lực sẽ làm cho chí nguyện của hành giả thối thất mai một khó có thể làm cho chí nguyện ban đầu chúng ta hoàn thành viên mãn quả vị Phật được, nên hành giả phải hồi hướng cầu sinh về Cực lạc.
Hai thời khóa tụng này rất thích hợp với các hành giả có căn tánh bình thường, không thích hợp với những pháp môn tu cao sâu, nên phải nương vào hai thời khóa tụng này mà tinh tấn hành trì thì chắc chắn sẽ đạt được những gì hành giả mong cầu. Nhưng muốn cho công phu hành trì của mình có được kết quả lợi ích, hành giả trước phải học cho thuộc cả chữ lẫn nghĩa của hai thời khóa này, để khi vừa tụng vừa lắng nghe cứu xét ý nghĩa, để buộc tâm ý của mình vào một cảnh duy nhất không cho tâm ý dong ruổi theo ngoại duyên thì, từ từ hành giả sẽ làm chủ được tâm ý và, điều phục tâm mình trở nên thuần thục nhuần nhuyễn, chuyên tinh miên mật cho đến một ngày nào đó đủ duyên tâm trí sẽ khai mở, năng sở trở thành một thì quán pháp mới thành tựu viên mãn.
Thời khóa tụng buổi sáng khi mà căn cảnh chưa giao tiếp khởi động, tâm còn trong tình trạng lặng yên trong sạch mà hành giả trì tụng chú Lăng Nghiêm để chế phục Lục Tình, không cho tâm vọng động phan duyên theo ngoại cảnh thì là nhất rồi. Khi tâm hành giả rỗng suốt yên lặng tĩnh chỉ thì, tánh nhiệm mầu của Như Lai Tạng sẽ hiển lộ ra. Vì Thần chú Lăng Nghiêm là pháp bí mật nhiệm mầu lưu suốt từ bản tâm thanh tịnh của Như Lai, nên có năng lực có thể chuyển hóa thân tâm và hoàn cảnh của hành giả. Khi chúng ta ở trong trạng thái thân tâm vắng lặng, chính là lúc tâm ta và tâm Phật tương ưng mà tụng chú này, thì tâm tâm tương ứng, chú chú hỗ tương, ngay lúc đó sẽ phát sanh ‘vô công dụng đạo’ thành tựu sức gia trì, diệt trừ ma chướng, tịnh hóa ba nghiệp, mang lại lợi lạc cho mình như ý nguyện. Nhờ vào sức gia trì thần chú, nên thân tâm hành giả luôn được yên tịnh và, tiếp tụng bài Đại Bi thần chú cùng 10 bài chú sau để tạo thành sức gia trì liên tục đưa thân tâm hành giả đến trạng thái thanh tịnh rỗng suốt, giữ cho pháp hiện quán càng ngày càng sâu thì ba nghiệp trở nên thanh tịnh.
Trong mỗi bài chú chúng có công năng tác dụng khác nhau, giúp cho hành giả giải trừ được tất cả nghiệp chướng, diệt hết phiền não, quét sạch vô minh, làm phát sanh các công đức thù thắng vô lậu, cuối cùng đưa hành giả đến trạng thái tâm cảnh vắng lặng, trí giác viên minh, phát sanh diệu dụng tương ứng với pháp tánh làm thành tựu mọi sở nguyện của hành giả.
Đến đây, tâm của hành giả hoàn toàn vắng lặng trí giác sáng suốt, nhưng vẫn còn an trụ cảnh sở quán, chưa đạt đến trạng thái nhất tâm. Vì vậy hành giả tiếp phải tụng bài “Bát Nhã Tâm Kinh” để thấy rõ vạn pháp đều không, tâm cảnh nhất như, không năng không sở. Bấy giờ, quán pháp của hành giả mới đạt đến trạng thái hoàn toàn tự do vô ngại không vướng mắc nơi tâm cảnh nữa, vì bấy giờ tuệ giác viên minh, tâm thường tịchchiếu, tâm-cảnh nhất như.
Cuối cùng hành giả vì lợi lạc quần sanh đem hết công tu tập của mình hồi hướng lên Tam Bảo chứng minh gia bị cho tất cả Thánh phàm trong ba cõi, sáu đường, đều ân triêm pháp lạc. Tiếp theo là niệm Phật để cầu thật tướng lý thể chân như. Và kết thúc bằng bài Tam Tự Quy Y, nghĩa là gồm thâu tất cả công đức đã được thành tựu để triển khai tự tánh Tam Bảo mà quay về nương tựa nơi chính mìnhvà, thật chứng lý thể Tam Bảo tự thân.
Thời khóa trì tụng buổi chiều-tối cho những hành giả muốn an thân lập mệnh, khi nhàm chán cõi ta-bà ác trược, đầy khổ đau hiểm nạn và, đã mỏi mệt trong quá trình qua lại trong sáu cõi ba đường sinh tử, phát ý tu hành mong hướng về cõi tịnh độ an vui giải thoát khổ, mà xa lánh cõi trần gian u tối này bằng vào thực hiện một cuộc cách mệnh rốt cùng nhờ vào tất cả công đức tu tập của mình để đạt được một bản mệnh vĩnh hằng nơi bản quốc Cực lạc của đức Bản tôn. Tóm lại, thời trì tụng kinh chú ban mai, được cái lợi thế là tâm trí hành giả sau thời gian nghỉ ngơi, lúc này tâm ý vắng lặng chưa phan duyên khởi động tiếp xúc, giáp mặt với mọi rối rắm của cuộc sống, lúc này hành giả chỉ cần hạ thủ công phu trước hết là hàng phục vọng tâm trừ diệt ma chướng, để thành tựu mọi thứ công đức vô lậu giải thoát; sau nữa nguyện hồi hướng tất cả mọi thứ công đức có được này cho lý tưởng giải thoát về thế giới Cực lạc mà thực hiện một cuộc sống vĩnh viễn an lạc với những thắng duyên nơi cõi nước Cực lạc để hoàn thành Tuệ giác cuối cùng là quả vị Phật, rồi sau đó hồi nhập trở lại cõi đời ác trược mà hóa độ chúng sanh, hay thực hiện cõi nước Cực lạc ngay trong cuộc đời ác năm trược này nhờ vào thần lực của đức Phật A-di-đà mà giáo hóa như ý, tuy sống trong cuộc đời ác trược nhưng vẫn vẫn sống an lạc như cõi nước Cực lạc.
Qua hai thời công phu, thời công phu buổi sáng nghiêng hẳn về Mật nhiều và, thời buổi chiều tối nghiêng về Tịnh, tuy nhiên dù là Mật hay là Tịnh đi nữa trên ý nghĩa tuy khác về phương pháp nhưng mục đích là để hoàn thành chí nguyện ban đầu: “Thượng cầu Tuệ giác vô thượng Bồ-đề (cho cá nhân) và, dưới hạ hóa chúng sanh (cho tha nhân)” Buổi sáng vừa phát sinh chí nguyện cầu Tuệ giác Vô thượng vừa thực hành, buổi chiều tối đem dụng công của thực hành hồi hướng cho sự hoàn thành chí nguyện, dù là thực hiện ngay trên cõi đời ác năm trược này hay cầu vãng sanh về thế giới Cực lạc cũng đều bỏ công sức ra để mà thực hành hết. Mọi sự trì tụng cứ như thế lập đi lập lại hằng ngày với sự tinh tấn liên tục mọi sinh hoạt suốt trong hai mươi bốn giờ sau đó, là với mục đích hoàn thành sứ mệnh thực thi chí nguyện ban đầu của hành giả trong lắng tâm theo dõi nghe âm mình hiện đang trì tụng, niệm Phật, độc tụng, để đưa tâm hành giả vào Định nhất tâm bất loạn, lúc này ba căn Thân-Khẩu-Ý trở nên thanh tịnh vì vậy. Nhân của ba nghiệp không phát khởi thì, quả của ba nghiệp thân-khẩu-ý cũng không hình thành và hiện hữu, ngay lúc này hành giả đồng Phật vãng Tây phương. Mục đích tối hậu của những lời dạy của bậc Đạo sư nhằm thoát khổ để đạt được an vui trong hiện tại cũng như tương lai là phải dùng phương pháp Thiền Định để đưa tâm hành giả đi vào nhất Tâm bất loạn qua pháp lắng nghe danh diệu hay âm thinh trì tụng kinh chú để thanh tịnh ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý của mình tương ưng là một, cùng lúc cũng chính ba nghiệp của mình và ba nghiệp của chư Phật tương ưng với nhau là một (theo Đại Nhật kinh sớ) trong lúc thực hành. Cũng vậy Mật tông ngoài hình thức thiết lập đàn giới để hành giả trước khi đi vào phương pháp chính thức của hành pháp trì giới, tức hành giả sau khi đã lập đàn giới hay những gì cần thiết để hành giả thực hành, đi vào hành pháp định, làm cho ba mật tương ưng trở thành Một là, hành giả phải dán tâm mình vào âm thinh đang trì chú của mình, những âm thinh này phát xuất từ từ tự tâm mình ra cửa miệng chúng đang trôi chảy như một dòng suối và, lúc này như là mình đang uống những thứ âm thinh đó vào người mình vậy.
Đó chính là phương pháp cột tâm mình gắng vào âm thinh trong lúc độc tụng niệm Phật, trì chú sẽ đưa tâm hành giả vào định nhất tâm một cách nhanh chóng cho hành giả Tịnh độ và, làm cho ba mật tương ưng dành cho hành giả trì chú theo đàn pháp của Mật tông. Đây chính là phương pháp tu nhĩ căn viên thông của Bô-tát Quán Thế Âm. Giống như người mới học võ, ban đầu thực hiện những động tác theo bài thiệu có chậm chạp và khó khăn, nhưng người luyện võ muốn thành tựu như ước nguyện của mình thì, phải luôn luôn siêng năng tinh tấn thực hành cố luyện đi luyện lại, càng nhiều chừng nào thì môn võ công và nội lực càng tăng lên; cho đến một ngày nào đó môn võ mình đang trau dồi và luyện tập luôn luôn đó sẽ trở thành thuần thục lanh lẹ nhạy bén trong từng động tác và, trở thành phản xạ tự nhiên. Lúc này chúng ta không cần nhớ bài thiệu hay thế võ phải đánh như thế nào nữa mà các thế võ tự nhiên trở thành phản xạ lưu xuất khi hữu sự một cách tự nhiên tự tại. Hay cũng giống như đứa trẻ mới lên ba bắt đầu tập nói tiếng mẹ đẻ, cũng phát xuất từ sự lắng nghe của chúng qua những tiếng động âm thanh chung quanh mà bắt đầu tập nói từng chữ tiếng một qua ngày tháng lập đi lập lại thường xuyên mà chúng có thể nói thông thạo dần qua vài năm sau đó trong tập nói và, lớn lên nếu chúng muốn học ngoại ngữ thì cũng không ngoài việc học thuộc lòng từng từ ngữ và cấu trúc văn phạm của ngôn ngữ mà chúng muốn học để nói và sử dụng nó vào trong cuộc sống thì bắt buộc phải nổ lực học thuộc lòng qua lập đi lập lại trong cách phát âm và lắng nghe nhiều lần từ vựng của ngôn ngữ đó cho đến khi nào thuộc lòng nhuần nhuyễn, khi cần sử dụng qua tiếp xúc thì từ ngữ đó được bật ra nơi cửa miệng liền. Trong tu tập thực hành pháp hành này, hành giả muốn ba nghiệp thanh tịnh thì việc tu tập cũng phải như người luyện võ, hay người học bắt đầu học tiếng mẹ đẻ hay sinh ngữ các nước khác vậy. Ở đây hành giả chúng ta chỉ cần làm đúng pháp hành thực tập trong siêng năng tinh tấn thì năng lực tập Định sẽ lớn mạnh thêm lên và, trí tuệ sẽ bùng vỡ theo sau đó, việc gì chúng ta cũng thành tựu được hết. Hãy cố gắng siêng năng tinh tấn nhất tâm trong việc lắng nghe theo lời kinh tiếng kệ hay âm thanh trì chú trong lúc hành trì, nhận biết mình đang lắng nghe lời kinh tiếng kệ trì chú của những âm thanh đó và, khi nào việc lắng nghe và biết đó trở thành một trong nhất tâm thì, phương pháp thực hành thành tựu trong việc thanh tịnh ba nghiệp thân-khẩu-ý và, an vui giải thoát sẽ hiện kề bên bước chân kế tiếp sau đó của chúng ta trong thành tựu pháp tu Chỉ-Quán (sammatha–vipassana), như đức Đạo sư đã dạy.
Tóm lại Thiền Định là con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt qua khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý chứng ngộ Niết-bàn, qua ba phương pháp Thiền-Tịnh-Mật mà truyền thống Phật giáo Việt Nam đã thể hiện trong suốt chiều dài lịch sử từ khi du nhâp vào Việt Nam và cho đến tận ngày hôm nay. Nét đẹp rõ nét nhất là sự thống nhất Phật giáo Việt Nam giữa các tông phái Nam truyền và Bắc truyền cùng các hệ phái khác thành một mối trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) qua pháp tu THIỀN-ĐỊNH cốt tủy truyền thống của đức Đạo sư cho cả ba pháp tu Thiền-Tịnh-Mật nhằm thanh tịnh hóa ba nghiệp Thân-Khẩu-Ý phát triển sau này được biểu hiện qua danh xưng. Trên mặt hiện tượng thì chúng khác nhau trên hình thức phương pháp hành trì, nhưng trên mặt kết quả thực hành cũng đồng trong chiều hướng dùng phép tu Thiền-Định đưa đến thoát khổ qua việc LÀM CHO BA NGHIỆP THANH TỊNH để đạt được an vui ngay trong hiện tại cũng như trong tương lai, tất cả đều qua phương pháp THIÊN ĐỊNH; ngoài phương pháp Thiền Định ra không có bất cứ phương pháp nào có thể đưa hành giả đến bến bờ giải thoát khổ bằng làm cho ba nghiệp Thân-Khẩu-ý trở nên thanh tịnh và giải thoát hết mọi sự trói buộc qua Thiền-Định. Vì còn lệ thuộc là còn trói buộc cho dù lệ thuộc đó là pháp Thiện đi chăng nữa thì cũng là lệ thuộc trói buộc vướng mắc sinh ra đau khổ. Giải thoát là giải thoát tất cả ngay đến khái niệm về tri kiến giải thoát cũng phải bị vượt qua, đó mới chính là con đường Trung đạo của đức Đạo sư và chư Phật trong ba đời đi và, cũng là con đường mà Phật Giáo Việt Nam đang đi, dù là Nam truyền hay là Bắc truyền.
PHẦN THỰC HÀNH
KHOÁ TRÌ TỤNG KINH CHÚ
BUỔI SÁNG
Soạn dịch: Đại Lãn-Đức Thắng
(Phần này mới là phần quan trọng trong việc thực hành Thiền định qua lắng nghe âm thinh trì tụng kinh chú trong nhất tâm bát loạn, sẽ đưa hành giả vào trong Đại định Thủ Lăng Nghiêm, lúc này ba mật tương ưngvà, sẽ đưa đến thanh tịnh ba nghiệp cho chính mình và giữa mình cùngchư Phật.)Bản dịch hai thời khóa tụng (Thiền môn nhật tụng 禪門日誦) này, chúng tôi căn cứ vào bản khắc mộc năm 1898 của chùa Từ Hiếu, phiên âm và dịch nghĩa cho hai thời khóa tụng này.)
Đốt hương: (Chỉ dành cho người khi đang đốt hương)
Nguyện mây hương thơm này,
Biến khắp cõi mười phương;
Năm uẩn đều thanh tịnh,
Ba nghiệp thảy tiêu trừ.
Án phóng ba-tra tóa-ha (3 lần).
Kệ cúng hương tán thán Phật:
(Sau khi lạy 1 lạy và quỳ xuống, vị chủ sám cầm hương đưa lên trán; bắt đầu xướng lên):
Nguyện mây hương thơm này,
Biến khắp cõi mười Phương;
Cúng dường tất cả Phật,
Tôn Pháp chư Bồ-tát.
Tất cả chúng Thinh Văn,
Và tất cả Thánh hiền;
Đài quang minh duyên khởi,
Xứng tánh hành việc Phật;
Nhuần khắp các chúng sanh,
Khiến phát tâm bồ-đề;
Xa lìa các nghiệp vọng,
Trọn thành đạo vô thượng.
Kỳ nguyện
Đệ tử chúng con, nguyện mười phương thường trụ Tam bảo, Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, Phật tiếp dẫn đạo sư A-di-đà, từ bi gia hộ đệ tử …… tâm bồ-đề kiên cố, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, cùng pháp giới chúng sanh, một thời đồng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. (Cắm hương lên lư).
Tán thán Phật
Đấng Pháp Vương vô thượng,
Ba cõi chẳng ai bằng,
Thầy dạy khắp trời người,
Cha lành chung bốn loài,
Quy y tròn một niệm,
Dứt sạch nghiệp ba kỳ;
Xưng dương cùng tán thán,
Ức kiếp không cùng tận.
Quán tưởng
Phật chúng sanh[8] tánh thường vắng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới đế châu[9]con ví đạo tràng,
Mười phương chư Phật ảnh hiện trong,
Thân con ảnh hiện trước Phật tiền,
Cúi đầu mặt kính lễ sát chân.
Quy y
– Nhất tâm đảnh lễ, nam mô tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai, thập phương chư Phật, tôn Pháp hiền Thánh Tăng thường trú tam bảo (1 lạy)
– Nhất tâm đảnh lễ, nam mô ta bà giáo chủ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, d9uong lai hạ sanh Di Lặc tôn Phật, Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ Pháp chư tôn bồ-tát, Linh sơn Hội thượng Phật Bồ-tát (1 lạy)
– Nhất tâm đảnh lễ, nam mô Tây phương Cực Lạc Thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại thế Chí Bồ-tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát, Thanh tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát (1 lạy)
THẦN CHÚ ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM
Nam mô Lăng Nghiêm hội thượng Phật Bồ-tát (3 lần).
Thế Tôn bất động nắm giữ[10] tài tình, vua Thủ Lăng Nghiêm[11] ít có trên đời.
Loại ức kiếp tưởng điên đảocủa con, giữ pháp thân không trải vô số kiếp.
Nay con nguyện được thành quả bảo vương, độ lại hằng sa muôn loài như vậy.
Đem thâm tâm này phụng sự nước non, thì đó gọi là báo hồng ân Phật.
Thỉnh cầu Thế Tôn vì con chứng minh, nguyện trước được vào đời ác năm trược.
Như có một chúng sanh chưa thành Phật, con quyết sẽ không vào Niết-bàn này.
Xin Đại hùng Đại lực Đại từ bi, mong ngài xét trừ lầm mê nhỏ nhất.
Khiến con sớm lên quả vô thượng giác, ngồi nơi đạo tràng khắp cả mười phương.
Tánh hư không có thể bị tiêu vong, lòng vững bền của con không lay chuyển.
Nam mô Phật thường trụ mười phương.
Nam mô Pháp thường trụ mười phương.
Nam mô Tăng thường trụ mười phương.
Nam mô Phật Thích-ca Mâu-ni.
Nam mô Bồ-tát Quán thế Âm.
Nam mô Bồ-tátkim cang Tạng.
Bấy giờ Thế Tôn, từ giữa nhục kế, phóng ra trăm thứ ánh sáng báu, trong ánh sáng xuất hiện sen báu nghìn cánh, hoá hiện Như lai, ngồi trong hoa báu, trên đỉnh phóng ra mười luồng, có trăm thứ ánh sáng báu. Mỗi thứ ánh sáng báu, đều biến hiện ra, các vị Kim cang mật tích như số cát mười sông Hằng, tay nâng núi, tay cầm xử, biến khắp cõi không gian. Mọi người ngước nhìn, vừa sợ vừa ưa, xin Phật thương xót giúp đỡ, một lòng lắng nghe Phật, tuyên nói thần chú, lúc này không còn thấy ánh sáng trên đỉnh đầu của Như lai nữa:
Hội thứ nhất
Nam mô tát đát tha tô già đa da a ra ha đế tam-miệu tam-bồ-đà-tỏa. Tát đát tha Phật đà cu tri sắc ni sam.
Nam mô tát bà bột đà bột địa, tát đa bệ tệ. Nam mô tát đa nẩm tam-miệu tam-bồ đà cu tri nẩm. Ta xá ra bà ca tăng già nẩm. Nam mô lô kê a-la-hán đa nẩm. Nam mô tô lô đa ba na nẩm. Nam mô ta yết rị đà già di nẩm. Nam mô lô kê tam-miệu già-đa nẩm. Tam-miệu già ba ra để ba đa na nẩm. Nam mô đề bà ly sắt nỏa. Nam mô tất đà da tỳ địa da đà ra ly sắt nỏa. Xá ba noa yết ra ha ta ha ta ra ma tha nẩm. Nammô bạt ra ha ma ni. Nammô nhơn đà ra da. Nammô bà già bà đế, lô đà ra da. Ô ma bát đế, ta hê dạ da. Nam mô bà già bà đế. Na ra dả noa da. Bàn-giá ma-ha tam mộ đà ra. Nam mô tất yết rị đa da. Nam mô bà già bà đế, ma ha ca ra da. Địa rị bác lặc na già ra. Tỳ đà ra ba noa ca ra da. A địa mục đế. Thi ma xá na nê bà tất nê. Ma đát rị già noa. Nam mô tất yết rị đa da. Nam mô bà già bà đế. Đa tha già đa cu ra da. Nam mô bát đầu ma cu ra da. Nam mô bạt xà ra cu ra da. Nam mô ma ni cu ra da. Nam mô già xà cu ra gia. Nam mô bà già bà đế, đế rị trà du ra tây na, ba ra ha ra noa ra xà dà, đa tha già đa da. Nam mô bà già bà đế. Nam mô a di đa ba da, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam-miệu tam-bồ-đà-da. Nam mô bà già bà đế, a sô bệ da, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam-miệu tam-bồ-đà-da. Nam mô bà già bà đế, bệ sa xà da cu lô phệ trụ rị da, bát ra bà ra xà da, đa tha già đa da. Nam mô bà già bà đế, tam bổ sư bí đa, tát lân nại ra lặc xà da, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam-miệu tam-bồ-đà-da. Nammô bà già bà đế, xá kê dã mẫu na duệ, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tam-miệu tam-bồ-đà da.
Nam mô bà già bà đế, lặc đác na kê đô ra xà da, đa tha dà đa da, a ra ha đế, tammiệu tam-bồ-đà da, đế biều nam mô tát yết rị đa, ế đàm bà già bà đa, tát đác tha già đô sắc ni sam, tát đác đa bác đác lam.
Nam mô a bà ra thị đam, bác ra đế dương kỳ ra, tát ra bà bộ đa yết ra ha, ni yết ra ha yết ca ra ha ni, bạc ra bí địa da sất đà nể, a ca ra mật rị trụ, bát rị đát ra da nảnh yết rị, tát ra bà bàn đà na mục xoa ni, tát ra bà đột sắc tra, đột tất phạp bát na nể phạt ra ni, giả đô ra thất đế nẫm, yết ra ha ta ha tát ra nhã xà, tỳ đa băng ta na yết rị, a sắc tra băng xá đế nẫm, na xoa sát đác ra nhã xà, ba ra tát đà na yết rị, a sắc tra nẫm, ma ha yết ra ha nhã xà, tỳ đa băng tát na yết rị, tát bà xá đô lô nể bà ra nhã xà, hô lam đột tất phạp nan giá na xá ni, bí sa xá tất đác ra, a kiết ni ô đà ca ra nhã xà, a bát ra thị đa cu ra ma ha bác ra chiến trì, ma ha điệp đa, ma ha đế xà, ma ha thuế đa xà bà ra, ma ha bạt ra bàn đà ra bà tất nể, a rị da đa ra, tỳ rị cu tri, thể bà tỳ xà da, bạc xà ra ma lễ để, tỳ xá lô đa, bột đằng dõng ca, bạt xà ra chế hắt na a giá, ma ra chế bà bác ra chất đa, bạc xà ra thiện trì, tỳ xá ra giá, phiến đa xá bệ đề bà bổ thị đa, tô ma lô ba, ma ha thuế đa, a rị da đa ra, ma ha bà ra, a bác ra, bạt xà ra thương yết ra chế bà, bạt xà ra cu ma rị, cu lam đà rị, bạt xà ra hắc tát đa giá, tỳ địa gia kiền giá na ma rị ca, khuất tô mẫu bà yết ra đá na, bệ lô giá na cu rị da, dạ ra thố sắt ni sam, tỳ chiết lam bà ma ni giá, bạt xà ra ca na ca ba ra bà, lô xà na, bạt xà ra đốn trỉ giá, thuế đa giá ca ma ra, sát xa thi ba ra bà, ế đế di đế, mẫu đà ra yết noa, ta bệ ra sám, quật phạm đô, ấn thố na mạ mạ tỏa.
Hội thứ hai
Ô hồng, rị sắt yết noa, bác lặc xá tất đa, tát đát tha già đô sắc ni sam. Hổ hồng, đô lô ung chiêm bà na. Hổ hồng, đô lô ung tất đam bà na. Hổ hồng, đô lô ung ba ra sắc địa da tam bác xá noa yết ra. Hổ hồng, đô lô ung, tát bà dược xoa hắt ra sát ta, yết ra ha nhã xà, tỳ đằng băng tát na yết ra. Hổ hồng, đô lô ung, giả đô ra thi để nẫm, yết ra ha, ta ha tát ra nẫm, tỳ đằng băng tát na ra. Hổ hồng, đô lô ung, ra xoa, bà già phạm, tát đát tha già đô sắc ni sam, ba ra điểm xà kiết rị, ma ha ta ha tát ra, bột thọ ta ha tát ra thất rị sa, cu tri ta ha tát nê đế lệ, a tệ đề thị bà rị đa, tra tra anh ca, ma ha bạt xà lô đà ra, đế rị bồ bà na, man trà ra. Ô hồng, ta tất đế bạc bà đô, mạ mạ, ấn thố na mạ mạ tỏa.
Hội thứ ba
Ra xà bà dạ, chủ ra bạt dạ, a kỳ ni bà dạ, ô đà ca bà dạ, tỳ xa bà dạ, xá tát đa ra bà dạ, bà ra chước yết ra bà dạ, đột sắc xoa bà dạ, a xá nể bà dạ, a ca ra mật rị trụ bà dạ, đà ra ni bộ di kiếm ba già ba đà bà dạ, ô ra ca bà đa bà dạ, lặc xà đàng trà bà dạ, na già bà dạ, tỳ điều đát bà dạ, tô ba ra noa bà dạ, dược xoa yết ra ha, ra xoa tư yết ra ha, tất rị đa yết ra ha, tỳ xá giá yết ra ha, bộ đa yết ra ha, cưu-bàn trà yết ra ha, bổ đơn na yết ra ha, ca tra bổ đơn na yết ra ha, tất kiền độ yết ra ha, a bá tất ma ra yết ra ha, ô đàn ma đà yết ra ha, xa dạ yết ra ha, hê rị bà đế yết ra ha, xã đa ha rị nẫm, yết bà ha rị nẫm, lô địa ra ha rị nẫm, mang ta ha rị nẫm, mê đà ha rị nẫm, ma xà ha rị nẫm, xà đa ha rị nữ, thị tỷ đa ha rị nẫm, tỳ đa ha rị nẫm, bà đa ha rị nẫm, a du giá ha rị nữ, chất đa ha rị nữ, đế sam tát bệ sam. Tát bà yết ra ha nẫm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ba rị bạt ra giả ca hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, trà diễn ni hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ma ha bát du bác đát dạ, lô đà ra hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, na ra dạ noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, đát đõa già lô trà tây hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ma-ha ca ra ma đát rị già noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ca ba rị ca hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, xà dạ yết ra, ma độ yết ra, tát bà ra tha ta đạt na hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, giả đốt ra bà kỳ nể hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, tỳ rị dương hất rị tri, nan đà kê sa ra dà noa bác đế, sách hê dạ hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, na yết na xá ra bà noa hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, a-la-hán hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, tỳ đa ra già hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, bạt xà ra ba nể, cu hê dạ, cu hê dạ, ca địa bát đế hất rị đởm, tỳ đà dạ xà sân đà dạ di, kê ra dạ di, ra thoa vỏng, bà dà phạm, ấn thố na mạ mạ tỏa.
Hội thứ tư
Bà già phạm, tát đát đa bác đá ra, Nam mô tý đô đế, a tất đa na ra lặc ca, ba ra bà tất phổ tra, tỳ ca tát đát đa bát đế rị, thập Phật ra thập Phật ra, đa ra đa ra, tần đà ra tần đà ra, sân đà sần đà. Hổ hồng, hổ hồng, phấn tra, phấn tra, phấn tra, phấn tra, phấn tra, ta ha, hê hê phấn, a mâu ca da phấn, a ba ra đề ha đa phấn, ba ra bà ra đa phấn, a tố ra tỳ đà ra ba ca phấn, tát bà đề bệ tệ phấn, tát bà na già tệ phấn, tát bà dược xoa tệ phấn, tát bà kiền thát bà tệ phấn, tát bà bổ đơn na tệ phấn, ca tra bổ đơn na tệ phấn, tát bà đột lang chỉ đế tệ phấn, tát bà đột sáp tỷ lê hất sắc đế tệ phấn, tát bà thập bà lê tệ phấn, tát bà a bá tất ma lê tệ phấn, tát bà xá ra bà noa tệ phấn, tát bà địa đế kê tệ phấn, tát bà đát ma đà kê tệ phấn, tát bà tỳ đà da ra thệ giá lê tệ phấn, xà dạ yết ra ma độ yết ra, tát bà ra tha ta đà kê tệ phấn, tỳ địa dạ giá lê tệ phấn, giả đô ra phược kỳ nể tệ phấn, bạt xà ra cu ma rị, tỳ đà da ra thệ tệ phấn, ma ha ra đinh dương xoa tỳ rị tệ phấn, bạt xà ra thương yết ra dạ, ba ra trượng kỳ ra xà da phấn, ma ha ca ra dạ, ma ha mạt đát rị ca noa.
Nam-mô ta yết rị đa dạ phấn, tỷ sắc noa tỳ duệ phấn, bột ra ha mâu duệ phấn, a kỳ ni duệ phấn, ma ha yết rị duệ phấn, yết ra đàn trì duệ phấn, miệt đát rị duệ phấn, lao đát rị duệ phấn, giá văn trà duệ phấn, yết la ra đát rị duệ phấn, ca bác rị duệ phấn, a địa mục chất đa ca thi ma xá na, bà tư nể duệ phấn, diễn kiết chất, tát đõa bà tỏa, mạ mạ ấn thố na mạ mạ tỏa.
Hội thứ năm
Đột sắc tra chất đa, a mạt đát rị chất đa, ô xà ha ra, già bà ha ra, lô địa ra ha ra, ta bà ha ra, ma xà ha ra, xà đa ha ra, thị tỷ đa ha ra, bạc lược dạ ha ra, kiền đà ha ra, bố sử ba ra ha, phả ra ha ra, bà tỏa ha ra, bác ba chất đa, đột sắc tra chất đa, lao đà ra chất đa, dược xoa yết ra ha, ra sát ta yết ra ha, bế lệ đa yết ra ha, tỳ xá giá yết ra ha, bộ đa yết ra ha, cưu bàn trà yết ra ha, tất kiền đà yết ra ha, ô đát ma đà yết ra ha, xa dạ yết ra ha, a bá tất ma ra yết ra ha, trạch khê cách trà kỳ ni yết ra ha, rị Phật đế yết ra ha, xà di ca yết ra ha, xá cu ni yết ra ha, lao đà ra nan địa ca yết ra ha, a lam bà yết ra ha, kiền độ ba ni yết ra ha, thập Phật ra yên ca hê ca, trụy đế dược ca, đát lệ đế dược ca, giả đột thác ca, ni đề thập phạt ra, tỷ sam ma thập phạt ra, bạc để ca, tỷ để ca, thất lệ sắt mật ca, ta nể bác đế ca, tát bà thập phạt ra, thất lô kiết đế, mạt đà bệ đạt lô chế kiếm, a ỷ lô kiềm, mục khê lô kiềm, yết rị đột lô kiềm, yết ra ha yết lam, yết na du lam, đản đa du lam, hất rị dạ du lam, mạt mạ du lam, bạt rị thất bà du lam, tỷ lật sắ tra du lam, ô đà ra du lam, yết tri du lam, bạt tất đế du lam, ô lô du lam, thường già du lam, hắc tất đa du lam, bạt đà du lam, ta phòng án già bác ra trượng già du lam, bộ đa tỷ đa trà, trà kỳ ni thập bà ra, đà đột lô ca kiến đốt lô kiết tri, bà lô đa tỳ, tát bác lô, ha lăng già, du sa đát ra, ta na yết ra, tỳ sa dụ ca, a kỳ ni ô đà ca, mạt ra bệ ra, kiến đa ra, a ca ra mật rị đốt đát liểm bộ ca, địa lật lặc tra, tỷ rị sắc chất ca, tát bà na cu ra, tứ dẫn già tệ yết ra, rị dược xoa, đác ra sô, mạt ra thị phệ đế sam, ta bệ sam, tất đát đa bác đát ra, ma ha bạc xà lô sắc ni sam, ma ha bác lặc trượng kỳ lam, dạ ba đột đà xá dụ xà na, biện đát lệ noa, tỳ đà da bàn đàm ca lô di, đế thù bàn đàm ca lô di, bát ra tỳ đà, bàn đàm ca lô di, đác điệc tha. Morgenliturgie 53 Án, a na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạc xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nể, bạt xà ra bàn ni phấn. Hổ hồng, đô lô ung phấn, ta bà ha (3x).
Chú Đại bi
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại-bi tâm đà-la-ni. Nam mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ-đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Nam mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà lô kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà. Nam mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu thâu bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ-đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá-lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ-đề dạ bồ-đề dạ, bồ-đà dạ bồ-đà dạ, dị đế rị dạ, na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ ta bà ha. Ma ha tất đà dạ ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàng đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. Nam mô hắt ra đát na, đa ra dạ da. Nam mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha. Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha.
Mười chú
– Đà-la-ni Như ý bảo luân Vương;
Nam mô Phật-đà-da. Nam mô Đạt-ma-da. Nam mô Tăng-dà-da. Nam mô Quán TựTại Bồ-tát ma-ha-tát, cụ đại bi tâm giả. Đát điệt tha. Án chước yết ra phạt để chấn đa mạt ni, ma ha bát đẳng mế, rô rô rô rô, để sắc tra thước ra a yết rị, sa dạ hồng phấn ta ha. Án, bát đạp ma chấn đa mạt ni, thước ra hồng. Án bát lặc đà, bát đẳng mế hồng.
– Thần chú Tiêu tai cát tường:
Nẳng mồ tam nãm đa, mẫu đà nẩm. A bát ra để, hạ đa xá ta nẳng nẩng nẩm. Đát điệt tha. Án, khê khê, khê hế, khê hế, hồng hồng, nhập phạ ra, nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, bát ra nhập phạ ra, để sắc sá, để sắc sá, sắc trí rị, sắc trí rị, ta phấn tra, ta phấn tra, phiến để ca thất rị duệ, ta phạ ha.
– Thần chú Công đức Bảo sơn:
Nam mô Phật-Đà-Da. Nam mô Đạt-Ma-Da. Nam-mô Tăng-Dà-Da. Án, tất đế hộ rô rô, tất đô rô, chỉ rị ba, kiết rị bà tất đạt rị, bố rô rị, ta phạ ha.
-Thần chú Chuẩn đề:
Khể thủ quy y Tô-tất-đế, đầu diện đảnh lễ thất cu chi. Ngã kim xưng tán Đại Chuẩn Đề, duy nguyện từ bi thùy gia hộ. Nam mô tát đa nẩm tam-miệu tam-bồ-đề, cu chi nẩm, đát điệt tha. Án, chiết lệ chủ lệ Chuẩn Đề, ta bà ha.
– Đà-la-ni Thánh vô lượng thọ quyết định minh vương:
Án, nại ma ba cát ngỏa đế, a ba ra mật đạp, a ưu rị a nạp, tô tất nể, thiệt chấp đạp, điệp tả ra tể dã, đát tháp cả đạt dã, a ra ha đế, tam dược tam bất đạt dã, đát nể dã tháp. Án, tát rị ba, tang tư cát rị, bọt rị thuật đạp, đạt ra mã đế, cả cả nại, tang mã ngột cả đế, ta ba ngỏa, tỷ thuật đế, mã hắt nại dã, bát rị ngỏa rị tá hắt.
– Chơn ngôn Dược sư quán đỉnh:
Nam mô bạt dà phạt đế, bệ sát xả, lủ rô thích lưu ly, bát lặt bà, hắt ra xà dã, đát tha yết đa da, a ra hắt đế, tam miệu tam bột đà da. Đát điệt tha. Án, bệ sát thệ, bệ sát thệ, bệ sát xã, tam một yết đế tá ha.
– Chơn ngôn Quán Âm linh cảm:
Án, ma ni bác di hồng, ma hắt nghê nha nạp, tích đô đặt ba đạt, tích đặt ta nạp, vi đạt rị cát, tát nhi cáng nhi tháp, bốc rị tất tháp cát nạp, bổ ra nạp, nạp bộc rị, thưu thất ban nạp, nại ma lô kiết, thuyết ra da, tá ha.
– Chơn ngôn Thất Phật diệt tội:
Ly bà ly bà đế, cầu ha cầu ha đế, đà ra ni đế, ni ha ra đế, tỳ lê nể đế, ma ha dà đế, chơn lăng càng đế, ta bà ha.
– Chú Vãng sanh:
Nam mô a di đa bà dạ, Đa tha dà đa dạ, Đa địa dạ tha. A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ, A di rị đa tì ca lan đế, A di rị đa tì ca lan đa, dà di nị dà dà na, chỉ đa ca lệ ta bà ha.
– Chú thiên nữ Đại cát tường:
Nam mô Phật đà. Nam mô Đạt mạ. Nam mô Tăng dà. Nam mô thất lỵ, ma ha để tỷ da, đát nể dã tha, ba lỵ phú lầu na giá lỵ, tam mạn đà, đạt xá ni, ma ha tỳ ha ra dà đế, tam mạn đà, tỳ ni dà đế, ma ha ca rị dã, ba nể ba ra, ba nể tát rị phạ lặt tha, tam mạn đà, tu bác lê đế, phú lệ na, a rị na, đạt mạ đế, ma ha tỳ cổ tất đế, ma ha Di Lặc đế, lâu phã tăng kỳ đế, hê đế tỷ, tăng kỳ hê đế, tam mạn đà, a tha a nậu, đà-la-ni.
Tâm kinh Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa
Bồ tát Quán tự tại, khi thực hành bát nhã ba-la-mật-đa sâu, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khốn khổ.
Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thụ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.
Xá-lợi Tử! Các pháp tướng không này, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong không, không sắc, không thụ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Không nhãn giới, cho đến không ý thức giới, không vô minh, cũng không hết vô minh, cho đến không lão tử, cũng không hết lão tử, không khổ tập diệt đạo, không trí, cũng không đắc. Vì không gì đắc để đắc, nên Bồ-tát y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không chướng ngại, vì không bị chướng ngại, nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh niết-bàn. Chư Phật ba đời, vì y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là thần chú lớn, là chú vô thượng, là chú không cấp cùng bậc, hay trừ tất cả khổ, chân thật không hư. Cho nên nói chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng:
– Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha (3 lần)
Tán thán Phật
Từ trên xuống toàn tịnh chúng hiện tiền, trì tụng Lăng Nghiêm các chú, hồi hướng Tam bảo chúng Long Thiên, ba đường[12] tám nạn[13] đều lìa khổ, bốn ân[14] ba cõi[15]toàn đội ơn, nước nhà an ổn chiến tranh tiêu, mưa thuận gió hoà dân an lạc. Đại chúng tập tu mong thắng tiến, việc không khó lên ngay mười địa[16], ba cửa[17]sạch trong tuyệt lỗi lầm, đàn tín[18] quy y thêm phước tuệ. Ý nghĩ như bụi đều đếm biết, uống khô hết nước trong biển lớn, hư không có thể đo lường được, nhưng không thể nói hết công đức Phật. Trên-dưới trời không ai như Phật,
Mười phương thế giới cũng không bằng,
Cõi thế có gì ta thấy hết,
Tất cả không có ai như Phật.
Kính lạy Phật Thích-ca Mâu-ni là bổn sư thế giới ta-bà, là Thầy dẫn đường trong ba cõi, là vị cha hiền chung bốn loài, là giáo chủ trời người, là hoá thân trong nghìn trăm ức.
Nam mô Phật Thích-ca Mâu-ni.(108lần)
Nam mô Bồ-tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi. (3 lần)
Nam mô Bồ-tát Đại Hạnh Phổ Hiền. ((3 lần)
Nam mô Bồ-tát Hộ Pháp Chư Tôn. (3 lần)
Nam mô Phật Bồ-tát Đạo trang Hội Thượng. (3 lần)
Sám Phổ Hiền
Đệ tử chúng con, nguyện tu tập theo, mười nguyện lớn của Bồ-tát Phổ Hiền:
Một là, kính lễ chư Phật.
Hai là, tán thán Như lai.
Ba là, rộng tu cúng dường.
Bốn là, sám hối nghiệp chướng.
Năm là, tuỳ hỷ công đức.
Sáu là, xin chuyển pháp luân.
Bảy là, xin Phật ở đời.
Tám là, thường học theo Phật.
Chín là, hằng thuận chúng sanh.
Mười là, hồi hướng khắp cả.
Tán Phật
Khen lạy Thế Tôn,
Năng nhơn[19] vô thượng.
Chơn tu nhiều kiếp lâu xa.
Đẩu suất giáng sinh,
Giã từ ngôi báu kim luân[20],
Ngồi toà Bồ-đề, phá cả quân ma.
Lần nhìn sao sáng, đạo thành,
Pháp mưa sa.
Chúng đẳng ba thừa quy tâm.
Vô sanh đã chứng.
Hiện tiền mọi ngườihướng tâm.
Vô sanh mau chứng.
Bốn loài chín cõi, cùng lên cửa huyền hoa tạng, tám nạn ba đường, cùng vào tánh biển Tỳ lô.
Kệ hồi hướng
Công đức tụng kinh hạnh thù thắng,
Vô biên phước thắng đều hồi hướng,
Nguyện cho chúng sanh trong pháp giới,
Mau về cõi Phật sáng vô lường.
Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não , nguyện chân trí tuệ thường sáng tỏ , Nguyện bao tội chướng thảy tiêu trừ, Đời đời luôn hành đạo bồ-tát.
Nguyện sanh về tịnh độ phương tây, chín phẩm hoa sen là cha mẹ, hoa nở thấy Phật ngộ vô sanh, bồ-tát không lùi là bạn hữu.
Nguyện đem công đức này, hướng về khắp tất cả, đệ tử và chúng sanh, đều trọn thành Phật đạo.
Phục nguyện
Kính lễ mười phương thường trú tam bảo, tác đại chứng minh:
Nếp dòng mãi thịnh, ấn tổsáng luôn, Phật nhựt thêm ngời, pháp luân thường chuyển, mưa thuận gió hoà, quốc thái dân an, nhà nhà không lo đói khát, nơi nơi hưởng lạc thái bình.
Hiện tiền đệ tử chúng con, đều tu phước-tuệ, bền chắc tâm đạo bồ-đề, đoạn diệt phiền não, tiêu trừ chướng nghiệp, thường được kiết tường, xa lìa khổ ách.
Nguyện khắp âm siêu dương thái, pháp giới chúng sanh, tình dữ vô tình, đồng thành Phật đạo.
Cùng niệm: Nam mô A-di-đà Phật.
Tam tự quy y
– Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thấu hiểu đại đạo, phát lòng vô thượng.
– Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, vào sâu kinh tạng, trí tuệ như biển.
– Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, gom lý đại chúng, tất cả không ngại.
Thiên A-tu-la
Loài Trời, A-tu-la, Dược-xoa,
Người đến nghe pháp nên chí tâm,
Ủng hộ Phật pháp khiến còn mãi,
Mọi người siêng hành lời Phật dạy.
Bao nhiêu người nghe đến nơi này,
Hoặc trên mặt đất hoặc trong không,
Thường khởi tâm từ đối người đời
Ngày đêm tự mình nương nơi pháp.
Cầu cho thế giới thường an ổn,
Phước trí vô biên lợi quần sanh,
Tội nghiệp có được đều tiêu trừ,
Xa lìa các khổ về viên tịch.
Luôn dùng hương giới xoa bóng thân,
Thường dùng áo định mặc cho mình,
Diệu hoa tuệ giác trang nghiêm khắp,
Tuỳ nơi chỗ ở thường an lạc.
Kính lễ Phá tà phò chánh Hộ Pháp Chư Tôn Bồ-tát ma-ha-tát.
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả;
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo
PHẦN THỰC HÀNH
KHÓA TRÌ TỤNG KINH CHÚ
BUỔI CHIỀU TỐI
Soạn dịch: Đại Lãn-Đức Thắng
(Phần này cũng là phần quan trọng trong việc thực hành Thiền định khóa trì tụng kinh chú buổi chiều, qua lắng nghe âm thinh trì tụng kinh chú trong nhất tâm bát loạn, sẽ đưa hành giả vào trong Đại định niệm Phật Tam-muội, năng-sở, chủ khách trở thành một trong nhất niệm chí thành.) Bản dịch của hai thời khóa tụng (Thiền môn nhật tụng 禪門日誦) này chúng tôi căn cứ vào bản khắc mộc năm 1898 của chùa Từ Hiếu, phiên âm và dịch nghĩa chotập tài liệu nay.)
Đốt hương: (Chỉ dành cho người khi đang đốt hương)
Nguyện mây hương thơm này,
Biến khắp cõi mười phương;
Năm uẩn đều thanh tịnh,
Ba nghiệp thảy tiêu trừ.
Án phóng ba-tra tóa-ha (3 lần).
Tán lư hương
Lò hương vừa đốt,
Xông toả khắp nơi[21],
Biển hội chư Phật,
Tất thảy nghe xa,
Tuỳ vào nơi chốn,
Kết nối mây lành,
Thành ý đủ duyên,
Chư Phật thân hiện.
Nam Mô Hương Vân Cái Bồ-tát ma-ha-tát (3 lần)
Kỳ nguyện
Đệ tử chúng con, nguyện mười phương thường trụ Tam bảo, Phật Bổn sư Thích-ca Mâu-ni, Phật tiếp dẫn đạo sư A-di-đà, từ bi gia hộ đệ tử …… tâm bồ-đề kiên cố, tự giác, giác tha, giác hành viên mãn, cùng pháp giới chúng sanh, một thời đồng được Vô thượng chánh đẳng chánh giác. (Cắm hương lên lư).
Tán Phật
Đấng Vua Pháp vô thượng,
Ba cõi không ai bằng;
Thầy chỉ đường trời người,
Cha lành của bốn loài.
Chỉ một niệm quy y,
Diệt sạch nghiệp ba kỳ;
Xưng dương cùng tán thán,
Muôn kiếp không cùng tận.
Quán tưởng
Phật chúng sanh[22] tánh thường vắng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới đế châu[23]con ví đạo tràng,
Mười phương chư Phật ảnh hiện trong,
Thân con ảnh hiện trước Phật tiền,
(Cúi mặt đầu kính lễ sát chân)
Quay về
– Nhất tâm đảnh lễ, nam mô tận hư không biến pháp giới, quá hiện vị lai, thập phương chư Phật, tôn Pháp hiền Thánh Tăng thường trú tam bảo (1 lạy)
– Nhất tâm đảnh lễ, nam mô ta bà giáo chủ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, đương lai hạ sanh Di Lặc tôn Phật, Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát, Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát, Hộ Pháp chư tôn bồ-tát, Linh sơn Hội thượng Phật Bồ-tát (1 lạy)
– Nhất tâm đảnh lễ, nam mô Tây phương Cực Lạc Thế giới Đại từ Đại bi A-di-đà Phật, Đại bi Quán Thế Âm Bồ-tát, Đại thế Chí Bồ-tát, Đại nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát, Thanh tịnh Đại Hải chúng Bồ-tát
Chú Đại bi
Nam-mô Đại-bi Hội-thượng Phật Bồ-tát. (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại-bi tâm đà-la-ni. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ-đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án, tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu thâu bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ-đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá-lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ-đề dạ bồ-đề dạ, bồ-đà dạ bồ-đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàng đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. Nam-mô hắt ra đát na, đa ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha. Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (3 lần)
Khai Kinh kệ
Pháp Phật thâm sâu rất nhiệm màu,
Trăm nghìn muôn kiếp khó gặp được;
Nay con thấy nghe được thọ trì,
Nguyện hiểu nghĩa chân thật Như lai.
Kinh A-di-đà
Phật nói kinh A-di-đà.
Tôi nghe như vầy! Một thời Phật tại nước Xá-vệ, vườn Cấp-cô-độc, cây Kỳ-đà, cùng một nghìn hai trăm năm mươi đại tỳ-kheo tăng câu hội, đều là những vị đại A-la-hán, mọi người đều biết như: Trưởng lão Xá-Lợi-Phất, Ma-ha Mục-kiền-liên, Ma-ha Ca-diếp, Ma-ha Ca-chiên-diên, Ma-ha Câu-hy-la, Ly-bà-đa, Châu-lợi Bàn-đà-già, Nan-đà, A-nan-đà, La-hầu-la, Kiều-phạm Ba-đề, Tân-đầu-lô Phả-la-đọa, Ca-lưu Ðà-di, Ma-ha Kiếp-tân-na, Bạt-câu-la và A-nậu-lâu-đà, những đại đệ tử đồng hàng như vậy, cùng các Bồ-tát ma-ha-tát như: Pháp Vương Tử Văn-thù-sư-lợi, Bồ-tát A-dật-đa, Bồ-tát Càn-đà Ha-đề, Bồ-tát Thường Tinh Tấn, cùng đồng hàng các đại Bồ-tát như vậyvà, cùng hàng Thích-đề-hoàn Nhơn, vô lượng đại chúng câu hội.
Bấy giờ, Phật bảo trưởng lão Xá-lợi-phất! Từ đây đến phương Tây, hơn mười vạn ức cõi Phật, có thế giới gọi là Cực lạc. Cõi đó có Phật hiệu là A-di-đà, hiện nay đang nói pháp.
Xá-lợi-phất! Vì sao cõi kia gọi là Cực lạc? Vì chúng sanh nước kia, các khổ không có, chỉ hưởng mọi thứ vui, nên gọi là Cực lạc.
Lại, Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc, bao vây chung quanh, có bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, đều là bốn báu, cho nên nước kia gọi là Cực lạc.
Lại, Xá-lợi Phất! Cõi nước Cực lạc, có bảy ao báu, tám nước công đức[24], đầy ắp trong đó, đáy ao toàn dùng cát vàng trải khắp trên đất. Thềm đường bốn bên toàn vàng bạc, lưu ly, pha lê hợp thành; trên có lầu các, cũng dùng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, châu đỏ, mã não mà trang hoàn.
Hoa sen trong hồ lớn như bánh xe, màu xanh, ánh xanh, màu vàng, ánh vàng, màu đỏ, ánh đỏ, màu trắng, ánh trắng, thơm sạch vi diệu.
Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc công đức trang nghiêm như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia, vàng ròng làm đất, thường tấu nhạc trời. Ngày đêm sáu thời, trời mưa hoa mạn-đà-la[25]. Chúng sanh cõi kia, thông thường buổi sáng, họ dùng vạt áo đựng diệu hoa, cúng dường mười vạn ức Phật phương khác, đến giờ ăn liền trở lại đến nước mình, thọ thực kinh hành. Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc, thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.
Lại nữa, Xá-lợi-phất! Nước kia thường có các loại chim đủ màu kỳ diệu như: bạch hạc, khổng tước, anh võ, Xá lợi, Ca-lăng-tần-già, chim Cộng mạng. Các loài chim này, ngày đêm sáu thời, tiếng hót hòa nhã. Tiếng hót kia xướng lên những bài pháp như vầy: Năm căn[26], năm lực[27], bảy phần bồ-đề[28], tám phần thánh đạo. Chúng sanh cõi kia, nghe tiếng hót này rồi, tất cả đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.
Xá-lợi-phất! Người chớ bảo loại chim này, thật sinh ra từ tội báo. Tại vì sao vậy? Vì cõi nước Phật kia, không ba đường ác[29].
Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia, còn không từ đường ác, huống chi là có thật. Các loài chim này, đều là Phật A-di-đà biến hóa tạo ra, muốn tuyên lưu pháp âm.
Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia, gió hiu thổi động, các hàng cây báu, cùng võng lưới báu, phát ra diệu âm, giống như trăm nghìn loại nhạc, cùng lúc trổi lên. Người nghe âm này, tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.
Xá-lợi-phất! Theo ý Người thế nào? Vì sao Phật kia hiệu A-di-đà? Xá-lợi-phất! Vì vô lượng ánh sáng Phật kia, chiếu mười phương nước, không gì chướng ngại, cho nên hiệu là A-di-đà.
Lại, Xá-lợi-phất! Thọ mạng Phật và nhân dân kia, là vô lượng vô biên a-tăng-kỳ[30] kiếp, nên tên A-di-đà.
Xá-lợi-phất! Từ khi A-di-đà thành Phật trở lui, đến nay đã mười kiếp. Lại, Xá-lợi-phất! Phật kia có vô lượng vô biên đệ tử Thinh Văn, đều A-la-hán, không thể nào biết được qua toán số; các chúng Bồ-tát, cũng lại như vậy.
Xá-lợi-phất! Cõi nước Phật kia, thành tựu công đức trang nghiêm như vậy.
Lại, Xá-lợi-phất! Cõi nước Cực lạc, chúng sanh, ai sinh về đều chẳng thối lui. Trong đó, phần nhiều là nhất sanh bổ xứ[31]. Vì số này rất nhiều, nên không thể biết được qua toán số, mà phải dùng vô lượng vô biên a-tăng kỳ để nói.
Xá-lợi-phất! Chúng sanh ai nghe, phải nên phát nguyện, nguyện sinh về nước kia. Tại vì sao? Vì được cùng các vị thượng thiện nhơn chung sống một chỗ.
Xá-lợi-phất! Không thể dùng chút nhân duyên phước đức thiện căn, mà sinh được nước kia. Xá-lợi-phất! Nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào, nghe nói Phật A-di-đà, trì niệm danh hiệu, “nhất tâm không loạn” hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày thì, người kia đến lúc lâm chung, Phật A-di-đà cùng các thánh chúng, hiện ra trước mặt. Người này khi mất, tâm không điên đảo thì, liền được vãng sanh về cõi nước Cực lạc Phật A-di-đà.
Xá-lợi-Phất! Vì Ta thấy lợi đó, nên nói lời này: “Nếu có chúng sanh, ai nghe lời này thì, nên phát nguyện, sinh về cõi nước kia.”
Xá-lợi-phất! Như Ta hôm nay, tán dương cái lợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A-di-đà. Phương Đông cũng có Phật A-súc-bệ, Phật Tu-di-tướng, Phật Đại-tu-di, PhậtTu-di-quang, Phật Diệu Âm, cùng hằng hà sa số chư Phật như vậy. Tại mỗi nước kia, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, biến khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các người nên tin, tán dương công đức không thể nghĩ bàn này, tất cả chư Phật đều hộ niệm kinh.”
Xá-lợi-phất! Thế giới phương nam, có Phật Nhựt Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn; cùng hằng hà sa số chư Phật. Tại mỗi nước kia, đưa ra tướng lưỡi rộng dài biến khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các người nên tin, tán dương công đức không thể nghĩ bàn này, tất cả chư Phật đều hộ niệm kinh.”
Xá-lợi-phất! Thế giới phương Tây, có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lương Tướng, Phật Vô Lượng Tràng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang, cùng hằng hà sa số chư Phật. Tại mỗi nước kia, đưa ra tướng lưỡi rộng dài biến khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các người nên tin, tán dương công đức không thể nghĩ bàn này, tất cả chư Phật đều hộ niệm kinh.”
Xá-lợi-phất! Thế giới phương Bắc, có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhựt Sanh, Phật Võng Minh; cùng hằng hà sa số chư Phật. Tại mỗi nước kia, đưa ra tướng lưỡi rộng dài biến khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các người nên tin, tán dương công đức không thể nghĩ bàn này, tất cả chư Phật đều hộ niệm kinh.”
Xá-lợi-phất! Thế giới phương Hạ, có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp, cùng hằng hà sa số chư Phật. Tại mỗi nước kia, đưa ra tướng lưỡi rộng dài biến khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các người nên tin, tán dương công đức không thể nghĩ bàn này, tất cả chư Phật đều hộ niệm kinh.”
Xá-lợi-phất! Thế giới phương Thượng, có Phật Phạm Âm, Phật Túc Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn, cùng hằng hà sa số chư Phật. Tại mỗi nước kia, đưa ra tướng lưỡi rộng dài biến khắp ba nghìn đại thiên thế giới, nói lời thành thật: “Chúng sanh các người nên tin, tán dương công đức không thể nghĩ bàn này, tất cả chư Phật đều hộ niệm kinh.”
Xá-lợi-phất! Theo ý Người thế nào? Vì sao gọi kinh này là nơi được tất cả chư Phật hộ niệm?
Xá-lợi-phất! Vì nếu có người thiện nam, người thiện nữ nào, nghe thọ trì kinh này, cùng nghe danh hiệu chư Phật thì, các người thiện nam, người thiện nữ này, đều được tất cả chư Phật hộ niệm, đều được chẳng thối lui đối với Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên này Xá-lợi-phất!Các người đều nên tin nhận lời Ta, cùng những gì chư Phật đã nói.
Xá-lợi-phất! Nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện, muốn sanh về nước Phật A-di-đà thì, những người này, đều chẳng thối lui đối với Vô Thượng Chánh đẳng Chánh giác và, đối với cõi nước kia là đã được sinh, hoặc đang được sinh, hoặc sẽ được sinh .
Cho nên Xá-lợi-phất! Các người thiện nam, người tín nữ, nếu có ai tin thì, nên phát nguyện sinh về cõi nước kia.
Xá-lợi-phất! Như Ta hiện nay, tán dương công đức không thể nghĩ bàn của chư Phật và, các đức Phật kia, cũng tán dương công đức không thể nghĩ bàn của Ta, mà nói lời này: “Phật Thích-ca Mâu-ni thường làm những việc hy hữu rất khó, luôn đối với đời ác năm trược trong cõi nước ta-bà: Kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạn trược, mà thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, vì các chúng sanh, nói tất cả pháp khó tin của thế gian.”
Xá-lợi-phất! Nên biết Ta làm việc khó này, nơi đời ác năm trược, để thành tựu Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, mà vì tất cả thế gian nói pháp khó tin này, đó là việckhó làm.
Phật nói kinh này xong. Xá-lợi-phất!Cùng các tỳ-kheo, tất cả thế gian, trời, người, a-tu-la, nghe những gì Phật nói, hoan hỷ vâng làm, kính lễ mà lui.
Tán Phật A-di-đà
Năng Nhơn[32] giáo chủ Tịnh độ phương Tây,
Bốn mươi tám nguyện độ sanh,
Phát nguyện thề rộng sâu,
Thượng phẩm thượng sanh,
Cùng lên thành sen báu.
Tán Hồng Danh Bảo Sám
Nam mô Hồng danh hội thượng Phật Bồ-tát (3 lần)
Đại từ đại bi thương chúng sanh,
Đại hỷ đại xả cứu hữu tình,
Tướng tốt sáng chói tự trang nghiêm,
Chúng con chí tâm quy mạng lễ.
Nam mô qui y kim cang thượng sư (1 lạy)
Quy y Phật (1 lạy)
Quy Y Pháp (1 lạy)
Quy y Tăng (1 lạy)
Nay con phát tâm, không vì tự cầu, phước báo trời người, Thinh văn Duyên giác, cho đến các địa vị bồ-tát quyền thừa, mà chỉ nương vào thừa tối thượng, phát tâm bồ-đề, nguyện cùng pháp giới chúng sanh, một thời cùng được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.(1 lạy)
Nam mô quy y thập phương, tận cõi hư không, tất cả chư Phật.(1 lạy)
Nam mô quy y thập phương, tận cõi hư không, tất cả tôn pháp.(1 lạy)
Nam mô quy y thập phương, tận cõi hư không, tất cả hiền thánh tăng. (1 lạy)
Nam mô Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật, Thế tôn.(1 lạy)
Nam mô Phổ quang phật (1 lạy)
Nam mô Phổ minh phật, (1 lạy)
Nam mô Phổ tịnh phật,(1 lạy)
Nam mô Đa ma la bạt chiên đàn hương phật,(1 lạy)
Nam mô Chiên đàn quang phật,(1 lạy)
Nam mô Ma ni tràng phật,(1 lạy)
Nam mô Hoan hỷ tạng ma ni bảo tích phật,(1 lạy)
Nam mô Nhất thế thế gian nhạo kiến thượng đại tinh tiến phật,(1 lạy)
Nam mô Ma ni tràng đăng quang phật,(1 lạy)
Nam mô Tuệ cự chiếu phật,(1 lạy)
Nam mô Hải đức quang minh phật,(1 lạy)
Nam mô Kim cang lao cường phổ tán kim quang phật,(1 lạy)
Nam mô Đại cường tinh tiến dũng mãnh phật,(1 lạy)
Nam mô Đại bi quang phật,(1 lạy)
Nam mô Từ lực vương phật,(1 lạy)
Nam mô Từ tạng phật,(1 lạy)
Nam mô Chiên đàn khốt trang nghiêm thắng phật,(1 lạy)
Nam mô Hiền thiện thủ phật,(1 lạy)
Nam mô Thiện ý phật,(1 lạy)
Nam mô Quảng trang nghiêm vương phật,(1 lạy)
Nam mô Kim hoa quang phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo cái chiếu không tự tại lực vương phật,(1 lạy)
Nam mô Hư không bảo hoa quang phật,(1 lạy)
Nam mô Lưu ly trang nghiêm vương phật,(1 lạy)
Nam mô Phổ hiện sắc thân quang phật,(1 lạy)
Nam mô Bất động trí quang phật,(1 lạy)
Nam mô Hàng phục chư ma vương phật,(1 lạy)
Nam mô Tài quang minh phật,(1 lạy)
Nam mô Trí tuệ thắng phật,(1 lạy)
Nam mô Di lạc tiên quang phật,(1 lạy)
Nam mô Thiện tịch nguyệt âm diệu tôn trí vương phật,(1 lạy)
Nam mô Thế tịnh quang phật,(1 lạy)
Nam mô Long chủng thượng tôn vương phật,(1 lạy)
Nam mô Nhật nguyệt quang phật,(1 lạy)
Nam mô Nhật nguyệt châu quang phật,(1 lạy)
Nam mô Tuệ tràng thắng vương phật,(1 lạy)
Nam mô Sư tử hống tự tại lực vương phật,(1 lạy)
Nam mô Diệu âm thắng phật,(1 lạy)
Nam mô Thường quang tràng phật,(1 lạy)
Nam mô Quán thế đăng phật,(1 lạy)
Nam mô Tuệ uy đăng vương phật,(1 lạy)
Nam mô Pháp thắng vương phật,(1 lạy)
Nam mô Tu di quang phật,(1 lạy)
Nam mô Tu man na hoa quang phật,(1 lạy)
Nam mô Ưu đàm bát la hoa thù thắng vương phật,(1 lạy)
Nam mô Đại tuệ lực vương phật,(1 lạy)
Nam mô A súc tì hoan hỷ quang phật,(1 lạy)
Nam mô Vô lượng âm thanh vương phật,(1 lạy)
Nam mô Tài quang phật,(1 lạy)
Nam mô Kim hải quang phật,(1 lạy)
Nam mô Sơn hải tuệ tự tại thông vương phật,(1 lạy)
Nam mô Đại thông quang phật,(1 lạy)
Nam mô Nhất thế pháp thường mãn vương phật.(1 lạy)
Nam mô Kim cang bất hoại phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo quang phật,(1 lạy)
Nam mô Long tôn vương phật,(1 lạy)
Nam mô Tinh tiến quân phật,(1 lạy)
Nam mô Tinh tiến hỷ phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo hỏa phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo nguyệt quang phật,(1 lạy)
Nam mô Hiện vô ngu phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo nguyệt phật,(1 lạy)
Nam mô Vô cấu phật,(1 lạy)
Nam mô Ly cấu phật,(1 lạy)
Nam mô Dũng thí phật,(1 lạy)
Nam mô Thanh tịnh phật,(1 lạy)
Nam mô Thanh tịnh thí phật,(1 lạy)
Nam mô Sa lưu na phật,(1 lạy)
Nam mô Thủy thiên phật,(1 lạy)
Nam mô Kiên đức phật,(1 lạy)
Nam mô Chiên đàn công đức phật,(1 lạy)
Nam mô Vô lượng cúc quang phật,(1 lạy)
Nam mô Quang đức phật,(1 lạy)
Nam mô Vô ưu đức phật,(1 lạy)
Nam mô Na la diên phật,(1 lạy)
Nam mô Công đức hoa phật,(1 lạy)
Nam mô Liên hoa quang du hý thần thông phật,(1 lạy)
Nam mô Tài công đức phật,(1 lạy)
Nam mô Đức niệm phật,(1 lạy)
Nam mô Thiện danh xưng công đức phật,(1 lạy)
Nam mô Hồng diệm đế tràng vương phật,(1 lạy)
Nam mô Thiện du bộ công đức phật,(1 lạy)
Nam mô Đấu chiến thắng phật,(1 lạy)
Nam mô Thiện du bộ phật,(1 lạy)
Nam mô Châu táp trang nghiêm công đức phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo hoa du bộ phật,(1 lạy)
Nam mô Bảo liên hoa thiện trú sa la thọ vương phật.(1 lạy)
Nam mô pháp giới tạng thân A di đà phật (1 lạy).
Cùng bậc như vậy, chư Phật Thế tôn, tất cả thế giới, thường trụ ở đời, các Thế tôn này, thường nghĩ đến con. Nếu con đời này, hoặc con đời trước, từ sinh tử vô thỉ đến nay, đã tạo nhiều tội, hoặc tự tạo, hoặc dạy người tạo, thấy tạo vui theo. Hoặc (vật) của tháp, hoặc (vật) của Tăng, hoặc vật của Tăng bốn phương, hoặc tự lấy, hoặc bảo người lấy, thấy lấy vui theo, năm tội vô gián, hoặc tự làm, hoặc sai người làm, thấy làm vui theo. Mười đạo bất thiện, hoặc tự làm, hoặc sai người làm, thấy làm vui theo. Tội chướng đã tạo, hoặc có che dấu, hoặc không che dấu, đáng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, các đường ác khác, biên địa, hạ tiện, cùng miệt lệ xa[33], những nơi như vậy, tội chướng đã tạo, nay đều sám hối. (1 lạy)
Nay chư Phật Thế tôn, xin chứng tri cho con, xin nhớ nghĩ đến con; con lại ở trước chư Phật Thế tôn tác bạch như vầy:
“Hoặc con đời này, hoặc con đời khác, từng làm bố thí, hoặc giữ tịnh giới, cho đến thí cho súc sanh, một nắm thức ăn,thiện căn có được; hoặc tu tịnh hạnh, thiện căn có được; do thành tựu chúng sanh, thiện căn có được; do tu hành bồ-đề, thiện căn có được; cùng trí vô thượng, thiện căn có được; tất cả hiệp lại, đối chiếu đongđếm, tất cả đều hồi hướng cho Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác; như chư Phật quá khứ, vị lai, hiện tại, đã từng làm hồi hướng, con cũng hồi hướng như vậy, tất cả tội đều sám hối, các phước tùy hỷ hết; cùng xin công đức Phật, mong thành tựu trí vô thượng. (1 lạy).
Phật quá-lai-hiện tại, đối chúng sanh là tối thắng, là biển công đức vô lượng, nay con quy mạng kính lễ. (1 lạy)
Những gì trong thế giới mười phương có được, ba đời tất cả các đức Phật, con đem thân, miệng, ý thanh tịnh, lễ hết khắp tất cả không sót. Sức oai thần hạnh nguyện Phổ Hiền, hiện khắp tất cả trước Như lai, một thân lại hiện thân vi trần, mỗi mỗi lễ khắp Phật vi trần. (1 lạy).
Ở trong một vi trần có vi trần Phật, mỗi nơi trong chúng hội Bồ-tát, vô tận pháp giới vi trần cũng như vậy, lòng tin sâu vào chư Phật đều sung mãn, nên đều dùng tất cà biển âm thanh, phát ngôn từ vi diệu ra khắp vô tận, đến tất cả kiếp đời vị lai, tán thán biển công đức Phật sâu xa. (1 lạy)
Đem những vòng hoa vi diệu tối thắng, âm nhạc hương thoa cùng dù lọng, trang nghiêm tối thắng đủ cả như vậy, con đem cúng dường các Như lai, y phục tối thắng, hương liệu tối thắng, hương vụn, hương đốt cùng đèn đuốc, mỗi thứ đều như núi Diệu cao[34], con đều đem cúng dường Như lai. Con đem tâm thắng giải rộng lớn, tin sâu tất cả Phật ba đời, đều dùng sức hạnh nguyện Phổ Hiền, cúng dường rộng rãi các Như lai. (1 lạy)
Bao nhiêu ác nghiệp con đã tạo, đều do vô thỉ tham sân si, từ thân ngữ ý phát sinh ra, tất cả nay con xin sám hối. (1 lạy)
Đối tất cả chúng sanh mười phương, nhị thừa có học cùng vô học, tất cả Như lai cùng Bồ-tát, công đức gì có được, con đều tùy hỷ. (1 lạy)
Mười phương có được đèn thế gian, vị thành tựu Bồ-đề tối sơ, nay con đều cầu xin tất cả, chuyển bánh xe diệu pháp vô thượng. (1 lạy)
Chư Phật nếu muốn hiện Niết-bàn thì, con chí thành mà thỉnh cầu, sống đời như số kiếp vi trần, để lợi lạc tất cả chúng sanh. (1 lạy)
Tán lễ phước cúng dường có được, thỉnh Phật ở đời chuyển pháp luân, tùy hỷ sám hối các thiện căn, hồi hướng chúng sanh cùng Phật đạo. (1 lạy).
Nguyện đem công đức hơn hết này, hướng về chân pháp giới vô thượng, tánh tướng phật pháp cùng tăng già, hai đế[35] dung thông ấn tam-muội. Biển công đức vô lượng như vậy, nay con đều hồi hướng tất cả, thân miệng ý chúng sanh có được, tà kiến phê bình ngã-pháp cùng loại. Tất cả những nghiệp chướng như vậy, tất cả đều diệt hết không còn, mỗi niệm-trí bao hàm pháp giới, rộng độ chúng sanh đều chẳng lui. Cho đến thế giới hư không mất, chúng sanh và nghiệp phiền não tận, bốn pháp rộng vô biên như vậy, nay xin hồi hướng cũng như vậy. (1 lạy)
Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. (3 lần)
Mông Sơn Thí Thực
Nam mô Diệm nhiên Vương Bồ-tát.(3 lần)
Lửa dữ đốt thiêu thành sắt rực,
Vây khốn Cô hồn quanh trong thành;
Cô hồn nếu muốn sinh Tịnh độ,
Nghe tụng nửa kệ kinh Hoa Nghiêm.
Nếu người nào muốn hiểu rõ, tất cả Phật ba đời thì, nên quán sát tánh pháp giới, tất cả đều do tâm tạo.
Chơn ngôn phá địa ngục:
Án, dà ra đế da, ta bà ha. (3 lần)
Chơn Ngôn Triệu Thỉnh chung:
Nam mô bộ bộ đế rị, già rị đá rị, đát đa nga đa da. (3 lần)
Chơn Ngôn Giải Oan Kiết:
Án, tam đà ra dà đà, ta bà ha. (3 lần)
Nam mô Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh. (3 lần)
Nammô Phật thường trụ mười phương,
Nam mô Pháp thường trụ mườ phương,
Nam mô Tăng thường trụ mười phương.
Nam mô Phật Bổn-Sư Thích-Ca Mâu-Ni,
Nam mô Bồ-tát Đại Bi Quán ThếÂm,
Nam mô Bồ-tát Đại Thế Chí,
Nam mô Bồ-tát Minh dương Cứukhổ Địa Tạng Vương,
Nam mô Tôn Giả Khải giáo A Nan Đà.(3 lần)
Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng .
Quy y Phật lưỡng túc tôn,
Quy y Pháp ly dục tôn,
Quy y Tăng chúng trung tôn.
Quy y Phật cánh, quy y Pháp cánh, quy y Tăng cánh. (3 lần)
Phật tử đã tạo các ác nghiệp,
Đều do vôthỉ tham, sân, si,
Từ thân,miệng, ý phát sanh ra,
Tất cả Phậttử đều sám hối.
Hữu tình đã tạo các nghiệp ác
Đều do vôthỉ tham, sân, si,
Từ thân,miệng, ý phát sanh ra,
Tất cả Hữu tình đều sám hối.
Cô hồn đã tạo các ác nghiệp
Đều do vôthỉ tham, sân, si,
Từ thân,miệng, ýphát sanh ra,
Tất cả Cô hồn đều sám hối.
Chúng sinh vô biên thề nguyện độ,
Phiền não vô tận thề nguyện đoạn,
Pháp môn vô lượng thề nguyện học,
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.(3 lần)
Tự tánh chúng sanh thề nguyện độ
Tự tánh phiền não thề nguyện đoạn
Tự tánh pháp môn thề nguyện học
Tự tánh Phật đạo thề nguyện thành.
Chân Ngôn Diệt Định Nghiệp:
Án, bát ra mạt lân đà nãnh, ta bà ha. (3 lần)
Chân Ngôn Diệt Nghiệp Chướng:
Án, a lổ lặc kế, ta bà ha. (3 lần)
Chân Ngôn Mở Rộng Yết Hầu:
Án, bộ bộ đế rị dà đa rị, đát đa nga đa da.(3 lần)
Chân Ngôn Diệt Tam Muội Da Giới:
Án, tam muội da, tát đỏa phạm. (3 lần)
Chân Ngôn Biến Thực:
Nam mô tát phạ đát tha nga đa, phạ lồ chỉ đế. Án, tam bạt ra, tam bạt ra, hồng. (3 lần)
Chân Ngôn Biến Thủy:
Nam mô tô rô bà da, đát tha nga đa da, đát điệt tha. Án, tô rô tô rô, bát ra tô rô, bát ra tô rô, ta bà ha. (3 lần)
Chân Ngôn Nhất Tự Thủy Luân:
Án, noan noan noan noan noan. (3 lần)
Chân Ngôn Biển Sữa:
Nam mô tam mãn đa, một đà nẩm. Án, noan. (3 lần)
Xưng Tán Thất Như Lai.
Nam-mô Như lai Đa bảo, Nam mô Như lai Bảothắng , Nam mô Như lai Diệu sắcthân, Nam mô Như lai Quảng bát thân, Nam-mô Như lai Lybố úy, Nam mô Như lai Cam lồ vương, Nam mô Như lai A-di-đà. (3 lần)
Thần chú gia trì pháp thức ăn tịnh, thí khắp vô số chúng Phật tử, Nguyện đều đầy đủ bỏ keo kiệt, mau thoát tối tăm về Tịnh độ. Quy y Tam bảo phát Bồ-đề, cứu cánh được thành đạo vô thượng, Công đức vô biên tận vịlai tất cả Phật tử cùng pháp thực.
Thần chú gia trì Pháp thức ăn cho, cho khắp hà sa chúng hữu tình, nguyện đều đầy đủ bỏ keo kiệt, thoát mau u tối về Tịnh độ, quy y Tam bảo phát Bồ-đề, cứu cánh được thành đạo vô thượng, công đức vô biên đến vịlai tất cả hữu tình cùng pháp thực.
Thần chú gia trì nước Cam lộ, cho khắp hà sa chúng Cô hồn, nguyện đều đầy đủ bỏ keo kiệt, thoát mau u tối về Tịnh độ, Quy y Tam bảo phát Bồ-đề, Cứu cánh được thành đạo vô thượng, Công đức vô biên đến vịlai tất cả cô hồn cùng pháp thực.
Chúng Phật tử các người,
Nay ta ban cúng người,
Thức ăn biến mười phương,
Chung cho các Phậttử.
Nguyện đem công đức này,
Đến khắp tất cả nơi,
Chúng ta cùng Phật tử,
Đều cùng thành Phật đạo.
Chúng hữu tình các ngươi,
Nay taban cúng ngươi,
Thức ăn biến mười phương,
Chung tất cả hữu tình.
Nguyện đem công đức này,
Đến khắp tất cả nơi,
Chúng ta cùng hữu tình,
Đều cùng thành Phật đạo.
Chúng cô hồn các ngươi,
Nay ta ban cúng ngươi,
Thức ăn biến mười phương,
Chung tất cả cô hồn.
Nguyện đem công đức này,
Đến khắp tất cả nơi,
Chúng ta cùng Cô hồn,
Đều cùng thành Phật đạo.
Chân Ngôn Thí Thực Vô Giá :
Án, mục lực lăng, ta bà ha. (3 lần)
Chân Ngôn Phổ Cúng Dường:
Án, nga nga nẳng tam bà phạ, phiệt nhựt ra, hộc. (3 lần)
Kinh tâm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa
Bồ tát Quán tự tại, khi thực hành bát nhã ba-la-mật-đa sâu, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khốn khổ.
Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thụ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.
Xá-lợi Tử! các pháp tướng không này, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong không, không sắc, không thụ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Không nhãn giới, cho đến không ý thức giới, không vô minh, cũng không hết vô minh, cho đến không lão tử, cũng không hết lão tử, không khổ tập diệt đạo, không trí, cũng không đắc. Vì không gì đắc để đắc, nên Bồ-tát y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không chướng ngại, vì không bị chướng ngại, nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh niết-bàn. Chư Phật ba đời, vì y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là thần chú lớn, là chú vô thượng, là chú không cấp cùng bậc, hay trừ tất cả khổ, chân thật không hư. Cho nên nói chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng:
Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha (3 lần)
Thần Chú Vãng Sanh Tịnh Độ:
Nam-mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa địa dạ tha, A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ, A di rị đa tì ca lan đế, A di rị đa tì ca lan đa, Dà di nị dà dà na, Chỉ đa ca lệ ta bà ha. (3 lần)
Kệ Cát Tường:
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời thường an lành;
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Thế tôn thường gia hộ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời thường an lành;
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Tam bảo thường gia hộ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời thường an lành;
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Hộ pháp thường gia hộ.
Bốn loài sinh lên đất báu tịnh,
Ba cõi hóa sinh ao sen đẹp;
Hà sa ngạ quỷ thành ba hiền,
Vạn loại hữu tình lên mười địa.
Tán Phật:
Thân Phật A-di-đà màu vàng,
Ánh sáng tướng tốt không ai bằng;
Lông trắng chuyển xoay như năm núi[36],
Mắt biếc lắng trong như bốn biển.
Trong sáng hóa vô số ức Phật,
Hóa chúng bồ-tát cũng vô biên;
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh,
Hữu tình lênchín phẩm bờ kia.
Kính lễ Phật A-di-đà, đại từ đại bi, thế giới cực lạc phương Tây.
Kính lễ Phật A-di-đà, đại từ đại bi, thế giới cực lạc phương Tây. (108 lần)
Kính lễ Bồ-tát Quán Thế Âm đại bi. (3 lần)
Kính lễ Bồ-tát Đại Thế Chí (3 lần)
Kính lễ Bồ-tát Địa Tạng Vương (3 lần)
Kính lễ Bồ-tát Thanh Tịnh Đại Hải Chúng. (3 lần)
Văn Tịnh Độ:
Một lòng kính lễ,
Phật A-di-đà,
Thế giới Cực lạc,
Sáng tịnhsoi con,
Nguyện lành hộ con.
Nay con chánh niệm,
Niệm hiệu Như lai,
Vì đạo Bồ-đề,
Cầu sinh Tịnh độ.
Phật xưa vốn thệ:
“Nếu có chúng sanh,
Muốn sinh nước Ta,
Hết lòng tin ưa,
Xưng gọi tên Ta,
Cho đến mười niệm,
Nếu ai chẳng sinh,
Chẳng thành Chánh giác. »
Nhờ niệm Phật này,
Được vào trong biển,
Thệ lớn Như lai.
Nhờ từ lựcPhật,
Các tội tiêu diệt,
Căn lành thêm lớn.
Nếu khi sắp chết,
Tự biết thời đến,
Thân không bệnh khổ,
Lòng không tham luyến,
Ý không điên đảo,
Như vào Thiền định.
Phật cùng chúng Thánh,
Tay nâng đài vàng,
Đến nghinh tiếp con,
Liền trong một niệm,
Sinh nước Cực lạc.
Hoa nở thấy Phật,
Chóng nghe Phật thừa,
Tuệ Phật liền mở,
Rộng độ chúng sanh,
Trọn nguyện Bồ-đề.
Tán lễ:
Tán lễ Tây Phương,
Cực lạc mát lành,
Hương hoa chín phẩm Liên Trì.
Cây báu thành hàng,
Thường nghe nhạc trời du dương.
Phật A-di-đà phóng từ quang lớn,
Hóa dẫn chúng sanh vô lượng,
Ban cát tường.
Hiện tiền chúng con xưng dương,
Nguyện sinh An dưỡng.
Hiện tiền chúng con xưng dương,
Cùng sinh An dưỡng.
Kệ cảnh tỉnh mọi người của Bồ-tát Phổ Hiền
Ngày nay đã qua đi,
Mạng sống cũng giảm dần;
Như loài cá ít nước,
Nào có sướng vui gì?
Đại chúng cần tinh tấn,
Như cứu lửa trên đầu ;
Chỉ nghĩ đến vô thường,
Cẩn thận chớ buông lung.
Kệ hồi hướng :
Công đức tụng kinh hạnh thù thắng,
Vô biên phước thắng đều hồi hướng ;
Nguyện cho chúng sanh trong pháp giới,
Mau về cõi Phật sáng không lường.
Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não,
Nguyện chân trí tuệ thường sáng tỏ;
Nguyện bao tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời luôn hành đạo bồ-tát.
Nguyện sanh về tịnh độ phương tây,
Chín phẩm hoa sen là cha mẹ;
Hoa nở thấy Phật biết vô sanh,
Bồ-tát chẳng lùi là bạn hữu.
Quy y ba ngôi báu
Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sinh,
Thể theo đại đạo, phát lòng vô thượng.
Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sinh,
Thấu rõ Kinh tạng, trí huệ như biển.
Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sinh,
Thống lý đại chúng, hết thảy không ngại.
Nguyện đem công đức này,
Hướng về khắp tất cả;
Đệ tử và chúng sanh,
Đều trọn thành Phật đạo . /.
Phần phụ dành riêng cho
NGHI THỨC TRÌ CHÚ ĐẠI BI.
(Đứng ngay ngắn chấp tay trước Phật Thiên thủ thiên nhãn ‘tượng đồng, gỗ, hay giấy cũng được’ xướng lên và nhất tâm chí thành lắng nghe theo âm thanh hành giả đang xướng tụng hoặc đang trì chú để đi vào đại định làm cho ba nghiệp thân-khẩu-ý được thanh tịnh cả thời hành trì):
Thấy Phật tướng tốt,
Nên nguyện chúng sanh;
Thành tựu thân Phật,
Chứng Pháp không tướng.
Án Mâu-ni tam Mâu-ni tát phạ ha. (3 lần)
Tiếp lấy ba cây hương vừa đốt, (vừa đọc bài phần hương) :
Nguyện mây hương thơm này,
Biến khắp mười phương cõi;
Năm uẩn đều thanh tịnh,
Ba nghiệp tận tiêu trừ.
Án phóng ba tra tá ha (3 lần)
Lạy 1 lạy, quỳ xuống cầm ba cây hương đưa lên trán thầm đọc :
– Tịnh pháp giới chơn ngôn : Án lam sá ha (7 lần)
– Tịnh tam nghiệp chơn ngôn : Án ta phạ bà phạ thuật đà, ta phạ đạt ma, ta phạ bà phạ thuật độ hám (3 lần)
– Án thổ địa chơn ngôn: Nam mô tam mãn đa một đà nẫm, án độ rô độ rô địa rị ta bà ha (3 lần)
– Phổ cúng dường chơn ngôn : Án nga nga nẵng tam bà phạ phiệt nhựt ra hồng (3 l)
Tiếp xướng lên :
Hương vân giăng bủa tánh đức tỏ tường,
Bồ đề tâm rộng chẳng suy lường;
Tuỳ chỗ phóng hào quang, lành tốt phi thường,
Dâng cúng Pháp Trung Vương[37].
Nam mô hương cúng dường bồ tát ma ha tát (3 lần)
(Đứng dậy cắm hương lên lư hương)
Đứng trước Phật tượng xướng :
Kính lạy đời quá khứ,
Chánh pháp minh Như Lai;
Chính là đời hiện tại,
Quán Thế Âm bồ tát.
Bậc thành công đức tụ,
Đủ lòng đại từ bi;
Nơi trong một thân tâm,
Hiện ra ngàn tay mắt.
Soi thấy khắp pháp giới,
Hộ trì các chúng sanh;
Khiến phát lòng đạo sâu,
Dạy trì chú viên mãn.
Cho xa lìa đường ác,
Được sanh trước Như Lai;
Những tội nặng vô gián,
Cùng bệnh ác lâm thân.
Khó nỗi cứu vớt được,
Cũng đều khiến tiêu trừ;
Các tam-muội biện tài,
Sự mong cầu hiện tại.
Đều cho được thành tựu,
Quyết định chẳng nghi sai;
Khiến mau được ba thừa,
Và sớm lên quả Phật.
Sức oai thần công đức,
Khen ngợi chẳng thể cúng;
Cho nên con một lòng,
Quy mạng và kính lễ :
+ Nhất tâm kính lễ Ta bà giáo chủ Bổn sư Thích Ca Mậu-ni Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Tây phương Cực lạc thế giới Đại từ đại bi tiêp dẫn đạo sư A-di-đà Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ quá khứ vô lượng kiếp Thiên Quang vương Tịnh trụ Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ quá khứ cửu thập cửu ức căn già sa chư Phật Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ quá khứ vô lượng kiếp chánh pháp Minh Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ thập phương tam thế nhất thế chư Phật Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ hiền kiếp thiên Phật tam thế nhất thế chư Phật Thế Tôn (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Quảng đại viên mãn vô ngại đại bi tâm đà ra-ni thần diệu chương cú (xướng ba lần, mỗi lần 1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Quán Âm sở thuyết chư đà-ra-ni cập thập phương tam thế nhất thế tôn Pháp (xướng ba lần, mỗi lần 1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Thiên thủ Thiên nhãn đại từ đại bi Quán Thế Âm tự tại Bồ-tát ma-ha tát (xướng ba lần, mỗi lần 1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Đại hùng đại lực Đắc Đại Thế Chí Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Tổng trì vương Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Nhật quang biến chiếu Bồ-tát, Nguyệt Quang biến chiếu Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Bảo vương Bồ-tát, Dược vương bồ-tát, Dược Thượng bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Hoa Nghiêm vương Bồ-tát, Đại Trang Nghiêm vương Bồ-tát, Bảo Tạng Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Đức Tạng Bồ-tát, Kim Cang tạng Bồ-tát, Hư Không tạng Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Di-lặc Bồ-tát, Phổ Hiền Bồ-tát, Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Tam Châu Cảm Ứng Hộ Pháp Vỹ Đà tôn Thiên bồ-tát ma-ha-tát, Thập phương tam thế nhất thế Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Ma-ha Ca-diếp Tôn giả, Vô lượng vô số đại Thinh Văn Tăng, Linh Sơn Hội thượng vô lượng Thánh Hiền (1 lạy)
+ Nhất tâm kính lễ Xiển Thiên Thai Giáo Quán tứ minh Tôn giả Pháp Trí đại sư, Tây Thiên Đông độ Việt Nam truyền giáo, truyền giới, khai sơn, lịch đại Tổ sư Hoà Thượng. (1 lạy)
+ Đại vị Thiện tra Phạm ma, Cù Bà già Thiên Tử, hộ thế Tứ vương Thiên Long Bát bộ, Đồng mục Thiên nữ, Hư không thần, Giang hải thần, Tuyền nguyên thần, Hà chiểu thần, Dược Thảo Thọ lâm thần, Xá trạch thần, Thuỷ thần, Hoả thần, Phong thần, Địa thần, Sơn thần, Cung điện thần, tịnh thủ hộ trì nhất thiết thiên long quỷ thần cập các quyến thuộc ân kính lễ thập phương thường trụ Tam Bảo (1 lạy)
Ngồi xuống, kết già phu toạ thẳng lưng chấp tay xướng hoặc tụng :
Kính lạy chủ đại bi Quan Âm,
Nguyện lực rộng sâu thân tướng tốt;
Nghìn tay trang nghiêm khắp hộ trì,
Nghìn mắt rõ ràngđềuchiếu soi.
Trong lời chân thật tuyên lời mật,
Trong tâm vô vi khởi lòng từ;
Các mong cầu nhanh chóng đủ đầy,
Khiến diệt trừ hết các tội nghiệp
Thánh chúng trời rồng cùng thương giúp
Trăm nghìn tam-muội tu tập nhanh
Canh giữ thân là tràng ánh sáng
Canh giữ tâm là kho thần thông
Tẩy sạch trần lao nguyện qua biển
Vượt cửa phương tiện chứng bồ-đề
Nay con khen ngợi nguyện quy y
Ước nguyện từ tâm ắt viên mãn
Nguyện con biết nhanh tất cả pháp
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyên con sớm được mắt trí tuệ
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con vượt nhanh tất cả chúng
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con sớm được phương tiện khéo
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con lên nhanh thuyền Bát-nhã
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con sớm vượt được biển khổ
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con sớm được giới định đạo
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con sớm lên núi Niết-bàn
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con sớm gặp nhà vô vi
Nam mô Đại Bi Quan Thế Âm
Nguyện con sớm cùng thân pháp tánh
Nếu con hướng núi đao
Núi đao tự phá hủy
Nếu con hướng than lữa
Than lửa tự khô hết
Nếu con hướng địa ngục
Địa ngục tự tiêu diệt
Nếu con hướng ngạ quỷ
Ngạ qủy tự đầy đủ
Nếu con hướng tu la
Tâm ác tựhồi phục
Nếu con hướng súc sanh
Tự được trí tuệ lớn.
Nam mô Đại bi Quán Thế Âm (3 lần)
Tiếp tục xướng lên hoặc tụng:
Kính lễ thầy ba cõi,
Quy mạng Phật mười phương;
Nay con phát nguyện lớn,
Trì tụng chú Đại Bi.(hay chú khác)
Trên báo bốnân nặng,
Dưới cứu khổ ba đường;
(Hay cầu an cầu siêu gì của minh có thể thêm vào)
Nếu có người nghe thấy,
Tất phát tâm bồ-đề.
Hết một báo thân này,
Cùng sanh nước cực lạc.
Nam mô Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)
Khai chú kệ:
Pháp Phật sâu xa rất nhiệm màu,
Trăm nghìn ức kiếp khó gặp được;
Con nay thấy nghe được thụ trì,
Nguyện hiểu nghĩa mật của Như Lai.
Bắt đầu trì chú Đại Bi
Tay phải bắt ấn Cam lồ, tay trái cầm chuỗi để tính (chuỗi 21 hạt)
(Trì từ 3 biến, 5 biến, 7 biến hoặc 21 biến hay nhiều hơn tuỳ hành giả. Trong lúc trì chú phải lắng nghe theo âm thanh hành giả đang trì khiến cho ba nghiệp ‘thân-khẩu-ý’ trở nên tương ưng thanh tịnh. Đây là một phương pháp khiến cho hành giả dễ vào Thiền-định đạt được kết quả nhanh chóng trong tu tập)
Chú Đại bi
Nam-mô Đại-bi Hội-thượng Phật Bồ-tát. (3 lần)
Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại-bi tâm đà-la-ni. Nam-mô hắc ra đát na đa ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết đế, thước bát ra da, bồ-đề tát đỏa bà da, ma ha tát đỏa bà da, ma ha ca lô ni ca da. Án, tát bàn ra phạt duệ, số đát na đát tỏa.Nam-mô tất kiết lật đỏa, y mông a rị da, bà kiết đế, thất Phật ra lăng đà bà.Nam-mô na ra cẩn trì hê rị, ma ha bàn đa sa mế, tát bà a tha đậu thâu bằng, a thệ dựng, tát bà tát đa, na ma bà già, ma phạt đạt đậu, đát điệt tha. Án, a bà lô hê, lô ca đế, ca ra đế, di hê rị, ma ha bồ-đề tát đỏa, tát bà tát bà, ma ra ma ra, ma hê ma hê, rị đà dựng, cu lô cu lô kiết mông, độ lô độ lô, phạt xà da đế, ma ha phạt xà da đế, đà ra đà ra, địa rị ni, thất Phật ra da, dá ra dá ra. Mạ mạ phạt ma ra, mục đế lệ, y hê di hê, thất na thất na, a ra sâm Phật ra xá-lợi, phạt sa phạt sâm, Phật ra xá da, hô lô hô lô ma ra, hô lô hô lô hê rị, ta ra ta ra, tất rị tất rị, tô rô tô rô, bồ-đề dạ bồ-đề dạ, bồ-đà dạ bồ-đà dạ, di đế rị dạ, na ra cẩn trì địa rị sắc ni na, ba dạ ma na ta bà ha. Tất đà dạ, ta bà ha. Ma ha tất đà dạ, ta bà ha. Tất đà du nghệ thất bàn ra dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì, ta bà ha. Ma ra na ra ta bà ha. Tất ra tăng a mục khê da, ta bà ha. Ta bà ma ha, a tất đà dạ, ta bà ha. Giả kiết ra a tất đà dạ, ta bà ha. Ba đà ma yết tất đà dạ, ta bà ha. Na ra cẩn trì bàng đà ra dạ, ta bà ha. Ma bà lị thắng yết ra dạ, ta bà ha. Nam-mô hắt ra đát na, đa ra dạ da. Nam-mô a rị da, bà lô yết đế, thước bàng ra dạ, ta bà ha. Án tất điện đô, mạn đa ra, bạt đà dạ, ta bà ha. (3 lần)
Kinh tâm Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa
Bồ-tát Quán tự tại, khi thực hành bát nhã ba-la-mật-đa sâu, soi thấy năm uẩn đều không, vượt qua mọi khốn khổ.
Xá-lợi Tử! Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc, thụ, tưởng, hành, thức, cũng lại như vậy.
Xá-lợi Tử! các pháp tướng không này, không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch, không thêm, không bớt. Cho nên trong không, không sắc, không thụ, tưởng, hành, thức; không nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý; không sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Không nhãn giới, cho đến không ý thức giới, không vô minh, cũng không hết vô minh, cho đến không lão tử, cũng không hết lão tử, không khổ tập diệt đạo, không trí, cũng không đắc. Vì không gì đắc để đắc, nên Bồ-tát y vào Bát-nhã ba-la-mật-đa, tâm không chướng ngại, vì không bị chướng ngại, nên không sợ hãi, xa lìa mộng tưởng điên đảo, cứu cánh niết-bàn. Chư Phật ba đời, vì y vào Bát-nhã Ba-la-mật-đa, nên được vô thượng chánh đẳng chánh giác. Cho nên biết Bát-nhã Ba-la-mật-đa, là thần chú lớn, là chú vô thượng, là chú không cấp cùng bậc, hay trừ tất cả khổ, chân thật không dối. Cho nên nói chú Bát-nhã Ba-la-mật-đa, liền nói chú rằng:
Yết-đế yết-đế, ba-la yết-đế, ba-la tăng yết-đế, Bồ-đề tát-bà-ha (3 lần)
Thần Chú Vãng Sanh Tịnh Độ:
Nam-mô a di đa bà dạ, đa tha dà đa dạ, đa địa dạ tha, A di rị đô bà tỳ, A di rị đa tất đam bà tỳ, A di rị đa tì ca lan đế, A di rị đa tì ca lan đa, Dà di nị dà dà na, Chỉ đa ca lệ ta bà ha. (3 lần)
Kệ Cát Tường:
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời thường an lành;
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Thế tôn thường gia hộ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời thường an lành;
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Tam bảo thường gia hộ.
Nguyện ngày an lành, đêm an lành,
Đêm ngày sáu thời thường an lành;
Tất cả các thời đều an lành,
Xin nguyện Hộ pháp thường gia hộ.
Bốn loài sinh lên đất báu tịnh,
Ba cõi hóa sinh ao sen đẹp;
Hà sa ngạ quỷ thành ba hiền,
Vạn loại hữu tình lên mười địa.
Tán Phật:
Thân Phật A-di-đà màu vàng,
Ánh sáng tướng tốt không ai bằng;
Lông trắng chuyển xoay như năm núi[38],
Mắt biếc lắng trong như bốn biển.
Trong sáng hóa vô số ức Phật,
Hóa chúng bồ-tát cũng vô biên;
Bốn mươi tám nguyện độ chúng sanh,
Hữu tình lên chín phẩm bờ kia.
Kính lễ Phật A-di-đà, đại từ đại bi, thế giới cực lạc phương Tây.
Kính lễ Phật A-di-đà, đại từ đại bi, thế giới cực lạc phương Tây. (108 lần)
Kính lễ Bồ-tát Quán Thế Âm đại bi. (3 lần)
Kính lễ Bồ-tát Đại Thế Chí (3 lần)
Kính lễ Bồ-tát Địa Tạng Vương (3 lần)
Kính lễ Bồ-tát Thanh Tịnh Đại Hải Chúng. (3 lần)
Xướng lễ:
Phật chúng sanh[39] tánh thường vắng lặng,
Đạo cảm thông không thể nghĩ bàn,
Lưới đế châu[40] con ví đạo tràng
Mười phương chư Phật ảnh hiện trong,
Thân con ảnh hiện trước Phật tiền,
Nguyện cúi đầu kính lễ sát chân.
Nhất tâm kính lễ Tây phương cực lạc thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A-di-đà Phật (1 lạy)
Nhất tâm kính lễ Đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
Nhất tâm kính lễ Đại hung Đại lực Đắc Đại Thế Chí Bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
Nhất tâm kính lễ Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ-tát Ma-ha-tát (1 lạy)
Nhất tâm kính lễ Thanh tịnh đại hải chúng bồ-tát ma-ha-tát (1 lạy)
Sám Thập phương:
Ba đời mười phương Phật,
A Di Đà bậc nhất;
Chín phẩm độ chúng sanh,
Oai đức không cùng cực.
Nay con trọn quay về,
Sám hối nghiệp ba tội;
Phàm có chút phước thiện,
Hết lòng đem hồi hướng.
Nguyện cùng người niệm Phật,
Cảm ứng tùy thời hiện;
Lâm chung cảnh tây phương,
Hiện rõ ngay trước mắt.
Thấy nghe đều tinh tấn,
Cùng sanh nước Cực lạc;
Thấy Phật rõ sống chết,
Giống Phật độ tất cả.
Dứt vô biên phiền não,
Tu vô lượng pháp môn;
Xin thề độ chúng sanh,
Trọnthành Phật đạo cả.
Hư không dù có tận,
Nguyện con thìvô cùng;
Tình cùngvới vô tình,
Đồng trọn thành trí Phật.
Kệ hồi hướng :
Công đức tụng kinh hạnh thù thắng,
Thắng phước vô biên đều hồi hướng ;
Nguyện cho chúng sanh trong pháp giới,
Mau về cõi Phật sáng không lường.
Nguyện tiêu ba chướng trừ phiền não,
Nguyện chân trí tuệ thường sáng tỏ;
Nguyện bao tội chướng thảy tiêu trừ,
Đời đời thường hành đạo bồ-tát.
Nguyện sanh về tịnh độ phương tây,
Chín phẩm hoa sen là cha mẹ;
Hoa nở thấy Phật biết vô sanh,
Bồ-tát chẳng lùi là bạn hữu.
Chí tâm sám hối:
Đệ tử chúng con họ … tên … pháp danh …..
Hiện tiền một tâm, vẫn đủ ngàn pháp, đều có sức thần, cùng với trí sáng. Trên sánh chư Phật, dưới sánh muôn loài. Bỡi niệm vô minh che ánh sáng kia. Nên đối cảnh hôn mê, khởi lòng chấp nhiễm; nơi pháp bình đẳng, sinh tưởng ngã nhân. Lại do ái kiến làm gốc, thân miệng làm duyên. Trong nẻo luân hồi, gây nên đủ tội; thập ác ngũ nghịch, báng pháp báng người; phá giới phạm trai, huỷ hoại chùa tháp, trộm của Tăng kỳ, đồ vật thức ăn; dù ngàn Phật ra đời, khó bề sám hối. Những tội như thế, không lường không ngằn; khi bỏ báo thân sẽ đoạ tam đồ chịu vô lượng khổ.
Lại trong đời này, do túc duyên hiện nghiệp, hoặc bị lửa phiền não thiêu đốt, tật bệnh vây quanh, duyên ngoài bức bách, ma nghiệp quấy nhiễu, chướng ngăn đạo pháp, khó nỗi tiến tu; may gặp thần chú viên mãn Đại Bi, có thể mau trừ những tội như thế; cho nên con hết lòng trì tụng. Nguyện nương về Quan Thế Âm Bồ-tát, cùng mười phương chư Phật, phát lòng Bồ-đề tu hạnh chơn ngôn, cùng với chúng sanh, tỏ bày các tội, cầu xin sám hối, nguyện đều tiêu trừ. Nguyện đấng Đại Bị Quan Thế Âm, ngàn tay nâng đỡ, ngàn mắt chiếu soi, khiến cho chúng con duyên chướng trong ngoài thảy điều dứt sạch, mình người hạnh nguyện mở tánh bản tri, dẹp trừ ma ngoại, ba nghiệp siêng cầu tu nhân Tịnh độ.
Nguyện cho chúng con khi bỏ thân này, không vào đường khác. Quyết được sanh về thế giới Cực lạc của Phật A-di-đà, rồi được thừa sự đại bi Quan Thế Âm, đủ các tổng trì, rộng độ quần phẩm, đồng thoát khổ luân, đồng thành Phật đạo.
Nam mô chứng minh sư Bồ-tát ma-ha-tát (3 lần).
Chúng sanh vô biên thề nguyện độ,
phiền não vô tận thề nguyện đoạn,
pháp môn vô lượng thề nguyện học,
Phật đạo vô thượng thề nguyện thành.
– Tự quy y Phật …. (1 lạy)
– Tự quy y Pháp … (1 lạy)
– Tự quy y Tăng …. (1 lạy)
Nguyện đem công đức này
hướng về khắp tất cả
đệ tử và chúng sanh
đều trọn thành Phật đạo.
(Hoà nam Thánh chúng.)
Phần đọc thêm
Ở đây chúng tôi nêu lên chủ đề trên, có lẽ ai cũng có thể hiểu Thiền Định dành chung cho mọi người từ lớn cho đến nhỏ, từ già cho đến trẻ, từ xuất gia cho đến tại gia, từ nội giáo cho đến ngoại giáo, đều có thể thực hành được, điều đó là một cách hiểu đúng chính xác không sai. Nhưng ở đây, chủ đề trên được đề cập nhiều hơn dành cho giới Tịnh Độ tông, và Mật tông, vì chúng đang bị những chướng duyên trong nội giáo làm chao đảo tín tâm của họ, mà thủ phạm không ai khác hơn là giới tự nhận cho mình là Thiền tông đã mang lại cho họ (Ở đây chúng tôi không có tâm đố kỵ hay hủy báng chê bai gì về Thiền tông, mà chúng tôi nêu lên những sự sai lầm của cá nhân những người tự nhận mình là người thực hành Thiền tông, không theo đúng cốt tủy của Thiền tông mà tự mình sáng lập ra phương pháp tu rồi tự cho đó là Thiền tông Việt nam vào cuối thế kỷ 20, và cũng từ đó ra sức chống báng chê bai Tịnh độ tông và Mật tông, chứ chúng tôi không phải hủy báng hay chê bai gì về Thiền tông cả; vì chính bản thân người viết bài này là người đang thực hành Thiền tông, và chúng tôi nói lên lập trường của Thiền tông là giải thoát, bình đẳng, chứ không phải lập trường tranh hơn thua, đúng sai, phải trái, thị phi để rồi hủy báng nhau, bôi mặt đá nhau; mà ở đây chúng tôi đứng trên lập trường tồi tà phụ chánh).
Đúng như lời đức Phật đã từng tuyên thuyết trong Kinh Lăng nghiêm và nhiều kinh khác rằng: thời kỳ mạt pháp là thời kỳ Ma có thể đội lớp Phật tuyên thuyết lời Phật dạy. Chúng có thể ở dưới bất cứ hình thức nào miễm làm cho người con Phật tin rằng họ là Phật, thì Ma cũng có thể làm được hết, họ luôn luôn nói lời Phật nhưng việc làm của họ là việc làm của Ma.’ Không Ma sao được, khi mà họ muốn xiển dương Thiền tông của họ thì họ lại đi hủy báng đạp đổ Tịnh độ tông, Mật tông để tranh thắng, dành người về phần họ ( xin đọc quyển “BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI,” H.T. T. Thanh Từ viết, do nhà xuất bản Hà nội x.b.1998); trong khi đó họ lại đi xiển dương cái gọi là Thiền tông do tự họ chế ra cọng với sự cóp nhặt, vá víu lại một cách mâu thuẫn, rồi dựng lên cái gọi là Thiền tông Việt nam vào cuối thế kỷ hai mươi. Ngay trong pháp tu mà họ đưa ra có sự sai lầm, mà chính người đưa ra pháp tu cũng không biết là sai lầm thì thử hỏi họ có kinh nghiệm gì về kết quả tu của chính họ hay không, chứ đừng nói chi đến việc dạy người khác tu để đưa đến chứng ngộ hay giải thoát!? Pháp tu “TRI VỌNG KHÔNG THEO hay BIẾT VỌNG KHÔNG THEO” tự nó bẻ gãy chính nó, tự nó đạp đổ chính nó, tự nó vô hiệu hóa chính nó. Vì sao chúng tôi gọi pháp tu này là sai lầm, là tà kiến rơi vào đoạn diệt, tự nó bẻ gãy chính nó, tự nó đạp đổ chính nó, tự nó vô hiệu hóa chính nó? Vì Biết vọng không theo, có nghĩa là khi chúng ta biết rõ bộ mặt thật của các pháp là hư vọng, là vọng tưởng điên đảo, thì chúng ta sẽ không theo nó nữa, vậy có nghĩa là chúng ta đoạn tuyệt chúng, không theo các pháp hư vọng nữa chứ gì? Nhưng ở đây có một điều nghịch lý mâu thuẩn mà người chế ra pháp tu này không thấy, đó là “pháp tu BIẾT VỌNG KHÔNG THEO, nó là pháp vọng hay nó là pháp chân? Nếu bảo nó là pháp VỌNG thì pháp tu BIẾT VỌNG THÔNG THEO cũng là vọng, mà đã là VỌNG thì không theo. Vậy thì người chế ra pháp tu này lấy cái gì để TU? Vì ngay pháp tu BIẾT VỌNG KHÔNG THEO cũng là pháp vọng, vì chúng không ở ngoài vọng, do đó chúng ta không theo nó; như vậy, pháp tu này đã bị chúng ta loại bỏ nó như muôn nghìn pháp vọng khác rồi!? Còn trường hợp nếu chúng ta BIẾT CHÂN thì có theo hay không theo?! Giải quyết nó như thế nào? Trong khi đó đức Phật dạy PHIỀN NÃO TỨC BỒ ĐỀ, SANH TỬ TỨC NIẾT BÀN, (Đại thừa Trang Nghiêm kinh luận, q. 6 phẩm Tùy tự, hay Đại Trí độ luận, q. 6 v.v…) hay SẮC TỨC THI KHÔNG, KHÔNG TỨC THI SẮC (trong hệ thống Kinh Bát Nhã) ; và cũng tư tưởng này kinh Lankavatàra (Nhập Lăng Già) nói về sự liên hệ giữa Sanh Tử và Niết-bàn, hay Phiền não và Bồ-đề giống như sự liên hệ của Sóng và Nước. Ở đây nếu chúng ta bỏ sóng để có nước, thì nước này làm gì có được, cũng vậy nếu muốn có Bồ-đề mà bỏ Phiền não, thì làm sao có Bồ-đề được?! Vì sự hiện hữu của chúng sanh trong cõi đời này là kết quả của hiện thân duyên nghiệp mê lầm do vọng tưởng điên đảo chấp trước tạo ra, nên trong lúc chúng ta tu cũng là phải dùng Vọng để chuyển Vọng, cũng giống như dùng gai nhổ gai, dùng độc trị độc. Vậy nếu VỌNG TƯỞNG PHIỀN NÃO bị loại bỏ không theo nó nữa, thì lấy chi để chúng ta đạt Bồ-đề? Nó chính là chiếc Thuyền, đưa chúng sanh qua bên bờ Giác ngộ (như kinh Xà Dụ Trung bộ I, và Kinh Kim Cương đã dạy), nó là ngón tay chỉ mặt trăng, để nhờ ngón tay hành giả thấy được mặt trăng. Thế mà nay chúng ta không cần nó, không theo nó, không nhờ nó để vượt đến bờ Giác ngộ, thì thử hỏi chúng ta đi bằng cách nào đây!? Nếu không dùng độc để trị độc, không dùng gai để nhổ gai, không vào hang hùm thì làm sao hàng phục được hùm?! Tu là sửa vọng, nhưng ở đây lại không theo vọng tức là bỏ vọng? Vậy ở đây chúng ta lấy cái chi để chúng ta sửa nó thành chân, trong lúc vọng đã bị loại, bị vất bỏ, bằng cách không theo; ngay đến pháp Biết vọng không theo, chúng ta cũng không dùng pháp này để tu nữa, vì chính bản thân của pháp tu này cũng là vọng?! Hơn nữa cái biết vọng này, ngay chính chúng cũng là cái biết của vọng; vì cái biết này là cái biết phân biệt chấp trước, nó thuộc dạng đã được lựa chọn hoặc THEO, hay KHÔNG THEO, chứ nó không phải cái biết không phân biệt chấp trước của Ngài Khuê Phong-Tông Mật: BIẾT VỌNG LÀ TU, hay như cái Biết chứng ngộ của nhị Tổ là cái THƯỜNG BIẾT RÕ RÀNG, NÓI KHÔNG THỂ ĐẾN, hay cái biết Giác ngộ như trong “GIÁC MÊ, MÊ DIỆT” của Phật, do đó cái vọng mà chúng ta biết đó không thể diệt được. Nếu như cái BIẾT VỌNG đã được phân biệt của H.T. là KHÔNG THEO mà diệt được vọng, hay làm cho vọng lắng xuống khiến tâm trở nên thanh tịnh như H.T. nói, thì thế gian này ai cũng có thể thành Phật một cách dễ dàng, không cần tu chi hết, chỉ cần TRI VỌNG KHÔNG THEO là thành Phật, là giác ngộ rồi, và chính H.T. cũng là Phật rồi cần chi phải khổ sở tìm cách này hay cách khác hủy báng chê bai Tịnh độ tông và Mật tông? Khi mà cái vọng này không chuyển được thì chúng ta sẽ phải tri vọng từ kiếp này sang kiếp khác, rốt cuộc rồi đâu cũng vào đó, không những thế mà khi chúng ta khởi tâm vọng phân biệt để biết tâm khởi đó là vọng hay là chân (của vọng) để theo với không theo, thì càng biết vọng nhiều chừng nào thì càng huân tập vọng nhiều chừng đó, vì theo đức Phật hễ khởi tâm phân biệt chấp trước đúng sai, phải quấy, tốt xấu, thì chính chúng ta tự tạo ra cho mình những sợi dây phiền não, tự trói mình. Như vậy rốt cuộc là chúng tự tạo nghiệp vọng vô minh thêm, chứ đâu phải tu để chuyển vô minh thành giác ngộ!? Khi tiền đề của nó chính bị nó phá, thì thử hỏi những mệnh đề lệ thuộc đi theo sau nó có còn đứng vững hay không? Đó là điều mà chúng tôi gọi pháp tu này là ĐOẠN DIỆT TÀ KIẾN là như vậy. Những điều này chúng tôi cũng có đề cập sơ qua trong hai quyển : “ĐƯỜNG VỀ HỐ THẲM” và “BUÔNG TAY HỐ THẲM” nhưng ở đó chúng tôi đề cập chúng theo cách điệu của Thiền tông, nên khó có người khám phá ra chỗ tận cùng của ý, muốn nói của chúng tôi. (Ở đây chúng tôi xin mở ngoặc một tí, ngay đến việc sau khi chúng tôi phê bình về pháp tu “BIẾT VỌNG KHÔNG THEO” của H.T. là ĐOẠN DIỆT TÀ KIẾN, thì có đệ tử của Ngài đến cật vấn chúng tôi là: Tại sao Thầy bảo pháp Tu của H.T. là Đoạn diệt tà kiến? Khi đó chúng tôi mới hỏi ngược trở lại người đến hỏi chúng tôi là: Vậy đạo hữu nghĩ pháp tu của H.T là VỌNG hay là CHÂN? Ông ta ngập ngừng một lúc rồi trả lời: Là Vọng! Chúng tôi hỏi tiếp: Nếu là Vọng thì lấy cái gì để cho H.T. và đạo hữu tu? Ông ta không trả lời được. Sau đó chúng tôi nói tiếp: Hãy cẩn thận! Đừng để mình đánh lừa mình, và người khác đánh lừa mình. Sau khi đưa Ông ra khỏi cửa chúng tôi có nhắn gởi lại với H.T. rằng: “GIÁC MÊ, MÊ CHUYỂN” đây là một sự thật chứ không phải “TRI VỌNG KHÔNG THEO” đâu! Nếu H.T. muốn pháp tu của mình đưa ra mà không sai lầm đoạn diệt thì nên sửa lại là: “TRI VỌNG, KHÔNG CHẤP.” Thì khả dĩ chấp nhận được, và sẽ không có sự sai lầm, vì chúng có khả năng để cho hành giả tiếp tục tu cho đến khi giải thoát được tất cả mọi thứ vọng. Ở đây không chấp khác với không theo, vì không theo là đoạn tuyệt không sống với vọng, trong khi không chấp, không có nghĩa là đoạn tuyệt với vọng, mà vẫn sống với vọng nhưng không chấp vào nó, nên không bị lệ thuộc vào nó, và không bị nó trói buộc. Có thế mới tránh được hai lỗi THEO và KHÔNG THEO của chấp thường và chấp đoạn. Như vậy pháp tu này chỉ sai lầm trong hai chữ KHÔNG THEO, chứ hai chữ TRI VỌNG thì hoàn toàn không có gì gọi là sai lầm cả. Trên là cách điệu hỏi đáp của Thiền tông, nếu ai cùng căn cơ thì nhận ra ngay yếu chỉ, còn không thì thật là khó vào.) Vì vậy cho nên chúng tôi mới có những lời dong dài này đối với mọi người, mà không ngoài mục đích là Tồi tà phụ chánh.
Cũng trong chiến dịch này, hiện nay, ở trong nước chúng ta cũng đã xuất hiện thêm một bóng Ma nữa đó là Thầy Chơn Quang, không hiểu chúng có liên hệ gì đến bóng Ma trước hay không, nhưng chúng cũng ra sức nổ lực hủy báng Tịnh độ tông, Mật tông và luôn cả Đại thừa một cách “mục hạ vô nhân,” thiếu hiểu biết, thuộc dạng điếc không sợ súng, hay ếch ngồi đáy giếng nhìn trời bằng vung. Họ đã và đang ra sức đánh phá Phật giáo, gây chia rẽ nhau bằng cách gây mâu thuẫn giữa nội bộ Phật giáo qua việc chống phá Tịnh độ tông, Mật tông, giữa Đại thừa và Tiểu thừa. Sở dĩ chúng tôi gọi họ là Ma vì, nếu họ là Phật thì không bao giờ họ lại đi hủy báng bậc đạo sư mà họ đang tôn thờ bao giờ, dù là hủy báng dưới hình thức nào đi nữa cũng là hủy báng. Thật ra họ đâu có hủy báng Phật bao giờ, nhưng có một điều mà họ không nhận ra được là họ đi hủy báng các tông phái khác của đức Phật cũng chính là hủy báng đức Phật, cũng là hủy báng chính mình mà họ không biết, hay họ có biết nhưng đó là nhiệm vụ của họ!? Chúng ta có quyền phê bình chỉ trích một cá nhân nào đó đã sai lầm trong việc xiển dương Phật pháp, chứ chúng ta không có quyền hủy báng một phương pháp nào đó của đức Phật dành cho căn cơ khác với căn cơ của mình. Nếu mình làm như vậy là vô tình mình hủy báng chính đức Phật, vì tất cả mọi pháp môn do Phật nói ra đều tùy theo căn cơ của chúng sanh mà Phật cho thuốc (pháp), với mục đích là làm lành con bệnh đó; và khi bệnh đã lành rồi thì lúc đó chính là lúc con bệnh được giải thoát (thân bệnh thì giải thoát đau khổ về vật chất cơ thể mà tâm họ không chịu nổi, Tâm bệnh thì giải thoát mọi khổ đau về phiền não vô minh). Vậy mục đích cuối cùng của các pháp môn đức Phật dạy là GIẢI THOÁT KHỔ ĐAU cho chúng sanh dưới mọi hình thức. Vì là vô lượng pháp môn để đối trị với vô lượng căn cơ bệnh, nên phải tùy thuộc vào căn bệnh mà cho thuốc chữa trị chứ không thể lấy thuốc trị bệnh này đem chữa cho bệnh nọ được, không thể lấy pháp dành cho người tu thiền ép buộc người tu Tịnh độ tu được v.v…
Nếu là một vị Thiền sư, một vị Pháp sư thì trước hết phải hoàn thiện nắm vững được những sở học của mình về Phật lý tổng quát cùng thâm nhập sâu vào pháp tu chuyên môn của mình, bằng cách thực hành để đưa đến việc tri hành hợp nhất rồi sau đó mới đi hướng dẫn người. Nếu không vậy thì người đó chưa phải là một Thiền sư , chưa phải là một vị Pháp sư chính hiệu; vì họ chưa nắm vững được bệnh án của chúng sanh trong việc cho thuốc chữa trị bệnh, nên việc hướng dẫn của họ không đạt kết quả, nhiều lúc đưa người ta đến chỗ tẩu hỏa nhập ma, hay đi vào đường ma lối quỷ, đó là chuyện có thể xảy ra không thể nào tránh khỏi được. Thí dụ như người có căn cơ tu Tịnh độ mà mình bắt họ phải tu theo Thiền chẳng hạn, thì điều gì sẽ xảy ra nếu họ không tẩu hỏa nhập ma, thì có lẽ cũng khùng khùng điên điên, hay mát mát gì đó suốt cả một đời không gỡ nổi, vì chính vị thầy hướng dẫn họ đâu có kinh qua những kinh nghiệm này! Và đây cũng là những hiện tượng thường xảy ra trong giới tu Thiền lâu nay, mà những người đứng ra hướng dẫn học Thiền nào ai hay biết. Đó là một việc làm nguy hiểm, nó cũng giống như một bác sĩ khám bệnh cho thuốc vậy; nếu là bác sĩ nắm rõ được bệnh lý của từng con bệnh thì đều chắc chắn là lúc nào họ cũng bắt mạch và cho thuốc đúng căn bẹânh, và vì thế căn bệnh sẽ mau thoát khỏi, còn nếu không phải là bác sĩ mà khám bệnh kê toa cho thuốc thì điều gì sẽ xảy ra nếu không nói là chết người xảy ra, thì cũng làm cho con bệnh nặng thêm, vì chính họ không nắm rõ bệnh lý của mọi bệnh nhân, thì làm sao họ có thể cho thuốc chữa lành cho bệnh nhân được. Cốt lõi của vấn đề ở đây là: Để được gọi là một Thiền sư, một Pháp sư thật sự, thì trước hết vị đó phải thông Phật lý, và phải có trình độ tu chứng, hay ít ra cũng có kinh nghiệm về pháp tu của mình, sau đó mới nói đến việc ra dạy người, hay hướng dẫn cho người khác. Cũng vậy nếu muốn được gọi là một Bác sĩ thì trước hết vị đó phải có bằng bác sĩ, và điều quan trọng là phải thông suốt y lý bệnh án, và thông cả dược liệu đều trị, sau đó mới nói đến chuyện hành nghề bác sĩ, còn nếu không phải là bác sĩ mà đi chữa bệnh cho người thì chắc chắn người đó trước hết sẽ làm cho người ta chết, và sau đó chính mình phải ngồi tù. Điều quan trọng ở đây chính là việc: “Muốn cứu người chết đuối, thì trước hết ta phải biết bơi, biết lặn, và biết cách cứu người không biết bơi, sau đó mới nhảy xuống sông cứu người, còn nếu không biết mà nhảy xuống cứu người thì chính người cứu cũng chết luôn nói chi đến việc cứu người.” Cũng vậy, trong cách hướng dẫn người tu, trước hết chúng ta cũng phải thông đường đi nước bước của pháp môn mình hướng dẫn cho người, nghĩa là mình đã kinh qua rồi, đã thông suốt rồi, nếu không thì chính người hướng dẫn người cũng sẽ lạc vào chốn u u minh minh của đường ma lối quỷ mà thôi. Ở đây dứt khoát không có chuyện vừa tu vừa hướng dẫn người tu theo mình được. Vì sao? Vì trong lúc người hướng dẫn đang tu pháp đó mà cũng hướng dẫn người khác cùng tu theo mình thì điều gì sẽ xảy ra, nếu người được hướng dẫn gặp những trở ngại, hay thấy những điều lạ lùng trong lúc tu, mà người hướng dẫn chưa từng thấy, chưa từng kinh qua, chưa từng bị trở ngại thì làm sao có thể có kinh nghiệm để trả lời và giải quyết những quyết nghi này cho đệ tử là lành hay là dữ? Là đúng đường hay sai đường? Đó một điều hệ trọng hàng đầu trong việc tu trì, thế mà chúng tôi thấy có người dám coi nhẹ vấn đề này, đứng ra vừa tu vừa hướng dẫn người khác tu theo phương pháp đang tu của mình, và cũng dám bạo phổi viết vào trong sách phụ lục phần ĐẾN NHÀ là: “Lúc trước tôi chỉ thấy ‘khởi niệm là hai, nếu bặt niệm thì tâm thanh tịnh tròn sáng.’ Và bây giờ tôi lại thấy ‘tâm cảnh không hai, nó không còn giới hạn nơi mình mà nó ở khắp mọi nơi.’ Tôi thấy như vậy nên cách tu cũng chuyển theo. (tr. 85) T.T.V.N.C.T.K.20)” Không hiểu như vậy họ cho rằng cái thấy nào là đúng và cái thấy nào là sai đây? Theo ở đây thì cho chúng ta thấy cái thấy trước là cái thấy sai trong hiện tại, và nó chính là cái thấy đúng của trước đây ? Vậy cái đúng trong hiện tại sẽ là cái thấy gì ở trong tương lai đây? Nếu trong tương lại có một cái thấy nữa? Vậy thì hướng dẫn người theo mình cho đến lúc nào có cái Thấy tánh như thật đây? Vì cái Thấy Tánh như thật là cái thấy tánh chỉ có một, không sai biệt, trong khi người hướng dẫn thì khi thấy như thế này, khi thấy như thế nọ, thì cái thấy này cũng chỉ là cái thấy của sai biệt, cái thấy của vọng mà thôi, cái thấy này nếu ai có học giáo lý thì cũng sẽ thấy như vậy thôi, vì đó là cái thấy của kiến giải, có phải là cái thấy của chứng ngộ đâu?! Vậy thì thử hỏi người hướng dẫn, dẫn người đi đâu vậy? Đi quanh quẩn trong đường ma lối quỷ sao!? Đây chính là hiện tượng đang phổ biến hiện nay của Phật giáo đã và đang xảy ra trong giới học Thiền, trong nước cũng như ngoài nước. Sở dĩ ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh đến vấn đề này, là vì hiện tại trong nước đã và đang có chiến dịch hủy báng chê bai Tịnh độ tông, Mật tông và kinh điển Đại thừa, mà những người ra làm việc này không ai xa lạ gì với chúng ta như trên chúng tôi đã đề cập đến, chỉ vì họ không phải là những Thiền sư, những Pháp sư thật sự như những yêu cầu ở trên, nên họ đã làm những việc làm thiếu hiểu biết, thiếu sáng suốt để dẫn đến có những chấp thủ cực đoan. Trước hết cứ cho mình là nhất, sau nữa là chỉ có pháp tu của mình là hơn hết còn những pháp tu khác là thua kém, hay không phải pháp tu của Phật. Về tất cả mọi phương pháp tu, thật ra không có phương pháp nào là nhất cho mọi căn cơ cả, mà phương pháp tu đó nhất đối với căn cơ đó, và ngược lại chúng sẽ là một nguy cơ nếu là không phải căn cơ đó. Sở dĩ chúng ta thường gặp trong các kinh điển, lúc độc tụng thường thấy đức Phật bảo kinh này là nhất, đọc kinh khác đức Phật cũng nói kinh đó nhất v.v… Như vậy đức Phật dạy có mâu thuẫn, ba phải hay không? Thật ra đâu có gì mâu thuẫn và ba phải đâu, tại vì chúng ta không hiểu được thâm ý của đức Phật dạy đó thôi. Vì mục đích đức Phật nói kinh này nhất, là nhất cho căn cơ này, nói kinh kia nhất, là nhất cho căn cơ kia, nói kinh nọ nhất, là nhất cho căn cơ nọ; chỉ vì chúng ta không hiểu được thâm ý của đức Phật cho nên mới chấp vào kinh đó, hay giáo pháp mà đức Phật nói nhất đó, và y cứ vào đó lấy làm phương pháp tu cho mình, rồi cho phương pháp tu của mình là hơn các phương pháp khác. Cũng vì sự hiểu biết hạn chế này cho nên phát sanh ra không biết bao nhiêu là mâu thuẫn giữa các tông phái với nhau, và cũng từ đó vấn đề cạnh tranh thu hút môn đồ từ đó cũng sinh ra. Tông này nói cách tu mình nhất, Tông kia bảo cách tu mình nhất, và ra sức bài xích những pháp tu không phải là pháp tu của mình, lẫn nhau. Họ tự vỗ ngực bảo pháp tu của mình mới đúng là pháp tu của Phật, vì pháp tu tọa Thiền của mình là pháp tu của chính đức Phật khi ngài còn tại thế tu, và nhờ nó mà thành Chánh giác, còn các pháp tu khác thì không phải, hay có phải đi chăng nữa thì cũng đi chậm, không thể giải thoát nhanh như họ được v.v…. và kêu gọi hành giả quay về với họ; trong khi họ không biết rằng việc làm của mình là sai lầm, không biết gì về vấn đề khế cơ khế lý đối với căn cơ hành giả, họ không hiểu việc người ta không đến với mình là vì căn cơ của họ không thích hợp với pháp tu của mình. Đó là những nguyên nhân gây ra sự xóa trộn xích mích chia rẽ trong phật giáo hiện nay. Tại sao họ lại có những việc làm như vậy? Vì như trên chúng tôi đã nói, họ không thông suốt Phật lý, không hiểu những thâm ý của Phật lý khi nói ra cái nhất, cùng tiến trình tu chứng của họ cũng không, cho nên đưa đến tình trạng thiếu nhận thức hiểu biết về Phật lý căn bản trong cái tổng thể của nó, mà chỉ biết nhận thức theo kiểu hiểu biết một chiều cho nên họ chỉ biết duy nhất có một con đường đưa đến giải thoát khổ đau là Thiền tông, ngoài ra không còn gì nữa. Cho nên khi người ta không tu theo mình lại đâm ra hủy báng nói xấu pháp môn của người ta, làm như vậy có xứng danh là một người tu Phật hay không? Đừng nói chi đây lại là một người tự nhận mình là một Thiền sư! Trong Thiền tông không bao giờ có những hạng người như vậy đâu, nếu có chăng nữa thì đó cũng chỉ là một cá nhân nào đó học hành không đến nơi đến chốn, tu tập chưa đến đâu, hay họ chỉ là người đội lớp Thầy tu, mặc chiếc áo, cạo trọc đầu làm tay sai cho các thế lực vô minh chống phá Phật giáo, nên mới có những hành động như vậy. Trong khi đó thì đức Phật đưa ra vô số con đường để hướng dẫn chúng sanh thoát khổ, tùy theo căn cơ duyên nghiệp của chúng sanh mà chữa trị căn cơ bệnh của họ, để rồi qui về một mối GIẢI THOÁT chúng bằng con đường Trung Đạo THIỀN ĐỊNH dành chung cho mọi căn cơ trước khi đạt NIẾT-BÀN. Thiền tông cũng chỉ là một trong những con đường, trong đó có cả Tịnh độ tông, Mật tông .v.v… Vậy Thiền định đâu phải chỉ dành riêng cho Thiền tông không đâu, mà bất cứ Tông nào cũng đều phải dùng pháp Thiền định để giải thoát khổ đau sanh tử nếu hành giả của Tông phái đó muốn giải thoát. Điều này chúng ta ai cũng thây rõ ràng và một cách cơ bản rằng GIỚI-ĐỊNH-TUỆ chúng nằm trong BA TẠNG GIÁO ĐIỂN, trong MƯỜI HAI BỘ KINH, bộ nào lại không có; và nó cũng ở rải rác trong các kinh nhỏ như giáo lý TỨ THÁNH ĐẾ phần Bát Thánh đạo có chánh Định; hay BA VÔ LẬU HỌC tức GIỚI-ĐỊNH-TUỆ, trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo; hay trong LỤC BA LA MẬT, THẬP BA LA MẬT có Thiền Định ba la mật v.v…. Nghĩa là Thiền Định dành cho từ căn cơ thấp nhất là con Người cho đến Trời, Thanh văn, Duyên giác, và cao nhất là Bồ Tát đều dùng Thiền Định trong pháp tu tập của mình, và tùy thuộc vào căn cơ của từng giới mà có gia giảm trong các pháp trợ đạo. Ở đây chỉ có sự sai biệt khác nhau trong phương pháp hướng dẫn thực hành chúng tùy thuộc các tông phái, và cũng tùy vào căn cơ của hành giả giữa các tông phái với nhau mà thôi, nhưng chỉ có Thiền Định thì giới nào cũng phải có hết. Vậy mà những người trong cái gọi là Thiền tông Việt nam vào cuối thế kỷ 20, không thấy chúng hay sao? Hay không học đến chúng, chỉ biết đến cái Thiền của Thiền tông mình không thôi, rồi đâm ra có thái độ trịch thượng của kẻ cả phê phán tông phái này, chê bai tông phái nọ. Trong khi ngay đến cái Thiền của Tông phái mình cũng không nắm vững cốt tủy của nó nữa, đem công án của các vị Thiền Tổ sư ra bàn luận mổ xẻ một cách sai lầm, bậy bạ như nhà học giả Lý Việt Dũng đã từng nêu ra hàng trăm điểm lỗi lầm, bậy bạ trong việc bàn luận, và dịch thuật về Công án Thiền Việt Nam và Trung hoa, Ông đã dẫn chứng đối chiếu từ các kinh sách văn học Thiền giáo của Đại Tiểu thừa giáo và văn học Thiền tông một cách rõ ràng minh bạch đàng hoàng, trong quyển: “Lạm bàn một số điểm chưa đạt trong: 1- Tuệ trung Thượng sỹ ngữ lục giảng giải. 2- Phần đầu quyển ‘Thiền sư Việt Nam’ dẫn dịch từ ‘Thiền Uyển tập anh’. 3- Tham đồ hiển quyết và thi tụng các Thiền sư đời Lý giảng giải.” Qua quyển sách này, thật tình cả sự nghiệp dịch thuật và viết lách của H.T. bị sụp đổ hoàn toàn, và cho chúng ta thấy rõ cái kiến thức về Phật học nói chung và Thiền tông nói riêng của H.T. là không có. Như vậy mà hầu hết nhiều người vẫn còn bênh vực một cách cố chấp bảo rằng: “ Tuy kiến thức H.T. còn hạn hẹp như vậy, nhưng Ngài là người có tu có đức, không nên chỉ trích hay xúc phạm đến H.T.” Thật ra người ta bảo vậy mới nghe ra thấy có vẻ đúng, nhưng rõ ràng họ không biết thế nào là người có tu, người có đức cả. Vì theo họ trên lý thuyết có thể sai lầm, nhưng trên thực hành H.T. hằng ngày ngồi thiền, dạy người ngồi thiền, thì chính cái đó là cái tu, cái đức. Thật ra họ đâu có hiểu rằng trên cơ sở lý thuyết của phương pháp tu đã sai lầm, thì cái kết quả thực hành cách tu kia cũng sai lầm theo. Vậy thì cái đức có được từ đâu mà sanh ra đây?! Vì người có đức thực sự là người tu theo đúng pháp tu của Phật, thực hành đúng theo pháp Phật, thì cái đức mới sanh ra, còn ở đây thực hành pháp sai lầm mà bảo sanh ra đức, thì việc này làm sao có thể xảy ra. Ở đây chúng tôi chưa nói đến việc thất đức, vì họ dẫn chính mình, và người khác đi theo đường ma lối quỷ, thì đây chính là tạo tội chứ sao gọi là tạo đức được! Cho nên mọi người hãy cẩn thận đừng vì người ta nổi tiếng, vì nhiều người thiếu hiểu biết chạy theo mà mình cũng bắt chước chạy theo, làm thành một phong trào thời thượng mà thiếu cân nhắc và, tin một cách mù quán vào chúng, không những tự hại mình mà còn vô tình đồng loã với các thế lực vô minh, rốt cuộc ôm nhau mà vào địa ngục chứ không sai đâu. Như trên chúng tôi đã nói THIỀN ĐỊNH không phải chỉ có Thiền tông mới có thôi, mà chúng là pháp tu cần thiết của mọi tông Phái trong Phật giáo.
Như trên chúng tôi đã trình bày, con đường Trung đạo Thiền định, không phải chỉ dành riêng cho Thiền tông không đâu, mà chúng dành chung cho tất cả các tông phái Phật giáo trong đó có Tịnh độ tông, và Mật tông. Con đường Trung đạo Thiền Định này bên Thiền tông thì: “TÂM VẬT NHẤT NHƯ, NGOÀI TÂM KHÔNG KHÁC.” Bên Tịnh Độ tông thì: “NHẤT TÂM BẤT LOẠN.” Bên Mật tông thì: “ TAM MẬT TƯƠNG ƯNG.” Khi mà chủ thể và đối tượng, năng và sở, tâm và vật không còn ngăn cách sai biệt, chúng không phải là hai cũng không phải là khác nữa, thì con đường Trung đạo thiền Định hiển bày. Đây chính là con đường mà chư Phật quá khứ, chư Phật hiện tại, chư Phật vị lai đã đi, đang đi và sẽ đi. Do đó chúng ta những người con Phật, dù là Thiền tông hay Tịnh độ tông, hay Mật tông v.v… phải luôn luôn tâm niệm rằng: “Không có bất cứ một pháp tu nào là nhất hết, là tối thượng thừa nhất hết, nó nhất khi pháp tu đó thích hợp với căn cơ của người đó; ngược lại nó sẽ không nhất và có thể làm trở ngại cho đường tu của người đó khi nó không hợp với căn cơ của họ, nếu họ không tự biết mà chỉ biết chạy theo người khác, hay chạy theo phong trào.” Vậy mỗi người trong chúng ta phải tự lựa chọn cho mình một pháp tu nào đó thích hợp với căn cơ của mình, trong vô lượng pháp môn tu do đức Thế tôn đã để lại. Và chúng ta cũng phải luôn cảnh giác đối những vị Thầy hay bất cứ một ai khi đến khuyên bảo chúng ta tu Phật, mà luôn luôn khoe khoan pháp môn mình là nhất và ra sức chê bai hay chỉ trích pháp tu khác cũng của Phật, cho là sai đường, cho là không đúng, thì biết rằng họ đang làm việc của Ma, phải xem xét lại những lời nói của họ. Chúng ta nên biết rằng mỗi pháp tu như vậy, chúng chỉ là những pháp phương tiện, mà những phương tiện đó chúng ta cần phải vượt qua chúng, mới mong đạt được cứu cánh giải thoát được. Hơn nữa khi chúng ta đã lựa chọn pháp tu thích hợp với chúng ta rồi, thì việc kế tiếp là cần phải lựa chọn vị Thầy dẫn đường chỉ dạy cho chúng ta nữa, không phải bạ đâu chúng ta cũng nhận là Thầy, trong khi vị đó chưa rành về đường đi nước bước của mình. Chúng ta phải tìm ra những bậc minh sư có thực học, thực tu, thực kinh nghiệm, nếu không muốn nói là có thực chứng. Nếu không vậy thì cả hai phải ôm nhau mà vào địa ngục không thể nào tránh khỏi, vì chính họ không biết được đường đi của họ thì làm sao có thể hướng dẫn người khác đi mà không vào đường ma lối quỷ sao được! Đối với những bậc hướng dẫn mọi người, ngoài những việc cần và đủ để làm một người hướng dẫn người theo pháp môn tu của mình ra; chúng ta còn là những sứ giả của Như Lai, vì sứ mệnh truyền giáo của Ngài, chúng ta phải luôn luôn tôn trọng sự tự do lựa chọn pháp tu của mọi người, và luôn có tinh thần bình đẳng trong các pháp tu. Khi một người nào đó đến với pháp môn của mình, nếu qua tiếp xúc mà thấy căn cơ họ không hợp với pháp môn của mình thì mình có nhiệm vụ hướng dẫn chỉ bày giới thiệu cho họ đến nơi nào mà mình biết rằng họ hợp với pháp môn đó, hơn là chúng ta nhận người một cách bừa bãi rồi để xảy ra những tình trạng trở ngại trong bước tu của họ, hay im lặng trong khi họ đang cần tìm pháp môn thích hợp cho họ. Ngoài những điều trên ra trong Phật giáo vấn đề thực hành là vấn đề cốt lõi của tu, nếu hành giả không tu không thực hành, mà chỉ biết đến để học hỏi nghiên cứu không thôi thì, cũng giống như người biết nói rất giỏi về lý thuyết phương pháp nấu ăn, nhưng khi đói không tự theo phương pháp lý thuyết để nấu ăn, thì chắc chắn sẽ bị đói thôi, do đó khi mà chúng ta đã có phương pháp tu thích hợp với mình rồi thì điều trên hết là bắt đầu thực hành áp dụng chúng ngay vào trong cuộc sống, đó là yêu cầu quan trọng trong lúc thực hành.
HẠNH NGUYỆN
Đức Bồ Tát Quán Thế Âm
Hiện tướng bản thể vũ trụ là một trò chơi vừa có tính thực và bất thực, hay vừa có tính hòa âm và bất hòa âm. Nếu người biết được trò chơi này, là người nắm được thực tại trên mười đầu ngón tay; thì trái lại, kẻ không nắm được thực tại trên mười đầu ngón tay, kẻ đó không biết được hòa âm vũ trụ trong trò chơi này. Nói thế không có nghĩa là bản thể vũ trụ ở trong tình trạng phân sáp làm đôi và đối lập nhau; nhưng nó chỉ là một. Tuy thế, về mặt tùy thể, chúng ta nhìn bản thể vũ trụ như là một phức thể, tùy theo kiến giác của mỗi chúng ta. Vì tùy thể này, nói lên được sự hiện hữu của duyên nghiệp trong mỗi chúng ta đang ở trong tình trạng sinh khởi, nối tiếp và ràng buộc vào nhau, mà hiện ra các khổ tướng báo thân có sai khác. Nhưng về mặt nhất thể , thì hiện tướng chính là bản thể, và bản thể chính là hiện tướng.
Do đó, cuộc đại hòa âm, hay bất đại hòa âm trong vũ trụ, cũng tùy theo đó mà hiện hữu như một thực tại giữa chúng ta, không thể không chấp nhận. Vì kẻ biết được hay không biết được trò chơi cùng đang nằm trong quỹ đạo của ý niệm, nhưng khi ý niệm vừa khởi lên, liền sau đó phát hiện ra âm thanh hoặc tương đồng hoặc tương khắc với với thế giới âm thanh bên trong hay bên ngoài. Tuy nhiên trong thế giới ngũ trược này, hầu hết chúng sanh đã mang vào trong mỗi tướng thể một khổ quả nào đó, cùng nằm trong một cộng nghiệp không thể tránh khỏi luật tắc luân hồi, đã mang và sẽ đưa chúng sanh vào con đường khổ. Chính vì khổ ngiệp của chúng sanh đang vây khổn mà các đức Phật Thế tôn cùng các vị Bồ tát xuất hiện ra thế gian này, với hạnh nguyện đại từ, đại bi, ban vui cứu khổ cho mọi loài. Cùng ở trong hạnh nguyện đó, sự xuất hiện của Bồ tát Quán Thế Âm được các kinh công nhận là độc đáo nhất trong hạnh nguyện của các vị Bồ tát. Ngài đã chứng ngộ bằng âm thanh qua nhĩ căn viên thông, và lấy âm thanh là tiêu đích trong việc cứu khổ cứu nạn cho tất cả chúng sanh. Với danh hiệu Đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồt tát, đã nói lên đầy đủ ý nghĩa hạnh nguyện đó.
Trong nhiều bộ kinh, có nói về đức Quán Thế Âm Bồ tát; nhưng chúng ta không thấy đề cập đến phương pháp chứng ngộ của Ngài. Duy bộ kinh Lăng Nghiêm có đề cập đến sự chứng ngộ ấy, kinh Lăng Nghiêm trực chỉ ghi rõ rằng: Sau khi đức Thế tôn gạn hỏi chỗ sở chứng của 24 Thánh đệ tử xong, đến lượt Bồ tát Quán Thế Âm bày tỏ chỗ sở chứng của mình như sau: ” Quán Thế Âm Bồ tát bạch rằng: Tôi nhớ là: hà sa số kiếp về trước, có một vị Phật hiệu là Quán Thế Âm; vị Phật đó dạy tôi muốn vào chánh định thì phải theo nghe-nghĩ-tu. Từ trong nghe, khi trở về tự tánh thì sở duyên biến mất và con đường vào trở nên vắng lặng (sở không có, năng không có chỗ duyên, nên năng vẫn không hiện hữu, ở trong tự tánh vắng lặng). Hai tướng động và tịnh không sinh. Từ từ mà tiến lên như vậy, thì nghe và đối tượng bị nghe đều hết. Nghe đã hết không trụ, thì giác và đối tượng của bị giác đều không khi không giác đã tròn đầy, thì không và đối tượng không đều diệt. Khi sinh và diệt đã mất, thời cảnh tịch diệt hiện ra trước mắt.” Thế giới phơi mở trước chúng ta như là một hiện hữu, vượt khỏi không gian thời gian. Cảnh giới này không bị ràng buộc bởi xuất thế gian và thế gian, hay các pháp hữu vi và vô vi. Cảnh giới này trên đồng với Như Lai một từ lực, dưới hợp với tất cả chúng sanh trong sáu đường và, đồng với chúng sanh một lòng bi ngưỡng.
Đến đây, chúng ta thấy hạnh nguyện của Quán Thế Âm trong kinh Lăng Nghiêm cùng kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn, gặp nhau trong lòng bi ngưỡng đối với chúng sanh đại thể. Nhưng về ý nghĩa danh từ có sự khác nhau. Trong kinh Lăng Nghiêm ý nghĩa luôn luôn ở trong chiều hướng phản phục cái nghe nơi tự tánh. Như vậy, cái nghe ở trong chiều hướng nội. Một khi tâm đã phản phục, thời cảnh sở quán sẽ không còn, nên không có sự đối đãi giữa năng và sở nữa. Lúc đó Như lai tạng tâm sẽ hiển bày ra trước mắt. Lúc đó tâm năng văn và cảnh sở văn sẽ tiêu tan dung hội. Như vậy kinh Lăng Nghiêm lập cứ trên nhân hạnh mà gọi là Quán Thế Âm. Ngược lại trong kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn lại lập cứ trên quả đức để hiển nghĩa thì, Âm chính là tiêu đích của văn tầm cứu. Dù là tịch thinh hay là động thinh, nghe của Quán Thế Âm Bồ tát cũng thấu suốt tất cả. Âm thinh từ trạng thái tâm lý đến lúc phát ra ngoài, phải qua một tiến trình chuyển động của cơ thể. Có sự liên hệ giữa một ý niệm khi phát khởi, và các sợi thần kinh liên hệ chuyển động để thoát ra ngoài cửa miệng, lúc đó mới tạo thành âm thanh thật sự. Âm thanh này sẽ dàn trải ra vô tận, và sẽ tạo thành âm thanh sống của vũ trụ. Trong những biến động tiếp giao này, cùng với những âm thanh khác, sẽ tạo ra những điệu hòa âm, hay bất hòa âm, tùy theo lối dung nạp của mỗi âm thanh từng người, từng loại chúng sanh. Ở đây trạng thái tịch thanh không tự hữu, mà chỉ hiện hữu trong mỗi người, mỗi sự vật, chính ngay trong ý niệm, trong mặc thức, không phát ra bên ngoài, hay chưa khởi phát ra ngoài, nhưng nó có tác động của tâm thức can thiệp vào. Ở đây, còn gọi là tâm thanh, là tiếng nói của tâm.
Vậy, âm là biểu tượng ý nghĩa cuộc sống, thế giới ngoại tại của chúng sanh trong pháp giới duyên khởi này chính là hiện tướng của nghiệp tướng vô minh con người đang lôi kéo con người trong bể khổ sanh tử luân hồi. Những khổ đau tai nạn của kiếp người, cùng tiếng kêu gào van xin, cầu cứu của chúng sanh trong bể khổ đã làm cho nguyện lực độ sanh của Bồ Tát Quán Thế Âm phát sinh. Ngài đã cùng nhĩ căn viên thông, thường xuyên quán sát và nghe tiếng cầu cứu của chúng sanh, tùy theo căn cơ của từng loại mà Ngài hóa độ, cứu vớt.
Ở đây, về ý nghiã danh xưng, chúng ta thấy sự khác biệt giữa kinh Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa trong lòng bi nguyện của Ngài. Một đàng hướng nội nghe bản thể tự tánh, tức là Như Lai tạng tâm và đó cũng chính là bản thể của chúng sanh, của vũ trụ mà lập cứ (theo nhân hạnh) để cứu vớt; một đàng hướng ngoại nghe quả khổ của chúng sanh, cùng tiếng cầu cứu mà lập cứ (theo quả đức) để cứu vớt .Nếu căn cứ nơi nhân và quả để hiểu thì làm sao có sự gặp gỡ hạnh nguyện giữa Kinh Lăng Nghiêm và kinh Pháp Hoa trong lòng bi nguyện của Ngài? Đó là câu hỏi cần đặt ra và cần giải đáp. Sự xuất hiện của Ngài vì lòng bi ngưỡng vô úy, cùng với chúng sanh cùng một thể tánh. Ngài đã mang danh hiệu Đại Từ Đại Bi tầm thanh cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ Tát, nói lên lòng bi ngưỡng vô úy đó. Chính lòng bi ngưỡng giữa nhân hạnh và quả đức của bản thể tự tánh như lai tạng tánh cũng chính là bản thể của chúng sanh của vũ trụ.
Lòng bi ngưỡng vô úy mà chúng sanh đã đánh mất, thay vào đó lòng sợ hãi. Chính vì lòng sợ hãi mà con người luôn ở trong tình trạng lo đối phó, nhưng đối phó với phương pháp chạy trốn thực tại, tìm cách né tránh với tương lai. Mà tương lai là những gì chưa xảy đến với họ hay sẽ không xảy đến. Vì sợ hãi lo âu nên con người tự đánh lừa chính mình và dần dần trở thành vongthân.Từ đó thần thánh, ma quỷ, Thượngđế được xuấthiện bởi conngười và do con người đặt ra, con người lấy đó làm nơi nương tựa. Cuộc sống của chúng ta đầy dẫy những biểu tượng, biểu tượng của sợ hãi, do đó chúng ta đã tự đánh mất bản tính vô úy của ta. Con người không dám nhìn thực tại, không dám nhìn vào chính mình, không dám sống với thực tại, luôn luôn sống với tương lai; mà tương lai là những gì ảo tưởng. Con người luôn tìm cách nắm bắt những ảo tưởng đó để rồi thất vọng đau khổ .
Trong truyền thống triết lý siêu hình Tây phương, vì sự sợ hãi này mà Thượng đế xuất hiện. Thượng đế đã được lý trí con người đặt ra để tôn thờlà nơi tương tựa của những con người yếu bóng vía, đầy lòng sợ hãi với hiện tại, với tương lai. Tự đặt con vào sự cứu rỗi của Thượng đế, tự họ đánh mất bản tánh của họ. Họ làm nô lệ cho một Thượng đế bên ngoài, họ đã vong thân và Thượng đế thần thánh đã ngự trị, chi phối cuộc sống họ. Kể từ Socrates mãi cho đến Athur Schopenhauer, giai đoạn này Thượng đế đã được đề cập đến nhiều, nhất là thời kỳ trung cổ, thời kỳ kinh viện, Thượng đế được coi như là thần linh, ban phước giáng họa và mãi đến Hegel .
Hegel đã quan niệm: Thượng đế là một nhân cách hóa của con người và con người là nhân cách của Thượng đế. Thượng đế chính là ý niệm tuyệt đối . Ông giải thích Thượng đế của ông theo sách Sáng Ký và ba ngôi của Ky Tô giáo bằng biện chứng pháp của ông theo ba tiến trình; đề, phản đề, tổng hợp đề . Ông bảo rằng: “Chính Thượng đế đã vong thân, Thượng đế đã đẻ ra hình ảnh Ađam và Eva nơi vườn địa đàng, và chính Adam và Eva đã phản lại lời dặn dò của Thượng đế khi nghe lời dụ dỗ con rắn (tượng trưng cho ác quỷ sa tăng) mà ăn phải trái cấm thiện ác, để rồi từ đó về sau con người mắc phải tội tổ tông (nguyên tội) và bị đày đọa trong khổ đau, càng khổ đau con người càng tạo nên tội lỗi. Để chuộc lại tội lỗi này, Thượng đế đã cho Jésus giáng thế, và bị đóng đinh trên cây thập tự giá, để chịu tội cho thế gian; khi đó con người trở lại trạng thái ban sơ nơi vườn địa đàng. Để rồi ông kết luận Thượng đế là con người và con người là Thượng đế. Đó là giai đoạn chung cuộc của lịch sử tương lai .
Từ Hegel đến Schopenhauer, quan niệm Thượng đế thay đổi dần và biến mất từ Schopenhauer . Với quyển “Vũ trụ như là ý lực”, ông đã phủ nhận Thượng đế. Ông là người đầu tiên mang truyền thống Đạo học Đông Phương thổi vào Âu Châu một luồng sinh khí mới mẻ, và mạnh mẽ nhất là Nietzsche với chủ trương “con người siêu nhân” và ông đã nói; “Thượng đế đã chết” (Das Got Isto). Như thế Thượng đế thực sự đã vắng mặt trên thế gian này. Mãi đến Heidegger, danh từ Thượng đế không còn được nhắc đến nữa. Nền siêu hình học hiện đại mà người đại diện cho nền triết lý Tây Phương là Heidegger đã không nhắc đến một Thượng đế nào, ông chỉ đề cập đến tính thể của hiện thể tại thế (Dasein) của con người mà thôi . Những vấn đề xa xôi chưa đến trong tương lai, không phải là vấn đề bận tâm của ông. Ông chỉ biết hiện tại, sống với hiện tại, tìm ra những vấn đề liên hệ giữa con người với con người, giữa cuộc sống và con người cùng sự hiện hữu chính mình. Theo ông đó là những bâng khuâng của con người, cần phải tìm ra sợi dây liên hệ đó. Có thế con người mới làm chủ được chính mình và làm chủ được cuộc sống; lúc này con người sẽ không còn sợ hãi nữa, họ sống một cách bình thản chấp nhận tất cả dù là cái chết đi nữa, cũng không sợ sệt, vui cười với cái chết. Họ đã đến gần Đông phương với tinh thần vô úy.Nhưng đó chỉ là một thiểu số có tinh thần thượng thừa, đã nhìn ra được trò chơi của vũ trụ trong suy niệm. Họ đã chấp nhận hiện tại và sống với hiện tại, chơi với hiện tại bằng một thái độ lì lợm, kiêu hãnh với chính mình mà không bao giờ sợ hãi .|.
朝時課誦
供香讚佛偈
願此妙香雲,遍滿十方界,供養一切佛,尊法諸菩薩,無邊聲聞眾,及一切聖賢;緣起光明臺,稱性作佛事,普熏諸眾生,皆發菩提心,遠離諸忘業,圓成無上道。
讚佛
法王無上尊,三界無倫匹;天人之導師,四生之慈父。
於一念皈依,能滅三祇業;稱揚若讚歎,億劫莫能盡。
觀想
能禮所禮性空寂,感應道交難思議,我此道場如帝珠,十方諸佛影現中,我身影現諸佛前,頭面接足歸命禮。
皈依
一心頂禮,南無盡虛空徧法界,過現未來十方諸佛,尊法賢聖僧常住三寶。
一心頂禮,南無娑婆教主本師釋迦牟尼佛,當來下生彌勒尊佛,大智文殊師利菩薩,大行普賢菩薩,護法諸尊菩薩,靈山會上佛菩薩。
一心頂禮,南無西方極樂世界大慈大悲阿彌陀佛,大悲觀世音菩薩,大勢至菩薩,大願地藏王菩薩,清淨大海眾普薩。
爐香贊
爐香乍熱,法界蒙熏,諸佛海會悉遙聞,隨處結祥雲,誠意方殷,諸佛現全身。南無香雲蓋萻薩摩訶薩。[三稱]
《大佛頂首楞嚴神咒》
南無楞嚴會上佛菩薩。(三稱)
妙湛總持不動尊,首楞嚴王世稀有。銷我億劫顛倒想,不歷僧祇獲法身。願今得果成寶王,還度如是恒沙眾。將此深心奉塵刹,是則名為報佛恩。伏請世尊為證明,五濁惡世誓先入。如一眾生未成佛,終不於此取泥洹。大雄大力大慈悲,希更審除微細惑,令我早登無上覺,於十方界坐道場。舜若多性可銷亡,爍迦羅心無動轉。
南無常住十方佛。
南無常住十方法.
南無常住十方僧。
南無釋迦牟尼佛。
南無佛頂首楞嚴。
南無觀世音菩薩。 .
南無金剛藏菩薩。
爾時世尊,從肉髻中,涌百寶光,光中涌出,千葉寶蓮。有化如來,坐寶花中,頂放十道,百寶光明。一一光明,皆遍示現,十恆河沙,金剛密跡,擎山持杵,遍虛空界。大眾仰觀,畏愛兼抱,求佛哀祐,一心聽佛,無見頂相,放光如來,宣說神咒。
第一會
南無薩怛他蘇伽多耶阿囉訶帝三藐三菩陀寫,薩怛他佛陀俱胝瑟尼釤。南無薩婆勃陀勃地薩跢鞞弊。南無薩多喃三藐三菩陀俱知喃,娑舍囉婆迦僧伽喃。南無盧雞阿羅漢跢喃。南無蘇盧多波那喃。南無娑羯唎陀伽彌喃。南無盧雞三藐伽跢喃,三藐伽波囉底波多那喃。南無提婆離瑟赧。南無悉陀耶毗地耶陀囉離瑟赧,舍波奴揭囉訶娑訶娑囉摩他喃。南無跋囉訶摩尼。南無因陀囉耶。南無婆伽婆帝,嚧陀囉耶,烏摩般帝,娑醯夜耶。南無婆伽婆帝,那囉野拏耶,槃遮摩訶三慕陀囉。南無悉羯唎多耶。南無婆伽婆帝,摩訶迦囉耶。地唎般剌那伽囉。毗陀囉波拏迦囉耶。阿地目帝。尸摩舍那泥婆悉泥。摩怛唎伽拏。南無悉羯唎多耶。南無婆伽婆帝。多他伽跢俱囉耶。南無般頭摩俱囉耶。南無跋闍囉俱囉耶。南無摩尼俱囉耶。南無伽闍俱囉耶。南無婆伽婆帝,帝唎茶輸囉西那,波囉訶囉拏囉闍耶,跢他伽多耶。南無婆伽婆帝。南無阿彌多婆耶,跢他伽多耶,阿囉訶帝,三藐三菩陀耶。南無婆伽婆帝,阿芻鞞耶,跢他伽多耶,阿囉訶帝,三藐三菩陀耶。南無婆伽婆帝,鞞沙闍耶俱盧吠柱唎耶,般囉婆囉闍耶,跢他伽多耶。南無婆伽婆帝,三補師毖多,薩憐捺囉剌闍耶,跢他伽多耶,阿囉訶帝,三藐三菩陀耶。南無婆伽婆帝,舍雞野母那曳,跢他伽多耶,阿囉訶帝,三藐三菩陀耶。南無婆伽婆帝,剌怛那雞都囉闍耶,跢他伽多耶,阿囉訶帝,三藐三菩陀耶,帝瓢南無薩羯唎多,翳曇婆伽婆多,薩怛他伽都瑟尼釤,薩怛多般怛藍。南無阿婆囉視耽,般囉帝揚岐囉,薩囉婆部多揭囉訶,尼揭囉訶羯迦囉訶尼,跋囉毖地耶叱陀你,阿迦囉蜜唎柱,般唎怛囉耶儜揭唎,薩囉婆槃陀那目叉尼,薩囉婆突瑟吒,突悉乏般那你伐囉尼,赭都囉失帝南,羯囉訶娑訶薩囉若闍,毗多崩娑那羯唎,阿瑟吒冰舍帝南,那叉刹怛囉若闍,波囉薩陀那羯唎,阿瑟吒南,摩訶揭囉訶若闍,毗多崩薩那羯唎,薩婆舍都嚧你婆囉若闍,呼藍突悉乏難遮那舍尼,毖沙舍悉怛囉,阿吉尼烏陀迦囉若闍,阿般囉視多具囉,摩訶般囉戰持,摩訶疊多,摩訶帝闍,摩訶稅多闍婆囉,摩訶跋囉槃陀囉婆悉你,阿唎耶多囉,毗唎俱知,誓婆毗闍耶,跋闍囉摩禮底,毗舍嚧多,勃騰罔迦,跋闍囉制喝那阿遮,摩囉制婆般囉質多,跋闍囉擅持,毗舍囉遮,扇多舍鞞提婆補視多,蘇摩嚧波,摩訶稅多,阿唎耶多囉,摩訶婆囉阿般囉,跋闍囉商揭囉制婆,跋闍囉俱摩唎,俱藍陀唎,跋闍囉喝薩多遮,毗地耶乾遮那摩唎迦,啒蘇母婆羯囉多那,鞞嚧遮那俱唎耶,夜囉菟瑟尼釤,毗折藍婆摩尼遮,跋闍囉迦那迦波囉婆,嚧闍那,跋闍囉頓稚遮,稅多遮迦摩囉,刹奢尸波囉婆,翳帝夷帝,母陀囉羯拏,娑鞞囉懺,掘梵都,印兔那麼麼寫。
第二會
烏(合牛),唎瑟揭拏,般刺舍悉多,薩怛他伽都瑟尼釤。虎(合牛),都盧雍瞻婆那。虎(合牛),都盧雍悉耽婆那。虎(合牛),都盧雍波羅瑟地耶三般叉拏羯囉。虎(合牛),都盧雍,薩婆藥叉喝囉刹娑,揭囉訶若闍,毗騰崩薩那羯囉。虎(合牛),都盧雍,者都囉尸底喃,揭囉訶娑訶薩囉喃,毗騰崩薩那囉。虎(合牛),都盧雍,囉叉,婆伽梵,薩怛他伽都瑟尼釤,波囉點闍吉唎,摩訶娑訶薩囉,勃樹娑訶薩囉室唎沙,俱知娑訶薩泥帝隸,阿弊提視婆唎多,吒吒甖迦,摩訶跋闍嚧陀囉,帝唎菩婆那,曼茶囉。烏(合牛),莎悉帝薄婆都,麼麼,印兔那麼麼寫。
第三會
囉闍婆夜,主囉跋夜,阿祇尼婆夜,烏陀迦婆夜,毗沙婆夜,舍薩多囉婆夜,婆囉斫羯囉婆夜,突瑟叉婆夜,阿舍你婆夜,阿迦囉蜜唎柱婆夜,陀囉尼部彌劍波伽波陀婆夜,烏囉迦婆多婆夜,剌闍壇茶婆夜,那伽婆夜,毗條怛婆夜,蘇波囉拏婆夜,藥叉揭囉訶,囉叉私揭囉訶,畢唎多揭囉訶,毗舍遮揭囉訶,部多揭囉訶,鳩槃茶揭囉訶,補單那揭囉訶,迦吒補單那揭囉訶,悉乾度揭囉訶,阿播悉摩囉揭囉訶,烏檀摩陀揭囉訶,車夜揭囉訶,醯唎婆帝揭囉訶,社多訶唎喃,揭婆訶唎喃,嚧地囉訶唎喃,忙娑訶唎喃,謎陀訶唎喃,摩闍訶唎喃,闍多訶唎女,視比多訶唎喃,毗多訶唎喃,婆多訶唎喃,阿輸遮訶唎女,質多訶唎女,帝釤薩鞞釤。薩婆揭囉訶喃,毗陀耶闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,波唎跋囉者迦訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,茶演尼訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,摩訶般輸般怛夜,嚧陀囉訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,那囉夜拏訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,怛埵伽嚧茶西訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,摩訶迦囉摩怛唎伽拏訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,迦波唎迦訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,闍耶羯囉,摩度羯囉,薩婆囉他娑達那訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,赭咄囉婆耆你訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,毗唎羊訖唎知,難陀雞沙囉伽拏般帝,索醯夜訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,那揭那舍囉婆拏訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,阿羅漢訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,毗多囉伽訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,跋闍囉波你,具醯夜具醯夜,迦地般帝訖唎擔,毗陀夜闍嗔陀夜彌,雞囉夜彌,囉叉罔,婆伽梵,印兔那麼麼寫。
第四會
婆伽梵,薩怛多般怛囉,南無粹都帝,阿悉多那囉剌迦,波囉婆悉普吒,毗迦薩怛多鉢帝唎,什佛囉什佛囉,陀囉陀囉,頻陀囉頻陀囉嗔陀嗔陀,虎(合牛)。虎(合牛),泮吒、泮吒泮吒泮吒泮吒,娑訶,醯醯泮,阿牟迦耶泮,阿波囉提訶多泮,婆囉波囉陀泮,阿素囉毗陀囉波迦泮,薩婆提鞞弊泮,薩婆那伽弊泮,薩婆藥叉弊泮,薩婆乾闥婆弊泮,薩婆補丹那弊泮,迦吒補丹那弊泮,薩婆突狼枳帝弊泮,薩婆突澁比犁訖瑟帝弊泮,薩婆什婆利弊泮,薩婆阿播悉摩犁弊泮,薩婆舍囉婆拏弊泮,薩婆地帝雞弊泮,薩婆怛摩陀繼弊泮,薩婆毗陀耶囉誓遮犁弊泮,闍夜羯囉摩度羯囉,薩婆囉他娑陀雞弊泮,毗地夜遮唎弊泮,者都囉縛耆你弊泮,跋闍囉俱摩唎,毗陀夜囉誓弊泮,摩訶波囉丁羊乂耆唎弊泮,跋闍囉商羯囉夜,波囉丈耆囉闍耶泮,摩訶迦囉夜,摩訶末怛唎迦拏。南無娑羯唎多夜泮,毖瑟拏婢曳泮,勃囉訶牟尼曳泮,阿耆尼曳泮,摩訶羯唎曳泮,羯囉檀遲曳泮,蔑怛唎曳泮,嘮怛唎曳泮,遮文茶曳泮,羯邏囉怛唎曳泮,迦般唎曳泮,阿地目質多迦尸摩舍那,婆私你曳泮,演吉質,薩埵婆寫,麼麼印兔那麼麼寫。
第五會
突瑟吒質多,阿末怛唎質多,烏闍訶囉,伽婆訶囉,嚧地囉訶囉,婆娑訶囉,摩闍訶囉,闍多訶囉,視毖多訶囉,跋略夜訶囉,乾陀訶囉,布史波訶囉,頗囉訶囉,婆寫訶囉,般波質多,突瑟吒質多,嘮陀囉質多,藥叉揭囉訶,囉刹娑揭囉訶,閉隸多揭囉訶,毗舍遮揭囉訶,部多揭囉訶,鳩槃茶揭囉訶,悉乾陀揭囉訶,烏怛摩陀揭囉訶,車夜揭囉訶,阿播薩摩囉揭囉訶,宅袪革茶耆尼揭囉訶,唎佛帝揭囉訶,闍彌迦揭囉訶,舍俱尼揭囉訶,姥陀囉難地迦揭囉訶,阿藍婆揭囉訶,乾度波尼揭囉訶,什伐囉堙迦醯迦,墜帝藥迦,怛隸帝藥迦,者突託迦,尼提什伐囉毖釤摩什伐囉,薄底迦,鼻底迦,室隸瑟密迦,娑你般帝迦,薩婆什伐囉,室嚧吉帝,末陀鞞達嚧制劍,阿綺嚧鉗,目佉嚧鉗,羯唎突嚧鉗,揭囉訶揭藍,羯拏輸藍,憚多輸藍,迄唎夜輸藍,末麼輸藍,跋唎室婆輸藍,毖栗瑟吒輸藍,烏陀囉輸藍,羯知輸藍,跋悉帝輸藍,鄔嚧輸藍,常伽輸藍,喝悉多輸藍,跋陀輸藍,娑房盎伽般囉丈伽輸藍,部多毖哆茶,茶耆尼什婆囉,陀突嚧迦建咄嚧吉知,婆路多毗,薩般嚧訶凌伽,輸沙怛囉,娑那羯囉,毗沙喻迦,阿耆尼烏陀迦,末囉鞞囉建跢囉,阿迦囉蜜唎咄怛斂部迦,地栗剌吒,毖唎瑟質迦,薩婆那俱囉,肆引伽弊揭囉,唎藥叉怛囉芻,末囉視吠帝釤娑鞞釤,悉怛多鉢怛囉,摩訶跋闍嚧瑟尼釤,摩訶般賴丈耆藍,夜波突陀舍喻闍那,辮怛隸拏,毗陀耶槃曇迦嚧彌,帝殊槃曇迦嚧彌,般囉毘陀槃曇迦嚧彌,哆姪他。唵,阿那隸,毘舍提,鞞囉跋闍囉陀唎,槃陀槃陀你,跋闍囉謗尼泮。虎(合牛),都嚧甕泮,莎婆訶。(三稱)
大悲咒
千手千眼無礙大悲心陀羅尼。南無喝囉怛那哆囉夜耶。南無阿唎耶,婆盧羯帝爍缽囉耶,菩提薩埵婆耶,摩訶薩埵婆耶,摩訶迦盧尼迦耶。唵,薩皤囉罰曳,數怛那怛寫。南無悉吉栗埵。伊蒙阿唎耶。婆盧吉帝。室佛囉愣馱婆。南無那囉謹墀醯利摩訶皤哆沙咩,薩婆阿他豆輸朋,阿逝孕,薩婆薩哆,那摩婆伽,摩罰特豆,怛侄他。唵,阿婆盧醯,盧迦帝,迦羅帝,夷醯唎,摩訶菩提薩埵,薩婆薩婆,摩囉摩囉,摩醯摩醯,唎馱孕,俱盧俱盧羯蒙,度盧度盧,罰闍耶帝,摩訶罰闍耶帝,陀囉陀囉,地唎尼,室佛囉耶,遮囉遮囉。摩摩罰摩囉,穆帝隸,伊醯伊醯,室那室那,阿囉嘇佛囉舍利,罰沙罰嘇,佛囉舍耶,呼嚧呼嚧摩囉,呼嚧呼嚧醯利,娑囉娑囉,悉唎悉唎,蘇嚧蘇嚧,菩提夜菩提夜,菩馱夜菩馱夜,彌帝唎夜,那囉謹墀,地利瑟尼那,婆夜摩那娑婆訶。悉陀夜,娑婆訶。摩訶悉陀夜,娑婆訶。悉陀喻藝室皤囉耶,娑婆訶。那囉謹墀,娑婆訶。摩囉那囉,娑婆訶。悉囉僧阿穆佉耶,娑婆訶。娑婆摩訶,阿悉陀夜,娑婆訶。者吉囉阿悉陀夜,娑婆訶。波陀摩羯悉陀夜,娑婆訶。那囉謹墀皤伽囉耶,娑婆訶。摩婆利勝羯囉夜,娑婆訶。南無喝囉怛那,哆囉夜耶。南無阿唎耶,婆嚧吉帝,爍皤囉夜,娑婆訶。唵,悉殿都,漫多囉,跋陀耶,娑婆訶。
十小咒
如意寶輪王陀羅尼
南無佛陀耶。南無達摩耶。南無僧伽耶。南無觀自在菩薩摩訶薩,具大悲心者,怛侄他。唵,斫羯啰伐底震多末尼,摩訶缽蹬謎,嚕嚕嚕嚕,底瑟吒篅啰阿羯利,沙夜吽癹莎訶。唵,缽蹋摩,震多末尼,篅攞吽。唵,跋喇陀,缽亶謎吽。
消災吉祥神咒
曩謨三滿哆,母馱喃。阿缽啰底,賀多舍娑曩喃。怛侄他。唵,佉佉、佉呬、佉呬、吽吽,入嚩啰、入嚩啰,缽啰入嚩啰、缽啰入嚩啰,底瑟奼,底瑟奼,瑟致哩、瑟致哩,娑癹吒、娑癹吒,扇底迦室哩曳,娑嚩訶。功德寶山神咒南無佛陀耶。南無達摩耶。南無僧伽耶。
唵,悉帝護嚕嚕,悉都嚕,只利波,吉利婆悉達哩,布嚕哩,娑嚩訶。
準提神咒
稽首皈依蘇悉帝,頭面頂禮七俱胝。我今稱讚大准提,唯願慈悲垂加護。
南無颯哆喃,三藐三菩陀,俱胝喃,怛侄他。唵,折戾主戾准提娑婆訶。
聖無量壽決定光明王陀羅尼.
唵,捺摩巴葛瓦帝,阿巴啰密沓,阿優哩阿納,蘇必你,實執沓,牒左啰宰也,怛塔哿達也,阿啰訶帝,三葯三不達也,怛你也塔。
唵,薩哩巴,桑斯葛哩,叭哩述沓,達啰馬帝,哿哿捺,桑馬兀哿帝,莎巴瓦,比述帝,馬喝捺也,叭哩瓦哩娑喝。
藥師灌頂真言
南謨薄伽伐帝,鞞殺社,窶嚕薛琉璃,缽喇婆,喝啰闍也,怛他揭多也,阿啰喝帝,三藐三勃陀耶,怛侄他。
唵,鞞殺逝、鞞殺逝,鞞殺社,三沒揭帝莎訶。
觀音靈感真言
唵,嘛呢叭咪吽,麻曷倪牙納,積都特巴達,積特些納,微達哩葛,薩而斡而塔,卜哩悉塔葛,納補啰納,納卜哩,丟忒班納,喏麻嚧吉,說啰耶娑訶。離婆離婆帝,求訶求訶帝,陀羅尼帝,尼訶啰帝,毗黎你帝,摩訶伽帝,真陵乾帝,莎婆訶。
往生咒(拔一切業障根本得生凈土陀羅尼)
南無阿彌多婆夜,哆他伽多夜,哆地夜他。阿彌利都婆毗,阿彌利哆悉耽婆毗,阿彌利哆毗迦蘭帝,阿彌利哆毗迦蘭多,伽彌膩伽伽那,枳多迦利娑婆訶。
南無佛陀。南無達摩。南無僧伽。南無室利,摩訶提鼻耶,怛你也他,波利富樓那遮利,三曼陀,達舍尼,摩訶毗訶羅伽帝,三曼陀,毗尼伽帝,摩訶迦利野,波禰波啰,波禰薩利嚩栗他, 三曼陀,修缽犂帝,富隸那,阿利那,達摩帝,摩訶毗鼓畢帝,摩訶彌勒帝,婁簸僧祗帝,醯帝簁,僧祗醯帝,三曼陀,阿他阿(少/免),婆羅尼。
摩訶般若波羅蜜多心經
觀自在菩薩,行深波若波羅蜜多時,照見五蘊皆空,度一切苦厄。舍利子,色不異空,空不異色,色即是空,空即是色、受、想、行、識,亦復如是。舍利子,是諸法空相,不生、不滅,不垢、不淨,不增、不減。是故空中無色、無受、想、行、識;無眼、耳、鼻、舌、身、意;無色、聲、香、味、觸、法。無眼界,乃至無意識界,無無明,亦無無明盡,乃至無老死,亦無老死盡,無苦集滅道,無智,亦無得。以無所得得故,菩提薩埵,依般若波羅蜜多故,心無罣礙,無罣礙故,無有恐怖,遠離顛倒夢想,究竟涅盤。三世諸佛,依波若波羅蜜多故,得阿藐多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多,是大神咒,是大明咒,是無上咒,是無等等咒,能除一切苦,真實不虛。故說波若波羅蜜多咒,即說咒曰:
揭諦揭諦,波羅揭諦,波羅僧揭諦,菩提薩婆訶。(三稱)
讚佛
上來現前清淨眾,諷誦楞嚴諸品咒,回向三寶眾龍天,守護伽藍諸聖眾。三塗八難俱離苦,四恩三有盡霑恩,國界安寧兵革銷,風調雨順民安樂。大眾熏修希勝進,十地頓超無難事;三門清淨絕非虞,檀信歸依增福慧。剎塵心念可數知,大海中水可飲盡,虛空可量風可計,無能盡說佛功德。天上天下無如佛,十方世界亦無比,世間所有我盡見.一切無有如佛者。南無娑婆世界,三界導師,四生慈父,人天教主,千百億化身,本師釋迦牟尼佛。
南無釋迦牟尼佛。
南無大智文殊師利菩薩。
南無護法諸尊菩薩。
南無道場會上佛菩薩。
普賢懺
弟子眾等,隨順修習,普賢菩薩,十種大願:
一者、禮敬諸佛。
二者、稱讚如來。
三者、廣修供養。
四者、懺悔業障。
五者、隨喜功德。
六者、請轉法輪。
七者、請佛住世。
八者、常隨佛學。
九者、恆順眾生。
十者、普皆迴向。
讚佛
讚禮釋尊:增期久遠修真。兜率降晨,長辭寶位金輪,坐菩提座,大破魔君。一覩明星道成,降法林。三乘眾等歸心。無生已證。現前眾等歸心。無勝速證。四生九有,同登花藏玄門,八難三途,共入毗盧性海。
回向偈
諷經功德殊勝行,無邊勝福皆回向,普願法界諸眾生,速往無量光佛刹。
願消三障諸煩惱,願得智慧真明了,普願罪障悉消除,世世常行菩薩道。
願生西方淨土中,九品蓮華為父母,花開見佛悟無生,不退菩薩為伴侶。
願以此功德,普及於一切,我等與眾生,皆共成佛道。
伏願:
南無十方常住三寶作大證明。
宗風永振,祖印重光,佛日增輝,法輪常轉,風調雨順,國泰民安,家家無饑饉之憂,處處享太平之樂。
次願:
現前弟子眾等,福慧雙修,菩提道心堅固,煩惱斷滅,業障消除,常獲吉祥,遠離苦厄。
普願:陰超陽泰,法界眾生,情與無情,齊成佛道。
同念:南無阿彌陀佛。
三皈依
自皈依佛,當願眾生,體解大道,發無上心。(一拜)
自皈依法,當願眾生,深入經藏,智慧如海。(一拜)
自皈依僧,當願眾生,統理大眾,一切無礙。(一拜)
天阿修羅
天阿蘇羅藥叉等,來聽法者應至心,擁護佛法使長存,各各勤行世尊教。諸有聽徒來至此,或在地上或居空,常於人世起慈心,晝夜自身依法住。願諸世界常安隱,無邊福智益群生,所有罪業並消除,遠離眾苦歸圓寂。恒用戒香塗瑩體,常持定服以資身,菩提妙華遍莊嚴,隨所住處常安樂。南無摧邪扶正護法諸尊菩薩摩訶薩。
暮時課誦
爐香贊
爐香乍熱,法界蒙熏,諸佛海會悉遙聞,隨處結祥雲,誠意方殷,諸佛現全身。南無香雲蓋萻薩摩訶薩。[三稱]
讚佛
法王無上尊,三界無倫匹;天人之導師,四生之慈父。於一念皈依,能滅三祇業;稱揚若讚歎,億劫莫能盡。
觀想
能禮所禮性空寂,感應道交難思議,我此道場如帝珠,十方諸佛影現中,我身影現諸佛前,頭面接足歸命禮。
皈依
一心頂禮,南無盡虛空徧法界,過現未來,十方諸佛,尊法賢聖僧常住三寶。
一心頂禮,南無娑婆教主本師釋迦牟尼佛,當來下生彌勒尊佛,大智文殊師利菩薩,大行普賢菩薩,護法諸尊菩薩,靈山會上佛菩薩。
一心頂禮,南無西方極樂世界大慈大悲阿彌陀佛,大悲觀世音菩薩,大勢至菩薩,大願地藏王菩薩,清淨大海眾普薩。
大悲咒
南無大悲會上佛菩薩[三稱]千手千眼無礙大悲心陀羅尼。南無喝囉怛那哆囉夜耶。南無阿唎耶,婆盧羯帝爍缽囉耶,菩提薩埵婆耶,摩訶薩埵婆耶,摩訶迦盧尼迦耶。唵,薩皤囉罰曳,數怛那怛寫,南無悉吉栗埵。伊蒙阿唎耶。婆盧吉帝。室佛囉愣馱婆。南無那囉謹墀醯利摩訶皤哆沙咩,薩婆阿他豆輸朋,阿逝孕,薩婆薩哆,那摩婆伽,摩罰特豆,怛侄他。唵,阿婆盧醯,盧迦帝,迦羅帝,夷醯唎,摩訶菩提薩埵,薩婆薩婆,摩囉摩囉,摩醯摩醯,唎馱孕,俱盧俱盧羯蒙,度盧度盧,罰闍耶帝,摩訶罰闍耶帝,陀囉陀囉,地唎尼,佛囉耶,遮囉遮囉。摩摩罰摩囉,穆帝隸,伊醯伊醯,室那室那,阿囉嘇佛囉舍利,罰沙罰嘇,佛囉舍耶,呼嚧呼嚧摩囉,呼嚧呼嚧醯利,娑囉娑囉,悉唎悉唎,蘇嚧蘇嚧,菩提夜菩提夜,菩馱夜菩馱夜,彌帝唎夜,那囉謹墀,地利瑟尼那婆夜摩那娑婆訶。悉陀夜,娑婆訶。摩訶悉陀夜,娑婆訶。悉陀喻藝室皤囉耶,娑婆訶。那囉謹墀,娑婆訶。摩囉那囉,娑婆訶。悉囉僧阿穆佉耶,娑婆訶,娑婆訶。波陀摩羯悉陀夜,娑婆訶。那囉謹墀皤伽囉耶,娑婆訶摩婆利勝羯囉夜,娑婆訶。南無喝囉怛那,哆囉夜耶。南無阿唎耶,婆嚧吉帝,爍皤囉夜,娑婆訶。唵,悉殿都,漫多囉,跋陀耶,娑婆訶。[三稱]南無本師釋迦牟尼佛。[三稱]開經偈無上甚深微妙法,百千萬劫難遭遇,我今見聞得受持,願解如來真實義。
阿彌陀經
南無蓮池海會佛菩薩。[三稱]佛說阿彌陀經
如是我聞。一時佛在舍衛國,祇樹給孤獨園,與大比丘僧,千二百五十人俱,皆是大阿羅漢,眾所知識。長老舍利弗,摩訶目犍連,摩訶迦葉,摩訶迦旃延,摩訶俱絺羅,離婆多,周利槃陀伽,難陀,阿難陀,羅侯羅,憍梵波提,賓頭盧頗羅墮,迦留陀夷,摩訶劫賓那,薄拘羅,阿那樓陀,如是等諸大弟子,並諸菩薩摩訶薩。文殊師利法王子,阿逸多菩薩,乾陀訶提菩薩,常精進菩薩,與如是等諸大菩薩,及釋提桓因等,無量諸天大眾俱。爾時,佛告長老舍利弗。從是西方,過十萬億佛土,有世界名曰極樂。其土有佛,號阿彌陀,今現在說法。舍利弗!彼土何故名為極樂?其國眾生,無有眾苦,但受諸樂,故名極樂。又舍利弗!極樂國土,七重欄楯,七重羅網,七重行樹,皆是四寶,周匝圍繞,是故彼國名為極樂。又舍利弗!極樂國土,有七寶池,八功德水,充滿其中,池底純以,金沙布地。四邊階道,金銀、琉璃、玻璃合成;上有樓閣,亦以金、銀、琉璃、玻璃、硨磲、赤珠、瑪瑙而嚴飾之。池中蓮花大如車輪,青色、青光,黃色、黃光,赤色、赤光,白色、白光,微妙香潔。舍利弗!極樂國土,成就如是功德莊嚴.又舍利弗,彼佛國土,常作天樂,黃金為地。晝夜六時,雨天曼陀羅華。其土眾生,常以清旦,各以衣祴盛眾妙華,供養他方十萬億佛,即以食時,還到本國,飯食經行。舍利弗,極樂國土,成就如是功德莊嚴。復次舍利弗,彼國常有種種奇妙,雜色之鳥,白鶴、孔雀、鸚鵡、舍利、迦陵頻伽、共命之鳥。是諸眾鳥,晝夜六時,出和雅音。其音演暢:五根、五力、七菩提分、八聖道分,如是等法。其土眾生,聞是音已,皆悉念佛,念法,念僧舍利弗,汝勿謂此鳥,實是罪報所生。所以者何?彼佛國土,無三惡道。舍利弗,其佛國土,尚無(三)惡道之名,何況有實。是諸眾鳥,皆是阿彌陀佛,欲令法音宣流,變化所作。舍利弗!彼佛國土,微風吹動,諸寶行樹,及寶羅網,出微妙音,譬如百千種樂,同時俱作。聞是音者,自然皆生念佛,念法,念僧之心。舍利弗,其佛國土,成就如是功德莊嚴。舍利弗!於汝意云何?彼佛何故號阿彌陀?舍利弗,彼佛光明無量,照十方國,無所障礙,是故號為阿彌陀。又舍利弗,彼佛壽命,及其人民,無量無邊阿僧祇劫,故名阿彌陀。舍利弗,阿彌陀成佛已來,於今十劫。又舍利弗!彼佛有無量無邊聲聞弟子,皆阿羅漢,非是算數之所能知;諸菩薩眾,亦復如是。舍利弗!彼佛國土,成就如是功德莊嚴。又舍利弗!極樂國土,眾生生者,皆是阿鞞跋致。其中多有一生補處。其數甚多,非是算數所能知之,但可以無量無邊阿僧祇說。舍利弗,眾生聞者,應當發願,願生彼國。所以者何?得與如是諸上善人俱會一處。舍利弗,不可以少善根福德因緣,得生彼國。舍利弗,若有善男子善女人,聞說阿彌陀佛,執持名號,若一日、若二日、若三日、若四日、若五日,若六日,若七日,一心不亂。其人臨命終時,阿彌陀佛,與諸聖眾,現在其前,是人終時,心不顛倒,即得往生阿彌陀佛極樂國土舍利弗,我見是利,故說此言,若有眾生,聞是說者,應當發願,生彼國土。舍利弗,如我今者,讚歎阿彌陀佛,不可思議功德之利。東方亦有阿閦鞞佛、須彌相佛、大須彌佛、須彌光佛、妙音佛;如是等恆河沙數諸佛。各於其國,出M廣長舌相,遍覆三千大千世界,說誠實言:汝等眾生,當信是稱讚不可思議功德,一切諸佛所護念經舍利弗,南方世界,有日月燈佛、名聞光佛、大焰肩佛、須彌燈佛、無量精進佛;如是等恆河沙數諸佛。各於其國,出廣長舌相,遍覆三千大千世界,說誠實言:汝等眾生,當信是稱讚不可思議功德,一切諸佛所護念經。舍利弗!西方世界,有無量壽佛、無量相佛、無量幢佛、大光佛、大明佛、寶相佛、淨光佛,如是等恆河沙數諸佛,各於其國,出廣長舌相,遍覆三千大千世界,說誠實言:汝等眾生,當信是稱讚不可思議功德,一切諸佛所護念經舍利弗,北方世界有,焰肩佛、最勝音佛、難沮佛、日生佛、網明佛;如是等恆河沙數諸佛,各於其國,出廣長舌相,遍覆三千大千世界,說誠實言:汝等眾生,當信是稱讚不可思議功德,一切諸佛所護念經。舍利弗!下方世界有,師子佛、名聞佛、名光佛、達摩佛、法幢佛、持法佛,如是等恆河沙數諸佛,各於其國,出廣長舌相,遍覆三千大千世界,說誠實言:汝等眾生。當信是稱讚不可思議功德,一切諸佛所護念經。舍利弗!上方世界有,梵音佛、宿王佛、香上佛、香光佛、大焰肩佛、雜色寶華嚴身佛、娑羅樹王佛、寶華德佛、見一切義佛、如須彌山佛,如是等恆河沙數諸佛,各於其國,出廣長舌相,遍覆三千大千世界,說誠實言:汝等眾生,當信是稱讚不可思議功德,一切諸佛所護念經。舍利弗!於汝意云何?何故名為一切諸佛所護念經舍利弗!若有善男子、善女人,聞是經受持者,及聞諸佛名者,是諸善男子、善女人,皆為一切諸佛之所護念,皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提。是故舍利弗,汝等皆當信受我語,及諸佛所說。舍利弗!若有人已發願,今發願,當發願,欲生阿彌陀佛國者,是諸人等。皆得不退轉於阿耨多羅三藐三菩提,於彼國土,若已生,若今生,若當生是故舍利弗!諸善男子、善女人,若有信者,應當發願生彼國土。舍利弗,如我今者,稱讚諸佛不可思議功德,彼諸佛等,亦稱讚我不可思議功德,而作是言:釋迦牟尼佛能為甚難希有之事,能於娑婆國土,五濁惡世,劫濁、見濁、煩惱濁、眾生濁、命濁中,得阿耨多羅三藐三菩提,為諸眾生,說是一切世間難信之法舍利弗,當知我於五濁惡世,行此難事,得阿耨多羅三藐三菩提,為一切世間說此難信之法,是為甚難。佛說此經已。舍利弗,及諸比丘,一切世間天人阿修羅等,聞佛所說,歡喜信受,作禮而去佛說阿彌陀經。阿彌陀佛讚西方教主淨土能人,四十八願度眾生發願誓弘深上品上生,同赴寶蓮成。
洪名寶懺
南無洪名會上佛菩薩。(三遍)
大慈大悲愍眾生,大喜大捨濟含識,相好光明以自嚴眾等志心歸命禮。
南無皈依金剛上師。
南無皈依佛。
南無皈依法。
南無皈依僧。
我今發心,不為自求,人天福報,聲聞、緣覺、乃至權乘諸位菩薩,唯依最上乘,發菩提心,願與法界眾生,一時同得阿耨多羅三藐三菩提。
南無皈依十方,盡虛空界,一切尊法。
南無皈依十方,盡虛空界,一切賢聖僧。(一拜)
南無如來、應供、正遍知、明行足、善逝世間解、無上士、調御丈夫、天人師、佛、世尊。(一拜)
南無普光佛。(一拜)
南無普明佛。(一拜)
南無普淨佛。(一拜)
南無多摩羅跋栴檀香佛。(一拜)
南無栴檀光佛。(一拜)
南無摩尼幢佛。(一拜)
南無歡喜藏摩尼寶積佛。(一拜)
南無一切世間樂見上大精進佛。(一拜)南無摩尼幢燈光佛。(一拜)
南無慧炬照佛。(一拜)
南無海德光明佛。(一拜)
南無金剛牢強普散金光佛。(一拜)
南無大強精進勇猛佛。(一拜)
南無大悲光佛。(一拜)
南無慈力王佛。(一拜)
南無慈藏佛。(一拜)
南無栴檀窟莊嚴勝佛。(一拜)
南無賢善首佛。(一拜)
南無善意佛。(一拜)
南無廣莊嚴王佛。(一拜)
南無金華光佛。(一拜)
南無寶蓋照空自在力王佛。(一拜)
南無虛空寶華光佛。(一拜)
南無琉璃莊嚴王佛。(一拜)
南無普現色身光佛。(一拜)
南無不動智光佛。(一拜)
南無降伏眾魔王佛。(一拜)
南無才光明佛。(一拜)
南無智慧勝佛。(一拜)
南無彌勒仙光佛。(一拜)
南無善寂月音妙尊智王佛。(一拜)
南無世淨光佛。(一拜)
南無龍種上尊王佛。(一拜)
南無日月光佛。(一拜)
南無日月珠光佛。(一拜)
南無慧幢勝王佛。(一拜)
南無師子吼自在力王佛。(一拜)
南無妙音勝佛。(一拜)
南無常光幢佛。(一拜)
南無觀世燈佛。(一拜)
南無慧威燈王佛。(一拜)
南無法勝王佛。(一拜)
南無須彌光佛。(一拜)
南無須曼那華光佛。(一拜)
南無優曇鉢羅華殊勝王佛
南無大慧力王佛。(一拜 )
南無阿閦毗歡喜光佛。(一拜)
南無無量音聲王佛。(一拜)
南無才光佛。(一拜)
南無金海光佛。(一拜)
南無山海慧自在通王佛。(一拜)
南無大通光佛。(一拜)
南無一切法幢滿王佛。(一拜)
南無釋迦牟尼佛。(一拜)
南無金剛不壞佛。(一拜)
南無寶光佛。(一拜)
南無龍尊王佛。(一拜)
南無精進軍佛。(一拜)
南無精進喜佛。(一拜)
南無寶火佛。(一拜)
南無寶月光佛。(一拜)
南無現無愚佛。(一拜)
南無寶月佛。(一拜)
南無無垢佛。(一拜)
南無離垢佛。(一拜)
南無勇施佛。(一拜)
南無清淨佛。(一拜)
南無清淨施佛。(一拜)
南無娑留那佛。(一拜)
南無水天佛。(一拜)
南無堅德佛。(一拜)
南無栴檀功德佛。(一拜
南無無量掬光佛。(一拜)
南無光德佛。(一拜)
南無無憂德佛。(一拜)
南無那羅延佛。(一拜)
南無功德華佛。(一拜)
南無蓮華光遊戲神通佛。(一拜)
南無財功德佛。(一拜)
南無德念佛。(一拜)
南無善名稱功德佛。(一拜)
南無紅燄帝幢王佛。(一拜)
南無善遊步功德佛。(一拜)
南無鬪戰勝佛。(一拜)
南無善遊步佛。(一拜)
南無周匝莊嚴功德佛。(一拜)
南無寶華遊步佛。(一拜)
南無寶蓮華善住娑羅樹王佛。(一拜)南無法界藏身阿彌陀佛[一拜]
如是等,一切世界,諸佛世尊,常住在世,是諸世尊,當慈念我。若我此生、若我前生,從無始生死以來,所作眾罪,若自作、若教他作、見作隨喜若塔、若僧、若四方僧物、若自取、若教他取、見取隨喜五無間罪,若自作、若教他作、見作隨喜。十不善道,若自作、若教他作、見作隨喜。所作罪障,或有覆藏、或不覆藏,應墮地獄、餓鬼、畜生,諸餘、惡趣、邊地、下賤,及蔑戾車,如是等處,所作罪障,今皆懺悔。(一拜)
今諸佛世尊,當證知我,當憶念我,我復於諸佛世尊前,作如是言:
若我此生,若我餘生,曾行布施,或守淨戒,乃至施與畜生,一摶之食,或修淨行,所有善根。成就眾生,所有善根,修行菩提,所有善根,及無上智,所有善根,一切合集,校計籌量,皆悉迴向,阿耨多羅三藐三菩提;
如過去未來、現在諸佛,所作迴向,我亦如是迴向,眾罪皆懺悔,諸福盡隨喜,及請佛功德,願成無上智。(一拜)
去來現在佛,於眾生最勝,無量功德海,我今歸命禮(一拜)
所有十方世界中,三世一切人師子,我以清淨身語意,一切遍禮盡無餘。普賢行願威神力,普現一切如來前,一身復現剎塵身,一一遍禮剎塵佛。(一拜)
於一塵中塵數佛,各處菩薩眾會中,無盡法界塵亦然,深信諸佛皆充滿,各以一切音聲海,普出無盡妙言辭,盡於未來一切劫,讚佛甚深功德海。(一拜)
以諸最勝妙華鬘,伎樂塗香及傘蓋,如是最勝莊嚴具,我以供養諸如來。最勝衣服最勝香,末香燒香與燈燭,一一皆如妙高聚,我悉供養諸如來。我以廣大勝解心,深信一切三世佛,悉以普賢行願力,普遍供養諸如來。(一拜)
我昔所造諸惡業,皆由無始貪瞋癡,從身語意之所生,一切我今皆懺悔。(一拜)十方一切諸眾生,二乘有學及無學,一切如來與菩薩,所有功德皆隨喜。(一拜)十方所有世間燈,最初成就菩提者,我今一切皆勸請,轉於無上妙法輪。(一拜)諸佛若欲示涅槃,我悉至誠而勸請,惟願久住剎塵劫,利樂一切諸眾生。(一拜)所有禮讚供養福,請佛住世轉法輪,隨喜懺悔諸善根,迴向眾生及佛道。(一拜)願將以此勝功德,迴向無上真法界,性相佛法及僧伽,二諦融通三昧印。如是無量功德海,我今皆悉盡迴向,所有眾生身口意,見惑彈謗我法等。如是一切諸業障,悉皆消滅盡無餘,念念智周於法界,廣度眾生皆不退。乃至虛空世界盡,眾生及業煩惱盡,如是四法廣無邊,願今迴向亦如是。(一拜)
南無大行普賢菩薩。(三稱、一拜)
蒙山施食
南無焰燃王菩薩。(三稱)
「猛火焰焰燒鐵城,鐵城裏面熱鬼魂,鬼魂若要生淨土,聽誦華嚴半偈經若人欲了知,三世一切佛,應觀法界性,一切唯心造。(三稱)
《破地獄真言》
唵,伽囉帝耶,娑婆訶。(三稱)
《普召請真言》
南無部部帝唎,伽哩哆哩,怛哆誐哆耶。(三稱)
《解怨結真言》
唵,三陀囉伽陀,娑婆訶。(三稱)
南無大方廣佛華嚴經。(三稱)
南無常住十方佛,南無常住十方法,
南無常住十方僧,南無本師釋迦牟尼佛,南無大悲觀世音菩薩,南無冥陽救苦地藏王菩薩,南無啓教阿難陀尊者。(三稱)皈依佛,皈依法,皈依僧,皈依佛兩足尊,皈依法離欲尊,皈依僧衆中尊,皈依佛竟,皈依法竟,皈依僧竟。(三稱)
佛子所造諸惡業,皆由無始貪瞋癡,從身語意之所生,一切佛子皆懺悔。有情所造諸惡業,皆由無始貪瞋癡,從身語意之所生,一切有情皆懺悔。孤魂所造諸惡業,皆由無始貪瞋癡,從身語意之所生,一切孤魂皆懺悔。衆生無邊誓願度,煩惱無盡誓願斷,法門無量誓願學,佛道無上誓願成。(三稱)
自性衆生誓願度,自性煩惱誓願斷,自性法門誓願學,自性佛道誓願成。(三稱)唵,缽囉末鄰陀寧,娑婆訶。(三稱)
《滅業障真言》
唵,阿嚕勒繼,娑婆訶。(三稱)
《開咽喉真言》
唵,步步底哩伽哆哩,怛哆野哆耶。(三稱)
《三昧耶戒真言》
唵,三昧耶,薩埵鋄。(三稱)
《變食真言》
南無薩嚩怛他誐哆,嚩嚕枳帝。唵,三跋囉三跋囉,吽。(三,七遍)
《甘露水真言》
南無蘇嚕婆耶怛他誐哆耶,怛姪他。唵蘇嚕蘇嚕鉢囉蘇嚕,鉢囉蘇嚕,娑婆訶。(三,七遍)
《一字水輪真言》
唵,鋄鋄鋄鋄鋄。(三稱)
《乳海真言》
南無三滿哆,沒馱喃。唵,鋄。(三稱)
《稱讚七如來》
南無多寶如來,南無寶勝如來,南無妙色身如來,南無廣博身如來,南無離怖畏如來,南無甘露王如來,南無阿彌陀如來。(三稱)
神咒加持淨法食,普施河沙眾佛子,願皆飽滿捨慳貪,速脫幽冥生淨土,皈依三寶發菩提,究竟得成無上道,功德無邊盡未來,一切佛子同法食。(三稱)
神咒加持法施食,普施河沙眾有情,願皆飽滿捨慳貪,速脫幽冥生淨土,皈依三寶發菩提,究竟得成無上道,功德無邊盡未來,一切有情同法食。(三稱)
神咒加持甘露水,普施河沙眾孤魂,願皆飽滿捨慳貪,速脫幽冥生淨土,皈依三寶發菩提,究竟得成無上道,功德無邊盡未來,一切孤魂同法食。(三稱)
汝等佛子眾,我今施汝供,此食遍十方,一切佛子共。願以此功德,普及於一切,我等與佛子,皆共成佛道。
汝等有情眾,我今施汝供,此食遍十方,一切有情共。願以此功德,普及於一切,我等與有情,皆共成佛道。
汝等孤魂眾,我今施汝供,此食遍十方,一切孤魂共。願以此功德,普及於一切,我等與孤魂,皆共成佛道。
《施無遮食真言》
唵,穆力陵,娑婆訶。(七遍)
《普供養真言》
唵,誐誐曩三婆嚩,伐日囉,斛。(七遍)
摩訶般若波羅蜜多心經觀自在菩薩,行深波若波羅蜜多時,照見五蘊皆空,度一切苦厄。舍利子,色不異空,空不異色,色即是空,空即是色、受、想、行、識,亦復如是。舍利子,是諸法空相,不生、不滅,不垢、不淨,不增、不減。是故空中無色、無受、想、行、識;無眼、耳、鼻、舌、身、意;無色、聲、香、味、觸、法;無眼界,乃至無意識界,無無明,亦無無明盡,乃至無老死,亦無老死盡,無苦集滅道,無智,亦無得。以無所得故,菩提薩埵,依般若波羅蜜多故,心無罣礙,無罣礙故,無有恐怖,遠離顛倒夢想,究竟涅盤。三世諸佛,依波若波羅蜜多故,得阿藐多羅三藐三菩提。故知般若波羅蜜多,是大神咒,是大明咒,是無上咒,是無等等咒,能除一切苦,真實不虛。故說波若波羅蜜多咒,即說咒曰:
揭諦揭諦,波羅揭諦,波羅僧揭諦,菩提薩婆訶。(三稱)
往生淨土神咒
南無阿彌跢婆夜,哆他伽哆夜,哆地夜他,阿彌唎都婆毗,阿彌唎哆,悉耽婆毗,阿彌唎哆,毗迦蘭帝,阿彌唎哆,毗迦蘭哆,伽彌膩,伽伽那,枳多迦隸,娑婆訶。(三稱)
願晝吉祥夜吉祥,晝夜六時恆吉祥。一切時中吉祥者,願諸上師哀攝受。
願晝吉祥夜吉祥,晝夜六時恆吉祥。一切時中吉祥者,願諸三寶哀攝受。
願晝吉祥夜吉祥,晝夜六時恆吉祥。一切時中吉祥者,願諸護法常擁護。
四生登於淨寶地,三有拖化妙蓮池
阿彌陀佛身金色,相好光明無等倫;白毫宛轉五須彌,紺目澄清四大海。光中化佛無數億,化菩薩眾亦無邊;四十八願度眾生,九品咸令登彼岸南無西方極樂世界,大慈大悲,阿彌陀佛。
南無阿彌陀佛。(多次)
南無大悲觀世音菩薩。(三稱)
南無大勢至菩薩。(三稱)
南無地藏王菩薩。(三稱)
南無清淨大海眾菩薩。(三稱)
一心皈命,極樂世界,阿彌陀佛,願以淨光照我,慈誓攝我。我今正念,稱如來名,為菩提道,求生淨土。佛昔本誓:「若有眾生,欲生我國,志心信樂,稱我名號,乃至十念,若不生者,不取正覺。」以此念佛因緣,得入如來,大誓海中。承佛慈力,眾罪消滅,善根增長。若臨命終,自知時至,身無病苦,心不貪戀,意不顛倒,如入禪定佛及聖眾,手執金台,來迎接我,於一念頃,生極樂國。花開見佛,即聞佛乘,頓開佛慧,廣度眾生,滿菩提願
讚禮西方
讚禮西方:極樂清涼,蓮池九品華香。寶樹成行,常聞天樂鏗鏘。阿彌陀佛大放慈光,化導眾生無量,降吉祥現前眾等歌揚,願生安養。現前眾等歌揚,同生安養。
普賢菩薩警眾偈
是日已過,命亦隨減,如少水魚,斯有何樂?大眾當勤精進,如救頭然,但念無常,慎勿放逸。
諷經功德殊勝行,無邊勝福皆回向,普願法界諸眾生,速往無量光佛刹。
願消三障諸煩惱,願得智慧真明了,普願罪障悉消除,世世常行菩薩道。
願生西方淨土中,九品蓮華為父母,花開見佛悟無生,不退菩薩為伴侶。
願以此功德,普及於一切,我等與眾生皆共成佛道。
三皈依
自皈依佛,當願眾生,體解大道,發無上心(一拜)
自皈依法,當願眾生,深入經藏,智慧如海(一拜)
自皈依僧,當願眾生,統理大眾,一切無礙(一拜)
Khắc bản: 1898
Tàng bản: Chùa Từ Hiếu
————————————–
[1]Kinh Tạp A-hàm, Tương Ưng An-na-ban-na (Ānāpāna), kinh 778 A-nan (Bản dịch: Thích Đức Thắng)
[2]Kinh Trung bộ III số 118 (Bản dịch: HT. Thích Minh Châu)
[3]Kinh Tăng Nhất A-hàm, Phẩm Quảng diễn (Bản dịch: Thích Đức Thắng).
[4]Chương 11: Đại Phương quảng viên giác tu-đa-la liễu nghĩa kinh. Bản dịch Việt: Thích Đức Thắng.
[5]Xa-ma-tha 奢摩他 Skt: Śamatha=Pāli: appanā), có nghĩa là chỉ dừng vào vắng lặng (an chỉ). Muốn cầu viên giác hành giả phải dùng tâm tịnh giác giữ lấycực tĩnh, nhiếp tâm trụ nơi duyên tịnh, lìa tán loạn. Tâm chỉ định vào tịnh duyên chứ không phải vọng duyên. Tâm chỉ dừng lại nơi chơn thể. Các Bồ-tát ngộ nhập vào Viên Giác thanh tịnh, dùng tâm giác ngộ thanh tịnh giữ lấy cực tĩnh mà hành, nhờ lắng đọng được các niệm nên biết rõ các thức là phiền động nên tuệ cực tĩnh phát sinh. Khách trần của thân tâm từ đây bị diệt hẳn; bên trong liền phát sinh tịch tĩnh nhẹ nhàn. Nhờ tịch tĩnh nên tâm các Như lai trong mười phương thế giới lại hiện rõ hình như trong gương sáng. Phương tiện này gọi là Xa-ma-tha.
[6]Tam-ma-bát-đề, 三摩鉢提 (Skt: samāpatti=Pāli), còn gọi là đẳng chí. Xa lìa hôn trầm, trạo cử gọi là đẳng; khiến tâm bình đẳng an hòa, gọi là chí. Hành giả muốn cầu Viên Giác, dùng tâm giác thanh tịnh biết rõ tâm tính cùng căn trần, đều nhân nơi huyễn hóa mà có, bèn khởi tu quán huyễn, để diệt trừ các huyễn. Đó gọi là tùy duyên dừng lại, có thể tùy duyên cảnh mình đã trải qua mà an tâm bất động.
[7]Thiền-na 禪那 (Skt: dhyāna), dịch ý là tịnh lự. Tịnh tức định, lự tức tuệ. Hành giả muốn cầu Viên Giác, vì tâm giác thanh tịnh nên tâm không chấp vào huyễn hóa cùng tướng tịnh, liền có thể tùy thuận vào cảnh giới tịch diệt mà dừng nghỉ không chấp vào hai bên, không còn chấp vào sinh tử, niết-bàn, vì không còn có tướng hai bên nữa.
[8]Để bản: năng lễ sở lễ 能禮所禮, tức chỉ cho người lễ lạy (ta, hay mọi người lễ lạy) và đối tượng được lễ lạy (Phật, bồ-tát, thánh hiền …).
[9]Đế châu 帝珠 theo Huyền ứng âm nghĩa 23, thì gọi là đế thanh帝青,tiếng Phạn gọi là nhân đà-la-ni-la mục-đa (indranilamuktā) là Đế-thích bảo hay Đế-thích thanh. Giữa bảo và thanh đều chỉ cho châu. Theo nghĩa này thì Đế châu là chỉ cho võng lưới ngọc châu.
[10]Nắm giữ các Pháp.
[11]Thủ Lăng Nghiêm, 首楞嚴 (Skt:Śūraṃgama), còn gọi là Thủ Lăng-già-ma, có nghĩa là đại đinh kiên cố, vì bản thể tâm của chúng sanh và chư Phật rộng lớn nên gọi là đai. Thể của tâm vốn thanh tịnh, vắng lặng không lay động nên gọi là định. Vì tánh tâm là bất đông, không thay đổi, nơi Thánh không tăng nơi phàm không giảm, thường hằng bất hoại nên gọi là kiên cố. Cho nên gọi chung là “Đại định kiên cố.”
[12]Tam ác đạo三惡道hay Tam ác thú,三惡趣, chỉ cho ba đường khổ: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
[13]Bát nạn, 八難 (Skt:aṣṭāv akṣaṇāḥ, Pali:aṭṭhakkhaṇā), chỉ cho Địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, trời Trường thọ, Biên địa, đui mù câm điếc, Thế trí biện thong, trước Phật sau Phật.
[14]Tứ ân, 四恩, Theo Kinh Tâm địa quán,心地觀經:là ân cha mẹ,ân chúng sanh, ân quốc vương, ân tam bảo. Theo Thích thị yếu lãm,釋氏要覽 : Ân cha mẹ, ân sư truỏng, ân quốc Vương, ân thí chủ.
[15]Tam giới, (Skt: trayo dhātavaḥ,Pali:tisso dhātuyo), chỉ cho Dục giới, sắc giới, vô sắc giới.
[16] Thập địa, 十地, (Skt: daśa-bhūmi, Pāli: dasa-bhūmi), là mười loại giai cấp địa vị, theo như các kinh luận đưa ra mười địa chung cho cả ba thừa được phân ra làm năm loại: 1/ mười địa thuộc càn huệ: Theo Đại Bát Nhã 6, 17 thì, mười địa này chung cho cả baa thừa, cho nên gọi ba thừa cộng Thập địa. Từ Càn huệ cho đến mười địa của Phật, tức Bồ-tát nương vào sức phương tiện tu tập Ba-la-mật, đồng thời thuậntheo đó hành Tứ niệm xứ cho đến mười tám pháp bất cộng, kinh qua chín địa trước cho đến Phật địa, đây là mười địa đủ của Bồ-tát, địa thứ mười chẳng phải là quả của Phật, mà Bồ-tát chỉ tu mười tam pháp bất cộng như Phật thôi. 2/ Mười địa thuộc Hoan hỷ: Theo Hoa nghiêm kinh 23 (cựu dịch) và Hoa nghiêm kinh 34 (tân dịch) thì, quá trình tu tâp của Bồ-tát thì trong năm mươi hai vị của Bồ-tát cần phải trải qua từ vị bốn mươi mốt cho đến vị năm mươi, tức mười địa. Bồ-tát từ sơ vị cho đến thành bậc Thánh, trưởng dưỡng trí Phật sau khi trí vô lậu phát sinh. 3/ Mười địa của Thinh văn: tức giai vị tu hành của Thinh văn, tức thọ Tam quy địa, Tín địa, Tín pháp địa, Nội phàm phu địa, Học tín giới địa, Bát nhơn địa, Tu-đà-hoàn địa, Tư-đà-hàm địa, A-na-hàm địa, A-la-hán địa. 4/ Mười địa của Bích chi Phật, tứ giai vị tu hành của Bích chi Phật. 5/ Mười địa của Phật: a) Thậm thâm nan tri quảng minh trí đức địa, b) Thanh tịnh phân thân oai nghiêm bất tư nghì minh đức địa, c) Thiện minh nguyệt tràng bảo tướng hải tạng địa, d) Tinh diệu kim quang công đức thần thong trí đức địa, e) Hỏa luân oai tạng minh đức địa, g) Hư không nội thanh tịnh vô cấu diễm quang khaitướng địa, h) Quảng Thắng pháp giớitạng minh giới địa, i) Tối tịnh phổ giác trí tạng năng tịnh vô cấu biến vô ngại trí thong địa, k) Vô biên ức trang nghiêm hồi hướng năng chiếu minh địa, l) Tỳ-lô-giá-na trí hải tạng địa.
[17]Tam môn, 三門, gọi đủ Tam giải thoát môn,三解脫門 (Skt: trīṇi vimokṣa-mukhāni), là ba cửa giải thoát: 1/ không môn, 空門 (śūnyatā), quán tất cả pháp đều không có tự tánh, do duyên hòa hợp mà sanh; nếu thông hiểu như vậy thì, đối với các pháp được tự tại. 2/ Vô tướng môn, 無相門 (animitta), đã biết tất cả pháp không, cho đến quán thật tướng nam nữ cùng một loại khác nhau không thể được; nếu thông đạt các pháp vô tướng như vậy thì, sẽ lìa được tướng sai biệt mà được tự tại. 3/ Vô nguyện môn, 無願門(apraṇihita), nếu biết các pháp là vô tướng thời đối với ba cõi không nguyện cầu gì cả; nếu không nguyện cầu thì, không tạo nghiệp sinh tử; nếu không tạo nghiệp sinh tử thì, không có quả báo khổ mà được tự tại.
[18]Đàn tín, 檀信, phát xuất từ Đàn-na (Skt=Pali:dāna), chỉ cho người chủ bố thí. Tiếng Phạn cùng tiếng Hán đều gọi là Đàn thí hay đàn tín.
[19]Một tên gọi khác của đức Phật.
[20] Kim luân, 金輪, là một trong bảy loại báu màmột vị Vua đã cảm được khi xuất hiện trên ngôi vịChuyển luân Thánh vương thì, bốn loại báu:kim, ngân, đồng, thiết này trong bảy loại báu.Nhân đó mà sanh ra tên gọi Kim luân Vương cho đến Thiết luân Vương. Như vậy từ Kim luân phát xuất từ Kim luân Vương của một bậc Chuyển luân Thánh Vương ra đời..
[21]Để bản: Pháp giới 法界.
[22]Để bản là năng lễ, sở lễ 能禮所禮, tức chỉ cho người lễ lạy (ta, hay mọi người lễ lạy) và đối tượng được lễ lạy (Phật, bồ-tát, thánh hiền …).
[23]Đế châu 帝珠theo Huyền ứng âm nghĩa 23, thì gọi là đế thanh帝青, Phạn gọi là nhân đà-la-ni-la mục-đa (indranilamuktā) là Đế-thích bảo hay Đế-thích thanh. Giữa bảo và thanh đều chỉ cho châu. Theo nghĩa này thì Đế châu là chỉ cho võng lưới ngọc châu.
[24]Bát công đức thủy 八功德水,tức tám nước công đức chỉ cho tám sự thù thắng của nước: lắng sạch, mát lạnh, ngọt tốt, nhẹ nhàn, thấm nhuần, an hòa, trừ đói khát, nuôi lớn các căn.
[25]Mạn-đà-la hoa 曼陀羅華,tên một loài hoa (Mandārava), theo Pháp hoa huyền tán 2, hay Huệ uyển âmnghĩathượng, thì có nghĩa là hoa làm thích ý, người thấy tâm sẽ vui vẻ. …
[26] Ngũ căn 五根(Skt: pañcendriyāṇi, Pāli: pañc’indriyāṇi), có hai loại: 1/ năm căn của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. 2/ Năm căn của: Tín căn, tinh tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn.
[27]Ngũ lực, 五力 (Skt=Pāli:pañca balāni), có ba thuyết, nhưng ở đây chỉ liên quan đến ba mươi bảy phẩm trợ đaonên Lực ở đây chỉ để phát sinh ra Thánh đạo nên có liên quan đến: Tín lực, tinh tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực.
[28] Thất Bồ-đề phần, 七菩提分, còn gọi là Thất giác chi, 七覺支(Skt: saptabodhyaṇgāni,Pāli: sattas ambojjhaṇgā), là hành pháp thứ 6 trong 37 phẩm trợ Đạo, bảy hành pháp này có khả năng hổ trợ cho việc triển khai trí tuệ bồ-đề. 1/ Niệm giác chi: Thường nhớ nghĩ đến Thiền định cùng trí tuệ. 2/ Trạch pháp giác chi: Nhờ vào trí tuệ lựa chọn lấy chân bỏ ngụy. 3/ Tinh tấn giác chi: Đối với chánh pháp luôn tinh tấn không lười biếng. 4/ Hỷ giác chi: Được chánh pháp vui mừng hoan hỷ. 5/ Khinh an giác chi: Thân tâm nhẹvui, an ổn. 6/ Định giác chi; vào thiền định tâm không tán loạn. 7/ Xả giác chi: tâm không lệch lạc, không chấp trước mà bảo trì quân bình.
[29] Tam ác đạo, 三惡道,chỉ cho ba đường: Địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.
[30] A-tăng-kỳ, 阿僧衹(Skt:asaṃkhya), là số mục của Ấn độ, chỉ cho vô số, không thể dùng toán số để đếm được.
[31] Nhất sanh bổ xứ, 一生補處 (Skt: eka-jāti-pratiboddha), nghĩa là chỉ cho người chịu luân hồi lần tối hậu, trải qua đời này, đời sau quyết định sẽ thành Phật.Nhân trải quaquan hệ trói buộcđời này, nênbị biến dịch sinh tử chi phối vì căn bản vô minh vẫn còn nênmới phụ vào nơiPhật vị trước khi hoàn thành tuệgiác vô thượngnên gọi là bổ xứ.
[32] Năng Nhơn 能人, một tên khác của đức Phật A-di-đà.
[33]Miệt lệ xa, 蔑戾車(Mleccha), là một dòng tộc hạ tiện nơi biên địa.
[34]Diệu cao sơn, 妙高山(Skt: Sumeru) tên của núi Tu-di, là tên núi trong thần thoại Ấn Độ, vũ trụ quan Phật giáo cũng theo đó màdùng, gọi nó là mộtnúi cao chót vót ở vị trí trung ươngcủa một tiểu thế giới, nó ở trung tâm có tám núi khác bao quanh, bao bọc bên ngoài làtám biển, hình thành một thế giới.
[35] Nhị đế, 二諦 (Skt: twi-satyas), chỉ cho chân đế và tục đế. Chân đế còn gọi là Thắng nghĩa đế hay đệ nhất nghĩa đế. Tục đế còn gọi là Thế tục đế hay Thế đế. Chân đế, 真諦 ( Skt: paramārtha-satya,Pāli: paramattha-sacca), chỉ cho chân lý xuất thế gian. Tục đế, 俗諦 (Skt: saṃvṛti-satya,Pāli: sammuti-sacca), chỉ cho chân lý của Thế gian.
[36]Nguyên bản: Tu-di sơn須彌山.
[37]Pháp trung Vương, 法中王, chỉ cho đức Phật, là vua giữa các Pháp, hay là vua Pháp.
[38]Nguyên bản: Tu-di sơn須彌山.
[39]Để bản : Năng lễ, sở lễ 能禮所禮, tức chỉ cho người lễ lạy (ta, hay mọi người lễ lạy) và đối tượng được lễ lạy (Phật, bồ-tát, thánh hiền …).
[40]Đế châu 帝珠theo Huyền ứng âm nghĩa 23, thì gọi là đế thanh帝青, Phạn gọi là nhân đà-la-ni-la mục-đa (indranilamuktā) là Đế-thích bảo hay Đế-thích thanh. Giữa bảo và thanh đều chỉ cho châu. Theo nghĩa này thì Đế châu là chỉ cho võng lưới ngọc châu.