Tư cách và nhiệm vụ người Đoàn phó

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp – Lộc Uyển

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

Trên ngưỡng cửa của cuộc đời làm Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng ta ai mà khỏi băn khoăn, lo lắng, bởi vì chúng ta đang nhận lãnh một vai trò hết sức quan trọng và khó khăn. Vai trò đó đòi hỏi chúng ta có một tư cách đứng đắn, nhiệm vụ phải chu toàn là dẫn dắt, giáo dục đàn em trở thành Phật tử chân chính góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần từ bi, bình đẳng của Đức Phật.

Ở bài “ Người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử ” chúng ta cũng đã thấy được cái nhân cách của người Huynh trưởng như thế nào ? khi chúng ta thực sự đãm nhiệm chức vụ Đoàn phó, chúng ta lại phải càng thấy rõ ; cái tư cách của mình là tối cần thiết và chúng ta cũng cần phải hiểu rõ nhiệm vụ cao cả của mình.

I. TƯ CÁCH NGƯỜI ĐOÀN PHÓ :

Người Đoàn phó cũng là một người Huynh trưởng. Tư cách của người Huynh trưởng được xây dựng trên 2 yếu tố :

–   Tác phong bên ngoài.

–   Đức tính bên trong.

1.  TÁC PHONG :

a.  Phục sức :

Bất cứ  khi nào, áo quần đứng đắn, không lòe loẹt hay luộm thuộm, tóc tai gọn gàng, thân thể sạch sẽ.

Khi mặc Đoàn phục thì giày mũ ngay ngắn, sạch sẽ, phù hiệu, cấp hiệu đầy đủ, đúng nội quy.

b.  Cử chỉ, hoạt động, đi đứng, ngôn ngữ :

–   Cử chỉ đúng đắn.

–   Đi đứng khoan thai.

–   Sống đời sống trong sạch, liêm khiết.

–   Lời nói hòa nhã, kính trên nhường dưới, không hống hách, kiêu căng.

2.  ĐỨC ĐỘ :

Lịch sử đã chứng minh chỉ có những người đức độ mới giữ được giềng mối quốc gia, tạo dựng một phong trào vững mạnh.

Đức độ không phải trời sinh, mà do những chủng tử sẳn có khi mang thân kiếp con người. Nhưng chúng ta học hỏi tu tập trau dồi thì chủng tử tốt mới phát triển. Những đức tính cần cho người Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử là :

–   Tình thươngThương đàn em. Chính tình thương đó là một động lực thúc đẩy ta đến với Gia Đình Phật Tử. Vì tình thương, ta luôn lo cho các em không bao giờ bỏ các em bơ vơ. Tình thương đó là chất liệu keo sơn gắn bó giữa người Huynh trưởng với Gia Đình Phật Tử, một tình thương diu dàng, đầm ấm, đầy đạo vị thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Đó  là điều khác biệt giữa người Huynh trưởng và mô phạm khác.

–   Hy Sinh : Vì tình thương ta đã quên mình, quên quyền lợi, danh vọng để lo cho các em, dù phải nhiều gian lao, khổ nhọc.Tuyệt nhiên không thể mượn Gia Đình Phật Tử làm nấc thang danh vọng hay làm nơi tiêu khiển, giải buồn.

–   Kiên nhẫn : Công việc Huynh trưởng rất nặng nhọc, quá nhiều khó khăn, trở lực. Trong giờ sinh hoạt, ở nhà, ở trường, ở sở, lúc nào ta cũng là người Huynh trưởng, Hoàn cảnh không thuận tiện, đàn em ngỗ nghịch, phụ huynh khó khăn, lúc Đoàn suy yếu ..vv.. ta phải cố chịu đựng, nhẫn nại để vượt qua, siêng năng tiến tới. Chúng ta phải xem thời Đoàn mình cường thịnh cũng như lúc Đoàn mình suy yếu. Ta vui khi thấy Đoàn mình cường thịnh nhưng không buồn không nản khi thấy Đoàn mình suy yếu mà phải nhìn cho được cái trọng trách của mình trong lúc đó. Có như thế mới xứng đáng với lý tưởng cao quý của chúng ta.

–   Trung kiên : Nhờ đức tính kiên nhẫn ta tập được tính trung kiên. Bất cứ đoàn thể nào muốn tồn tại lâu dài cũng đòi hỏi một đường lối chính đáng và những phần tử trung kiên. Đức tính trung thành bất cứ một nền luân lý nào cũng đề cao. Gia Đình Phật Tử trãi qua hơn nữa thế kỷ từ hình thành đến cũng cố, phải trải qua biết bao giai đoạn thử thách, thăng trầm, cam go mà vẫn đứng vững là nhờ những người đoàn viên trung thành với lý tưởng, thiết tha với sứ mệnh của mình. Luôn luôn kiên định lập trường của mình, không bị mua chuộc, bởi lợi danh, không quy phục bạo quyền .

Tóm lại nhờ có tư cách hoàn hảo, người Huynh trưởng mới được sự cảm mến kính nể của các em, khâm phục của mọi người xung quanh, nhất là của phụ huynh. Nhờ vậy, sự giáo dục đàn em của chúng ta mới thành công tốt đẹp, phong trào mới lớn mạnh.

II . NHIỆM VỤ :

1.  Đối với đạo pháp :

Trong bài “ người Huynh trưởng với Đạo pháp ” chúng ta đã nhận rõ nhiệm vụ của mình đối với Đạo pháp rồi. Ở đây chúng ta cần khắc sâu : nhiệm vụ của người Huynh trưởntg đối với đạo pháp là phải học hiểu thấu đáo giáo lý, áp dụng giáo lý vào đời sống hằng ngày dựa vào giáo lý để tu sưả bản thân, trau dồi đạo đức và phải xiễn dương chánh pháp. Trước mắt là phải đưa giáo pháp vào tâm hồn các em qua đường lối giáo dục của Gia Đình Phật Tử.

Chúng ta phải xây dựng cho chính mình và cho đàn em một đức tin sáng suốt.

Chúng ta còn có nhiện vụ phải đóng góp xây dựng Giáo hội vững mạnh và trang nghiêm .

2.  Đối với Gia Đình Phật Tử :

Tiếp xúc với Đoàn trưởng trong mọi công tác của Đoàn, của Gia đình nhất là lúc Đoàn trưởng vắng mặt nhiệm vụ của Đoàn phó lại nặng nhọc hơn. Phải hội ý với Đoàn trưởng trong mọi trường hợp, nhất là giữ uy tín cho Đoàn trưởng, không được ỷ lại chống báng. Người Đoàn phó còn là sợi dây dung hòa, đầu nối giữa anh chị Đoàn trưởng và các em.

3.  Đối với phụ huynh Đoàn sinh :

Phải liên lạc mật thiết với phụ huynh. Phải tỏ ra là người có tư cách, không phụ lòng tin cậy của phụ huynh khi họ gởi con em đến với Gia Đình Phật Tử  chúng ta.

4.  Đối với các em Đoàn sinh :

Thương yêu bằng sự dạy dỗ bằng sự trìu mến, chăm sóc che chở lúc ở Đoàn cũng như lúc ở nhà. Gần gũi tìm hiểu hoàn cảnh của các em, phải tập cho các em sống hòa hợp lễ độ, đáng mến, phát triển năng khiếu các em.

Trong việc phối trí công tác, phải biết phân chia công tác cho Đội Chúng Đàn hay cá nhân các em hợp lý, hợp tình, hợp khả năng, phương tiện, luôn luôn thay đổi công tác đã giao để đôn đốc, kiểm soát và giúp đỡ.

5.  Đối với cấp lãnh đạo :

Phải kính mến cấp lãnh đạo , thành tâm cộng tác với cấp trên trong mọi công tác, nhất là các Phật sự được giao phó phải cố gắng thi hành chu đáo, hăng hái để làm gương tốt cho các em. Người HT phải phản ánh được tinh thần kỷ luật tự giác.

Tóm lại, nhiệm vụ người Huynh trưởng càng nặng nề thì giá trị người Huynh trưởng càng cao quý. Phần thưởng xứng đáng nhất cho người Huynh trưởng là sứ mệnh cao cả được hoàn thành.

 

Bài khác nên xem

Dự Án Chương Trình Huấn Luyện Huynh Trưởng Được Trích Trong Tài Liệu Đại Hội 1973

phuocthanh

Vẽ Hoa sen Gia Đình Phật Tử Việt Nam

datthinh

Trại Phú Lâu Na IV “Anh hùng xuất thiếu niên”

ducquang