Trại Đoàn

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

I. ĐỊNH NGHĨA :

Trại là một trường Huấn luyện Thanh, Thiếu Nhi về ba phương diên Đức, Trí và thể dục.

Những ngày ở trại, các em mới có thú vui hồn nhiên và trong sáng. Chỉ có trại mới tập cho Thanh, Thiếu nhi một đời sống tự lập, sáng kiến, cao thượng và trong sạch, huân tập được nhiều tính tốt. Trại mới nâng cao đời sống hợp quần.

II. LỢI ÍCH :

1. Thể dục :

–    Thân thể cường tráng, sức khỏe bền bỉ, dẻo dai.

–    Chịu đựng sự khó nhọc của đường trường, sự cứng rắn của đất đai.

–    Đôi bàn tay trở thành lanh lẹ khéo léo.

2. Trí dục :

–    Tận dụng khả năng của mỗi giác quan, biết tháo vác, phát huy óc sáng kiến, ứng đáp nhanh nhẹn cho nhu cầu thực tế.

–    Phán đoán công việc mau lẹ, xử trí nhiều công việc đặc biệt, học hỏi nhiều điều mới lạ trong khi tiếp xúc với thiên nhiên.

–    Có thể nhìn xa thấy rộng.

3. Đức dục :

–    Huấn luyện chí khí, tập tính kiên nhẫn.

–    Biết đặt quyền lợi tập thể trên quyền lợi cá nhân.

–    Trau dồi trí tuệ.

–    Huân tập những đức tính : Thật thà, trung thực, thẳng thắn, tháo vác.

–    Thấy rõ giá trị của sự sống thiên nhiên.

–    Ý thức được sự hợp quần, biết khắc phục khó khăn.

–    Biểu lộ tinh thần đồng đội, đoàn kết.

–    Đề cao tinh thần trách nhiệm, lòng tự tin và trọng kỷ luật.

–    Loại bỏ tính ỷ lại, tính ích kỷ.

–    Tập hạnh nguyện lợi tha Bồ tát.

–    Tăng trưởng lòng yêu mến quê hương tổ quốc.

III. CÁC LOẠI TRẠI VÀ THỜI GIAN :

1. Các loại trại :

Ngoài những loại trại Đội, Đoàn, trại du ngoạn đã được ấn định, còn có thể có :

a. Trại hàng quý :

Mỗi quý chọn một ngày trại 24 giờ. Trại có tính cách dưỡng sức và bồi dưỡng chuyên môn cho Đoàn sinh. Thường tổ chức tại một địa điểm cố định.

b. Trại bay :

Không đóng một chỗ nhất định mà di chuyển từ chỗ nầy sang chỗ khác, nhiều nơi, nhiều ngày đêm.

c. Trại hè :

Trại nhiều ngày. Phải có chương trình tổ chức hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo, nhằm mục đích bồi bổ sức khỏe, tinh thần cho Đoàn sinh.

d. Trại huấn luyện :

Đặc biệt để huấn luyện.

e. Trại họp bạn (ngành hay gia đình) :

Đóng chung một địa điểm, có cùng một Ban Quản trại do các Đoàn hay Gia đình bầu lên.

2. Thời gian :

a. Trại 12 giờ :

Sáng đi tối về, không quá 15 cây số. Đi về đúng giờ đã quy định.

b. Trại 24 giờ :

Ở lại đêm. Địa điểm phải được xem xét kỹ lưỡng và do những Huynh trưởng có kinh nghiệm hướng dẫn.

IV. TỔ CHỨC TRẠI (Riêng cho ngành Thiếu) :

1. Thời gian chuẩn bị :

a. Xem đất trại :

–    Địa điểm trại phải rộng rãi, đủ chỗ để đóng trại. Có nơi họp chung.

–    Xa thành phố, xa những nơi đô hội.

–    Ở những khu rừng nhỏ, cảnh trí thanh tịnh, vườn rộng, có bóng mát, bên bờ sông, ven suối, hoặc ở những nơi danh lam thắng cảnh.

–    Có những chỗ ẩn núp phòng khi trời mưa hay quá nắng.

–    Chỗ có nước uống tốt.

+ Nên tránh :

–    Gần ao hồ nước độc – Nơi nhiều cây cỏ khô – Chỗ nhiều ruồi muỗi – Gần đường xe lữa – Quá gần làng mạc – Những cây to đứng một mình (dễ bị sét đánh khi có dông) – Chỗ tráng gió trống trải – Gần cây trốc gốc – Ở giữa lũng.

Xem đất trại xong phải vẽ bản đồ trại, phân chia vị trí.

b. Hành chánh :

Đoàn trưởng xin phép Liên Đoàn trưởng, rồi Gia trưởng chuyển đơn lên Ban hướng Dẫn xin phép (phải theo đúng thể thức xin tổ chức Trại).

c. Họp Hội Đồng Đoàn :

–   Sắp đặt công việc cho ngày trại.

–   Phân công cho hợp lý, các Đội, Chúng trưởng nào làm việc gì.

d. Vạch chương trình :

Tùy theo trại mà vạch chương trình cho thích hợp. Chương trình ấy phải được lập trước, phổ biến cho các Đội, Chúng trưởng để thực hiện.

2. Lúc ở trại :

–    Phải thực hiện cho kỳ được chương trình trại.

–    Nắm vững được tinh thần trại.

–    Chú trọng đến đời sống trại : Kỷ luật, sạch sẽ,

3. Lúc ra về và sau ngày trại :

Nguyên tắc là :

–    Không để lại một vết tích gì cả (dọn dẹp sạch sẽ).

–    Lúc đến đất trại như thế nào thì khi ra về đất trại phải được sạch sẽ hơn, hố vệ sinh, hố rác, hố bếp cho đến những rãnh lều phải được lấp cẩn thận.

–    Đừng quên cám ơn các vị ân nhân như chủ đất, chính quyền và các vị hảo tâm đã giúp đỡ trong ngày trại.

–    Sau ngày trại cùng với các Đội, Chúng trưởng có thể đi tham quan hỏi han sức khỏe của các em

Chương trình trại : Phải được sửa soạn thật chu đáo, vừa sức các em, cố gắng sắp xếp đừng để thì giờ trống làm uể oải tinh thần trại.

Sau đây là chương trình mẫu cho một trại 12 giờ :

–    06 giờ : Họp chung, kiểm điểm – Bạch Phật , lên đường.

–    08 giờ : Đến đất trại, tập trung. Dựng trại.

–    08 giờ 45 : Cử hành lễ nhập Trại – câu chuyện dưới cờ.

–    09 giờ : Sinh hoạt chung – Chuyên môn, trò chơi nhỏ, hát.

–    11 giờ 45 : Chuẩn bị cơm trưa – Cơm trưa. Nghỉ.

–    14 giờ : Trò chơi lớn (áp dụng các phần chuyên môn đã học)

–    16 giờ : Họp chung – Nhận xét về trò chơi lớn -Tuyên bố kết quả trò chơi lớn – Ra lệnh hạ trại.

–    16 giờ 30 : Hạ trại tổng vệ sinh.

–    17 giờ : Tập trung : Nhận xét về ngày Trại – Rút ưu khuyết điểm – Tuyên bố kết quả chung về ngày Trại. Trao giải thưởng – Lời nhắn nhủ – Giây thân ái (trong thời gian nầy Ban Quản Trại cử 2 vị đi kiểm tra vệ sinh toàn khu vực. Huynh trưởng đại diện Ban Quản Trại đến cám ơn chính quyền địa phương, Chư Tôn  trú trì (nếu Trại ở Chùa) hoặc chủ nhân khu đất cắm trại).

–    17 giờ 45 : Lên đường trở về.

V. ĐỜI SỐNG Ở TRẠI :

Hoạt động ở Trại phải gây được không khí vui vẻ và sống động.

–    Giờ im lặng phải tuyệt đối im lặng, giờ chơi phải thật hăng, thật vui.

–    Phải theo đúng kỷ luật Trại.

–    Gây không khí thi đua trong trò chơi lớn (nhưng không phải là ganh đua).

–    Phải thi hành đúng đắn chương trình đã vạch.

–    Phải hoạt động liên tục đừng để trống thì giờ, ai cũng có việc, đúng giờ đúng giấc (trừ thời gian nghỉ – tuyệt đối mọi trại sinh phải nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe).

–    Tuyệt đối không nên có tinh thần uể oải, không có sự cười đùa vô ý thức.

–    Vâng lời, tuyệt đối theo lệnh của Trại trưởng : Mệnh lệnh là mệnh lệnh, chơi là chơi, học là học.

–    Sạch sẽ trong ăn mặc, ngôn ngữ đàng hoàng, y phục tươm tất gọn gàng.

–    Phát huy đời sống tập thể, áp dụng đúng 6 phép lục hòa.

VI. KẾT LUẬN :

Tổ chức một cuộc Trại, một cuộc du ngoạn là một cuộc chuẩn bị chu đáo, một sự thi hành triệt để. Hoạt động của Trại phải vui vẻ, sống động. Tự sinh hoạt Đoàn, Đội, Chúng. Nó phải có một điều gì bảo đảm cho kết quả của ngày Trại nói chung và riêng từng Đội, Chúng.

Không thể trong sự vui vẻ sống động ở Trại mà thiếu trật tự vô kỷ luật để chẳng những không đạt kết quả giáo huấn mà lại biến ra việc làm của chúngta không ích lợi gì. Huynh trưởng cần phải ý thức được như vậy để chuẩn bị mọi việc cho chu đáo từ tinh thần đến hoạt động, chương trình vạch định cho thích hợp.

PHẦN PHỤ LỤC

( Để sử dụng cho ngành Oanh. Hoặc cho Đội, Chúng ngành Thiếu )

DU NGOẠN

 

I. MỤC ĐÍCH :

Du ngoạn là một phương tiên đưa trẻ đến gần với thiên nhiên tạo cơ hội cho các em quan sát những điều thực tế, nhằm mục đích :

–   Mở rộng kiến thức cho Đoàn sinh.

–   Thay đổi không khí sinh hoạt.

–   Giải trí lành mạnh về tinh thần lẫn thể chất.

II. HÌNH THỨC DU NGOẠN :

Du ngoạn được tổ chức dưới những hình thức sau đây :

–   Một cuộc dạo chơi tập thể cùng Đoàn, Đội, Chúng, Đàn.. . .

–   Một cuộc đi thăm một di tích lịch sử, một thắng cảnh hay nơi Phật tích  . . . (thường tổ chức cho cả Đoàn, chủ yếu là ngành Oanh).

III. NHỮNG ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ TỔ CHỨC MỘT CUỘC DU NGOẠN :

1. Đề ra mục đích

(một trong 3 mục đích trên – có phối hợp một lúc 2 mục đích)

2. Chọn địa điểm :

Nên chọn địa điểm mát mẻ, có di tích lịch sử, có Phật tích hoặc là một thắng cảnh. Đoàn trưởng phải đi quan sát trước địa điểm, tìm tòi những cái hay, những cái lạ tạo câu chuyện hứng thú giảng giải cho các em để gây được không khí hào hứng vui tươi và hấp dẫn. Nếu cần, Đoàn trưởng phải biết rõ nơi đến, tìm thêm những nét đặc biệt trong vùng để giải thích cho các em. Chính đó sẽ gây cho các em niềm tin tưởng và thêm uy tín cho Huynh trưởng.

3. Vạch chương trình :

Sau khi đã quan sát kỹ lưỡng địa điểm du ngoạn, Đoàn trưởngvà Đoàn phó hội ý với nhau vạch định một chươngtrình chu đáo và thích nghi.

a. Thời gian du ngoạn :

Suốt một ngày. Đoàn trưởng tùy tiên mà ấn định ngày giờ.

b. Phần sinh hoạt :

Lợi dụng cảnh vật thiên nhiên, Huynh trưởng hướng dẫn cho các em những trò chơi, nhận xét thiết thực,linh động. Áp dụng bài học về phần sinh hoạt nầy.

4. Chuẩn bị :

Trước khi tổ chức du ngoạn, Huynh trưởng cần chuẩn bị những vấn đề trên còn lo đến :

a. Hành chánh :

–    Xin phép (thủ tục giấy tờ) trình Liên Đoàn trưởng và Gia trưởng biết ngày Du ngoạn của Đoàn.

–    Trình Ban hướng Dẫn về việc tổ chức ngày Du ngoạn nói trên.

–    Giao thiệp các cơ quan hành chánh, chính quyền nơi mình đến du ngoạn để gây thiện cảm.

b. Phương tiện :

–    Lo phương tiên di chuyển (nếu nơi du ngoạn xa), ăn uống cho Đoàn sinh.

–    Kiểm soát việc di chuyển (tuyệt đối an toàn – nếu đi xe hơi, phải đủ chỗ, không để các em ngồi trên trần hay đu ở ngoài xe).

–    Lo vấn đề sức khoẻ cho các em (biện pháp đề phòng).

IV. KẾT LUẬN :

Muốn có được một cuộc Du ngoạn bổ ích, Huynh trưởng phải chuẩn bị cho thật chu đáo, nghiên cứu chương trình kỹ lưỡng, hướng mọi sinh hoạt gần với thực tế thiên nhiên để gây cho Đoàn sinh một không khí vui vẻ và sống động.

Cuộc Du ngoạn chỉ có ý nghĩa và đem lại kết quả khi nó đạt tới mục đích giáo huấn và đem lại cho Đoàn sinh hào hứng vui tươi.

Bài khác nên xem

Vai trò ngôi chùa trong việc giáo dục thanh thiếu niên

phuocthanh

Gia Đoạn 2 Trại Lộc Uyển 16/ Bà Rịa Vũng Tàu

phuocthanh

Trại Đội Chúng

datthinh