8. Bộ văn kiện gia bảo: Nội qui & qui chế huynh trưởng Gia Đình Phật Tử:
Nội qui Trình GĐPT hình thành vào năm 1951 – Qui chế HT hình thành năm 1955 và tiếp nối 1964, 1967 qua những lần tu chỉnh sau này đến đại hội HT toàn quốc 1973 đã được Viện Hóa Đạo duyệt ban hành ở mỗi kỳ đại hội. Đây là một công trình cân não trí tuệ của tập thể huynh trưởng toàn quốc nên vị trí của nó rất đáng trân trọng – Vì tự thân nó là Pháp kỷ để ban hành và thực các văn kiện pháp qui, là kim chỉ nam, là cương lĩnh lãnh đạo, điều hành tổ chức. Đối với lịch sử GĐPT VN, nó là một sự hoàn thiện về tính thống nhất và qui củ để bảo tồn và phát triển GĐPT, Lịch sử đã chứng minh trong những giai đoạn tăm tối nhất của Tổ chức GĐPT, chính nhờ vào Nội Qui đã hướng dẫn những trưởng áo Lam bền lòng vững chí lèo lái con thuyền Gia đình Phật tử vượt qua. Tuy rằng tùy duyên theo thời thế nhưng mục đích sự tuân thủ tổ chức và tinh thần GĐPT vẫn kiên định bất biến .
Cho đến nay (1973 – 2004 ) , 31 năm sau , GĐPT vẫn chưa được thuận duyên để mở một đại hội mới – để tu chỉnh chính thức bản Nội qui & qui chế huynh trưởng cho hợp thời . Song có thể nói, văn kiện này là một sự tập họp đỉnh cao về sự định hướng chương trình tu học trường kỳ của huynh trưởng các cấp song song với các Trại trường huấn luyện, là nền tảng kiên cố để xây dựng những căn nhà cao rộng , những toà tháp uy nghi sừng sững Gia đình Phật tử tại Việt Nam và trên toàn thế giới .
Hiện nay , có một bản nội qui tu chỉnh mang danh là Gia đình Phật Tử nhưng tên gọi của tổ chức này là PHÂN BAN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, cũng mặc áo Lam, cũng chào Sen trắng, cũng xưng là Gia đình Phật tử, với sự chỉ đạo của Ban Tôn Giáo và Giáo hội mới quản lý đã nhóm họp nhau để sửa chữa, cắt bỏ, bổ sung bản nội quy và quy chế HT công trình tim óc của GĐPT Việt Nam thành của riêng phái này.
Khi tác tạo những điều này họ đã ngang nhiên giẫm đạp lên vị trí trang trọng nhất của Gia đình Phật tử. Từ cội nguồn, nền móng cũ, mọi sự tận tụy , hy sinh cho tổ chức của tiền nhân đương nhiên bị chối bỏ, chối bỏ luôn sự hy sinh cao cả của chư Thánh tử Đạo cho Đạo Pháp & Dân Tộc. Riêng Gia Đình Phật Tử Truyền Thống đến nay vẫn chịu nhiều ngăn trở chưa được phép tiến hành đại hội nên mỗi giai đoạn đều phải tùy duyên mà gìn giữ giềng mối Gia Đình.
9. Quyển Nghi thức tụng niệm Gia Đình Phật Tử:
Là sự nghiên cứu, tuyển lọc của chư Tôn Thiền Đức – Cố vấn Giáo hạnh Gia đình Phật Tử qua các bài thi kệ, sám, nguyện, hồng danh trong các nghi thức sám hối, lễ cầu an – cầu siêu…do Giáo hội Tăng Già ấn hành … thành các nghi thức GĐPT, tuy giản lược, ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa, dễ nhiếp tâm tụng niệm và phù hợp với tuổi trẻ hơn. Quyển nghi thức GĐPT này do nhà xuất bản Sen vàng tái bản nhiều lần trước 1975 – về sau phát hành thêm dưới hình thức photocopy hay in lại trên máy vi tính. Những bản in lại thường có những chỗ sai sót so với bản kinh gốc .
– Tại sao GĐPT sử dụng các nghi sám hối, cầu an, cầu siêu riêng biệt khác với các khoá lễ các tông ?
– GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ nên các khoá lễ do GĐPT tổ chức các nghi thức , lễ tiết vừa đủ với thời gian vừa phải và các đoàn viên cũng phải rõ nghĩa lý những lời tụng niệm của mình . Song , các huynh trưởng cũng tùy theo và hoà nhập với lễ nghi các Tông khi sinh hoạt tụng niệm với cácĐạo tràng Phật tử khác .
10. Quyển Phật Pháp bốn cấp , tài liệu tu học Phật Pháp hoàn chỉnh đầu tiên của ngành Thiếu ( từ Hướng Thiện đến Chánh Thiện ) Do các thầy Minh Châu , Thiên An , Đức Tâm , Chân Trí …. đồng soạn thảo . Bố cục bài vở và văn phong tương ứng với trình độ các bậc học từ thấp đến cao – Gần 50 năm nay liên tục tái bản .Tuy rằng còn chỗ không hợp thời như niên đại lịch sử đức Phật Thích Ca đã được sửa đổi vào thập niên 1960 nhưng tài liệu vẫn giữ nguyên! Giáo trình này cũng tương tợ như tài liệu Phật Pháp của học sinh các trường trung học Bồ Đề ( trước 1975 ) nhưng sắp xếp theo chương trình tu học của Gia đình Phật Tử và thiên về Phật Giáo Đại thừa và Thiền Tông hơn.
Tổ chức Gia đình Phật tử chọn sắc áo Lam là màu sắc chính – Màu Lam là màu hoà hợp , hướng thượng , ôn hoà mà nhẹ nhàng , các màu sáng hơn ( Lam xanh ) hay tối hơn ( xám chì ) đều không phải là màu Lam Gia đình Phật tử .
11. Các kiểu mẫu đồng phục áo Lam của Huynh trưởng , các ngành Oanh Vũ , Thiếu ,Thanh nam – nữ cũng được qui định.(biểu mẫu tuy phác thảo thô sơ nhưng nếu design nghiêm chỉnh thì cũng mang tính nghệ thuật thời trang!)
Cho dù quí anh chị cao niên – vẫn tuân thủ đúng Nội Qui đồng phục GĐPT
11. Các kiểu mẫu , màu sắc , Cờ hiệu , con dấu , cấp hiệu , chức vụ , bản tên của Ban hướng dẫn trung ương , các Ban hướng dẫn Tỉnh , Thị ; của các đơn vị Gia đình , Đoàn , Đội , chúng , đàn đều được thống nhất theo nội qui .
12. Tài liệu tu học GĐPT : Từ thời thành lập Phật học Đức Dục , sớm tập họp nhiều anh chị trí thức học Phật ,Quí tiền bối phần nhiều đều có khả năng sư phạm giáo dục và ý thức hiệu quả của Phật học quảng bá sẽ tạo ra công năng chấn hưng Đạo đức nước nhà , nên trên các diễn đàn của Phật Giáo thời đó : nguyệt san Viên Am , Bát Nhã Am , Đuốc Tuệ , Pháp Am ….. nhất là Viên Am đều có bài viết về Phật học của các anh chị . Trong quyển Phật học phổ thông do cố HT Thiện Hoa biên soạn đã không ngừng khen ngợi cung cách soạn bài của bác Tâm Minh – Lê Đình Thám cho mỗi khoá học . Và Ngài Thiện Hoa đã xử dụng phương pháp này để xây dựng “ cây thang Giáo lý” trong bộ Phật học Phổ thông .
Để phục vụ và phổ biến cương yếu của tổ chức những tài liệu tu học không ngừng được soạn thảo từ thời Gia đình Phật Hoá phổ cho đến nay ( 1947 –2004 ) Nếu như có những thư viện Gia đình Phật tử thì khoảng không gian dành cho Tài liệu này không phải nhỏ . Ngày ấy , các tài liệu GĐPT được nhà in phát hành với số đầu sách khiêm tốn – đa phần là đánh máy , quay ronéo hoặc in lụa . Thực ra , diễn đàn GĐPT và Phật Giáo không có gì phân biệt . Tài liệu về Phật Pháp , những bài thuyết Pháp do chư Tôn Thiền Đức biên soạn và quí anh chị HT cao niên viết nhiều bài tham luận có giá trị góp ý từ thời Phật học Đức Dục , cho đến năm 1975 các diễn đàn rộng lớn của Phật Giáo và nội bộ GĐPT bị gián đoạn do bế tắt nhiều mặt , nhất là quyền kiểm duyệt và in ấn rất gắt gao – Ít ra là hai thập niên 1975 – 1995 , anh chị em áo Lam lại chuyền tay nhau những quyển vở chép tay , chuyền tay và đọc say sưa như những trang gia bảo hiếm hoi . Giữa thập niên 1990 trở đi , công nghệ “ vi tính “ phổ biến và Ban Nghiên huấn – Tu thư liên tục biên soạn các tài liệu tu học tương ứng với chương trình các trại huấn luyện Lộc Uyển – A Dục – Huyền Trang , các tài liệu tu học trường kỳ Kiên – Trì – Định – Lực . Có lẽ các tài liệu này tổng hợp từ HT cấp cao nhiều tỉnh và thời gian phát hành “ cập rập “ nên sự sai sót về sử kiện , địa lý , hệ thống dàn bài và lập luận khá nhiều . Dù sao cũng phải ghi nhận đây là một sự “ nỗ lực “ khá hiệu quả trong giai đoạn khó khăn nhất của Gia đình Phật tử tại Việt Nam.
13. Đỉnh cao của công trình kiến trúc GĐPT : Đài Lục Hoà
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài Lục hoà tại trung tâm Trại trường GĐPT lúc 10 giờ ngày 19 – 01-1969 , Trại trường toạ lạc bên cạnh hồ Than Thở Đà Lạt rộng 17 mẫu ( 170.000m 2 ). Địa phương này lúc ấy do Ban hướng dẫn Đà Lạt Tuyên Đức quản hạt – Nay là BHD Lâm Đồng . GĐPT VN từ đây có quyền mơ ước về một Trại trường , một trung tâm đào luyện toàn quốc HT các cấp , nền tảng cho sự thống nhất GĐPT ViệtNam
Đài lục hoà được thiết kế trên cột hình trụ 6 mặt , khắc theo lối chữ triện 6 phép lục hoà Biểu hiện ý chí hoà hợp – thống nhất sinh hoạt toàn diện GĐPT : thống nhất Tư tưởng , hành động – thống nhất điều khiển qua trại trường GĐPT . Dưới có toà sen nâng đỡ – dưới toà sen là những viên gạch hội tập có khắc tên những BHD tỉnh , thị xã đã hợp sức xây dựng đài này . Trên chót cao là tượng Quán Thế Am bồ tát ”từ nhãn thị chúng sanh “ với thanh tịnh bình và nhành dương liễu cứu khổ ban vui .
Bốn năm sau , ngày 25 – 12 – 1973 Đài Lục Hoà được khánh thành trong niềm hân hoan chung của GĐPT toàn quốc . Sau ngày đất nước thống nhất – 17 mẫu đất của Trại trường GĐPT ViệtNam bị thu hồi . Hiện thực về một trại trường lại biến thành mơ ước !
Tuy nhiên, cho dù các trại huấn luyện Huynh trưởng tổ chức nơi đâu, phù hiệu vẫn mang hình ảnh đài lục hoà GĐPT mặc dù trong quy chế huynh trưởng có thể tuyển chọn các sáng tác mới về nhạc cũng như vẽ phù hiệu!
14. Tác phẩm Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử ; Của người Ao Lam xuất bản nắm 1965 – Tác giả là Lữ Hồ , bút hiệu của cố HT Nguyễn Minh Hiền , G.S Triết trường nữ trung học Gia Long , Uy viên tu thư BHD trung ương ( 1964 – 1966 ) .
Đây là một tác phẩm hiếm hoi có thể nói là xác định hướng đi cho hàng HT GĐPT , hiếm hoi là vì sách đặt ra các vấn đề “ ngóc ngách và nhạy cảm “ Đạo Pháp – Dân Tộc , lòng ái quốc , sứ mệnh cứu quốc kiến quốc và sứ mệnh hộ pháp của GĐPT . Mặc dù đó là các yếu tố rất thực , sự thực … nhưng ngày nay công luận người ta rất “ nể “ tác phẩm này vì tự nó đã xác định “ vị trí “ GĐPT trên quê hương này.
15. Với câu chuyện tiền thân chim Oanh Vũ , anh Nguyên Y – Lương Hoàng Chuẩn cùng chị Đặng Tống Tịnh Nhơn đã “ phóng tác “ thành các chú chim Oanh trong một gia đình Oanh Vũ – Cũng như quyển tài liệu tu học dành cho ngành Oanh được in ấn công phu thời anh Phan Văn Gái là UV nghiên huấn . Đến thời Như Tâm Nguyễn Khắc Từ để đáp ứng phong trào GĐPT toàn quốc lớn mạnh, anh và các đồng sự đã biên soạn rất khó nhọc vì Pháp nạn , bắt bớ truy tầm liên miên – vừa phục vụ Giáo hội vừa phục vụ GĐPT .
Quyển Gia Trưởng ra đời với một giọng văn nói chân thật đầm thắm trước cảnh tình Dân tộc Đạo Pháp vạn nan ngầm hướng dẫn các “ Bác “ làm việc thống nhất đúng hướng đi . Với giọng điệu một người anh nói chuyện với đàn em , anh tiếp tục biên soạn và quay Ronéo xong bộ Đội trưởng , thủ công tuy đơn sơ nhưng cung cách mô phạm rắn rỏi khôn cùng . Anh Từ chưa từng làm “ Thầy “ để dạy ai – nhưng bao thế hệ ngưỡng mộ anh như một bậc “ Thầy “ thực thụ – Về sau bản tin Sen trắng , tiếng nói chính thức của BHD TƯ ra đời , thời buổi khó khăn , tài chánh eo hẹp , đất nước đang bị chiến tranh tàn phá ….. các anh có bao “ Đêm trắng “ để hoàn thành nhiệm vụ của GĐPT phó thác .