Tản mạn về Huế

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

HUẾ!

Tiếng kêu sao mà cụt ngủn! Không như những thành phố khác, ít nhất cũng hai tiếng như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Sài Gòn… Hay dài lê thê như Phan Rang Tháp Chàm. Một sự ngẫu nhiên là tôi đã sống ở hai thành phố có tên dài nhất và ngắn nhất. Tuy ngắn ngủn thế mà cũng như tiếng MẸ, nghe rất thân thương, lại chứa đựng nhiều ân tình khó quên được. Nhất là đối với những người sinh ra ở Huế. Đố người Huế nào khi sống xa nhà mà không thương Huế, nặng lòng với Huế. Với tôi, thì Huế lại là cả một “bầu trời nhung nhớ”. Nói tới Huế, tôi thấy có một cái gì đó rất thiêng liêng. Có lẽ mọi người dân xứ Huế cũng đều nghĩ như vậy. Nhiều khi nhớ Huế da diết, nhất là những ngày mưa rơi tầm tã. Nhìn mưa rơi lại liên tưởng đến mùa đông xứ Huế. Suốt mấy tháng trường chẳng thấy ông mặt trời. “Trời hành cơn lụt mỗi năm”. Chẳng năm nào mà không có hai ba trận lụt. Có năm lụt rất lớn, nhà  trôi, người chết. Chẳng hạn cơn lụt năm Dần (1950) hay năm Tỵ (1953). Nước vào nhà tôi gần ngập mái! Ngồi trong nhà nghe tiếng kêu cứu của những người trôi nhà bám được vào cây bàng trước đình, nghe thật não nuột, nhưng cũng đành chịu không ra cứu được, ngay nhà mình cũng không biết sẽ trôi đi lúc nào, lực bất tòng tâm. Mỗi khi trời lụt là phải lôi qua Đập Đá để đi học vì nhà tôi ở tận Chợ Mai. Nói đến Đập Đá, nói đến lụt là không bao giờ tôi quên được một tai nạn đau buồn đã xảy ra cho gia đình anh Ngạn.

Sinh ra và lớn lên ở Huế, chịu đựng khí hậu khắc nghiệt của đất Thần kinh suốt quãng đời niên thiếu. Mùa hè thì nóng như thiêu đốt, nhất là những đợt gió Lào. Người ta nói “nóng như Phan”, nhưng cái nóng ở Huế còn hơn thế nữa,  nóng như thổi lửa vào mặt. Mùa đông thì lạnh buốt tê cóng tay chân. Ở nhà thì ngồi bên cái “lồng ấp” suốt ngày, ngủ thường đắp hai ba cái mền, nhà nghèo thì trải rơm để nằm. Ra đường thường mặc hai ba lớp áo. Thế mà vẫn còn lạnh. Hình như cái lạnh từ trong ruột lạnh ra.

Huế là thế đó! Khí hậu khắc nghiệt không đâu bằng. Thế mà không có một người con xứ Huế nào lại không thương Huế, nhớ Huế. Nhất là đối với những kẻ sống ở đất khách quê người. Mỗi khi gặp ai nói tiếng “trọ trẹ” là liền tìm đến hỏi thăm, trò chuyện.

Tuy thế, ở miền sông Hương, núi Ngự lại cũng lại rất thơ mộng. Những buổi chiều nhìn những tà áo dài bay phất phới trên bờ sông Hương, trên đồi Vọng Cảnh, những buổi sáng nhìn mặt trời mọc ở biển Thuận An… thì thật đẹp không đâu bằng. Đúng là Huế thơ, Huế mộng. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ, tuy không phải người Huế mà mỗi lần đi ngang Huế cũng gợi lên niềm cảm xúc và đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng. Huống là tôi, một người dân xứ Huế, không nặng lòng với Huế sao được. Nếu ở đó không có mái chùa cong cong kia để tôi thấy thoang thoảng màu khói hương nhẹ tan trong nắng chiều, nếu không có mấy sợi bông cỏ bay bay trên mộ ba tôi, mộ em tôi trên đồi sau cầu Lim, nếu không có đàn bướm trắng phấp phới bên hàng phượng đỏ tươi trên đường Lê Lợi, không có màu hồng quý phái sang trọng của trường Quốc Học, nếu không có Huế để tôi nghĩ tới, để tôi níu lấy, bám lấy thì tôi sẽ là cái gì. Có thể nói “tôi là Huế và Huế là tôi”. Tôi nghĩ một ngày nào đó khi tôi nằm xuống thì hồn tôi sẽ bay ngay về Huế.

120111600px-Quochocxua21234
Trường Quốc Học xưa – Ảnh: truongquochochue.com

Nói đến trường Quốc Học thì lại cả một trời kỷ niệm ập đến trong tôi. Ba năm ở trường Quốc Học tuy không nhiều nhưng đã để lại nhiều dấu ấn kỷ niệm.

Hình ảnh đáng nhớ nhất đối với học sinh Quốc Học là Thầy Kế -giám thị-. Bốn mùa Thầy đều diện khăn đóng áo dài. Thầy để ý chăm sóc học sinh từng ly từng tý, từ việc xếp hàng, y phục, tác phong… Tuy là giám thị nhưng chẳng bao giờ Thầy nạt nộ, la mắng học sinh khi phạm lỗi mà chỉ xuỵt xuỵt hoặc vỗ nhẹ lên vai rồi nhìn với ánh mắt tươi vui và nụ cười rất hiền. Vì thế cái lũ “thứ ba” sau ma quỷ cũng không đứa nào chọc ghẹo Thầy. Nghe nói Thầy là người con rất có hiếu, sau khi thân phụ mất, ngày nào Thầy cũng lên mộ thắp hương, lễ lạy. Thật là một thầy giám thị hiền lành, phúc hậu, một hình ảnh người thầy gương mẫu.

Hình ảnh thứ hai là Thầy giám học Văn Đình Hy. Thầy rất nghiêm, học sinh nào không mặc đồng phục, không thêu tên trên áo, mang dép Nhật đi học đều bị Thầy cầm roi đánh trước mặt mọi người. Hôm nào không mang roi, Thầy lại phạt véo tai đỏ cả mặt. Có lần gặp một anh nghịch ngợm trong lúc chào cờ, Thầy đến một bên chờ xong buổi lễ để trị tội. Hôm đó lại quên mang theo roi, Thầy giơ tay lên véo tai anh này nhưng vì Thầy thấp mà anh kia lại quá cao thành thử Thầy với không tới. Học sinh chung quanh đều nín cười. Sau cùng Thầy bắt anh này cúi thấp xuống, Thầy véo tai một cái thật đau, anh la “ái” một tiếng lớn làm chúng tôi không nín nổi phải cười ầm. Học sinh sợ Thầy lắm, ngồi trong lớp mà nghe tiếng Thầy ngoài hành lang là im phăng phắc. Cho nên anh Đĩnh thường giả giọng Thầy để dọa học sinh. Các thầy hồi đó phần đông còn trẻ nhưng dạy rất hay. Cũng có một số thầy già mà học sinh rất quý mến như Thầy Cao Hữu Hoành dạy Pháp văn, học sinh gọi đùa là “cao bồi hai súng” vì Thầy đi dáng khệnh khạng, chậm chạp; hoặc Thầy Cao Xuân Duẫn dạy Anh văn, Thầy Phạm Ngọc Hương dạy Văn, Thầy Nguyễn Văn Thường dạy Pháp văn, Thầy Tôn Thất Tắc dạy Vật lý, Thầy Lâm Tài dạy Triết… Và thật mà khó quên, cho dù không gian có xa cách, thời gian có trôi qua năm sáu mươi năm và tuổi đời ngày thêm chồng chất. Về bạn bè cũng có nhiều gương mặt khó quên: Học giỏi như Trần Xuân Danh, Nguyễn Hữu Hiền… cầu thủ bóng đá như Nguyễn Tấn Kiện, nghịch ngợm như Nguyễn Viết Đỉnh, Đoàn Văn Mai… thôi thì nhiều quá kể sao cho xiết. Nhiều hoạt động của trường đã để lại những kỷ niệm khó quên. Những kỳ cắm trại, triễn lãm, văn nghệ thuyết trình… Hình ảnh một Dư Tế Xuân trong vở kịch “Người điên giữa kinh thành”, hình ảnh chị Ấu Lăng thuyết trình trong những buổi ngoại khóa… đã để lại những ấn tượng sâu sắc trong tuổi học trò. Hồi đó trường Đồng Khánh chưa mở lớp Đệ Nhất nên một  số chị ở “nửa bên kia” phải qua tá túc ở “nửa bên này”. Hai trường Quốc Học – Đồng Khánh chỉ cách nhau một con đường hẹp. Ở bên này những anh nghịch ngợm bắt ghế cao để nhìn sang các cô vừa ngoắc vừa chọc ghẹo. Mặc dầu là phái đẹp nhưng nhiều chị học ban B và rất giỏi toán như Đinh Thị Quý Hương, Lê Thị Diệu Hường…

Bây giờ chỉ còn là hoài niệm. Nay mỗi người mỗi ngã. Ai còn? Ai mất? Có người thành đạt trong cuộc đời, rất nổi tiếng. Có người tuy đã ngoài sáu bảy mươi nhưng vẫn còn lận đận. Nhưng tất cả đều có chung một  niềm thương Huế, nhớ mái trường Quốc Học yêu thương. Bây giờ thì ngôn ngữ cũng bất lực khi diễn tả tâm trạng của người dân xứ Huế, của học sinh Quốc Học một thuở nào. Tuy cuộc đời có vật đổi sao dời, nhưng:

 “Huế vẫn dịu dàng pha nét kiêu sa

Cái Huế nớ khi mô cũng rứa”

Thương quá Thầy cô, bạn bè ơi! Quốc Học ơi! Huế ơi!

Ở Huế ngoài trường Quốc Học để nhớ, còn có  chùa chiền, lăng tẩm, còn có huynh đệ bạn bè, đoàn viên Gia Đình Phật Tử. Những kỷ niệm thời thơ ấu, những cuộc đấu tranh của Phật giáo năm 1963, 1966, tết Mậu Thân… lại có dịp trổi dậy trong lòng. Ở Huế có chùa Thiên Mụ, chùa Tây Thiên, chùa Thuyền Tôn, chùa Trúc Lâm, chùa Từ Hiếu… Có nét đẹp cổ kính, u nhàn, thiền vị mà “chẳng nơi nào có được”. Khi vào chùa tự nhiên thấy lòng thanh thản, nhẹ nhàng, thoát tục… Những ngôi chùa này đã đào tạo nên những vị Thiền sư, Cao Tăng Thạc Đức như các Hòa thượng Giác Tiên, Tâm Tịch, Tịnh Khiết, Giác Nhiên, Đôn Hậu, Trí Thủ, Thiện Minh, Trí Quang…

Ảnh Internet
Ảnh: Internet

Có thể nói, Huế là cái nôi của Phật giáo, của Gia Đình Phật Tử. Nước sông Hương, đất Thuận Hóa đã nuôi lớn tôi suốt quãng đời niên thiếu. Tôi đã trưởng thành trong tổ chức Gia Đình Phật Tử. Ở đó có chị Cúc, anh Chuẩn, anh Từ, anh Giao… mà đôi lúc tôi được các anh chị hướng dẫn những bài Phật pháp, chuyên môn, nhất là trao truyền cái tinh thần GĐPT, nhờ thế mà cái “dòng máu Lam” không bao giờ phai mờ trong huyết quản. Tôi làm sao quên được giọng nói sang sảng rõ ràng của anh Từ trong trại huấn luyện Lộc Uyển ở chùa Tây Thiên năm 1958 mà anh là Trại trưởng hay là giọng kêu cứu thất thanh của anh trên máy ở chùa Từ Đàm đêm 20.8.1963. Và những anh chị sinh hoạt gần gũi với tôi hằng tuần ở GĐPT Ba La Mật như anh Duận, anh Đốc, anh Bé, anh Trình, anh Khương, anh Sơn… các chị Hồng Hoa, Thúy Hoa… các em Diệu Hồng, Kim Đôn, Thúy Hồng, Dung, Giám… Nay mỗi người mỗi ngã. Năm kia về Huế thăm lại GĐPT Ba La Mật thì chỉ còn “cảnh cũ” mà không thấy “người xưa”. Buồn nhất là Gia Đình không còn giữ được truyền thống ngày nào. Tôi đứng lặng nhìn mà lòng quặn thắt. Rồi cả tỉnh Thừa Thiên, cả nước chia năm xẻ bảy. Vì đâu nên nổi! Ai đã gây nên cảnh đoạn trường này? Âu cũng là nghiệp dĩ. Huế là cái nôi của Phật giáo, của Gia Đình Phật Tử mà ở đó cũng là nơi phát xuất sự chia rẽ, phân hóa. Đúng là “Công vi thủ mà tội vi khôi”. Nhưng mà Huế vẫn là Huế của tôi. “Giận thì giận mà thương thì vẫn cứ thương”. Tôi ước mong một ngày đẹp trời nào đó, quý Thầy sẽ ngồi lại vời nhau, các anh chị em Gia Đình Phật Tử vì lý do nào đó đã bước sang thuyền khác sẽ hồi tâm trở lại với truyền thống ngàn xưa. Ở đó có một lý tưởng, tôn chỉ, mục đích, đường hướng rõ ràng  mà cụ thể là Bản Nội Quy, Quy Chế. “Đây là một công trình cân não và xương máu của toàn thể đoàn viên Gia Đình Phật Tử từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mâu”. Mong rằng đừng ai phản bội lý tưởng, phản bội sự hy sinh cao cả cho Đạo Pháp và GĐPT của các anh chị Phan Duy Trinh, Nguyễn Đại Thức, Đào Thị Yến Phi, Nguyễn Thị Vân… Mong lắm thay!

NGUYÊN LỄ

(Trích Tạp bút của HTr Nguyên Lễ)

Bài khác nên xem

Nhạc Karaoke: Vầng Trăng Cổ Tích – Phạm Đăng Khương

ducquang

Vọng bái Chơn linh anh Tâm Đắc – Phan Văn Ngậc

Huệ Quang GĐPTVN

Nhạc Karaoke: Hôm Nay Họp Đoàn – Tâm Nguyện

ducquang