Trốn Khổ

Sư cô Huệ Từ vừa dứt tiếng mõ thời công phu chiều, lễ Phật xong, tính đi vào hậu liêu thì chợt nhìn thấy một người phụ nữ ngồi yên lặng trong chánh điện phía sau lưng mình tự bao giờ. Thấy sư cô quay lại, người phụ nữ vội đứng dậy, chắp tay vái chào:

–        Mô Phật, con chào cô.

–        Mô Phật, Hạnh Bảo đó hả, con đến từ lúc nào vậy?

–        Dạ, con tới lúc sư cô đang làm lễ.

–        Ừ, lâu này sao ít thấy tới chùa. Con vẫn khỏe chứ?

–        Dạ, con cũng khỏe. Còn sư cô đã hết bệnh chưa ạ?

–  Thân bệnh thì cô không lo, chỉ sợ tâm bệnh thôi. Ra phòng khách ngồi nói chuyện đi con.

Khi chủ khách đã an tọa, sư cô như đoán biết tâm trạng của người phụ nữ, liền cất tiếng hỏi:

–  Con đang có chuyện buồn phải không?

– Dạ, cô cho con tá túc ở chùa vài hôm, chứ ở nhà con buồn quá cô à.

Sư cô nở một nụ cười thật từ bi:

– Con tưởng vào chùa ở là hết phiền não sao? Với tâm buồn khổ thì dù con trốn vào rừng sâu cũng cứ buồn khổ thôi, còn nếu con sống với tâm buông xả, thì ở đâu con cũng thấy an lạc hết. Phiền não là từ tâm con sanh ra chứ đâu phải do cảnh xung quanh đâu con.

– Dạ, con cũng biết vậy, nhưng làm không được. Cứ hết chuyện này đến chuyện khác làm con khổ quá cô à.

– Hạnh Bảo à, con phải biết lo cho mình và đừng làm khổ mình nữa. Con cứ để ngoại cảnh chi phối mình nhiều quá và cứ chạy theo những khen chê, tốt xấu, được mất của cuộc đời nên con mãi đau khổ. Cô đã nhiều lần khuyên con là hãy buông xả đi, đừng để dính mắc vào những giả tạm của cuộc đời mà sinh ra đau khổ. Con có biết tại sao cô nói là giả tạm không? Vì những chuyện con chất chứa trong tâm con là không có thật, chỉ do con tưởng tượng cộng với lòng sân hận mà tạo ra thôi. Con phải quán xét mọi việc thật rõ ràng, như thật, với tâm từ bi, hỷ xả, đừng sanh tâm cố chấp vào việc gì cả. Chồng con của con đều là do duyên nghiệp từ nhiều kiếp trước mà đến với con trong kiếp này, chứ không phải tự nhiên đâu. Lúc con gặp những chuyện vui trong gia đình, đó chính là lúc nghiệp lành trổ quả. Còn lúc gặp chuyện phiền não, chính đó là lúc nghiệp xấu của con gặp đủ duyên để tạo ra kết quả xấu. Nếu con hiểu rõ luật nhân quả, con sẽ không bị những vui buồn giả tạm ấy ràng buộc đâu. Vì con đã tạo ra, bây giờ con phải chịu lấy kết quả mà thôi.

Người phụ nữ thở dài, cúi đầu nhìn vào bàn tay đang mân mê vạt áo, nói giọng buồn buồn:

–  Biết là biết vậy, con cũng đã cố gắng nhiều nhưng vẫn khổ, thưa cô.

Sư cô cười đồng cảm:

– Vậy mới gọi là tu. Chứ dễ quá thì cần gì phải khổ công tu tập cho mệt. Đạo Phật là đạo của trí tuệ, của từ bi, hỷ xả và của sự tinh tấn. Con hãy dùng trí tuệ để quán xét mọi việc xung quanh con, kể cả chồng con, bản thân con… cũng đều là giả tạm, là do duyên hợp. Có chút duyên thì gặp nhau trong cuộc đời này để trả nợ tiền kiếp, hết duyên thì thân xác này trở về với cát bụi, còn tâm thức mình sẽ tiếp tục rong ruổi vào những cảnh giới khác để tiếp tục trả nợ. Nếu đời này mình để tâm thức của mình dính mắc vào cảnh trần nhiều quá, cứ ôm chặt những cái không thật rồi cho rằng đây là chồng tôi, đây là con tôi, đây là thân tôi, đây là nhà tôi… thì sẽ mãi đau khổ. Khi con nhắm mắt xuôi tay thì cái gì gọi là của con? Vậy thì ôm ấp những thứ ấy làm gì cho mệt. Cô nói vậy không có nghĩa là khuyên con từ bỏ tất cả đâu. Con ạ, sống trên cuộc đời thì phải làm tròn bổn phận của mình, như thế thì mới không tạo thêm tội lỗi và trả được một phần nghiệp báo của mình. Thân mình sống trong cuộc sống bình thường, làm những công việc thế gian, nhưng tâm mình an lành, vô ngại, thì đó chính là cảnh giải thóat đó con ạ. Nếu thấy ai làm sai thì phải thương người đó nhiều hơn vì biết chắc rằng việc làm sai của họ sẽ đưa đế sự đau khổ cho người đó, chứ không phải đem cái sai của người đó lưu giữ trong tâm mình, làm của riêng của mình, rồi ngày đêm ôm ấp nó, suy nghĩ đến nó, rồi để cho nó giày xéo mình, cắn rứt mình. Nếu tâm con phiền não, con đừng tìm cách đè nén nó xuống, vì đè nén đường này thì nó sẽ tìm đường khác để ngoi lên, đôi lúc còn mãnh liệt hơn trước nữa. Con hãy tiếp đón tâm phiền não như tiếp một vị khách hay làm phiền mình, và hãy trò chuyện với cái tâm lăng xăng của mình như sau: Này, sao mi cứ ôm ấp những chuyện phiền não bên ngoài thế? Sao mi không nghe lời ta? Mi biết những phiền não đó là những sợi dây trói buộc mi mà, mà cũng tự mi trói cột mi thôi, đâu ai trói buộc mi được. Hãy mở ra đi, những sợi dây ràng buộc đó. Hãy hướng đến những ý nghĩ tốt đẹp, hãy làm những công việc ích lợi cho người khác, hãy thương yêu tất cả mọi người xung quanh, cho dù đó là người còn lầm lỗi. Hãy quán xét những phiền não là những thử thách chính mình, là những liều thuốc đắng để chữa lành những căn bệnh hờn ghen, đố kỵ tong tâm mình. Hãy xem buồn khổ của mình là một duyên lành để quán xét. Hãy chuyển hóa phiền não chứ đừng để phiền não chi phối mình… Làm được vậy con sẽ cảm thấy an lạc hơn.

Nói đến đây thì sư cô có khách. Một bà lão tóc bạc trắng cầm trên tay xấp vé số chưa bán hết, run rẩy bước vào và chắp tay vái chào sư cô . Người phụ nữ đứng dậy, chắp tay từ biệt:

– Dạ, con cảm ơn sư cô nhiều lắm. Con sẽ về thực tập những lời dạy chân tình của sư cô. Mới nghe cô nói mà con đã trút được nửa gánh nặng trong lòng, còn nửa gánh còn lại con sẽ trút hết khi thực hành pháp buông xả. Mô Phật, con về.

Người phụ nữ quay sang chào bà lão bán vé số và quay gót ra về. Một tình thương bao la chợt dâng trào trong lòng: bà lão này chắc cũng có nỗi khổ riêng. Đức Phật dạy đời là đau khổ, quả thật không ai là không đau khổ, dù già hay trẻ, giàu hay nghèo… Và chỉ có mình là làm cho mình hết khổ thôi.

                                                 Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

Bài khác nên xem

Nhạc: Bản Hợp Xướng Gia Đình Phật Tử Việt Nam – Đức Quảng

ducquang

[Video Clip] Phóng sự trước trại Dũng 2012 – BHD Gia Định

Áo Lam

Hoàng Thị Kim Cúc – Người chị của chúng ta

ducquang