Tám ý nghĩa của đại lễ Phật Đản

  8 ý nghĩa của đại lễ Phật Đản

Chúng ta kỷ niệm đại lễ Phật Đản, tức là chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày ra đời của Đấng Thích Ca Mâu Ni, Đức từ phụ của chúng ta. Ngày ra đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở trong cõi Diêm Phù Đề này có những ý nghĩa trọng đại và sâu xa

  1. Ý NGHĨA THỨ NHẤT CỦA ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN

Đức Phật xem ngày ra đời là để khơi mở tuệ giác cho hết thảy chúng sinh:

Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, tất cả chúng sinh đều có trí tuệ, nhưng trí tuệ đã bị chôn vùi bởi hàng hàng, lớp lớp vô minh.

Do đó, sự xuất hiện Đức Phật trong cõi đời này là để khơi mở trí tuệ cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh, phá trừ tất cả màn hắc ám vô minh đó, để cho hết thảy chúng ta nhận ra được Phật tính ở nơi chúng ta, nhận ra được trí tuệ ở nơi mỗi chúng ta.

Tất cả chúng ta đều là dễ thương, hết thảy chúng sinh đều là dễ thương. Nhưng mà, chúng ta có thể làm cho chúng ta xấu đi, mọi người có thể làm cho chính họ xấu đi do tâm ích kỷ, tâm hờn giận.

Tâm ích kỷ, tâm hờn giận làm cho chính chúng ta xấu đi, làm cho chúng ta không còn dễ thương nữa. Tâm ích kỷ, tâm hờn giận làm cho hết thảy chúng sinh không còn là chúng sinh dễ thương nữa.

  1. Ý nghĩa thứ hai đại lễ Phật Đản

Đức Phật ra đời khiến cho chúng sinh, dạy cho chúng sinh thành tựu được giác ngộ ngay ở trong đời sống của chính mình. Giác ngộ là giác ngộ ngay trong đời sống của chính mình, ngoài đời sống của chính mình ra không có đời sống giác ngộ nào để cho chúng ta đi tìm kiếm. Chúng ta có thể tìm kiếm là tìm kiếm giác ngộ ngay ở thân và tâm của chúng ta. Chúng ta có thể đi tìm giác ngộ ngay trong đời sống của chúng ta, chúng ta không thể vứt bỏ cách đi, cách đứng, cách nằm, cách ngồi, cách tiếp xúc giao tiếp hằng ngày của chúng ta mà có sự giác ngộ.

Do đó, Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta rằng, đời sống của chúng ta, dù một kẻ tầm thường đến mức nào đi nữa cũng có khả năng giác ngộ. Một người đau khổ tột cùng cũng có thể vươn mình đi đến đời sống hạnh phúc, an lạc. Dù một kẻ rất tầm thường cũng có thể vươn mình đi đến đời sống thánh thiện, cao thượng.

Điều đó, Đức Phật đã dạy cho chúng ta, cho hết thảy chúng sinh hơn hai mươi lăm thế kỷ. Trong lịch sử, cũng như trong đời sống thực tế, chúng ta đã thấy bao nhiêu kẻ trong đời sống tầm thường, họ không gặp Phật pháp, họ không nghe được lời giáo huấn cao quý của những Bậc phạm hạnh, nhưng khi họ gặp được thì họ có cơ duyên trở thành người cao quý

Nếu mình hiểu được đạo, giác ngộ được đạo, thì bao nhiêu xấu xa, bao nhiêu cái tầm thường ở trong đời sống cuả mình cũng được chuyển hóa thành cái cao thượng, có ý nghĩa.

  1. Ý nghĩa thứ ba của đại lễ Phật Đản

Đức Phật ra đời là để chỉ bày cho chúng ta một con đường hạnh phúc. Đức Phật ra đời là chỉ bày cho chúng ta một con đường an lạc và nhận diện được đâu là con đường hạnh phúc, đâu là con đường khổ đau, đâu là giá trị cao quý, đâu là không có giá trị ở trong cuộc sống của chúng ta.

Đức Phật đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, một đời sống có thể trở thành cao quý khi lời nói, hành động, việc làm của họ được phát xuất từ một tâm hồn cao quý. Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cũng như tất cả chúng sinh thấy rõ rằng, lời nói tầm thường, hành động tầm thường, việc làm tầm thường có gốc rễ từ nơi một tâm hồn tầm thường

Muốn bảo toàn hạnh phúc, muốn bảo toàn an lạc, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta rất rõ là phải nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả. Chúng ta muốn hạnh phúc, an lạc mà không biết nuôi dưỡng tâm hồn từ, bi, hỷ, xả thì hạnh phúc, an lạc không thể nào có được.

Điều đó, Đức Phật đã chỉ bày cho chúng ta cách đây hơn hai mươi lăm thế kỷ. Và hai mươi lăm thế kỷ như vậy, những người nghe lời Đức Phật dạy, họ hành trì, họ thực tập và chính những người đó đã có hạnh phúc, an lạc, không những hạnh phúc, an lạc ở đời sau mà hạnh phúc, an lạc ngay trong đời này.

  1. Ý nghĩa thứ tư đại lễ Phật Đản

Đức Phật ra đời dạy dỗ, giáo hóa, dìu dắt, hướng dẫn khiến cho chúng ta và hết thảy chúng sinh đều sống cuộc đời như Đức Phật đã sống. Nghĩa là, Đức Phật đã sống như thế nào, Đức Phật biết như thế nào thì Ngài sống như thế đó, Ngài nói như thế nào, thì Ngài làm như thế đó.

Ngài làm như thế nào, thì Ngài nói như thế đó. Ngài biết rằng tham là nguy hiểm, tham là mất nhân cách, tham là làm cho mình nghèo đi, Ngài biết như vậy cho nên ngài không tham.

Còn ai thấy tham làm cho mình giàu , làm cho mình hạnh phúc thì người đó cứ tham. Nhưng càng tham lam thì lại càng đau khổ, càng tham thì lại càng mất nhân cách.

Đức Phật nói, càng tham thì lại càng làm cho mình tầm thường, càng tham thì làm cho mình càng nhỏ nhoi; càng tham thì lại càng làm cho cha con xa nhau, càng tham thì lại càng làm cho vợ chồng xa nhau, anh em xa nhau, bạn bè xa nhau.

Đức Phật đã nói điều đó hơn hai mươi lăm thế kỷ và những kẻ trí ở trong đời, họ đã đón nhận nó và đã sống. Những người nào sống trong đời sống với tâm ly tham thì người đó đầy đủ nhân cách, người đó thật sự hạnh phúc.

  1. Ý nghĩa thứ năm đại lễ Phật Đản

Ngộ rồi chưa đủ, phải thể nhập với Phật tính đó và biểu hiện Phật tính đó trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Như vậy ngộ rồi thì phải nhập, mà nhập rồi thì phải xuất, nhập mà không xuất thì nghĩa nhập đó không thành. Bởi vì, nhập mà không xuất thì bí, cho nên nhập là phải xuất.

Trong kinh phat đã nói từ vô lượng kiếp về trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng hành Bồ Tát đạo. Từ nơi Đức Phật Oai Âm Vương cách đây hàng tỉ tỉ kiếp, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng học với Đức Phật Oai Âm Vương. Đức Phật Oai Âm Vương đã từng khai, thị, ngộ, nhập, tri, kiến cho Phật Thích Ca Mâu Ni. Và sau khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập được Phật tri kiến rồi, Ngài bắt đầu xuất ở nơi thế giới Ta Bà này.

Xuất ở nơi thế giới Ta Bà này, Ngài vui với cái vui của chúng ta, buồn với cái buồn của chúng ta, Ngài nằm gai nếm mật với chúng ta. Khi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xuất hiện trong mười phương thế giới, xuất hiện trong cõi Ta Bà này là Ngài bắt đầu đi con đường của Thánh đạo, con đường Bồ Tát để đưa mình và hết thảy chúng sinh đi về với con đường giác ngộ.

  1. Ý nghĩa thứ sáu đại lễ Phật Đản

Tại sao Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, Ngài đi bảy bước trên hoa Sen? Một đặc điểm khác nữa của hoa Sen là Hoa nở Sen hiện. Nghĩa là, Đức Phật, dạy giáo pháp của Ngài, nếu chúng ta quyết tâm hành trì, thì sẽ có an lạc ngay.

Không tu thì thôi, tu là tức khắc có an lạc ngay! Cho nên, những ai tu tập mà không có an lạc thì phải coi chừng! Phải tu lại!

Tôi tu một giờ là tôi có hạnh phúc một giờ, không có lý do gì mà tu một giờ mà không có hạnh phúc, an lạc một giờ.

Nếu tu một giờ mà khổ đau thì đừng tu, cho nên, tôi tu một giờ là tôi có hạnh phúc, an lạc một giờ, đó là hoa nở Sen hiện.

Tu một giờ là có hạnh phúc, an lạc một giờ. Tu hai giờ là có hạnh phúc, an lạc hai giờ. Tu mười năm là có hạnh phúc, an lạc mười năm. Tu một trăm năm là có hạnh phúc, an lạc một trăm năm. Không có lý do gì tu mà khổ cả!

  1. Ý nghĩa thứ bảy đại lễ Phật Đản

Một đặc điểm nữa là, Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, trên hoa Sen là bởi vì, hoa Sen còn có một đặc điểm nữa là “hoa rụng Sen thành, Hoa nở thì Sen hiện”.

Sự xuất hiện của Đức Phật trên hoa Sen mang ý nghĩa tâm linh, để nói cho chúng ta thấy rằng, cái chết là bắt đầu của cái sống, cái sống đây là bắt đầu của cái chết. Sự xuất hiện cũng có nghĩa là bắt đầu của một sự ẩn khuất. Ngài ẩn khuất ở nơi thế giới Liên Hoa Đài Tạng thì Ngài có mặt ngay nơi thế giới Ta Bà này.

Rụng là rụng từ thế giới Liên Hoa Đài Tạng, mà thành là thành nơi thế giới Ta Bà. Cho nên, đối với cái sống, cái chết ở trong đạo Phật không còn là cái gì nữa để chúng ta sợ hãi, lo âu.

Chúng ta vắng mặt ở nơi này thì ta có mặt ở nơi kia, chúng ta vắng mặt ở nơi gia đình chúng ta thì chúng ta có mặt ở nơi chùa Phước Duyên, chúng ta vắng mặt ở chùa Phước Duyên thì chúng ta có mặt ở nơi gia đình chúng ta.

“Hoa rụng Sen thành”, Bồ Tát Tất Đạt Đa vắng mặt ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng, thì Ngài có mặt ở nơi thế giới Ta Bà này. Đức Phật vắng mặt ở nơi cõi Ta Bà này, thì Ngài có mặt ở thế giới Liên Hoa Đài Tạng, Đức Phật xuất hiện trên cõi đời này, Ngài không đi trên hoa Sứ, Ngài không đi trên hoa Cúc. Mặc dù, hoa Cúc được xem là biểu tượng cho những nhà ẩn sĩ, đạo sĩ.

Nhưng Đức Phật không xuất hiện trên hoa Cúc, mà Ngài chỉ xuất hiện trên hoa Sen thôi. Bởi vì, hoa Cúc không phải là vô nhiễm, hoa Cúc không phải là “hoa nở Cúc hiện, hoa rụng Cúc thành”, mà chỉ có hoa Sen mới có những đặc điểm như thế. Cho nên, Đức Phật mới xuất hiện trên hoa Sen và Ngài đi bảy bước.

  1. Ý nghĩa thứ tám đại lễ Phật Đản

Chúng ta làm lễ kỷ niệm ngày lễ Phật Đản, chúng ta phải làm thế nào đó để Đức Phật trong chúng ta phải ra đời mỗi ngày. Chúng ta làm lễ Đức Phật đản sinh, nghĩa là chúng ta có khả năng làm cho Đức Phật trong ta đản sinh mỗi ngày và chúng ta làm được như thế là chúng ta rất giàu!.

Chứ chúng ta không đợi 365 ngày mới đến chùa làm lễ đản Sinh, Phật tử đâu mà nghèo nàn đến như thế, tu hành đâu mà tội nghiệp như thế!.

Chúng ta có khả năng làm cho Đức Phật chúng ta ra đời mỗi ngày, thì chúng ta không cần phải xin phép ai để tổ chức đại lễ cả. Nhưng vì u mê, chúng ta không làm cho Đức Phật trong chúng ta đản sinh mỗi ngày, nên chúng ta phải xin phép tổ chức LỄ PHẬT ĐẢN.

Bài khác nên xem

BHD Cam Ranh kết khóa Liên trại HLHT A Dục XIII – Huyền Trang V

Huệ Quang GĐPTVN

Khánh Hòa: lễ nhập Bảo tháp xá lợi Hòa thượng Thích Đức Minh

Huệ Quang GĐPTVN

BHD.BRVT làm lễ cầu nguyện tại đài Lục Hòa GĐPTBRVT

Tâm Lễ