Tài Liệu Trại AnoMa- NiLien (Phần I)

I. PHẬT PHÁP

Khóa  1: Tam Quy – Ngũ giới.

II.  TINH THẦN

Khóa 2: Ý Nghĩa Tên, Mục Đích, Khẩu Hiệu & Luật Trại : Anôma – Ni liên

Mở Đầu:

Cơ sở hạ tầng và căn bản của GĐPT là Đội, Chúng và Đàn. Người điều khiển Đội (thiếu nam) hoặc Chúng (thiếu nữ) gọi là Đội hoặc Chúng Trưởng. Trại để đào tạo Đội – Chúng Trưởng gọi là Trại Huấn Luyện Anoma – Ni Liên.

I. Ý Nghĩa Tên Trại:

Anoma: Anoma là tên dòng sông gắn liền với sự kiện Thái Tử Tất Đạt Đa bắt đầu cuộc đời tìm đạo. Sau khi nhận thức được sanh, lão, bệnh, chết là những cảnh khổ mà con người phải chịu đựng, Thái Tử Tất Đạt Đa đã rời bỏ cung điện, rời bỏ cuộc sống vương giả cùng người hầu Xa Nặc thắng ngựa ra đi. Khi đến giòng sông Anoma, Thái Tử Tất Đạt Đa đã xuống ngựa, cắt tóc trao cho Xa Nặc đem về cung và một mình đi tìm Đạo. Chọn tên Anoma cho trại huấn luyện Đội Trưởng bởi vì các em cũng bắt đầu bước đầu tiên trên con đường tu học đạo giải thoát. Các em bắt đầu nhận lảnh trách nhiệm để tự mình tiến bộ và giúp đỡ người khác tiến bộ. Từ giòng sông Anoma, Thái Tử Tất Đạt Đa đã chấm dứt cuộc sống xa hoa để kiếm tìm sự giải thoát cho muôn loài thì các em cũng sẽ từ bỏ cuộc sống cá nhân vị kỷ để hy sinh, cố gắng hướng dẫn các bạn đồng đội sao cho toàn đội vui sống trong tinh thần lục hòa, xây dựng đoàn vững mạnh và thực hiện được châm ngôn cũng như lý tưởng của Gia Đình Phật Tử.

Ni Liên: Còn gọi là Ni Liên Thuyền, tiếng Phạn là Nairanjana, là tên dòng sông gắn liền với sự kiện sa môn Tất Đạt Đa rời bỏ cuộc sống tu khổ hạnh với năm anh em Kiều Trần Như và quyết định ngồi tham thiền dưới gốc cây Bồ Đề cho đến khi chứng Đạo quả. Lịch sử chép rằng sau sáu năm tu khổ hạnh, một ngày kia sa môn Tất Đạt Đa đã bị ngất xỉu vì kiệt sức. Khi tỉnh dậy, Ngài đã nhận bát sữa do Tu Xà Đề dâng. Nhận thấy rằng lối tu ép xác không đem lại được kết quả mong muốn, Ngài đã dùng sữa và lấy lại sức khoẻ. Sau đó Ngài xuống sông Ni Liên Thuyền tắm rửa sạch sẽ rồi chọn một gốc cây Bồ Đề trải cỏ làm đệm ngồi và phát nguyện nếu không thành Đạo sẽ không rời khỏi cây Bồ Đề này. Sau 49 ngày tham thiền nhập định, Ngài đạt được quả vị Phât. Chọn tên Ni Liên cho trại huấn luyện Chúng Trưởng là tạo cho các em nhận lảnh trách nhiệm để giúp đỡ dìu dắt các bạn mình cùng tiến bộ. Từ giòng sông Ni Liên Ngài đã quyết tâm tham thiền đến đạt được chánh qủa thì từ trại huấn luyện này các em cũng sẽ được hướng dẫn để cũng cố thêm kiến thức và niềm tin để xây dựng chúng vững mạnh, sống trong tinh thần lục hòa và đem lợi ích đến cho mọi người chung quanh đồng thời góp phần vào việc phát triển tổ chức, thực hiện lý tưởng cao đẹp của mình.

 II. Mục Đích:

Trại đào tạo đội trưởng, đội phó (chúng trưởng, chúng phó) là những người cột trụ của đội/chúng, hướng dẫn các bạn đồng trang lứa trong tinh thần tự trị để cùng giải quyết những vấn đề của đội/chúng cũng như để phát triển đội/chúng. Đội/Chúng trưởng là những người chịu trách nhiệm về đội/chúng dựa theo chương trình của Đoàn. Trại Anoma-Ni Liên sẽ giúp các em hiểu biết thêm về tổ chức của Đội/Chúng; học hỏi thêm những kỷ thuật điều khiển để có thể là người “biết trước và đi trước” trong đơn vị; cũng cố thêm niềm tin của các em vào Giáo Lý Đức Phật và tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

III. Khẩu Hiệu: Tuân

Tuân là tuân lời, là nghe theo lời chỉ dặn, khuyên bảo của người trên. Một đoàn thể có kỷ luật thì đoàn thể đó mới tiến. Người Đội/Chúng trưởng có kỷ luật thì mới mong làm đội/chúng mạnh. Trên bước đường tu học và phục vụ lý tưởng, người Đội/Chúng trưởng cần phải tuân hành theo những lời chỉ bảo của các anh chị huynh trưởng bởi các anh chị là những người đi trước đã có nhiều kinh nghiệm. Trong trại, sống với khẩu hiệu “Tuân” các em sẽ tập được một tinh thần kỷ luật tự giác rất cần thiết cho cuộc sống của các em sau này.

IV. Kỷ Luật Trại:

Đúng giờ: Người đúng giờ là người tự trọng và lúc nào cũng được người khác nễ phục. Trong trại, các em có đúng giờ thì mới khỏi gây phiền hà cho chính mình, cho bạn bè và đạt được kết qủa trong việc học tập cũng như sinh hoạt.

Lanh lẹ: Là người Đội/Chúng trưởng em lúc nào cũng phải đi đầu và nhanh nhẹn trong mọi việc thì mới có thể giải quyết được công việc của đơn vị cũng như có được lòng mến phục của các bạn. Trong trại, các em sẽ tập sống trong tinh thần lanh lẹ, thái độ sẵn sàng khi học tập cũng như khi sinh hoạt thì mới có thể là người Đội/Chúng trưởng tháo vát sau này.

Tư cách đứng đắn: Là một Đội/Chúng Trưởng, em phải giữ gìn tư cách đứng đắn của mình để làm gương cho các đội/chúng sinh của mình. Tư cách đứng đắn thể hiện trong y phục gọn gàng, tóc ngắn gọn, sạch sẽ, ăn nói hòa nhã, lịch sự.

Tuân kính cấp trên: Để thực hiện được khẩu hiệu “TUÂN” của Trại, các em cần phải tuân kính cấp trên của mình. Tuân kính không có nghĩa là nghe lời một cách mù quáng mà tuân kính có nghĩa là em vâng lời và kính trọng các huynh trưởng đã bỏ công sức ra dạy dỗ các em. Ngoài ra các anh chị còn là người đi trước có nhiều kinh nghiệm và kiến thức truyền đạt lại cho các em. Nếu là đội/chúng viên em phải tuân kính người đội/chúng trưởng của mình vì đó là bước đầu tiên trong tinh thần kỷ luật tự giác mà em đang thực hiện.

Kết Luận:

Đội/Chúng là đơn vị nhỏ nhất trong Gia Đình Phật Tử. Nếu đội/chúng có kỷ luật, vững mạnh thì đoàn mới mạnh và đơn vị Gia Đình mới có thể phát triển được. Các em học gập để trở thành Đội/Chúng trưởng phải ý thức được sự quan trọng của đội/chúng trong tổ chức và phải biết cố gắng học hỏi, thực hành để quyết tâm làm vững mạnh đội/chúng của mình, góp phần vào việc phát triển đơn vị Gia Đình và Tổ Chức mai sau.

Khóa 3 : Nghề Đội Chúng Trưởng

I. Mở Đầu:

“Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”. Trên đời này có không biết bao nhiêu nghề, mỗi người tự chọn lấy một để hợp với khả năng và thiên chức của mình.

Điều khiển, dìu dắt một Đội Chúng vững mạnh theo đúng chương trình của Tổ Chức không phải bất cứ ai cũng làm được mà phải đòi hỏi ở người điều khiển một khả năng chuyên nghiệp, một tinh thần. Cho nên khi chọn nghề Đội Chúng Trưởng phải thận trọng đắn đo vì:

Người Đội Chúng Trưởng cũng như Đoàn Trưởng có bổn phận dắt dìu đoàn sinh trên đường tu học.

Nhiều công việc của Đoàn được trao phó cho các Đội Chúng Trưởng.

Đội Chúng Trưởng là người then chốt của hàng Đội Chúng tự trị.

II. Hiểu rõ hệ thống tổ chức hàng đội chúng:

“Đội Chúng là cơ sở căn bản của tổ chức Gia đình Phật tử. Đội Chúng về phương diện giáo pháp là hình thức biệt nghiệp, cọng nghiệp. Theo thế gian pháp, là sự thực hiện một căn bản dân chủ; với Tổ Chức Gia Đình Phật Tử là nền móng của Đạo Đời” (Khai lối… Sổ tay Đội Chúng 2 của Diệu Đạo, Tâm Bản). Đội Chúng gồm những người nhỏ xít xoát tuổi nhau, cùng làm việc, cùng chơi, cùng theo kỷ luật và cùng chung bổn phận.

Một Đội, Chúng điển hình gồm có tám em: Đội Chúng trưởng, Đội Chúng phó, và sáu Đội sinh, Chúng viên. Mỗi em giữ một công việc của Đội Chúng.

III. Học nghề:

A. Hướng đi:

Đường đi thật dễ nhưng tìm một phương thức nào đó để đi cho khỏi lạc hướng, không vướng vúu, không bị cám dỗ mới khó. Là Đội, Chúng trưởng sau lưng mình còn biết bao nhiêu con mắt trông theo, hoặc tìm một vẻ đẹp, hoặc soi bói, hoặc thán phục. Vì thế người Đội Chúng trưởng cần phải có một hướng đi chắc chắn từ tư tưởng nội tâm đến việc làm cần phải có một đức tin tuyệt đối:

  • Tin ở Tam Bảo
  • Tin ở chính mình
  • Tin ở tổ chức

B. Yêu nghề:

Đã chọn cho mình một hướng đi, người Đội Chúng trưởng có bổn phận yêu mến, chăm sóc lối đi đó bằng cách luôn luôn yêu mến lâý nghề của mình vì:

  • Có yêu nghề mới thấy sung sướng thoả mãn khi điều khiển.
  • Có yêu nghề mới hăng say trong bổn phận.
  • Có yêu nghề mới chịu đựng được mọi gian lao trở ngại.
  • Có yêu nghề mới chịu trau dồi nghề để tiến kịp đà tiến chung quanh.

C. Sứ mạng:

Những quyến rũ ở đời như dòng nước chảy mạnh. Tự mình không để cho dòng nước cuốn đã là khó, làm cho kẻ khác khỏi bị lôi cuốn lại càng khó hơn. Đừng xét mình là một giọt nước của biển cả, thử hỏi không có sự góp nhặt của những giọt nước làm gì có đại dương. Hãy tạo cho giọt nước trong để có một đại dương xanh biếc.

D. Lý tưởng:

Không say mê vì những cảnh đẹp, không chán nản vì những chông gai, bình tĩnh tiến bước, can đảm vượt qua những trở ngại để tiến đến đích của con đường đã chọn cho đời mình.

IV. Hành NGhề:

A. Tư cách và khả năng:

Việc dìu dắt Đội Chúng sinh buộc người Đội Chúng trưởng phải là người kiểu mẫu, phải hơn Đội Chúng sinh về mọi mặt:

1. Thể xác: Trước hết người Đội Chúng trưởng phải có sức khỏe, lớn tác mới đủ sức mạnh gánh vác được công việc nặng nhọc, nhất là trong các buổi trại, những lúc Gia đình có việc “..Có như vậy lời nói của người Đội Chúng trưởng mới được các Đội sinh, Chúng viên nghe dễ dàng.”

2. Hiểu biết: Người Đội Chúng trưởng phải vượt hẳn về Phật Pháp cũng như chuyên môn, phải biết nhiều hơn và chín chắn. Có như thế mới được tín nhiệm. Nhưng gần hơn là người Đội Chúng trưởng phải có đời sống kiểu mẫu thường nhật; ở lớp là học trò tốt, ở nhà là con ngoan, biết hiếu thuận…

B. Bổn Phận:

1. Đối với Trưởng: Đối với anh chị trưởng, người Đội Chúng trưởng phải vâng lời và phải hoàn thành những công việc đã được tin cậy, giao phó dầu khó khăn. Luôn luôn tin rằng: anh chị trưởng không bao giờ dành cho mình những công việc quá sức. Ngoài ra, người Đội Chúng trưởng còn có bổn phận làm cho anh chị trưởng biết rõ Đội Chúng của mình. Trình bày đúng đắn về tình hình, hoàn cảnh của từng Đội Chúng sinh. Góp ý vơí anh chị trưởng để xây dựng Đoàn. Cần phải làm sao cho tất cả giống mình để anh chị trưởng nhìn Đội Chúng sinh của mình bằng đôi mắt thán phục.

2. Đối với phụ huynh Đội Chúng sinh: Đối với gia đình các Đội Chúng sinh, người Đội Chúng trưởng phải là một người khách thân nho nhỏ, lễ phép; là người mà gia đình Đội Chúng sinh thương mến, bao giờ cũng muốn cho con em trở nên như mình.

3. Đối với Đội Chúng sinh: Người Đội Chúng trưởng phải có bổn phận làm cho Đội Chúng sinh xem Đội mình như một gia đình nho nhỏ, có tổ chức, mà các phần tử luôn luôn yêu thương xây dựng, mong muốn cho Đội Chúng mình tiến mãi hơn các Đội Chúng khác, không phải nhờ vả ỷ lại vào ai, vui buồn theo với những thăng trầm của Đội Chúng, nghĩa là phải gây dựng cho được trong Đội Chúng sinh tinh thần Đội, tinh thần Chúng.

Người Đội Chúng trưởng phải tìm hiểu rõ ràng khả năng tình hình mỗi Đội sinh Chúng viên, nâng đỡ từng em một để sự hiểu biết các em được tương đối ngang nhau. Không nên thiếu kiên nhẫn mà bỏ rơi một người bạn đang chậm bước trên đường.

V. Điều Khiển:

A. Đức tính: Muốn điều khiển một Đội Chúng cố nhiên phải có khả năng nhưng cũng phải nghĩ đến vài đức tính trong nghệ thuật điều khiển:

  • Giản dị
  • Can đảm, tự tin
  • Vui vẻ, lanh lợi
  • Bình tĩnh và tự chủ

B. Nghệ thuật điều khiển: Nghệ thuật điều khiển tức là cách khéo léo để có thể điều khiển Đội sinh Chúng viên với khả năng và đức tính của mình. Không khéo léo thì việc không thành, vì vậy mà người kiến thức rộng, đức tính nhiều vẫn không điều khiển được, nếu không có khiếu điều khiển.

Hai điều kiện cần yếu trong việc điều khiển:

  • Kiểm soát
  • Thưởng phạt

Tuy thế việc thưởng phạt còn tùy theo từng Đội Chúng sinh mà áp dụng, phân biệt hai loại người trong đội chúng của mình với hai tâm lý:

  • Hướng nội.
  • Hướng ngoại.

VI. Chọn lựa Đội chúng phó:

Người thay mặt và trợ giúp đắc lực cho Đội Chúng trưởng là Đội Chúng phó. Do đó khi chọn lựa Đội Chúng phó, cần phải cân nhắc xem trong hàng Đội Chúng của mình có ai lớn tuổi, có khả năng, tư cách cũng như uy tín. Đội Chúng phó cần phải tận tâm hiệp lực với Đội Chúng trưởng, hai người luôn luôn phải sát cánh nhau, giữ uy tín cho nhau, đừng bao giờ gây không khí tẻ nhạt cho Đội Chúng. Hai người phải xem nhau như anh em. Công việc trong Đội Chúng được điều hòa phát triển cũng do nơi tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa Đội Chúng trưởng và Đội Chúng phó. Khi chọn lựa Đội Chúng phó cũng phải cân nhắc dò ý Đội Chúng sinh trong Đội Chúng mình.

VIII. Liên Lạc:

Muốn công việc của Đội Chúng được điều hòa, người Đội Chúng trưởng cần phải liên lạc với Đội sinh, Chúng viên của mình thật chặt chẽ trên mọi lãnh vực hoạt động; sự sinh hoạt của Đội Chúng có mạnh là do nơi thiện chí của tất cả.

Người Đội Chúng trưởng phải luôn luôn tìm hiểu rõ nguyên nhân và lý do vắng mặt của Đội sinh Chúng viên trong những buổi họp. Việc viếng thăm chẳng những trong lúc đau ốm mà phải luôn luôn. Đội Chúng truởng cũng cần phải thường xuyên liên lạc với anh chị trưởng để bàn luận những công việc sinh hoạt của Đoàn, Đội Chúng.

IX. Kết Luận:

Bất luận nghề nào cũng có vinh có nhục. Đã bước chân vào nghề Đội Chúng trưởng ta phải hiểu rằng Đội Chúng trưởng là một gánh nặng thiêng liêng cao cả nhất của đời Phật Tử. Làm chủ động tinh thần của một nhóm đó là niềm sung sướng vô biên cho tinh thần cá nhân mình.

Người Đội Chúng trưởng cần phải cố gắng, chịu đựng, nhẫn nại, hy sinh, luôn luôn trau dồi nghề nghiệp; vui buồn theo sự thăng trầm của Đội Chúng mình và luôn luôn trung thành với lý tưởng.

Một Đội Chúng trưởng vững là một Đoàn tiến, là một Gia Đình vững, là Tổ Chức chúng ta mạnh. Đội Chúng Trưởng là những viên gạch đã đuợc nung chín, bảo đảm để xây dựng nền móng cho tòa lâu đài Phật Giáo ngày mai.

Khóa 4: Tinh Thần Đồng Đội

I. Lời Mở Đầu:

Một đoàn quân dù võ khí tối tân, chiến thuật tinh vi, nhưng thiếu tinh thần chiến đấu thì chắc chắn thất bại.

Một đoàn cầu thủ ra quân mà nội bộ lủng củng, có chuyện thì làm sao thủ thắng được? Phải có tinh thần đoàn kết nhất trí.

Đội của anh sa sút, Chúng của chị buồn rầu, có thi đua bao giờ cũng thua thì chắc chắn thiếu mất tinh thần đồng đội.

Vậy tinh thần đồng đội là một ý chí đoàn kết nhất trí, tất cả mọi người cùng hướng đến một mục đích xây dựng.

II. làm thế nào để có tinh thần đồng đội:

A. Luôn luôn nêu cao uy tín của Đội:

Với một đoàn sinh mới kể cho họ dĩ vãng oanh liệt kiêu hùng của Đội, để họ biết Đội Chúng mà họ đang sinh hoạt là chính đáng.

Với các bạn luôn luôn nhắc nhở từ sắc phục, cử chỉ, ngôn ngữ.. đều có thể làm cho Đội bị phạt hay làm tan danh dự của Đội Chúng.

Bài ca chính thức của Đội Chúng, cờ Đội Chúng phải luôn luôn được nhắc nhở và xử dụng đúng lúc.

Có thể cảnh tỉnh mọi người bằng cách gây ý thức tự giác.

Ta phải vì Đội, với Đội, cho Đội. Ví dụ Đội Ca-Tỳ-La là của con người trẻ, hùng, thắng không kiêu bại không nản.

Từ xưa đến nay chưa có một chúng viên Chúng Ni-Liên nào đứng trước khó khăn mà lại lùi bước bao giờ v.v…

Đội Chúng sinh nào làm mất danh dự và uy tín của Đội Chúng là đắc tội với mọi người.

B. Tạo tình thân mật giữa các Đội Chúng sinh:

Phải nhớ là “Gia Đình Phật Tử là xứ sở của tình thương”. Đội không thể sống, Chúng không thể tồn tại nếu thiếu tình thương với nhau. Đội Chúng trưởng phải tìm cách cho các Đội Chúng sinh có cơ hội gặp nhau luôn, từ việc học hành thi cử, kết bạn đến việc cùng ăn, đi du ngoạn, thường đến nhà nhau. Khi tất cả hiểu nhau, mến nhau thì việc gì lại không làm được? Đội Chúng xích mích gây gỗ với nhau luôn luôn là sự thường, nhưng phải thương nhau thì mới sống đời với nhau được, và có thương nhau thì mới dìu dắt nhau tu học và làm việc cho Đội Chúng mạnh tiến. Làm cách nào cho mọi người trong Đội Chúng coi nhau như anh em, bạn bè thì việc khó khăn đến đâu cũng là d hết, lo gì tinh thần đồng đội không cao? Đừng quên các Đội Chúng sinh đau yếu, hữu sự nhé! Giúp đỡ họ đi.

Đội Chúng trưởng thường bị cô độc, cố gắng sống gần gũi với bạn mình.

C. Mọi việc đều có tổ chức:

Đội khủng hoảng, xích mích, dẫm chân lên nhau là lỗi tại những Đội Chúng trưởng không biết phân công, không biết tổ chức nên làm nản lòng mọi Đội Chúng sinh.

Đi công tác xã hội ta chia từng toán 2, 3 cùng làm chung một công việc thay đổi nhau.

Đi trại em bé mang nhẹ, anh mập mạp mang nặng hơn. Người có xe gắn máy chở nhiều, người đi xe đạp mang ít.

Kêu gọi mọi người giúp đỡ, ủy lạo anh em khi cực khổ, lo lắng tổ chức, từng miếng ăn thức uống đến cây gậy, cái lều. Cần nhất phải nghĩ đến và tổ chức chu đáo.

D. Đội phải luôn luôn vui vẻ để hấp dẫn mọi người:

Đội nào hùng hồn, Chúng nào ca hát vang trời, làm việc thật hăng, làm cho các Oanh Vũ thèm lớn để sống với các anh chị lắm đấy.

Nên nhớ ai cũng có đời sống riêng tư. Hạn chế tối đa các việc gây gổ, tr hẹn, thất hứa, thiếu thành thực. Nếu cuộc vui không quá lố nên để cho tất cả cùng vui. Lúc cần cũng nên đi ăn uống, coi chiếu bóng, triển lảm chung với nhau để cùng vui.

Đừng học chỗ tối, ngồi lâu quá, làm mệt mỏi, d sinh buồn chán, tránh sự làm việc đều đều, tuần nào cũng như tuần nấy.

Chạy nhảy ca hát thật to, quây tròn thật mạnh, trò chơi thật vui là vài cách làm cho máu nóng dâng lên, mọi người sẽ quên đi chán nản.

Hiểu mình Hiểu Bạn

“Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”, chiến thắng của người Phật Tử là sự cố gắng vượt mọi khó khăn, sự khéo léo trong thiên chức để thành công trong sứ mạng xây dựng và phát triển tổ chức.

Nền giáo dục của Gia Đình Phật Tử dựa trên căn bản giáo lý Phật Đà, phương pháp giáo dục chú trọng đến sự hướng dẫn những sinh hoạt tâm linh của con người. Bởi vậy, là người nhận lãnh trọng trách hướng dẫn, giáo dục, muốn hoàn thành sứ mạng cần hiểu được mình, hiểu được bạn. Vấn đề hiểu mình hiểu bạn được đặt ra như một điều cần thiết cho người cần thiết.

I. Hiểu mình:

Ai có thể dám quyết đoán rằng mình hiểu được hoàn toàn con người mình? Con người là một vũ trụ tý hon trong cái vũ trụ rộng lớn, sự cấu tạo con người cũng không khác gì sự cấu tạo vũ trụ vạn hữu. Con người lại chứa một nội tâm phức tạp luôn đối nghịch mâu thuẩn. Với sự phát triển của khoa học và kỹ thuật hiện tại, con người có thể hiểu và làm chủ được ngay cả những sức mạnh bí tàng của vũ trụ mà vẫn chưa hiểu được và làm chủ được chính mình. Nói thế chúng ta thấy được cái phức tạp và tế nhị, cái mâu thuẩnđố nghịch thường trực trong con người chúng ta. Nói thế không có nghĩa là chúng ta bất lực hoàn toàn, không mảy may biết gì đến con gnười của mình. Trên phương diện tương đối, con người có thể và cố gắng hiểu được những gì trong phạm vi khả năng của mình. Là Đội Chúng trưởng, trước tiên em phải hiểu được khả năng của mình, biết được những điều mình biết, những điều mình chưa biết. Những điều mình biết thì cố gắng phát triển, điều chưa biết thì cố gắng tìm tòi học hỏi. Hãy xóa bỏ tính tự phụ, tự mãn ở trong các em, vì chính nó là chướng ngại vật trên con đường tiến thủ của em. Phải luôn luôn thấy mình kém, thấy mình ngu dốt để cố gắng. Ngay Socrate, triết gia lừng danh thế giới vẫn thường nói: “Ce que Je sais le plus, c’est ce que Je ne sais rien” điều mà tôi biết nhiều nhất chính là điều mà tôi không biết gì cả. Phải có cái tinh thần của Socrate mới tiến bộ được.

Con người làm sao hoàn toàn được hỡi em? Nhân vô thập toàn mà, nhưng điều quan trọng là mình biết được cái không hoàn toàn đó. Tri chi vị tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri giả. Biết là nói biết, không biết là nói không biết, như thế tức là biết vậy.

II. hiểu bạn:

Hiểu bạn trong phạm vi bài này tức là đặt thành vấn đề hiểu rõ khả năng, tâm lý của các em Đội sinh, Chúng viên, sự tìm hiểu này có tính cách của một chủ thể hướng đến đối tượng của nó là khách thể. Hiểu mình đã khó, hiểu bạn càng khó hơn. Em phải là người quán xuyến, hiểu rõ khả năng và tâm lý của một Đội sinh, Chúng viên.

A. Khả Năng: Lúc Đức Phật chứng được quả, tìm được chân lý cứu độ chúng sanh. Ngài phân vân không biết trình độ của chúng sanh có thể hiểu được giáo lý cao siêu của Ngài không. Phân vân mãi, đến khi Ngài nhìn xuống hồ sen, Ngài thấy trong hồ có những hoa sen đã vươn lên khỏi mặt nước, có hoa đang lấp ló, có hoa đang chìm sâu dưới bùn, trình độ của chúng sanh cũng có những cấp bậc như vậy, và Ngài đã tùy căn cơ, trình độ để truyền những giáo pháp của Ngài. Trong Đội Chúng em cũng vậy, tuy chỉ 6 đến 8 em, nhưng trình độ hiểu biết cùng khả năng phục vụ không giống nhau, đòi hỏi ở em sự quán xuyến, biết được trình độ khả năng để phân công phù hợp và sự hướng dẫn hiệu quả.

B. Tâm Lý:

Tâm Lý thực dụng của Ngành Thiếu: Tìm hiểu tâm lý của Thiếu Nam, Thiếu Nữ như đi vào thế giới mới lạ, kỳ ảo, rộng mênh mông.

Trước hết, tuổi của Thiếu Nam, Thiếu Nữ là tuổi của sống động, của hăng say, của bồng bột, tuổi của hào hùng. Cuộc sống của các em hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, thích tham gia những hoạt động xã hội, thể thao. Tính hăng hái trong công việc đưa đến tính háo thắng, một đức tính cần thiết trong sự thi đua, nhưng nếu em không khéo léo sẽ đưa đến sự ganh tị giữa các Đội, Chúng là điều cần tránh.

Thiếu Nam, Thiếu Nữ là tuổi của thời kỳ phát triển cơ thể về mọi mặt, từ thể chất đến tâm linh. Tâm lý các em biến đổi đột ngột, tuổi dậy thì – tâm lý các em hết sức phức tạp, có những đam mê kỳ lạ. Theo Pierre Herdousse(?), thì tuổi thiếu niên đam mê hoạt động đến nổi quên cả sự mệt nhọc, vì một điều không đâu, hoặc có thật hoặc tưởng tượng. Các em có thể cười, say sưa, vui sống, nhưng cũng có thể buồn rầu, khóc lóc vô cớ. Các em thường có tính ích kỷ, tự đắc, tự đề cao cá nhân mình, tôn trọng danh dự, nhưng cũng nhiều tự ái, dễ chán nản, lắm hoài nghi, hoài nghi luôn cả chính mình. Tính tình biến đổi luôn, lúc thì ham mê hoạt động, thích sống tập thể, sợ cô đơn, hăng hái yêu đời, khi thì buồn chán, muốn xa lánh mọi người, thích sống trong một khung cảnh hết sức quạnh hiu, cô độc. Các em lại có tính tò mò, thích tìm hiểu, thích phiêu lưu, mạo hiểm, giàu lòng thương. Đến đây anh muốn trình bày riêng biệt về tâm lý Thiếu Nam và Thiếu Nữ cùng những biện pháp, những áp dụng trong sinh hoạt của Đội Chúng.

a. Thiếu Nam:

Bản Tính: Bản tính của Thiếu Nam thích hoạt động, thích phiêu lưu mạo hiểm, hăng hái, bồng bột, ít suy tư, thiên về hướng ngoại, thích leo núi bơi thuyền, hiếu học, tò mò, có nhiều sáng kiến.

Đáp ứng với những tâm lý đó, em làm thế nào đáp ứng được những đòi hỏi dựa theo tâm lý của các em. Với đôi mắt quán xuyến của em, em biết được khả năng và trình độ từng em một. Em phải phân phối công việc thế nào cho phù hợp, hướng dẫn, giảng dạy thế nào cho đừng vượt qua trình độ lãnh hội của từng em trong những buổi sinh hoạt hàng tuần, em cố gắng tìm được những địa điểm có tính cách hào hùng để khích động tính phiêu lưu mạo hiểm của các em như là một đáp ứng để lời chỉ vẽ của các em được đội sinh đón nhận trong sự yêu thích hơn là gượng ép. Em bỏ lối sinh hoạt có tính cách cổ điển (quây vòng tròn, hát, rồi giây thân ái ra về) mà cần thay đổi địa điểm sinh hoạt luôn để cho các em đỡ chán nản. Em phải khuyến khích và để cho các em được tự do phát triển sáng kiến của mình, đừng quá đóng khung. Nếu có phương tiện, mỗi đội sinh mỗi chiếc xe đạp, thỉnh thoảng em nên cho đội đi thăm du, tập cho các em nghiên cứu, sưu tầm những di tích lịch sử, phong tục tập quán.

b. Thiếu Nữ:

Traí với Thiếu Nam, bản tính Thiếu Nữ thì dịu dàng, đằm thắm, thùy mị, kín đáo, nhiều ý tứ, nhiều trực giác, có tinh thần chịu đựng, nhẫn nại, giàu lòng vị tha, đa sầu, đa cảm, thường rụt rè, e thẹn trước đám đông, sống nhiều về nội tâm, thích tham gia những công tác từ thiện.

Đáp Ứng: Là Chúng trưởng em phải hiểu rõ khả năng phục vụ của từng em để phân phối công việc, sao cho phù hợp để công việc đạt thành qủa. Hiểu rõ trình độ lãnh hội của các em Chúng Viên, công việc giảng dạy, hướng dẫn mới có hiệu qủa. Với nhưng tâm lý, bản tính nêu trên, em phải thật khéo léo trong lúc điều khiển, lúc áp dụng kỷ luật. Những buổi sinh hoạt hàng tuần em nên tìm những địa điểm thật thơ mộng, hợp với bản tính của các em như ngồi quây quần ở một đồi thông, bên giòng suối, dưới bóng râm của cây bồ đề trước sân chùa. Những mẫu chuyện đạo đượm tình cảm, tình người sẽ là những câu chuyện giúp ích thật nhiều cho em trong việc giảng dạy Phật pháp.

III. Kết Luận:

Nhận lãnh trọng trách hướng dẫn các em trên bước đường tu học, Đội trưởng Chúng trưởng phải hiểu mình, hiểu đoàn sinh mình, hiểu rõ về khả năng, về trình độ, về tâm lý, về những khát khao, những ước muống trong phạm vi sinh hoạt của các em, đáo ứng được những khác khao, những ước muốn đó, phân phối công việc thật phù với khả năng các em, hướng dẫn các em phù hợp với trình độ lãnh hội tức là em đã hoàn thành được phần nào sứ mạng của người anh, người chị rồi.

Khóa 5 :Kỷ luật đội chúng

Từ khi loài người sống thành bộ lạc, đoàn thể, thì vấn đề kỷ luật cũng được đặt ra để duy trì trật tự, tạo nề nếp tôn ti cho đời sống tập thể và vấn đề kỷ luật được xem như sức mạnh của đoàn thể.

I. Kỷ luật trong gia đình phật tử:

Gia đình Phật tử, một tổ chức giáo dục dựa trên căn bản giáo lý Phật Đà, một nền giáo dục chú trọng nhiều về tình thương và sự cảm hóa nên vấn đề kỷ luật đặt ra không mang nhiều tính chất khắc khe của nó.

“Con người là nơi nương tựa duy nhất cho chính mình”. Đạo Phật tin tưởng tuyệt đối và khả năng con người, vấn đề kỷ luật trong đời sống tập thể, tôn trọng tuyệt đối kỷ luật trong tinh thần tự do hoàn toàn của con người. Kỷ luật trong Gia đình Phật tử thoát khỏi tính cách bắt buộc tuân hành mà nó mang tính chất đặc thù của sự tự giác. Đạo Phật là đạo của giác ngộ. Người Phật tử phải có tinh thần tự giác, tự mình thú nhận lỗi lầm của mình và tự hối cải. Chẳng những thế người Phật tử có bổn phận giúp đỡ bạn mình, chỉ cho bạn mình biết những lỗi lầm đã vi phạm trong tinh thần xây dựng và cảm hóa. Tinh thần tự giác và giác tha phải thể hiện trọn vẹn trong người Phật tử.

Trong phạm vi nhỏ bé của một Đội, một Chúng, tình thương là sự giúp đỡ phải được thể hiện đầy đủ. Là Đội Chúng trưởng em có bổn phận hướng dẫn dìu dắt các em trong tinh thần của người anh, chị. Em phải hướng dẫn các em đến tinh thần kỷ luật tự giác đúng mức, gây cho các em ý niệm về sự liên hệ giữa danh dự và kỷ luật. Khi các em đã ý thức và tôn trọng kỷ luật của tổ chức, của cá mnhân thì vấn đề kỷ luật không cần thiết nữa. Vì lẽ khi đã biết tôn trọng danh dự cuả đoàn thể thì trật tự của đoàn thể được vãn hồi. Em làm thế nào để xóa bỏ ý niệm tôn trọng kỷ luật vì sợ bị trừng phạt ở các em Đội Chúng sinh. Em hãy xóa bỏ tính cách chỉ huy ở nơi mình. Sự chỉ huy dùng kỷ luật như một bùa phép để buộc người khác phải tuân theo, phải sợ mình. Em hãy tạo lấy tư cách của một người anh, người chị biết thương yêu dìu dắt các em, một hướng đạo viên trên đường tu học hơn là một vị chỉ huy.

II. áp dụng kỷ luật:

Như trên đã nói kỷ luật trong Gia đình Phật tử có tính cách cảm hóa hơn là trừng trị, em có thể dùng một vài biện pháp nào đối với những đoàn sinh để giúp cho sự hướng dẫn, cảm hóa được hiệu quả, nhưng điều cần thiết là em phải hết sức tế nhị, hiểu rõ tâm lý các em, áp dụng kỷ luật một cách hết sức bình đẳng.

Trong buổi họp Đội, Chúng em có thể khéo léo hướng dẫn các em tự nhận lỗi lầm, rồi hướng dẫn các em đến trước điện Phật sám hối những lỗi lầm đã vi phạm. Hoặc nếu các em phạm lỗi nhưng chưa thấy được lỗi, em có thể chỉ dẫn hết sức tế nhị đừng để cho các em có ý nghĩ là mình chỉ trích trước số đông hoặc đừng nên gây sự tự ái mà con người vốn chưa dứt bỏ được.

Em có thể gọi riêng từng em một để cho em đó biết lỗi lầm đã vi phạm rồi hướng dẫn các em đó sám hối lỗi lầm (trường hợp này thường được áp dụng cho các em mới vào Đoàn).

Em có thể cảnh cáo trước Đội Chúng những Đội Chúng sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần, trường hợp này dễ gây tự ái nếu em không khéo léo, em phải tỏ ra nghiêm khắc khi cảnh cáo nhưng cũng tỏ ra hết sức cởi mở và bao dung.

Nếu không còn biện pháp nào nữa em có thể đưa lên anh chị trưởng.

III. kết luận:

Tóm lại, kỷ luật trong Gia đình Phật tử là kỷ luật có tác dụng của sự cảm hóa hơn là trừng phạt, đòi hỏi ở ý thức hơn là sợ sệt. Đội Chúng trưởng phải là người anh, người chị luôn luôn lo lắng chỉ vẽ cho các em, phải tiên phong thể hiện tinh thần kỷ luật tự giác và tôn trọng danh dự của Đội Chúng nói riêng và tổ chức nói chung, phải hết sức tế nhị và hiểu rõ tâm lý của từng Đội Chúng sinh để sự áp dụng kỷ luật được phù hợp và có kết quả tốt đẹp.

Bài khác nên xem

Điều khiển một Đàn hát

datthinh

Câu chuyện ” Tử Uyên Thê “

datthinh

Trung Đạo, Con Đường Tu Tập Và Hoằng Pháp – HT Thích Thái Hòa

phuocthanh