Tài Liệu: Phật Giáo và Dân Tộc Việt Nam mất gì khi phá sản tinh hoa của Gia Đình Phật Tử Việt Nam (TT)

TÌM HIỂU TỔ CHỨC GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Thực Hiện: Luật Gia Đức Dũng

(Tiếp Theo)

 III.           LÝ TƯỞNG ÁO LAM – LÝ TƯỞNG HOA SEN

Trong cuộc sống con người, yếu tố quan trọng nhấtgóp phần mang lại hạnh phúc, chính là lý tưởng và mục đích sống của mỗi người. Ai ai cũng không phải chán nản, nếu kéo dài một chuổi ngày vô vị không biết mình tồn tại để làm gì – ăn rồi ngủ – ngủ rồi ăn – những buổi mai nhạt chán ngán nằm lì không muốn dậy và những buổi tối đặt mình xuống chiếu không náo nức với những dự tính của ngày mai – hoặc một đời sống rối ren không một chút tỉnh táo để xem mình đang ở đâu và tìm một phương hướng thích hợp với đời mình – bừng mắt dậy giữa khuya và chợt thấy và chợt thấy nhà mình đang ngùn ngụt cháy. Mục đích sống là rất cần thiết dù đó là mục đích lâu dài hay tạm bợ

Gia Đình Phật Tử Việt Nam chọn hoa sen làm biểu tượng, làm lý tưởng sống – mục đích sống, bởi hoa sen là loài hoa tượng trưng cho pháp giới của Chư Phật. Với tám điều kỳ diệu – tám đặc tính ứng dụng sau:

  1. Đặc tính không nhiễm:

Hoa sen từ bùn sinh, nhưng không để bùn sình làm ô nhiễm, loài hoa dạy cho Đoàn viên Gia Đình Phật Tử luôn luôn biết tiếp nhận cọi nguồn và mọi lưu mạch – biết chịu đựng và chuyển hóa – biết làm bất cứ điều gì có thể làm được để khỏi bị ứ đọng và ô nhiễm. Từ môi trường ô trược vươn lên vững chải, thảnh thơi, ung dung, tươi mát, biết chuyển hóa chất liệu ô nhiễm trở nên trong sạch, biết tiếp nhận cái mới mỗi ngày để nuôi dưỡng cái cũ. Hoa sen có mặt từ cuộc đời và đứng vững chãi giữa cuộc đời, như Đạo Phật đứng ngay trong lòng sanh tử mà giải thoát, đứng ngay giữa chúng sanh mà thành Phật, và ngay trong tâm địa chúng sanh mà nhận ra Phật tính và hiển thị tính ấy cho tất cả. Đoàn viên Gia Đình Phật Tử tập sống đời sống an tịnh, giữ thân thể, lời nói, ý niệm trong sạch, biết chuyển hóa các chất liệu khổ đau phiền trược của cuộc đời thành chất liệu hạnh phúc an lạc

  1. Tánh trừng thanh (gạn lọc):

Hoa sen là loài hoa tạo ra xung quanh một vùng nước trong sạch – dưới cùng là bùn sình, khoảng giữa là vùng nước trung gian giữa bùn sình và lắng trong, trên cùng là vùng nước trong sạch và được gạn lọc. Loài hoa biết tự lắng trong để tiếp nhận hình ảnh của mặt trời và các trăng sao, biết từ chối mọi sự trôi chảy hấp tấp, vội vã, biết tắm gội suối nguồn tươi đẹp. Chúng ta khi được huân tập những đức tính tốt đẹp, thực hành lời Phật dạy sẽ tự lắng trong, mang lại an lạc cho chính mình và cải tạo xã hội. Ở đâu có đoàn thể Gia Đình Phật Tử sẽ bớt đi những xô xát, những tệ nạn xã hội…

  1. Tánh kiên nhẫn:

Mầm sen có một sức sống mãnh liệt dù khi môi trường không thuận lợi, dù phơi mình dưới cái nóng của nắng Hè, làm khô cạn cả đầm nước, hay sống giữa môi trường băng giá, hoặc bị chôn vùi dưới đất sâu. Loài hoa vẫn tìm ẩn một sức sống mãnh liệt trong thời gian dài, nếu hội đủ nhân duyên là sen có thể nảy mầm và phát triển – ở những hoàn cảnh này sự sống của loài hoa ấy chỉ náu mình để dồn thêm sức lực rồi mạnh mẽ tiến lên. Loài hoa dạy cho chúng ta một điều: Không có sự cố gắng nào, một sự phấn đấu nào để vươn tơid cỏi thiện là vô ích, kiên nhẫn chuyển hóa tự thân và ngoại cảnh để hướng tới lý tưởng đã chọn cho cuộc đời mình

  1. Tánh viên dung:

Các loài hoa trên thế gian này đến hạn là nở, nở tưng bừng, phô hết hương sắc để mời gọi ong bướm đến hút nhụy. Riêng hoa sen nở từ một giờ đến năm giờ sáng khép lại, đó là khoản thời gian ong bướm và thế gian đang say ngủ, đó cũng là thời điểm tinh khiết nhất của vũ trụ – loài hoa nở vào thời điểm ấy để đón nhận tinh hoa của đất trời và khi vạn vật bừng tỉnh hoa sen khép lại, không loài côn trùng nào lấy được nhụy sen – những đóa sen trắng đang nở giữa đầm lầy dưới ánh trăng khuya như những hòn đảo bạc nổi giữa biển xanh ngời, không bờ không bến, trong ấy sóng triều luân chuyển mãi không thôi và cũng không thêm, không bớt, không đầy, không vơi, vừa sanh vừa diệt, vừa diệt vừa sanh… viên dung vô ngại

  1. Tánh thanh lương:

Các laòi hoa khác thi nhau nở vào mùa Xuân, mùa nắng ấm dịu dàng – sen lại nở vào mùa Hạ làm dịu đi cái nắng Hè gay gắt, mang lại không khí mát mẻ, thanh thoát cho môi trường nóng bức xung quanh. Loài hoa làm dịu lại những gì đang bốc cháy, làm tươi lại những gì đã héo khô, dung hợp lại những gì đã làm ngăn cách, đưa không gian trở về với thời gian, đưa thời gian trở về với không gian, đưa đau khổ đi về với an lạc và đưa an lạc vào trong lòng khổ đau để chuyển hóa

Phật tử phải thở phải tiếp xúc và phải cười với hoa sen trong từng động tác hằng ngày của mình để cho ta với hoa sen là một, ta là hoa sen, hoa sen là ta, từ đó Phật tử đối trị  được những phiền não của hoàn cảnh cũng như nội tâm, tự mình giải thoát ra khỏi những nóng bức của vạn pháp, mang ánh sáng của hoa sen phân phát khắp muôn nơi vì ích lợi của số đông, hàng hàng lớp lớp Huynh trưởng đã ra đi mang hơi mát của hoa sen làm mát mẻ biết bao tâm hồn đang nóng bức, quay cuồng trong cuộc sống

  1. Tánh hành trực (ngay thẳng):

Từ gốc đến nhánh sen đều đặn thănge tắp, không cong vẹo, đặc tính cho chúng ta ý nghĩa: Sống đời sống ngay thẳng chân chính, tự lập, không dựa dẫm vào ai, có nghị lực – tôn trọng lẽ phải, yêu cái thiện – ghét cái ác, yêu cái thật – ghét cái giả, yêu cái đẹp – ghét cái xấu, và từ đó tự giải thoát cho mình thoát khỏi cái vỏ ích kỷ, bảo vệ sự thật và công bằng theo tinh thần đạo Phật, đạo cuả sự thật và bình đẳng

  1. Tánh ngẫu không (ruột trống rỗng):

Sen có cành ngay thẳng và trong ruột cành sen trống rỗng (tre cũng rỗng ruột nhưng bị ngăn bởi các mắt – sen rỗng từ gốc đến đài) là đặc tính tượng trưng cho pháp giới nhà Phật. Theo nghiên cứu thì phía trong ruột sen là chân không (chân không: lấy một cái ống bằng thủy tinh chứa đầy không khí, rồi cho hút hết không khí chứa đựng trong ống ra ngoài, ta tìm thấy “chân không” – như những luồng quang chiếu, dù hiện ra hay biến đi, nhưng nó vẫn là nó, nó chỉ đổi thể mà thôi). Trong Kinh Bát Nhã chép: Sắc tức thị không, không tức thị sắc v.v… thị chư pháp không tướng bất sanh bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm. Vậy chân không là trạng thái không hình sắc, âm thanh, không thể dùng giác quan mà tiếp xúc hay suy tưởng như những luồng quang tuyến, tuy không có hình song có thể chạy quanh chu vi địa cầu tám lần, nghĩa là chân không diệu hữu, các không này là hoàn toàn không, vĩnh viến không, chớ không phải là không trống rỗng, không có gì

Các bậc tu hành khi chứng được Bát Nhã trí, nhìn thấy các pháp đều không

“Trăm năm trước thân ta không có

Trăm năm sau có cũng như không

Cuộc đời sắc sắc không không

Ai hay không có có không là gì”

 “Có thì có tự mảy may

Không thì cả thế giới này cũng không

Thử trông bóng nguyệt dòng sông

Ai hay không có có không là gì?”

Sự đổi thế giống như nước đổ ra hơi, hơi lại về nước, do vậy ta thấy vật chất chỉ là nhãng làn sóng nhấp nhô ngoài biển cả, mà tinh thần cũng chỉ là những luồng ý niệm được tiếp nối từ quá khứ đến hiện tại và vị lai. Dưới con mắt Phật giáo ta nhìn vũ trụ vạn hữu không ngoài hạn định “sắc không” và nó còn liên quan mật thiết nối nhau bằng luật nhân duyên, nhân quả, và luôn luôn biến chuyển, và muôn vật được sinh sôi, được nảy nở, nhịp sống mới điều hòa, nếu vũ trụ bất động, vạn vật sẽ tự diệt

Đường sinh tử thác ghềnh, khởi điểm là vô minh đẫy lữ khách băng qua những cuộc tồn sinh biến dị và hội nhập với âm ba ái triều của lớp lớp trùng dương

Thuyền năm uẩn đã đưa lữ khách triệu lần ra khơi và triệu lần quay lại, với sóng vỗ gió dồn, chìm đắm nổi trôi, bồn chồn, lo âu, sợ hãi và rợn hồn khi ý thức giáp mặt với triệu triệu chu kỳ hội tụ phân ly của kiếp người

Bên kia bờ, biển giác mênh mông, sóng thức vắng lặng, tâm và trí nhất như, cảnh và người tương tức – tương nhập, nên trong ly có tụ, trong tụ có ly, do đó sinh không làm cho ai khổ lụy và tử chẳng làm cho ai kinh rợn bao giờ

Bởi vậy, người học đạo là người biết từ bỏ con đường nhỏ để bước vào con đường lớn, biết từ chối cái mong manh để đi vào cái vĩnh cửu, biết từ bỏ cái rộn ràng để đi vào cái yên tịnh, chân thật, biết từ bỏ cái sinh để đi vào cái bất sinh, biết từ bỏ cái diệt để đi vào cái bất diệt, sống thanh thản, mỉm cười hội nhập với thời gian vô cùng và không gian vô tận

Hoa sen tượng trưng cho cảnh giới của Chư Phật thị hiện ở đời minh chứng cho cảnh giới NIết Bàn là có thật, chúng ta tin chắc lời Phật dạy để nổ lực tinh tấn tu học

  1. Đặc tánh bồng hưu thực:

Vừa nở ra trong đài đã có quả (hương thơm đầy hột sen). Đây là đặc tính đặc biệt với ý nghĩa nhân quả hiện bày, chính trong nhân hiện tại đã hàm chứa quả vị lai, cũng chính trong cái quả hiện tại đã có hình bóng của nhân quá khứ. Một sự vật mà ta gọi là nhân là khi nó chưa biến chuyển, hình thành là cái quả mà ta mong muốn, chờ đợi. Một vật mà ta gọi là quả, là khi nó đã biến chuyển, hình thành ra trạng thái mà ta mong đợi ước muốn. Mỗi vật, vì thế đều có thể được gọi là nhân hay là quả được cả: Đối với quá khứ thì nó là quả, nhưng đối với hiện tại thì nó là nhân. Nhân và quả nối tiếp nhau, đắp đổi cho nhau như những vòng trong sự dây chuyền. Ở hoa sen nhân và quả xảy ra kế tiếp nhau, liền nhau, nhân vừa phát khởi thì quả đã xuất hiện như hai luồng điện âm dương, vừa gặp nhau thì ánh sáng liền bừng lên, đó là khi Phật tính hiển hiện, đó là lúc dục vọng đã bị gạt bỏ ra khỏi lòng, nhường chỗ cho tâm hồn định tĩnh không một sức mạnh nào có thể lay chuyển lao lung khoảng khắc ấy cái tiểu ngã của cá nhân đã hòa vào đại ngã của vũ trụ, trí tuệ phát chiếu soi cùng vũ trụ, như vầng trăng hiện ở dưới đáy hồ, khi mặt nước đã trở lại phẳng lì, vì gió đã thôi đùn sóng

Từ ấy cỗ xe đời rẽ bánh, người bị buộc vào cổ xe được giải thoát, vượt ra ngoài phạm vi nhỏ hẹp, thấy mình là toàn thể, toàn thể là mình. Người không còn bị ràng buộc trong không gian, cho nên không phụ thuộc vào thời gian, không riêng giữ một hình dáng cho nên luôn vĩnh viễn, bởi biết tự đổi thay nên không bao giờ bị thay đổi. Người bắt đầu qua một trạng thái mới, không sanh không diệt, an lành thanh tịnh sáng suốt vô ngần, đấy là Niết Bàn

Ôi, đêm nay đi giữa hương sen ngào ngạt, những hoa sen Phật tính vẫn nở mãi giửa nhân gian, đó là những đóa sen thường trụ, hoa sen viên giác, đẫu có áo rách vá vai đi giữa cuộc đời vẫn thấm đẫm hương sen

Đêm nay lời thề nguyện dưới ánh lửa vô tận đăng “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập” lung linh huyền ảo, Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam sẽ, dâng và đã thực hành lời dạy của Chư Phật “Hãy tích cực hoạt động để tạo lành cho kẻ khác”, như là một thông điệp, sứ mệnh hoằng hóa độ sanh cho chính mình và cho những ai theo bước chân của Ngài

Kỳ tới:

  1. II.               TÌM HIỂU VỀ NĂM ĐIỀU LUẬT CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Bài khác nên xem

Phát Hành Kỷ Yếu Ngành Nữ GĐPT Việt Nam

phuocthanh

Mùa Xuân Văn Nghệ GĐPT

ducquang

Ấn Độ : Lên Kế Hoạch Xây Dựng Tượng Phật Ngồi Cao Nhất Thế Giới

phuocthanh