Tài Liệu Gia Trưởng Của Như Tâm

Lời giới thiệu

 GIA ĐÌNH Phật-tử Việt-Nam, ra đời đến nay là 25 năm.  Một tổ chức giáo-dục có một quá trình sinh hoạt trong một phần tư thế-kỷ đáng lẽ phải có rất nhiều tài liệu về đủ loại: giáo lý, văn nghệ, hoạt động thanh niên, tổ chức, hành chánh v.v…  Rất tiếc, những biến cố lịch-sử liên tiếp xẩy ra trong thời gian qua đã làm cho những tài liệu góp nhặt được bị phân tán, mất mát, thủ tiêu, hủy hoại rất nhiều.

Từ ngày Ban Hướng dẫn trung-ương Gia-đình Phật-tử được thành lập (1964), một trong những kế hoạch dự liệu là soạn thảo và ấn hành những tập sách tài liệu đủ loại để giúp cho các cấp cán-bộ và đoàn sinh có phương tiện học hỏi và tra cứu.  Nhưng mới phát hành được mấy tập như “Sứ mệnh Gia-đình Phật-tử”, “Nhạc G.Đ.P.T.”, “Chương trình học tập và huấn luyện”, thì những cuộc vận động của Giáo-hội Phật-giáo Thống-nhất trong những năm 65-66 đã làm gián đoạn chương trình nói trên.

Hiện nay, những biến cố trong Giáo-hội đã lắng dịu, Ban Hướng dẫn Trung-ương nhiệm kỳ II thấy có nhiệm vụ tiếp tục chương trình biên soạn và ấn hành tài liệu mà Ban Hướng dẫn nhiệm kỳ I đã bỏ dở.

Tập sách “Gia trưởng Gia-đình Phật-tử” do anh Như Tâm – Nguyễn khắc Từ biên soạn mở đầu cho giai đoạn II của chương trình xuất bản và phát hành loại sách tài liệu của Gia-đình Phật-tử do Ban Hướng dẫn trung ương chủ trương.  Trong bước đầu, chúng tôi dự định cứ ba tháng lại xuất bản một tập sách nhỏ, đồng khuôn khổ như tập này để cung cấp tài liệu cho những anh chị em thích học hỏi và lấy sự phục-vụ Gia-đình Phật-tử làm lý tưởng cho đời mình.

Tập sách này, mặc dù đối tượng là viết cho Gia-trưởng, nhưng nó có thể là kim chỉ nam cho những anh chị em Huynh-trưởng mới vào nghề và cho những ai muốn tìm hiểu một cách chính xác tổ chức Gia-đình Phật-tử Việt-Nam.

Riêng về soạn giả của tập sách là anh Nguyễn khắc Từ, một Huynh trưởng kỳ-cựu đã phục vụ một cách đắc lực cho Gia-đình Phật-tử liên tiếp trên 20 năm, tôi tưởng không cần phải giới thiệu gì thêm nữa.

       Cầu mong tập sách nhỏ này sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho độc-giả.

                                                                                                Trưởng-ban Hướng-dẫn Trung-ương

                                                                                                                 Gia-đình Phật-tử Việt-Nam

                                                                                                                                Võ Đình Cường


Lời nói đầu

      “Vận-mệnh và uy-tín của một đoàn thể quan-yếu ở TỔ-CHỨC và hoạt động” (Lời nói đầu Nội-quy GĐPT Việt-Nam trang 4)

Tập sách nhỏ này được viết ra để giúp đỡ Bác Gia trưởng và những Huynh-trưởng có trách nhiệm gìn-giữ vận-mệnh và uy-tín của một đơn-vị Gia-đình mà tôi thấy cần thiết sau dịp thăm viếng các Gia-đình Phật-tử năm 1965.

  Nay thì sự cần thiết ấy lại tăng mức độ vì biến-cuộc Mậu-Thân vừa qua mà có những Gia-đình phải đi lại từ bước đầu.

 Tổ-chức của chúng ta đã phát triển quá mau chóng mặc dù đã phải trải qua một cuộc thử lửa dai dẳng suốt hơn 20 năm trường và đã phơi mình trong lòng những cơn gió lốc hãi hùng của thời đại.

Đâu đâu và ngay cả trong khói lửa chiến tranh, cũng có bóng dáng tung tăng của đoàn sinh.  Trong sinh hoạt của các Gia-đình, một khía cạnh quan yếu khác chưa được chú trọng đến đúng mức: một quy củ tổ chức và một nề-nếp sinh hoạt đúng với cương lĩnh và hệ thống nên tập sách này sẽ được đóng khung trong phạm vi và ranh giới ấy.  Nói cách khác, quý Bác Gia-trưởng, quý Anh, Chị Liên-đoàn-trưởng, các anh Thư-ký và Thủ-quỹ sẽ tìm thấy những gì cần thiết cho mình để điều hành công việc Gia-đình.

Những gì cần thiết ấy đã được cô đọng lại qua những thí-nghiệm bởi các Gia-đình ở thành thị và thôn quê dùng làm thí-điểm; đã được đơn giản hóa để tất cả các Gia-đình có thể thực hiện được đến mức tối đa dù thiếu nhiều phương tiện.

Tôi không nêu lên những lợi ích, nhưng tôi hy-vọng chúng sẽ tự động đến trong lúc áp dụng, không những chỉ ở kết quả nhãn tiền mà càng ngày càng sâu đậm với thời gian.

Chúng tôi mong mỏi được góp thêm ý kiến để tập tài-liệu nhỏ này đầy đủ, phổ quát và tiến bộ hơn.

                                                                                                Huế, mùa sen nở 2512 – 1968

                                                                                                NHƯ TÂM – NGUYỄN KHẮC TỪ

Phần thứ nhất

NHỮNG DÒNG TÂM TƯ GỬI ĐẾN QUÝ BÁC GIA TRƯỞNG

      Chắc Bác cũng đã nhiều lần suy nghĩ.  Suy nghĩ về Đạo-pháp và dân-tộc.  Chắc Bác cũng đã hơn một lần lo âu.  Lo âu cho viễn ảnh không mấy sáng sủa vì con em chúng ta càng ngày càng đi xa dần với tình tự dân tộc, với nếp sống tốt đẹp Đông phương.  Những gì xảy ra hàng ngày ngay trước mặt quý Bác, những mẩu tin đăng tải trên báo chí, những lời kêu cứu về tình trạng thiếu nhi phạm pháp từ trụ sở Liên-hiệp-quốc làm cho chúng ta giật mình.

      Thêm vào đó, những biến thiên của thời cuộc; những manh tâm, những lừa đảo, những phản bội trên mọi lãnh vực hoạt động xã hội của các bậc đàn anh thiếu lương tâm; những hy-sinh xương máu không-biết-cho-ai đã là những bình dầu đổ thêm vào ngọn lửa tàn phá lớp tuổi trong trắng của con em chúng ta.

      Niềm đau ấy là niềm đau chung của dân tộc.  Và niềm đau ấy chính là một trong những động lực thúc đẩy những bậc hữu tâm thiết tha với tiền đồ dân tộc và đạo pháp tìm phương tiện thích hợp lôi kéo con em ra khỏi cảnh nhà lửa (1) trước đấy hơn 25 năm (1940): Gia-đình Phật-hóa phổ ra đời, tiền thân của Gia-đình Phật-tử hiện tại.

      Kẻ viết những giòng này cũng tin mãnh liệt rằng sự lo âu chính đáng ấy đã thúc đẩy Bác đến với Gia-đình Phật-tử trong cương vị “GIA TRƯỞNG”.  Xin chào mừng Bác và chúc Bác “gặp được” nhiều khó khăn trở ngại.  Những chông gai hiểm trở ấy là những hạt kim cương mà Bác sẽ hãnh diện khi dâng lên đức Từ-phụ lời nguyền: “Thước ca-la tâm vô động chuyển”.  Và thưa Bác, còn có lễ vật nào cao đẹp hơn là lấy sự chinh phục các khó khăn ấy để cúng dường và báo ơn chư Phật như ngài Anan đã phát nguyện: “Tương thử thâm tâm phụng trần sát, thị tắc danh vi báo Phật ân”?

      Với tất cả những ý niệm ấy, bây giờ Bác không còn đóng vai trò bàng quan; cũng không còn lưỡng lự đứng ở ngưỡng cửa mà Bác đã nhập cuộc, đã xông pha vào không khí Gia-đình và các em đang hò reo vui mừng, hoan hô Bác.  Bây giờ Bác là rường cột, là chủ nhà, là Gia-trưởng.  Bác không phải một mình tay chèo tay lái đâu.  Phụ họa với Bác còn có các chú em: những Huynh trưởng, mỗi người một lãnh vực mỗi người một trách nhiệm riêng nhưng cùng đi tới một đích.  Bác thử hô lên một tiếng: tất cả sẽ răm rắp trước mặt Bác, hàng nào ngũ ấy ngay thẳng chỉnh tề.  Những đôi mắt long lanh tươi sáng linh động nhìn lên Bác; những nụ cười chúm chím hy-vọng gởi đến Bác; những đôi tay đôi chân ngoan ngoãn và sẵn sàng tuân lệnh Bác, và từ trên cao thềm nhà nhìn xuống, Bác sẽ hài lòng hoan hỷ

      Nhưng thưa Bác Gia-trưởng, muốn được thế, phải giáo dục chúng – nói theo từ ngữ Phật-giáo – phải giúp cho chúng chuyển nghiệp.  Cái khó là ở đó và Bác sẽ bắt đầu đi vào những cái bực mình.

Thưa Bác Gia-trưởng,

Cái bực mình căn bản nhất là sự khác biệt của hai lớp tuổi: tuổi của Bác thì trầm lặng ưa tĩnh mịch mà tuổi của các em thì chao ôi, như con vượn trên cành, như con ngựa không cương, Nó ồn ào náo nhiệt, đôi khi hung hãn sao sao ấy!  Thiệt là bực mình.  Với 40 tuổi đầu, đã từng lăn lóc trong các hoạt động giáo-dục thanh thiếu nhi quá nửa số năm ấy mà đã có lần tôi phát ngán huống gì Bác?  Chính những lúc đang bực mình thì là lúc tôi giật mình và tự trách: sao mình lại nhìn các em như những “cụ non”?  Sao mình không nhớ lại cái thuở thơ ấu của mình và đặt mình vào trạng thái tâm lý, sinh lý của tuổi ấy?  Thế rồi, cả một quãng đời qua lại hiện về trong trí tôi, một quãng đời chỉ  biết đến “cười”, đến “ăn”, đến “vật lộn”, một quãng đời với những ước muốn, những tâm tình, những ý nghĩ mà người lớn không dễ gì hiểu nổi; một quãng đời “trẻ con” mà không muốn đối xử như trẻ con, muốn làm lấy những gì mình muốn dù làm thì hư hỏng luôn tay.  Cái tuổi con nít ấy có cái hùng khí của nó, thà chịu la, chịu mắng, chịu đánh đập hành hạ bởi những người lớn không chịu hiểu nó hơn là phản lại cái đời sống chân thực của nó.

      Từ giật mình, tôi lại bị dày vò bởi hối hận: sao ta lại bắt nó sống một đời sống giả-dối và ta lại hài lòng với cái đạo-đức-giả của nó?  Nếu giáo dục theo quan niệm Phật-giáo, là chuyển nghiệp, chuyển nghiệp xấu thành tốt, cốt để cho chúng “chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành” thì sao ta lại bắt nó đóng kịch đạo-đức trước mặt ta?  Sao ta lại không đánh thức dậy những tính tốt đang ngủ mê trong những tật xấu?  Sao ta lại không “tương kế tựu kế”, không “dĩ độc trị độc”, không lấy cái hiếu động thiện thay thế cho cái hiếu động ác?

      Sao lại không như thế được, thưa Bác?  Nghĩ thế rồi, Bác sẽ như tôi, chúng ta “hiểu” các em hơn, “thương” các em hơn và “chịu đựng” các em hơn.  Chịu đựng không phải để cho các em lăng loàn mà để “thấy rõ” những cái xấu xa cần phải bới tận gốc, đào tận rể, huân tập những chủng tử thiện cho chúng có dịp hiện hành.

      Xin thưa rằng công việc này không phải hoàn toàn công việc của Bác.  Đó là công việc chính yếu của các Đoàn trưởng và Đoàn phó đã được huấn luyện các phương pháp giáo-dục; nhưng vì là Gia-trưởng có trách nhiệm toàn diện, sự hiểu biết thêm của Bác sẽ giúp nhiều ý kiến hay cho các Huynh-trưởng phụ trách Đoàn.

      Chắc Bác ngại ngùng vài phương pháp diễn đạt qua các thành ngữ “tương kế tựu kế”, “dĩ độc trị độc” có vẻ “bá đạo” chăng?

      Trong kinh Pháp-hoa, phẩm thí dụ, đức Phật đã tả cảnh nhà của một vị trưởng-giả đang cháy mạnh.  Mà bầy con của vị trưởng-giả thì cứ nhởn nhơ vui cười trong ngôi nhà đang sụp đổ ấy không ý thức được “gì là lửa? gì là nhà? thế nào là hại? chỉ cứ đông tây chạy giỡn nhìn cha mà thôi”.  Còn người cha thì mặc sức kêu gọi, giải thích, nài nĩ, van lơn nhưng vô hiệu.  Cuối cùng vị trưởng-giả phải đánh lá bài “tương kế tựu kế”: chúng ham chơi thì ta lấy đồ chơi để dụ dỗ.  Các thứ xe dê, xe hươu, xe trâu đẹp đẽ, lộng lẫy chưa từng có được nêu ra để khích động lòng hiếu kỳ và động lòng ưa đắm của chúng.  Khi dụ chúng thoát khỏi nhà lửa rồi, vị trưởng-giả cho các con đồng một thứ xe lớn – xe trâu – tượng trưng cho năng lực tế độ của đại thừa.  Muốn khơi sáng về tính chất dụng phương tiện ấy, đức Phật hỏi ông Xá-lợi-phất:

      – “Ý của Ông nghĩ sao?  Ông trưởng giả đó đồng đem xe trâu báu lớn cho các người con, có lỗi hư vọng chăng?”

Xá-lợi-phất thưa:

      – “Thưa Thế-tôn, không.  Ông trưởng giả đó chỉ làm cho các người con đặng khỏi nạn lửa, toàn thân mạng chúng nó, chẳng phải là hư vọng.  Vì sao?  Nếu được toàn thân mạng bèn đã được đồ chơi tốt đẹp huống nữa là dùng phương tiện cứu vớt ra khỏi nhà lửa”.

      Thưa Bác, câu chuyện trong kinh để lại nhiều ý nghĩa thâm thúy khiến chúng ta phải suy nghiệm.  Sao chúng ta không rút tỉa những huyền nghĩa chứa đựng trong ấy để làm lý thuyết và hành động?

      Khía cạnh tâm lý của câu chuyện đã là một bài học hay cho chúng ta.  Hình ảnh bầy con của vị trưởng giả kia chẳng phải là hình ảnh sống động của con em chúng ta bây giờ sao?  Nếu những chiếc xe dê, xe hươu, xe trâu đẹp đẽ có đủ mãnh lực lôi kéo những quý tử của vị trưởng giả ra khỏi nhà lửa thì sao ta lại không biết dùng những trò chơi, những cuộc cắm trại, những bài ca, những hoạt động vui vẻ v.v… làm những phương tiện dắt dẫn con em chúng ta đến với mục đích mà Gia-đình Phật-tử đã đề ra?

      Thưa Bác, xã hội này cống hiến cho con em chúng ta vô số là trái cấm, vô số là đồ chua mà chúng chẳng cần khó nhọc chi lắm để phạm vào.  Bác thử đặt câu hỏi: Ai sẽ dang tay phá đổ những ngôi chùa mà quý bác đã đem bao công lao, bao mồ hôi nước mắt để gây dựng nên?  Ai?  – Chính con em của chúng ta chứ không phải là ai hết nếu chúng không được giáo dục, nếu chúng không được hướng dẫn, nếu chúng không được gieo trồng những hột giống thích hợp.

      Nghĩ thế, chúng tôi hy vọng những dị đồng của hai lớp tuổi già trẻ đã có một nhịp cầu thông cảm, và nhịp cầu ấy được nối dài qua khuôn hội và do đó, Bác cũng sẽ đỡ bớt những tiếng bấc tiếng chì của hội viên!

      Còn những cái bực mình khác nữa, nhưng một khi mà mối dị đồng căn bản và trọng đại trên đã được san bằng thì những tiểu tiết khác cũng sẽ được lấp đi một cách mau chóng.  Nhưng thưa Bác, càng đi sâu vào công việc của Gia-đình, bên cạnh những cái bực mình ấy là những niềm vui, những khích lệ cũng không kém mãnh liệt.  Xin mời Bác nghe lời bộc bạch của anh Trưởng Ban Hướng-dẫn Trung ương đọc trong buổi lễ khai mạc Đại-hội Huynh-trưởng toàn quốc ngày 29-7-1967 tại Sài-gòn như sau:

      “Hơn một năm nay, từ pháp nạn 1966, ngoài những khổ nhục chung của đất nước và của Giáo-hội, Gia-đình Phật-tử chúng tôi ở tại Trung-ương cũng như ở trên toàn quốc đã phải chịu đựng nhiều nổi gian lao, tang tóc trong nội bộ mình: một số anh chị em huynh-trưởng và đoàn sinh đã hy sinh thân mạng hay bị giam giữ lưu đày; một số khác bị bắt đi quân dịch mặc dù chưa đến kỳ hạn; một số khác trong giới công chức hay quân nhân đã bị cách chức hay thuyên chuyển đến những nới rừng thiêng nước độc.  Đau đớn nhất là trụ sở của Ban Hướng dẫn Trung-ương ở đường Hiền Vương đã bị chiếm giữ, một số tài liệu quý báu cất giữ từ hơn 20 năm nay đã bị lấy mất.  Trong khi ấy thì quỹ của Ban Hướng dẫn Trung-ương, vốn đã nghèo vì không được một sự trợ cấp thường xuyên nào cả lại càng nghèo thêm vì phải đài thọ, giúp đỡ cho một số anh chị em đang lâm vào cảnh tù đày, lao lý ở nhiều nơi.  Nhưng điều đáng mừng là, trong hoàn cảnh đen tối như vậy, Gia-đình Phật-tử chúng tôi vẫn cố gắng sinh hoạt đều đặn, không có một sự xáo trộn, một sự chia rẽ vì chính kiến hay vì tinh thần cục bộ, địa phương nào cả…”

      Có món quà tinh thần nào hơn, thưa Bác?  Được kết quả như thế, công lao lớn nhất – đành rằng khi làm việc cho Gia-đình Phật-tử, mấy ai đã tính công lao? – không phải là của quý Bác, những kẻ nắm giữ giềng mối của đơn vị Gia-đình thì là còn của ai?

Chưa hết.  Niềm vui lớn còn hơn, sâu đậm hơn:

      “Trước tiên, chúng tôi nghĩ rằng đó là do truyền thống bất khuất của dân tộc: càng vươn lên mạnh; càng gặp gian lao khổ cực lại càng hăng chí tiến thủ.  Lịch sử của đất nước đã luôn luôn chứng minh như vậy.  Thứ đến, đó là do tinh thần trung kiên của người con áo Lam đối với Gia-đình Phật-tử.  Dù gặp hoàn cảnh nào, sáng sủa hay đen tối, họ vẫn không quên lý tưởng mà họ vẫn tôn thờ…” (Diễn văn ghi trên)

      Tôi không được cái may mắn ngồi trong phòng hội-nghị để lòng rộn ràng khi chính tai nghe lời anh Trưởng-ban.  Nhưng, tôi có cảm tưởng rằng, như tôi – tim Bác cũng đập mạnh khi đọc những lời lẽ trên vì hãnh diện.  Sự hãnh diện đã đóng góp được những phần nào vào truyền thống của dân tộc.  Tình đạo, tình đời hòa hợp.  Đạo pháp và dân tộc gắn liền.  Và như lời anh Trưởng-ban:  “Nếu chúng ta xa rời căn bản ấy, chúng ta sẽ mất gốc, đoàn thể chúng ta sẽ mất hết sinh khí và mất luôn sự ủng hộ của đại đa số quần chúng Phật tử hay không…” (Diễn văn ghi trên)

      Con đường chúng ta – trong đó có bác GIA TRƯỞNG lãnh một trách nhiệm nặng nề – đã được vạch ra.

Suối tâm tư chảy đến với lòng Bác chưa cạn, không thể cạn nhưng xin mời Bác hãy theo giòng suối đi vào ngõ ngách của Gia-đình…

Phần thứ hai

                                                QUY CỦ GIA-ĐÌNH

1.       Nền móng:  Tìm hiểu Nội quy

2.       Truyền thống: Mục đích – Châm ngôn – Khẩu hiệu – Luật – Màu cờ – Sắc áo – Bài ca chính thức – Khuôn dấu – Chào – Phù hiệu – Quá trình

3.       Những người cộng tác: Thành phần – Điều kiện – Những trợ duyên

4.       Lập một gia-đình: Điều kiện – Công nhận  Ngưng sinh hoạt – Giải tán

I. Nền móng: Tìm hiểu Nội Quy 

      Nếu Bác tham khảo Hiến-chương Giáo hội và Nội-quy Gia-đình Phật-tử kỹ càng trước khi nhận làm GIA-TRƯỞNG, thì chúng tôi xin ghi trường hợp của Bác là một trường hợp điển hình.

      Thường thường thì Bác Gia-trưởng bị khuôn hội “bắt cóc” trong số những hội viên tre trẻ và thường phải chịu cái cảnh trên đe dưới búa nên thiếu sự hăng say.  Do đó, mọi công việc đều phó thác cho anh Liên-đoàn-trưởng ngành Nam nếu không muốn nói là “khoán trắng”.  Gặp trường hợp này, xin mời Bác Gia-trưởng bất-đắc-dĩ đọc kỹ nội quy, tìm hiểu mục đích của Gia-đình, tìm hiểu sinh hoạt và thành quả của tổ chức suốt hơn 20 năm qua, tôi cam đoan là Bác sẽ tìm thấy một làn sinh khí mới, một lý-tưởng phục vụ mới cho đạo-pháp và dân-tộc không những cho hiện tại mà cả trong tương lai; không những cho thế hệ đương thời mà cho cả những thế hệ mai sau.  Cứu một người lớn chỉ mới cứu được một người.  Cứu được một trẻ em là cứu được CẢ MỘT BẢN TOÁN NHÂN.

      Xin mời Bác đọc đi.  Dần dần Bác cảm thấy như có một ngọn lửa nung nấu tâm hồn Bác như đã và đang hâm nóng nhiệt-huyết chúng tôi.  Nơi đây, chúng tôi chỉ xin ghi lại những nét chính, những điều cần cho Bác trong hoạt động mới.

 II. Truyền thống

1. Mục đích Gia Đình Phật Tử

     Gia-đình Phật-tử chúng ta không phải là một tổ chức hoàn toàn biệt lập nhưng là một tổ chức giáo dục nằm trong Tổng-vụ Thanh-niên của Viện Hóa Đạo.  Đó là phương diện pháp lý của Gia-đình.  Cũng nằm trong Tổng-vụ Thanh-niên với chúng ta, có những bạn đồng hành khác: Sinh viên, Học sinh, Thanh niên.  Sinh viên thì chỉ có sinh viên, Học sinh thì chỉ có học sinh mới tham gia, Thanh niên thì chỉ có một lớp tuổi được quy định mà thôi.  Riêng Gia-đình Phật-tử chúng ta thì thâu nhiếp đủ mọi thành phần: Sinh viên, Học sinh, Giáo sư, Công chức, Lao động, Thương gia, Nông gia, Thợ thuyền cho đến cả những người giúp việc, những em bán cà rem, đậu phụng rang cũng không thiếu.  Điều đặc biệt là mọi thành phần, mọi giai cấp khi đã khoác lên mình chiếc áo LAM rồi thì trọn vẹn sống trong tinh thần bình đẳng của chư Phật: “Không có giai cấp trong nước mắt cùng mặn, không có giai cấp trong máu cùng đỏ…”  Cái tinh thần ấy ngự trị không phải chỉ trong lúc đến với Đoàn mà trong cả đời sống hàng ngày.

     Tuy nằm trong Tổng-vụ, nhưng chúng ta có một lề lối tổ-chức biệt-lập; một phương pháp hợp khế hợp cơ cho tuổi Thanh-Thiếu-Nhi; một kỷ cương truyền thống nội bộ mà không ai xâm phạm được.  Tất cả những cái riêng biệt ấy nhằm thực hiện mục đích Gia-đình Phật-tử như sau:

      – Đào luyện Thanh, Thiếu, Đồng niên thành Phật-tử chân chính.

– Góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.

Phần thứ nhất của Mục đích là nhằm vào tự lợi, đào luyện cho mỗi cá nhân trở thành Phật-tử chân chính, những Phật-tử SỐNG đúng với pháp của Phật, thực hành năm hạnh trong đời sống hằng ngày.  Đào luyện các em trở thành Phật-tử chân chính phải cần nhiều thời gian, nhiều cố gắng, không thể một sớm một chiều mà thành tựu được.  Chính sự cố gắng thường xuyên, sự kiên nhẫn và lòng trung kiên với lý tưởng sẽ không làm cho chúng ta nản lòng.

     Phần thứ hai của Mục đích thuộc về lợi tha, phần xây dựng xã hội.  Con người có đổi mới, mới đổi mới được xã hội.

     Không thể nào có được một xã hội tốt đẹp khi con người còn xấu xa.  Cho nên, không thể tách rời hai phần tự lợi và lợi tha riêng biệt nhau.  Tự lợi để mà lợi tha.  Và trong lợi tha cũng đã ngầm chứa tự lợi rồi.  Khi xây dựng xã hội hẳn nhiên cũng đã có phần xây dựng bản thân trong đó.

2. Châm ngôn – Khẩu hiệu

Xây dựng theo tinh thần Phật giáo tức là thấm nhuần vào đời sống xã hội các đức tính Từ bi (lòng thương rộng lớn), Trí tuệ (sự sáng suốt) và Dũng cảm (ý chí tiến thủ); ba yếu tố cần thiết cho sự giác ngộ.

     Do đó, BI-TRÍ-DŨNG là châm ngôn của Gia-đình Phật-tử, là những mục tiêu mà Phật-tử hướng đến trong mọi sinh hoạt với khẩu hiệu TINH-TẤN mà Bác thường nghe các em hô khi tập họp:

     Huynh trưởng: PHẬT TỬ!

     Các em: TINH TẤN!

     Khi đồng thanh trả lời hai chữ TINH-TẤN ấy, các em phải đứng nghiêm chỉnh và đôi lúc phải bắt tay ấn nếu cần chào ai.  Bác quan sát từng em, nếu em nào không giữ đúng kỷ cương ấy, xin Bác cứ lấy luật mà chỉnh đốn lại.

3. Luật

     Luật của Gia-đình Phật-tử có hai cấp.  Với các em Đồng niên nhỏ tuổi thì luật có vẻ đơn giản, hợp với sức các em để các em có thể thực hiện được.  Có ba điều:

      1. Em tưởng nhớ Phật.

2. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.

3. Em thương người và vật.

     Rất là giản dị, nhưng các em được khuyến khích thi hành thì cũng là một sự lợi ích lớn lao.  Ra đường, Bác bắt gặp một em Oanh-vũ bắn chim?  Bác đến vổ vai em ấy rồi nói nhỏ: “Nè, con quên luật thứ ba rồi sao?”.  Đến thăm nhà phụ huynh, bắt gặp một đoàn sinh dành đồ chơi với em.  Bác kêu lại và nghiêm khắc ra lệnh cho em đứng nghiêm đọc điều thứ hai.  Thấy vậy, chắc phụ huynh cũng khoái chí mà em đó cũng dờm dờm vì sợ bị Ba Má bắt đọc luật ấy lại.

     Lớn tuổi hơn, các em thuộc ngành Thiếu, ngành Thanh và cả Huynh trưởng (xin Bác nhớ cho là Bác cũng là Huynh trưởng đấy) có những điều luật “lý tưởng” hơn, trọn cho cả đời mình.  Có năm điều:

      1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.

2. Phật tử mở rộng lòng thương, tôn trọng sự sống.

3. Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.

4. Phật tử trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.

5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường Đạo.

     Luật là mối dây tinh thần ràng buộc đoàn sinh hòa đồng trong đoàn thể: “giới hòa đồng tu”.  Luật có hai tác dụng: ngăn ngừa tội lỗi và phát triển tánh thiện.  Giải thích những điều luật cho các em cần phải tế nhị, phải hợp với tuổi và tính tình.  Càng lớn các em càng hiểu ý nghĩa của luật hơn.  Trong các buổi lễ Phật thường lệ, các em đều đọc luật.  Đọc như keo như vẹt, hay đọc như học sinh đọc bài học thuộc lòng chẳng phải là điều mà chúng ta mong ước.  Làm thế nào cho các em hiểu rằng đọc luật trong các buổi lễ Phật là để nhắc nhủ và tự xét lại mình đã thực hiện những gì, vi phạm gì trong tuần qua.

     Cho nên, tôi xin đề nghị sau khi đọc luật xong, cho các em vài phút im lặng để suy gẫm.

     Có một phương pháp dạy luật hay nhất và có tác dụng nhất là “dĩ thân tác chúng”.  Những người lớn chúng ta mà sống đúng với luật thì tự nhiên các em theo.  Không thể nào chúng ta lại theo câu ngạn ngữ hết sức phản giáo dục này của Tây phương: “Làm những điều tôi nói, đừng làm những điều tôi làm”.

     Luật, khẩu hiệu và châm ngôn có liên hệ và tương quan mật thiết với nhau để đạt tới cái mục đích mà chúng ta theo đuổi.  Chúng có mãnh lực tập trung và gạn lọc ý nghĩ, lời nói và hành động chúng ta trong đời sống hằng ngày để đạt tới cõi thiện.

     Trên đây, là những điều tổng quát, sơ lược.  Để hiểu rõ thêm, xin mời Bác dự những khóa hội thảo Gia-trưởng hay dự thính các khóa huấn luyện Huynh trưởng để đi sâu vào chi tiết, nhất là các phương pháp giáo dục, những chiếc bè cần thiết để chở các em sang sông.

4. Màu cờ – Sắc áo

     Chúng ta có những hình thức và dấu hiệu riêng của chúng ta, vừa để tượng trưng cho lý thuyết, vừa để phân biệt với các đoàn thể khác, vừa để un đúc tinh thần cố kết để bảo vệ đạo pháp và tổ chức chúng ta.

     Trước hết, nói đến chiếc HOA SEN TRẮNG tám cánh trên nền xanh lá mạ, biểu tượng chính của Gia-đình.  Hoa sen 8 cánh, 3 cánh dưới tượng trưng cho Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng mà Phật tử phải nương về để làm căn bản cho sự tu tiến.  Năm cánh trên tượng trưng cho 5 đức tính: Từ bi, Trí tuệ, Tinh tấn, Thanh tịnh, và Hỷ xả là con đường dắt dẫn chúng ta đến mục đích của Tổ-chức: thành Phật tử chân chính.

     Màu lá mạ là màu của hy vọng, từ sự hy vọng nhỏ nhoi về đời sống bản thân đến lòng hy vọng vô biên tối hậu mà đức Phật đã công bố, “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”.

     Nếu là HUY HIỆU thì hoa sen trắng (màu trắng tượng trưng cho ánh sáng trí huệ hoàn toàn – giác ngộ – và ánh sáng thanh tịnh hoàn toàn – giải thoát) trên nền lá mạ hình tròn có viền trắng.  Hình tròn tượng trưng cho đạo Phật viên dung, hoàn toàn vô ngại.

     Đoàn sinh chỉ được mang huy hiệu sau khi làm lễ phát nguyện.

     Nếu là Cờ của Gia-đình, thì hoa sen trắng trong vòng tròn trắng trên nền lá mạ hình chữ nhật 0m60 x 0m90 về phía phải lá cờ.  Còn mặt bên trái thì thêu tên Gia-đình.  Cờ Gia-đình có tua trắng viền chung quanh.

      Huy hiệu và cờ Sen trắng là linh hồn của Gia-đình Phật-tử chúng ta.  Khi để trong đoàn quán hay khi tập họp, khi đi ngoài đường, đi cắm trại hay trong những sinh hoạt khác, cờ phải được dựng lên nơi chỗ cao ráo, sạch sẽ; phải được cầm tay một cách đứng đắn, trịnh trọng…  Và nếu ai manh tâm lợi dụng và xâm phạm thì chúng ta phải đem xương máu bảo vệ nó.  Nếu quan niệm rằng Giáo-kỳ chỉ là một mảnh vãi không đáng giá ba xu như một vị nào đó đã lên tiếng trong kỳ vận động của Phật giáo năm 1963 thì làm sao Hòa thượng Quảng-Đức của chúng ta có thể tự tại ngồi trong lửa hồng như ngồi nơi gió mát trăng thanh?

     Màu Lam

     Sắc áo của tổ chức chúng ta là sắc LAM.  Đời là một sự hòa âm nhịp điệu.  Màu lam là một màu hòa hợp với cảnh vật thiên nhiên, hòa hợp với lòng người, hòa hợp cái ta nhỏ bé vào cái đại ngã độc tôn linh diệu.

     Màu LAM bây giờ là một màu phổ biến, biểu hiện cho Gia-đình Phật-tử, cái màu hiền lành dễ thương mà cũng dễ nhuộm ấy.  Chỉ cần một tí mực tàu cũng đủ nhuộm được một chiếc áo dài đẹp đẽ khiêm nhượng.

     Nếu chúng ta quyết tâm bảo vệ màu cờ thì chúng ta cũng đừng bán rẻ sắc áo bằng cách làm hoen ố nó với những hành động lệch lạc tinh thần Phật-tử, hoặc với sự tham dự vào những hoạt động ngoài chủ trương của Giáo-hội và của Gia-đình chúng ta.

     Đồng phục của Huynh-trưởng và đoàn sinh đã được quy định; nhưng rất tiếc là đồng phục của Gia-trưởng chưa được thống nhất vì tuổi tác, vì thói quen.

     Có những Bác Gia-trưởng – tuy đã già – mà không ngần ngại bận đồng phục Huynh-trưởng.  Cái lợi thật rõ rệt: Bác đã gần gũi các em và các em cũng đã tự thấy gần gũi Bác quá nhiều như không còn một sự ngăn cách nào cả.  Do đó mà Bác đã nhiếp phục được các em một cách dễ dàng.  Tôi đã từng thấy các em ùa ra vây quanh Bác Gia-trưởng (mặc đồng phục) với một tinh thần cởi mở, thắm thiết đạo tình và Bác cũng đã hoan hỷ tươi cười thân mật không kém khi thăm em này, hỏi em khác, phán xét em kia mà chắc chắn một Bác Gia-trưởng bệ vệ trong bộ đồ tây đứng đắn hay với chiếc áo thâm the dài đạo mạo không thể nào tạo ra được.  Tôi thật cảm động và ước ao được thấy cái hình thức ấy nơi mọi Bác Gia-trưởng.

     Nếu bộ đồ đồng phục còn là vấn đề ngăn ngại thì xin quý Bác Gia-trưởng dùng ÁO LAM dù là áo sơ mi dài hay chiếc áo dài quốc phục.

     Một khi mà thân hòa đồng trú rồi thì đồng sự cũng dễ dàng và lợi hành sẽ đến.  Xin Bác Gia-trưởng suy nghĩ lại coi.

     Và trong cùng màu cờ sắc áo ấy, chúng ta cùng ca bài ca chính thức, bài:

5. Bài Ca Sen Trắng

Lòng chúng ta sẽ đi theo câu ca tiếng hát

     “Kìa xem đóa sen trắng thơm

      Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn

      Hình dung Bổn-sư chúng ta

      Lòng từ-bi trí-giác vô cùng

      Đồng thệ nguyện một dạ theo Phật

      Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết

      Đến bao giờ được tày sen ngát

      Tỏa hương thơm từ-bi tận cùng”.

     Lời lẽ có giá trị như một bài nhật tụng.  Điệu hát lại không khúc mắc mà Bác chỉ nghe vài lần, hát thầm trong miệng vài bận là có thể hòa chung với các em trong buổi lễ được liền.  Tụng chú Đại-bi còn khó hơn gấp bội.

     Bài ca chính thức phải được tôn trọng.  Người hát, toàn thân phải nghiêm chỉnh.  Người nghe cũng trong thái độ kính trọng.  Đã là đoàn viên Gia-đình Phật-tử, hể khi tiếng hát bài ca chính thức vọng đến thì bất cứ làm việc gì cũng phải ngừng lại, nghiêm trang đứng hướng về phía phát ra bài ca cho đến khi chấm dứt.

     Nếu có em nào – dù là vô tình – không giữ thái độ tôn trọng bài ca chính thức, huy hiệu hay cờ Gia-đình thì xin Bác cứ phê bình đừng tiếc lời.  Có thế các em mới biết tôn trọng Quốc-kỳ, Phật-kỳ và Quốc-ca…

6. Khuôn Dấu

     Khuôn dấu của Gia-đình hình tròn có viền.  Bên trong có bánh xe pháp luân và hoa sen.  Quanh viền ghi: Gia-đình Phật-tử Việt-Nam, tên Tỉnh, tên Quận.  Ở giữa ghi tên Gia-đình:

     Đường kính: 30 ly

Chỉ có các cấp: Trung ương, Miền, Tỉnh, Quận và Gia-đình có khuôn dấu mà thôi.

Dưới văn thư, khuôn dấu được áp phía trái chữ ký, chứ không phải chồng lên.

7. Chào

     Phật tử chúng ta thường chắp tay trước ngực để chào nhau.  Đó là một lối chào rất nhã nhặn và rất khiêm tốn mà chúng ta nên giữ khi tiếp xúc với quý vị Tăng ni, với hội hữu cả lúc mặc đồng phục.

     Tuy nhiên, là một đoàn thể thanh niên, khi mặc đồng phục, chúng ta có một cách chào riêng biệt; đó là ẤN CÁT TƯỜNG.  (Bàn tay mặt ngữa về phía trước, đưa ngang vai, cánh ngoài thẳng dọc với ngón cái giữ lấy ngón đeo nhẫn).

     Lối chào này, ngoài việc áp dụng rộng rãi trong Gia đình Phật tử chúng ta, còn có thể áp dụng đối với các đoàn thể Thanh niên bạn và đặc biệt chào linh cữu khi gặp đám tang.

     Khi chào, phải nghiêm chỉnh.  Cùng với động tác đưa cánh tay lên, thân mình phải thẳng thắn, mặt nghiêm, mắt nhìn thẳng vào khách.  Nếu chào người cấp trên và người trên chào lại thì phải đợi cho khách buông tay chào mới nghỉ tay.

   Chào cũng thuộc về nghi lễ nên phải cẩn trọng, không nên bừa bãi.  Nhìn vào cữ chỉ của một đoàn sinh lúc chào, người ta có thể biết được trình độ giáo dục của đoàn thể ấy.

8. Phù Hiệu

Ngoài huy hiệu hoa sen mang trước ngực như Nam Huynh trưởng còn có những phù hiệu sau đây:

Phù hiệu chức vụ, đeo trên hoa sen.

Gia trưởng: Kích thước: 20 x 70 ly

GIA TRƯỞNG CHÁNH ĐẲNG

Liên đoàn trưởng: Kích thước: 16 x 60 ly

MINH TÂM

Thư ký và Thủ quỹ Gia đình: Kích thước như Liên đoàn trưởng chỉ ghi tên Gia-đình mà thôi

THUẬN HÓA

Những phù hiệu này nền nâu chữ trắng.

Để tự giới thiệu, còn có một bảng tên và pháp danh, kích thước 15 x 17 ly, nền trắng chữ đỏ.  Pháp danh lớn hơn họ và tên.

TÂM DŨNG NGUYỄN ĐẠI THỨC

Nếu bận đồng phục, thì bảng này đeo trên túi áo mặt.  Nếu bận quốc phục thì đeo dưới huy hiệu hoa sen.

9. Quá Trình

     Đến đây, tôi không thể không tâm sự với Bác cái quá trình của chúng ta dù chỉ là đôi lời tâm sự ngắn ngủi qua một vài khúc quanh lớn của lịch sử: lịch sử dân tộc và đạo pháp có ít nhiều liên hệ tinh thần:

     1930:

* Phong trào kháng chiến quân sự dành độc lập cho Tổ-quốc thất bại và chấm dứt sau vụ khởi nghĩa Yên-bái.

* Cũng trong những năm ấy, phong trào chấn hưng Phật-giáo nảy mạnh: Lưỡng-xuyên Phật-học.  Nam kỳ nghiên cứu Phật học (1931) ở Nam; An-nam Phật học hội (1932) ở Trung; Việt-Nam Phật-Giáo (1934) ở Bắc.

1940:

* Thanh niên Phật-học Đức dục và Gia-đình Phật-hóa phổ ra đời tại Huế.  Các GĐPHP đầu tiên: Tâm-Minh, Tâm-lạc, Thanh-tịnh, Sum-đoàn.

1945-1946:

* Cách mạng tháng 8.

* Pháp đổ bộ lên Việt-Nam.  Chiến tranh Việt-Pháp.

* Sinh hoạt Gia đình bị đứt đoạn.

1947-1948:

* Nung nấu lại tổ chức: GĐPHP được thành lập: Hướng thiện và Gia thiện.

* Sau đó, nhiều GĐPHP khác ra đời.

* Ban Hướng dẫn Thừa thiên được thành lập.

* GĐPHP được tổ chức ở Bắc.

1950:

* Đạo dụ số 10 của Chính phủ đặt Phật giáo vào quy chế Hiệp hội.

1951:

* Đại hội Huynh trưởng GĐPHP họp tại Từ đàm với sự tham dự của Đại diện Trung và Bắc: Danh hiệu Gia đình Phật tử thay thế GĐPHP, Nội quy GĐPT được thiết lập, Tiếng nói Thống nhất vang dội.

* Đại hội Phật giáo Thống nhất của 6 Tập đoàn Tăng già và Cư sĩ Trung-Nam-Bắc: Tổng hội Phật giáo Việt nam ra đời.

1953:

* Đại hội Huynh trưởng GĐPT thứ 2, đủ đại diện Trung-Nam-Bắc tại Huế: Chương trình tu học được hoạch định.

1954:

* Đất nước bị chia đôi.  Chính quyền Ngô đình Diệm – Ảnh hưởng của Mỹ tại miền Nam Việt-Nam.

1955:

* Hội nghị Huynh trưởng lần thứ 3 tại Đalat: Quy chế Huynh trưởng, Tu chỉnh hình thức.  Huynh trưởng Phan duy Trinh bị tàn sát dã man tại Huế.

1960:

* Họp bạn ngành Thiếu V_N-H_NH dự định tại Nha trang đang tiến mạnh thì không được phép của Chính quyền.

1961:

* Đại hội Huynh trưởng GĐPT tại Saigon (chùa Xá lợi).  Ý chí thống nhất trọn vẹn – Ý kiến thay đổi danh hiệu Thanh niên Phật tử Việt nam thay GĐPT không được đại hội chấp nhận.

1963:

* Cuộc vận động đòi bình đẳng Tôn giáo và công bình xã hội của Phật giáo Việt nam.

* Oanh vũ Đặng văn Công bị tàn sát tại đài phát thanh Huế, Đoàn sinh Quách thị Trang bị bắn chết tại Saigon.

* Chế độ Ngô đình Diệm sụp đổ.

1964:

* Giáo hội Phật giáo Việt nam Thống nhất được thành lập.  Hiến chương của Giáo hội ban hành.

* Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc với hơn 200 đại biểu của 42 tỉnh hội họp tại Saigon (Trường Gia long).

* Ban Hướng dẫn GĐPT các phần giải tán.

1965:

* Nữ Huynh trưởng Đào thị Yến Phi tự thiêu phản đối chính phủ Trần văn Hương tại Nha trang.

1966-1967:

* Cuộc vận động của Phật giáo đòi Quốc hội và chủ quyền Quốc gia, đòi hủy bỏ sắc luật 23/67 của Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia.

* Huynh trưởng Nguyễn đại Thức bị bắn chết tại Huế.

* Thiếu nữ Nguyễn thị Vân tự thiêu tại Huế.

* Thiếu nữ Đào thị Tuyết tự thiêu tại Saigon.

* Đại hội Huynh trưởng GĐPT toàn quốc tại Saigon (Trung tâm Văn hóa Xã hội Phật giáo): Gây ý thức gắn liền Đạo pháp và Dân tộc.

1968:

* Nội san Gia đình Phật tử Việt nam “SEN TRẮNG” ra đời.

      Có một cái gì liên tục, một cái gì không thể dùng ngôn ngữ, văn tự nói ra được đã ngự trị suốt cả thời gian ấy và làm cho tổ chức của chúng ta – dù trải qua bao nhiêu biến chuyển của thời cuộc – vẫn giữ được tinh thần duy nhất, vẫn giữ được sự tinh khiết của màu cờ sắc áo mà một khi đề cập đến Gia đình Phật tử, không ai có thể khinh nhờn được.

      Chính “cái gì đó” đã làm cho phong trào Gia đình Phật tử phát triển mau chóng từ thành thị đến thôn quê, từ núi rừng đến duyên hải… và nay đã trở thành một tổ chức giáo dục Thanh thiếu niên có quy mô, có lý thuyết, có phương pháp riêng biệt.

III. Những người cộng tác

1. Thành phần

 Đồng hội, đồng thuyền để lèo lái Gia đình với Bác Gia trưởng có:

–     1 Liên Đoàn Trưởng

–     2 Liên Đoàn Phó (1 phụ trách Liên Đoàn Nam, 1 phụ trách Liên Đoàn Nữ).

–     1 Thư Ký

–     1 Thủ Quỹ

      và các Đoàn trưởng, Đoàn phó các Đoàn.

Bác Gia trưởng và các Anh, Chị này làm thành BAN HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH

      Để Bác tường tận hơn, xin trình bày với Bác hệ thống tổ chức của Gia đình sau đây:

      Ngành – Liên Đoàn – Đoàn

     Mỗi Gia đình có ba NGÀNH thuộc ba lớp tuổi:

–         Ngành ĐỒNG NIÊN biệt danh OANH VŨ tuổi từ 7 đến 12

–         Ngành THIẾU NIÊN từ 13 đến 17 tuổi

–         Ngành THANH NIÊN từ 18 tuổi trở lên

      Mỗi Liên Đoàn có ba ĐOÀN thuộc ba ngành:

–         Đoàn Nam hay Nữ Oanh Vũ

–         Đoàn Thiếu Nam hay Thiếu Nữ

–         Đoàn Nam hay Nữ Phật Tử.

      Liên Đoàn do Liên Đoàn trưởng phụ trách.  Các Đoàn thì có một Đoàn trưởng và một hay hai Đoàn phó điều khiển.

      Mỗi đoàn có chương trình và phương pháp tu học riêng hợp với sự phát triển về cơ thể và tâm lý cho từng lớp tuổi.

      Nam và Nữ sinh hoạt riêng biệt, trừ trường hợp Gia đình dưới 4 đoàn.  Điều này gây nhiều khó khăn và đã có nhiều sự thảo luận sôi nổi trong các kỳ đại hội Huynh trưởng toàn quốc.  Sở dĩ phải sinh hoạt riêng biệt là để cho các đoàn nữ tự lập.  Hơn nữa, tính tình của Nam Nữ khác nhau, hoạt động cũng khác nhau, tâm lý khác nhau, nên sự hoạt động riêng biệt sẽ khích động Liên đoàn Nữ phát triển năng khiếu của mình hơn.  Tuy thế, với chương trình tu học hiện tại, Huynh trưởng Nữ (nhất là Thiếu nữ và Nữ Phật tử) chưa đủ kiến thức chuyên môn để điều khiển nên vẫn là một trở ngại.

     Đại hội Huynh trưởng toàn quốc 1967 đã giải quyết: “Tạm thời, các đoàn nên sinh hoạt cùng một thời gian và địa điểm nhưng cần cố gắng đi đến sự hoạt động riêng biệt”.

     Mỗi Gia đình phải có tối thiểu là 2 đoàn và tối đa là 6 đoàn.  Các Đoàn Oanh Vũ có nhiều nhất là 24 em (4 đàn) và các đoàn Thiếu và Thanh thì nhiều nhất là 32 em (4 đội hay chúng).

2. Những điều kiện cần thiết

     Theo nguyên tắc thì Bác Gia trưởng phải là:

  1. Một cư sĩ từ 30 tuổi trở lên, có uy tín trong ban Đại diện Giáo hội cấp địa phương và hiểu biết về Gia đình Phật tử, do Ban Huynh trưởng mời và được sự đồng ý của Ban Hướng dẫn Tỉnh hay Thị xã.
  2. Nếu Liên đoàn trưởng từ 30 tuổi trở lên có đủ tư cách và uy tín với ban Đại diện Giáo hội địa phương thì có thể kiêm nhiệm chức vụ Gia trưởng.

     Liên đoàn trưởng, Đoàn trưởng và Đoàn phó muốn được giữ chức vụ thực thụ phải trúng cách các trại Huấn luyện Huynh trưởng do Ban Hướng dẫn tổ chức:

*         Trại Huynh trưởng Sơ cấp Lộc uyển đào tạo Đoàn phó

*         Trại Huynh trưởng Cấp I A-Dục đào tạo Đoàn trưởng

*         Trại Huynh trưởng Cấp II Huyền Trang đào tạo Liên đoàn trưởng.

      Đoàn trưởng và Đoàn phó nắm vai trò chủ động về giáo dục đoàn sinh, nếu không có đủ căn bản lý thuyết và chuyên môn thì làm sao mà đào luyện được các em đúng với mục đích và đường lối của Gia đình Phật tử?

     Các trại Huấn luyện như thế thật là quan trọng, Bác cần phải khuyến khích và giúp đỡ các Huynh trưởng tham dự.

     Thư ký và Thủ quỹ, Bác chọn những Huynh trưởng nào có khả năng thì giới thiệu cho ban Huynh trưởng bầu.

     Thành phần điều khiển trong một Gia đình chia ra hai phạm vi rõ rệt:

  • Liên đoàn trưởng, Thư ký, Thủ quỹ và Bác Gia trưởng giữ vai trò điều hợp, dung hòa công tác chung, điều hành hành chánh và tài chánh của Gia đình.
  • Do đó, ngoại trừ Gia trưởng là được mời, các ban viên khác (Liên đoàn trưởng, Thư ký, Thủ quỹ) đều do Ban HUYNH TRƯỞNG bầu lên.
  • Các Đoàn trưởng và Đoàn phó nắm giữ sinh hoạt nội bộ của Đoàn có tính cách chuyên môn, thường xuyên và liên tục để chương trình tu học được áp dụng đúng với hạn kỳ nên không phải bầu lại mỗi năm.  Nếu cần thì cải tổ hay bổ sung mà thôi.

     Thiết tưởng, những tài liệu như “Quy chế Huynh trưởng” bao gồm các mục qui định cấp bậc, san định bổn phận và quyền hạn; “Quy chế Huấn luyện” để thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động; “Quản trị Huynh trưởng” để nắm giữ, phát triển và nâng đỡ Huynh trưởng để liên kết Huynh trưởng lại thành một khối, là những tài liệu mà các Bác Gia trưởng cần nắm vững trong tay để theo dõi đời sống của Huynh trưởng.  Khi đã lãnh hội được kỷ cương rồi thì dù có khởi niệm qua mặt Bác Gia trưởng, Huynh trưởng cũng chẳng dám nào

3. Những trợ duyên

     Bên cạnh Ban Huynh trưởng, có một ban Bảo trợ.  Xin đừng nghĩ rằng nói đến ban Bảo trợ là chỉ nói đến chuyện làm tiền cho Gia đình.  Cái ý nghĩ tai hại ấy làm cho bao đạo hữu e ngại, đắn đo và không dám tham gia ban bảo trợ dù có năm mời bảy mọc.

     Cần phải giải thích rõ ràng công việc bảo trợ gồm cả mọi mặt.  Bảo trợ Huynh trưởng thì cho em út hay con cháu lớn tuổi đi học lớp Huấn luyện Huynh trưởng.  Bảo trợ số lượng đoàn sinh thì khuyến khích bạn bè cho con em đến với Gia đình.  Bảo trợ một lễ lược của Gia đình thì tùy tính cách của buổi lễ mà cho lời khuyên, cho sức lực hay cho tiền bạc, tặng lễ phẩm hay vật dụng.  Nhưng có một sự bảo trợ quan trọng nhất là sự bảo trợ về đức hạnh của Huynh trưởng và đoàn sinh.  Một sự khuyên nhủ, một lời chỉ trích phê phán hành động sai lầm của Huynh trưởng há chẳng phải là một sự bảo trợ to tác ư?

     Tất cả những sự trợ duyên ấy nhắm vào một mục đích duy nhất: bảo vệ sự thuần nhất của Gia đình, giúp đỡ Huynh trưởng làm tròn sứ mạng đối với đạo pháp, đối với dân tộc.

     Một sự bảo trợ như thế, ai mà không thích?

     Bác Gia trưởng càng tế nhị và khéo léo chừng nào thì ban Bảo trợ càng hăng say chừng ấy.  Tâm lý chung là ai cũng muốn làm một cái gì cho đạo.  Nếu trong các buổi họp Huynh trưởng của Gia đình, đều có mặt ban Bảo trợ để góp ý và để quyết định thì tự nhiên ban Bảo trợ thấy mình có trách nhiệm và không nở nào từ chối, nếu thấy công việc quả thật là cần thiết.

     Đôi lúc, ban Bảo trợ đóng vai trò cố vấn.  Thành phần của ban Bảo trợ gồm có: 1 Trưởng ban, 1 phó Trưởng ban, 1 Thư ký và 1 Thủ quỹ.

     Có người cộng tác và biết người cộng tác phải có những điều kiện gì rồi, Bác Gia trưởng có thể nghĩ đến việc thành lập một Gia đình.

IV. Thành lập một Gia đình

1. Điều kiện

Khi được mời thành lập một Gia đình, xin Bác suy nghĩ kỹ về cái mục đích của nó.  Thường thường, các khuôn hội đã nghĩ lầm về tổ chức của chúng ta.  Quý Bác hội viên muốn có một Gia đình như là một đồ trang trí trong các lễ lược cho đẹp mắt, cho vui nhà vui cửa, hoặc có người cầm tràng phan đưa đám ma hay sai làm các công việc vặt vãnh trong khuôn hội khi có lễ lược.  Quan niệm lệch lạc ấy cần phải được chỉnh đốn lại và Bác Gia trưởng có đủ uy tín và cương vị đánh tan những ngộ nhận ấy.

Trong trường hợp đã có một ban hướng dẫn Tỉnh rồi, muốn thành lập một Gia đình thì phải có giấy ủy nhiệm của Ban Hướng dẫn Tỉnh.

Nếu trong trường hợp chưa có Ban Hướng dẫn Tỉnh thì phải có giấy ủy nhiệm của Ban Hướng dẫn Trung ương để trình cho ban Đại diện Giáo hội sở tại biết.  Phải có ít nhất HAI HUYNH TRƯỞNG ĐÃ DỰ LỚP HUẤN LUYỆN mới được thành lập Gia đình Phật tử.

Trong bước đầu, điều Bác Gia trưởng nên lưu ý là vấn đề Huynh trưởng.  Phải sửa soạn trước bằng cách gửi người đi học các khóa huấn luyện Huynh trưởng hoặc bằng cách gởi người đến sinh hoạt tập sự tại các Gia đình kề cận.  Bước đầu là bước khó.  Không phải khó ở chỗ không có đoàn sinh mà khó là ở chỗ tạo nên một quy củ từ trong căn bản để làm đà phát triển dần dần Gia đình đúng với kỷ cương.

Danh hiệu của Gia đình phải được Ban Hướng dẫn Tỉnh chấp thuận.  Đoàn quán ở tại đâu thì liên lạc theo hệ thống ngang với ban Đại diện Giáo hội sở tại.

Trong thời gian Gia đình chưa được chính thức thừa nhận, đoàn sinh chỉ mặc đồng phục và Gia đình hiệu mà thôi.  Chưa được mang huy hiệu hoa sen, ngoại trừ các đoàn sinh từ các Gia đình được thừa nhận chuyển đến (có giấy giới thiệu).  Chỉ được phép sinh hoạt tại đoàn quán mà thôi.  Khi thấy cần phải sinh hoạt tại một địa điểm xa đoàn quán, phải được sự chấp thuận của cấp trên.

2. Công nhận

Sau 6 tháng hoạt động điều hòa, mới được Ban Hướng dẫn Tỉnh (trường hợp có Ban Hướng dẫn Tỉnh) hay Ban Hướng dẫn Trung ương (trường hợp chưa có Ban Hướng dẫn Tỉnh) chính thức thừa nhận.

3. Ngưng hoạt động – Giải tán

Ngoài ra Bác Gia trưởng cũng nên biết trước những quyết định có thể xảy ra cho Gia đình: đó là việc tự ý ngưng hoạt động hay bị giải tán.

Mọi sự ngưng hoạt động của một Gia đình Phật tử phải được 2/3 số Huynh trưởng biểu quyết với sự thỏa thuận của Ban Hướng dẫn Tỉnh.

Một vài sự xích mích, một vài sự bất mãn, một sự lẩy hờn của Bác Gia trưởng hay một sự đối xử không đẹp của Ban Đại diện Giáo hội địa phương, có khi một vài áp lực từ bên ngoài đến có thể đưa đến việc ngưng hoạt động của Gia đình.  Nhưng xin nhớ rằng, một khi đã ngưng rồi mà muốn thành lập lại là cả một vấn đề khó khăn.  Cái khó khăn đầu tiên là cái tâm lý có tỳ vết của Gia đình khó mà gột rửa.  Cho nên xin thận trọng.  Đừng vì cá nhân mà quên đoàn thể.  Gặp việc khó khăn hay một vài sự lủng củng xảy ra trong nội bộ, xin báo cho Ban Hướng dẫn biết liền để cùng nhau sớm giải quyết.

Những Gia đình Phật tử không sinh hoạt đúng nội quy của Gia đình Phật tử Việt nam thì sẽ do ban Hương dẫn Tỉnh quyết định cho tạm ngừng hoạt động hay giải tán sau khi điều tra và lập báo cáo gởi về Ban Hướng dẫn Trung ương.

Gia đình Phật tử bị giải tán, các vật dụng và tài chánh đều phải giao lại cho Ban Hướng dẫn Tỉnh.

Thưa Bác Gia Trưởng,

Nếu lấy việc hoàn thành mục đích Gia đình Phật tử làm lý tưởng sống, thì chắc chắn những điều khoản trên đây chỉ là ở trên giấy trắng mực đen.

Phần thứ ba

NỀ NẾP SINH HOẠT

I. Mái nhà riêng

     Trước hết và trên hết, muốn sự sinh hoạt của Gia Đình có một nề nếp, đoàn quán là một yếu tố thiết yếu.  Thường tình, ít khi chúng ta nghĩ đến vì chúng ta đã có sẵn một ngôi chùa, có sân để sinh hoạt, có giảng đường để hội họp hoặc học tập khi trời mưa. Tâm lý đơn giản hóa sự việc ấy làm mất đi nhiều khía cạnh giáo dục quan trọng.  Chùa là nơi ai đến cũng được, đến lúc nào cũng được.  Cái chỗ công cọng ấy vẫn là chỗ của người.  Chùa còn là chỗ ưu tiên cho các hội hữu mà kinh nghiệm cho thấy một sự thật: hoạt động của Gia Đình bị cản trở vì bị đẩy ra ngoài khi hội quán bị bận.  Ở chùa, với sự ràng buộc lễ giáo khắt khe, các em không được thẳng thắn phát biểu những ý kiến của mình.  Tính tình các em cũng bị kiềm chế một cách bắt buộc nên chúng ta không thấy rõ được tính nết  ỗthậtỗ của các em.  Phải có một đoàn quán – một chỗ để cho các em cảm thấy là của riêng của mình, thật sự ở trong nhà mình; một chỗ mà các em thường lui tới những khi rảnh rỗi, tìm ở đó cái thú làm việc, cái ý thức trách nhiệm bảo vệ và làm cho nó càng ngày càng đẹp.  Đó cũng là nơi phát triển khả năng sáng tác và thực dụng.

     Đoàn quán còn là sợi dây tinh thần cầm  giữ các em ở lại Gia Đình, hãnh diện vì sự chung sức chung lòng kiến thiết nó mà mỗi lần phải đi xa, nó có mãnh lực gợi lên trong trí óc những nhớ nhung.

      Một vài đồ trang trí, một vài vật dụng bàn ghế làm bằng cây, gỗ theo hoạt động thanh niên, một góc đội, một cây trái trồng trong vườn ghi rõ người trồng và chăm bón trong một cuộc thi đua; một kiểu ghế lạ mắt của đoàn sinh tha phương gửi về tặng trong lễ chu niên; những phiên họp, những kỳ hội đồng ngay trong đoàn quán của mình mà chung quanh toàn là hình ảnh cố gắng của đoàn sinh, sẽ là sợi dây liên kết mối tình chung thủy đối với Gia Đình.

     Đoàn quán! Đoàn quán! Phải có một đoàn quán.  Có đoàn để tập trung lại sổ sách của Gia Đình khỏi bị tản mác và thất lạc.  Có đoàn quán để sinh hoạt của Gia Đình không phải chỉ tập trung lại vào ngày chủ nhật.

     Đoàn quán! Đoàn quán! Phải có một đoàn quán để chúng ta cảm thấy và hưởng thụ những nguồn vui: nguồn vui của Huynh Trưởng khi thấy các em thành tựu một công tác sau nhiều lần thất bại; nguồn vui của các em khi được lãnh trách nhiệm.

     Đoàn quán là một “khung cảnh hoạt động” có thể lôi kéo các em từ các trà thất tửu điếm, từ các rạp hát, rạp xi nê, từ các phòng bài bạc trở về với mái nhà ấm cúng ấy.

     Thưa Bác, Bác đừng trách tôi dài dòng về câu chuyện đoàn quán.  Vì tôi đã thấy, đã biết, đã từng với các em gánh từng gánh đất đắp nền, đã từng không thấy dơ một tí nào khi phải thọc tay vào phân trâu trộn với rạ để trét vách; đã từng cười, từng khóc vì quá vui khi đoàn quán chễm chệ trong góc vườn chùa.  Tôi đã sống, đã hưởng thụ những giờ phút linh thiêng ấy mà giờ đây tôi vẫn chảy nước mắt vì cảm động khi nghĩ đến nó.  Và nếu có ai chất vấn tôi: “Công việc trước  tiên của một Gia Đình Phật Tử là gì?”, tôi sẽ lập tức đứng nghiêm chỉnh, mắt nhìn về phía trước dõng dạc đáp: “Đoàn quán! Đoàn quán!”

     Cảm nhận được sự cần thiết của đoàn quán rồi, xin bắt tay vào việc.  Xin đừng nghĩ rằng đoàn quán phải được xây bằng xi măng cốt sắt, phải lợp bằng ngói, phải này này, phải nọ nọ cho ra vẻ.  Tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện mà liệu cơm gắp mắm (chay).  Vạch một chương trình ôdài hạn và kiến thiết từ từ.  Ngói, tranh, tôn hay ván, vách bằng đất trộn rạ cũng được.  Điều kiện tất yếu là các em đóng góp thật nhiều cng tác, đem cả sức mình với lòng hăng say làm việc đã là một sự thành công rồi.  Xin thưa, đây không phải là lý thuyết suông mà đã có Gia Đình thực hiện rồi.  Ở Thừa Thiên, có gia đình vừa có đoàn quán vừa là lớp dạy miễn phí nữa.  Điều đáng khích lệ là ở thôn quê việc xây dựng đoàn quán dễ dàng hơn với khả năng chuyên môn và với khả năng đóng góp công, của. Ban Hướng Dẫn Trung Ương cũng đã thăm viếng đoàn quán của một quận (Phú Vang, Thừa Thiên khá quy mô – dài 27m, rộng 10m, phí tổn khoảng 500,000đ với số lượng gần 4,000 đoàn viên kể cả Huynh Trưởng). Có khuôn hội đã phải mượn đoàn quán để họp.  Chúng tôi sẽ đề cập đến một vài phương tiện gây quỹ mà các Gia Đình đã áp dụng rất có kết quả để thực hiện công tác của Gia Đình trong những phần sau.

     Dù lớn, dù nhỏ hay tạm thời dù phải thuê một chỗ gần chùa để làm đoàn quán thì cũng xin mạnh dạn thực hiện.

II. Ai có việc nấy

     Như trên đã nói (những người cọng tác, phần thứ hai), Ban Huynh Trưởng của Gia Đình lãnh hai phần trách nhiệm rõ ràng: phần điều hợp công tác và phần thực hiện Nội Quy cùng chương trình tu học.  Phân công có rành mạch thì công việc mới khỏi dẫm đạp nhau và bộ máy điều khiển mới tiến mạnh. Không ai là không có trách nhiệm.

     Về phần bác GIA TRƯỞNG, nhiệm vụ của Bác là :

  • Thâu nhận đoàn sinh mới vào Gia Đình
  • Thay mặt Ban Huynh Trưởng về các công việc đối ngoại liên quan đến Gia Đình Phật Tử, thi hành nội quy và cùng với Ban Huynh Trưởng chịu trách nhiệm trước Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

     Các LIÊN ĐOÀN TRƯỞNG thì giữ những phần việc có tính cách chuyên môn hơn :

  • Điều động Ban Huynh Trưởng
  • Thi hành chỉ thị của Ban Hướng Dẫn Tỉnh
  • Tổ chức chỉ thị của lớp Huấn luyện Đội hay Chúng Trưởng trong Gia Đình để chuẩn bị dự các lớp huấn luyện của Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.
  • Tổ chức các cuộc lễ, trại, triễn lãm, văn nghệ và công tác xã hội thuộc phạm vi Gia Đình, có sự đồng ý của Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.
  • Báo cáo sinh hoạt hàng tháng cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh hay Thị xã.

     THƯ KÝ thì lo phận sự nhật tu sổ sách của Gia Đình.  Phụ trách các công việc có tính cách hành chánh, tiếp nhận văn thư, dự thảo văn thư cho Gia Trưởng, quản trị các hồ sơ.

     THỦ QUỸ giữ sổ chi thu, giữ tiền bạc của Gia Đình, thường xuyên báo cáo tình trạng tài chánh cho Bác Gia Trưởng và toàn Ban Huynh Trưởng biết.  Tìm kế hoạch gây quỹ cho Gia Đình, phối hợp với Ban Bảo Trợ.

     Còn các ĐOÀN TRƯỞNG thì hoàn toàn lo công việc nội bộ của Đoàn, thực hiện chương trình tu học, chăm sóc đời sống của đoàn sinh.

     Phân công là để có trách nhiệm và có quyền hạn nhưng hoạt động của Gia Đình có tiến đều là nhờ ở sự phối hợp và ở ý nghĩ của mọi người về lợi ích chung của Gia Đình.  Như các bộ phận trong một cái máy có liên quan mật thiết với nhau, các thành phần điều khiển có liên quan trách nhiệm với sự thịnh suy của Gia Đình.  Sự liên quan trách nhiệm ấy sẽ thúc đẩy mọi Huynh trưởng sách tấn nhau, khuyến khích nhau, nâng đỡ nhau, cùng vui cái vui chung, cùng buồn cái đau chung mà Bác Gia Trưởng là người tạo nên cái không khí ấy.

III. Con em trong nhà

1. Nhập Gia đình

      Đó là ĐOÀN SINH. Dù cho cần phát triển đoàn sinh đến mấy đi nữa, cũng không nên thâu nhận đoàn sinh một cách bừa bãi.  Dù cho tổ chức của chúng ta không phân biệt giàu, nghèo, giai cấp ngay cả những kẻ khó tính, cũng không thể để cho đoàn sinh muốn đến thì đến, muốn đi thì đi.

     Đoàn sinh đến với Gia Đình phải có điều kiện, phải theo những qui tắc mà chúng phải được thông báo khi xin nhập đoàn.  Nếu chúng đến với chúng ta dễ dàng quá thì chúng cũng bỏ đi một cách không luyến tiếc, có khi chúng lại đang tâm xuyên tạc, phá phách cả Gia Đình.

     Trước hết, phải có đơn xin nhập Gia Đình do phụ huynh ký :

      Mẫu như sau :

     GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

     ĐƠN XIN NHẬP GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

     Gia nhập ngày:

      Sổ danh bộ GĐ:

     Kính gửi : Đạo hữu Gia Trưởng Gia Đình Phật Tử

     Tôi tên là :

      Cư ngụ tại:

      Sau khi hiểu rõ và tán thành mục đích của Gia Đình Phật Tử thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, xin Đạo hữu hoan hỷ cho con (em, cháu) tôi được gia nhập đoàn ________________ Thuộc Gia Đình Phật Tử ____________do Đạo hữu điều khiển.

      Họ và tên:

      Ngày và nơi sinh:

      Chánh quán:

      Trú quán:

      Đã quy y ngày:                               Pháp danh:

      Học lực:

      Nghề nghiệp:

      Phương danh phụ huynh:

      Ông:

      Bà:

      Con (em, cháu) tôi xin tuân theo thể lệ và kỷ luật của Gia Đình, nếu vi phạm mà bị khai trừ tôi không đòi hỏi một điều kiện bồi thường nào cả.

      Làm tại ……PL…..ngày …tháng …năm..

                                                                Phụ huynh ký tên,

      Hai đoàn viên giới thiệu,

      (Dành cho đoàn sinh trên 18 tuổi)

      Với những đoàn sinh trên 18 tuổi thì đơn do đương sự tự làm lấy (gạch bỏ những chữ không cần thiết), nhưng có hai đoàn viên giới thiệu.

      Khi nhận được đơn, Thư Ký ghi ngày gia nhập và số danh bộ sau khi đã cẩn thận điền số danh bộ đoàn viên, dán kỹ vào sổ lưu trữ đơn và Bác Gia Trưởng giới thiệu với Gia Đình.

2. Công nhận chính thức

     Sau 3 tháng sinh hoạt liên tục, nếu được Đoàn Trưởng xác nhận đủ điều kiện, đoàn sinh mới được làm lễ phát nguyện và được Ban Huynh Trưởng công nhận là đoàn sinh chính thức của Gia Đình.

     Khi được công nhận chính thức, đoàn sinh mới được đeo huy hiệu hoa sen và được cấp thẻ Phật tử (do Ban Hướng Dẫn Trung Ương phát hành).

3. Xa Gia đình

    Khi đoàn sinh rời khỏi địa phương qua một địa phương khác, bác Gia Trưởng cấp giấy giới thiệu kèm theo lược trình sinh hoạt để em đó có thể tiếp tục đời sống đoàn sinh tại nơi mới cư ngụ.

4. Khai trừ

    Đoàn sinh có thể bị khai trừ nếu :

a. Không đi học luôn BA buổi họp liên tiếp mà không có giấy xin phép.

b. Làm tổn hại đến thanh danh Gia Đình Phật Tử.

      Quyết định cho nghỉ hoạt động tạm thời hay vĩnh viễn là do Gia Trưởng với sự chấp thuận của hai phần Ban Huynh Trưởng trong Ban Huynh Trưởng.

     Danh sách các đoàn sinh đã bị cho nghỉ vĩnh viễn phải được thông báo cho Ban Hướng Dẫn Tỉnh để chỉ thị cho các Gia Đình Phật Tử trong tỉnh không được thâu nhận.

     Đoàn sinh bị khai trừ đã mất danh nghĩa mà không được quyền đòi hỏi một điều kiện bồi thường nào cả.

     Khai trừ một đoàn sinh là cả một điều bất đắc dĩ, xin nên thận trọng.  Nhưng nếu đoàn sinh đã phạm kỷ luật đến làm mất cả thanh danh của Tổ chức thì cũng không nên dung thứ một cách dễ dàng.  Nên báo tin cho phụ huynh biết trường hợp của đoàn sinh và mời phụ huynh tham dự phiên họp cùa Ban Huynh Trưởng.

     Quyết định làm thành 5 bản, phân phối:

    1. Đương sự
    2. Đoàn Trưởng
    3. Ban Hướng Dẫn Tỉnh
    4. Phụ huynh
    5. Lưu trữ

       Mẫu của quyết định :

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

TỔNG VỤ THANH NIÊN GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ

      Số .. … .. /GĐ/GT/QT                                                                                                                                                   Ban Hướng Dẫn GĐPT ………

      GIA TRƯỞNG Gia Đình Phật Tử ………

      Chiếu Nội quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam ngày 1-8-1967, chương thứ tư điều thứ 17,

      Chiếu biên bản Hội Đồng Kỷ Luật Gia Đình Phật Tử ………. ngày ……..

           QUYẾT ĐỊNH

      Điều thứ nhất: Ban Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử ………. quyết định ngưng sinh hoạt vĩnh viễn đoàn sinh ………. thuộc đoàn …… kể từ ngày …… vì lý do kỷ luật.

      Điều thứ hai: Thư Ký Gia Đình, Đoàn Trưởng đoàn ………. chiếu nhiệm vụ thi hành.

      Làm tại  ……, PL ……, ngày …. tháng ….. năm ….

                                                                Gia Trưởng,

IV. Sổ sách của Gia đình

1. Sự cần thiết

     Đã có lần, khi thăm viếng một Gia đình, tôi đặt câu hỏi với Bác Gia trưởng: “Thưa Bác, Bác cho biết những hoạt động của Gia đình trong năm qua?  Có bao nhiêu đoàn sinh vào gia đình và bao nhiêu nghỉ sinh hoạt?”.  Bác nhìn qua anh Thư ký.  Anh Thư ký nhìn về anh Liên đoàn trưởng.  Anh Liên đoàn trưởng quay lại hỏi thầm các anh Đoàn trưởng.  Những cử chỉ đó thay thế câu trả lời.  Tôi nhìn vào bản danh sách đoàn sinh treo trên vách và hỏi:

    “Xin Bác cho biết em Nguyễn văn X phát nguyện ngày nào? và có hoạt động gì đặc biệt?”

     Bác quay qua hỏi anh Đoàn trưởng Thiếu nam.  Anh lật trong quyển sổ tay, hết tờ này qua tờ khác để tìm.  (May mà còn có quyển sổ tay).  Tôi lại hỏi: “Thế sổ sách của Gia đình Bác để đâu?” – Mỗi anh giữ một ít và khi nhập ngũ, anh ta không bàn giao lại.

     Tôi biết chắc là nếu có bàn giao thì có thể là những sổ sách chỉ có nửa chừng.  Trường hợp này là trường hợp chung của nhiều Gia đình.  Ai cũng nghĩ rằng tổ chức của chúng ta là một tổ chức giáo dục thì cần gì phải sổ sách lôi thôi?  Thêm vào đó, không có đoàn quán nên không có nơi tập trung.  Mà một khi đã tản mác thì đối tượng chăm sóc cũng mất luôn và Bác Gia trưởng cũng quên đi không lưu ý tới nữa.  Điều đó rất tai hại.  Cái tai hại trước nhất là cái truyền thống hoạt động của Gia đình không có.  Truyền thống đã không có thì nói gì đến quá khứ, hiện tại và tương lai?  Những người trong hiện tại chẳng biết gì trong quá khứ tình hình của Gia đình ra sao?  tiến triển đến đâu?  Một huynh trưởng mới đến sẽ cảm thấy lúng túng không biết mình sẽ tiếp nối cái chi?  bắt đầu từ đâu?

     Nếu hoạt động được ghi chép lại đầy đủ trong các biên bản, tường trình, tường thuật, báo cáo, văn thư; nếu sự quản trị Huynh trưởng và đoàn sinh được chu đáo thì bất cứ một Huynh trưởng nào mới đến cũng thấy rõ tình trạng của Gia đình.

     Những điều này không khó.  Chỉ biết bắt đầu từ lúc bắt đầu và chịu khó nhật tu.  Công việc nhật tu tuy dễ mà khó vì đòi hỏi sự thường xuyên, sự liên tục, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm.  Có thể ngồi một tuần liền để làm lại sổ sách mới mẽ đẹp đẽ một cách dễ dàng nhưng nhật tu nó, tuy công việc không bao nhiêu (có thể trong nửa giờ là xong) nhưng trên thực tế rất khó, cần đến sự kiên nhẫn.  Anh Thư ký – vì thế – phải là một Huynh trưởng chịu khó, đằm tính, có tinh thần trách nhiệm.

     Sau đây, là một ít sổ sách cần thiết cho việc điều hành Gia đình

2. Kẹp lưu trử đơn nhập Gia đình

     Đây là một sổ lề (cahier à onglet) để tuần tự dán những đơn nhập Gia đình vào đó.  Đơn dán theo số thứ tự, từ dưới lên trên.  Trong trường hợp đơn nhập Gia đình từ lâu không có, hay có mà bị thất lạc hoặc bị chiến tranh tàn phá thì nên thay thế đơn nhập Gia đình bằng phiếu kiểm tra.  Mẫu của phiếu kiểm tra như mẫu ghi trong danh bộ.

3. Sổ danh bộ đoàn viên

     Đoàn viên tức là mọi thành phần trong Gia đình.  Thành phần điều khiển thì gọi là Huynh trưởng.  Các em thì gọi là đoàn sinh. Đoàn sinh và Huynh trưởng gọi chung là đoàn viên.  Sổ danh bộ để ghi chép lý lịch và hoạt động của đoàn viên.

     Mẫu như sau:

      Ảnh

      Họ và Tên:

      Sinh ngày:

      Chánh quán:

      Trú quán:

      Học lực:

      Nghề nghiệp:

      Phương danh phụ huynh:

      Ông

      Bà

      Số db GĐ:

      Số db BHD:

      Nhập Gia đình ngày:

      Quy y ngày:

      Pháp danh:

      Phát nguyện ngày:

      HOẠT ĐỘNG VÀ THÀNH TÍCH

      Bản cá nhân này gồm có ba phần: phần thứ nhất là lý lịch, phần thứ hai thuộc về những ngày chính mà đoàn viên cần ghi nhớ, phần thứ ba là phần hoạt động ghi những điểm nổi bật và cần thiết: ngày lên đoàn, ngày lên cấp bậc, khả năng đặc biệt, thành tích sáng chói, những trừng phạt có ghi danh bộ, ngày ra gia đình và lý do v.v…

      Ghi ngắn và gọn.  Nếu là loại sổ lớn, thì ít lắm cũng là phải nửa trang.  Sổ danh bộ độ 500 trang là vừa.  Sổ này lưu lại lâu năm, các em vào ra thay đổi nhiều.

      Tờ đầu tiên dành để ghi:

  • Ngày thành lập Gia đình
  • Ngày được công nhận chính thức
  • Số của quyết định chính thức hóa GĐ

      Xin nhắc lại, Huynh trưởng cũng như đoàn sinh, ai vào trước ghi trước và ghi theo số thứ tự, ghi vào số danh bộ GĐ.  Còn số danh bộ Ban Hướng dẫn thì sau khi gửi danh sách các đoàn viên mới nhập Gia đình lên Ban Hướng dẫn, Ban Hướng dẫn sẽ gửi số danh bộ về.  Đoàn sinh cần được thông báo số danh bộ này và cần được nhớ cầm lòng.

     Để tiện việc tìm kiếm, phần sau sổ danh bộ là danh sách Huynh trưởng, đoàn sinh các đoàn và danh sách đoàn viên xuất tịch.

      Mẫu như sau:

      DANH SÁCH HUYNH TRƯỞNG

Số thứ tự Họ và Tên Số db GĐ Trang Ghi chú
1 Huỳnh thị Kim 30 30  
2 Phan thanh Xuân 140 82  

      Muốn tìm lý lịch của anh Phan thanh Xuân chỉ cần tra ở danh sách Huynh trưởng, xem số danh bộ và số trang là có liền, khỏi phải lục lọi từng tờ một.

     Sau danh sách Huynh trưởng (nam và nữ) là đến danh sách các Đoàn, cùng nguyên tắc như danh sách Huynh trưởng.  Mỗi danh sách nên để một số trang cần thiết tương đương với số lượng lý lịch đằng trước.

      Sau cùng là danh sách Đoàn viên xuất tịch:

      DANH SÁCH ĐOÀN VIÊN XUẤT TỊCH

Số thứ tự Họ và Tên Số db GĐ Trang Thuộc đoàn Ngày và lý do xuất tịch
1 Lê văn Chất 39 31 Thiếu Nam 15-3-68, thuyên chuyển
2 Huỳnh thị Kim 38 30 Huynh Trưởng 20-4-68,

lập gia đình

           

      Danh sách này gồm cả Huynh trưởng lẫn đoàn sinh.  Ai có hỏi số lượng Đoàn viên hiện tại của Gia đình thì chỉ việc lấy số danh bộ cuối cùng trừ cho số xuất tịch cuối cùng.  Hỏi về hoạt động của một em nào, Bác chỉ lật sổ danh bộ là biết liền.

      Để tiện hơn, Bác Gia trưởng đề nghị với anh Trưởng Ban Hướng dẫn đặt in sổ danh bộ cho các Gia đình toàn tỉnh để được thống nhất.  Gia đình sẽ thỉnh lại.

      Có hai cách ghi vào hoạt động sổ danh bộ:

a. Do báo cáo của Đoàn trưởng, anh Thư ký nhật tu.

b. Anh Đoàn trưởng tự ghi lấy.  Trường hợp này thì sau lời ghi, anh Đoàn trưởng ký tên (nho nhỏ thôi)

4. Sổ biên bản và tường thuật

Tất cả các phiên họp của ban Huynh trưởng đều phải có biên bản.  Biên bản phải có số theo số thứ tự các phiên họp.  Biên bản phải ghi rõ:

  1. Ngày, tháng và địa điểm.
  2. Những người có mặt và vắng mặt (lý do)
  3. Chương trình nghị sự (các mục dự trù để thảo luận).
  4. Các mục đã quyết định
  5. Giờ thôi họp
  6. Chủ tọa và Thư ký ký tên (Chủ tọa là Gia trưởng, Thư ký là thư ký của Gia đình).

Không cần phải ghi hết mọi lời thảo luận.  Chỉ ghi lại những biểu quyết thôi.

Tường thuật là ghi lại những diễn biến trong một hoạt động đặc biệt nào của Gia đình: một buổi lễ, một buổi trại, một cuộc triển lãm, một công tác xã hội v.v…

Tường thuật không phải chỉ liệt kê những sự việc mà còn nhận xét, cảm tưởng, phê phán, dư luận.  Bản tường thuật không nhất thiết phải anh Thư ký làm.  Có thể giao phó cho một Huynh trưởng, một đoàn sinh, có khi giao cho mỗi đoàn viết một bản vào sổ để có dịp đối chiếu.

5. Văn thư và kẹp lưu trử

Văn thư của Gia đình dù gửi đi hay nhận từ chỗ khác đến đều phải được lưu trử lại.  Có nhiều loại kẹp lưu trử.  Loại rẻ tiền và lợi cho hồ sơ Gia đình là loại vỡ lề để dán văn thư vào, khỏi bị xáo trộn và thất lạc.

Thư đi cũng như thư đến, phải ghi số.

Thư đi

Văn thư của Gia đình có tiêu đề riêng và thống nhất toàn quốc.  Ví dụ:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

TỔNG VỤ THANH NIÊN – GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ

BHD GIA ĐÌNH – GĐPT CHÁNH ĐẠO

Chùa Phước Thiện – Tân Bình

Số      /GĐCĐ/GĐ                                                           PL 2512, Tân Bình ngày …..

GIA TRƯỞNG GĐPT CHÁNH ĐẠO

      Kính gửi:

      Anh Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT GIA ĐìNH

      Văn thư phải viết gọn gàng, minh bạch cốt ý làm nổi bật lên ý muốn nói.  Loại bỏ những lời xã giao rườm rà vô ích.  Nếu phải có nhiều mục để trình bày thì phải ghi các số mục ấy.

Khi cần phải gửi bản sao cho Đại diện quận hay các đoàn trưởng thì phải chú ở góc bên trái, dưới văn thư, đối diện với chữ ký của Bác Gia trưởng.  Dưới chữ ký, luôn luôn có tên.

BẢN SAO KÍNH GỬI

– Anh Đại diện quận…

“để kính tường”

– Các Đoàn trưởng

“để thi hành”

Nếu không có máy chữ thì có thể viết với giấy than hay viết bằng tay nhưng phải đủ số cần thiết.

      Phiếu gửi

      Được sử dụng để gửi một tài liệu, hay nhiều văn thư trong một phong bì.  Trong phiếu gửi, ghi chú các điều cần thiết liên quan đến tài liệu gửi.  Ví dụ:

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

TỔNG VỤ THANH NIÊN – GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ

BHD ĐÀ NẴNG – GĐPT HUYỀN CẢNH

PHIẾU GỬI

      Kính gửi:

      Anh Trưởng Ban Hướng dẫn GĐPT

Số 038/GĐHC/GT                                                                                       Thị xã Đà Nẵng

Liệt kê Số lượng Ghi chú
Biên bản buổi họp ban HTGĐ Huyền Cảnh ngày 1/3/68 1  
Bảng kê danh sách HT tham dự trại Lộc Uyển 2  
Cọng 3  
     

                                PL 2511 Huyền Cảnh ngày 3-3-1968

                                Gia Trưởng GĐPT Huyền Cảnh

      Bảng kê

Dùng để trình bày sự kiện cho gọn, dễ đọc, có thứ tự.

Ví dụ: Bảng kê danh sách các Huynh trưởng tham dự trại Huyền trang.

      GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

      TỔNG VỤ THANH NIÊN – GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ

      BHD GIA ĐìNH – GĐPT CHÁNH ĐẲNG

      DANH SÁCH HUYNH TRƯỞNG

      THAM DỰ TRẠI HUYỀN TRANG III – 16/8/67

      Số 068/GĐCĐ/GT

STT Họ và Tên Tuổi Chức vụ GĐ Đã trúng cách Ghi chú
1 Nguyễn v. B 23 ĐT T. Nam A-Dục XV  
2 Ph. thi X. H. 22 ĐT T. Nữ A-Dục XIV  
           

      Kết thúc danh sách này với HAI Huynh trưởng.

                PL 2512, Cần thơ ngày 8 tháng 8 năm 1967

                Gia trưởng GĐPT Chánh Đẳng

      Sao lại bản chính

Dùng để chuyển đạt lại một văn thư cho một cấp khác với phần ghi chú các điều cần thiết liên quan đến văn thư chuyển gửi.

Ví dụ: Bản sao lại thông tư của Ban Hướng dẫn gửi cho Đoàn trưởng Thiếu nam về việc trại Huấn luyện Đội trưởng.

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

TỔNG VỤ THANH NIÊN – GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ

BHD BÌNH THUẬN

Số 165/HDBT/TB

THÔNG TƯ

Trích yếu: Trại Huấn luyện Đội trưởng khóa XXV

…………….

…………….

                                PL 2512,  Phan Thiết ngày 22-4-1968

                                Trưởng Ban HD Bình Thuận

Nơi nhận:

-GT các GĐPT trong Tỉnh

“để phổ biến”

Sao gửi:

-Đặc vụ Thanh niên BT

“để kính tường”

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VỤ

BAN HƯỚNG DẪN BÌNH THUẬN

GĐPT THIỆN THỆ

Số: 123/GĐTT/TK

SAO KÍNH GỬI

– Anh Đoàn Trưởng Thiếu Nam

“Yêu cầu lập danh sách các Đoàn sinh tham dự Trại Huấn luyện Đội trưởng khóa XXV (2 bản) trước ngày 8-5-1968 để kịp thời gửi về Ban Hướng dẫn Tỉnh.”

                                PL. 2512, Thiện Thệ ngày 2-5-1968

                                KT Gia trưởng GĐPT Thiện Thệ

                                Thư ký

      Tờ trình

Văn thư trình bày tỷ mỹ một việc đã xảy ra.  Tờ trình phải có mạch lạc từ nguyên nhân đến sự việc tuần tự diễn biến, đến cách thức giải quyết sự việc ấy.  Cuối cùng là phần kết thúc.

      Báo cáo

      Mẫu đã do Ban Hướng dẫn Trung ương phát hành như sau:

BÁO CÁO ĐỊNH KỲ GIA ĐÌNH ………..   Số

(Từ          Đến          )       Ngày

Nơi gửi:            Gia trưởng GĐPT

Nơi nhận:

–       Chánh Đại diện

–       BHD Tỉnh

1.       SINH HOẠT CỦA GIA ĐÌNH TRONG THỜI GIAN QUA

2.       TÌNH HÌNH CỦA GIA ĐÌNH

  • Về Tổ Chức
  • Về Hoạt Động
  • Về Tinh Thần

3.       NHẬN XÉT TỔNG QUÁT

4.       ĐỀ NGHỊ

5.       LINH TINH

6.       TÊN và CHữ KÝ Gia trưởng

Mẫu báo cáo trên đây là mẫu TƯ 008.  Báo cáo hàng tháng.  Mỗi Báo cáo làm thành 3 bản: 1 gửi vị Chánh Đại diện Giáo hội địa phương (làm dấu chéo vào ô đã có sẵn), 1 gửi Ban Hướng dẫn Tỉnh và 1 để lưu chiếu.

Mục 1, về sinh hoạt của Gia đình trong thời gian qua, chỉ ghi những sinh hoạt nào của toàn Gia đình mà thôi, sinh hoạt của Liên đoàn và của Đoàn thì đã có những báo cáo của Liên đoàn trưởng và các Đoàn trưởng.

      Mục 2, về tình hình của Gia đình thì việc tổ chức trong Gia đình có được chu đáo hay không, có gặp phải những khó khăn nào không, những thiếu sót gì mà Gia đình cần được Ban Hướng dẫn giúp đỡ; về hoạt động thì có được thường xuyên không, có gặp những trở ngại ở bên trong hay từ bên ngoài tới không.  Có những hoạt động nào phải cần đến sự giúp sức của Ban Hướng dẫn hay không.  Còn về tinh thần, thì tinh thần của Huynh trưởng và của đoàn sinh như thế nào.  Có những lủng củng nội bộ nào cần có sự giải quyết của Ban Hướng dẫn không?

     Đó là những điểm chính.  Bác Gia trưởng có thể ghi thêm vào phần linh tinh.

     Ngoài ra, Bác nên quen với những niêm hiệu của Gia đình và của Ban Hướng dẫn Tỉnh.  Niêm hiệu là chữ tắt ghi tiếp sau số văn thư để đánh dấu riêng lãnh vực của người thiết lập văn thư: Gia trưởng: GT, Liên đoàn trưởng Nam LĐA, Liên đoàn trưởng Nữ: LĐƯ, Thư ký: TK, Thủ quỹ: TQ.

     Ví dụ: Văn thư số 015 của Liên đoàn trưởng Nam, GĐPT Chánh Đạt: Số 015/GĐCĐ/LĐA.

Về phần Ban Hướng dẫn thì Trưởng ban: TB, Tổng Thư ký: TTK, Ủy viên Thiếu nam: TNA, Ủy viên Thanh niên Xã hội: TNXH, v.v…

Về ngày tháng: Với những thư thường, ngày tháng ghi ở phần trên thư.  Khi văn thư không ghi nơi gửi ở phần trên như bảng kê, thông tư, quyết định, tường trình, phiếu gửi, v.v… thì ngày, tháng ghi ở phần dưới.

      Sổ thông tin

     Để thông báo tin tức hay mời dự cuộc họp.  Với những Gia đình không đủ phương tiện hay Huynh trưởng cùng ở trong một khu vực để gặp nhau thì dùng “S’ THÔNG TIN”.

      Bản thông tin sẽ được viết vào sổ, và các Huynh trưởng chuyền tay cho nhau để đọc.  Sau khi đọc xong, ký tên dưới bản thông tin ấy.  Nếu có đủ phương tiện thì dùng Phiếu thông tin theo mẫu của Trung ương:

      PHIẾU THÔNG TIN     Số

                Ngày

Nơi gửi:

Nơi nhận:

Bản văn:

Độ khẩn:

Ghi chú:

Chức vụ, Tên và Chữ ký

Độ mật:

Bản văn ghi trong phiếu thông tin viết thật gọn gàng, gần như một bản điện tín.

Thư đến

Thư đến cũng phải đánh dấu ngày đến và số đến cùng cách giải quyết.  (Ví dụ: đưa ra phiên họp Huynh trưởng, sao gửi đoàn trưởng liên hệ, lập bản tường trình v.v…).  Làm sẵn một khuôn dấu

ĐẾN

Ngày: Số: Giải quyết:

      Các thư đến cũng dán theo thứ tự vào kẹp (dán từ dưới lần lên).  Nếu quỹ của Gia đình khá và muốn cho đàng hoàng quy củ, thì Bác có thể phân ra nhiều kẹp riêng cho các loại thư đến: Nội bộ (Các Liên đoàn và Đoàn); Ban Hướng dẫn; các cơ quan khác (ban Đại diện, Chính quyền địa phương).

     Như thế, khi cần phải sưu tầm một văn thư nào, khỏi phải mất nhiều thì giờ.  Chỉ nhìn vào sổ ghi văn thư đến, xem số thứ tự và chỗ sắp thì chỉ một vài lật tay là có liền.

Sổ ghi thư Đi và Đến

Mỗi loại một quyển vỡ học trò 50 trang là vừa.

      ĐI:

Ngày Số Trích yếu Gửi cho ai Ghi chú
1-1-68 001 Mời dự lễ cầu an đầu năm Anh Đại diện  
  002 Xin phép cắm trại Ban HD Tỉnh  
3-1-68 003 Đang mượn chỗ cắm trại Chúc Long Khánh  

      ĐẾN:

Ngày nhận VT Số nhận Số VT đến Trích yếu Ai gửi đến Sắp
1-1-68 001 08-HDCĐ Q2 Họp LĐT toàn quận Đại diện Quận 2 BHD
           

      Thư đi cũng như thư đến, hễ đầu năm dương lịch là bắt đầu ghi lại từ số 001.

6. Sổ thu chi

      Tại các Gia đình, việc thu và chi tuy cũng chẳng bao nhiêu, nhưng không nên để cho việc thu chi luộm thuộm, không có sổ sách rõ ràng.  Vấn đề tiền bạc nếu không được minh bạch, hay minh bạch mà không có sổ sách minh chứng sẽ sinh ra nhiều sự lủng củng nội bộ và làm mất uy tín nhiều Huynh trưởng.  Nhìn vào sổ thu chi mà thấy ghi chép rõ ràng, ngày nào ghi chép ngày ấy và có đủ giấy tờ chứng minh (phiếu xuất của Gia trưởng, hóa đơn, biên nhận v.v…) người ta có thể đặt nhiều tin tưởng

      Thu và Chi đơn giản ghi vào một tờ:

THÁNG 1-1968

Ngày Khoản Thu hay Chi Số tiền Giấy tờ chứng minh Ghi chú Thu Chi Còn  
  Tháng 3 chuyển qua 300         300  
1 Đoàn Thiếu niên góp 60     60   360  
Đoàn Thiếu nữ góp 80     80   440  
03 Mua 1 cặp dây

 

25 Hóa đơn     25 415  
  Ban Bảo trợ chuyển qua 500     500   915  
  Cấp cho Đoàn OV Nữ 200 Biên nhận của ĐT     200 715  
                 

Cuối tháng ghi:

Tháng trước để lại:                              300$

Thu trong tháng:                  640$

Cọng thu:                                              940$

Chi trong tháng:                   225$

Còn lại:                                                  715$

Kết toán tháng 4-1968, tiền còn lại ở quỹ là BẢY TRĂM MƯƠI LĂM đồng (715$).

Khán,                                                                                               Thủ quỹ,

Gia trưởng

Làm sổ cách trên đây có thể thấy được liền tiền tồn quỹ.  Cách này đơn giản nhất.

Với những Gia đình có những món thu chi thường xuyên hơn thì các mục thu dồn vào một trang, các mục chi dồn vào trang đối diện.  Trang thứ ba là để tổng kết và trang thứ tư thuộc về phần kiểm soát.

      THÁNG                                                           THU

      Ngày Các khoản thu Số tiền Giấy tờ chứng minh Ghi chú
         
       
Cọng thu cuối tháng      

      THÁNG                                             (đối diện trang thu)            CHI

      Ngày Các khoản chi Số tiền Giấy tờ chứng minh Ghi chú
         
       
Cọng chi cuối tháng      

KẾT TOÁN THÁNG                                                     (trang 3)

Tháng trước chuyển qua:

Thu trong tháng:

Cọng thu:

Chi trong tháng:

Hiện tồn quỹ:

Kết toán tháng                               , số tiền ở quỹ là                   (viết toàn chữ).

      Thủ quỹ ký tên và Gia trưởng khán.  Trang thứ tư để phần kiểm soát của cấp trên và ghi những cước chú đặc biệt.  Cuối tháng, thủ quỹ trình số để bác Gia trưởng ký và báo cáo tình hình tài chánh trong phiên họp Huynh trưởng.  Các chữ số trong bản thu, chi không được cạo tẩy.  Nếu lầm lẫn thì chửa lại bằng mực đỏ.

7. Sổ khí mảnh

Để ghi lại tất cả “của cải” của Gia đình.  Những tài sản ấy cần được ghi chép cẩn thận, xuất xứ và trị giá.  Nếu hư hỏng, thì ghi ngày trùng tu.  Khi phế thải, phải có biên bản.  Hàng năm, phải kiểm soát lại, đừng để thất lạc, nhất là những tặng phẩm.  Bản kiểm kê khi kiểm soát như sau:

 

      BẢN KIỂM KÊ KHÍ MẢNH GĐPT                                           Ngày kiểm kê

Stt Vật dụng kiểm kê Ngày Sắm

 

Tu bổ ngày Hiện trạng

 

Đề nghị
1 Bàn họp số 4

 

1/3/52

 

6/8/57        9/4/63 Mọt ăn các chân Hủy bỏ

 

8. Sổ vàng

      Thường gọi là sổ công đức, ghi chép tên các vị hảo tâm giúp đỡ cho Gia đình.  Không phải chỉ ghi tiền bạc mà còn ghi cả vật dụng.  Quyển sổ này phải thuộc loại đặc biệt, từ giá trị của quyển sổ đến cách trình bày ở trong.

      Trên đây, chỉ là những sổ sách hết sức cần thiết cho sự điều hành công việc của Gia đình.  Bên cạnh những sổ sách ấy, nếu có thể được, thì nên có một tập ảnh kỷ niệm của Gia đình, ghi lại hình ảnh sinh hoạt của ban Huynh trưởng, những sinh hoạt, những công tác v.v…

      Sổ sách có đầy đủ nhưng thiếu sự nhật tu, thiếu sự chăm sóc thường xuyên thì sự ích lợi chung có bao nhiêu?  Có những Gia đình – khi nghe phong phanh có anh ủy viên Tổ kiểm của Ban Hướng dẫn Tỉnh về – mới lo ngày lo đêm cố tạo ra cho đầy đủ, rồi sau đó sổ sách lại vứt vào một xó tủ nào đó để cho mối mọt tha hồ đục khoét.  Như thế, thà rằng đừng có thì hơn.

V. Những buổi họp

Có những buổi họp thường kỳ, những buổi họp bất thường.  Có những buổi họp mang tên là hội đồng.  Theo nội quy thì, “mỗi tháng, ban Huynh trưởng của Gia đình họp một lần để kiểm điểm công việc của Gia đình trong tháng và hoạch định chương trình hoạt động cho tháng tới”.  Phiên họp hàng tháng do Bác Gia trưởng chủ tọa, anh Thư ký của GĐ làm thư ký buổi họp.  Nghị sự gồm có hai phần chính: kiểm điểm công việc trong tháng và vạch định chương trình cho tháng sau.  Chương trình đại cương của một phiên họp hàng tháng như sau:

A.  Phần thủ tục khai mạc (Hát bài SEN TRẮNG nếu bận đồng phục, niệm PHậT nếu bận thường phục).

B.  Nghị sự:

I/  Phần kiểm điểm:

  1. Các Đoàn báo cáo công việc của Đoàn (những gì đã thực hiện, những gì còn lại, những trường hợp đặc biệt).
  2. Các Liên đoàn trưởng nhận xét công việc của các Đoàn.  Nêu ưu và khuyết điểm.
  3. Thư ký báo cáo công việc chung của Gia đình.
  4. Thủ quỹ báo cáo tình trạng tài chánh.

II.  Phần vạch chương trình cho tháng sau:

  1. Chương trình riêng của các Đoàn.
  2. Chương trình của Liên Đoàn.
  3. Chương trình của Gia đình.
  4. Thảo luận để phối hợp các chương trình thực hiện khỏi vấp váp.
  5. đ)  Phân công phụ trách.

III.  Phần linh tinh:

  1. Những vấn đề của Đoàn cần giải quyết.
  2. b)  .         .               .               .               .               .               .               .               .               .
  3. Phần bế mạc.

Ký biên bản – Tụng hồi hướng.

      Đưa chương trình hoạt động ra buổi họp hàng tháng là để khảo sát sự tiến bộ và sự phối hợp giữa các đoàn cho điều hòa, bàn bạc với nhau thật kỷ lưỡng để Huynh trưởng có thể phân công giúp nhau.

      Trong các phiên họp, khi bàn luận, lời lẽ nên ôn hòa.  Gặp lúc cam go, sự thảo luận trở nên hăng chát cho dù vì thanh niên tính mà có to tiếng đôi chút – chỉ đôi chút thôi – cũng vừa đủ để biểu lộ sự chân thật và bầu nhiệt huyết vì gia đình rồi.  Không nên đi quá trớn.  Biết mình đi quá trớn thì đứng dậy xin sám hối.  Một phiên họp của Huynh trưởng mà đạo mạo quá trở nên tẻ lạnh và khô khan, thiếu sáng kiến, thiếu sinh khí.  Nhưng vui vẻ bàn cãi đến cái độ đập bàn đập ghế thì cũng chẳng hay ho gì.  Tránh cả hai thái cực.  Lấy tâm niệm người con Phật làm việc Phật là mọi việc sẽ êm đẹp, làm cho vui nhà vui cửa.

      Trong trường hợp phiên họp trở nên gay cấn, sự bàn cãi đã biến thành sự cãi cọ, những lời khuyên giải của Bác trở nên vô hiệu thì Bác mời tất cả đứng dậy cùng nhau tụng bài sám hối.  Nghỉ họp trong 5, 10 phút rồi bắt đầu lại bằng một bài hát vui.  Nếu phiên họp tiếp tục mà không khí không thay đổi thì nên dời lại ngày khác.  Tuy thế, Bác cần phải thẳng thắn phê phán những Huynh trưởng đặt tự ái cá nhân lên trên sự ích lợi chung.

      Ngoài phiên họp hàng tháng, cứ mỗi tam cá nguyệt, ban Huynh trưởng họp lại một lần để xem xét lại công việc trong ba tháng qua, và định chương trình sinh hoạt cho tam cá nguyệt tới.

      Chính nhờ cái chương trình tam cá nguyệt này mà các đoàn vạch chương trình cho từng tháng và làm mốc giới cho chương trình tu học chung.  Đoàn trưởng căn cứ vào đó để tăng chút ít hay giảm phần nào mức độ học tập cho tháng sau tùy ở sự bắt kịp hay không chương trình của tháng trước.  Cũng trong phiên họp tam cá nguyệt này, các công tác chung cho Gia đình cũng phải được đề ra (công tác xã hội, du ngoạn, trại v.v…) để cho sinh hoạt các đoàn khỏi phải bị bất ngờ thay đổi và chương trình của các Đoàn trưởng khỏi phải bị xáo trộn.

      Phiên họp tam cá nguyệt có thể thay thế cho buổi họp hàng tháng.

Mỗi năm, có một buổi HọP THƯ?NG NIÊN của ban Huynh trưởng Gia đình.  Buổi họp thường niên là để tổng kết công việc Gia đình, kiểm điểm và thống kê lại toàn diện mọi công tác của Gia đình.  Phiên họp này phải được sự tham dự đầy đủ: ban Cố vấn, ban Bảo trợ, ban Đại diện Giáo hội địa phương, anh Đại diện Ban Hướng dẫn tại Quận v.v…  Phiên họp này cần phải được chuẩn bị chu đáo.  Các Đoàn trưởng phải lập bản tường trình đầy đủ để trình bày rõ ràng.  Phòng họp cũng cần được sắp đặt lại để tạo một khung cảnh quan trọng cho buổi họp.  Khai mạc buổi họp, Bác Gia trưởng có ít lời cảm ơn sự giúp đỡ của Ban Đại diện Giáo hội, của anh Đại diện Quận, ban Bảo trợ, ban Cố vấn và sự cọng tác chặt chẻ của các Huynh trưởng Gia đình.  Sau đó, anh Thư ký đọc bản tường trình hoạt động của Gia đình, chú trọng nhiều về phần tinh thần, tổ chức.

      Buổi họp này có thể tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Gia đình.  Cũng trong phiên họp thường niên này, việc cải tổ hay bổ sung ban Huynh trưởng được thực hiện.  Thường thường, phiên họp này tốn nhiều thì giờ và nên kết thúc bằng một bữa cơm thân mật.

      Ngoài những phiên họp định kỳ ấy, có những phiên họp bất thường, để thảo luận và giải quyết những việc đến một cách bất thường có tính cách quan trọng cần có sự góp ý chung.  Tùy theo phạm vi của vấn đề mà Bác triệu tập thành phần Huynh trưởng dự phiên họp.  Nếu vấn đề có liên quan đến ngành Nữ thì chỉ mời các Nữ Huynh trưởng mà thôi.  Nếu vấn đề có liên hệ đến quỹ của Gia đình thì mời Ban Bảo trợ, 2 Liên đoàn trưởng, Thư ký và Thủ quỹ cũng đủ.  Biên bản phải ghi rõ là phiên họp bất thường.

      Gặp những lúc phải giải quyết những vấn đề có tính chất tinh thần liên quan đến uy danh của tổ chức thì phiên họp lại biến thành H”I ĐỒNG.  Hội đồng trang trọng hơn, kín đáo hơn và thành phần tham dự cũng thu hẹp lại.  Những quyết định của Hội đồng đôi khi cần phải giữ kín, không nên bàn tán xôn xao.  Hội đồng còn để quyết định sự lên cấp, sự ban khen, đề cao hoạt động đặc biệt của một Đoàn, một đội, chúng, đàn hay một đoàn sinh do Đoàn trưởng hay Liên đoàn trưởng đề nghị.  Đó là Hội đồng Huynh trưởng.  Hội đồng Gia đình thì thành phần được mở rộng hơn: có cả đội trưởng và đội phó, đầu đàn và đàn phó tham dự.

     Hội đồng Gia đình để thực hiện một công tác đặc biệt, một lễ lược của Gia đình (lễ chính thức, lễ chu niên), cần có sự góp sức của toàn thể.  Hội đồng Gia đình cũng phải tổ chức thật chu đáo như phiên họp thường niên và cũng là một dịp để huấn luyện các em.  Nhất là khi thảo luận, trước mặt các em, Huynh trưởng nên thận trọng vì mỗi sơ sót mà các em thấy được sẽ gieo vào tâm trí các em những điều không hay.  Khuyến khích các em phát biểu ý kiến và các em sẽ làm hết mình khi thấy ý kiến mình được tôn trọng và khi các em cảm thấy mình có trách nhiệm về sự hư nên của công tác.  Luôn luôn tỏ ra tin tưởng vào các em.  Đó là một thang thuốc quý báu cho các em mà Hội đồng Gia đình cũng là một khung cảnh để giáo dục.

      Trong những hội đồng, hội đồng kỷ luật là quan trọng nhất.  Nó là con dao hai lưỡi.  Tôi xin nhiều lời về hội đồng này.  Hội đồng kỷ luật có mục đích giữ vững kỷ cương của Gia đình.  Kỷ luật là điều kiện tối trọng để đưa tất cả đoàn viên nhìn về một hướng mà tiến tới.  Hội đồng kỷ luật được thiết tập để đưa đoàn viên vi phạm trở về kỷ cương.  Điều hay nhất là Bác Gia trưởng nên tiếp xúc thân mật với đoàn viên vi phạm để khuyên nhủ cốt cho đương sự thấy được lỗi mình mà sám hối trong một buổi lễ Phật.  Những hình phạt chỉ là bất đắc dĩ, có tác dụng nhắc nhở và để làm gương cho các đoàn viên khác.

      Hội đồng kỷ luật của Gia đình được trọn quyền giải quyết đối với đoàn sinh và Huynh trưởng tập sự.  Với những Huynh trưởng thực thụ, Hội đồng kỷ luật chỉ được phê bình và giải quyết lỗi nhẹ.  Biên bản của Hội đồng phải gửi về Ban Hướng dẫn Tỉnh.  Ngoài ra, Bác Gia trưởng báo cáo về Ban Hướng dẫn Tỉnh định đoạt trường hợp phạm lỗi nặng của các Huynh trưởng thực thụ.

      Đối với đoàn sinh, Hội đồng Kỷ luật Gia đình được phép:

*         Phê bình

*         Cảnh cáo không ghi vào lý lịch

*         Cảnh cáo có ghi vào lý lịch

*         Tạm ngưng hoạt động

*         Khai trừ khỏi Gia đình Phật tử.

      Hội đồng Kỷ luật cần phải được tổ chức chu đáo sau khi đã hội đủ những yếu tố xác định tính cách vị phạm kỷ luật của đoàn viên.  Hội đồng phải được giữ bầu không khí trang nghiêm – trang nghiêm chứ không phải là nghiêm khắc – cốt để cho đương sự tự giác những lỗi lầm mình mà sám hối.  Lời lẽ phát biểu của người Huynh trưởng cầm cân nảy mực tuy trang trọng nghiêm chỉnh nhưng ôn hòa nhã nhặn chứa đựng tình thương để nhiếp hóa người vi phạm hơn là nóng nảy, chua chát, mĩa mai.

      Thường thường, trong Hội đồng kỷ luật, Bác Gia trưởng hay anh Liên đoàn trưởng được ủy nhiệm chủ tọa hội đồng để bảo vệ nội quy, bảo vệ tinh thần và thanh danh của Gia đình Phật tử.  Đoàn phó của đương sự ngồi bên để xin Hội đồng tha thứ.  Cố tránh bầu không khí của một tòa án.  Phải nêu cao tòa án lương tâm.  Mời phụ huynh đương sự đến tham dự.  Trong trường hợp này, cần tế nhị vì cha mẹ nào cũng thương con, không muốn mình bẻ mặt.  Tìm hết cách để chứng tỏ rằng Hội đồng kỷ luật cũng là một phương tiện giáo dục.

      Phòng họp cũng phải sắp đặt lại cho phù hợp.  Xin nhớ rằng mỗi trường hợp có một khung cảnh và một tác động riêng.  Lời lẽ và cách thức diễn đạt cũng thay đổi tùy trường hợp, tùy hoàn cảnh, tùy mục đích mà chúng ta hướng đến.  Khi cương, khi nhu, khi thiết tha, khi nghiêm khắc… nếu áp dụng đúng lúc thì có tác dụng lớn.  Đó cũng là cách thức mà Bác Gia trưởng tuyên bố một quyết định của Hội đồng kỷ luật trước Gia đình, trước giờ lễ Phật.

      Các em đã chỉnh tề ngay ngắn hàng ngũ trước điện Phật.  Liên đoàn trưởng hô khẩu hiệu.  Các em đứng nghiêm.  Bác Gia trưởng bước ra.  Hai Liên đoàn trưởng đứng hai bên trước Liên đoàn của mình, nhìn xuống.  Thư ký và Thủ quỹ sau lưng Bác.  Đoàn trưởng đứng trước đoàn, nhìn lên.  Đoàn phó đứng sau đoàn, Bác lên tiếng: “Chắc các cháu đã biết một Hội đồng kỷ luật đã được thiết lập.  Bác tin các cháu biết, một tin mừng: cháu X đã biết lỗi lầm của mình và hôm nay, cháu X sẽ làm lễ sám hối và đã hứa lần sau không vi phạm nữa.  Các cháu hãy hát một bài mừng cháu X”.  Một đoàn phó bắt một bài hát vui.  Sau đó, đoàn trưởng dẫn em X lên chào Bác Gia trưởng, quay lại chào cả Gia đình, rồi vào quỳ trước điện Phật.  Đoàn phó quỳ bên cạnh (Giáo dục mà!  Với cử chỉ này em X sẽ thương anh Đoàn phó này vô cùng).  Các đoàn tuần tự vào lễ Phật như thường lệ với em X.

      Trường hợp phải tạm ngưng hay ngưng vĩnh viễn một đoàn viên, lời lẽ của Bác phải thay đổi: “Nhân danh kỷ luật Gia đình Phật tử Việt Nam, Bác rất đau lòng báo tin cho các cháu biết, cháu X phải tạm thời (hay vĩnh viễn) rời khỏi hàng ngủ chúng ta, theo quyết định của Hội đồng kỷ luật Gia đình ngay… kể từ hôm nay.  Bác hy vọng cháu X, sau một thời gian suy nghĩ lại hành động của mình, nếu thấy thiếu sót mà hối hận, thì sẽ trở lại sinh hoạt dưới mái nhà ấm cúng này.  Bây giờ, cháu X có thể chia tay với Gia đình”.  Đoàn phó đưa em X lên chào Bác Gia trưởng, chào Gia đình và tiển đưa em X ra đến cổng.

      Dĩ nhiên, khi em X muốn đến lại với Gia đình thì phải có đơn xin tái sinh hoạt và có chữ ký của phụ huynh.

Trên đây là trường hợp đương sự có thái độ hiểu biết, có mặt trong buổi họp và tôn trọng hội đồng.  Nếu trong phiên họp đầu mà đương sự vắng mặt thì hoãn và đưa thư mời lại.  Buổi họp sau, nếu đương sự vẫn không đến hoặc có đến mà công kích và cố ý phá hoại phiên họp thì sự vi phạm kỷ luật và sự thiếu thiện chí đã rõ rệt lắm rồi.  Việc ngưng hoạt động đương sự là việc đương nhiên.

VI. Du ngoạn

      Du ngoạn của toàn thể Gia đình.  Các cuộc du ngoạn không được quá 12 giờ.  Mỗi cuộc du ngoạn phải có mục đích của nó.  Du ngoạn để học tập, du ngoạn để thăm viếng chư vị đại lão Hòa thượng có công xây dựng Phật giáo VN hay các chùa có danh tiếng.  Tùy theo mục đích cuộc du ngoạn để vạch chương trình.  Phải xin phép trước nơi đến và thông báo chương trình.  Nếu cần phải khảo sát, nghiên cứu hay tìm hiểu địa phương cũng phải báo trước để chủ nhân chuẩn bị.  Đến những nơi trang nghiêm, tuyệt đối giữ kỷ luật.

      Một cuộc xuất ngoại của Gia đình là cả một vấn đề, vì ta thường nói “đem chuông đi đánh xứ người”.  Mọi người đều nhìn vào: lúc đi, lúc đứng, lúc lên xe, lúc xuống phà, nhất nhất mỗi cử chỉ, mỗi lời nói là một tiếng chuông cho Gia đình.  Tiếng chuông kêu hay, thì Gia đình có tiếng tốt và hy vọng tiến triển mạnh.  Coi chừng tiếng chuông mà là tiếng chuông rè thì bia miệng vẫn còn trơ trơ đó.  Kết quả ra sao, Bác cũng biết rồi.  Du ngoạn còn tập cho các em sống đời sống tập thể, chịu đựng kỷ luật của đoàn thể, tập cho các em quên mình để bảo vệ danh dự chung.  Không gì khó chịu bằng đến một chùa trong mùa an cư kiết hạ mà các em chạy ngang chạy dọc, kêu nhau ơi ới, trong lúc chư Tăng tụng kinh hay quá đường.  Sự im lặng tuyệt đối lúc ấy phải được triệt để tuân hành, cho đến cả lúc tập họp cũng phải từ tốn, lặng lẽ theo dấu hiệu.  Tiếng còi, tiếng hô khẩu hiệu cũng phải im bặt huống gì là hát và vổ tay?  Những điều này phải dặn các em trước khi vào chùa.  Giáo dục là huân tập chủng tử tốt.  Lúc này cũng là một dịp tốt để các Đoàn trưởng thi thố tài năng

      Phải đặt những tiêu chuẩn cho cuộc du ngoạn để các em hướng về những tiêu chuẩn đó.  Du ngoạn không phải là đi chơi, là giải trí mà phải làm sao cho các em cảm thấy một sự lợi ích nào đó trong khi đi chơi, trong khi giải trí.

Bác Gia trưởng còn phải phân công rành mạch cho các Huynh trưởng: ai xin phép, ai lo việc chuyển vận, ai lo tìm hiểu địa phương v.v…

Khi về, phải dọn sạch khu du ngoạn và rộng hơn nữa càng tốt; phải cám ơn chủ nhân phải xin lỗi những thiếu sót mà các em phạm phải (dù có hay không)…

VII. Trại

Trại có quy tắc riêng của trại.  Có trại “du ngoạn”, có trại “học tập”, có trại “kiểm soát”, hoặc “trại hè” v.v…

      Trại phải được tổ chức quy mô hơn.  Nơi cắm trại phải có đủ phương tiện hơn: giếng nước, khung cảnh tiện lợi cho các em dựng lều, chơi nhỏ, chơi lớn, và xa làng xóm.  Tại trại các em được sống cởi mở hơn tại các cuộc du ngoạn.

      Các em được chơi thỏa thích hơn, hăng say hơn trong những trò chơi mà chẳng ai dòm ngó hết.  Chính những lúc ấy là những lúc thuận tiện nhất cho các Huynh trưởng “nhận diện” các em.  Lúc chơi hăng say quá, bao nhiêu tật xấu nết hư hay tính tốt, lòng cao thượng sẽ xuất đầu lộ diện mà chính các em cũng không ngờ đến.  Các em được chơi thỏa thích nhưng cũng phải biết tuân lệnh, phải biết theo đúng đời sống tập thể mà chương trình của trại đó đã ghi rõ.  Ở trại, các em còn phát triển được sáng kiến khi làm thủ công trại v.v…  Trại còn là dịp để kiểm soát lại mức tu học của các em.

      Hai Liên Đoàn đóng xa nhau.  (Liên Đoàn nam và Liên Đoàn nữ) để cho sinh hoạt được biệt lập, để cho em nữ được tự do hơn trong những lúc sinh hoạt riêng.  Để cho ngành Nữ tự làm việc lấy trong công việc mà hàng ngày các em không quen: dựng lều, làm thủ công trại v.v… và cũng để ngành Nam làm lấy công việc bếp núc của mình.

      Phải định trước những giờ sinh hoạt chung của toàn thể Gia đình, những giờ dành riêng cho Đoàn.  Phải giao cho mỗi Đoàn một trách nhiệm công tác.

      Nếu có thể, trong buổi trại, chọn một công tác xã hội vừa tầm của Gia đình để thực hiện trong một vài giờ tập thể: dọn sạch một khu chợ, vét một cái giếng, sửa một cái cầu tre, v.v…  Những công tác này phải chuẩn bị trước để thông báo cho địa phương cũng như để sắp đặt vật liệu.  Những thủ tục hành chánh và xã giao về trại cũng như về du ngoạn.  Lúc đi đường phải giữ gìn phong độ, nhất là ba lô, xắc mang phải gọn gàng, sạch sẽ.  Liên đoàn Nữ cố gắng theo sinh hoạt trại, có y phục trại.  May hay mượn  ba lô để mang.  Tránh cái cảnh vai gánh, tay nách hay hai em khiêng một mớ soong, chão toòng teng.  Lúc về, lại càng phải giữ tác phong trại hơn nữa.  Áo quần nghiêm chỉnh, đồ đạc rửa sạch sẽ và sắp gọn gàng, dù mệt mõi cũng gắng giữ vẻ vui tươi hăng hái, đừng như một đám tàn quân tơi tả sau một trận chiến.

      Trước khi lên đường về, Bác phải đích thân làm một cuộc tổng kiểm soát với hai Liên Đoàn trưởng.  Kiểm soát khu trại.  Chỗ nào thiếu sạch sẽ thì Đoàn cắm trại tại đó phải dọn lại.

      Kiểm soát phong độ các em: khám chiếc ba lô, xem sự sắp đặt bên trong xem lại soong chão có được chùi rửa sạch sẽ trong cũng như ngoài không, xem lại sức khỏe các em và đặc biệt lưu ý các em yếu ớt.  Bác tỏ ý khen ngợi các Đoàn có kỷ luật, phê phán một vài điểm thiếu sót, dặn dò kỷ lưỡng các em rồi hát khúc trở về.

      Bác Gia trưởng còn để ý đến một việc khác nữa khi về đến nhà.  Một đoàn sinh chưa bước vào nhà, chưa kịp đi thưa về trình đã vứt cái ba lô vào một góc, gieo mình xuống giường đánh một giấc dài cho đến trưa hôm sau.  Trước cảnh ấy, phụ huynh sẽ nghĩ thế nào về hành động của con em họ và phê phán gì về lối giáo dục của chúng ta?  Mà cái đó thì xảy ra thường lắm.

      Về nhà, lo cho mình xong, Bác để chút ít thì giờ đến thăm các em thiếu sức khỏe, tạt vào nhà một em nào đó mà Bác cho là có thể “bê bối”…  Rồi viết bức thư cảm ơn chính quyền địa phương hay chủ nhân cho mượn đất trại, dù rằng Bác đã cám ơn bằng miệng.

      Mỗi năm Gia đình chỉ đi cắm trại 3 lần là tối đa.

      Còn “trại hè” lâu ngày thì phải có điều kiện khắc khe hơn và còn phải được sự cho phép của Ban Hướng dẫn Tỉnh.  Bác phải khảo sát tường tận địa điểm, khảo sát cả dân tình địa phương, phong tục tập quán, nề nếp sinh hoạt của dân chúng.  Bác còn phải vạch chương trình tỉ mỉ, phải dự trử thuốc men khi đau ốm, phải sẵn sàng phương tiện khi cần kíp…, phải được sự cho phép bằng giấy tờ của Phụ huynh v.v…  Phải lo toan chu đáo mọi việc và hội đủ mọi điều kiện thiết yếu rồi mới gửi thư xin phép Ban hướng dẫn kèm theo chương trình, danh sách ban Quản trại, sơ đồ nơi cắm trại… trước một tháng.  Ban Hướng dẫn còn phải cho điều tra lại trước khi cho phép.

      Tôi xin kể Bác nghe một trường hợp điển hình của một trại hè mà tôi có trách nhiệm.  Gia đình chúng tôi từ Đà Nẵng đến cắm trại tại Lăng cô, một bãi biển dưới chân đèo Hải vân của Thừa thiên.  Trại chúng tôi tổ chức có quy củ và được sự cảm tình của đồng bào địa phương.  Có kẻ ác ý đã phao tin về Đà Nẵng là 5 em Thiếu nam và 5 em Thiếu nữ của trại đã bị chết đuối trong lúc tắm biển.  Phụ huynh nhao nhao, và có người đã thuê xe riêng đến tận nơi tìm con.  Tin đến với chúng tôi đột ngột.  Để trấn an phụ huynh, tôi đã tập họp các em lại, phát cho mỗi em một tờ giấy và một bì thư để các em chính tay viết về báo tin sức khỏe cho cha mẹ biết.  Đồng thời, tôi phái 3 Huynh trưởng mang thư tự tay trao lại cho phụ huynh.

      Những trường hợp như thế làm sao chúng ta dự trù được trước khi đi trại?  Còn có trường hợp khác nữa: đêm khuya, một em trúng gió chết giấc.  Nếu hoảng hốt, thì cả hai trường hợp trên đây đều có thể làm mất tinh thần của trại và có khi phải “nhổ trại” nửa chừng.

Vì trách nhiệm mà hơn ai hết, Bác Gia trưởng phải đắn đo kỷ lưỡng khi tổ chức một trại hè lâu ngày.  Đổi lại, trại hè thật có ích lợi, ngoài sức khỏe, các em còn học được nhiều điều, làm được nhiều việc, gặp được nhiều lúc để tập tháo vát và được gần gũi với thiên nhiên để biết yêu mến quê hương…

Đó là nguyên tắc.  Những phương pháp, những kỷ thuật và cách tổ chức cũng như điều khiển một trại hè, thì các Liên Đoàn trưởng, các Đoàn trưởng sẽ giúp Bác vì đã lãnh hội đầy đủ trong các khóa huấn luyện Huynh trưởng.

VIII. Thi vượt bậc

  Gia đình được tổ chức thi vượt bậc cấp Hướng thiện và Sơ thiện cho các đoàn Thiếu; Mở mắt, Cánh mềm cho Oanh vũ.  Ban Huynh trưởng, lập Hội đồng giám khảo, giám thị và lo về mặt tổ chức.  Ban Hướng dẫn Tỉnh cho cấp đề thi để bảo đảm trình độ đồng đều cho toàn Tỉnh.  Sau khi chấm xong các bài thi, biên bản của Hội đồng giám khảo phải gửi về Ban Hướng dẫn kèm theo toàn bộ hồ sơ.  Sau khi xét, Ban Hướng dẫn sẽ duyệt y, ghi số trúng cách.  Khi ấy Ban Huynh trưởng mới chánh thức công bố kết quả.

      Trong các cuộc thi thường xảy ra các cuộc khiếu nại, những sự “xầm xì nhỏ to”.  Hoặc vì Huynh trưởng giám thị vô tình lưu ý một em nọ, hoặc vì Huynh trưởng thường ngày có cảm tình với một em không xuất sắc mà nay lại đổ cao, v.v…  Vạn chuyện sẽ đến.  Thi là để khảo sát khả năng, để chứng nhận trình độ thực tu, thực học.  Cần giải thích cho các em rõ để tránh cái quan niệm thi cử của nhà trường.  Đặt đúng vai trò của nó rồi, mọi sự lệch lạc trong các cuộc thi vượt bậc không còn nữa từ Bác Gia trưởng cho đến Đoàn sinh và Huynh trưởng cũng sẽ bớt đi những sự bực mình và đỡ mất thì giờ giải quyết.

IX. Tài chánh

      – Khó quá anh ơi!  Muốn làm một việc chi mà tài chánh eo hẹp thì cũng đành bó tay thôi.

      Đó là lời ta thán của hầu hết các Bác Gia trưởng.  Tôi còn nhớ, lúc cùng với phái đoàn Hướng dẫn Trung phần dự một phiên họp của Huynh trưởng tỉnh Phú yên, một Huynh trưởng cũng thốt nên lời như trên.  Tôi liền hỏi lại anh Huynh trưởng ấy

      – Xin anh kiểm soát lại ngay trong bản thân anh thôi.  Mỗi tháng anh đi xem chiếu bóng mấy lần?  Mở tủ ra anh kiểm lại quần áo mấy bộ?  Mấy đôi giày?  Mỗi tháng anh tốn bao nhiêu để ăn phở?  Uống la-ve, nước ngọt?  Và nếu anh chịu ép mình đi một tí để giúp cho hoạt động lý tưởng mình, và nếu chúng ta đồng làm như thế, thì chúng ta sẽ làm được rất nhiều việc.  Điều đáng nói là chúng ta có quyết tâm sống với lý tưởng của mình hay không?  Khi đã quyết tâm rồi, một khi đã định hướng rồi, những lời ta thán trên đây sẽ không còn là những lời chán nản, sẽ không còn những cử chỉ buông xuôi.

      Huống gì, gây quỹ cho Gia đình, Nội quy đã cho phép nhiều phương tiện:

*         Tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm.

*         Tiền trợ cấp của Ban Đại diện liên hệ theo hệ thống ngang của Giáo hội.

*         Tiền trợ phí của đoàn sinh.

*         Tiền do ban Bảo trợ Gia đình Phật tử ủng hộ.

*         Tiền thu được do tổ chức các cuộc vui và các phương tiện hợp pháp khác để gây quỹ…

      Chúng ta thấy, với các phương tiện trên đây chúng ta có được hai nguồn tài chánh: một do sự ủng hộ của bên ngoài, một do sự trợ phí của chính chúng ta.

      Muốn được sự ủng hộ của bên ngoài không phải là dễ mà thật ra cũng không phải là khó.  Chúng ta than phiền không ai giúp chúng ta cả.  Thử tìm nguyên nhân xem.  Không ai giúp, vì chúng ta chưa chinh phục được nhân tâm dù cái nhân tâm ấy chỉ cô lại trong một phạm vi nhỏ hẹp là khuôn hội, là xóm làng, là khu phố.  Chúng ta chưa “nói” lên được cái tính chất trang trọng và cần thiết của tổ chức chúng ta.  “Nói” ở đây không phải là hô hào lớn tiếng như cái thùng rổng đánh kêu ầm ĩ chỉ làm đinh tai nhức óc.  Chưa ai giúp chúng ta vì chúng ta chưa chinh phục được lòng tin cậy nhất là lòng tin cậy về tiền bạc.  Khắc phục được lòng tin của quần chúng vào tổ chức, vào tư cách của huynh trưởng rồi, sự ủng hộ chính đáng sẽ đến với chúng ta.  Tôi xin nhấn mạnh sự ủng hộ chính đáng.  Không phải sự ủng hộ nào cũng chính đáng cả đâu, nhất là giữa thời đại hoàng kim hắc thế tâm này.  Suốt hơn 20 năm hoạt động, mặc dù thiếu thốn mọi bề, mặc dù phải tự lực cánh sanh giữa lúc bị đua tranh và chèn ép mọi mặt, Gia đình Phật tử chúng ta vẫn giữ trọn vẹn lòng trong trắng.  Không có một áp lực nào nhận chìm được chúng ta thì cũng không có một thế lực kim tiền nào dù được phong gói dưới nhãn hiệu nào đi nữa có thể thay đen đổi trắng chúng ta được.  Đừng để cho mình bị trói buộc khi nghĩ một cách đơn sơ rằng Gia đình chỉ là một đơn vị nhỏ bé nhất.  Một giọt nước biển là cả Đại dương đấy Bác ơi!  Xin nói nhỏ với Bác: “Lung kê hữu thực thang oa cận.  Dã hạc vô lương thiên địa khoang”.  Con gà nhốt ở trong lồng tuy đồ ăn được chu cấp đầy đủ đấy nhưng nồi nước sôi cũng gần bên.  Còn con chim hạc ngoài đồng nội không có lương thực sẵn sàng trước miệng mà đất trời rộng mênh mông?  Ai cũng nói rằng tài chánh là huyết mạch của một tổ chức.  Tôi xin thêm rằng tài chánh vừa là huyết mạch cho sự phồn thịnh mà cũng là cái gút thòng lọng đấy!

      Chúng ta cám ơn sự ủng hộ của các nhà hảo tâm, nhưng chúng ta cũng cần phải biết từ chối những sự ủng hộ có hậu ý.

      Mà cái hậu ý thường hay núp lén và thường đi con đường ngõ ngách hóc hẻm khiến chúng ta khó mà nhận thấy liền được.  Chỉ xin khuyên Bác: đừng để lở ăn xôi chùa mà ngọng miệng.

      Bác Gia trưởng là nhân viên của Ban Đại diện Giáo hội địa phương.  Trong những phiên hội đồng thường niên của Giáo hội phường, xã, khóm, Bác yêu cầu hội đồng trợ cấp cho Gia đình một ngân khoản hàng năm.  Điều này không khó lắm.

      Riêng về việc tổ chức các cuộc vui để gây quỹ cho Gia đình, như các buổi ca nhạc kịch hay các buổi chiếu bóng bán vé, Bác cần phải thận trọng nhiều khi đưa một chương trình ra mắt quần chúng.  Với danh nghĩa Gia đình Phật tử – nội dung trình diễn – kể cả chiếu bóng, cũng không thể phản lại tinh thần Phật giáo.  Mà tinh thần Phật giáo không phải chỉ đọng lại trong hình ảnh một tu sĩ, một mái chùa, một tiếng chuông hay một vài danh từ Phật trên sân khấu!  Cũng không nên ham hố để cho chương trình kéo dài hằng giờ mà cốt yếu là buổi trình diễn “nói lên” một cái gì, gieo vào khán giả một ý niệm xây dựng làm cho khán giả suy nghĩ.  Nội dung đã như thế, việc tổ chức lại càng chặt chẽ hơn.  Kỷ luật phải được triệt để áp dụng.  Để các em bừa bãi đứng ngồi trên sân khấu, thập thò sau các bức màn hay thiếu lễ độ lúc sắp chỗ, lúc kiểm vé để lại một dư luận không hay thì cho dù có bỏ vào cho ngân quỹ Gia đình mấy đi nữa thì chẳng bù lại được sự thiệt hại về tinh thần mà tiền bạc đâu có mua được?

      Lại còn lủng củng nội bộ sau khi màn hạ.  Lủng củng sẽ đẻ ra nhiều, nhiều lắm: nào không ai lo dọn dẹp và mạnh ai nấy chuồn về, nào sự kiểm soát về thu chi gặp khó khăn.  Phiếu xuất không hoàn thành đầy đủ chi tiết; nào một vài mục trình diễn không được đưa lên sân khấu hoặc không được sự hâm mộ của khán giả đưa đến sự xầm xì trong Gia đình, làm mất tinh thần các em.  (Quần chúng đâu có dễ dàng tha thứ khi họ phải bỏ tiền ra để thưởng thức?)

      Chưa nói đến sự lỗ lã.  Chưa nói đến sự dằng co vì trách nhiệm không phân định rõ ràng từ trước có thể đưa đến sự khủng hoảng.  Đành rằng trong các khóa huấn luyện Huynh trưởng, nhất là khóa huấn luyện Liên đoàn trưởng, những chi tiết về đường lối tổ chức, điều khiển một buổi trình diễn văn nghệ đã được đề ra, nhưng Bác Gia trưởng cũng phải tiên liệu những khó khăn để xem chừng và để phòng ngừa trước khi xảy đến.

      Tất cả các món thu do sự ủng hộ, do ban Bảo trợ, do các cuộc vui… là những món thất thường.  Cái món thu chính yếu là do Huynh trưởng và đoàn sinh.  Những phương pháp sau đây, chúng tôi đã cho áp dụng và rất có kết quả.  Kết quả đôi khi làm ngạc nhiên cả chúng tôi.

      “Hũ gạo Gia đình”: Mỗi bữa ăn, đoàn sinh chỉ xin bớt lại một nắm gạo bỏ vào một cái hũ, cuối tuần đi họp mang theo nạp và ghi vào sổ.  Mỗi tuần thâu một lần, đừng để cuối tháng, Huynh trưởng cũng đóng góp như các em.  Gạo ấy đem bán lại để lấy tiền.  Có thể bán đấu giá.

      “Nhịn ăn tập thể” từ Huynh trưởng đến đoàn sinh đồng nhịn ăn một bữa.  Xin gạo và tiền chợ của phần mình đem nạp.

      “Một ngày lương hay một ngày công”  Nếu đoàn viên là công chức hay công nhân.  Ở thôn quê, để gây quỹ hơn bằng cách hoạt động tập thể.  Tôi đã thấy trong những ngày mùa, cả Huynh trưởng và đoàn sinh gặt thuê, bứt rạ thuê, thực hiện tập thể rất vui và rất mau chóng.  Tự đi lấy sạn và cát, hoặc bán hoặc đúc plots vừa bán vừa để xây đoàn quán.  Trong những ngày Tết, bao thầu một gánh hát bộ hết sức bình dân vừa giúp vui cho dân chúng trong vùng vừa kiếm được tiền gây quỹ.  Với những phương tiện tự túc ấy, có Gia đình rất giàu.  Cái công lao đóng góp này còn là một lợi ích tinh thần rất lớn.  Nó phát huy được tinh thần Gia đình, ý chí tự lập và được sự cảm mến của quần chúng.

      Ở thành thị, sinh hoạt lao động không có, nhưng cũng có thể có nhiều phương cách làm quỹ như hộp tiết kiệm, vẽ thiếp chúc Tết, phát hành sản phẩm do Giáo hội sản xuất: hương, vị trai v.v…  Trong những ngày lễ lớn như Phật đản, Thành đạo, đoàn viên làm lồng đèn, viết biểu ngữ.  Khi có vốn, có Gia đình đã mua xe xích lô, xe ba gác… để cho thuê.

Tùy ở nhu cầu và sinh hoạt địa phương mà ban Huynh trưởng tìm những kế hoạch thích hợp.

Biết làm ra tiền chưa khó.  Biết khai thác tiền cho có lợi và biết dùng đồng tiền mới khó hơn.

Đầu hết của mọi sự chi tiêu là tiền phụ nạp cho Ban Hướng dẫn mà nội quy đã định.

“Mỗi năm, phải phụ nạp cho Ban Hướng dẫn Tỉnh 400đ.  Số tiền này có thể gửi làm hai kỳ”.

X. Lễ lược Gia đình

1. Lễ Phật thường lệ

      Lễ Phật và tụng niệm là một nghi thức tôn giáo mà kinh điển là để hướng dẫn con người sống cái đời sống đúng với Giáo lý.  Tụng kinh là để nhắc nhỡ lại đời sống ấy trong lời nói, hành động và tư tưởng của chúng ta trong mọi sinh hoạt thường ngày.  Bài phát nguyện (Đệ tử kính lạy…) lời lẽ rất giản dị, dễ hiểu và không quá tầm mức của các em mà các em phải thuộc và hiểu bài kinh ấy trước khi phát nguyện.  Cần gây cho các em ý thức đứng đắn về tụng niệm.  Làm sao cho các em hiểu được rằng tụng kinh không phải là đọc thuộc lòng như keo như vẹt.  Phải suy nghĩ.  Trước khi vào điện Phật, Đoàn trưởng cho các em chỉnh bị lại y phục, vào từng hàng một, chấp tay trước ngực chính là để trang bị tinh thần cho các em.  Nhìn vào các em lễ Phật, chúng ta có thể thấy được tác dụng của bài kinh: sự thành khẩn lộ trên đôi mắt, lên dáng điệu, trong âm thanh và trong mỗi cử động lên xuống khi đảnh lễ.  Khi ấy, buổi lễ Phật tự nhiên mà trang nghiêm, có đạo vị.  Do sự lãnh hội đó, Nam Nữ Phật tử có thêm chú Đại Bi mà các đoàn Thiếu không có; các đoàn Thiếu có thêm 4 lời nguyện rộng lớn mà các đoàn Oanh vũ không có.

      Trong các buổi lễ Phật chung của Gia đình, nghi thức tụng là nghi thức của Ngành Oanh vũ:

  1. Chủ lễ niêm hương, kỳ nguyện, đảnh lễ
  2. Khai chuông mõ
  3. Bài phát nguyện (quỳ)
  4. Niệm danh hiệu Phật và Bồ tát (đứng)
  5. Tự quy (tụng xong tam tự quy rồi mới đảnh lễ)
  6. Hồi hướng (im lặng một phút)
  7. Đọc luật (Oanh vũ đọc trước, Thiếu và Thanh đọc sau)
  8. Bài Trầm hương đốt.

      Tạm thời, các đoàn không sinh hoạt riêng biệt được nên các buổi lễ Phật đều phải hành lễ chung.  Đọc luật trở nên cần thiết.  Trong lúc Oanh vũ đọc luật, các đoàn Thiếu và Thanh im lặng và suy nghĩ đến những vi phạm luật trong tuần qua, và phát nguyện sám hối.  Các em Oanh vũ cũng vậy, khi ngành Thiếu và Thanh đọc luật.

      Nếu là các đoàn Thiếu hành lễ riêng, thì thêm bốn lời nguyện rộng lớn để phản ảnh tâm nguyện cứu thế của chư vị Bồ tát và gieo vào lòng các em tâm vị tha, sự giúp đỡ, lòng sốt sắng cứu trợ kẻ khác cũng như chí nguyện học và hành chánh pháp.

      Huynh trưởng và Ngành Thanh, ngoài nghi lễ của Thiếu, thêm chú Đại Bi sau khi khai chuông mõ để tập sự định tĩnh tâm hồn.

      Gây cho các em ý thức về nghi lễ là phần việc của Bác Gia trưởng.  Nghi lễ là một phương tiện giáo dục làm thuần tính các em.

2. Lễ Cầu an, Cầu siêu

      “Gia đình Phật tử không phải là một nơi tập luyện cho các em chỉ biết tụng kinh cho giỏi để đi cầu siêu, cầu an hay cầm tràng phan đi đưa đám ma”.

      Đó là lời của Anh Võ đình Cường, Trưởng Ban Hướng dẫn Trung phần trong lễ trao cấp hiệu cho Thiếu niên Thiếu nữ ngày Thành đạo Kỷ sữu – 1949 – tại Huế.  Hai mươi năm đã qua, những lời lẽ ấy vẫn là một lời khuyên cáo quan trọng.  Đa số hội viên vẫn nhìn các em như những công cụ cầm tràng phan, thường tỏ ý khen ngợi không tiếc lời khi các em tụng Di Đà hay Phổ Môn thuộc làu làu.  Thế là bất cứ một lễ cầu an, cầu siêu nào, cũng bắt các em đến làm lễ hàng giờ.  Cũng đã có nhiều Bác Gia trưởng và Huynh trưởng bị cự nự vì không muốn đưa Gia đình ra khỏi mục đích và đường lối mà nội quy đã vạch ra.  Gặp những trường hợp này, Bác Gia trưởng nên làm văn thư báo cáo cho Ban Hướng dẫn biết để yêu cầu ban Đại diện Tỉnh can thiệp.

      Nói như thế, không phải là các em không làm lễ cầu siêu, nhưng để tránh cho các em cái quan niệm “gia hộ” một cách quá bình dân chẳng khác nào thần quyền.  Hơn nữa, các lễ cầu an, cầu siêu quan yếu ở sự tĩnh tâm chú nguyện mà tính tình các em thì không đạt đến mức độ đó nên buổi lễ sẽ mất hiệu quả và trang nghiêm.  Sau hết, để cùng tránh cho các em nếp sống “thợ tụng” trong tương lai.

      Nội lệ của Gia đình Phật tử cho phép các em làm lễ cầu an, cầu siêu cho đoàn sinh.  Huynh trưởng, Gia trưởng và cha mẹ của đoàn sinh trong cùng đơn vị Gia đình mà thôi.  Các em Oanh vũ chỉ được làm lễ cầu siêu, cầu an tại chùa, trong những phiên họp thường lệ và với nghi thức đơn giản như sau:

      Cầu an

  1. Niêm hương – kỳ nguyện – đảnh lễ
  2. Khai chuông mõ
  3. Chú chuẩn đề (7 lần)
  4. Niệm danh hiệu và Bồ tát
  5. Tự quy và đảnh lễ
  6. Hối hướng tiêu trừ nghiệp chướn

      Ngành Thiếu thêm “chú tiêu trừ nghiệp chướng” sau khi niệm danh hiệu Phật và Bồ tát.

      Ngành Thanh, ngoài nghi thức của Thiếu thêm “chú Đại Bi” sau khi khai chuông mõ và “chú Bát Nhã” sau chú tiêu trừ

      Cầu siêu

  1. Niêm hương – kỳ nguyện – đảnh lễ
  2. Khai chuông mõ
  3. Quy y linh
  4. Niệm danh hiệu Phật và Bồ tát
  5. Tự quy và đảnh lễ
  6. Hồi hướng vãng sanh

      Ngành Thiếu thêm bài “Mười phương Phật ba đời” và “chú Vãng sanh” sau khi niệm danh hiệu Phật và Bồ tát.

      Ngành Thanh, ngoài nghi thức của Thiếu thêm “chú Đại Bi” sau khi khai chuông mõ và “Bát nhã tâm kinh” sau bài “Mười phương Phật ba đời”.

      Khi cùng tụng toàn Gia đình, lễ cầu an cũng như lễ cầu siêu, lấy nghi thức của Oanh vũ làm căn bản thêm chú Đại Bi và chú Bát nhã tâm kinh.

      Ngoài sự cầu nguyện, lễ cầu an, cầu siêu còn là một sự tương trợ tinh thần giữa đoàn viên Gia đình với nhau và còn kết thiện duyên với phụ huynh đoàn sinh.

3. Lễ Quy y

      Để thực hiện điều luật thứ nhất, ban Huynh trưởng cần tổ chức những lễ quy y cho đoàn viên.  Dù cho Đoàn sinh đã học Ba quy y rồi, trước khi nhận cho các em làm lễ quy y, cũng phải giải thích lại một cách cặn kẽ, trình bày cho các em biết sự quan trọng của buổi lễ vì một khi đã thọ tam quy rồi, toàn diện cuộc đời đã được chuyển hướng.  Nhưng cũng đừng làm cho các em sợ.  Lễ quy y có những nghi thức riêng mà thầy truyền giới sẽ chỉ rõ.  Bác Gia trưởng lập danh sách (do các Đoàn trưởng đưa lên) và định ngày, gửi về Ban Hướng dẫn để thỉnh thầy truyền giới.  (Thầy cố vấn giáo hạnh của Ban Hướng dẫn Tỉnh hay một vị nào do Thầy giới thiệu).  Danh sách thiết lập hai bản, kèm thêm tiền thỉnh giới điệp và những chi phí khác.  Nên chọn một ngày vía Phật để làm lễ quy y.  Ngày hành lễ những em thọ lễ quy y, gọi là giới tử.  Các đoàn viên trong Gia đình giúp các giới tử mọi mặt, lo phần tổ chức, hộ niệm tinh thần.  Một huynh trưởng được cử ra để hướng dẫn các giới tử đúng với nghi thức của buổi lễ.  Huynh trưởng này gọi là “hộ giới”.  Nếu được sự đồng ý của Thầy truyền giới mà làm lễ quy y vào buổi khuya thì thật là quý vì thời gian ấy rất thuận lợi cho việc tác động tinh thần.

      Các giới tử sống riêng biệt với Huynh trưởng hộ giới, ngồi tịnh niệm trước điện Phật gìn giữ lời nói, cử chỉ.  Có thể các em mới ý thức được ý nghĩa của quy y.  Một lễ quy y tổ chức quá tập thể hay một cách luộm thuộm, thiếu nghi lễ, thiếu nhận thức thì kết quả cũng chỉ hời hợt, không đánh mạnh được vào tinh thần các em.  Nếu có phụ huynh giới tử đến dự lễ càng tốt, Đại cương chương trình một lễ quy y như sau:

      Chiều trước ngày hành lễ:

16g00     –  Tập họp Gia đình

–  Đón tiếp thầy truyền giới (Một Huynh trưởng được cử đi đón thầy về)

– Trình diện đoàn sinh giới tử và Huynh trưởng hộ giới với thầy truyền giới.

                –  Nếp sống giới tử bắt đầu.

20g00  – Lễ Phật cả Gia đình (Giới tử quỳ ở trước, các đoàn viên khác cách sau 1 thước)

21g00  – Giải thích phần nghi lễ và chuẩn bị tinh thần giới tử cho buổi lễ sáng mai.

22g00     –  Tịnh niệm (Giới tử)

      Ngày hành lễ:

05g00 –  Các giới tử và Huynh trưởng hộ giới vào điện Phật trước, các đoàn viên trong gia đình vào sau.  Cuộc tập họp được thực hiện trong im lặng.

–               Chuông trống bát nhã

–               Thầy truyền giới đến

–               Lễ quy y (nghi thức đặc biệt)

–               Bác Gia trưởng thay mặt Gia đình cảm tạ thầy truyền giới và khuyến khích các đoàn viên giới tử.  Bác Gia trưởng và giới tử đảnh lễ giới sư.

      08g00               Tiển đưa thầy truyền giới

      – Gia đình mừng các đoàn viên mới nhận vào đại gia đình Phật giáo (giới thiệu pháp danh).

      Gây cho đoàn viên một nhận thức đứng đắn khi trở về với Phật, với Pháp, với Tăng tức là đặt được một nền móng căn bản vững chắc cho đời sống của một Phật tử mà không một sức mạnh nào có thể lay chuyển được.  Làm được công việc ấy, há chẳng phải là một sự đóng góp lớn lao cho đạo, cho đời hay sao?

4. Lễ Phát nguyện

      Nếu lễ quy y chính thức đưa đoàn viên vào với biển cả Phật giáo thì lễ phát nguyện đưa đoàn viên vào với đại gia đình áo lam.  Phát nguyện là tự nguyện.  Vì là tự nguyện cho nên tinh thần của lễ phát nguyện cũng mang một sắc thái đặc biệt.  Về phần Huynh trưởng thì đừng nghĩ rằng em đoàn sinh sẽ phát nguyện với mình.  Bác Gia trưởng và ban Huynh trưởng chỉ đóng vai trò chứng kiến và thay mặt toàn thể Gia đình Phật tử công nhận đoàn sinh ấy là một ĐO?N SINH CHÍNH THỨC mà thôi.  Về phía đoàn sinh phát nguyện thì cũng phải ý thức rằng mình phát nguyện là phát nguyện với mình, vì mình và cho mình.  Với, vì và cho mình hết thảy nên phải tận tụy và tận tình sống đúng những điều phát nguyện mà 5 điều luật, châm ngôn và ý nghĩa huy hiệu hoa sen là căn bản.  Các em Oanh vũ khi lên đoàn phải phát nguyện lại (vì điều luật khác nhau) còn các em ngành Thiếu lên ngành Thanh thì khỏi phải phát nguyện lại.  Tuy Nội quy Gia đình đã đặt điều kiện và thời gian cho đoàn sinh được làm lễ phát nguyện, nhưng cũng không nên chỉ căn cứ vào thời gian mà còn chú trọng về phương diện nết hạnh nữa.  Đoàn trưởng giữ phần đề nghị cho các đoàn sinh phát nguyện lên Bác Gia trưởng, lo thỉnh huy hiệu hoa sen và giải thích cách hành lễ.

      Lễ phát nguyện có thể cử hành ở trại.  Nếu trại đóng gần chùa thì làm lễ tại điện Phật, nếu xa chùa thì thiết một bàn Phật thiên nhiên.  Mời Thầy cố vấn giáo hạnh nếu thuận tiện.  Chương trình đại cương như sau:

a. Gia đình nghiêm chỉnh trước bàn Phật (các đoàn sinh phát nguyện quỳ.  Khay huy hiệu để ở bàn kinh).

b. Lễ Phật

c. Một Liên đoàn trưởng nhắc lại ý nghĩa huy hiệu cùng tính cách quan trọng của buổi lễ.

d. Đoàn sinh đọc lời phát nguyện:

      “Hôm nay, ngày….. tháng….. năm….. Phật lịch…..

      Con tên là……………………….. pháp danh……………………. thuộc đoàn…………… của Gia đình………………… xin phát nguyện luôn luôn theo đúng mục đích, điều lệ của Gia đình Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và sống đúng những điều luật của đoàn để phụng sự chánh pháp”.

e. Đọc luật.

f. Bác Gia trưởng tuyên bố: “Thay mặt toàn thể Gia đình Phật tử Việt Nam và ban Huynh trưởng Gia đình Phật tử…………………… tôi long trọng tuyên bố công nhận em…………………….., pháp danh…………………… là đoàn sinh chính thức của Gia đình Phật tử.

g. Bác Gia trưởng trao huy hiệu hoa sen cho Liên đoàn trưởng Nam hay Nữ để đeo vào áo tùy ở đoàn sinh nam hay nữ.  Trong lúc đeo huy hiệu, đoàn sinh phát nguyện chào.

h. Các đoàn sinh phát nguyện đảnh lễ.

i. Thầy cố vấn hay Bác Gia trưởng khuyên nhủ.

      Sau đó, các đoàn có thể họp riêng để mừng các em mới được công nhận chính thức bằng một lễ riêng của đoàn, một nồi chè sau buổi họp v.v…

5. Lễ trao cấp hiệu

      Gia đình được trao cấp hiệu cho bậc Mở mắt, Cánh mềm ngành Oanh vũ; Hướng thiện, Sơ thiện ngành Thiếu.  Các bậc khác sẽ do Ban Hướng dẫn Tỉnh trao cấp hiệu.

      Lễ trao cấp hiệu cũng được tổ chức như lễ phát nguyện.

      Lời phát nguyện của đoàn sinh được trao cấp hiệu như sau:

      “Chúng con xin nguyện sống đúng cấp bậc, dũng mãnh và tinh tiến để phụng sự Chánh pháp”.

6. Lễ chính thức

      Để ra mắt khi được thừa nhận chính thức, lễ này có tính cách “trình diện” và có sắc thái “liên hoan” mà một đời của Gia đình, chỉ tổ chức một lần mà thôi.  Phần chính yếu của buổi lễ là sự hiện diện của Ban Hướng dẫn, của ban Đại diện Giáo hội địa phương, hội viên khuôn hội và các Gia đình bạn.

      Phần nội bộ thì phải sắm sửa mọi thứ hình thức cần thiết: cờ Gia đình, cờ Đoàn, Đội, Chúng, Đàn với gậy cờ đúng quy tắc.  Đồng phục của các em phải sạch sẽ tươm tất.  Nếu cần thì nhuộm lại.  Lễ ra mắt mà!  thưa Bác.  Cho nó đàng hoàng.

      Vì mới hoạt động trong một thời gian ngắn ngủi là sáu tháng thôi (cho dù dài hơn cũng thế, nên những phần triển lãm, văn nghệ sân khấu cũng chưa có thể và có quyền (theo nguyên tắc) thực hiện.  Có thể có một buổi lửa trại vào buổi tối.  Đại cương một buổi lễ chính thức có hai phần: phần sinh hoạt nội bộ để chuẩn bị cho lễ chính thức và phần hành lễ.  Phần sinh hoạt nội bộ gồm có trang hoàng, có cả quyền môn nếu có thể, phần đãi đằng (tiệc trà – nếu khá giả hơn thì bữa cơm thân mật), sửa sang lại đường sá cho sạch sẽ và quang rạng.  Cần phải phân công cho rành mạch, nhất là việc tiếp tân, đến cả việc giữ mũ nón, xe cộ nữa chứ!  Mời người ta đến mà lại không tiếp sao cho được!  Biết đâu các Gia đình bạn, các quan khách thấy sự tổ chức chu đáo và đàng hoàng mà có cảm tình rồi lì xì khá khá vào sổ vàng của Gia đình!  Xin đừng quên lễ Chính thức là lễ ra mắt, mà ra mắt thì ra mắt phải cho có điệu.  Muốn cho có điệu phải tập tành trước để khi trình diện Gia đình khỏi phải vấp váp.  Tập họp nhanh, tiếng hô đều.  Đứng ngay hàng thẳng lối.  Cử chỉ và lời nói cũng ngay ngắn.  Cách cầm cờ cũng đúng phép.  Cách chào cũng đàng hoàng.

      Tất cả đều biểu lộ tinh thần kỷ luật.  Chính cái kỷ luật ấy làm những Bác Gia trưởng khác vừa ganh vừa phục đấy.  Và cũng chính cái kỷ luật ấy làm cho Bác và cả Gia đình nở mặt nở mày đấy.  Trong đoàn quán thì đâu vào đó!  Tấm bảng hệ thống Gia đình ngay ngắn trên vách.  Cái giá cờ sạch sẽ.  Tủ hồ sơ sạch bụi cho đến cả góc cạnh.  Bàn ghế tiếp khách sắp đặt có mỹ thuật.  Bên ngoài, lều và trại của các Đội, Chúng, Đàn đóng quanh chùa cũng ngăn nắp sạch sẽ, tươm tất.  Tất cả đều như mời gọi, như chào mừng.

      Trong bầu không khí mát mắt mát lòng ấy, tiếng máy phóng thanh mời làm lễ chính thức.  Tiếng nói nhè nhẹ, chậm rãi từ tốn, trang trọng và lễ độ của Huynh trưởng xướng ngôn thật là dễ nghe, thật là có cảm tình.

      Một hàng rào danh dự đã được thiết lập nhanh chóng khi được tin thầy cố vấn giáo hạnh, Ban Hướng dẫn và ban Đại diện Giáo hội địa phương đến.  Khéo tổ chức là ở đó.  Cả ba cùng đến một lúc và đúng giờ hành lễ.  Điện Phật để dành cho quan khách và các Gia đình bạn.  Gia đình đứng ngoài sân.  Đứng ngoài mà vẫn tập trung tư tưởng, mà vẫn trang nghiêm như ở trong điện Phật vậy.  Sau phần lễ Phật (nghi thức thường lệ), là phần Gia đình trình diện.  Tuần tự từng đoàn.  Mỗi Đoàn, các Đội, Chúng, Đàn trình diện trước.

      Phải để cho các em hồi hộp.  Phải để cho các em lo lắng vì danh dự của Gia đình.  Sự thuần thục thường ngày có thể bị gảy đổ vì sự hồi hộp, lo lắng quá đáng ấy!  Không hồi hộp và lo lắng sao được khi bao nhiêu cặp mắt cứ đổ dồn vào, dù biết đó không phải là những cặp mắt cú vọ.  Thiếu đi một chút bình tĩnh cũng đã luýnh quýnh rồi.  Đó là chưa kể lúc gặp anh Trưởng ban hay anh Ủy viên Tổ kiểm “thử lại” Gia đình một lần nữa trước khi chấp nhận việc chính thức hóa.

      Trong lễ trình diện này, các em đều phải có mặt.  Mọi việc đều phải sắp đặt xong trước khi khai mạc buổi lễ.  Có những cảm xúc mà chỉ khi nào đứng trong hàng ngũ rồi mới chịu sự tác động; có những ý thức trách nhiệm bất chợt nảy nở trong một giờ phút nào đó, đoàn sinh tự thấy mình phải hoàn thành.  Đừng để cho một em nào không được sống qua những giờ phút thiêng liêng ấy.

      Trình diện xong, Đoàn trưởng, đoàn phó yên vị vào vị trí của mình.  Bác Gia trưởng đọc một bài diễn văn tỏ lòng tri ân sự giúp đỡ của Ban Hướng dẫn, của ban Đại diện, của các vị hảo tâm, các vị ân nhân để đưa đến buổi lễ chính thức hôm nay.  Bác cũng tường trình sơ qua tình hình của Gia đình trong thời gian thành lập, rồi cuối cùng, thay mặt toàn thể Gia đình, Bác hứa sẽ tích cực phát triển Gia đình đúng với nội quy để đóng góp hữu ích cho đạo, cho đời.

      Sau bài diễn văn của Bác, anh Trưởng ban hay là Đại diện của Anh sẽ trao cờ Gia đình.  Cờ và khuôn dấu đã được để trên một chiếc khay lúp một tấm vãi lam.  Anh Liên đoàn trưởng đã sẵn sàng gậy cờ.  Huynh trưởng xướng ngôn sau khi mời anh Trưởng ban, trở về đứng ở vị trí của mình.  Khi anh Trưởng ban đứng dậy, anh Liên đoàn trưởng hô khẩu hiệu và cả Gia đình đứng nghiêm, không chào.  Tất cả Gia đình giữ thế nghiêm ấy cho đến khi anh Trưởng ban cho phép nghỉ.  Tuy đứng trong thế nghỉ, các em phải nghiêm chỉnh nghe lời anh Trưởng ban.  Đây là cuộc lễ lớn đối với một Gia đình.  Còn chi lớn hơn là được công nhận chính thức?  Tất nhiên anh sẽ sử dụng ngôn ngữ lớn để diễn đạt.  Chính sự tổ chức lớn chuyện cũng là để trợ duyên cho cái tính chất quan trọng của buổi lễ và cũng là một dịp để giáo dục các em, để tác động tinh thần các em.  Anh Liên đoàn trưởng nhận cờ.  Bác Gia trưởng nhận khuôn dấu, tượng trưng cho tinh thần và hệ thống tổ chức của Gia đình Phật tử Việt nam.  Anh Đại diện đọc nghị định.  Sau đó là phần chúc mừng của ban Đại diện Giáo hội địa phương, của đại diện các Gia đình bạn, của quan khách (nếu có).

      Vừa để thay đổi không khí, vừa để có đủ thì giờ kiểm soát lại tiệc trà, ban Huynh trưởng mời quan khách thăm lều các em.  Hẳn nhiên, ban Huynh trưởng đã sắp đặt trước, đã cho các em đóng lều theo một vị trí thuận tiện cho cuộc tiếp đón và thăm viếng.  Đẹp nhất là lều đóng theo hình vành móng ngựa.  Các em cũng đứng theo hình vành móng ngựa trước lều của mình.  Các đoàn trưởng và đoàn phó đứng trước các Đội, Chúng, Đàn của đoàn mình.  Chính giữa là một trụ cờ, và lá cờ đã buộc vào đó.  (Việc tập họp các em tại đất trại phải được hết sức nhanh chóng và phải dượt trước vài ba lần).  Khi quan khách bước vào gần đến trụ cờ thì hô khẩu hiệu, chào và cử hành bài ca chính thức.  Đồng thời, lá cờ của Gia đình lần đầu tiên phất phới trong đất trại.  Các em hát mà run lên vì sung sướng khi thấy linh hồn của Gia đình ngự trị.  Một luồng gió đến, lá cờ phất phới.  Đừng quên một tấm hình kỷ niệm đấy, thưa Bác Gia trưởng.  Cái tấm hình mà mọi cặp mắt đều hướng lên lá cờ, mọi làn môi đều mở rộng để đồng ca bài SEN TRẮNG, biểu lộ lòng rung cảm mãnh liệt của quả tim và khối óc mà mỗi lần các em nhìn lại, vẫn thấy khích lệ.

      Từ đây trở đi, khi vào tiệc trà thân mật, các em được sống cởi mở, vui vẻ và thân mật hơn.  Chắc anh Trưởng ban cũng như quan khách sẵn sàng hòa đồng với các em, với cái vui của Gia đình.  Hồi nãy, các em sợ anh Trưởng ban bao nhiêu thì bây giờ lại thương, lại mến anh Trưởng ban bấy nhiêu vì sự cảm thông giữa tình thương áo lam và chung sức bảo toàn tổ chức.

7. Lễ chu niên

      Nếu lễ chính thức chỉ được tổ chức một lần thôi, thì lễ chu niên lại đều đều tổ chức hàng năm, có ngày tháng nhất định như một ngày sinh nhật vậy.  Tuy đã biết trước, thế mà đã có gia đình đã để nước đến chân mới nhảy.  Từ Huynh trưởng đến đoàn sinh thức ngày thức đêm, có khi bỏ ăn bỏ ngủ để làm cho kịp.  Rồi đến ngày chu niên, mặt anh nào anh nấy phờ phạc ra, các em thì uể oải ngáp đứng ngáp ngồi.  Còn đâu những cặp mắt sáng ngời, còn đâu cái nhí nhảnh của tuổi trẻ?  Từ bực mình đưa đến sự cau có gắt gỏng chỉ trong gang tấc.  Và sự mất cảm tình cũng đã nắm chắc trong tay.  Vì nếu bạn bè có thể dễ dãi trong lễ chính thức và sẵn sàng để mà dễ dãi khi tiếp nhận một bạn mới, thì khó lòng mà tha thứ trong lễ chu niên, nhất là khi con số chu niên đè nặng lên vai ban Huynh trưởng.  Những cái nhìn trở nên xoi mói, nghiêm khắc hơn.  Những nụ cười sẽ đắn đo hơn khi một Gia đình đã đạt tới tuổi lên năm, lên mười

      Lễ chu niên có đặc tính của nó.  Nó biểu hiện sự tiến triển của Gia đình, cho nên những chi tiết của một lễ chu niên phải phản ảnh ĐÍCH THỰC sự tiến triển ấy.  Tôi xin nhấn mạnh hai chữ đích thực.  Vì nếu thiếu điều căn bản ấy, thì lễ chu niên mất hết ý nghĩa của nó rồi và trở thành giả tạo mà thôi.

      Bắt đầu lo lễ chu niên từ lúc nào?  Hết lo lễ chu niên cho năm này là bắt đầu lo cho lễ chu niên năm sau.  Vì sao?  Vì phải gom góp những sinh hoạt trong năm để đúc kết lại thành hệ thống hoạt động, thành những biểu đồ so sánh với năm trước để làm nổi bật sự thăng trầm, sự cố gắng hay sự kém sút của Gia đình.  Đừng che dấu sự thật.  Biết sự kém sút để tìm nguyên nhân của sự kém sút rồi tìm cách khắc phục những mất mát để vươn lên, đó là sự tiến bộ đẹp đẽ nhất.  Sinh hoạt trong năm thì có thừa để trình bày.  Đến dự một lễ chu niên mà chẳng thấy một tí gì nói lên hoạt động trong năm, thì đâu đáng gọi là một lễ chu niên?

      Ai sẽ đóng góp cho lễ chu niên?

      Tất cả, không trừ một ai.  Từ một Oanh vũ mới biết nguệch ngoạc vài nét vẽ, mới bắt đầu tập nhíp một đường rách đến một Nam Phật tử kết một cái bàn bằng mây hay một em Thiếu nam đắp một mô hình trại đoàn em đã dự.  Ngoài sự đóng góp của từng cá nhân, có sự đóng góp tập thể của từng đoàn.  Công việc này không phải chỉ đến gần ngày chu niên mới thực hiện mà là những gì đã làm được trong năm, trong sinh hoạt thường xuyên và được giữ lại một cách cẩn thận và ghi ngày tháng, danh tánh của em đã làm ra tác phẩm ấy.

      Những ngày gần chu niên là những ngày chọn lựa, đúc kết và phương cách trình bày những tác phẩm của các em, của các đoàn để diển đạt được sự hoạt động trong năm, thiết lập những biểu đồ tiến triển so với những năm trước.  Vì phương pháp giáo dục của chúng ta đặt nặng về sự cải tiến từng cá nhân, nên cố gắng phản ảnh được tinh thần ấy.  Trình bày về nữ công của em oanh vũ X chẳng hạn: cùng một tấm mẫu thêu lúc em mới tập; những đường nét của hai tháng sau và sáu tháng sau mà chị trưởng đã cất kỹ.  Lúc trình bày, chính em nữ oanh vũ X là người ngạc nhiên thứ nhất và phụ huynh của em đó sẽ tin tưởng hơn vào hoạt động của Gia đình.  Trình bày về đức hạnh của một đoàn sinh thì có những tấm phiếu bằng bia, ghi những tính nết của em đó lúc mới vào đoàn.  Và cứ ba tháng một, gửi phiếu về phụ huynh phê phán sự tiến bộ.  Chọn những em được phê nhiều điểm tốt đem ra trình bày để khuyến khích các em ấy và cả những em khác.  Dành chỗ để trình bày hoạt động cá nhân của đoàn sinh.  Sự đóng góp của nhiều đoàn sinh mang lại một ý nghĩa chính đáng, mang lại nhiều sắc thái đặc biệt cho buổi lễ.

      Sẽ làm những gì trong ngày lễ chu niên?

      Như trên đã nói, cái cốt yếu của một lễ chu niên là trình bày sức sống của Gia đình TRONG năm qua.  Trong suốt một năm chứ không phải là trong một vài tuần bề bộn, với sự đóng góp của tất cả đoàn viên chứ không phải là của một vài Huynh trưởng hay đoàn sinh có năng khiếu đặc biệt.  Trong một lễ chu niên, như thế, có 3 phần chính:

      + Phần trình bày sức sống

      + Phần lễ chính kỷ niệm

      + Phần vui nhộn

      Trình bày sức sống bằng triển lãm.  Triển lãm ở trong phòng hay triển lãm ở ngoài trời tùy ở đề tài triển lãm.  Một bộ bàn ghế bằng tre sắp ở trong phòng làm sao bằng để ở dưới bóng mát một gốc cây?  Những tấm hình ghi lại hoạt động ở trong năm mà đem phơi dưới cột cờ thì còn gì là ảnh sau khi lễ tất?  Triển lãm nữ công không phải là gian hàng các đồ tạp hóa và thực phẩm.  Các Chị trưởng có thói quen bắt các em thêu khăn tay, bao gối, đan áo, mũ trẻ em, làm bánh mứt và để cả giá bán.  Triển lãm sự tiến triển hay là bán hàng ở chợ?  Sao không thiết lập một gian hàng riêng và biệt lập để chuyên về việc mua bán như một gian hàng giải khát trong ngày lễ có tính cách ủng hộ Gia đình?  Những tác phẩm đem ra triển lãm không nhất thiết phải toàn thiện toàn mỹ.  Có thể là một vài nét ngây ngô của một em Oanh vũ ghi lại một chiếc tổ của đàn; có thể là bức tượng Quán thế Âm bằng thạch cao của một Thiếu nam.  Có thể là những tờ báo tường, báo tay…

      Tất cả phải phản ảnh lại sự đóng góp của đa số đoàn viên chứ không phải là một nhóm, dù là của ban Huynh trưởng.  Đi ngược lại nguyên tắc này, sự triển lãm chỉ là hào nhoáng bên ngoài mà thôi.

      Phần lễ chính kỷ niệm chu niên thì đại cương như lễ chính thức.  Xin chú ý một điều là bản tường trình hoạt động trong năm không cần phải dài dòng lắm.  Nếu bản tường trình mà không được chứng minh bằng cuộc triển lãm, không ăn nhịp với cuộc triển lãm thì e rằng không khỏi mang tiếng là thùng rỗng lớn tiếng!

      Về phần vui nhộn, có tiệc trà điểm thêm vài đơn đồng ca hoặc vài vũ khúc đơn giản vui tươi.  Các Gia đình thường lấy buổi trình diễn sân khấu làm mục tiêu chính cho lễ chu niên và mọi hoạt động cho chu niên đều quy tụ vào đó.

      Văn nghệ vốn có đặc tính thu hút, hấp dẫn nên các đoàn sinh có máu văn nghệ sẽ sẵn sàng nhào vô để rồi sẵn sàng nhào ra khi màn hạ.  Đó là một lầm lẫn lớn.  Trình diễn trên sân khấu cũng như triển lãm, hoạt động thanh niên, là một khía cạnh bộc lộ sự sinh hoạt của chương trình văn nghệ trong Gia đình.  Vì không ý thức được như thế nên các bài hát của gia đình, những bài ca có tôn giáo tính đều bị loại ra khỏi chương trình.  Không có gì lố lăng hơn khi một em Thiếu nữ bận đồng phục với đầy đủ huy hiệu, phù hiệu mà mặt lại trét đầy phấn son cho ăn đèn rồi đú da đú đởn hát những bài phản lại giáo dục của Gia đình Phật tử.  Các em được hoan hô đấy (hoan hô thật hay là sự cổ võ thiếu lương tâm của một số thanh niên manh động), nhưng đồng thời sự hoan hô ấy cũng nhận chìm luôn cái truyền thống cao đẹp của dân tộc và đạo pháp.

      “Xá lợi phất, bĩ quốc thường hữu chủng chủng kỳ diệu tạp sắc chi điểu: bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần già, cọng mạng chi điểu, thị chư chúng điểu trú dạ lục thời, xuất hòa nhã âm, kỳ âm diễn xướng, ngũ căn ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp.  Kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng”.

      Đoạn kinh này trong kinh Di đà để lại cho chúng ta ý niệm về sứ mạng văn nghệ Phật giáo.  Ngày đêm sáu thời, những con chim ấy phát ra những âm thanh hòa nhã.  Những âm thanh ấy diễn nói những pháp của Phật như ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề, bát thánh đạo.  Chúng sanh nước ấy nghe những âm thanh ấy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.  Như tiếng hót của các chim bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tần già v.v… nếu chúng ta không đủ mãnh lực để cho khán giả hướng về (chỉ hướng về thôi) BI, về TRÍ, về DŨNG thì cũng đừng nên dùng những bài hát và những mánh khóe diễn đạt (dù được phong gói trong danh từ nghệ thuật) khêu gợi bất thiện tính của con người.  Huống chi, có chán những bài hát đạo và những bài hát đầy dân tộc tính gợi lên lòng mến đạo và tình yêu quê hương xứ sở.  Nguyên tắc này áp dụng cho cả các bộ môn văn nghệ để bảo đảm tính chất giáo dục toàn diện của Gia đình.

      Một điều khác cần được đặc biệt lưu ý là sự góp sức của CỰU ĐOÀN VIÊN; trong toàn bộ chương trình.  Tạo thành một tập tục như tập tục của ngày giỗ ngày kỵ trong gia đình vậy.  Cái ngày ấy, anh, em, con, cháu, dù ở xa xôi cũng lục tục kéo về.  Phải dành một chỗ đặc biệt cho họ: một chỗ dựng lều, một góc triển lãm, một vài mục trong chương trình vui nhộn v.v…  Trong buổi họp – thường là một hội đồng Gia đình – để thảo luận kế hoạch cho lễ chu niên, Bác Gia trưởng đừng quên đặt giấy mời vài cựu Huynh trưởng đến góp ý và những cựu Huynh trưởng sẽ đứng ra liên lạc với những cựu đoàn viên khác thay thế Bác.  Có cảnh đẹp đẽ nào bằng cảnh con cháu sum vầy đông đúc, thuận hòa vui vẻ, trong ấm ngoài êm của ngày giỗ Gia đình?

XI. Giao thiệp

      Bác Gia trưởng thường phải giao thiệp với ngành dọc: trên thì có Ban Hướng dẫn, dưới thì có các Huynh trưởng trong Gia đình.  Với ngành ngang thì có ban Đại diện Giáo hội địa phương, các đoàn thể Phật tử khác, các Gia đình bạn; với bên ngoài thì có phụ huynh đoàn sinh, có chính quyền địa phương hay các cơ quan đoàn thể khác.

1. Với Huynh trưởng trong GĐ, Bác xử sự như người anh cả, một thứ quyền huynh thế phụ chăm nom em út.  Người Việt ta vốn nặng tình cảm.  Sự giao tiếp với Huynh trưởng không những chỉ đóng khung trong lý trí của công việc chung mà còn trong tình thương.  Thường thăm viếng gia đình riêng của Huynh trưởng.  Thăm hỏi vợ con của Huynh trưởng và giúp đỡ nếu Huynh trưởng ấy thiếu thốn.  Bác Gia trưởng đối với Gia đình của các Huynh trưởng không phải là người xa lạ nên bỏ những khách sáo thường tình lúc thăm viếng nhau.  Chia sẻ những buồn vui với Huynh trưởng.  Một gói trà, ít vật thực trong ngày cúng kỵ song thân của Huynh trưởng, tuy chẳng là bao nhưng cũng tạo nên một sợi dây tinh thần bền chắc liên kết ban Huynh trưởng với nhau.  Tôi đã dự nhiều ngày giỗ tại nhà các Bác Gia trưởng mà cả ban Huynh trưởng đến lo lắng như chính việc nhà của mình vậy.  Thật là đậm đà.  Những tình cảm có vẻ riêng tư ấy có ảnh hưởng rất lớn đến công việc chung của Gia đình, có thể giải quyết được một cách dễ dàng những mâu thuẩn hay bất đồng ý trong lúc hoạt động.

2. Với Ban Hướng dẫn, thì người gần nhất là anh Đại diện Quận.  Anh là người thay mặt cho Ban Hướng dẫn Tỉnh hay Thị xã để đôn đốc, kiểm soát và báo cáo tình hình hoạt động trong Quận lên Ban Hướng dẫn Tỉnh hay Thị xã mỗi tam cá nguyệt.  Để giúp đại diện Quận hoàn thành trách nhiệm của mình, cần tường trình những sinh hoạt của Gia đình cho anh biết, mời anh tham dự những phiên họp của ban Huynh trưởng, hỏi ý kiến anh trong những lúc gặp khó khăn và tham gia tích cực những công tác mà anh đã vạch ra.  Những sinh hoạt có tính cách quần chúng có thể ảnh hưởng đến uy danh chung, nên xin phép trước Ban Hướng dẫn và chỉ được thực hiện sau khi được sự đồng ý.  Những lễ lược của Gia đình cũng phải thông báo trước chương trình.  Những buổi trình diễn văn nghệ sân khấu phải trình trước nội dung và Ban Hướng dẫn hoặc anh Đại diện Quận sẽ xét lại phần trình diễn trong một phiên tổng duyệt.

      Tất cả những ước định này có mục đích bảo vệ sự thuần nhất của hoạt động Gia đình Phật tử và gìn giữ uy tín chung.

3. Với ban Đại diện Giáo hội địa phương, nặng về tính chất tôn giáo và hành chánh.  Gia đình cần góp sức vào những công tác lớn của Giáo hội: xây chùa, trang hoàng chùa, trong các ngày lễ lớn.  Giúp ban Đại diện tổ chức những thời thuyết pháp.  Ở thôn quê, Ban Huynh trưởng được xem như là những thành phần tiến bộ của làng xóm, nhất là về phương diện tổ chức và hoạt động.  Trong những phiên tịnh độ vào những ngày 30, mồng một, 14, rằm, các Huynh trưởng thay phiên nhau đọc sách, báo Phật giáo, những tài liệu học tập của Giáo hội, vừa để nâng cao trình độ hiểu biết vừa để kết thiện duyên với hội hữu.  Một khi chinh phục được cảm tình, hoạt động của Gia đình sẽ tiến triển mạnh về uy tín, về số lượng đoàn sinh và cả về tài chánh nữa.  Điều cần phải gây vào óc các em là chùa chiền mà các hội hữu xây dựng ra không phải chỉ để dành cho các Bác mà để cho các em, cho lớp hậu thế nên bổn phận các em là phải gìn giữ và tô bồi…

   Tạo một niềm thông cảm giữa ban Đại diện và ban Huynh trưởng Gia đình, giữa hội hữu và đoàn sinh.  Từ một địa phương nhỏ bé cho đến cả tổ chức rộng lớn, sức mạnh của tổ chức chính là ở nơi sự đồng tâm nhất trí, ở nơi sự tôn trọng kỷ luật chung.  Khi đã có sức mạnh rồi, ai mà có thể lấn lướt được chúng ta?

4. Với các đoàn thể Phật giáo khác, chúng ta đứng trong cương vị chung giọt máu đào.  Lẽ dĩ nhiên, giọt máu đào hơn ao nước lã.  Một điều may là Gia đình Phật tử chúng ta là một đoàn thể Phật tử được ra đời trước các đoàn thể Phật tử khác và đã có một thành tích hoạt động khá sáng sủa nên để tránh mọi sự xích mích có thể xảy ra do tâm lý tự tôn của Huynh trưởng hoặc do ác ý của kẻ khác, chúng ta nên luôn luôn tỏ ra khiêm nhượng và gắng giúp đỡ cho các đoàn thể khác khi họ cần đến, nhất là về sinh hoạt thanh niên.  Đừng để cho một sự ganh tị nào có thể xen lấn vào sinh hoạt chung.  Có thể có tinh thần ganh đua để tiến bộ.  Nhưng một khi sự ganh đua đưa đến sự ganh ghét thì cần phải cải thiện ngay.

5. Với các Gia đình bạn cũng thế.  Gia đình bạn cùng chung một huyết thống, một truyền thống thì hở môi ắt răng lạnh, máu chảy thì ruột mềm.  Thành thật giúp đỡ nhau kinh nghiệm, tương trợ lẫn nhau khi hoạn nạn, khi gặp rủi ro và sách tấn nhau để cùng nhau đạt đến đích.  Những gia đình cùng trong một khu vực thường hay giúp nhau về Huynh trưởng, trao đổi nhau những tài liệu học tập, thay đổi nhau những địa điểm họp và thỉnh thoảng, họp chung hay trại chung để kiểm điểm lại trình độ tu học.  Trên con đường cùng tới đích ấy, những người bạn đồng hành lắm lúc giúp cho chúng ta được nhiều việc đáng quý.

6. Với phụ huynh đoàn sinh, nên có sự liên lạc chặt chẽ.  Có Gia đình đủ phương tiện đã làm những phiếu liên lạc hàng tháng ghi hoạt động của đoàn sinh tại Gia đình để phụ huynh biết.  Ở thành thị, phần này rất cần thiết.  Có Huynh trưởng đã chịu khó đến các trường tìm hiểu sự học vấn của các em để báo cho phụ huynh biết.  Phần nhiều, sự liên lạc với phụ huynh rất dễ dàng vì hầu hết đoàn sinh là con em của hội viên, tín đồ.  Trong năm có một ngày rất thuận tiện để phụ huynh đến với Gia đình Phật tử: đó là ngày Vu Lan.  Gia đình tổ chức một tuần lễ báo hiếu.  Trong tuần lễ ấy, các em phải làm mọi hành động báo hiếu.  Những hành động ấy được ghi lên giấy và được sự kiểm nhận của phụ huynh cuối mỗi ngày.  Kết thúc tuần lễ báo hiếu (ngày rằm), phụ huynh được mời đến dự một lễ cầu siêu cho tứ thân phụ mẫu, đồng thời phát thưởng cho những em nào xuất sắc trong công tác báo hiếu.  Nếu biết tổ chức, nếu biết tác động, buổi lễ sẽ gieo nhiều ảnh hưởng tốt.

      Trước mặt phụ huynh, với lời lẽ chân thành và ngây thơ, một em Oanh vũ bộc bạch hết những lỗi lầm của mình đối với cha mẹ và phát nguyện sẽ thay đổi tính tình v.v…  Sự tương quan giữa phụ huynh và ban Huynh trưởng sẽ trở nên thân thiết, do đó các em cảm thấy gắn liền với Gia đình Phật tử hơn.

      Thường thường, đến ngày Tết, các Gia đình gửi thiếp chúc Tết đến phụ huynh.  Nếu cọng thêm một cuộc thăm viếng của ban Huynh trưởng nữa thì chắc chắn sẽ gây được cảm tình hơn.  Một khi đã lấy hoạt động của Gia đình Phật tử làm hoạt động chính cho đời mình thì sự hy sinh một vài vui chơi cá nhân quả thật là cần thiết.

7. Với chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể khác, Bác Gia trưởng chỉ liên lạc những gì có liên quan đến Gia đình Phật tử và không đi ra ngoài phạm vi của Nội quy.  Mọi vấn đề khác, thuộc về ban Đại diện.  Chính quyền có thể mời Gia đình Phật tử tham gia vào các sinh hoạt thanh niên như cắm trại hoặc các hoạt động xã hội như cứu trợ, quyên góp v.v…  Các Gia đình không thể tự động tham gia mà phải hỏi theo ý kiến Ban Hướng dẫn Tỉnh hay Thị xã.

Phần thứ tư

      CON ĐƯỜNG CỦA CHÚNG TA

      Tôi viết tập này giữa cố đô Huế điêu tàn và nát bấy, nơi mà chiếc áo lam đầu tiên phất phới với bao nhiêu tiếng vọng hiền hòa của nó, hiện đang sống những giờ phút lo âu, phập phồng.  Không những Huế mà nơi nơi trên mãnh đất nhỏ nhoi này đều loang lổ bom đạn chiến tranh, đều nổi bật hình ảnh chết chóc và thê lương.

      Tôi hết sức ngại ngùng.  Tôi băn khoăn tự hỏi: Chúng ta – Gia đình Phật tử – làm được những gì trong cái chết chóc đau thương ấy?  Gia đình Phật tử chúng ta sẽ đóng góp được những gì cho quê hương xứ sở, cho dân tộc, cho cả chính chúng ta trước hoàn cảnh đặc biệt của đất nước mình hiện tại, nếu trong mỗi buổi họp chỉ bày cho các em năm ba cái gút, một vài cách băng bó, lặp lại những bài Phật pháp khô khan?

      Những năm gần đây, trong những cuộc vận động của Phật giáo đòi hỏi bình đẳng tôn giáo, công bình xã hội, chủ quyền quốc gia, Gia đình Phật tử chúng ta đã góp phần xương máu, lao tù đày ải không phải là ít.

      Những Đặng văn Công, Quách thị Trang, Phan duy Trinh; một Yến Phi; những Nguyễn đại Thức, Nguyễn thị Vân, Đào thị Tuyết không còn với chúng ta nữa, nhưng những cái chết anh dũng ấy vẫn là những động lực nung nấu tâm can chúng ta, thúc dục chúng ta những lúc mà chúng ta dùn bước chồn chân.  Ánh mắt của những người bạn ấy như luôn luôn chiếu rọi vào chúng ta, làm ớn lạnh chúng ta mỗi lần có những tư tưởng lệch lạc…

      Những đóng góp ấy quả thật là những đóng góp vĩ đại cho Đạo pháp và dân tộc, nhuận thêm sắc, gây thêm hương vào sức sống của Gia đình Phật tử chúng ta.

      Thêm vào đó, Đại hội Huynh trưởng Gia đình Phật tử toàn quốc năm 1967 vừa qua đã đặt những nguyên tắc học tập cho Gia đình Phật tử như sau:

  • Gây ý thức gắn liền Đạo pháp và Dân tộc: Đào tạo con người Phật giáo và con người Việt nam – Dung hòa Đạo pháp và Dân tộc.
  • Giữ truyền thống Dân tộc: khai phóng, sáng tạo nhưng không hướng ngoại, mất gốc.

      Thưa Bác Gia trưởng,

      Hoạt động Gia đình Phật tử không tách rời ra khỏi tình tự dân tộc.  Những đau thương của dân tộc chính là những thương đau của bản thân chúng ta.  Không phải chúng ta chỉ nghĩ đến đào tạo các em trở thành những Phật tử chân chính mà còn đào tạo các em thành những con người Việt Nam, những con dân đất Việt đúng với truyền thống dân tộc: tự lập, tự cường, không vọng ngoại và biết giữ lấy lề dù cho giấy có rách.  Cái ý chí ấy đã bao lần cứu được quê hương khỏi những cuộc xâm lăng tàn bạo nhất của Thế giới.  Cái ý chí và cái truyền thống đó đã được thấm nhuần trong tinh thần đại hùng đại lực của Phật giáo mà lịch sử đã chứng minh.

      Thưa Bác, nếu không nuôi dưỡng và phát huy cái ý chí ấy thì hoạt động của Gia đình Phật tử chúng ta cũng sẽ chỉ là múa máy quay cuồng có tính cách giải trí vô bổ mà thôi.

      Con đường của chúng ta đã được vạch ra.  Con đường tuy đầy chông gai nhưng sáng chói…

Bài khác nên xem

Quyết định số : 12.046/HDTƯ/TB ngày 27.05.2012

datthinh

Thông Tư 11.084/HDTƯ/TB – Xếp Cấp Huynh Trưởng

datthinh

Thông Tư về trang nhà GĐPT Việt Nam.org

phuocthanh