Sơ lược về Thiền ( Làm quen với giáo dục Thiền )

 

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

I. GIỚI THIỆU :

Thiền là gì ? Cửa Thiền là cửa chùa, thiền gia là nhà chùa… Như vậy là đã hiểu chữ thiền một cách đơn giản. Có thể nói : Sống đạo là sống Thiền, làm quen với cuộc sống của nhà chùa là thực tập sống Thiền, là làm quen với giáo dục Thiền vậy.

Hằng tuần ta dành 10 hay 15 phút ngồi tĩnh tâm ( Thiền tọa hay ngồi thiền ) đó là ta đã thực tập thiền, đã bước đầu chập chững đi vào giáo dục Thiền của GĐPT.

Ngồi Thiền là một trong những tư thế đẹp nhất của con người nói chung và của người Phật tử nói riêng. Ngày xưa thái tử Tất Đạt Đa đã đạt đến nhơn phẩm cao nhất của con người trong tư thế ngồi đó dưới cội Bồ Đề.

II. GHI NHỚ :

Tới giờ ngồi Thiền ta ngồi Kiết già hay Bán già, mắt lim dim nhìn tới phía trước trong khoảng một mét, lưng thẳng, hai vai ngang nhau, bàn tay phải đặt thoải mái lên bàn tay trái ( hay ngược lại ) và buông thả tất cả các bắp thịt trong toàn thân, giữ cho sống lưng luôn thẳng, duy trì chánh niệm. Theo dõi hơi thở ra vào, đọc nhẩm bài kệ :

Trong tư thế thiền tọa

Đoá hoa nhân phẩm nở

Hoa Ưu Đàm muôn thuở

Vẫn toả ngát hương thơm.

Đó là bài kệ điều thân, xong chuyển sang điều chỉnh hơi thở, thở ra cho hết không khí cũ trong phổi, rồi hít vào cho đầy buồng phổi bằng không khí tươi mát mới mẻ…. Để hết tâm ý vào hơi thở vào ra… làm thế nào để hơi thở luôn luôn được nhẹ nhàng khoan thai và liên tục như một dòng nước nhỏ chảy trong cát mịn. Hơi thở càng nhẹ nhàng bao nhiêu thì thân và tâm dễ dàng thanh tịnh bấy nhiêu.

Trong khi thở vào, ta biết ta đang thở vào, ta thấy : Hơi thở đang đi vào trong từng tế bào cơ thể và đem tới sự an lạc cho từng tế bào ấy, vì dưỡng khí ôxy lọc máu và thực sự đi theo máu về tận các tế bào của cơ thể. Trong khi điều chỉnh hơi thở, theo dõi hơi thở…có thể đọc thầm bài kệ sau :

Thở vào tâm tĩnh lặng

Thở ra miệng mỉm cười

An trú trong hiện tại

Giờ phút đẹp tuyệt vời.

Vừa theo dõi hơi thở, vừa thực tập bài kệ trên. Ví dụ dành 5 hay 10 phút để thực tập 2 câu đầu của bài kệ, rồi cũng dùng 5 hay 10 phút cho 2 câu sau của bài kệ. Tất nhiên trước khi ngồi thiền là đã thuộc nằm lòng các bài kệ trên.

Phương Pháp này cho ta sự thanh tịnh và an lạc ngay trong giờ phút đang ngồi thiền. Vì  yếu chỉ của Thiền là “ Chỉ ” và “ Quán ”. Chỉ là dừng, là chấm dứt. Chấm dứt là chấm dứt tình trạng tạp loạn của thân ý, trở về tình trạng chuyên nhất và tập trung đó chính là “ Định ”.

Quán là nhìn rõ thấy kỹ. Quán hơi thở vào ra, quán sự vô thường của cuộc sống, quán sự mong manh của một hơi thở : hơi thở mà không có ra hay ra mà không có vào, thế là hết, mạng sống chấm dứt, đó là vô thường của cuộc sống này, Vô thường không chờ ai, không sợ ai, không trừ cho một ai cả…

Do đó mà ta quý từng giây, từng phút của cuộc sống này, phải thấy rằng hơi thở ngắn ngủi, cuộc sống có thể mất đi bất cứ lúc nào, nên phải tinh tấn làm tất cả các thiện Pháp, xa các ác Pháp, để khi trút hơi thở cuối cùng không còn gì phải hối tiếc, vì đã lãng phí thời gian có mặt trên đời này.

Ngoài việc tọa thiền, Phật còn dạy : “ Thiền hành ”. Đó là thực hành thiền trong khi đi bách bộ, đi dạo ở một con đường vắng bên dòng sông hay trong vườn chùa… vừa đi vừa theo dõi hơi thở vào ra và duy trì chánh niệm. Khi đã quen với giáo dục thiền, có thể thực hành Thiền hành giữa hai buổi thiền toạ.

III. TU TẬP :

Bước đầu làm quen với giáo dục Thiền, em thấy thật sự an lạc trong giờ ngồi thiền sau buổi lễ Phật hàng tuần, và niềm an lạc ấy theo em về đến nhà, ra phố, đến trường, trong những giờ kế tiếp. Vì vậy em quyết tâm thực hành.

1.- Mỗi sáng sau khi thức dậy, em ngồi tĩnh tâm trên giường từ 5 đến 10 phút. Mỗi tỗi trước khi đi ngủ, em cũng ngồi tĩnh tâm 5 – 10 phút như vậy và có thể tăng dần thời gian lên.

2.- Những lúc có dịp đi dạo một mình, hay có dịp ngắm trăng, nhìn một dòng sông, ngắm cảnh bình minh hay hoàng hôn … Nói chung, là khi có dịp em cũng thực hành Thiền, hoặc đi, hoặc ngồi tuỳ theo hoàn cảnh và ý thích của em trong lúc đó.

Em theo dõi hơi thở, duy trì chánh niệm, như vậy em sẽ có một ngày an lạc, một giấc ngủ ngon lành, không mộng mị, một buổi du ngoạn đầy ý nghĩa, dù một mình vẫn không thấy mình bị quấy nhiễu … Từ đó em có một cuộc sống hạnh phúc an lạc không bệnh hoạn ốm đau, em khoẻ mạnh cả thân lẫn tâm vậy.

Bài khác nên xem

Viết thư – Gửi thư

datthinh

Chuyện đạo : Thầy Tỳ kheo và con ngỗng

datthinh

“Tuần lễ Huân Tu lần thứ II ” – Chương trình truyền phát trực tiếp đêm thứ tư (11/7 Canh Tý)

Huệ Quang GĐPTVN