Các anh chị Huynh trưởng thân thương,
Các anh chị đọc trong tài liệu nói về người Huynh trưởng GĐPT thấy có đoạn so sánh: “Ngoài đời, nhiệm vụ thường gắn liền với quyền lợi. Ở GĐPT, nhiệm vụ thì có mà quyền lợi thì không.” Có thật là vậy không? Nếu xét ở góc độ vật chất hoặc tính pháp lý của nội dung trên thì quả không sai. Đó cũng chính là cơ sở để tổ chức chúng ta tồn tại hơn 70 năm qua trên tinh thần tự giác, tự nguyện của những người tham gia. Có quyền lợi, các tranh chấp dễ phát sinh. Chỉ có trách nhiệm và lý tưởng, những dị biệt, bất đồng dễ được giải tỏa để anh chị em lại gắn bó, yêu thương nhau hơn qua những va chạm khó thể tránh được khi chúng ta chưa là thánh, khi ta vẫn còn là con người. “Nhân vô thập toàn”, mỗi chúng ta nên tự nhắc mình điều này để không thấy phiền não, khó chịu vì những thiếu sót của người gây ra cho ta. Nhưng nếu xét trên đời sống thực tế, chẳng phải là mỗi khi cho là người cho đã nhận lại được gấp bội và luôn là những món quà vô giá. Cứ nghiệm lại thử xem! Từ “hy sinh ” nếu có người thương yêu dành cho chúng ta, chỉ nghe đã thấy ngại huống chi là ta tự nói về mình. Có phải khi dạy các em hoặc định hướng hoàn thiện bản thân, chúng ta đều đồng tình với lời nhắc nhở:
“Đi đâu mà vội mà vàng,
Mà vấp phải đá, mà quàng phải dây.”
Hãy tập lật, tập bò trước khi tập đi, tập chạy… Trước hết, hãy sống tốt với mình nhưng nhớ đừng bao giờ làm hại người khác. Được như vậy rồi hãy tiến đến bước thứ hai là làm những việc lợi mình lợi người. Tiến bộ hơn ta sẽ làm những việc lợi người tuy không thấy lợi cho mình (là ta không thấy thôi chứ thật ra không hẳn là thế đâu). Chỉ đến đó, ta mới có thể sẵn sàng quên mình vì người, sống theo hạnh nguyện Bồ tát, chỉ nghĩ đến lợi người mà không màng đến bản thân. “Không làm các việc ác, nguyện làm các việc lành, giữ thân – ý trong sạch”. Bài tu học Phật đơn giản nhất mà Ô Sào thiền sư đã dạy cho nhà thơ Bạch Cư Dị, đứa trẻ lên ba cũng biết nhưng người ở tuổi bảy mươi chưa hẳn đã làm được. Chúng ta suy nghĩ gì về điều này?
Từ lâu, Huynh trưởng GĐPT chúng ta thường được các thầy động viên khi bảo GĐPT là một pháp môn tu, con đường sinh hoạt GĐPT của Huynh trưởng là con đường thực hành Bồ tát hạnh. Dự lễ truyền đăng sau mỗi trại huấn luyện Huynh trưởng là chúng ta đã phát tâm, lập nguyện. Mỗi Trại huấn luyện lại cho Huynh trưởng ta những dấu ấn khác nhau về trách nhiệm trong nghề trưởng. Và để làm tốt trách nhiệm giáo dục của Huynh trưởng, một công việc mà chúng ta phải nhớ, phải làm cho bằng được là sự tu tập tự thân để bảo đảm tinh thần thân giáo. Huynh trưởng không chỉ nói giỏi mà phải hành trì thường xuyên để hướng dẫn chính xác cho các em mình. Nói với các anh chị điều này cũng là tự nhắc nhở mình bởi nếu không thường xuyên soi rọi, ta dễ “ngủ quên trong chiến thắng”. Mỗi ngày không dành thời gian cho hai lần công phu hoặc ngồi thiền được thì một lần, không có đến 60 phút thì 45 phút hoặc 30 phút, 15 phút …Nhất định là không thể hẹn nợ, quỵt nợ bởi việc này chẳng ai đòi nhưng ta quên là thiệt thòi cho ta thôi! Đúng không các anh chị?
Ngày trước, khi Ni sư Trí Hải chưa rời thân ngũ uẩn, mỗi lần có dịp tổ chức Tu Bát Quan Trai, ngành Nữ thường mời Ni sư đến giảng pháp và hướng dẫn tu trì. Bước theo từng bước chân an lạc của Ni sư, mỗi giới tử đều cảm nhận được sự an lạc trong tự thân. Nghe một Huynh trưởng đàn em kể nhiều về một vị thầy tu tập theo phái thiền Trúc Lâm(vốn xuất thân từ một Liên Đoàn trưởng trong tổ chức GĐPT) với sự ngưỡng mộ, tôi tự nhủ mình phải sắp xếp công việc để khi khi có cơ hội được dự khoá tu tập, tham dự chuyến hành hương về đất Phật gần nhất do thầy tổ chức, mình sẽ không bỏ lỡ duyên may.
Chuyện trại mạc, chuyện sinh hoạt trong GĐPT, chúng ta đều có chung một cảm nhận về dấu ấn in sâu trong lòng mỗi thành viên áo lam. Hầu như ai đã từng mặc áo lam đều có thể nhắc về kỉ niệm lam với niềm tự hào.Nhưng cụ thể trong từng lần tổ chức, đâu phải lúc nào sự việc cũng diễn ra như ý. Nếu với đức tin kiên định, với nguyện lực vững chắc, chúng ta sẽ nhanh chóng rút ra bài học tự thân, vượt qua các trở lực để cùng chung tay lo vun bồi cho tổ chức phát triển. Còn nếu cái tôi cá nhân vượt thắng, sẽ có “một ngàn lẽ một lý do” được dùng để biện minh cho sự rút lui, bỏ cuộc hay quay lưng với tổ chức.
Mới đó mà đã mười năm chúng ta bước vào thiên niên kỉ thứ ba. Chỉ mười năm đầu của thế kỉ XXI mà ta đã tiếp nhận được thêm biết bao nhiêu thành tựu của khoa học kỹ thuật và cũng chứng kiến không ít những đau thương, hiểm hoạ do thiên tai hoặc do con người gây ra. “Tu mau kẽo trễ”! Không thể coi thường lời nhắc nhở này! Trong từng suy nghĩ, từng lời nói, từng việc làm hãy thận trọng, hãy cân nhắc. Sống thiểu dục, tri túc, thân cận thiện tri thức, tinh cần hành trì giới luật. Đó là cơ sở để Huynh trưởng chúng ta thực hiện được trách nhiệm đã tự nguyện tiếp bước các anh chị trưởng đi trước. Chúng ta cùng tinh tấn các anh chị nghe!
Phước Châu