Nhạc Phẩm Thanh Khiết Hương Nhớ Về Chị Tâm Chánh

Tôi được tiếp cận chị Tâm Chánh Hoàng Thị Kim Cúc thật sự vào năm 1974 lúc chị thân lâm Trại huấn luyện Anoma – Ni Liên trên chùa Pháp Vân – Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội do anh Từ, chị Thoa (Ni sư Đồng Kính) hướng dẫn đến. Chị nghiêm trang, đạo mạo với lọn tóc vấn cao trên trán, cổ kính đến “Lạnh lùng”. Lúc đó trong vòng tròn trại sinh Nguyễn Tánh hỏi nhỏ anh Từ: “Cái bà già già đó là chị Cúc hả anh?”. Nói nhỏ vậy mà chị nghe được bèn lên tiếng: “ Phải! Cái mụ già này là chị Cúc đây” cả vòng tròn cười ồ lên như một câu hỏi nhân duyên và đã được trả lời.1 Hat cho chi Cuc nghe

Giai thoại về chị Cúc kể ra làm cho bọn chúng tôi giật mình. Chị rất kiêng kỵ vấn đề nam nữ sinh hoạt chung và kiên quyết với ý định ngành nữ GĐPT sinh hoạt độc lập. Ở Huế, đang đêm các trại sinh nam chèo đò qua trại nữ để tiếp tế đường nấu chè đã bị chị đề nghị treo áo, nghỉ sinh hoạt…

Lúc chị đến thăm, là ngành Nữ Sài Gòn đang tổ chức ngày Hạnh để cung đón chị. Khi trang hoàng thiết kế  phòng triển lãm các chị nữ đã “Trưng dụng” cả trại nam chúng tôi phụ giúp trèo cao, đóng đinh, bưng bê bàn ghế. Đến lúc chị Cúc sắp đến thì lại đuổi hết bọn nam về trại mà không kịp cảm ơn – Trại Anoma và Ni Liên cũng phải tách riêng ra kẻo bị chị khiển trách.

Liên trại Vạn Hạnh – Huyền Trang – A Dục – Lộc Uyển là một công trình lớn thành tựu trong giai đoạn GĐPT bị ngăn cấm, răn đe hủy diệt. Trong giai đoạn này một “Hội đồng huynh trưởng cao niên” gồm những huynh trưởng kiên trinh, can cường không run sợ trước mọi áp lực đã nhen nhóm được ngọn lửa hùng lực này. Gia Đình Phật Tử mà chậm trễ, ngưng trệ trong việc đào tạo huấn luyện thì tương lai chỉ là sông cạn, suối khô mà thôi.

Chúng tôi được đào tạo trong giai đoạn này khi danh xưng Gia Đình Phật Tử tưởng chừng như đã không còn tồn tại nhưng niềm tin trong tôi chưa hề bị lung lay.

Năm 1987 chị về thăm GĐPT Chánh Thọ, đơn vị duy nhất còn sinh hoạt tại 11 quận Sài Gòn. Thầy trụ trì lúc đó cũng e dè nên đề nghị tiếp chị phía sau bàn thờ tổ. Ngày giờ này tuy không còn dàn chào, không có cờ hoa nhưng còn đó những nụ cười hòa lệ mặn và những trái tim lam sắc son chung thủy.

Lúc đó tôi có làm bài thơ tặng chị, và do mẹ của huynh trưởng Trường Giang ngâm đọc, bài thơ đó viết trong quyển Album ảnh tặng chị đem về Huế đô nên không còn nhớ nữa, nhưng lúc làm thơ tôi có biết chị từng là “Nàng thơ” của thi bá Hàn Mặc Tử nên cũng ngại rằng thơ không được ưng tai.

Tôi đã đàn hát cho chị nghe bài Theo bước chân anh tưởng niệm  anh Lương Hoàng Chuẩn – Giọng tôi hát không hay nhưng tôi hát bằng cả trái tim ứa lệ có thể là rung động được lòng chị nên lúc ra về tôi được bắt tay, nắm bàn tay mềm mại của chị bằng hai tay tôi nghe chị nói: “ Rứa bài hát của chị mô?” Tôi nghe không ra chị hỏi gì cũng dạ dạ cho qua. Không ngờ lời dạ, dạ ấy trở thành lời hứa làm bài ca khóc thương ngày chị ra đi năm 1989.

Nghe tin chị ly trần tại Huế ngày cận Tết, lúc đó đời sống tôi rất cơ cực nhưng chiều ra ngồi bờ sông gieo vần làm thơ viết nhạc. Nói đến thơ thì lại nghĩ đến Hàn Mặc Tử, người đã sùng bái vẻ đẹp của vầng trăng. Năm 13 tuổi tôi đã thuộc nguyên bài thơ Ave Maria của thi sĩ và cảm thấu được sự đau đớn của Người trong những đêm trăng – Nhưng Trăng của tôi phải thoát ly ra khỏi sự đau đớn đó mà an lạc tự tại soi sáng trên bầu trời:

Hải triều nghìn trượng dậy pháp âm

Hồ mộng thênh thang ánh nguyệt rằm

Có muôn nụ Cát tường hoa nở

Đưa tiễn chị về nơi tĩnh tâm.

Tên của chị cũng là một điều kỳ diệu – Kim Cúc, một đóa hoa rất nhỏ, khiêm tốn nhẹ nhàng thế mà chí nguyện Bồ tát độ sinh của chị lại rạng rỡ cả một khung trời Lam sử:

Danh hoa rạng

Chí hoa truyền

Đêm nước loạn

Tự tại pháp thuyền

Đại thể áo lam giờ nguyện mật

Trăng ngày huyền mặc hiện Hoa Nghiêm.

Thanh Khiet huong1z

Đức Quảng

Nghe nhạc: http://nhacgdpt.com/bai-hat/Thanh-Khiet-Huong/EZEF8AW.html

Bài khác nên xem

Trại hè cuối năm

nhuanphap

Tuệ Sỹ – DẪN VÀO THẾ GIỚI VĂN HỌC PHẬT GIÁO

phuocthanh

Nhạc: Pháp Âm Bồ Tát _ Nguyễn Hải Hà Lan Phương

ducquang