Ngài Vạn Hạnh

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

A. THÂN THẾ VÀ NHỮNG GIAI THOẠI VÂY QUANH NGÀI :

1.  Thân thế :

Thiền sư Vạn Hạnh là vị cao tăng đời thứ 12 thiền phái Tì-Ni-Đa-Lưu-Chi. Thiền sư họ Nguyễn, người làng Cổ Pháp, huyện Đông Ngạn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Từ thuở nhỏ đã thông minh khác thường, tinh thông cả Nho, Lão, Phật, nghiên cứu hàng trăm bộ kinh luận Phật giáo, không ham danh lợi, không trọng giàu sang. Năm 21 tuổi xuất gia, học với thiền sư Thiền Ông chùa Lục Tổ, chuyên cần tinh tấn, đạo hạnh cao dày, lại rất giỏi về sấm vĩ và phong thủy, được thiên hạ tin tưởng là bậc tiên tri. Thiền sư là thầy dạy học cho cả vua Lê Đại Hành và Lý Thái Tổ không những dạy về văn chương chữ nghĩa mà còn dạy cả đạo lý Phật đà, đã giúp đỡ rất nhiều cho vua Lê Đại Hành trong các việc cai trị cũng như quân quốc đại sự. Khi nhận biết đế nghiệp nhà Tiền Lê đã đến hồi mạt vận, thiền sư đã khéo léo vận động đưa Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế, chấm dứt thời kì tối tăm đầy đau khổ của dân tộc dưới triều vua Lê Long Đĩnh tàn ác, dâm loạn, đồng thời ngăn chận được những biến loạn nguy hiểm sau khi vua Lê Long Đĩnh băng hà. Vua Lý Thái Tổ lên ngôi, mở ra triều đại nhà Lý, phong cho thiền sư làm quốc sư. Nhân cơ hội này, thiền sư đã đem hết khả năng và tinh thần “ dung hợp Nho – Lão – Phật ” của mình để giúp vua trị quốc an dân, đúng với tư cách của một vị lãnh đạo không những về tâm linh, mà còn về hành động giúp dân an cư lạc nghiệp. Thiền sư tịch vào ngày rằm tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 16 ( 1025 ).

Trước khi tịch nói bài kệ :

“ Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn môc xuân vinh thu hựu khô,

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy

Thinh suy như lộ thảo đầu phô ”

Dịch :

“ Thân như bóng chớp chiều tà,

Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời

Sá chi suy thạnh việc đời,

Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành ”

Với công lao đóng góp to lớn của Ngài vì sự hưng thịnh và độc lập của quốc gia, Ngài được vua Lý Nhân Tôn tán dương qua bài truy tán :

“ Vạn Hạnh dung tam tế

Chơn phù cổ sấm thi

Hương quan danh Cổ pháp

Trụ tích trấn vương ky ”

Dịch :

Thuyền sư học rộng bao la

Giử mình hợp pháp sấm ra ngoài lời

Quê hương Cổ pháp danh ngời

Gậy Phật đứng vững muôn đời đế đô

2.  Những giai thoại vây quanh cuộc đời Thiền sư :

Ngoài bài thơ tán dương của vua Lý Nhân Tôn sau khi Ngài tịch được lưu truyền hậu thế để nói lên công đức của Ngài đối với Dân tộc và Đạo pháp, còn có những giai thọai sau :

–   Truyện Cây gạo ở Hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp bị sét đánh lộ bài thơ ( Đại Việt Sử ký toàn thư ) :

Thọ căn diễu diễu

Mộc biểu thanh thanh

Hoa đào mộc lạc

Thập bát tử thành

Đông A nhập địa

Dị mộc tái sinh

Chấn cung kiến nhật

Đoài cung ấn tinh

Lục thất niên gian

Thiên hạ thái bình

Dịch :

Gốc cây thăm thẳm

Ngọn cây xanh xanh

Cây Hòa đao rụng

Mười tám hạt thành

Cành đông xuống đất

Cây khác lại sinh

Đông mặt trời mọc

Tây sao náu mình

Khoảng sáu bảy năm

Thiên hạ thái bình.

–   Truyện Lê Long Đỉnh ăn trái khế thấy hột mận ( Chữ Lý nghĩa là cây Mận ).

–   Tuổi thơ Lý Công Uẩn làm con nuôi Lý Công Uẩn hồi còn 3 tuổi theo học chùa Lục Tổ ( Cổ Pháp ).

–   Truyện Chó Trắng : Trước khi Lý Công Uẩn sinh ra ở Viên cảm, truyền chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp có con chó đẻ con lông trắng, có đốm đen thành 2 chữ “ Thiên Tử ”, kẻ thức giả nói năm Tuất sẽ sinh người làm Thiên tử ( điều này ứng với Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất ).

–   Giai thoại viễn du thiên lý.

–   Vạn Hạnh nói với Lý Công Uẩn : “ Mới rồi tôi trông thấy lời phú sấm kỳ lạ, biết rằng họ Lý cường tịnh, tất dấy lên cơ nghiệp, nay xem trong thiên hạ người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ là người khoan thứ nhân từ được lòng dân, lại nắm binh quyền, đứng đầu muôn dân chẳng phải là Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa, tôi đã hơn 70 tuổi rồi, mong được thư thái hãy chết, để xem đức hóa công như thế nào, thực là cái hay nghìn năm không có một ”.

–   Vạn Hạnh nói với tướng Đào Cam Mộc : “ Thân vệ là người khoan thứ nhân từ, lòng người chịu theo, hiện nay trăm họ, mỏi mệt kiệt quệ, dân không chịu nổi, thân vệ nên nhân đó lấy ân đức mà vỗ về, thì người ta tất xô nhau kéo về như nước chảy chỗ thấp có ai ngăn được”.

B. HÀNH TRẠNG CỦA THIỀN SƯ VẠN HẠNH :

1.  Công dạy Lý Công Uẩn :

Trong ý niệm muốn chuyển hóa một xã hội Việt Nam bạo trị sang một chế độ xã hội Việt Nam đức trị, biến một quốc gia Việt Nam đang suy vi thành một quốc gia Việt Nam phú cường, hưng thịnh. Thiền sư Vạn Hạnh đã ra tay hành động, không phải vì Phật giáo ( vì qua ba chế độ độc lập Ngô, Đinh, Lê thì Phật giáo đã là quốc giáo ), Và trong âm thầm, kiên trì chuẩn bị cho cuộc vận động cách mạng 1009, thiền sư đã chuẩn bị rất nhiều tâm huyết trong hàng chục năm để trang bị cho Lý Công Uẩn một nền giáo dục toàn bích, kết hợp dân tộc tính, Phật giáo tính, thời đại tính, đồng thời lại có bách khoa tính, thực dụng tính và lãnh đạo tính, biến cậu bé khôi ngô tuấn tú, thông minh khác thường thành một người tài đức vẹn toàn, một công dân gương mẫu, một vị tướng trung dũng, đồng thời thấm nhuần chánh pháp để có thể trở thành một vị quân vương bồ tát, trị quốc an dân theo chánh pháp.

2.  Xây dựng triều đại nhà Lý :

Cũng như triều đại nhà Đinh ( 968-980 ) trước đó, triều đại Lê Đại Hành ( 980-1005 ) là một triều đại vẻ vang trong lịch sử dựng nước của nước ta, nhưng sự nghiệp ấy quá ngắn ngủi vì sự phá nát của vua Lê Long Đĩnh ( 1005-1009 ), cho nên bắt buộc phải có một sự đổi thay. Phú cường và an cư lạc nghiệp là những nhu cầu thiết yếu của quốc gia dân tộc, và đó đã là động cơ thúc đẩy đưa Lý Công Uẩn lên nắm chính quyền ( 1010 -1028 ) để phục hưng quốc gia, bảo vệ tinh thần đạo đức của dân tộc, là một sắp xếp chính trị rất khéo léo của thiền sư Vạn Hạnh. Chính triều đại này đã mang lại cho Việt Nam một kiến trúc văn hóa, chính trị, hành chánh, quân đội độc lập, thống nhất, vững chắc và hùng mạnh, một triều đại đã tái tạo một đất nước Việt Nam đã bị tàn phá, hủy diệt trong suốt hơn 10 thế kỷ nô lệ cho đế quốc Trung Hoa. Một triều đại Việt Nam duy nhất trong lịch sử dám đem quân lên phương Bắc để chinh phạt đế quốc Trung Hoa, một triều đại đầu tiên đưa dân tộc tiến về phương Nam, chuyển mình tung hoành trên bán đảo Hoa Ấn sau khi bi đế quốc phương Bắc kềm kẹp, giam hãm trên vùng châu thổ sông Hồng hơn 1000 năm. Và cũng là triều đại đầu tiên của lịch sử Việt Nam đã thực hiện rất nhiều công nghiệp lớn lao để bảo vệ và xây dựng quốc gia độc lập, hòa bình, thống nhất, nhân bản và hùng mạnh về mọi mặt .

C. NHẬN ĐỊNH :

–   Chúng ta có thể nói Vạn Hạnh đào tạo con người Lý Công Uẩn bằng tinh thần Phật giáo và đem tinh thần ấy hiện thực trong đời sống xã hội, bằng phương pháp Huân tập cho con người của Lý Công Uẩn thâm nhập tư tưởng của chính Ngài.

–   Ngài đã nhập thế gánh vác việc nước một cách tài tình, làm một công việc thay đổi vua chúa không đổ một giọt máu của nhân dân thể hiện ĐẠI BI một cách mãnh liệt song song với ĐẠI HÙNG, ĐẠI LỰC được toát ra bằng cuộc vận động âm ỉ trong lòng dân tộc, một vị vua vô đạo và một con người chân chính đáng trị vì thiên hạ.

–   Nhà lý thuyết gia và cũng là người thực hiện cuộc cách mạng 1009 : một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu của lịch sử dân tộc nói riêng và kể cả nhân loại nói chung, một cuộc cách mạng mà sự chuyển giao quyền lực giữa 2 triều đại rất ôn hòa và tốt đẹp trong sự tôn trọng,  kính ngưỡng của cả hai.

–   Người tựu thành sự nghiệp Việt Nam và cũng chính là người đúc kết và thành tựu ở mức cao nhất của trào lưu văn hóa nhân bản đánh ngã địa vị độc tôn của văn hóa Trung Hoa trên đất Việt mà suốt chiều dài lịch sử 1000 năm Bắc thuộc và cuộc vận động cách mạng dân tộc để nuôi dưỡng niềm tin, để vỗ về an ủi, để mang lại sự sống, để un đúc ý thức dân tộc và để đấu tranh. Thiền sư Vạn Hạnh là hiện thân của biểu tượng cho sự nghiệp kỳ vĩ của Phật giáo Việt trong lòng quốc gia Việt.

–   Khai sinh một xã hội Đức trị : “ Triều đại nhà Lý là triều đại thuần từ nhất trong lịch sử nước ta. Đó là nhờ ảnh hưởng Phật giáo ” . Vâng, một triều đại kéo dài trên 215 năm ( từ 1010 – 1225 ) không những là triều đại thuần từ nhất, mà còn là một triều đại có công nhất trong lịch sử dân tộc.

–   Việc vận động cho một vị đệ tử của mình lên làm Vua không phải là một mưu đồ thế sự với quan niệm tầm thường, mà là tinh thần một vị Bồ tát thấy chúng sanh đau khổ lầm than là phải cứu – Lòng từ bi trải rộng trong tinh thần vô chấp – Thấy muôn dân đang thiếu một vị minh quân lãnh đạo thì phải tìm cho muôn dân một vị minh quân – Là một hành động chính trị, nhưng trong sự quán chiếu của vị thiền sư nên rất bình tỉnh sáng suốt, sự thành công như đã nằm sẵn trong tay.

D. KẾT LUẬN :

Quốc sư Vạn Hạnh ! Con người Việt Nam vĩ đại này vĩ đại hơn hai con người vĩ đại tiêu biểu của Trung Hoa là Khổng Tử và Lão Tử. Bởi vì khác hẳn với Khổng Tử, thiền sư Vạn Hạnh không xách một túi kinh luân, một đạo lý giáo điều để đi làm kẻ thuyết khách mong được giai cấp vua chúa, công hầu trọng dụng. Cũng khác hẳn và hơn hẳn Lão Tử, thiền sư Vạn Hạnh không viết một cuốn sách ( Đạo Đức kinh ) cho đời rồi phủi tay đi ở ẩn. Trái lại thiền sư Vạn Hạnh đã dấn thân vào cuộc đời một cách chủ động và siêu thoát, đã giáo dục, dìu dắt những kẻ có lòng, đã tích cực hổ trợ cho những vị anh hùng, minh quân, chân chúa, đã công tác đắc lực với chính quyền để hết lòng lo cho dân, cho nước, đã xây dựng một chế độ, một triều đại tuyệt đẹp chưa từng có cho dân tộc, đã kiến thiết một kinh đô huy hoàng làm vẻ vang cho sống núi. Dấn thân, nhập thế hùng tráng, vĩ đại như thế, nhưng tuyệt vời thay, thiền sư Vạn Hạnh cũng đã cho dân tộc, cho con người thấy giá trị đích thực của giải thoát xuất thế. Mà bài kệ trước khi Ngài thị tịch là một chứng minh hùng hồn nhất.

Bài khác nên xem

Bậc Chân Cứng: Chiếc Cầu Muôn Thuở (song ngữ)

ducquang

Sám hối và Ý nghĩa bài sám hối

datthinh

BHD GĐPT Đồng Nai khai khóa bậc học năm 2019

Huệ Quang GĐPTVN