Ngài Khuông Việt

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Trung Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

 

I. TIỂU SỬ :

Ngài họ Ngô, quê ở làng Cát Lợi, huyện Thường Lạc, là hậu duệ của Ngô Thuận Đế. Sinh năm 930, lúc mới xuất gia có pháp danh là Chân Lưu. Tướng mạo khôi ngô, thuở nhỏ theo nho học, lớn lên theo bạn là Trú Trì đến thọ giới cụ túc với ngài Vân Phong ( 950 – 956 ) ở chùa Khai Quốc thuộc dòng Thiền Kiến Sơ. Tinh thông kinh điển. Năm 40 tuổi tiếng vang của Ngài đã đến kinh thành, Ngài được vua Đinh Tiên Hoàng mời vào hỏi Đạo, rồi phong chức Tăng Thống ( 969 -970 ). Đến năm Thái Bình thứ 2 (971) được phong là Khuông Việt Đại Sư ( cùng thời điểm phong tước hiệu cho các quan lại có công lớn cùng nhà Vua dựng nước ). Đến đời Vua Lê Đại Hành, Ngài vẫn rất được nhà Vua kính trọng, được mời vào cung cùng lo việc nước.

Năm 980, khi quân Tống sang xâm lấn ải quan. Theo lệnh Vua, Ngài lập đàn kỳ nguyện tại đền thờ Tỳ Sơn Môn Thiền Vương. ( Vị Thần báo mộng ủy thác cho ngài việc bảo hộ cương giới, truyền bá Phật pháp ). Trời đổ mưa to, sông dậy sóng cả, nghiêng đổ về phía quân Tống, giặc hoảng sợ lui quân, thì gió mưa ngưng, mặt sông phẳng lặng.

Năm 986 và 987, Khuông Việt cùng với Thiền sư Pháp Thuận tiếp phái bộ nhà Tống là Nguyễn Giác ( tức Lý Giác ) sang giảng hòa, được sứ giả khâm phục làm bài thơ tán dương trong đó có hai câu :

Ngoài trời còn có trời soi rạng

Sóng lặng khe đầm trăng ngắm thu

Vào những năm cuối của triều Lê Đại Hành ( 1000  – ? ) Đại sư đã rời nhiệm vụ Tăng thống và những chính sự khác trở về mở trường ở chùa Thanh Tước núi Du Hý quận Thường Lạc ( “ học trò tìm tới đông đảo ” ) và cũng không quên ngôi chùa lịch sử của Thầy nên cũng thường lui tới giảng dạy ở trường giảng của chùa Khai Quốc.

Ngày 15 tháng 02 niên hiệu Thuận Thiên ( 1011 ) Ngài gọi Đa Bảo Thiền Sư đến truyền :

Mộc trung nguyên hữu hỏa

Nguyên hỏa, hỏa hoàn sanh

Nhược vị mộc vô hỏa

Toản toại hà do manh

( Trong cây vốn có lửa

Có lửa, lửa mới bừng

Nếu bảo vốn không lửa

Cọ xát do đâu bùng )

Đọc bài kệ xong, Ngài ngồi kiết giả mà tịch, hưởng thọ 82 tuổi.

II. NHẬN ĐỊNH :

–   Trong thời phong kiến Việt Nam ở giai đoạn đầu, các Tăng sĩ  thường là những người thông hiểu kinh sách, kiến thức rộng, được Vua tin cậy, giao việc tiếp các sứ thần cũng như hỏi han việc nước.

–   Với một tước phong là Khuông Việt đại sư ( có nghĩa là nhà sư giúp đở nước Việt ) cùng lúc với những người có công lớn cùng nhà Vua dựng nên nghiệp lớn là một tước phong mang màu sắc chính trị vượt ra ngoài chức năng của một Thiền sư, chứng tỏ Ngài là một người có uy tín lớn trong tăng tín đồ Phật giáo cũng như những người đã từng phò tá Ngô Quyền cũng như gia đình bà con họ Ngô nắm giữ ( hậu duệ của Ngô Thuận Đế tước phong của cha Ngô Quyền ), nhằm mục đích thể hiện tính đoàn kết trong giới lãnh đạo cũng như nhằm tạo sự ổn định chính trị cho đất nước trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước.

–   Với chức vị Tăng thống ( người đứng đầu của Phật giáo ) cho chúng ta thấy rằng Phật giáo ngay từ thời Đinh Tiên Hoàng đã được tổ chức thành một Giáo hội Phật giáo thống nhất có hệ thống cho cả nước mà đứng đầu là Ngài Khuông Việt.

–   Việc lập đàn cầu đảo nhằm ngăn chặn quân địch, minh chứng cho chúng ta thấy rằng thời điểm lịch sử Phật giáo thời bấy giờ là thời đại của tư tưởng Phật giáo quyền năng, mà với sự uyên thâm giáo lý Phật đà của Thn sư lúc bấy giờ, chúng ta có thế lý giải rằng Ngài đã thực hiện tinh thần Thế gian pháp bằng cách kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn giữa Thiền và Mật nhằm thực hiện tinh thần khế lý và khế cơ của đức Phật.

–   Qua việc phục vụ 2 triều đại Đinh và Tiền Lê cũng như bài kệ trước khi thị tịch truyền tâm cho đệ tử là Đa Bảo thiền sư, đã chứng minh cho hậu thế thấy rõ Ngài là một Thiền sư xuất chúng ngoài việc làm sáng danh của dân tộc nhằm chận đứng sự cao ngạo của kẻ thù qua mặt ngoại giao ( tiếp đón sứ bộ Tàu) cũng như góp phần vào việc chiến thắng đoàn quân xâm lược của Hầu Nhân Bảo ( 981 ), Ngài còn là một nhà sư uyên thâm giáo nghĩa Phật đà mà chỉ một bài kệ thôi đã nói lên được năng lực Phật tánh nơi chúng sanh, làm sao cho nó chói sáng là do công năng tu lập của mỗi người để minh thị cho đệ tử trước khi viên tịch về triết lý hành động khi nhập thế là đặt nghĩa lớn của dân tộc và đạo pháp lên trên quyền lợi nhỏ nhen của cá nhân và dòng họ, dù con người hay dòng họ đó đã đối xử hết sức tốt đẹp, hết sức trung hậu với mình.

 

Bài khác nên xem

GĐPT Ninh Thuận: Tổ chức Lễ phát chứng chỉ A Dục, Kết khóa bậc Kiên 21, Khai khóa bậc Kiên 22

Huệ Quang GĐPTVN

BHD.GĐPT Khánh Hòa : Thi Kết khóa Bậc Kiên – Trì – Định, niên khóa 2018

Huệ Quang GĐPTVN

Kể chuyện : Tập kể chuyện

datthinh