Một Số Phương Pháp Sinh Động để Truyền Đạt Một Bài Phật Pháp

MỘT SỐ PHƯƠNG PHÁP SINH ĐỘNG

ĐỂ TRUYỀN ĐẠT MỘT BÀI PHẬT PHÁP

Hiện nay hình ảnh các lớp học Phật pháp trong GĐPT diễn ra giữa bốn bức tường phòng học mà ở đó anh chị giảng- em thụ động lắng nghe, anh chị đọc- các em chép đã đần dần được thay thế bằng những giờ học sinh động hơn. Cứ mỗi chủ nhật đến chùa, hãy quan sát vòng tròn GĐPT đang vui chơi ngoài sân. Những trò chơi, bài hát trong vòng tròn đều là những bài học Phật pháp được các anh chị trưởng khéo léo lồng ghép vào các trò chơi hay chọn bài hát phù hợp để các em được học mà chơi, chơi mà học. Nào là các trò chơi Tam quy, Ngũ giới, Tứ ân, Sám hối, Bát Chánh Đạo… rồi những bài hát Lục hòa, Em đến chùa… đều chứa đựng nội dung bài học và mang ý nghĩa giáo dục cao. Sau một trò chơi hay một bài hát, các anh chị trưởng lại tóm tắt ý nghĩa bài học thật ngắn gọn để mọi người chơi cùng ghi nhớ và thực hành. Lúc khác lại thấy các anh chị HT cùng các em đoàn sinh tập các hoạt cảnh, những vở kịch ngắn, thi vẽ tranh, thi kể chuyện, thi hùng biện, thi đố vui, thi tìm báu vật… Tất cả những hoạt động đó đều chứa đựng nội dung một bài học mà các em đang được học. Có thể nói rằng với cùng một bài học, anh chị trưởng có rất nhiều cách khác nhau để truyền đạt. Mục đích cuối cùng là làm sao để các em hiểu, ghi nhớ bài và áp dụng được bài học sau khi học xong.

Với mong muốn tập thể đại gia đình áo Lam chúng ta chung tay đưa ra những phương pháp mới để truyền đạt những bài học Phật pháp của các bậc học một cách sinh động, hiệu quả; chúng tôi xin thử đưa ra một vài phương pháp để truyền đạt bài học đầu tiên của bậc Mở mắt (tài liệu mới tu chỉnh năm 2004). Kính mong các anh chị chúng ta cùng góp ý, đề nghị thêm những phương pháp mới cho bài học này và các bài học tiếp theo của các bậc học.

Bậc Mở Mắt

Bài 1 :     EM ĐẾN CHÙA

  • Ø Mục tiêu bài học: HT giúp các em hiểu được ý nghĩa của việc đến chùa và thực hành bằng cách siêng năng đến chùa.
  • Ø Tổ chức lớp học: tập họp thành vòng tròn dưới bóng cây mát, ở sân chùa hoặc nơi thoáng đãng.
  • Ø Tài liệu: bậc Mở mắt (tài liệu mới) – Bài 1
  • Ø Các bước tiến hành bài giảng:
  1. Giới thiệu bài:  HT lần lượt đưa ra các câu hỏi liên quan đến bài học để các em trả lời hoặc HT gợi ý để các em trả lời.

Câu hỏi của HT

Trả lời của các em

1. Cảnh chùa có gì khác biệt với nhà ở, với trường học?

2. Ai là người sống ở chùa thường xuyên?

3. Em đến chùa được những lợi ích gì?

4. Khi đến chùa, em nên làm gì?

1. Cảnh chùa yên tĩnh, trang nghiêm còn các nơi khác thì ồn ào.

2. Chư Tăng, Ni là người sống ở chùa. Phật tử là người thường đến chùa.

3. Tâm trí yên tĩnh, học nhiều điều hay.

4. Lạy Phật, nghe Kinh, làm điều tốt

II. Tiến hành bài giảng: Sau đây là một số phương pháp truyền đạt bài học, các anh chị có thể tùy nghi chọn một phương pháp, hoặc kết hợp nhiều phương pháp, hoặc đưa ra những phương pháp mới sao cho bài học sinh động, hiệu quả.

  1. 1.      Trò chơi:  

Trò chơi 1:   Đi chùa

HT giải thích luật chơi: “ Các em lặp lại lời HT nói và làm theo từng động tác sau đây của HT”:

  • Hô “Em đến chùa,” – chắp 2 tay trước ngực.
  • Gặp ao” – chống 2 tay lên hông và ngồi xuống
  •  “Nhảy ao” – làm động tác ngồi và lên
  •  “Gặp rào” – chống 2 tay lên hông và đứng dậy
  •  “Vượt rào” – làm động tác  nhảy tới phía trước
  • Em nghe chuông mõ” – đưa 2 tay lên 2 tai làm động tác lắng nghe
  •  “Em gặp chư Tăng Ni” – chắp 2 tay trước ngực và cúi chào
  •  “Lòng em lắng dịu” – đan 2 tay chéo trước ngực
  •  “ Em học nhiều điều hay” – đưa 2 bàn tay lên như hình cuốn vở

HT cho các em lặp lại nhiều lần để các em quen động tác. Sau đó, HT chỉ làm động tác (im lặng); các em làm theo và phải hô to lên đó là động tác gì ( vd: HT nhảy tới phía trước nhưng không nói gì; các em cũng nhảy tới và hô to “Vượt rào”).

 

Trò chơi 2:   Ai nhanh hơn?

Chia lớp học thành nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm chuẩn bị 1 tờ giấy trắng, 1 cây bút do nhóm trưởng giữ.

Khi nghe hiệu lệnh, mỗi nhóm hội ý và ghi ra giấy tất cả những hình ảnh, hoạt động mà các em thường nhìn thấy ở chùa (cổng chùa, tượng Phật, hoa sen, bình hoa, lư hương…)

Sau 2 phút, thổi còi ngừng cuộc chơi. Nhóm nào ghi được nhiều từ chính xác thì được thưởng 1 gói kẹo.

 

  1. 2.      Bài hát:  

HT có thể tập cho các em 1 bài hát liên quan đến việc đi chùa

 

Bài hát 1:    EM ĐẾN CHÙA

Em đến chùa, sáng nay em đến chùa. Chim hót trên đường đi. Hoa thắm ven đường đi. Chim có đàn thì em cũng có Đoàn. Đàn em vui hát vang, lòng em vui chứa chan. Tuổi thơ tâm ý thật. Niềm tin dâng Đức Phật. Nguyện với Thế Tôn càng chăm, càng ngoan. Từ bi và trí tuệ, Hùng tâm đem sức cường. Đoàn con noi bước chân Ngài.

 

Bài hát 2:   Em Đến Chùa

Một hôm, một hôm mồng một đến chùa. Em đi, đi với mẹ mua vài hoa sen. Đến chùa, đến chùa dâng cả hồn em. Lên trên, trên Đức Phật lòng em kính thành.

Trầm hương, trầm hương ngào ngạt lan trần. Thành tâm tâm em niệm, mơ màng Bổn Sư. Dầu từ dấu từ in hiện khoan thư. Em mơ mơ Đức Phật dường như mỉm cười. Nhịp kinh, nhịp kinh vang dậy trong lòng. Hòa theo theo tiếng mõ chuông đồng vang đưa. Mối tình mối tình bên cạnh cha xưa. Luôn ghi ghi bên dạ, tuổi thơ tâm thành. Cầu xin cầu xin Phật Tổ ban lành. Từ bi-bi gia hộ con thành trẻ ngoan.

Từ rày từ rày con bỏ chơi hoang. Con xin-xin quyết bỏ, nguyện chăm học hành.

 

  1. 3.      Chuyện kể:

Chuyện kể 1:   VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Ngày xưa, thời vua Trần Nhân Tông trị vì nước ta, đất nước thanh bình, nhân dân hạnh phúc. Tuy sống trong nhung lụa giàu sang nhưng vua luôn tu hành theo đạo Phật, thường xuyên đến chùa lễ Phật và làm nhiều việc tốt. Một hôm, vua quyết định từ bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để vào núi Yên Tử hoang vu, lập nên một ngôi chùa nhỏ và ở đó tu hành đến trọn đời, lập nên môn phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Nếu ai có dịp đến núi Yên tử, xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh thì nơi đó chính là nơi ngày xưa vua Trần Nhân Tông tu hành.

Là người Phật tử, noi gương vua Trần Nhân tông, chúng ta chưa có duyên xuất gia ở chùa thì chúng ta phải thường xuyên đế chùa để tu học.

Chuyện kể 2:   TÝ VÀ TÈO

            Tý và Tèo là 2 anh em sinh đôi. Tuy được sinh ra cùng một lúc, lại cùng cha mẹ nhưng tính tình Tý và Tèo rất khác nhau. Tý thì ham chơi, lêu lổng suốt ngày ngoài đường, tụ tập với đám trẻ con hay quậy phá. Quần áo, tay chân của Tý lúc nào cũng lấm lem bùn đất. Hàng xóm ai trông thấy Tý cũng la rầy. Tý lại còn thường xuyên bị ba mẹ đánh đòn.

Còn Tèo từ nhỏ chỉ thích theo ba mẹ đến chùa. Năm ngoái, ba mẹ gởi Tèo vào sinh hoạt GĐPT. Nghe lời anh chị trưởng, hàng tuần vào chủ nhật, Tèo đi sinh hoạt đều đặn. Ở nhà em rất lễ phép, ngoan ngoãn. Bà con hàng xóm và ba mẹ, ai cũng thương yêu Tèo.

Một hôm, vì tò mò muốn biết ở chùa có gì vui mà Tèo thích vậy, Tý bèn rủ lũ bạn đến chùa. Thấy chúng ngấp nghé ngoài cửa, 1 chị trưởng bước ra làm quen và mời chúng vào sinh hoạt. Lúc đầu còn e ngại, nhưng chả mấy chốc, các trò chơi vui nhộn cùng sự hòa đồng của mọi người đã làm cho Tý và các bạn bị cuốn hút vào trò chơi. Thế là từ đó, Tý và các bạn không còn nghịch phá nữa mà rất siêng năng đi đến chùa và làm nhiều việc tốt. Ai cũng rất vui mừng và thương yêu Tý từ đó. Vậy các em cũng vậy, nếu ai hay nghịch phá thì sẽ làm cho người khác phiền lòng và hay bị la mắng. Còn ai ngoan hiền, hay làm việc tốt thì được mọi người yêu mến. Đi chùa là một việc làm tốt và được học hỏi nhiều điều hay, được vui chơi cùng bạn bè, do đó các em nên siêng năng đến chùa.

 

  1. 4.      Thi vẽ tranh:

Chia lớp học thành nhiều nhóm nhỏ. Mỗi nhóm chuẩn bị 1 tờ giấy trắng, 1 hộp bút chì màu.

HT đưa ra chủ đề của cuộc thi vẽ: Chùa và các hoạt động ở chùa.

Khi nghe hiệu lệnh, mỗi nhóm hội ý và chọn nội dung cho bức tranh của nhóm mình. Sau đó tất cả chia nhau công việc (vẽ phát thảo, tô màu, gọt bút chì, gôm nét sai…) và bắt tay vào vẽ tranh

Sau 10 phút, thổi còi ngừng cuộc chơi. Nhóm nào vẽ đẹp nhất và có ý nghĩa nhất thì được thưởng 1 gói kẹo. HT dán tất cả các bức tranh lên bảng và lần lượt giới thiệu các hoạt động ở chùa  mà các em đã vẽ. Sau đó, tóm tắt lại bài học về ý nghĩa đến chùa.

 

  1. 5.      Dựng một hoạt cảnh, một vở kịch ngắn

Một HT đóng vai một người bố đưa con mình (do 1 em Oanh vũ đóng) đến gặp một chị HT để gởi cho con mình vào sinh hoạt GĐPT.

–         Bố: Chào chị

–         HT : Xin chào anh, chào em

–         Con: Con chào cô.

–         Bố: Hôm nay tôi đến để xin cho con tôi vào sinh hoạt GĐPT.

–         HT: Dạ, chúng em rất vui khi được các bậc phụ huynh tin tưởng . Các em đến đây sinh hoạt đều được yêu thương bình đẳng như nhau. Xưng hô với nhau là anh, chị, em. Các em sẽ được vui chơi và học làm những việc tốt.

–         Bố: Tôi thấy các em đi sinh hoạt ở đây đều ngoan ngoãn nên tôi rất tin tưởng. Thôi, chào chị tôi về.

–         HT: Chào anh. (nói với em nhỏ) Từ nay gọi là chị chứ đừng gọi cô nữa nghe. Chào ba đi em.

–         Con: Dạ, chào ba.

Sau vở kịch, HT đặt 1 số câu hỏi để giúp các em nhắc lại ý nghĩa việc đến chùa

  1. 6.            Thi đố vui : HT soạn 1 số câu hỏi trắc nghiệm liên quan đến bài học. Đối với Oanh vũ thì chỉ nên soạn những câu hỏi ngắn, đơn giản, ít đáp án ( 2 hoặc 3 lựa chọn) để các em có thể trả lời được.

–         Chia lớp học thành nhiều nhóm nhỏ. Phát cho mỗi nhóm 3 tờ giấy cứng có ghi sẵn các chữ cái A, B, C.

–         HT đọc 1 câu hỏi và đưa ra 3 đáp án. Các nhóm hội ý rồi đưa ra đáp án của mình. Nghe tiếng còi, tất cả các nhóm đưa cao đáp án của mình lên. Đáp án đúng được 1 điểm, đáp án sai không được điểm. Sau đó HT hỏi sang câu khác. Kết thúc cuộc chơi, nhóm nào được nhiều điểm thì thắng cuộc.

 

Câu hỏi 1: Chùa là nơi:

  1. Có nhiều cảnh trí để các em nhỏ đến nghịch phá
  2. Có nhiều vị trí để nhiều người đến bán hàng
  3. Có cảnh trí trang nghiêm, là nơi Tăng, Ni sống và tu học

Câu hỏi 2: Em đến chùa để

  1. nghe Kinh Phật và học những điều tốt lành
  2. hái hoa, quả của nhà chùa
  3. gặp bạn bè rồi rủ nhau đi chơi

Câu hỏi 3: Khi nghe tiếng chuông mõ và tiếng tụng Kinh ở chùa thì

  1. lòng em trở nên buồn rầu
  2. lòng em lắng dịu, quên đi những chuyện buồn
  3. lòng em cảm thấy lo lắng

Câu hỏi 4: Khi đến chùa thì em nên:

  1. chỉ đến 1 chùa gần nhà mình nhất
  2. chỉ đến những ngôi chùa mà mình thích
  3. đến tất cả các ngôi chùa mà mình có thể đến được

( Đáp án đúng: 1c – 2a – 3b – 4c)

            Sau khi hỏi xong các câu hỏi và đưa ra đáp án đúng, HT tóm tắt lại ý nghĩa việc đến chùa từ các câu trả lời đúng và nhắc nhở các em rằng những đáp án sai là những việc mà các em không nên làm khi đến chùa.

   Trên đây chỉ là một số ý kiến về việc truyền đạt một bài học qua nhiều phương pháp khác nhau. Kính mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bổ sung từ tất cả các anh chị em để GĐPT chúng ta luôn là một sân chơi hấp dẫn, bổ ích, mang tính giáo dục cao; là điểm đến luôn được mong đợi của mỗi HT và đoàn sinh.

               Quảng Ý Bùi Nguyễn Hiệp

 

 

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Lâm Đồng tổ chức kỳ thi khảo sát trại vượt bậc tại khu vực Đức Trọng – Lâm Hà

Huệ Quang GĐPTVN

BHD. Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức lễ khai khóa Bậc Lực năm 2017

Tâm Lễ

GĐPT Cam Ranh: Khóa tu mùa hè của ĐS ngành Thanh, Thiếu

Huệ Quang GĐPTVN