Sáng nay (15/1/2015), nhân tuần thất thứ 6 của mẫu thân Thượng tọa Thích Đức Lưu – Trưởng ban Trị sự GHPGVN huyện Cam Lâm. Chị Nguyên Hoa Nguyễn Thị Khánh vào chùa Pháp Vân (Cam Hòa) để dự lễ kỳ siêu, chung lòng cầu nguyện mẫu thân của Ân sư được cao đăng Phật quốc.
Chị em gặp nhau hàn huyên, chị nhắc tôi nhớ về Nha Trang dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày Thánh tử Đạo Đào Thị Yến Phi vị pháp thiêu thân.
Và giờ đây, tôi chợt nhớ và ghi lại một kỷ niệm cách đây đã gần 60 năm…
Tôi sinh hoạt tại Nha Trang (BHD Khánh Hòa) qua hai nhiệm kỳ Trưởng ban là anh Đôn và anh Mai. Lúc đó, trong BHD, chị Dung Kiều là Phó Trưởng ban ngành nữ; chị Nguyên Hoa Nguyễn Thị Khánh là ủy viên Thiếu Nữ; chị Chàm là ủy viên Oanh vũ nữ; tôi làm phụ tá cho chị Khánh. Bốn chị em chúng tôi thân thiết như hình với bóng, nhất là trong biến cố Pháp nạn năm 1963.
Để hỗ trợ cho các đơn vị phát triển, BHD quyết định đưa chị Chàm về đơn vịở Khuôn hội Kỳ Viên, chị Khánh về đơn vị Long Sơn tại chùa Tỉnh hội, tôi về đơn vịở Khuôn Linh Thứu. Do GĐPT Linh Thứu là đơn vị mới thành lập, nên tôi vừa giữ chức vụ Liên đoàn trưởng ngành nữ, vừa kiêm nhiệm Đoàn trưởng Thiếu Nữ. Khi đó, anh Hàng Bá (mà chúng tôi thường gọi đùa là “Hà Bá”) là Liên Đoàn Trưởng ngành nam. Hai anh em chúng tôi chung lo xây dựng GĐPT Linh Thứu.
Một buổi chiều chủ nhật năm 1961, tôi vừa đi sinh hoạt về (tôi ở trọ nhà chị Chàm), có một em gái vóc người nhỏ nhắn, gương mặt hiền dịu, khoảng chừng 14- 15 tuổi vào nhà gặp tôi và thưa rằng: “Chịơi, em thích đi chùa để sinh hoạt Gia đình Phật tửquá nhưng U (mẹ) em không cho. Em nhờ chị đến nhà gặp U em, xin giúp cho em nghe chị”.
Tôi bảo em cho địa chỉ nhà. Qua ngày hôm sau, tôi đến nhà em ấy trong hẻm Lê Thánh Tôn. Hoàn cảnh gia đình em rất nghèo, ba em đi xa và mất tích lúc em mới lên 10 tuổi, mẹ em đổ giá đậu làm sinh kế.Tôi thưa trình với mẹ của em ấy về mục đích của tổ chức GĐPT, về nguyện vọng của em và hứa sẽ chịu trách nhiệm trong thời gian em đến sinh hoạt với GĐPT. Qua hàn huyên, mẹ của em thông cảm và đồng ý cho em đi sinh hoạt.
Thế rồi, trong một quãng thời gian khá dài, hằng tuần vào mỗi chiều chủ nhật tôi đạp xe lại nhà để đưa em đến chùa. Không biết chị Khánh có còn nhớ hay không? chị và tôi chung nhau mua vải; chị Chàm nhờ một Thiếu nữ (là thợ may) để may bộđồng phục Thiếu nữ cho em ấy.
Người đoàn sinh đó chính là ĐÀO THỊ YẾN PHI – pháp danh NGUYÊN THƯỜNG – tự DIỆU MAI!
Như một cuốn phim đang được chiếu lại…
Nhân đại lễ Phật Đản năm 1963, Ngành nữ GĐPT Khánh Hòa tổ chức một gian hàng triển lãm, biểu dương sức sống của Ngành rất quy mô. Các sản phẩm đan, may, thêu, bánh…được quy định thực hiện theo chỉ dẫn trong quyển sách “nữ công gia chánh” do chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc biên soạn.
Chị Dung Kiều làm Trưởng ban tổ chức; chị Khánh đảm trách khâu tiếp nhận và sắp xếp trình bày sản phẩm nữ công gia chánh; tôi và Chàm lo phần đôn kiểm và phụ trợ cho chị Khánh. Các đơn vị Long Sơn, A Dục, Cấp Cô Độc, Bồ Đề, Kỳ Viên, Linh Thứu…đều tham gia.
Phần thực hiện sản phẩm của đơn vị Linh Thứu, tôi giao cho Yến Phi vì Phi là Chúng trưởng. Tôi đã hướng dẫn rất kỷ cách làm bánh in bằng đậu ngự. Ngày trưng bày gian hàng, các em gói bánh vào giấy bóng kính rất đẹp. Chị Dung Kiều đến cầm bánh lên xem, bỗng nhiên, chị lia gói bánh xuống đất. Tôi ngạc nhiên, còn Phi và các em khác tỏ ra rất buồn. Tôi xem lại bánh thì thấy bánh cứng như đá. Tôi cũng sơ ý không kiểm tra trước. Tôi an ủi “vạn sự khởi đầu nan” và bảo các em về làm lại. Phần bánh in lần sau rất ngon, rất đẹp, chị Dung Kiều hài lòng và rất vui.
Trong hai ngày triển lãm sức sống Ngành nữ GĐPT Khánh Hòa, sản phẩm nữ công gia chánh trong gian hàng được nhiều người mua, nhất là mặt hàng áo gối bán nhanh nhất. Chị Khánh bán cặp áo gối có thêu hình đôi uyên ương cho một vị khách – đó là sản phẩm do chính tay tôi thực hiện. Duyên kỳ ngộ, vì người khách ấy sau này là chồng của tôi.
Ngành nữ tổ chức xong xuôi thì biến cố Pháp nạn dồn dập đến. Cùng chung với Tăng, Ni và Phật tử tỉnh nhà, Ngành nữ GĐPT Khánh Hòa cũng gánh chịu biết bao tai ương, gian khổ do các thế lực vô minh vây bủa, khảo đảo. Nhiều nữ Huynh trưởng và Đoàn sinh bị đánh đập, bị giam cầm.
Riêng 4 chị em chúng tôi (Dung Kiều, Khánh, Sô, Chàm), trong những ngày tham gia cuộc đấu tranh bất bạo động của Phật giáo, thường hẹn nhau hội ý, bàn luận mỗi khi có thông tin mới tại nhà chị Dung Kiều, vì đến chùa là bị cảnh sát, mật vụ của Ngô triều theo dõi, cản trở. Thế nhưng, 4 chị em chúng tôi trong năm đó cũng bị họ cho “tạm trú tại nhà trọ của họ” suốt một tuần lễ.
Thời gian trôi qua, trong 4 chị em chúng tôi, hiện tại đang vẫn mặc chiếc áo Lam còn chị Dung Kiều (định cư và sinh hoạt GĐPT tại Hoa Kỳ); chị Khánh (đương nhiệm Trưởng ban BHD.GĐPT Khánh Hòa); tôi sinh hoạt trong BHD.GĐPT Cam Ranh. Riêng chị Chàm đã nghỉ sinh hoạt.
Thế hệ Huynh trưởng và Đoàn sinh ngày ấy, hôm nay có người vẫn còn tụ lại ở tỉnh nhà; có người thuận theo nhân duyên đi gieo giống sen lam nơi miền đất lạ. Tất cả vì hạnh nguyện lợi tha; vì sự trường tồn và phát triển của tổ chức GĐPT Việt Nam.
Riêng người đoàn sinh Nguyên Thường – Đào Thị Yến Phi (sau đó về sinh hoạt tại GĐPT Chánh Quang với nhiệm vụ Đoàn Phó Nữ Oanh Vũ) đã vị pháp thiêu thân. 14 giờ 30 ngày 26.01.1965 (nhằm ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn), trước toà hành chánh tỉnh Khánh Hoà. Trong lúc chư Tăng Ni và Phật giáo đồ đang tuyệt thực, Đào Thị Yến Phi đã tự tay tưới xăng vào mình và châm lửa tự thiêu. Cho đến khi ngọn lửa bừng lên chói loà phát lên từ nhục thân Yến Phi thì đã quá muộn, không ai cứu Phi được nữa.
Yến Phi đã hiến dâng trọn vẹn thân mình cho Đạo Pháp và Dân tộc. Ôi! Cao đẹp thay hành động phi thường của một vị Thánh Tử Đạo. Biết bao người ngã mình khóc thương trước biểu tượng Bi Dũng rạng ngời.
Nhà thơ Mai Khắc Huy lúc đó đã xúc động viết nên “Ngọn Lửa Yến Phi”:
Bên biển đông thét gào sóng dậy
Bổng bừng lên ánh lửa oai hùng
Lửa Từ bi rực sáng trời Đông
Trong huyết quản máu hồng ngưng chảy.
Lửa Yến Phi bừng cháy
Thiêu đốt xác phàm nhân
Trăm ngàn người gục lạy
Nước mắt tràn đau thương
Hiến dâng ánh lửa thiêng
Báo ân Tam Bảo xây nền tự do
…………………..
Nha Trang thơ mộng
Đây chính là nơi
Lửa Yến Phi sáng ngời
Đốt tan bạo lực
Quét sạch bạo quyền
Oai linh thay! Ánh lửa thiêng
Muôn đời Dân tộc xin nguyền nhớ ơn.
Tâm Bản Nguyễn Thị Sô
(Cam Ranh)