Đầu năm người người đi chùa cầu bình an

Sáng mùng 1, đường phố Hà Nội vắng lặng, mưa xuân lất phất bay. Trong đền Ngọc Sơn, chùa Trấn Quốc, chùa Quán Sứ… người dâng hương, đi lễ chùa tấp nập.
Nhiều người Hà Nội đến đền Ngọc Sơn cầu bình an, may mắn đầu năm mới. Ảnh:Võ Hải.
Nhiều người Hà Nội đến đền Ngọc Sơn cầu bình an, may mắn đầu năm mới. Ảnh:Võ Hải.

Ăn xong bữa cơm sáng mùng 1, bà Luân (Kim Giang, Thanh Xuân) cùng con gái Hải Anh và cháu gái Vân Anh mang lễ lên đền Ngọc Sơn thắp hương đầu năm mới. Theo bà Luân, lễ trước hết là cái tâm, sau đó mới là vật gồm có bánh kẹo, quả cau, miếng trầu, ít tiền vàng, tiền lẻ được chuẩn bị từ ngày 30 Tết.

Đây là thói quen của gia đình được duy trì từ mấy chục năm nay. Đón giao thừa xong, bà Luân đã lên chùa Lủ gần nhà để cầu phúc cho cả nhà. Sáng sớm đầu năm thì qua Lăng Bác trước, sau đó mới đi đền Ngọc Sơn, Văn Miếu, đền Quán Thánh, chùa Phúc Khánh… Trải qua nhiều năm cuộc đời, bà chỉ cầu mong sức khỏe và sự bình an cho cả nhà.

Đứng bên cạnh mẹ, chị Hải Anh thầm cầu mong cho gia đình được hạnh phúc, con gái ngoan hiền, học giỏi. Trong ký ức của chị, những ngày theo mẹ đi lễ chùa xưa chỉ để nhặt xác pháo, xin lộc đầu năm, nay lớn lên rồi thì biết cầu mong cho bản thân. “Đi chùa thì chỉ nên cầu bình an, còn tài lộc, sự thăng tiến đều phải dựa vào năng lực bản thân cùng một chút may mắn”, chị Hải Anh chia sẻ.

Theo chị Hải Anh, đi chùa là nét đẹp truyền thống của người Việt cần được lưu giữ. Học mẹ ngày xưa, chị cũng cho con gái đi chùa từ khi cháu mới chập chững biết đi, vừa là để lưu giữ truyền thống gia đình, để không quên hương vị cổ truyền ngày Tết của người Việt Nam.

Bà Luân cùng con gái và cháu sắp lễ dâng hương đầu năm mới. Ảnh: Hoàng Phương.
Bà Luân cùng con gái và cháu sắp lễ dâng hương đầu năm mới. Ảnh: Hoàng Phương.

Về trưa, mưa nặng hạt hơn vẫn không ngăn được bước chân người dân kéo đi lễ chùa. Chùa Trấn Quốc đông nghịt người, ôtô, xe máy đậu kín hai bên đường ven hồ Tây. Trong tiếng cầu kinh trầm lắng đầu năm, dòng người đông đúc xong không lộn xộn, chen lấn. Thắp hương khấn vái xong, người dân đứng cạnh những cây khế lộc, chậu quất trước cửa chùa để chụp ảnh lưu niệm.Vào đền Ngọc Sơn dâng hương, hai cô gái Nguyễn Thị Hoa và Nguyễn Thị Hương, sinh viên Đại học Ngoại ngữ cầu mong năm mới đạt được nhiều thành tích cao trong học tập. Xong xuôi, cả hai lại xách giỏ muối ra trước cửa đền Ngọc Sơn đứng bán cho người đi lễ chùa. Nụ cười thường trực trên môi cùng giọng nói ngọt ngào, hai nữ sinh bán được khá nhiều muối. Khi có khách nước ngoài dừng chân, tò mò hỏi mua muối để làm gì, cô gái lại mỉm cười giải thích phong tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” khiến nhiều người thích thú.

Những năm trước đây, anh Minh Thái ở Nghĩa Tân thường đi lễ chùa cùng cha mẹ. Nhưng năm nay có cô dâu mới Hải Yến nên từ sáng sớm, vợ chồng anh chuẩn bị lên chùa cùng nhau. Anh Thái cho biết hai người trải qua một chặng đường dài yêu nhau rồi mới kết hôn. Năm nay đi chùa, trước cầu bình an cho cả nhà, người đàn ông 26 tuổi còn mong năm mới gia đình có thêm thành viên để nhà cửa thêm vui.

Theo anh, đi chùa đầu năm là nét đặc trưng của người Hà Nội nói riêng và người Việt nói chung. Đi lễ chùa xong, vợ chồng trẻ sẽ thăm họ hàng theo đúng phong tục “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” rồi mới du xuân.

Theo ông, xét về nét văn hóa và cảm nhận, đi chùa cầu bình an đầu năm mới là một việc tốt. Bên Nhật, người dân cũng có phong tục lên chùa vào đầu năm để cầu may mắn, tốt lành nhưng chỉ mang một ít hương và không đốt vàng mã như người Việt. Hòa vào dòng người đông đúc, nhiều người nước ngoài cũng đến đền chùa chụp ảnh, tìm hiểu phong tục đầu năm của người Việt Nam. Ông Kobuchi, người Nhật Bản làm việc ở Sài Gòn đã 3 năm nay, cho biết đây là lần đầu tiên đón Tết ở Hà Nội. Khác với Sài Gòn náo nhiệt, Hà Nội ngày đầu năm lại sâu lắng. Người khách này rất thích cái se lạnh và không khí quanh Hồ Gươm vào buổi sáng sớm.

Ngoài các đền, chùa thì Lăng Bác, Văn Miếu cũng là điểm đến của nhiều gia đình trong buổi sáng đầu năm. Theo dự báo, thời tiết 3 ngày Tết sẽ rất thuận lợi cho việc du xuân.

Tại TP HCM, theo truyền thống ông cha từ xa xưa, nhiều người dân cũng đổ đến các ngôi chùa như Vĩnh Nghiêm, Việt Nam Quốc Tự… để cầu bình an, hanh thông cho năm mới.

Trong các ngày 30, mùng 1 và mùng 2 Tết Nguyên đán năm nay, 6 danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên địa bàn Hà Nội là đền Ngọc Sơn, đền Quán Thánh, chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Hương và Làng cổ Đường Lâm miễn phí vé tham quan cho người dân thủ đô và du khách.

Thành phố Hà Nội cũng miễn vé tham quan đối với người khuyết tật nặng, người dưới 15 tuổi khi tham quan các di tích: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Cổ Loa, đền Quán Thánh, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, chùa Thầy, chùa Tây Phương; đồng thời miễn phí cho người có công với cách mạng khi tham quan các di tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò.

Riêng tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Khu Di tích Cổ Loa, đền Quán Thánh, di tích Nhà tù Hỏa Lò, khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên nếu có thẻ học sinh, sinh viên cũng được giảm 50% mức phí.

Hoàng Phương – Võ Hải
Video: Đình Phúc

Nguồn: Vnexpress

Bài khác nên xem

Ăn sống đậu đen chữa bệnh?

phuocthanh

Uống Trà Đen Ngăn Chặn Bệnh Tim Và Có Thể làm Teo Ung Thư

phuocthanh

Hoa Vô ưu trên thánh địa Trúc Lâm

phuocthanh