Hoa Vô ưu trên thánh địa Trúc Lâm

2009-04-2014_102_8_a4_247204540Tham quan chùa, am Ngọa Vân trên núi Bảo Đài ở xã Bình Khê, huyện Đông Triều (Quảng Ninh), vào dịp cuối xuân sang đầu hè, du khách sẽ được ngắm những bông hoa vàng trên cây nở rộ, nhụy hoa đua dài và tỏa hương thơm.

Đây là một trong những loài cây linh thiêng tại Ấn Độ mang tên Ashoka, theo Phạn ngữ có nghĩa là vô ưu, người Việt gọi tên khác là hoa Vàng anh. Khi chúm chím nở và khi nở rộ, hoa đều mang màu vàng đặc trưng, một màu vàng đầy sức sống mang ý nghĩa lạc quan, giàu sang, sung túc, thịnh vượng. Hoa vô ưu gắn với điển tích Đức Phật Thích Ca được sinh ra tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo truyền thuyết, tại vườn ngự uyển Lâm Tỳ Ni, cây vô ưu được trồng rất nhiều. Trong lần cùng đoàn tùy tùng xa giá về quê ngoại để sinh con đầu lòng theo tập tục Ấn Độ cổ, hoàng hậu Ma Da có đi ngang qua vườn Lâm Tỳ Ni. Tại đây, bà ra lệnh dừng lại để vào lâm viên nghỉ ngơi, đi dạo và ngoạn cảnh. Khi đi đến dưới cây vô ưu, bà thấy hoa nở rộ, ngào ngạt hương thơm, bèn đưa tay vin cành hoa. Ngay sau đó, dưới gốc cây vô ưu, hoàng hậu trở dạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa – người sáng lập ra Phật giáo sau này.

Vì thế, các tín đồ Ấn Độ giáo rất quý trọng loài hoa này. Trong ngày lễ hội Ashoka Shasthi, phụ nữ Bengali thường ăn nụ hoa, trong khi phụ nữ Hindi uống nước có ngâm hoa vô ưu với niềm tin rằng nhờ nước này họ sẽ bảo vệ được con cái.

“Vô ưu” có nghĩa là không muộn phiền theo triết lý của đạo Phật, không ưu phiền. Loài hoa mang tính “đạo” nhiều hơn ý nghĩa của các loài hoa khác bởi mang cả hơi hướng của nhập thế và xuất thế. Hoa vô ưu, biểu trưng của Phật giáo đã được trồng rất nhiều ở các đền, chùa Việt Nam. Ở thủ đô Hà Nội, loài hoa này được trồng khá nhiều ở khu vực tượng đài vua Lý Thái Tổ, vị vua sùng kính đạo Phật – người khai sinh kinh thành Thăng Long. Những cây hoa vô ưu trên núi Bảo Đài đã sống lâu năm và phát triển thành rừng trên cả dải núi, lá cây luôn xanh và có tán rộng. Dịp từ cuối xuân sang hè, hoa nở nhuộm vàng cả cánh rừng khiến cho nhiều người phải để mắt tới. Loài hoa này được người dân địa phương gọi với cái tên rất dân dã là hoa Gầm. Đến Di tích Quốc gia đặc biệt tại Đông Triều, hành hương lên núi Bảo Đài, nơi Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập Niết bàn, cùng với những cây tùng cổ thụ, rừng trúc và rừng mai vàng Yên Tử, rừng hoa vô ưu sẽ mang lại cho du khách những khám phá mới nơi thánh địa Trúc Lâm…

Bài khác nên xem

BHD.GĐPT Thừa Thiên phân ưu

KHÁNH HÒA: MỪNG ĐỆ NHẤT CHU NIÊN GĐPT PHẬT MÔN- HUYỆN VẠN NINH

Huệ Quang GĐPTVN

Bình Thuận: BĐD GĐPT Huyện Hàm Tân vấn an và chúc Tết chư Tôn Đức

Huệ Quang GĐPTVN