Chuyện Áo Lam : Một Con Đường

MỘT CON ĐƯỜNG

Tôi gia nhập GĐPT  Giác Đạt năm 1965 năm đó đã được 7 tuổi. Chùa rất gần nhà và người anh cả  của tôi đã tham gia đoàn Nam Oanh Vũ trước đó dẫn tôi đi. Năm 1967 anh bệnh qua đời ở tuổi 12, vong linh thờ tại chùa Vạn Thọ, đây cũng là lý do tôi chuyển sinh hoạt về chùa Vạn Thọ, Gia Đình Phật Tử Chánh Thọ từ đó đến nay.

Khởi đầu, gia đình tôi ai cũng biết cho con em mình đi sinh hoạt Gia Đình Phật Tử rất tốt, không sợ chúng lêu lỏng, bụi đời nhiễm bao thói hư tật xấu, nhưng sau một thời gian thấy bạn bè đến nhà hay nô đùa, ca hát, làm thủ công  bày trí  góc đoàn, lâu lâu lại ba lô đi trại, rồi lại đi trại qua đêm, trại huấn luyện mấy ngày đêm… riết rồi trong nhà cứ tưởng là mình vô chùa chủ yếu là vui chơi, mà vui chơi là một thứ thụ hưởng xa xỉ đối với những gia đình lao động cần cù nên khi không vừa ý thì người lớn cứ hăm he lấy đi những thứ mà trẻ thơ rất thích đó, và nhiều lúc giận dữ đã cấm không cho mấy bé đến chùa vui chơi nữa, cũng  từ đó sinh tâm ngăn cản bớt những khoảng thời gian sinh hoạt mà gia đình tôi cho là không cần thiết.

Thật ra, từ ngày đi sinh hoạt lối suy nghĩ và nếp sống bé thơ tôi có nhiều thay đổi, mà thay đổi bên trong thì ít có ai để ý vì cũng chẳng ảnh hưởng chi  đến những người chung quanh nhiều. Mùa mưa đến, niềm háo hức của đứa bé theo đám bạn học ra “ Khăn đen suối đờn”  bắt dế đã không còn nữa (Khăn đen suối đờn là một địa danh của một xóm nhỏ gần Lăng Ông Bà Chiểu, ở chỗ đó chỉ có con rạch nhỏ – không có con suối nào), những cái lon đựng cỏ và cát để nuôi dế cũng được dẹp bỏ, không còn cái cảnh ngắt đầu dế cắm vô tăm tre để “khích động” mấy con dế đá nữa. Tết đến trẻ em nào không mê Bầu cua cá cọp hay đánh bài ba lá trong xóm, thế mà đi sinh hoạt thường xuyên một chút thì bé tôi cũng không thích bài bạc dù là đánh chơi đi nữa cũng không đụng tới.7, 8 tuổi lũ trẻ chúng tôi thường hay bơi lội ra sông khi nước lớn, nước cạn thì vác rỗ rá đi cào “chem chép” dưới ao (loại giống con nghêu nhưng dẹp và không có nhiều thịt) hay hái trái trứng cá, bình bát, làm giàn ná bắn chim, ngâm keo bắt chuồn chuồn, bắt quít tàu… tôi đều bỏ hết. Cái thú vui theo mùa của tuổi nhỏ chỉ còn tạt lon, tạt hình, bắn bi, đánh đáo…nói chung là chỉ chơi những trò không làm hại loài vật thôi. Đọc câu chuyện con chim Oanh Vũ tôi không còn thích bẫy chim về nuôi nữa; đọc câu chuyện chú điệu phóng sanh tôi cất bỏ luôn những chậu nuôi cá, dù sau này người ta tặng những con cá lớn như ngân long, tai tượng, cá chép, cá cảnh nhiều màu tôi cũng không nhận.

Để làm việc nhà. Mỗi ngày từ sáng đến tối khuya mẹ và mấy chị em phải làm hàng ra chợ bán. Một sạp hàng và hai quang gánh, 4 giờ sáng tôi đã bị lay dậy để xay đậu, lọc và nấu sữa đậu nành, nhồi bột cho người chị khác nấu chè tới 6:30 đi học ở trường Nam Tỉnh Lỵ cũng gần nhà. Mẹ bán thức ăn chay nên những ngày 14, 15- 30, mồng 1 tôi phải phụ suốt, có khi đến 4 giờ sáng đi ngủ thì 6 giờ đã dậy phụ nấu chè rối. Tóm lại những công việc như nấu 5 lít gạo, nạo 20 trái dừa khô, vắt cả trăm miếng đậu rồi giả suốt đêm làm chả, nấu cà ry chay, làm sữa đậu nành, nấu cám heo…. tôi đều biết làm từ lúc nhỏ mặc dù không thích nhưng hoàn cảnh như thế thì mình cũng phải chịu. Có lẽ thời nhỏ tuổi vô tư nên không thấy nó cực nhọc mê mệt, nhiều bữa vào lớp ngủ gục không cưỡng lại được cho đến khi lên học lớp 6 trở đi mới thấy cái thiếu ngủ  nó trầm trọng làm khó khăn trong việc học hơn.

Gia đình tôi nhiều việc như vậy mà có thời gian để đi chùa sinh hoạt là khó, nhưng gia đình vốn thuần phục Phật Giáo nên dễ tính hơn khi biết mình đi chùa, có điều hay ngăn cấm trong những giai đoạn quan trọng như dự trại Tuyết Sơn, Trại Anoma Ni Liên, trại họp bạn mà cần phải đi qua đêm. Những lúc như thế tôi đều vâng lời ở nhà vì mẹ rất khó hay dạy chúng tôi bằng roi đòn. Có những khi  tôi có thể xin đi xem cinema hay tắm hồ dễ hơn là xin đi chùa  làm cho tôi phải đắn đo suy nghĩ sao mình làm việc tốt thì bị cấm đoán trong khi chúng bạn đồng đội đoàn Thiếu Nam 12 anh em chúng tôi chỉ có một người gặp hoàn cảnh giống mình.

Từ đó tự tôi có quyết tâm hôm nào xin đi chùa không được thì để túi đựng đồ lam ở ngoài trạm xăng trước đó, làm việc nhà xong đi bộ ra đó mặc vào và đi luôn đến chùa, đi bộ không dám đi xe đạp vì ngại cả nhà lo mất xe mà càng thêm giận. Lần thứ nhất về bị một trận đòn nên thân; lần thứ hai, thứ ba cũng vậy. Hình như đến lần thứ 8, thứ 9 gì đó thì mẹ mới bàn với các chị thôi để nó đi chùa không có hại gì miễn nó làm xong hết chuyện nhà thì không sao.

Thế là tôi đã mở được “Một con đường” cho mình.Nói như thế chứ chuyện nhà của tôi làm sao xong được nên lâu lâu cũng bị cấm và tôi cũng cố quyết mà đi. Đi chùa! Cả nhà tôi từ đó không còn ngăn cấm ngặt nghèo như trước nữa. Thoắt một cái tôi đi chùa với đồng phục Gia Đình Phật Tử đến nay  đã hơn 40 năm.

Đức Quảng

Bài khác nên xem

Nhớ về Anh Nguyên Y – Lương Hoàng Chuẩn

datthinh

Tính Chất Văn Nghệ Gia Đình Phật Tử – Đức Quảng

ducquang

Nhạc Karaoke: Hôm Nay Họp Đoàn – Tâm Nguyện

ducquang

1 comment

Lưu Ly 27/12/2011 at 22:15

Em quen biết anh và đi chung với anh trên Con Đường Lam Quảng Đức đã hơn 10 năm rồi, nhiều lần cũng muốn hỏi về thời ấu thơ của anh, nhưng ngại đành thôi. Đọc được bài này coi như thoả mãn nhu cầu của em “được ấp ôm” nhiều năm qua.

Hoàn cảnh mỗi ACE áo lam đều khác nhau nhưng cái cảm nhận: đi chùa sinh hoạt thì tự thân mình thấy càng ngày càng tốt hơn (bên trong tâm hồn mình) chứ bề ngoài ít thấy (vì mình có khoe chuyện mình tốt làm chi nhỉ???). Và, bản thân em cũng vẫn còn bị cấm đoán (thuở nhỏ) và đến hôm nay, dù 32 tuổi rồi, thế mà đôi lúc gia đình cũng vặn vẹo: “Mày đi hoài, có kiếm được đồng nào nuôi vợ con đâu?”

Nghĩ cũng lạ, chẳng lẽ người ta chỉ sống bởi cơm ăn áo mặc hay sao?

Lưu Ly

Comments are closed.