Cảm Tạ Tình Lam – Đức Quảng

Đời người, ai không trải qua những trạng thái sinh lão bệnh tử – phiền não khổ đau! Tôi năm nay đã 54 tuổi, thú thật đời tôi mới vào nằm bệnh viện lần đầu. 37 năm trôi qua sống trong một bối cảnh xã hội từng trải những lúc cực kỳ khó khăn, ăn cơm độn bo bo, khoai mì lác, sắp hàng chờ phân phối bó rau, miếng thịt ôi, cá ươn chai nước mắm…bệnh gì cũng được phát thuốc “hoàng liên” khiến cho sự kiện vào bệnh viện đã trở thành một loại “xa xỉ” mà người nghèo không nên đến, huynh trưởng áo lam cố giữ mình cũng không nên biết bệnh viện làm chi, gia đình tôi gồm có 3 người  suốt một thời gian dài cho đến năm nay mới bắt đầu “nếm mùi” bệnh viện.

Những cơn đau bụng khi ăn uống khó tiêu cứ dồn dập đến, mới đầu là vài tháng, sau đó là vài ngày, rồi cách ngày đã cho tôi biết là “nghiệp bệnh” đã đến khó lòng mà tránh khỏi nên đã cùng gia đình sắp xếp một ngày thong thả, tức là sau lễ Phật đản, các phật sự đã xong sẽ buông tay cho nghiệp lực cuốn hút và kéo mình đi. Ngay lập tức, phòng khám chuyển qua trạng thái cấp cứu không được về nhà, “tóm” lấy tôi đi suốt 1 tháng rưỡi mới khỏe trở lại.

Dường như đã được dự báo về điều kiện “đủ” để tôi phải thọ bệnh như trước đó vài ngày chị Lan (Chánh Đạt) mở lời khuyên tôi nên đi khám ở bệnh viện Bình Dân, nơi đó có ông bác sĩ họ hàng của chị đang làm việc sẽ tiện việc gởi gắm. Điều tôi lo nghĩ nhiều nhất là chi phí điều trị sẽ khôn lường, sẽ làm nhọc tâm người bạn đời cũng đang phục vụ gia đình Lam khó khăn xoay sở. Bảo hiểm y tế! có, tôi có mua bảo hiểm y tế nhưng ngày 30 tháng 4 vừa rồi là hết hạn, đi mua thêm thì được hẹn tới tháng 7 mới cấp thẻ – thế cũng như không! Chọn một ngày “đẹp trời” đi đến phòng khám quận từ sớm – không bảo hiểm y tế phải khám theo dịch vụ xem chừng khỏi phải đợi lâu. Đến khoa siêu âm màu chuyên viên đã phát giác ngay túi mật bị sỏi viêm sưng, đề nghị phẫu thuật lên tuyến trên ngay (tuyến dưới không có khả năng) Họ cũng đề nghị nên đi bệnh viện Bình Dân chuyên khoa (vì không có bảo hiểm nên không lo trái tuyến) Thay vì tôi được xe Ambulance chở đi với tiếng còi ưu tiên  kêu gọi xe cộ nhường đường thì phải ngồi sau xe honda cho vợ chở với tiếng còi “ Bin Bin ” không ai buồn tránh.

Vào bệnh viện làm thủ tục và được xét nghiệm theo diện cấp cứu lần nữa, tôi được chuyển đến phòng chờ mổ, lúc này sao lại lên cơn sốt! Thế là phải uống thuốc giảm sốt nằm chờ đến chiều không được ăn uống chi. Sau khi người nhà đóng tiền và ký giấy cam kết nếu không nội soi được thì mổ hở, y tá cho tôi nuốt ống thông từ mũi vào bao tử hơi khó chịu rồi cũng yên.

Vào phòng mổ mỗi người hỏi một câu, tôi bị phân tâm mà lịm ngay, mất tất cả cảm giác và ngủ sâu lúc nào không biết đến chừng tỉnh lơ mơ trên cái băng ca di chuyển nghe ào ào, có tiếng ai gọi mình: “anh Phụng , anh có nhớ em không? Em tên là Thanh, thiếu nữ gia đình Thiện Hoa 3 nè!” Tôi cố mở mắt ra mà nhìn thấy một gương mặt tối dưới ánh đèn lấp lóe phía sau rồi gật đầu mê tiếp – ai dè trên đường trồi lên dương gian mà cũng gặp áo lam! Tỉnh lại lần nữa thì thấy mình đang nằm trong phòng hồi sức mồ hôi vả khắp người, vợ ngồi quạt không ngơi tay, ngó qua hai bên ai nấy đều ngồi quạt cho người nhà mới mổ xong như vậy – xa xa có 2 cái quạt trần đang quay vù vù trên lối đi khác với mình thấy với cảnh trong film là phòng hồi sức rất vệ sinh và có máy điều hòa – đúng là xứng với tên gọi – Bệnh viện Bình dân!

Sáng được chuyển qua phòng hậu phẫu, có máy lạnh. Lúc này người nhà không được ở lại. Phòng 3 giường chỉ một giường là quay cao được đã có người nằm, còn 2 giường bệnh còn lại bị “liệt” bằng phẳng và kêu ken két khi trở mình. Phòng có toilet, tủ lạnh và 1 cái ti-vi treo ăng-ten bằng cây móc áo cong queo bằng nhôm! Âm thanh còn tốt nhưng hình ảnh bị nhiễu sóng lơ mơ – chắc họ lo xa cho bệnh nhân, bệnh mà xem ti-vi nổi gì! Nghe nói lầu 2 này chỉ có 2 phòng được như thế mà mình đã được 1, cũng là nhờ bác sĩ quen “gửi gắm”. Lúc này tôi mới biết mình được nội soi, không có mổ hở. Thế cũng tốt, không thôi thì bị mang vết sẹo dài trên bụng rồi, nhưng cũng phải mang ống cho xả nước mật ra một cái túi – mỗi ngày thay túi 3,4 lần, mang như thế cả tháng trời như dắt theo tàn tích của nghiệp bệnh, bệnh nhân cùng phòng ai cũng mang cái túi như vậy, chúng tôi mỗi lần ăn xong phải đi bộ cho ruột hoạt động và phải mang theo cái túi đó nên thường gọi vui là “đến giờ dắt chó đi chơi rồi!” Không biết do ảnh hưởng của thuốc mê hay vừa trải qua cơn phẫu thuật mà đầu óc lúc này dường như “rỗng không” – chẳng phải rỗng không là một trạng thái vô chấp, vô lo hay sao! Và tôi vô lo bình thản được mấy ngày như vậy. Chợt nhớ đến điều giác ngộ thứ hai trong kinh Bát Đại Nhân Giác: “Đa dục vi khổ, sinh tử bì lao, tùng tham dục khởi; thiểu dục vô vi, thân tâm tự tại.” Bì lao là cái đau của da thịt và cơ thể mà tôi phải chịu đựng lúc này. Khi nào thích ăn ngon – bây giờ mổ mật đã đau đớn mà ăn uống rất khó khăn – ngon bao nhiêu khổ bấy nhiêu! Rồi nhớ đến những cơn đau như xé thịt của những bà mẹ sinh con, đúng là vĩ đại.

Tối hôm trước, quý anh chị áo lam ban hướng dẫn Quảng Đức, các đơn vị gia đình đã đến chờ tin lành phẫu thuật xong, không được gặp mặt cũng yên lòng ra về. Tối hôm sau lại đến và đến mỗi lúc mỗi đông. Anh chị và các em có lòng biếu tặng quà cáp và tiền bạc tận tình, những ngày sau đó, BHD Trung ương, Hải ngoại, Úc đại lợi, Gia Định…những cú phone từ Mỹ, Úc gọi đến và hỗ trợ lo lắng. Cái lo chi phí trang trải trong điều trị đã được tình lam hóa giải bình yên, làm mình xúc động và cảm thấy còn “mắc nợ” tình lam quá nhiều nên khi ngồi bật dậy được tôi đã phát họa, vẽ vời ra những ý tưởng phục vụ Gia Đình Phật Tử trong phần việc đã được phó thác trước đó để trang trải phần nào! Dù là thời đại “bùng nổ thông tin”, có em đem laptop vào bệnh viện để tiện cho tôi liên lạc ra thế giới bên ngoài nhưng mắt nhìn màn hình các dòng chữ cứ lấp lánh không rõ và cảm thấy rất mệt nên gửi vài tin thì không sử dụng nữa, đúng là “Thân hòa đồng trú” trong cơ thể chỉ một tạng phủ bị bệnh thì tất cả các thứ khác đều yếu kém theo.

Trong Luận Bảo Vương Tam Muội có câu: “ Nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không tật bệnh – Không tật bệnh thì tham dục dễ sanh” Lúc thọ bệnh rồi thì các mong muốn đều giảm thiểu bằng không, trong đau đớn không ăn, khó ngủ chỉ mong cho thân thể mạnh khỏe bình thường, để khỏe mạnh trở lại thì mất thời gian, chịu giày vò và tốn kém – đúng là sức khỏe quí hơn vàng, lời người xưa luôn đúng. Lại nhớ trong kinh Niết Bàn: “Vô bệnh là điều rất lợi” Nếu thân thể không bệnh tật thì làm được nhiều điều, đi đâu cũng không ngại. Cơn nghiệp bệnh hôm nay xảy đến và kéo dài để biết tình lam bao dung và rộng mở, và cũng là một sự kiện cảnh tỉnh, nhắc nhở cho mình biết cơ thể đang thời kỳ rệu rã vì hư dối không thật – không còn nhiều sức lực; không còn nhiều thời gian để sải chân trên đường dài rồi. Những vấn đề còn lại sẽ trông cậy vào tuổi trẻ, sức khỏe của các em.

Xin chân thành cảm ơn tất cả quý anh chị, các em và bạn hữu đã đến thăm, gọi điện thăm, hỗ trợ tinh thần và vật chất để tôi biết mình không có đi một mình trên con đường lý tưởng, đầy chông gai gian khó này.

Đức Quảng

Bài khác nên xem

BHD GĐPT Dak Lak Phân ưu HTr Như Hòa – Võ Tấn Sáu mệnh chung

Bản tin số 4 – Lễ tang HTr cấp Dũng : Nguyên Ngộ Nguyễn sĩ Thiều

phuocthanh

BHD GĐPT Bình Định thành kính Phân Ưu

phuocthanh