Cảm Niệm của BHD Thừa Thiên

CHỈ MỘT VẦNG TRĂNG

Bài cảm niệm của BHD GĐPT Thừa Thiên

Trong Lễ tang của cố Huynh trưởng Cấp Dũng Gia Đình Phật Tử Việt Nam

Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

Mười chín giờ mười lăm phút, ngày hai mươi bốn tháng sáu năm Tân Mão, tức là ngày hai mươi bốn tháng bảy năm 2011.

Đó là thời điểm anh Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều, đã trút hơi thở cuối cùng, anh ra đi một cách an lạc nhẹ nhàng, chia tay những người thân trong gia đình, chia tay gia đình Lam trong nước cũng như trên thế giới.

 Đây là một chuyến đi mà Anh của chúng ta đã có sự chuẩn bị. Những ngày cuối cùng trước đó, khi anh đang còn nằm trên giường với thân thể hao gầy vì tuổi già, nhưng trí tuệ anh vô cùng minh mẫn. Anh đã biết vào ngày hai mươi bốn này BHD Thừa Thiên sẽ tổ chức ngày Hạnh truyền thống Ngành nữ. Anh cũng biết rằng vào ngày hôm ấy, BHD Trung Ương cũng đang đang tổ chức Hội nghị Trưởng Ban, Tổng Thư Ký, UV Nội Vụ. Tối hôm trước đó, chị Nguyên Phán Bùi Thị Tuyết, Phó Trưởng Ban BHD phụ trách ngành Nữ, một người em thân tín của anh, chị đã đến thăm anh, báo anh biết về mọi sự chuẩn bị cho Ngày Hạnh truyền thống, và mong anh an tâm đừng lo lắng. Nằm trên giường, dù sức đã yếu, anh cố gắng kiểm soát thân thể để dõi theo các Phật sự. Cuối ngày hai mươi bốn, anh Tâm Hương Nguyễn Xuân Tín, Phó Trưởng Ban BHD Thừa Thiên, Xử lý thường vụ Trưởng Ban, sau khi tham dự ngày Hạnh đã vội vã về nhà thăm anh và báo cho anh biết kết quả hoàn mãn của ngày trại. Dù không còn nói được nữa, dù chưa nghe tin tức từ BHD Trung Ương, nhưng trên khuôn mặt anh đã lộ rõ niềm vui và sự lạc quan tin tưởng. Sau đó một tiếng, cánh tay trái của anh đã duỗi thẳng ra, như thể nhắn gởi với người thân và gia đình Lam rằng anh lòng không còn vướng bận lo lắng gì nữa cả, anh nhẹ nhàng thanh thản ra đi. Khi biết tin anh ra đi vào thời điểm đó, anh chị em gia đình Lam dù buồn, buồn lắm, nhưng thật tình ai cũng nghĩ đây là sự ra đi có phước báu, có thiện duyên: chính trái tim kiên trung, tấm lòng tận tụy đối với tổ chức suốt cả cuộc đời đã giúp anh chọn được giờ lành để ra đi như thế.

Anh ra đi, tiền tài vàng bạc để lại cho gia đình, cho tổ chức anh không có, nhưng anh có một gia sản đồ sộ, vô giá về mặt tinh thần để lại cho những người thân, cho gia đình Lam chúng ta.

Viên ngọc sáng nhất mà gia đình huyết thống của anh và gia đình Lam Việt Nam thừa hưởng là tinh thần kiên trung không gì lay chuyển của anh đối với lý tưởng, đối với hướng đi của tổ chức. Là một người lãnh đạo tổ chức từ rất sớm, anh là người cùng tham gia vạch hướng đi, góp phần hình thành Nội quy, Quy chế của tổ chức GĐPT Việt Nam. Chính vì thế, hơn ai hết, anh là người chịu trách nhiệm đưa tinh thần của lý tưởng, của Nội quy, Quy chế vào đời sống tu học của tổ chức Gia Đình Phật Tử. Đó là lý tưởng “đào luyện thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo”. Mục đích ấy, lý tưởng ấy mới thoạt nghe tưởng chừng như đơn giản, nhưng để thực sự hiểu được tinh thần của lý tưởng, đưa lý tưởng vào cuộc sống của gia đình Lam, thiết nghĩ không phải là chuyện đơn giản. Anh đã từng chia sẻ và căn dặn với anh chị em Huynh trưởng rằng chúng ta phải luôn luôn suy nghĩ, nói năng và hành động đúng với lý tưởng cao đẹp ấy. Vì thế, anh luôn khẳng định rằng GĐPT là một tổ chức phi chính trị, đó là một tổ chức tôn giáo thuần túy có hệ thống, có kỷ cương, lấy việc giáo dục tu học làm nền tảng. Người huynh trưởng phải hiểu được mục đích của GĐPT, phải nắm cơ chế sinh hoạt của tổ chức, phải luôn bám theo mục đích ấy, cơ chế ấy trên con đường tu học cho bản thân, hướng dẫn đàn em, và nhất là ứng xử cho phù hợp trong đạo cũng như ngoài đời. Trong những thời điểm gay go nhất của tổ chức, đã có nhiều huynh trưởng, nhất là huynh trưởng lãnh đạo đi sai lệch hướng đi của tổ chức. Riêng anh, anh luôn luôn khẳng định hướng đi của mình, quyết tâm không từ bỏ mục đích, lý tưởng của tổ chức, “quyết không biến chất, không làm người hai mặt” “thà đi về hướng Tây mà chết!”, anh đã từng phát biểu như thế trong những lúc dầu sôi lửa bỏng nhất của tổ chức. Mặc ai chạy theo danh lợi tiền tài của thế tục, suốt 60 năm mặc chiếc áo lam cho đến khi nằm xuống, anh quyết không bị khuất phục trước những cám dỗ tầm thường ấy, ung dung với những bước đi uy dũng đầy trí tuệ theo đúng hướng đi của tổ chức, bởi trái tim anh luôn dạt dào hương lam và cả cuộc đời chỉ biết nhìn về phía có ánh trăng của lý tưởng màu Lam. Bài thơ sau đây chúng em viết về tinh thần kiên trung ấy  nhân  sinh nhật thứ bảy mươi của anh.

                        Bảy mươi xuân đến rồi sao

                        Mà lòng anh vẫn dạt dào hương Lam

                        Vượt đêm dài những gian nan

                        Ung dung chỉ một vầng trăng trên đầu

                        Bóng anh sáng quá, phía sâu!

Tính cách kiên trung ấy của anh không phải người đời ai cũng có. Tính cách kiên trung ấy của anh không phải Huynh trưởng lãnh đạo của tổ chức GĐPT ai cũng có. Và tính cách kiên trung ấy không phải tự nhiên mà có. Được sinh ra trong một gia đình có truyền thống Phật giáo, anh đã tìm đến với Phật pháp từ hồi còn rất bé. Những lời giảng của quý ôn cùng những trang sách giáo lý đã được người đoàn sinh oanh vũ Nguyên Ngộ lắng nghe và tìm học. Anh chiêm nghiệm pháp Phật, hiểu được lý của Như Lai và luôn hành trì tu học theo những chân lý ấy. Thầy Thích Thái Hòa, bậc đạo sư mà anh và chúng em luôn kính mến và ngưỡng mộ, trong Lời truy tán buổi lễ phủ kỳ cho anh , đã nói rằng kiếp người của anh không phù hư, không huyễn hoặc như bao nhiêu thân phận kiếp người, sở dĩ anh có được lòng trung kiên, quyết giữ gìn khí tiết,  bởi vì trên đầu anh có Phật, trong trái tim anh có tổ chức GĐPT. Phải suy nghiệm thật sâu mới hiểu hết ý của lời nói trân quý ấy.

Trí tuệ lãnh đạo chính là gia sản thứ hai anh đã để lại cho chúng em. Với bản tính trầm lắng, cương nghị, và chậm rãi, anh luôn nhìn nhận vấn đề, đánh giá sự việc một cách rốt ráo đúng với bản chất của chúng. Anh đã từng là giáo viên dạy Văn và Sử tại các trường Bồ đề thành phố Huế. Vì thế, không lạ gì những bài viết của anh, những phát biểu của anh có nhiều lời thơ lời văn rất ý vị và đầy cảm xúc, vì thế, không lạ gì anh nắm vững kiến thức về lịch sử trong nước cũng như trên thế giới, nhất là các điển tích. Với trí tuệ Phật học sâu rộng, cộng với khả năng ngoại điển thâm thúy, anh thường có những chia sẻ, những lời phát biểu đầy trí tuệ và ấn tượng. Đó là những bài học, những hình ảnh ẩn dụ có bố cục chặt chẽ với những hàm ý thâm sâu và đầy Phật tính. Đó còn là những góc nhìn, những nhận định thấu tình đạt lý. Với bộ óc lãnh đạo nhạy bén, anh còn có tài tiên định và dự báo những sự việc có thể sẽ xảy ra để chuẩn bị trước giải pháp ứng phó. Nhiều sinh hoạt của Tổ chức đã được tiến hành hoàn mãn nhờ khả năng tiên định và dự báo của anh. Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Cố vấn Giáo hạnh của GĐPT Việt Nam, trong nhiều bài viết của thầy kể lại những kỷ niệm hồi thầy còn là Huynh trưởng GĐPT tại Thừa Thiên, đã tán dương anh với nhiều phẩm chất, trong đó có khả năng tư duy sâu sắc thể hiện qua lời nói hay trên cây bút viết bình luận của tổ chức GĐPT. Tại Thừa Thiên, mỗi lần có lễ lượt, có chu niên, có họp mặt, là anh chị em gia đình Lam lại được sung sướng nghe anh phát biểu, thích thú với những câu chuyện anh kể, và thấm thía với những hàm ý vừa súc tích vừa thâm thúy. Trí tuệ sắc sảo như thế, lại thêm khí tiết làm người của anh đã giúp anh phát lên những câu nói dứt khoát và đầy uy lực. Trí tuệ ấy, nếu nhìn thật kỹ, là kết duyên từ đức tin vào Tam bảo, từ đức tính trung kiên đối với tổ chức, và từ cá tính cương trực, từ trái tim bất nhị nhất quán của anh. Trí tuệ ấy của anh còn là tài sản kế thừa các bậc thân sinh, của tổ tiên huyết thống trong gia đình anh, một gia đình có nếp sống lễ nghi gia giáo, luôn thâm tín với Tam bảo.

Đừng nghĩ Anh Nguyên Ngộ của chúng ta là người khô cứng, nghiêm khắc và chỉ biết lý luận, đánh giá. Đúng là nhìn bề ngoài, anh là người ít nói, rất nghiêm khắc, và khi nói, chỉ biết nói đúng sự thật. Đó là tính cách của anh. Đó cũng là cách mà một Huynh trưởng lãnh đạo như anh cần có để điều khiển tổ chức, để giáo dục đàn em. Nhưng bên trong vẻ nghiêm khắc ấy là một Nguyễn Sĩ Thiều với tâm từ bi, dạt dào tình lam. Mới đây thôi, vào chiều mồng hai tết Tân Mão, ngày truyền thống anh chị em GĐPT Thừa Thiên đến chúc tết anh, anh đã căn dặn anh chị em trong BHD như sau: “trong tất cả các việc làm của chúng ta, chúng ta không có ai thù hết, chúng ta không ghét ai hết, chúng ta thương tứ sinh từ phụ. Đạo Phật được người ta gọi như vậy. Tất cả đều là chúng sanh đau khổ đáng thương xót. Nắm vững phương châm Đại bi tâm của chư Phật thì nhất định chúng ta sẽ thành công trong mọi công việc”. Đó cũng là lời dặn dò đầu xuân cuối cùng của anh đối với anh chị em BHD Thừa Thiên trước khi anh ra đi. Trong đời sống hàng ngày, hễ có một vị khách đến nhà, nhất là những đoàn sinh GĐPT, thì anh chị và gia đình đều niềm nở đón tiếp. Những lúc đó, khuôn mặt anh vui lên, có khi anh nói nhiều hơn, bảo chị xuống bếp tìm thứ gì quý giá để mời khách, mời anh chị em. Ngoài một số người thân trong gia đình huyết thống, gia đình lam chính là tổ ấm thứ hai của anh. Những buổi kỵ giỗ  hay sinh nhật anh hằng năm anh chị em gia đình lam đều có mặt. Đó là những lúc thấy anh tươi cười, nói năng sung sướng. Có khi ngồi với anh chị em trong Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên, anh thường hỏi thăm những Huynh trưởng trước đây đã từng sinh hoạt với anh, tìm hiểu gia cảnh từng anh chị ấy, những lúc đó khuôn mặt anh thoáng buồn, rồi anh ngồi im lặng.

Phẩm hạnh của anh, cả cuộc đời hy sinh cho tổ chức của anh đã được các bậc tôn đức, các anh chị em trong gia đình Lam mến thương, kính phục, và ngưỡng mộ. Đó là sự kính mến đầy đạo tình không biên giới không phân biệt. Trong những ngày tổ chức tang lễ, Hòa thượng Thích Như Đạt đã vào thăm anh hai lần. Có câu chuyện dễ thương và cảm động về lễ viếng của thầy. Sau khi đã đứng bên linh cửu của anh, thầy nhìn di ảnh của anh thật lâu rồi nói với gia đình rằng thầy muốn xin một tấm ảnh của anh để mang ra chùa Long Quang sớm hôm kinh kệ cho anh. Chị Thiều và các con của anh vội vã đi tìm một tấm ảnh của anh để kính gởi lên thầy. Vì gấp vội chưa kịp gói tấm ảnh, thầy đã tiếp nhận, hai tay của thầy ôm lấy tấm ảnh của anh, áp tấm ảnh của anh lên ngực, lên trái tim của thầy, rồi hoan hỷ chậm rãi bước ra xe. Đó là tình thương, đó là sự ngưỡng mộ, đó là sự trân quý. Dù trong thời gian qua có nhiều chướng duyên thầy trò chưa kịp gần nhau để cảm thông chia sẻ, nhưng trong lòng thầy hình ảnh của anh vẫn luôn đẹp, luôn được quý mến. Trước khi anh nhắm mắt, Hòa thượng Thích Lưu Thanh, niên trưởng chùa Trúc Lâm, Cố vấn Giáo  hạnh của GĐPT,  đã đến thăm anh, đã ngồi bên anh thật lâu. Thầy nói, “Anh Thiều ơi, giờ phút này thầy không dám lấy lời pháp khuyên anh vì biết anh là người thâm tín với với Đạo, chỉ mong anh chọn Cửu phẩm liên hoa để thác sanh và tái sanh để tiếp tục dìu dắt anh em”. Lời chia sẻ ấy thật chân thành nhưng tràn đầy sự trân trọng và tin tưởng. Thượng tọa Thích Thái Hòa, Cố vấn Giáo hạnh của GĐPT Việt Nam, vị thầy mà anh hằng kính mến vì có nhiều duyên đạo, vì hợp cảm về tính cách, đã thường xuyên đến thăm anh. Những ngày trước khi anh ra đi, thầy đã đến bên gường anh nằm, nắm lấy tay anh, thầy nhìn anh với một niềm thương mến sâu xa vô bờ bến. Trong những ngày tang lễ vừa qua, thầy Thích Hải Ấn, trú trì chùa Từ Đàm, thầy Thích Khế Chơn, trú trì chùa Thiên Minh, Ni Sư Thích Nữ Như Minh, trú trì chùa Tây Linh, và thêm nhiều chư tăng, ni đã đến thăm anh.

Gia đình áo lam, trong những ngày qua, đã vô cùng xúc động khi nghe tin anh qua đời. Các trang tin trong và ngoài nước trên diễn đàn áo lam đã đưa tin về tang lễ. Mọi đoàn viên áo lam đang hướng về Huế, nơi tổ chức tang lễ của anh. BHDTƯ GĐPT Việt Nam cũng như BHD GĐPT Thừa Thiên đã đứng ra lo tang lễ cho anh. Anh Cả Nguyễn Châu đã viết về anh như sau “ Anh là người anh suốt đời trung kiên với lý tưởng, giữ vững lập trường không thoái chuyển được trong mọi hoàn cảnh, dù cuộc sống quá ư đơn sơ đạm bạt, nhiều thiếu thốn, nhưng phú quý không làm anh ham muốn, uy vũ không làm anh khuất phục.” Trong những ngày qua, đã có rất nhiều đơn vị GĐPT trong nước đến viếng anh. Trên thế giới, anh em áo lam đã rất xúc động khi biết tin anh ra đi. Đã có rất nhiều bài viết với nhiều xúc cảm về anh trên trang nhà : GĐPT VN trên thế giới, trang nhà GĐPT VN. Bên cạnh đó anh chị em còn chung tay góp sức kẻ ít người nhiều để góp phần tạo duyên cho việc tổ chức tang lễ.

Anh ra đi, tổ chức GĐPT mất đi người anh kính mến, nhưng những người chịu nhiều mất mác trực tiếp nhất đó là chị Thiều, các con của anh chị, và toàn gia đình huyết thống của anh. Chúng ta hãy nghe những lời thân thương của chị Nguyên Tuệ trong một bài viết về cuộc sống hằng ngày của anh chị tại số 10 đào Duy Từ như sau:”và bao giờ cũng vậy, tiếng cười ha hả vừa đi vừa vọng từ trong bếp ra của chị làm mát lòng những người khách đến thăm. “Xin có mặt, anh cần chi có ngay!” Khi thì tay ông chỉ ra phía cổng, đấy là hãy gọi cà phê, nếu chỉ vào phía bếp thì hãy trà nóng, bánh quy ngon. Chị luôn luôn đon đả vui vẻ, vui vẻ đến bất ngờ và dai dẳng. Tôi chưa từng bắt gặp ở chị một phút ngắn bất bình. Lúc nào cũng tươi vui cho dù đời có như thế nào với chị. Ít nhất là 30 năm qua ông chỉ ngồi và chỉ huy – không làm ra tiền, không lao động công ích, vậy mà chị vẫn vui tươi như ngày ông còn trẻ khỏe”. Đó là anh của hàng ngày, đó là chị của hàng ngày. Dù anh tuổi già sức yếu, nhưng mọi việc xung quanh đều có chị, chị lo cho anh với niềm vui của một người vợ. Cao quý hơn, chị lo cho anh vì biết anh đang tôn thờ một lý tưởng, và chị cũng chia sẻ với anh trong việc tôn thờ lý tưởng ấy, dù biết đã và sẽ gặp nhiều nguy khó, chướng ngại. Chị không những lo cho anh, mà chị còn lo cho chúng em, những đoàn sinh áo lam nữa. Sự chu đáo từng li từng tí của chị, làm chúng em có cảm giác như chị là một người mẹ, một người bà thân kính. Chúng em làm sao quên hình ảnh chiếc kẹo que mà chị đã chuẩn bị sẵn để gởi về cho các cháu mỗi lần chúng em đến dự lễ tại nhà anh chị.  Hạnh phúc thay anh cả Thiều của chúng ta có được chị Thiều với những phẩm hạnh như thế. Các con của anh chị cũng là những người hiền ngoan, có tâm đạo, luôn luôn xem anh chị như những tấm gương sáng, và quyết chí đứng bên anh trong mọi hoàn cảnh, dù biết làm như thế không phải là chuyện dễ dàng, đơn giản. Sau khi tiễn anh đi, ngôi nhà này sẽ vắng bóng anh. Chúng em biết chị và gia đình sẽ buồn lắm. Chúng em, những đoàn sinh áo lam Thừa Thiên, những người đã từng gần gũi anh chị và gia đình, xin hứa sẽ thường xuyên đến nhà, thắp nhang cho anh, và vấn an chị cùng toàn gia đình. Trong những ngày qua dù buồn, nhưng chúng em chắc chắn chị và toàn gia đình cũng bớt đi phần nào nổi buồn vì bên cạnh chị đã có những người thân, đã có tổ chức cùng nhau góp sức chung tay để lo tang lễ cho anh.

Hôm nay, ngày mồng hai tháng bảy âm lịch, BHD Thừa Thiên cùng toàn thể huynh trưởng và đoàn sinh, những người đã từng gần gũi anh, sát cánh bên anh trong mọi hoạt động Phật sự, đang tụ hội về đây bên linh đài của anh, để thăm anh lần cuối. Chúng em buồn lắm, nhưng thưa anh, nỗi buồn rồi sẽ qua đi, hình bóng anh sẽ còn mãi đó trong trái tim mỗi chúng em. Và tính cách của anh, tinh thần kiên trung bất khuất với tổ chức, trí tuệ rộng sâu và anh minh trong suy nghĩ và ứng xử, sẽ còn mãi đó, sẽ mãi là những viên ngọc sáng sách tấn chúng em trên con đường tu học. Chúng em sẽ tiếp tục bước theo anh, theo hướng đi của anh, quyết giữ gìn khí tiết của màu Lam, tinh tấn tu học, để xứng đáng là người đoàn viên của tổ chức GĐPT Việt Nam. Chúng em cầu nguyện mười phương chư Phật từ bi phóng đại hào quang tiếp độ hương linh của anh. Chúng em cầu mong nhờ phẩm hạnh của anh, nhờ năng lượng của anh, sau đám tang này anh em gia đình Lam sẽ đoàn kết hơn, sẽ gắn bó thêm, để Tổ chức của chúng ta anh em cùng nắm tay nhau tiến bước vững chãi trên con đường Đạo.  Chúng em xin kính dâng anh bài thơ viết về anh, về cuộc đời của anh, về những phẩm hạnh cao quý của anh:

                                    Nắng mưa vẫn bình thản

                                    Sau trước một vâng trăng

                                    Là anh hoa sen trắng

                                    Hương ngát giữa trời Lam.

 Đêm nay, những đêm thượng tuần của tháng bảy, trời tối đen và thinh lặng. Nhưng ở đây, trong ngôi nhà truyền thống và lịch sử này, có một vầng trăng luôn tỏa sáng. Vầng trăng ấy đã được hình thành từ Tâm bồ đề, của đại nguyện suốt đời trung kiên với lý tưởng đào tạo thanh thiếu đồng niên trở thành những Phật tử chân chính. Vầng trăng ấy đã không bị che khuất bởi những đám mây của tà kiến, của dục vọng tầm thường. Vầng trăng ấy luôn tỏa sáng sắc màu của trí tuệ, luôn lấp lánh ánh hào quang của Chánh đạo, luôn làm cho chân lý của đạo Phật  ngày mỗi quang minh, huyền diệu giữa thế gian.

 Đó là vầng trăng Nguyên Ngộ Nguyễn Sĩ Thiều.

 Nam mô Tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.

Bài khác nên xem

BHD GDPT Bình Định nguyện cầu Siêu Sanh Phật Quốc

phuocthanh

BHD.GĐPT Cam Ranh: Thành Kính Phân Ưu

phuocthanh

BHD GĐPT Thừa Thiên Chia buồn cùng BHD GĐPT Lâm Đồng và Tang quyến

phuocthanh