Thương Tiếc Một cánh Lam Non
Khi nhận được thông tin khấp báo của anh Ngô Thừa Diệp huynh trưởng cấp Tín Gia đình Phật tử Hồng Sơn từ những ngày đầu tháng mười hai, một em Oanh Vũ của gia đình phật tử Kim Long đã vĩnh viễn ra đi vì bị tai nạn trầm thủy. Chúng tôi đang tập trung họp để triển khai kế hoạch cho lễ Hiệp Kỵ sắp đến, một thông tin quá bất ngờ đã làm cho ai nấy đều xót xa cho sự ra đi của em, cảm động và lo lắng vì đến ngày thứ ba khi trầm thủy em mới thực sự để cha mẹ thấy được em.
Chúng tôi đã hẹn cùng đi với nhau để đến nhà thăm em, để được thắp nén nhang trễ muộn, khấn nguyện cho em được ấm cúng. Anh Diệp đã hướng dẫn nhiệt tình đưa đoàn đến với gia đình. Qua cuộc trò chuyện thăm hỏi từ anh Ẩn thân sinh của em, trước di ảnh nét mặt thật kháu khỉnh vậy mà….Đại diện cho đoàn anh trưởng ban Hướng dẫn Quảng Huỳnh – Nguyễn Đào Long chia sẻ trước hương linh em, và lời chia buồn sâu sắc thương tiếc đến với gia đình, chúng tôi đều cố nén nổi cảm xúc riêng mình để không khơi lên nổi buồn của một người cha vừa vĩnh viễn mất đi một đứa con trai yêu quý.
Qua lời kể chắp nối từng đoạn, từng thời gian và không gian, đúc kết lại câu chuyện như sau: Em có một phương danh thật đẹp Nguyễn ngọc Tiến pháp danh Vạn Thành là người con trai út trong một gia đình nghèo có đến tám người con (ngoài 2 anh chị đã lập gia đình, còn lại sáu anh chị em đều là Phật tử hiện đang sinh hoạt tại chùa Kim Long) ở ven quốc lộ 1 cách cầu Bà Di tỉnh Bình Định non cây số, thuộc thôn Huỳnh Kim – Xã Nhơn Hòa Huyện An nhơn. Em thực sự ra đi mãi mãi với tuổi đời vẫn còn non trẻ trong một buổi chiều khi trên đường quay lại chùa Kim Long nơi em đã sinh hoạt vui đùa cùng anh chị. Mới chín tuổi đầu, một cái tuổi luyến thắng ưa tìm tòi, bắt chước và hiếu động. sau khi đến xem các anh chị tập dượt bài múa dâng hoa để chuẩn bị cho ngày lễ chu niên của đơn vị.
Tất cả lam viên đều vui vẻ ra về sau hai tiếng đồng hồ luyện tập. Em lại dùng chiếc xe đạp mini quay lại chùa để lấy chiếc mũ để quên. Trước đó vài hôm những cơn mưa nặng hạt và liên tục cộng với việc tháo nước từ con đập hồ Định Bình Hồ Núi Một, nên lũ đã tràn về biến những khoảnh ruộng đang trổ đồng của các huyện trở thành những ruộng nước mênh mông, con nước thật hung dữ và chảy xiết, ngày càng nhiều và chảy mạnh. Tất cả xóm làng ở những nơi vùng trũng trong nháy mắt đã bị cô lập và bị cách ly với các tuyến đường quốc lộ những tuần lễ, khiến cho nổi lo âu của các gia đình trong vùng lũ mọi sinh hoạt chợ búa hay liên lạc với người thân đều vô hiệu.
Buổi chiều định mệnh ấy đã xảy ra em đã đến đập Thạnh Hòa 2 – người dân ở quanh vùng đã quen gọi đó là đập Bà Tài không biết tự bao giờ, trời cũng đã dợ mưa,nhưng nước vẫn còn chảy tràn qua con đập hơn hai tất nước, và chảy xiết qua một đoạn dài của đoạn đường đập tràn. Gặp một nhóm bạn cùng lứa tuổi, đều học chung một lớp đang vừa đi vừa nghịch nước, thấy vui em xuống xe cùng tham gia hòa dòng cùng các bạn, thật không may trợt chân bị nước cuốn trôi, các bạn của em vẫn còn rất nhỏ để nhận thức việc kêu cứu tức thì mà cùng kéo nhau chạy về nhà để báo tin cho ba mẹ của bạn, vội vàng vừa chạy bộ quên cả dép, vừa khóc, đến nơi không thấy con đâu chị Nhựt mẹ của em bủn rủn tay chân ngất xỉu, anh Ẩn người cha bạc phước của em vừa lo cho vợ vừa cầu cứu bà con cô bác xóm giềng cố gắng chống xuồng (thuyền độc mộc) theo dọc con sông Hà Thanh để cố tìm em với tia hy vọng mong manh có một sự mầu nhiệm đến với em.
Nhưng không, tất cả các nổ lực đều thất vọng khi cái bóng đêm của trời mùa đông đến rất nhanh, bỏ cuộc mọi người đều thất vọng trở về sau bốn giờ ra sức kiếm tìm. Tổ chức việc khấn cầu vào ngày thứ hai, cho đến mãi ngày thứ ba, thật bất ngờ khi họ đã phát hiện được em đang nằm trên một khoanh cát nổi giữa sông, chân em vẫn còn ngâm dưới nước, vậy là sau ba ngày hai đêm dong ruổi mặc cho dòng nước cuốn, đã đưa em đến thôn Thọ Nghĩa thuộc huyện Tuy Phước cách nơi em bị trượt chân đến hơn tám ki lô mét đường chim bay. Ngày tiễn em đi,có hơn bốn mươi anh chị và các bạn lam viên ngậm ngùi, rất đông thầy cô giáo và các bạn cùng trường đứng chật cả một quảng đường dài, tất cả như muốn góp thêm cho em những dòng hơi ấm của tình người, với nhiều đôi mắt ngấn lệ và sống mũi đỏ hoe vì thương tiếc.
Đứng trước bàn linh nhỏ được thiết bên hông gian nhà chính chỉ đủ rộng, khoảng hơn hai mét, nhà thấp và tối, mùi hương của khói nhang bay nhè nhẹ đã làm cho không khí đượm vẻ u buồn, chúng tôi mỗi người một nén nhang thơm, trang nghiêm khấn nguyện, cầu cho hương linh của em luôn được ấm áp dưới sự che chở của những anh chị là những đoàn viên của tổ chức gia đình phật tử đã sum vầy cùng nhau nơi chốn thiên đường vô định.
Ngưỡng nguyện đức Phật Di Đà tiếp độ cho một sinh linh bé nhỏ luôn được an vui nơi miền Cực lạc. Em ơi! Hãy yên ngủ em nhé, một giấc ngủ nghìn thu, dẫu biết rằng: tay cách xa nhưng tim không xa, đường tuy xa, nhưng tình bao la…Chỉ tiếc rằng định luật vô thường đã đến với em quá sớm, một cánh lam giờ đã bay xa.