Các ngày Lễ chính trong Gia Đình Phật Tử

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Sơ Cấp – Lộc Uyển

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

MỞ ĐẦU                                                  

                  Các ngày lễ chính trong Gia Đình Phật Tử  thể hiện  tính chất qui mô và giá trị truyền thống của tổ chức giáo dục thanh, thiếu nhi đã có quá trình hoạt động trên 1/2 thế kỷ. Thực hiện các ngày lễ chính của Gia Đình Phật Tử. Huynh trưởng biết nhìn nhận trong niềm hãnh diện về sự trưởng thành xứng đáng của một tổ chức mà mình đã phát nguyện phục vụ trọn đời.

I. LỄ PHÁT NGUYỆN NHẬP ĐOÀN :

Sau khi thủ tục hành chánh gia nhập cho một Đoàn sinh đã xong, thời gian tối thiểu là 3 tháng ( 12 tuần lễ ). Ban Huynh trưởng Đoàn xem xét Đoàn sinh ấy có tinh thần tu học, chuyên cần, hạnh kiểm tốt. Ban Huynh trưởng Đoàn lo tổ chức phát nguyện chính thức gia nhập Đoàn cho Đoàn sinh ấy ( hay nhiều Đoàn sinh cùng một lần ). Ban Huynh trưởng cần lưu ý về tinh thần của buổi lễ là :

a. Vai trò chính là Đoàn sinh phát nguyện.

b. Tạo cho Đoàn sinh ấy ý thức về giá trị của Gia Đình Phật Tử.

c. Tạo cho Đoàn sinh ấy ý thức. Em phát nguyện là phát nguyện cho mình, với mình và tự nguyện hướng về mục đích cao đẹp.

d. Huynh trưởng chỉ là người tổ chức, chứng kiến, công nhận.

 A. Phần chuẩn bị :

Trước hết Huynh trưởng Đoàn đệ trình danh sách Đoàn sinh lên Gia Trưởng. Rồi thỉnh huy hiệu hoa sen giải thích ý nghĩa lễ và cách hành lễ cho các em, cho các em sửa sang lại đoàn phục. Chọn địa điểm ( ở chùa hay trại ) miễn sao khung cảnh trang nghiêm, thanh tịnh, thân mật ấn định giờ làm lễ ( nên vào đêm khuya, lúc trời gần sáng ).

Trước ngày lễ ít nhất một tuần, cho các em Đoàn sinh được thừa nhận chính thức bài học ý nghĩa huy hiệu hoa sen Gia Đình Phật Tử.

B. Khi hành lễ :

  1. Tòan thể Gia đình xếp hàng trước bàn Phật ( khói hương nghi ngút ). Thỉnh một hồi chuông để Huynh trưởng và Đoàn sinh tịnh tâm.
  2. Các Đoàn sinh phát nguyện quỳ trang nghiêm phía trước, cách hàng đầu các em khác 1 đến 2 bước. Đặt sẵn chiếc khay phủ vải vàng hay lục đựng huy hiệu hoa sen trên bàn Phật hay bàn Kinh.
  3. Lễ Phật ( nghi thức thường lệ ) do Gia Trưởng chủ lễ ( hay thầy cố vấn, nếu có cung thỉnh ).
  4. Liên Đòan Trưởng nhắc lại ý nghĩa huy hiệu và ý nghĩa buổi lễ.
  5. Đoàn sinh phát nguyện đọc lời phát nguyện sau đây :

“ Hôm nay , ngày …tháng …năm…Phật lịch … , con tên là…Pháp danh…. Thuộc đoàn … của Gia Đình Phật Tử …xin phát nguyện luôn luôn theo đúng mục  đích, điều lệ của Gia Đình Phật Tử thuộc GHPGVNTN và sống theo những điều điều luật của Đòan để phụng sự chánh pháp ”.

  1. Đọc luật Gia Đình Phật Tử ( toàn gia đình đọc do Liên Đòan Trưởng xướng ).
  2. Bác gia trưởng tuyên bố : “ Thay mặt Gia Đình Phật Tử ViệtNamvà toàn thể Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử … tôi long trọng tuyên bố, Em … pháp danh … ( nếu nhiều em thì đọc nhiều tên ) là Đoàn sinh chính thức của Gia Đình Phật Tử kể từ giờ phút thiêng liêng này ”.
  3. Tuyên bố xong, Gia trưởng trao huy hiệu hoa sen cho Liên Đòan Trưởng ( nam hoặc nữ liên hệ ) mang vào ngực áo cho Đoàn sinh phát nguyện ( có Huytnh trưởng bưng sẵn khay đựng huy hiệu ), trong lúc đó Đoàn sinh được gắn huy hiệu bắt ấn chào.
  4. Các Đoàn sinh phát nguyện đảnh lễ ( 3 lạy ).

10. Gia trưởng ( hay thầy cố vấn, nếu có cung thỉnh ) có lời khuyên nhủ.

Sau khi lễ dứt, Đoàn  nào có Đoàn sinh mới phát nguyện nên tổ chức một lễ mừng đơn giản riêng của Đoàn, sinh họat vui nhộn hay liên hoan.

II. LỄ TRAO CẤP HIỆU :

–   Đánh dấu quan trọng sự tiến tu của Đoàn sinh. Sau khi đoàn sinh đã được trúng các kỳ thi vượt bậc hàng năm, Ban Huynh trưởng tổ chức lễ trao cấp hiệu.

–   Chương trình lễ trao cấp hiệu giống như chương trình lễ phát nguyện nhập Đoàn, nhưng Ban Huynh trưởng phải nghiên cứu kỹ lưỡng để sửa đổi vài tiết mục cho phù hợp tinh thần nội dung lễ trao cấp. Cốt yếu vẫn tạo ý nghĩa toàn vẹn để gây tác dụng sâu xa.

 + Điều quan trọng:

  1. Đoàn sinh thọ cấp đọc lời nguyện : “ Chúng con xin sống đúng cấp bậc, dũng mãnh và tinh tấn để phụng sự Chánh pháp ”.
  2. Thay vì Gia trưởng tuyên bố công nhận  như  trong chương trình phát nguyện chính thức, trong lễ trao cấp, thư ký gia đình tuyên bố đọc quyết định trúng cách thi vượt bậc trước khi Đoàn được gắn cấp hiệu.

III. LỄ LÊN ĐÒAN :

Sau khi Đoàn sinh đã đủ điều kiện về tuổi tác, theo đúng thể thức, quy luật của tổ chức đã định sẵn, Ban Huynh trưởng tổ chức lễ Lên Đoàn cho các em ( Oanh Vũ lên ngành Thiếu, Thiếu lên ngành Thanh ).

Lễ Lên Đoàn rất quan trọng, Ban Huynh trưởng phải làm sao tổ chức nhằm tạo được các tác dụng tâm lý sâu sắc sau đây :

a.- Đoàn sinh được lên Đoàn vừa vui sướng vừa lưu luyến bâng khuâng. Vui sướng vì được lên Đoàn là đánh dấu một bước trưởng thành về nhân cách, về đạo hạnh, về khả năng trên đời cũng như trong Đạo, trong tổ chức. Nhưng lưu luyến là vì sau lễ lên Đoàn, em không còn được thường xuyên chung sống thân yêu với các anh chị trưởng cũ, với bạn bè Đoàn cũ. Dù lên Đoàn ( từ Oanh lên Thiếu hoặc từ Thiếu lên Thanh ) cũng đều ở trong lòng tổ ấm Gia đình, nhưng em vẫn cảm thấy như có một  cái gì ngăn cách đâu đây, cứ vương vấn bâng khuâng.

b.- Về phần Huynh trưởng Đoàn phải tiễn đưa các em lên Đoàn khác cũng có tâm trạng vui mà lưu luyến.Vui bởi vì mình có Đoàn sinh thừa nhận một bước trưởng thành, xứng đáng công lao miệt mài đào luyện, săn sóc, dắt dìu. Nhưng lưu luyến bởi những đứa em ngoan ngoãn, dễ yêu đã bắt đầu khôn lớn, không còn nằm gọn trong vòng tay yêu thương, bao dung của anh chị nữa. Những chuỗi ngày êm đẹp, những  kỷ niệm ngọc ngà giờ như vụt mất ( mặc dù thật sự không mất ). Riêng những Huynh trưởng của các Đoàn nhận Đòn sinh mới lại trọn vẹn háo hức, sướng vui vì tổ ấm đã có thêm những bóng hình thân yêu chung bước.

1.  Phần  chuẩn bị :

Các Đoàn sinh có đủ điều kiện lên Đoàn lập danh sách đệ trình Gia trưởng ( kinh qua các anh chị Liên Đoàn trưởng liên hệ để xin ý kiến ). Liên Đoàn trưởng phối hợp với Huynh trưởng các Đoàn  tổ chức lễ. Mời phụ huynh của các Đoàn sinh được lên Đoàn đến dự buổi lễ. Vạch hai làn vôi trắng cách nhau 3 mét hướng vào cửa Niệm Phật đường ( giữa sân ). Dọn một phòng kín để các em thay Đoàn phục mới. Chuẩn bị một chiếc gậy sinh hoạt, trên đầu gậy móc một chiếc nón lá hay mũ Phật tử  cho mỗi em lên Đoàn ( số gậy mũ, nón tương xứng với số em lên Đoàn). Cờ Đoàn, Đội, Chúng, Đàn đầy đủ. Một khay đựng sẵn cái kéo.

2.  Hành lễ :

Lễ Phật ( tại điện Phật ,nghi thức thường lệ ).

Toàn thể gia đình sắp hàng theo Ngành, phía ngoài hai vạch vôi. Hai Đoàn lớn, nhỏ của ngành nam ( nam Oanh Vũ và Thiếu Nam ), 2 Đoàn lớn và nhỏ của ngành nữ ( Oanh Vũ và Thiếu Nữ ) đối diện với nhau qua vạch vôi bên này qua nút vạch vôi bên kia ( phía bên trong của chùa ), cắm các chiếc gậy theo một hàng thẳng. Sau hàng gậy, Gia trưởng đứng giữa, 2 Liên Đoàn Trưởng đứng hai bên, rồi thư ký, thủ quỹ. Sau lưng Gia trưởng là quý phụ huynh.

–   Lễ Đoàn ( cử bài ca Sen Trắng ).

–   Giới thiệu quý phụ huynh với Đoàn sinh.

–   Huynh trưởng xướng ngôn viên trình bày ý nghĩa và tầm quan trọng của lễ Lên Đoàn.

–   Thư ký tuyên Đọc quyết định của Gia trưởng chấp thuận cho lên Đoàn. Đọc xong, Đoàn viên có tên tiến lên đứng trước Đoàn một bước.

–   Thư ký mời Gia trưởng cắt dây đeo cho Đoàn sinh lên Đoàn ( do Đoàn trưởng liên hệ hướng dẫn; Một Huynh trưởng bưng khay đựng kéo đưa đến ) Gia trưởng cắt dây đeo.

–   Huynh trưởng Đoàn liên hệ đưa các em vào phòng thay sắc phục mới ( thực hiện nhanh ). Xong trở về vị trú cũ trước Đoàn.

–   Các liên Đoàn hô khẩu hiệu. Đoàn trưởng ngỏ lời tiễn đưa và chúc lành các em. Đoàn sinh lên Đoàn quay lại chào Huynh trưởng và Đoàn sinh Đoàn cũ của mình.

–   Các Đội ( Chúng ) trưởng hay Đầu, Thứ Đàn cùng Huynh trưởng đưa các em lên trình diện Gia Trưởng và Liên Đoàn Trưởng liên hệ để nhận hành trang.

–   Liên Đoàn Trưởng liên hệ cầm gậy long trọng tuyên bố : “ Thay mặt bác Gia Trưởng, anh ( hay chị ) long trọng trao cho em hành trang mới để em tiếp bước trên con đường mới, chúc em an lành và tinh tấn mãi mãi ”.

–   Đoàn sinh chào nhận hành trang, các em lại tiếp tục được đưa vượt lằn vôi đói diện, đến trước Đoàn mới liên hệ. Các Đoàn này hô khẩu hiệu, Đoàn Trưởng tỏ lời vui mừng đón nhận Đoàn sinh mới.

–   Các Đội, Chúng trưởng tiến lên chào Huynh trưởng, đưa Đoàn sinh đến, Đoàn sinh lên Đoàn quay lại chào Huynh trưởng cũ của mình lần cuối. Các Đội, Chúng Trưởng nắm tay Đoàn sinh này đưa vào Đội, Chúng. Các  Đoàn tiếp nhận cất một bài hát ngắn, mạnh. Tiếp sau đó bác Gia Trưởng có vài lời khuyên nhủ.

–   Xướng ngôn viên ngỏ lời cảm tạ sự hiện diện của phụ huynh.

–   Hồi hướng ( Tiễn đưa quý vị phụ huynh )

Sau khi lễ dứt, Đoàn tiếp nhận Đoàn sinh lên Đoàn tổ chức sinh hoạt vui để chung mừng. Tốt hơn nếu hoàn cảnh thuận tiện nên chuẩn bị sẵn một cuộc du ngoạn ngắn để tượng trưng sự khởi hành đoạn đường mới cùng tỏ tình chung lòng chung bước với người bạn mới.

IV. LỄ CHÍNH THỨC:

Một đơn vị Gia Đình mới thành lập được thừa nhận chính thức hay một đơn vị Gia đình đã bị gián đọan nhiều năm, nay trở lại sinh hoạt có thể tổ chức lễ chính thức hoặc lễ ra mắt.

Lễ chính thức rất quan trọng bởi nó là niềm vui lớn nhất của gia đình lần đầu tiên. Nó đánh dấu khởi điểm huy hoàng trong hành trình lý tưởng áo lam lễ chính thức chỉ tổ chức một lần mà thôi.

1.  Phần chuẩn bị :

Chỉnh đốn mọi mặt vấn đề tổ chức : ĐOÀN, ĐỘI, CHÚNG, ĐÀN, SỔ SÁCH , CỜ, SẮC PHỤC, PHÙ HIỆU …

Tổ chức chu đáo các việc tổ chức trại Gia Đình.

Mời quan khách : Ban Đại Diện Giáo Hội địa phương, Ban Bảo Trợ Gia Đình, Ban Huynh trưởng  các gia đình bạn kế cận, có thể mời Ban Đại Diện Thôn Giáo Hội kế cận .Đạo hữu trong Thôn Giáo Hội, phụ huynh Huynh trưởng và Đoàn sinh. Nhân vật chủ yếu trong buổi lễ ( chủ tọa ) là Ban Hướng Dẫn ( kể cả đại diện Ban Hướng Dẫn tại quận địa phương ). Nếu có cung thỉnh Đại Đức Đặc ủy Thanh Niên  ( nhờ Ban Hướng Dẫn ) hay cố vấn Giáo Lý thì đặt vào vị trí Chứng Minh.

Một chiếc gậy cờ gia đình ( đúng kiểu mẫu, kích thước ) một chiếc khay phủ vải đặt dấu và lá cờ gia đình ( do một Huynh trưởng bưng ). Liên Đòan Trưởng nam thủ gậy cờ ( đứng tư thế nghiêm khi hành lễ ) .

2.  Phần hành lễ :

  1. Tuyên trình lý do.
  2. Lễ phật ( niệm hồng danh đức phật ), Phút nhập từ bi quán, tưởng niệm chư thánh tử đạo, chư vị tiền bối hữu công, Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử ViệtNamquá cố. Lễ đòan ( Cử bài ca Sen Trắng ).
  3. Giới thiệu thành phần tham dự .
  4. Tường trình diễn tiến hoạt động ( Thư ký Gia đình )
  5. Phần trình diện :

      + Các Đội, Chúng, Đàn làm thủ tục trình diện Đoàn trưởng.

      + Các Đoàn trưởng làm thủ tục trình diện các Liên Đoàn Trưởng.

      + Các Liên Đoàn Trưởng trình diện Gia trưởng.

          + Gia Trưởng trình diện lên Ban Hướng Dẫn và quan khách thành  phần Ban Huynh trưởng và tòan thể gia đình.

  1. Đại diện phái đoàn Ban Hướng Dẫn tuyên đọc quyết định thừa nhận chính thức.
  2. Trưởng Ban Hướng Dẫn trao ấn tín và kỳ hiệu, gia trưởng tiếp nhận ấn tín, Liên Đoàn trưởng nhận kỳ hiệu. Trưởng Ban Hướng Dẫn ( hay đại diện ) cột cờ vào gậy, hô khẩu hiệu của gia đình, chào Ban Hướng Dẫn và quan khách.
  3. Gia trưởng đọc diễn văn ( tỏ nỗi hân hoan vui sướng ).
  4. Lời chào mừng của Ban Đại Diện Thôn giáo hội địa phương.

10. Huấn từ của Ban Hướng Dẫn ( hô khẩu hiệu Gia đình,  “ Phật tử ” trả lời “ tinh tấn ” đứng nghiêm trang đón nghe ).

11. Giáo từ của Thầy Đặc  Uy Thanh Niên hay Cố Vấn Giáo lý ( nếu có, gia đình nghiêm trang đón nghe đọc )

12. Lời cảm tạ.

13. Hồi hướng công đức.

Đến đây nếu gia đình tổ chức tiệc trà lên hoan, nên làm giản dị, mời quan khách thăm trại và dự tiệc chung vui, trường hợp không có tiệc trà thì lễ hồi hướng xong mời quan khách thăm trại rồi tiễn đưa liền ( hàng rào danh dự tiễn đưa ).

* Ghi chú :

Sau khi lễ xong, treo cờ gia đình lên kỳ đài trong khu trại tiệc trà nên làm giản dị vật phẩm có tính chất địa phương là do chính bàn tay các em nấu nướng.

Nếu có phần trao kỷ vật tặng Ban Hướng Dẫn, kỷ vật nên là tác phẩm thủ công mỹ nghệ của các em hoặc thổ sản địa phương ( phần này có thể thực hiện sau phần giáo từ hay huấn từ trong chương trình lễ hoặc trong lúc dự tiệc trà thân mật ).

V. LỄ CHU NIÊN :

Ngày chu niên của gia đình là ngày tròn năm ( tròn 1 năm gọi là đệ nhất chu niên hay gia đình 1 tuổi )

Kể từ ngày được Ban Hướng Dẫn thừa nhận chính thức. Tổ chức lễ chu niên là đánh dấu tiến trình trưởng thành của gia đình, ghi nhận thành quả mọi nổ lực hoạt động của Huynh trưởng, Đoàn sinh sau 12 tháng.

Huynh trưởng, Đoàn sinh, bất cứ ai cũng sung sướng hãnh diện khi thấy số tuổi kèm theo hai chữ chu niên càng ngày càng cao ( chu niên 13, chu niên 14…). Tuổi gia đình mỗi năm thêm chồng chất đã gói trọn “ cái lớn ” của những tâm hồn trong sáng tươi vui, những con tim ôm ấp đức tin, lý tưởng. Tuổi gia đình càng lớn Huynh trưởng Đoàn sinh thấy như tóc mình thêm xanh, môi cười thêm thắm, mắt thêm ngời sáng tin yêu.

Vì vậy, lễ chu niên phải được tổ chức hằng năm, đầy đủ trọn vẹn ý nghĩa và trang trọng, phải tổ chức phù hợp thời gian tính ( đúng dịp thành lập của gia đình đã được Ban Hướng Dẫn ghi nhận trong quyết định thừa nhận ). Đây là một ngày duy nhất ( nghĩa là năm nào tổ chức chu niên cũng nhằm vào cùng một ngày ấy mà thôi ).

1.  Phần chuẩn bị :

Chuẩn bị lễ chu niên thường phải mất nhiều thì giờ ( có thể trước cả tháng ) và tốn kém hơn. Điều quan trọng là phải chỉnh đốn lại một cách chu đáo mọi mặt tổ chức gia đình : Tu học, điều khiển, hành chánh, sắc phục, cờ xí … Vì lễ chu niên chứng tỏ sự trưởng thành của Gia đình. Nên cố gắng thực hiện một phòng triển lãm để phát huy, chứng tỏ sức sống của gia đình : có thể thực hiện một đặc san hay chương trình văn nghệ có thể cho gia đình cắm trại, các họat động này thì tùy nghi, còn trọng tâm vẫn luôn là chương trình buổi lễ chu niên phải chu đáo, trang trọng. Nên nhớ phải trình xin tổ chức đầy đủ chi tiết : trại, văn nghệ … tối thiểu là 15 ngày trước để Ban Hướng Dẫn tiện sắp xếp, quyết định.

Thành phần quan khách giống như trong lễ chính thức ( có thể mời cựu Huynh trưởng, cựu Đoàn sinh ). Nhân vật chủ yếu ( chủ tọa ) vẫn luôn là Ban Hướng Dẫn, nếu có Đại Đức Đặc ủy Thanh Niên hay Cố Vấn Giáo lý thì quý vị này là chứng minh sư.

2.  Chương trình hành lễ :

Chương trình lễ đại khái tương tự chương trình lễ chính thức, chỉ thay đổi một vài điểm như :

Sau phần giới thiệu quan khách là diễn văn của gia trưởng

Tiếp là tường trình hoạt động 1 năm qua ( thư ký đọc).

Tiếp là trao phần thưởng cá nhân hay đoàn xuất sắc về hoạt động trong năm.

* ghi chú :

Trên đây chỉ trình bày tổng quát các điểm chính yếu trong các tổ chức lễ lượt của Gia Đình Phật Tử. Vấn đề thủ tục hành chánh, thể thức tổ chức … Gia đình phải đệ trình Ban Hướng Dẫn để xin phép và thỉnh ý kiến ( nếu cần ) các việc quan trọng.

Việc mời các quan khách dự các lễ lượt trên đây, Ban Huynh trưởng phải thận trọng, hạn chế tối đa, nhất là chỉ nên mời số quan khách đã ấn định là liên hệ với Gia Đình Phật Tử mà thôi.

Về việc đón tiếp quan khách trong các buổi lễ thì nên dọn sẵn phòng khách. Trường hợp các vị chứng minh ( quý thầy ) và chủ tọa ( Ban Hướng Dẫn ) đến sớm, chưa chuẩn bị kịp thì mời vào phòng khách trước. Nếu gần đến giờ hành lễ mà các vị trên chưa đến thì nên chuẩn bị hàng ngũ để đón tiếp và mời ngay vào địa điểm lễ luôn.

Về liên hệ hàng ngang gia đình phải thông qua giáo hội địa phương để có sự nhất trí trước khi trình lên Ban Hướng Dẫn ( việc liên hệ với chính quyền địa phương giáo hội lo ).

KẾT LUẬN :

Tổ chức các lễ lượt của Gia Đình Phật Tử là một điều hết sức quan trọng. Huynh trưởng phải hiểu rõ giá trị, ý nghĩa tinh thần của các buổi lễ và am tường cách tổ chức để có thể thực hiện chu đáo đạt kết quả tốt đẹp.

Quý anh chị Huynh trưởng phải luôn luôn ghi nhớ rằng. Để bảo đảm sự thành công cho các buổi lễ người Huynh trưởng cần có các yếu tố sau :

+ Khả năng tổ chức ( phân công sắp xếp ).

+ Sáng kiến và tài khéo léo xoay xở.

+ Nhiệt tâm và biết hợp lực.

Thực hành nghiêm chỉnh các qui tắc lề lối đã được Ban Hướng Dẫn định sẵn

Đã đành việc tổ chức là cần thiết và quan trọng, nhưng phải tổ chức khéo léo chu đáo, trang trọng nếu ngược lại, chỉ tổ chức quá sơ sài, đơn sơ đến độ cẩu thả và bất chấp cả luật lệ, nguyên tắc thì không những ta tự hạ uy tín của gia đình mình mà còn làm mất giá trị của tổ chức Gia Đình Phật Tử chúng ta. Mong quý anh chị Huynh trưởng đặc biệt lưu tâm vấn đề này .

Bài khác nên xem

Hiểu mình hiểu bạn

datthinh

[Ký Ức] Dự Trại Huấn Luyện Viên Phú Lâu Na 4

phuocthanh

Hàng Đội tự trị

datthinh