Anh Tám Mẹo

Anh Tám Mẹo người họ Trần, sinh quán thôn Long Bàng, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Thưở nhỏ nhà nghèo, chăn bò vất vã gian nan. Lớn lên là một anh nông dân thuần chất. Chữ nghĩa chỉ đủ đọc lá thư, thế nhưng lại là người thầy khả kính đã giúp tôi nên người bằng những bài học mà giờ đây tôi cảm thấy là vô giá. chantrau

Mùa thu năm 1952 tôi vừa tròn tám tuổi. Lúc đó anh khoảng mười bốn tuổi nhưng không lớn hơn tôi bao nhiêu. Chợ Phiên Hành Nhân được tổ chức vào các ngày lẻ. Hôm ấy ngày 17, anh tôi và Ngọc Vi vào trụ sở thanh niên xã mượn chiếc đầu Lân cũ ra tập múa cho vui. Thế nhưng khi mượn được chiếc đầu Lân rồi lại không đi tập múa mà đi núp vào con đường làng gần nhà anh, chờ cho chợ phiên mãn, bọn hàng xáo ở thị trấn gánh hàng về qua đó mình sẽ nhảy ra hù họ chơi cho vui, chắc có người phải hoảng sợ đến chết khiếp. Tôi bị lôi cuốn thật sự. Anh lớn hơn tôi và Vi nên chui đầu vào đầu Lân. Vi cầm miếng vải ở khúc giữa, còn tôi đi sau cùng làm đuôi. Khi đoàn hàng xáo khoảng vài chục người đi qua, anh đếm nhỏ một hai ba là đồng nhảy ra. Anh ngoát mồm la to À Um! Trong lúc tranh tối tranh sáng mọi người tá hỏa quăng cả gánh gồng đạp nhau bỏ chạy. Tiêu đường mắm muối, chanh tỏi văng tứ tung. Thấy cảnh khủng khiếp xãy ra, quá bất ngờ và ngoài dự tưởng. Hoảng quá tôi bỏ chạy một mạch về nhà. Còn anh Tám Mẹo cũng muốn vất cái đầu Lân xui xẻo đi cho rồi, nhưng anh không tháo cái đầu ra khỏi cái đầu Lân vì trước khi chơi đã cột quá chặc. Định chui vào bụi rậm trốn cũng không xong. Thành ra cứ trên con đường làng mà chạy. Đoàn người do đó càng hoảng loạn chạy chí tử. Hậu quả thật không lường. Mấy anh dân quân báo động vác gậy chạy ra. Lúc ấy anh Tám Mẹo đã chạy ra cánh đồng. Họ đuổi theo bắt được. Ngọc Vi cũng bị tóm.

Về đến nhà, sợ quá tôi không ngủ được, lại tuột xuống giường chạy u lên hiện trường phụ với bà con thắp đèn đuốc để nhặt nhạnh những gì văng tứ tung trên đường cái. Sau một lúc thẩm vấn công an xã mở ngay cuộc họp tại nhà ông Cai Cư gần đó xét xử các chú thiếu nhi làm loạn gây hậu quả nghiêm trọng. Ngọc Vi khai có cả tôi tham gia, nhưng tôi chối. Bà con bị thiệt hại thấy tôi tham gia giúp họ nên bảo lãnh cho tôi vô tội. Anh Tám Mẹo trước sau im lặng. Kết quả cha mẹ anh và cha mẹ Ngọc Vi phải đền cho bà con thiệt hại mỗi người năm gánh lúa khô. Cha mẹ Ngọc Vi là thương nhân ở thành phố tản cư về, nhà khá giả nên không mấy khó khăn trong việc bồi thường. Còn gia đình anh Tám Mẹo nghèo quá lại thêm đại họa nầy, quả là đói rách đến nơi.

Ba ngày sau khi dắt bò ra đồng, tôi gặp anh đang ngồi khóc. Tôi đến xin lỗi. Anh vui và bảo: “Mày thật thông minh, nhưng là một thứ thông minh không tốt bụng. Cùng chơi cùng chịu, cùng biết lỗi mới là anh hùng. Chơi với nhau mà lúc hoạn nạn bỏ nhau là hèn kém”. Tôi hối hận khóc thút thít. Anh bảo: “Giờ thì em là anh hùng”. Anh xoa đầu tôi và nói tiếp: “Kẻ hèn là kẻ không biết lỗi. Em biết lỗi và khóc chứng tỏ em có cái bụng tốt, ái đầu sáng suốt. Anh rất tự hào đã chơi với em”.

Sau năm 1954, tôi may mắn được cắp sách đến trường. Tôi có một biệt tài được dân địa phương gọi là thần đồng thiện xạ giàn thun (ở quê tôi gọi là ná cao su). Mỗi chủ nhật nghỉ học, với chiếc ná cao su và một túi xách vải cột ở bụng, tôi đi bắn chim từ sáng đến chiều có thể được hơn ba mươi con chim lớn nhỏ. Cả nhà ăn không hết phải bán bớt cho các gia đình giàu, kiếm tiền mua thêm được bút mực, sách vở dép cao su. Trên đường về nhà, người lớn trẻ con đều chạy theo tôi xem số chim bắn được và khen ngợi đủ điều. Có lần tôi bắn được con chim cồng cộc rất lớn phải vát lên vai mà đi.

Mỗi khi đem chim về nhà xong, tôi thường chạy ra gò mả đá banh. Anh Tám Mẹo thường tập họp bọn trẻ chăn bò chúng tôi chia ra hai tốp cân sức và đá với nhau. Thấy tôi anh vẫy lại bảo:

– Mấy năm gần đây, tao nghe người ta bảo mày học ở trường quận, nổi tiếng thông minh đúng không? Tôi lễ phép trả lời:

– Thưa anh không đúng đâu, em chỉ đạt được hạng tư hạng năm mà thôi.

– Tao bất hạnh không được học hành gì, nên hiểu biết cũng không đặng bao nhiêu. Có điều tao nghĩ. Nếu bầu trời không có bóng dáng loài chim. Mỗi buổi sáng thức dậy làng xóm không có tiếng chim hót, không có tiếng gà gáy thì cuộc đời buồn lắm mày thấy có đúng không? Tôi thành thật trả lời:

– Rõ thật là rất buồn.

Anh đứng bật dậy cầm mấy chiếc lồng bò sau lưng đi qua đi lại:

– Biết chim chóc hoa lá đem lại nguồn vui và làm đẹp cuộc sống, mà hàng ngày cầm ná đi tiêu diệt niềm vui của mình và của người mà lại có thể là một đứa học trò thông minh được sao?

Trong một khắc thời gian tôi cảm thấy da lông mình co dựng dậy. Tôi bỏ chạy về nhà. Nhưng chỉ vài ba ngày sau tôi lại quên khuấy chuyện đó đi.

Một hôm đi học về, thấy nhà có khách nên tôi đi vòng xuống bếp để vào nhà. Mẹ gọi tôi lên nhà và bảo:

– Ông khách nầy cần gặp con, để nhờ con một việc. Con chào khách và tiếp chuyện với ông.

Sau khi chào hỏi, ông bảo tôi có biết con dơi nghệ không? Tôi bảo biết. Ông nói ông cần một con dơi nghệ to bằng nắm tay để làm thuốc chữa bệnh suyển. Nếu tôi bắn được con dơi nghệ đem về mà còn sống, ông sẽ may tặng tôi một bộ đồ. Tôi bằng lòng và bảo ông chờ cho một hai hôm là có ngay.

Kinh nghiệm cho tôi biết, dơi nghệ to cở ấy thường ở các khu rậm rạp nhiều trái cây và thường treo mình ngủ vào ban ngày dưới những tàu lá dừa lão rất cao cạnh các bờ tre. Trưa hôm sau tôi xách ná cao su xuống vườn ông Xã Đoàn Hường tìm dơi nghệ. Quả thật đúng như vậy, tôi đã phát hiện một chú dơi nghệ rất to ở độ cao khoảng hai mươi mét, ná cao su không thể hạ con dơi nầy một cách bình thường được. Tôi phải đợi mặt trời soi qua kẽ lá thấy rõ con dơi tìm cái mũi của nó ở hướng nào, bắn cho chính xác nó mới ngất mà rơi xuống, không đủ sức bay đi được. Khi điều nghiên xong. Tôi bắt đầu trổ tài, chỉ một phát con vật rơi xuống gần mé nước. Tôi phải vạch hàng rào chui vào nhặt nó. Khi đến nơi tôi quá đổi bàng hoàng chứng kiến một cảnh tượng bi thảm lần đầu tiên trong đời. Con dơi chưa chết, đúng như dự đoán. Nó giang hai cánh rộng gần sáu bảy tất đùa mấy con dơi con của nó lại. Le lưỡi liếm từng con, ngậm con mình vào miệng, nhả ra ôm con khác, nước mắt nó chảy dài hòa lẫn với máu nơi mũi còn tiếp tục chảy nó kêu chit chit nghe thật thảm nảo. Tự nhiên tôi thấy buốt lạnh xương sống. Một cảm giác đau nhói xuyên suốt quả tim mình. Mục đích mà tôi hăm hở đạt cho bằng được bỗng nhiên tiêu tan đâu mất. Tôi lấy một chiếc mo nang tre gần sáu bảy tất đùa mấy con dơi con của nó lại, đặt bốn mẹ con dơi nghệ vào trong, đi xuống mé nước. Lấy hai tay bụm nước rưới lên mình dơi. Ba dơi con chui vào lòng ngậm lấy vú mẹ. Dơi mẹ từ từ hồi phục, xòe cánh ra nhè nhẹ và chập chờn muốn bay nhưng chưa bay được. Để yên đấy tôi lặng lẽ chui ra khỏi bờ tre, lượm một cục đá thật to đập cái gọng ná cho gãy nát, tôi ném vào bụi tre và chạy một mạch về nhà.

Chiều hôm đó vẫn như mọi buổi chiều khác, tôi ra gò đá banh. Không thấy chiếc ná cao su mà tôi luôn đeo trên cổ, anh Tám Mẹo hỏi:

– Cái ná của mày đâu rồi?

– Em ném nó đi rồi và tuần tự kể cho anh nghe chuyện đã xảy ra. Anh đăm chiêu và chăm chú lắng nghe.

Câu chuyện có vẻ bình thường đơn giản đối với những đứa trẻ cùng lứa tuổi, nhưng sao tôi và anh Tám Mẹo quả thực xúc động đến nổi cả hai anh em đều khóc. Anh lấy tay áo lau nước mắt và an ủi tôi:

– Thôi đừng khóc nữa, tao chưa thấy ai tuyệt vời như mày. Thôn làng mình rồi đây sẽ tự hào vì mày. Thôi chia phe đá banh. Chiều nay tao đải mày một chầu ổi tàu rài. Hồi sáng đi cày trong đồng, lúc nghỉ trưa cho bò ăn tao hái được phía trong bìa rừng trại ông Pháo.

Quả vậy khi chạng vạn tối, cuộc chơi đã tàn, các đứa khác về gần hết anh mới lấy ổi được dấu cẩn thận gói trong nhiều lớp lá chuối khô để trong bụi rậm bờ gò. Hai anh em cùng ăn, gọi là bửa tiệc cho nó có vẻ người lớn. Tuy thế cái ngây ngô hồn hậu ấy dù đã 40 năm qua tôi vẩn thấy còn nguyên trong ký ức.

Hôm qua từ bệnh viện về sau một cơn bạo bệnh xuất huyết bao tử, có người từ quê mẹ vào ghé thăm. Tôi hỏi thăm anh Tám Mẹo mới hay anh đã qua đời nay đã tròn ba năm.

Tôi cố gắng ghi lại đôi dòng với tất cả tấm lòng quý mến tưởng niệm về anh. Những kỹ niệm một thời lam lũ hoang tàn mà lớp trẻ thị thành không thể nào cảm nhận được. Ngoài ra tôi cũng ghi lại một số nhân vật khác nửa ở quê mẹ, cho dù ở đâu tôi cũng hình dung ra họ với những nét mến yêu tình nghĩa chất phác mà ở chốn thị thành phồn hoa ít khi mình có được./.

(Thị Nguyên)

Bài khác nên xem

Bi Chí Đức Tăng Thống GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT

phuocthanh

Lá Xa Mùa

phuocthanh

Nhạc: Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới – Đức Quảng

ducquang