Khi nói về lịch sự của Đức Phật qua các thời kỳ từ sơ sanh đến nhập niết bàn thì hầu như tất cả các lam viên từ huynh trưởng cho đến đoàn sinh đều thông thuộc, vì các em đoàn sinh GĐPT đã được học lịch sử của ngài trong chương trình tu học của ngành Đồng.
Thế nên, nhân kỷ niệm ngày xuất gia của thái tử không cần phải lập lại câu chuyện đó làm gì nữa vì anh chị em ai cũng hiểu biết cả rồi, mà ở đây chỉ xin đề cập đến một khía cạnh cao cả là mấu chốt trong sự kiện này.
Thông thường con người bỏ ra hều hết thời gian của một đời người để tạo dựng cho mình một sự nghiệp, một gia đình, mặc dù nỗ lực hết mình nhưng cuộc sống vốn bất toàn nên hầu như ít ai thỏa mãn được nguyện vọng của mình. Đa phần người thì đạt cái này nhưng thiếu cái khác, có người có sự nghiệp vững vàng, kinh tế khá giả nhưng gia đình kém hạnh phúc, có người có gia đình như ý nhưng cuộc sống thì lại vất vả, khó khăn. Thậm chí có người vừa có gia đình hạnh phúc, vừa có sự nghiệp vững vàng có danh vọng trong xã hội thế nhưng lại không có sức khỏe để hưởng thụ. Tất cả những đơn cử trên chỉ nhằm nói đến tính chất của cuộc sống vốn bất toàn và hầu như không ai cảm thấy thỏa mãn với điều kiện sống mà mình đã bỏ ra cả cuộc đời để gầy dựng cả.
Đức Phật vốn xuất thân là một thái tử của một quốc vương, là người chuẩn bị thừa kế ngai vàng của vua cha, ngài đang có một gia đình thật là hoàn hảo, vợ đẹp, con ngoan…Nếu nói về gia cảnh của ngài thì hầu hết mọi người trên thế gian này đều không dám mơ tưởng. Thế nhưng, với một người có tâm đại bi khi chứng kiến những cảnh khổ của thế gian lòng người luôn nặng trĩu một ý tưởng là làm sao để cứu chúng sanh thoát khỏi cuộc sống đầy dẫy khổ đau này. Ý tưởng đó cứ luôn nung nấu, thiêu đốt tâm can của ngài, nỗi lòng canh cánh ngày đêm mong tìm ra một con đường giải thoát để cứu chúng sanh. Dù sống trong cảnh giàu sang, quyền quý, hạnh phúc nhưng ngài nghiệm ra rằng tất cả dục lạc của thế gian đều tạm bợ, huyển hóa, vô thường. Từ những suy tư đó ngài nghĩ rằng phải tím cho được một pháp tu để giải thoát con người ra khỏi kiếp nhân sinh tục lụy đó.
Thế rồi trong đêm mùng 8 tháng 2 âm lịch ngài đã lặng lẽ rời kinh thành âm thầm từ giã phụ vương, âm thầm từ giã người vợ ngoan hiền là nàng Da-du-đà-la, từ giã đứa con thơ còn nhỏ dại là La-hầu-la để rời kinh thành xuất gia tầm đạo.
Nếu nói về những sự hy sinh cao cả thì sự hy sinh của ngài là một sự hy sinh cao cả và dũng mãnh nhất. Vì trong khi hầu hết con người đều mơ có cuộc sống như ngài thì ngài lại từ bỏ tất cả để ra đi tìm đạo giải thoát.
Động cơ thúc đẩy mãnh liệt nhất cho sự ra đi này xuất phát từ:
– TÌNH THƯƠNG: Đúng vậy chỉ cò tình thương bao la của ngài đối với chúng sanh nên đã thúc đẩy ngài từ bỏ tất cả để ra đi tìm chân lý cứu độ tất cả chúng sanh đang sống trong khổ đau.
-TRÍ HUỆ: Chính là thế, trí huệ sáng suốt đã thôi thúc ngài chọn giải pháp để thể hiện tình thương cao cả đối với muôn loài, chính trí tuệ tuyệt vời nên ngài đã chọn giải pháp xuất gia, từ bỏ đời sống thế tục để một thân một mình chịu muôn vàn gian khổ để đi tìm đạo giải thoát chứ không còn cách nào khác. Cũng chính từ trí tuệ tuyệt vời ngài đã giác ngộ tự thân tìm ra ánh đạo vàng để hóa độ cho muôn loài, và chân lý ngài tuyên thuyết qua 26 thế kỷ vẫn sáng soi và đã độ thoát cho vô số chúng sanh trong cõi ta-bà nhiều khổ đau nầy.
– DŨNG LỰC: Khi chứng kiến cảnh khổ đau của chúng sanh ngài đã nung nấu ý chí đi tìm đường cứu chúng sanh, thế nhưng biết được ý định của ngài vua cha Tịnh-phạn vương đã rất lo sợ và tìm mọi cách để giữ chân ngài. Tất cả mọi tiện nghi vật chất ngài đầu được cung phụng, cưới cho ngài một công chúa tuyệt sắc để hy vọng những dục lạc của thế gian sẽ làm say đắm khiến ngài từ bỏ ý định xuất gia tìm đạo. Thế nhưng trên đỉnh cao danh vọng, trên tuyệt đỉnh của sự hưởng thụ đã không làm ngài thối chí. Cuối cùng thì chính lòng thương chúng sanh, trí tuệ sáng suốt và dũng lực cắt ái ly gia đã khiến ngài thực hiện một sự xuất trần để thực hiện tâm nguyện, dũng lực vô biên đã giúp ngài đi đến một quyết định vĩ đại có một không hai trong lịch sử loài người.
Hôm nay chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày thái tử Tất-đạt-đa xuất gia tìm đạo. Nhắc lại sự kiện vĩ đại này để anh em lam viên chúng ta cùng bày tỏ lòng tri ân vô hạn cùng sự quy kính kính ngưỡng Đức Từ Phụ. Với đầy đủ ba đức tính BI-TRÍ-DŨNG khiến ngài thực hiện được nguyện vọng cao cả và cuối cùng ngài đã đạt được mục đích cuối cùng để cho nhân loại suốt 26 thế kỷ qua nương vào ánh đạo vàng của ngài đã lan truyền mà tu tập giải thoát được bao khổ đau, phiền não của kiếp nhân sinh.
Gia Đình Phật Tử Việt Nam cũng lấy ba đức tính cao cả của Đức Từ Phụ là BI-TRÍ-DŨNG làm châm ngôn tu tập và hơn thế nữa là làm CHÂM NGÔN SỐNG.
Kỷ niệm ngày thái tử xuất gia, một lần nữa chúng ta tự soi xét lại mình đã thực hiện châm ngôn đó trong đường lối tu tập như thế nào và quan trọng hơn nữa chúng ta đã áp dụng châm ngôn đó để chuyển hóa trong cuộc sống như thế nào để không hổ thẹn là đệ tử của đức Thích-ca từ phụ, một vị thầy vĩ đại nhất trong chốn trời người.
Tâm Lễ – Nguyễn Ngọc Luật