SỐNG TÍCH CỰC GIỮA MÙA DỊCH BỆNH

Dịch bệnh Coronavirus bùng phát khắp toàn cầu trong vòng hai năm nay và nó đã gieo rắc rất nhiều bi thương, mất mát cho nhân loại. Một cuộc chiến một bên là những vi sinh vật không bóng không hình với một bên là hàng tỷ con người sống trên quả đất với niềm tự hào là chúa tể muôn loài với trí thông minh vượt trội. Thế nhưng, hình như đây là một cuộc chiến không cân sức và loài người ngày càng cảm thấy lép vế trước sự biến hóa khôn lường của những con virus nhỏ bé kia.

Coronavirus đã mang đến cho nhân loại nhiều tai ương khổ lụy trong quá khứ, hiện tại và sẽ còn lắm cảnh bi thương khác trong tương lai đó là một điều chắc chắn.  Khi chúng ta không thể nào làm gì để thay đổi hoàn cảnh, thì cũng không thể ngồi đó mà nguyền rủa  nó, cũng không nên suốt ngày đêm bị ám ảnh trong nỗi lo sợ vẫn vơ hay là than thân trách phận. Nếu cứ đắm chìm trong nỗi khổ niềm đau và ngày đêm dằn vặt lo sợ những cảnh chết chóc một cách bi thảm  do dịch bệnh mang đến đang diễn ra hằng ngày như thế thì trước hết chúng ta sẽ chưa chết vì dịch bệnh, chưa chết vì thiếu đói mà sẽ chết trong hoảng loạn vì bị sang chấn tâm lý là điều không tránh khỏi..

Những cảnh đau thương do dịch bệnh mang lại chúng ta đã chứng kiến quá nhiều rồi, thông tin đại chúng cũng đã nhắc đến quá nhiều rồi và nó đã dồn nén lên tâm thức chúng ta hầu như cũng đã đầy rồi. Làm gì để những điều tiêu cực đó đừng tác động lên tâm ý chúng ta trong những tháng ngày bị cách ly trong “bốn bức tường ủ rũ” là một sự lựa chọn yêu cầu phải vận dụng giáo lý Phật-đà và ứng dụng giáo lý ấy một cách thực tiễn vào cuộc sống. Chúng ta hãy chọn cho mình một phương cách sống tích cực như là tự chế tác cho mình một loại kháng thể để vượt qua sự ức chế tâm lý trong mùa dịch bệnh này.

Những ngày tháng cách ly xã hội đã cho chúng ta có thời giờ để lặng nhìn cuộc sống và chiêm nghiệm được những điều mà trước đây cho dù có biết qua lý thuyết nhưng chưa hề được trải nghiệm:

-Sự sống thật mong manh và con người luôn bình đẳng trước cái chết: Con người vốn tự hào về trí tuệ tuyệt vời của mình nhưng khi đối đầu với con virus vô hình chúng ta đành thúc thủ vì nó biến hóa khôn lường. Nó sẽ đem cái chết đến cho bất kỳ ai trong chúng ta, không phân biệt tuổi tác, không phận giàu nghèo, sang hèn, không phân biệt là bậc quyền thế hay kẻ tiện dân. Cho dù chúng ta là ai đi nữa thì khi cái chết gọi tên chúng ta cũng sẽ một mình âm thầm lặng lẽ ra đi giã từ nhân thế, tất cả gia tài, sự nghiệp, địa vị chức tước.. cho đến những người ta thương yêu nhất cũng đành để ta đi một mình về một phương trời vô định nào đó với hai bàn tay trắng như khi ta cất tiếng khóc chào đời vậy.

Nếu có học và hiểu giáo lý Phật-đà thì chúng ta sẽ không bất ngờ cho lắm trước sự thật phủ phàng này, nhưng trước đây chỉ là lý thuyết nay qua dịch bệnh này ta mới thấm thía nỗi đau của lý vô thường. Vậy thì ta phải sống sao đây để vượt qua sự lo sợ và nỗi ám ảnh này là một vấn đề cần tư duy sâu sắc, vì  khi không thể thay đổi được hoàn cảnh thì tốt nhất là chọn cho mình một phương cách sống tích cực để thích nghi với hoàn cảnh, không gì hơn là tìm những CÁI ĐƯỢC trong CÁI MẤT do dịch bệnh mang đến.

-Trân quý những tình cảm với gia đình, người thân: Trong mùa giãn cách vì không thể tiếp tục bôn ba cho công việc như trước đây nên chúng ta có cơ hội được gần gủi những người thân trong gia đình, sẽ có nhiều thời gian để chúng ta cùng chuyện trò, có nhiều thời gian để cùng nhau ngồi ăn chung trong những bữa cơm gia đình để hàn huyên chuyện nhà, chuyện đời…Nếu ta đang bị cách ly một phương trời nào đó không thể về thăm gia đình thì trong những ngày tháng xa nhà đó nỗi nhớ và những kỷ niệm đẹp trong thời gian sống chung dưới một mái nhà cũng sẽ làm cho tâm ta thổn thức và luyến tiếc.Những gì đã làm trong quá khứ cũng có thể  cho ta một sự trăn trở và nghĩ rằng giá như thời gian qua ta sống quan tâm nhiều hơn đến những người thân thì bây giờ sẽ không hối tiếc. Điều tội tệ nhất là nếu như dịch bệnh có mang đi vĩnh viễn thân mạng của một ai đó trong những người thân thì ta sẽ đau khổ biết dường nào, giá như trước đây ta sống tốt hơn và yêu thương nhiều hơn thì giờ đây cũng sẽ bớt ân hận. Vậy thì nếu muốn những hối tiếc như thế không xãy ra cho tương lai thì hiện tại ta phải dành nhiều thương yêu hơn, quan tâm nhiều hơn cho người những người mà ta yêu quý..

– Hãy mở lòng ra mà sống với đời: Cảm nhận được rằng tiền tài, của cải là vật ngoài thân, những thứ ta rất trân quý lúc sống thì khi ta chết đi nó sẽ trở nên vô nghĩa. Chứng kiến những khổ đau do dịch bệnh mang đến cho đồng loại, nó gieo rắc biết bao nhiêu tai ương lên cuộc sống, nó đã tạo ra những mãnh đời bất hạnh, hàng triệu người phải lâm vào đói khổ, hàng ngàn đứa bé đã phải chịu cảnh mồ côi do mất cha mất mẹ…những điều đau thương này đã khiến cho trái tim ta thổn thức. Vậy thì tốt nhất là hãy chia sẻ một chút tiền của cho những người khốn khó, mở rộng dung lượng trái tim của ta để san sẻ tình thương đến cho những mảnh đời bất hạnh, cho những người đang lâm vào hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh mang lại. Sự cho đi đó sẽ đem đến cho ta niềm vui vì đã làm những điều tốt đẹp,  đã xoa dịu phần nào nỗi khổ cho tha nhân khiến cho cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn và chúng ta sẽ nhận lại nhiều lợi lạc trong cuộc sống. Ý nghĩa của CHO ĐI tức là NHẬN LẠI là vậy.

– Thực hiện những điều mà trước đây chưa làm được: Đây là nói về những điều mà trong cuộc sống bôn ba với trăm công nghìn việc chúng ta chưa thể làm được, thì thời gian cách ly xã hội này cũng là một cơ hội cho chúng ta thực hiện. Đối với người Phật tử thì có thời gian để hạ thủ công phu, gia trì tu tập, tăng trưởng đạo tâm, cũng cố đức tin, có thời gian để tìm hiểu thêm giáo lý  đạo Phật, nghiên cứu nội điển. Những điều thu thập được trong thời gian cách ly sẽ là hành trang quý  báu cho chúng ta trên hành trình trình tu tập và thực hành giáo lý Phật-đà. Chúng ta cũng sẽ có cơ hội đọc những cuốn sách hay mà trước đây không có thì giờ để đọc, thực hiện những tác phẩm nghệ thuật trong lĩnh vực mình yêu thích mà trước đây không có thì giờ để làm v.v…

Dịch bệnh vẫn diễn tiến chưa có hồi kết, cuộc sống chúng ta vẫn tiếp diễn trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, dịch bệnh cướp đi của chúng ta nhiều thứ nhưng nó cũng cho chúng ta chiêm nghiệm nhiều điều, nó cho chúng ta sống chậm lại, hiểu thêm về ý nghĩa của cuộc sống để rồi chuyển hướng tâm thức thực hành những điều thiện lành, trang trải tình yêu thương đến tha nhân. Chọn phương cách suy nghĩ tích cực, hành xử tích cực sẽ làm cho ta thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn và nó sẽ giúp ta  bình tâm vượt qua giai đoạn dịch bệnh với tâm thức an lạc hơn.

Tâm Lễ-Nguyễn Ngọc Luật

(Bài đã đăng trên trang web thuvienhoasen.org)

 

 

Bài khác nên xem

VẤN ĐỀ TU-HỌC & PHỤNG SỰ LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI HUYNH TRƯỞNG

Tâm Lễ

Sự hoàn Hảo Và Mặc Cảm – Thiền Sư Ajahn Brahm

phuocthanh

Tuệ Sĩ trên ngõ về im lặng

phuocthanh