Tính Chất Văn Nghệ GĐPT (tiếp)

III . Tiến trình hình thành và phát triển  Văn Nghệ GĐPT :

Trong phần này , tôi xin ghi lại  các tác phẩm  cùng các sự kiện liên quan làm đậm nét tính cách truyền thống , thời gian , nhân vật …….  quá trình hình thành và phát triển Văn nghệ GĐPT ViệtNam.

1/ Bài hát đầu tiên : Ngày vía Đản sanh ( trích trong Sen Trắng xuân Giáp Dần 1974 – truyện ” Thằng ông Nội “ của Tống Anh Nghị)

Hội An Nam Phật học thành lậpNhân lễ Phật Đản năm 1937 , lần đầu tiên một số con em Hội hữu  được tập họp lại , khoảng 50, 60 em gọi là “ Ban Đồng ấu ” Ban này được đức Từ Cung tức thân mẫu vua Bảo Đại tặng cho 50$ để sinh hoạt. Mục đích thành lập  của ban Đồng Au này là tập cho các em hát , múa những bài cổ nhạc Trung phần như : Kim tiền, Lưu thủy hành vân ….v..v.. Lời ca thì có các vị Quan văn thơ như cụ Ưng Bình đặt ra và người huấn luyện là cụ Bửu Bác . Kể ra thì nhạc cổ truyền đã có sẵn tiết điệu  không thích hợp gì với tuổi trẻ , lời ca lại ngô nghê. Chẳng hạn :

“ Vui mừng gặp ngày nay – Mồng tám tháng tư .

Là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài

Hiện về Ca Tỳ La Vệ – trong đời khổ nhuần đức Từ Bi …….”

     Ấy thế mà cũng rộn đám lắm. Vua khen, Mẹ vua khen, các quan khen, quan Tây cũng khen. Và sau buổi rước Phật thành công  từ chùa Diệu Đế lên tới Thượng Bạc ( hồi đó chùa Từ Đàm còn là chùa Sư nữ cổ kính ) rồi giải tán ……

(Hồi đó Phật Giáo Việt Nam tổ chức lễ Phật Đản vào ngày mồng 8 tháng tư âm lịch – sau này mới sửa lời là ngày vía đản sanh.)

     Bài hát này theo tiết điệu sẵn có của nhạc cổ truyền có tên là Đăng đàn cung – là một bản nhạc dài thể loại nhạc cổ Trung phần, Phần lời là của cụ Ưng Bình ( viết đủ là Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhân sĩ hoàng tộc nổi tiếng thời bấy giờ) Bài hát này rầt dài, tiết tấu khi trầm lúc bổng , hay hoà nhã rất bất chợt theo thang âm ngũ cung, giọng nam cao, nữ kim  phải có nhạc khí vang tấu ở nhiều đoạn nên dù rất hay mà không phổ biến tưởng như đã thất truyền. May thay, anh Nguyên Định – Bửu Ấn ,Ủy viên Văn Nghệ BHD TƯ(từ năm 1995)  đã ghi lại bằng ký âm pháp Tây phương phổ thông và chỉnh sửa, bổ sung  hoàn thiện nguyên bộ Đăng đàn cung..

Trước năm 1975 hoạt động văn nghệ Phật Giáo nói chung và các Vụ Thanh niên Phật tử nói riêng, nhất là sau năm 1963 rất rộn ràng và sôi nổi, bằng chứng là các chương trình phát thanh nhạc Phật giáo tại Huế hay Sài Gòn phát sóng đều đặn mỗi tuần – Có khá nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như Nghiêm Phú Phát phối âm cho giáo thiều Phật Giáo Việt Nam trong chương trình Tiếng chuông Từ bi (Sài Gòn); Thẩm Oánh với bài Thích Ca Mưu Ni Phật sau đổi lời là A Di Đà Phật để nguyện vãng sanh; Huynh trưởng nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên có nhiều bài ca sinh hoạt và trình diễn ngay trong thời đó; Hà Thanh nổi tiếng với bài  hát Một Ngày qua của HT Dương Thiện Hiền phổ thơ Thượng Tọa Mãn Giác; 2 HT Lê Thì Nhan-Đồng Phi Hùng và tiếng sáo Văn Loan thành công trên đài phát thanh Sài Gòn với bài Từ Đàm Quê hương tôi của Nguyên Thông (văn Giảng); Tâm Hòa Ngô Mạnh Thu đã từng làm ca trưởng điều khiển ban hợp xướng chào mừng đại hội GĐPT….Cho đến bây giờ không biết có ai còn giữ lại những bài nhạc xưa đó trong các tapes hay đĩa nhựa không hay chỉ còn những dư âm đọng lại trong tâm trí những huynh trưởng lão niên – bởi vì đến thế hệ chúng tôi sau năm 1975 mọi thứ hầu như phải làm lại từ đầu!

 Cuối  thập niên 1980 anh Tâm Hoà – Ngô Mạnh Thu đã điều khiển  hợp xướng thành công bài hát khởi đầu tốt đẹp  Ngày Vía Đản sanh, còn ghi lại trong cassette và CD tựa đề là Mây đầu hạ, và anh Bửu Ấn vẫn  thường tập dượt cho các đơn vị hợp xướng nhân  Lễ mừng Phật  Đản sanh.

2/ Bài hát thứ nhì Trầm Hương Đốt – Nghi thức nguyện hương , mới đầu có tựa đề là Hải Triều Âm của tác giả Bửu Bác, đánh dấu thời kỳ đầu chấn hưng Đạo Pháp, Với giai điệu thành kính trang nghiêm, đốt trầm hương qui ngưỡng lên đức Từ Phụ  Thích Ca Mưu Ni .Về sau , bài hát được đổi tên thành Trầm hương đốt , trích từ câu xướng đầu tiên của bài hát

   Đây là bài hát có tính cách Lễ nghi đầu tiên  trong Gia Đình Phật Tử  – Tuy là dòng Tân nhạc nhưng tính chất cổ kính (classique), làn điệu uy nghiêm dân tộc như vẫn còn nguyên đó, từ tiết điệu  đến ca từ  trầm bổng thâm sâu. Bước khai phá đầu tiên trong  loại hình Lễ nhạc  GĐPT ViệtNam.

– Bài ca Trầm hương đốt là bài nguyện hương – Tại sao lại đồng ca ở cuối buổi lễ ?

–         Theo ý kiến của chư Tôn Thiền đức thời đó, giây phút nguyện hương là lúc trầm lắng, nhất tâm về không tịch , không nên ca hát mất trang nghiêm.

– Nhưng tại sao hiện nay Chư Tôn Thiền đức khi nguyện hương lại đề nghị các Phật tử  đồng ca bài Trầm hương đốt ?

Các Ngài chỉ Nguyện hương cách này trong những ngày lễ, vía lớn, chúng hội đông vầy để tạo không khí trang nghiêm Đạo tràng mà thôi.

còn tiếp

Bài khác nên xem

Hướng Về Hiệp Kỵ GĐPT Việt Nam

ducquang

Giá Trị văn hoá của ngôi Chùa

phuocthanh

Tỉa nhánh cây khô

phuocthanh