Hình tượng Bồ tát Di Lạc trong truyền thống Phật Giáo Việt Nam

hinh-tuong-BoTat-DiLacLTS: Nguyễn Tri ân, Giáo sư môn Lịch sử Phật giáo Á châu tại Đại học Bates, Hoa Kỳ. Tốt nghiệp cao học Tôn giáo học tại Đại học Harvard, có bằng tiến sĩ ngành Lịch sử mỹ thuật Phật giáo Á châu tại Đại học Berkeley, ông đã hai lần nhận được học bỗng  Fulbright Quốc gia Hoa Kỳ về nghiên cứu văn hóa mỹ thuật Phật  giáo tại Việt Nam. Nhân dịp Xuân về, ông đã gửi riêng cho Văn Hóa Phật giáo bài nghiên cứu về hình tượng Bồ-tát Di Lặc trong truyền thống nghệ thuật Việt Nam và các nước Á châu.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

hinh-tuong-BoTat-DiLac

Trong truyền thống Phật giáo Việt Nam; vào những thập niên gần đây, các chùa ở miền Nam ngày càng có nhiều tôn tượng Bồ-tát Di Lặc thờ trong chánh điện hoặc dựng trong khuôn viên chùa. Ở Miền Bắc, một số chùa đã thờ Ngài trên điện Phật. Về lịch sử, Bồ-tát Di Lặc đã được Phật tử Việt tôn thờ gần cả nghìn năm. Thời đại, mỗi vùng mỗi khác. Các chùa ở miền Bắc, tượng Di Lặc thờ ở đại điện, có chùa tôn trí Ngài ở giữa, hai bên là Bồ-tát Văn Thù và Phổ Hiền làm thị giả, có chùa tôn trí Ngài ngồi giữa và có Bồ-tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí đứng hai bên. Các chùa ở miền Trung và Nam thì thờ riêng. Chùa Thiên Mụ ở Huế thờ Ngài bên ngoài phía trước điện Phật. Các chùa ở thành phố Hồ chí Minh và miền Nam có khuynh hướng thờ Ngài ở mặt tiền của chánh điện, thờ ở một bên, hoặc tôn trí lộ thiên. Nói chung, tôn tượng Bồ-tát Di Lặc trong hệ thống tượng pháp ở các chùa Việt Nam, về mặt an vị, không theo hệ thống sắp xếp cố định, mà tùy từng không gian của chùa và sự tôn trí của các vị trụ trì đương nhiệm.

hinh-tuong-BoTat-DiLac-Nhat-BanNhìn về mặt hình tướng, chúng ta thấy các chùa Việt Nam từ Bắc chí Nam đều thờ Bồ-tát Di Lặc theo hóa thân của Bố Đại, một vị Hòa thượng Trung Quốc thế kỷ thứ X, cuối thời nhà Đường, mà biểu tượng và tín ngưỡng của Ngài được phát triển vào các thời đại kế tiếp. Trong tranh thủy mặc theo Thiền phái thời Tống, tượng thời Nguyên, và đến thời Minh thì hình ảnh của Ngài đã phổ biến rộng rãi trong nhân gian. Chúng ta sẽ bàn tới tiểu sử và hình tướng của Ngài trong phần sau.

Nói chung, đối với Phật tử Việt, Bồ-tát Di Lặc được tạo tác trong hình tướng của bậc thoát trần luôn luôn hoan hỷ tươi cười. Ngài có thân hình mập lùn, bụng bự như chứa cả thế gian, và một tư thế ngồi vô tư thoải mái, là biểu tượng cho sự an nhiên an lạc, tự tại, hoan hỷ. Trang phục của Ngài thường rộng thùng thình, không cài nút để hở cả bụng lẫn ngực. So với Phật Thích-ca ngồi kiết già thiền định trang nghiêm trên hoa sen, hoặc Phật A-di-đà từ bi duỗi tay tiếp độ chúng sinh về cõi Tịnh độ, thì Bồ-tát Di Lặc đi vào thế gian một cách an nhiên tự tại, ở giữa hồng trần mà không bị dính bụi trần. Ở bình diện văn hóa dân gian, hình tượng Đức Phật Thích-ca tu hành khổ hạnh trong núi Tuyết và hình tướng Ngài Di Lặc vui vẻ bụng bự, người bình dân Việt Nam đã diễn tả hai thái cực của hai vị Phật một cách rất nôm na là một vị Phật thì “nhịn ăn để mặc và vị kia thì nhịn mặc để ăn”!

Đứng trên mặt ngoại tướng và nội tâm mà bàn, Ngài Di Lặc mập mạp béo tốt bụng bự tượng trưng cho sự sung túc, giàu có, ăn nên làm ra. Bên cạnh đó, một số tượng tạc Ngài đeo theo một cái đãy thật lớn như chứa cả càn khôn vũ trụ, đầy một trời công đức, tượng trưng cho phúc đức đầy nhà, lộc trời sung mãn. Thêm vào đó là nhiều trẻ em kháu khỉnh, nghịch ngợm vui tươi vây quanh Ngài như một hình ảnh tuyệt vời đầu xuân chúc phúc cho mọi nhà. Về mặt nhân gian mà nói là đây là biểu tướng cho phúc lộc lắm con nhiều cháu, hạnh phúc sung mãn.

Nhìn về mặt tôn giáo, ngài không bị hệ lụy của trần gian khổ đau, của “lục căn, lục trần” làm phiền não. Ở Tây phương, các tiệm cơm của người Trung Quốc thường an trí tượng Phật Di Lặc trước cửa để cho khách hàng xoa vào cái bụng bự của Ngài cầu phúc. Có lẽ đây là ảnh hưởng của nền văn hóa Phật giáo Trung Quôc pha đậm lên nếp sống của Hoa kiều, vì ở các chùa Hoa họ thờ Bồ-tát Di Lặc sau cổng tam quan. Như thế, khi khách thập phương đến viếng cảnh chùa lễ Phật, bước vào cổng tam quan, khách “diện kiến”ngay Bồ-tát Di Lặc ngồi “chễm chệ”. Đúng là “tiên bái Di Lặc, hậu bái Thích Ca” như dân gian thường nói.

Riêng Việt Nam, chúng ta thấy chỉ có chùa Thiên Mụ tại Huế tôn trí tượng Di Lặc sau khi qua cổng tam quan, và trước khi vào chánh điện lễ Phật. Có thể đây do ảnh hưởng sự xếp đặt của Hòa thượng Đại Sán, vị thiền sư nổi tiếng thời nhà Thanh xứ Quảng Đông sang hoằng pháp tại triều đình nhà Nguyễn vào thế kỷ XIX, hoặc đây là sự sắp xếp có chủ ý sau khi điện Di Lặc trong quần thể kiến trúc của chùa bị thiên tai tàn phá và Hòa thượng trụ trì dời pho tượng ra phía trước chánh điện.

Về mặt tâm linh, chúng ta thấy Ngài Di Lặc là biểu trưng cho sự hoan hỷ. Di Lặc tiếng Sanksrit là Maitreya, có nghĩa là Từ, là tình thương không giới hạn, là tâm rộng lượng bao dung, là kẻ không làm tổn hại một loài nào, một chúng sinh nào, là người đem lại niềm vui và sự không sợ hãi đau thương cho một ai. Do vậy, chúng sinh có lòng cảm mến, và dễ gần gũi Ngài. Trong Tứ vô lượng tâm, “từ, bi, hỷ, xả”, từ đứng đầu trong bốn tâm cao thượng nhiệm mầu của đạo Phật. Người Phật tử Việt Nam thường cho rằng Bồ-tát Quán Thế Âm mới thật là biểu trưng cho từ bi, còn Di Lặc là hình ảnh của sự hỷ xả. Nhưng theo nguyên nghĩa của chữ Phạn, Maitreya, Hán dịch nghĩa là “Từ Thị” hay từ (bi) là bản chất của Bồ-tát Di Lặc. Nguyên nghĩa này cũng bắt nguồn từ hạnh Bồ-tát của Ngài là không giết hại một loài nào, mà lại thương yêu hết thảy mọi loài. Đệ tử và những người tu theo hạnh của Ngài phải phát nguyện ăn chay, phóng sinh, là luôn luôn đem lại niềm vui, điều hoan hỷ cho nhiều người.tranh-chan-trau

Trên mặt Bồ-tát hạnh là vậy. Nhưng trên phương diện nhập thế, Ngài là người “thõng tay vào chợ”, chẳng màng thị phi của trần gian, của thế cuộc. Theo tiểu sử Hòa thượng Bố Đại ghi trong Tống cao tăng truyện, thì người ta cúng gì Ngài ăn cái đó, cúng thịt ăn thịt, cúng rượu uống rượu. Ngài tự tại vô ngại, là một hình ảnh giải thoát cao tột của Thiền tông. Tranh vẽ Thiền tông trong một số bộ Thập mục ngưu đồ, vẽ Ngài vào bức tranh thứ mười, là người nhẹ nhàng nhập cuộc. Trong tranh, Ngài là một nhà sư quảy bị thõng tay vào chợ như đi vào cõi thế tục, như trở về nhà của chính mình. Bồ-tát không vào cõi nhân gian để độ sinh thì ai là người vào cõi đó. Bồ-tát tâm đã thoát phiền não, thì đâu cũng là cõi tịnh, đâu cũng là Niết-bàn, đâu cũng là nhà. Chỉ có kẻ đang tu mới có tâm phân biệt phiền não và bồ đề, chúng sinh và Niết-bàn, mê và ngộ, sinh tử và giải thoát. Đối với các bậc Bồ-tát giác ngộ thì không còn tâm phân biệt, vô trụ, vô trước, vô nhiễm tâm là Niết-bàn.

Trong nền văn hóa Phật giáo Việt Nam, đối với Phật tử và quần chúng, Ngài Di Lặc biểu trưng cho niềm vui, cho sự hoan hỷ và hỷ xả, cho may mắn, và cho phúc lộc và thịnh vượng no đủ. Lẽ vậy, ngày Tết Nguyên đán trong truyền thống Phật giáo Việt, các chùa và tự viện thường gọi ngày mồng Một Tết là ngày lễ vía Di Lặc, là ngày Phật Di Lặc hạ sinh. Nói một cách nôm na là lễ sinh nhật của Ngài. Phải chăng vì hiểu sâu những hình ảnh và ý nghĩa thâm thúy này, đạo Phật Việt Nam đã Việt hóa ngày Tết Nguyên đán thành ngày lễ vía Di Lặc. Trong ngày mồng Một đầu năm, người Phật tử Việt Nam đi chùa lễ Phật, tụng kinh cầu phước, sám hối cầu an, cầu phúc lộc đầy nhà, con cháu sum họp hạnh phúc, thị phi dừng lại ngoài ngõ, tự tại an nhiên trong cuộc sống. tất cả sự cầu nguyện này có thể hiển ứng qua hình ảnh hoan hỷ của Bồ-tát Di Lặc.

Không biết truyền thống này được Việt hóa từ lúc nào và xuất phát từ đâu. Về mặt tôn giáo, đôi lúc chúng ta ít quan tâm về vấn đề lịch sử và niên đại khi có truyền thống này. Chúng ta có thể nêu lên vấn đề lễ bông hồng cài áo trong truyền thống lễ hội Vu lan trong ba thập kỷ vừa qua để thấy rõ vấn đề lễ Phật Di Lặc đầu năm hơn. Lễ bông hồng cài áo phát xuất từ Sài Gòn với tư tưởng mới của thầy Nhất Hạnh vào những năm 60 và đầu thập niên 70. Hiện nay lễ bông hồng cài áo được phổ biến khá rộng rãi trong dịp lễ hội Vu lan ở các chùa lớn ở thành phố miền Nam và dần dần lan rộng ra miền Bắc. Cũng vậy, ngày vía Di Lặc được đưa vào ngày mồng Một đầu năm, xuất phát tại Trung Quốc và có thể đã được đưa vào miền Nam trong thời kỳ diễn ra Phong trào Chấn hưng Phật giáo.

 

Tranh-ve-Di-LacTạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 72-73

Bài khác nên xem

GĐPT Cam Ranh: Trại Kiền Trắc, kỷ niệm ngày Dũng – năm 2017

Huệ Quang GĐPTVN

KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN PL 2558

nhuanphap

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo – Kỳ Cuối

datthinh