HỘI THI TIẾNG HÁT CA LĂNG TẦN GIÀ

Theo hệ thống Bắc tạng, tại các bộ kinh: Đại Niết Bàn, Thắng Thiên Vương Bát Nhã, A Di Đà, Tạp Bảo Tạng, Khổng Tước Minh Vương, Anh Vũ Gián Vương… Đức Phật diễn tả giọng hót các loại chim: Bạch hạc, Khổng tước, Anh vũ, Xá lợi, Ca lăng tần già, Cộng mạng… ngày đêm kêu hót sáu thời, bằng những lời ca hòa nhã, những âm thanh đặc biệt của mình, nhằm giúp cho chúng sinh ở cảnh giới này, ngày ngày đều sống trong chánh niệm, an trú trong chánh pháp, một lòng niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng

Bạch hạc là chim Hạc trắng, mỏ dài, chân cao, lông trắng, có khả năng bay rất xa, tiếng kêu lớn và thanh. Khổng tước là chim Công, đuôi dài, con trống đẹp hơn, thường xoè đuôi và cánh như cánh quạt, màu sắc sặc sỡ. Anh vũ là chim Vẹt, lông xanh, mỏ quặp, có khả năng nói được tiếng người. Xá lợi là chim Thu, còn được gọi là chim Bách thiệt, mắt rất trong, tiếng hót dịu dàng, thanh thoát, có thể nói được tiếng người

Chim Ca Lăng Tần Già còn được gọi: Ca La Tần Già, Ca Lan Già, Ca Lan Tần Già, Yết La Tần Già, Ca Lăng Tỳ Già, Ca Lăng Già, Yết Lăng Già, Yết Tỳ Già La, Yết Lăng Già La, Ca Tỳ Già La, Hạt Thất Già La, Ca Vĩ La v.v… Chim thường thấy xuất hiện tại Ấn Độ, xuất xứ từ núi Tuyết Sơn, là một loài hảo thanh điểu, chim quý, lông màu đen, mỏ đỏ. Khi còn trong trứng, chim đã có thể cất tiếng hót. Tiếng hót tuyệt diệu cực hay, êm ái, véo von hơn cả tiếng trời, thường sống thành cặp chẳng hề rời nhau, còn được gọi là Mỹ âm điểu, Diệu thanh điểu

Đặc biệt, chim Ca Lăng Tần Già là một loài chim lạ, cực kỳ quý hiếm, sinh sống ở Tuyết sơn, chim hót hay nhất. Tiếng hót của loài chim này, thường được ví như pháp âm của Phật. Theo Tuệ Uyển Am Nghĩa, quyển Hạ: “Ca lăng tần già là loài chim có tiếng hót rất hay, tuyệt diệu. Loài chim này vốn sống ở Tuyết sơn, tiếng hót hòa nhã, thánh thót, du dương, người nghe không biết chán”.những loài chim này không bị đọa vào trong lục đạo, chúng được Đức Phật A Di Đà thọ ký và biến hóa để hỗ trợ cho các đệ tử của mình trong việc tu học trong quốc độ của mình…

Tục Tạng Kinh giải thích: : “Sơn cốc khoáng dã, kỳ trung đa hữu Ca Lăng Tần Già, xuất diệu âm thanh, nhược thiên nhược nhân, Khẩn Na La đẳng, vô năng cập giả”, ‘Nơi hang núi đồng rộng, trong đó có nhiều chim Ca Lăng Tần Già, phát ra tiếng hót vi diệu, dẫu Trời, Người, Khẩn Na La vân vân, không thể sánh bằng’, hay là: “Lục thời hành đạo bảo lâm gian, Cửu Phẩm tiêu danh kim chiểu nội, thủy điểu thọ lâm năng thuyết pháp, Ca Lăng Tần Già cọng đàm Thiền, bảo lan bảo can ảnh linh lung, bảo tọa bảo tràng quang xán lạn”, ‘Sáu thời hành đạo nơi rừng báu, Chín Phẩm đề danh trong hồ vàng, chim nước rừng cây còn thuyết pháp, Ca Lăng Tần Già thảy bàn Thiền, lan can quý báu ảnh lung linh, tòa báu tràng phan sáng rực rỡ’

Với ý nghĩa tuyệt bích kỳ vĩ cao quí nói trên, anh Ủy viên Văn nghệ BHD Trung Ương GĐPTVN, chọn tên: Hội Thi Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già, được BHD Trung Ương GĐPTVN chuẩn y. Nói lên ý nghĩa tiếng hát Ca Lăng Tần Già không phải là tiếng hát mua vui bình thường đạo đoạn chốc lát. Tiếng hát Ca Lăng Tần Già là tiếng hát pháp âm như thật, truyền tải sự nhiệm mầu chánh pháp của GĐPTVN, Phật hóa tiếng hát GĐPT vào nhân gian, góp phần xoa dịu niềm đau nỗi khổ thế tục

Hội Thi Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già, nhằm mục đích tạo nên một sân chơi lành mạnh bổ ích, tạo duyên cho các thí sinh GĐPT giao lưu học hỏi, rút tỉa kinh nghiêm bộ môn văn nghệ GĐPT và Phật hóa tiếng hát vào lòng xã hội sâu lắng. Năm 2014, là năm mở đầu cho Hội Thi Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già, những năm sắp tới, sẽ là những mùa bội thu, hứa hẹn nhiều kỳ tích trân quí cao hơn

Theo đánh giá của Ban tổ chức, Hội Thi Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già được Ban Hướng Dẫn các tỉnh – thành quan tâm hưởng ứng, được tổ chức thi tuyển rầm rộ trên khắp cả nước. Nhiều đội tham gia hội thi có đầu tư kĩ lưỡng, bám sát chủ đề. Có đội thi, có thí sinh lớn tuổi dạn dày chững chạc, sinh năm 1956 và có đội thi, có thí sinh nhỏ nhắn xinh xắn dễ thương, sinh năm 2000. Đa số thí sinh diễn viên, thể hiện chất giọng truyền cảm ngọt ngào ấm áp, phong cách biểu diễn, thể hiện trọn vẹn cái tâm chân thành tình đạo, sự thắm thiết và niềm tin trọn vẹn vào tổ chức áo lam quí báu, hồn nhiên trong sáng dễ thương. Không ngờ rằng trong tổ chức GĐPTVN có tìm năng lớn, có nhiều giọng ca rất hay đến vậy, từng tràng pháo tay cổ vũ vang lên bất tận, làm sôi động cả khán phòng

Trong những năm tháng gian nan, dầu sôi lửa bỏng, vì sự tồn vong của tổ chức, nhiều anh chị trưởng bối phát nguyện dấn thân: “Ngũ trược ác thế thệ tiên nhập”. Do luật đời khắc nghiệt!.., nhiều anh chị đã hy sinh nằm xuống để tổ chức quyết sinh. Đêm chung kết hội thi, cũng là đêm nguyện ca, để tưởng nhớ anh linh các anh chị kính yêu, những con người hào hùng đã đi vào lịch sử bất diệt. Những bài hát về các anh các chị đã được thí sinh và các ACE Huynh trưởng – Đoàn sinh phụ diễn chọn ca, đã toát lên sự chân thành tha thiết tri ân sâu sắc: Tâm Minh – Lê Đình Thám, Quách Thị Trang, Nguyên Thường – Đào Thị Yến Phí, Nguyên Y – Lương Hoàng Chuẩn, Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc, Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ… những áo lam thân yêu đã hy sinh nằm xuống để tổ chức được mãi mãi tồn vinh, đã làm cho cả khản trường rung lên, ai nấy đều nấc nghẹn đầm đìa nước nước mắt

Tại buổi lễ bế mạc, Thượng tọa Thích Thanh Quang, Trụ trì chùa Thanh Sơn (nơi diễn ra Hội Thi Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già), sau khi đảnh lễ Thầy Trưởng ban hướng dẫn Nam Nữ Phật tử Ban Tri Sự Phật giáo, Thầy đã run run tác bạch:

–         Xã hội hôm nay, nhứt là tuổi trẻ thời đại, đã vương mang quá nhiều đau khổ, sự tác hại của xã hội, tệ nạn tràn lan, đã vô tâm làm cho tuổi trẻ vong thân. GĐPTVN là một tổ chức truyền thống, đặt trọng tâm giáo dục đạo đức tâm linh, hướng thiện cuộc sống con người và xã hội.

Từ lâu con đã phát nguyện bảo vệ hỗ trợ GĐPTVN truyền thống cho đến hơi thở cuối cùng. Nay con vì có quá nhiều bệnh duyên, có lẽ một lúc nào đó sẽ ra đi. Con thành kính đảnh lễ Thượng tọa, Thầy đã đến đậy tham dự và chia sẻ với chúng con suốt thời gian diến ra hội thi tiếng hát Ca Lăng Tần Già, Thầy là cái mền ấm cúng, đắp cho Thầy trò chúng con những tháng năm giá rét. Chúng con kính mong ơn trên Chư Tôn Đức thương tưởng, vì thế hệ mai sau, vì tương lại của đạo pháp và dân tộc, quan tâm chiếu cố, bằng mọi cách giúp cho GĐPTVN truyền thống được sinh hoạt bình thường

Lời Thầy vừa dứt sau cái cúi đầu sâu lắng. Cả hội trường như bật dậy rung lên, tiếng khóc bùng lên đây đó, cả tam thiện đại thiên thế giới rung chuyển đến ba lần. Hởi những tâm hồn chơ vơ lạc lõng, mãi mê mùi vị hư danh, rong ruổi trong chốn trần ai ngầy ngụa, nỡ đành đang tâm vùi dập làm vẩy đục sơn môn, xin hãy thành tâm thiết tha soi rọi, làm cho ánh sáng lương tri được thắp lên chói lọi, cho con đường phía trước được phong quang sán lạn vững chãi hơn

BHD Trung Ương GĐPTVN, Ban tổ chức hội thi, và toàn thể lam viên cả nước vô cùng xúc động, biết ơn Thượng tọa Thích Thanh Quang, Trụ Trì chùa Thanh Sơn. Nếu không nhờ có những ánh sáng rạng ngời này, thì con đường Phật giáo Việt Nam tăm tối biết đến ngần nào!

Công đức góp công – góp sức rất lớn của BHD Cam Ranh, của Ban Huynh trưởng và Đoàn sinh GĐPT thanh Sơn góp phần vào sự thành công của Hội Thi Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già. BHD Trung Ương, Ban tổ chức và BHD các tỉnh thành có thí sinh dự thi, vô cùng biết ơn các cấp GĐPT sở tại

Buổi tiệc nào rồi cũng tàn, cuộc vui nào rồi cũng phải đến lúc chia xa. Những bàn tay Dây Thân Ái sao mà xiết chặt nhau lắm vậy, có người đã xuýt xoa với nỗi đau ấn tượng nhớ đời này. Bài hát sao mà cứ mãi tha thiết dài ra, như muốn níu kéo thời gian dừng lại. Rồi những ánh chớp vội vàng lóe lên từ những chiếc máy ảnh ghi hình kỷ niệm, những cái bắt tay, những vòng tay ôm nhau không muốn rời, trên mỗi khóe mắt ai nấy như đọng lại những hạt sương long lanh!

Chào tạm biệt nhé! hẹn gặp lại nhau tại Tiếng Hát Ca Lăng Tần Già lần thứ hai!

Nguyên Hoàng PHAN VĂN HUY TÂM

Bài khác nên xem

Ngành Nữ GĐPT Biên Hòa tổ chức Trại Hạnh “Tâm Chánh IV” – năm 2023

Huệ Quang GĐPTVN

GĐPT Gia Định khai khóa tu học Bồ tát giới tại gia

nhuanphap

Nhạc: Bài Ca Lửa Dũng – Lê Cao Phan

ducquang