Đạo đức chính trị của tiền nhân

Dân tộc nào cũng có những di sản quá khứ để mà trân trọng. Lịch sử luôn dạy ta những bài học đáng giá. Tựu trung, có thể nói: Các nhà lãnh đạo phải có đức độ bao dung, trí tuệ sáng suốt, thực lòng yêu dân, và thượng tôn luật pháp. Đó là những nguyên tắc tối ưu để kiến tạo một đất nước phú cường.

1. ĐỘ LƯỢNG BAO DUNG

Nhờ ảnh hưởng của Phật giáo mà các vua đời Lý đã đối xử với nhân dân rất từ bi độ lượng. Điều đó được thể hiện rõ ràng nhất qua thái độ của Lý Thánh Tông (1023 – 1072) đối với tù nhân. Một hôm, nhân tiết đông giá rét, vua bảo với tả hữu: “Trẫm ở trong cung cấm, có áo bào, lò sưởi, mà còn giá lạnh như thế này, nghĩ đến những người tù bị giam trong ngục, chưa biết rõ ngay gian, mà bị gông cùm khổ sở, ăn không no bụng, mặc không ấm thân, khốn khổ vì giá rét, hoặc có kẻ chết không đáng tội, trẫm rất thương xót. Vậy, ra lệnh cho Hữu ty phát chăn chiếu và mỗi ngày cho ăn hai bữa.” (Đại Việt sử ký toàn thư I, Nxb KHXH 1983, tr. 282)
Thực quá rõ, đây là một bài học về lòng nhân ái, về mối quan tâm đến những nỗi khổ đau của đồng loại, cảm thông cho số phận của những kẻ lỗi lầm, nhờ vậy mà đề xuất được những chủ trương, chánh sách, phù hợp với lòng dân khiến cho mọi người tin tưởng, phục tùng, tạo điều kiện tốt để xây dựng một đất nước phồn vinh, thịnh trị.
Người lãnh đạo bao giờ cũng phải có độ lượng bao dung, đặt quyền lợi của quốc gia lên trên những vị kỷ tầm thường, có thể sẵn sàng khoan dung cho những kẻ lỗi lầm để họ có cơ hội lập công chuộc tội. Đọc lịch sử đời Trần, ta thấy trường hợp Hoàng Cự Đà vì không được ăn xoài do vua ban mà bất mãn, bỏ trốn khi giặc đến. Tới khi quân giặc rút lui, Thái tử đòi xử tội Cự Đà để răn những kẻ làm tôi mà bất trung. Trần Thái Tông (1218 – 1277) nói: “Việc Cự Đà là lỗi của ta, nên tha hắn tội chết, cho phép đánh giặc lập công để chuộc tội.” (Sđd, II,26).
Đó là đức độ của Trần Thái Tông – vị vua khai sáng nhà Trần. Lòng nhân hậu của ông đối với bề tôi phạm tội khiến cho ta kính trọng đã đành, mà độ lượng khoan dung của Lê Thái Tổ (1385 – 1433) đối với quân giặc làm cho ta càng thêm khâm phục. Vua đứng ra lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, trải suốt 10 năm gian khổ. Cuối cùng, chiến tranh kết thúc, giặc Minh xếp giáo đầu hàng. Các chiến sĩ và đồng bào căm tức quân Minh tàn bạo đã giết hại thân nhân của họ, nên đến xin vua giết hết bọn chúng để báo thù. Nhưng vua dụ rằng: “Trả thù báo oán là thường tình của mọi người, nhưng không thích giết người là từ tâm của bậc nhân đức. Vả lại, người ta đã hàng mà mình lại giết thì đó là điềm xấu không hay. Nếu vì hả nỗi căm giận trong chốc lát, mà mang tiếng giết kẻ đầu hàng, thì chi bằng tha mạng sống cho vạn ức người để dập tắt mầm mống chiến tranh cho đời sau, sử xanh sẽ ghi chép, tiếng thơm để lại muôn đời, như vậy há chẳng tốt đẹp hơn sao?” (Sđd, 283)
Đức độ của Thái Tông là rất mực thâm trầm, nhưng lòng khoan dung của Thái Tổ càng tỏ ra cao kiến. Bởi vì, nỗi đau khổ của con người dù ở bên này hay bên kia chiến tuyến cũng đều là những nỗi đau khổ cả. Phần lớn họ là nạn nhân của những chế độ chính trị, của những điều kiện lịch sử và địa lý. Người chiến thắng cần có độ lượng bao dung và lòng nhân ái đối với những kẻ bại trận.

2. XỬ TRÍ SÁNG SUỐT

Căn bệnh thường tình của những kẻ chiến thắng là say sưa với những chiến công, mất tỉnh táo, kiêu căng, xem thường tất cả. Để đề phòng căn bệnh tai hại ấy, ngày 20 tháng 6 năm 1429, Lê Thái Tổ ban sắc lệnh cho các quan: “Nếu thấy các điều lệnh của trẫm có điều gì bất tiện cho việc quân, việc nước, hoặc có việc sai dịch không hợp lý, hoặc thuế khóa nặng nề, thì các khanh hãy tâu xin sửa lại.”
Ở đây ta lại thấy đức sáng suốt của nhà vua một lần nữa. Đức tính ấy rất cần cho nhà lãnh đạo anh minh. Họ biết khiêm tốn lắng nghe những lời khuyên chân thành, đúng đắn của thuộc hạ, biết dẹp bỏ tự ái để mà phục thiện. Có như vậy mới cảm hóa được lòng người, mới đủ sức thuyết phục nhân dân đồng tình ủng hộ, và chấp hành những mệnh lệnh do mình ban ra.
Vua thực xứng đáng là một bậc minh quân, sử xanh lưu truyền muôn thuở, nhưng cháu ông – Lê Thánh Tông (1442-1497) – cũng tỏ ra sáng suốt không kém. Điều đó được thể hiện qua lời bình luận về tính tình của các cận thần sau đây: “Nay bọn Lê Cảnh Huy, Nguyễn Như Đỗ khi bàn luận ở triều đình hay lúc quyết định việc chính trị, chỉ a dua lấy lòng, hoặc ngậm miệng không nói, thì dù có lỗi nhỏ mà khép vào pháp luật cũng đáng; còn như bọn Nguyễn Mậu, Nguyễn Vĩnh Tích biết lo cho vua, cho nước, gặp việc là nói hết, thì dù có vấp phải lỗi lầm, cũng đáng được khoan dung.” (Sđd, 403)
Nếu vua là người chỉ thích nghe những lời tâng bốc, a dua của bọn nịnh thần chuyên nói dựa theo cấp trên, làm cho cấp trên hài lòng, thì có lẽ ông không nói thế.
Trong một dịp khác, đáp lại lời thẳng thắn khuyên can của viên quan Quốc tử giám Nguyễn Bá Ký, vua dụ rằng: “Trẫm vừa xem hết tờ sớ, ngươi bảo là trẫm không chú ý đến kinh sử, mà chỉ chuộng lối học phù hoa vô dụng, ngụ ý ở ngoài mây khói. Nếu ta ưa chuộng văn hoa mà không lấy gốc ở kinh sử thì còn sách nào nữa? Ta tự xét mình, xét lời ngươi nói, thì 4 chữ “Phù hoa vô dụng” kia, thực đã gồm cả lòng trung trong đó. Nếu ta còn làm văn để biện bạch, thì ta thực có lỗi.” (Sđd, 441)
Xét đoán như Thánh Tông quả thực thấu tình đạt lý; đó là cách xử trí sáng suốt và đầy lòng nhân ái của một bậc minh quân, vừa cổ vũ những người thẳng thắn khuyên can, vừa ngăn chận những kẻ a dua, xu nịnh, bọn chúng chỉ biết minh họa những ý kiến của thượng cấp, còn công việc đưa đến hậu quả ra sao thì không cần biết đến. Bọn xu nịnh là thế, chỉ nghĩ đến quyền lợi ích kỷ, mà ít quan tâm đến lợi ích quốc gia, nhưng người trung nghĩa thì không làm như vậy.
Có người thấy Trần Thủ Độ (1194-1264) quyền hành lớn quá, át cả nhà vua, lo lắng cho xã tắc, vào gặp Thái Tông, khóc và nói: “Bệ hạ còn thơ ấu mà Thủ Độ thì quyền át cả vua, xã tắc rồi sẽ ra sao?”. Thái Tông liền lên xe, dẫn cả người ấy theo, đến dinh Thủ Độ, thuật lại những lời hắn cho Thủ Độ nghe. Thủ Độ đáp: “Hắn nói đúng đấy”. Rồi lấy tiền, lụa ban thưởng cho y.
Qua sự kiện này chứng tỏ Thủ Độ là người biết lắng nghe sự thật, không tự ái hẹp hòi, thấu rõ tấm lòng trung can của kẻ khác. Biết họ thao thức lo lắng cho triều đình và vận mệnh quốc gia, điều đó rất phù hợp với hoài bão và lòng trung dũng của ông, nên ông không trách phạt mà còn khen thưởng, cổ vũ. Ông thực xứng đáng là bậc lương đống triều đình, dày công gầy dựng cơ nghiệp nhà Trần.

3. VÌ DÂN, LẤY DÂN LÀM GỐC

Kinh qua lịch sử xưa nay, các triều đại huy hoàng đều do những nhà lãnh đạo anh minh gầy dựng. Tài năng và đức độ của họ luôn luôn ngang tầm với trọng trách mà họ gánh vác. Một trong những yếu tố tạo nên sự nghiệp vẻ vang là lòng nhân ái, biết lấy dân làm gốc. Đức tính này đã bộc lộ khá rõ trong lời di chúc của một vị vua Phật tử là Lý Nhân Tông (1072-1127): “Ta đã ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên vui, đến khi chết lại khiến cho mọi người mặc áo sô gai, sớm tối khóc than, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi ta thêm nặng, như vậy thiên hạ sẽ nghĩ ta là người thế nào?… Thế nên, việc tang chế chỉ nên ba ngày là bỏ áo trở, dứt khóc than, chôn cất cốt phải kiệm ước, không nên xây lăng mộ mà chỉ để ta hầu bên cạnh Tiên đế là được.” (Sđd, 312)
Một vì vua thần võ sáng suốt, nhân hiếu song toàn, giỏi âm luật, thông lễ nhạc, được thần giúp, người theo, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, suốt 45 năm gầy dựng một giang sơn hùng mạnh, vậy mà đến lúc chết vẫn còn quên mình lo cho dân tộc, bằng lời di chúc khiêm tốn, cẩn trọng và đầy lòng vị tha. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi vì, các bậc minh quân đời trước không ai là không nghĩ đến dân. Họ ít khi tuyên truyền bằng những khẩu hiệu suông, mà thực lòng chăm lo cho dân bằng những việc làm cụ thể.
Năm 1290, đất nước gặp phải thiên tai, dân chúng bị nạn đói hoành hành, Trần Nhân Tông (1258-1308) xuống chiếu xuất ngân khố phát chẩn cho người nghèo và tha thuế cho dân. Việc làm ấy phát xuất từ tấm lòng chân thật thương dân, xót xa trước những nỗi khổ của mọi người, đau những nỗi đau của đồng bào đồng loại. Vì vậy mà khi ông mất, dân chúng cảm mến đua nhau đến tham dự đông nghẹt trong buổi lễ rước kim quan nhập tháp, khiến cho kim quan không thể nào di chuyển. Viên quan lo việc lễ tang phải tổ chức những khúc hát Long ngâm tại nhiều nơi, mọi người thấy lạ, kéo nhau đến xem. Nhờ vậy buổi lễ mới tiến hành viên mãn.
Đức Phật dạy: “Nhân nào thì quả nấy; kính người thì người kính mình, thương người thì người thương mình.” Vua xem dân như con cái, thì dân kính vua như cha mẹ. Trái lại, nếu vua coi dân như cỏ rác thì dân sẽ oán vua như cừu địch. Thế nên, những nhà lãnh đạo nào nếu bị nhân dân bỏ rơi, thì đừng có vội trách dân mà hãy tự trách mình. Do đó, nếu muốn được nhân dân yêu chuộng, tin tưởng, thì bản thân mình phải trung thực thương dân, không được lừa dối mọi người.
Sau khi chiến thắng quân Minh, giang sơn gom về một mối, quê hương sạch bóng quân thù, người anh hùng ái vải Lê Lợi đã xuống chiếu miễn thuế cho dân 2 năm, không bắt sưu dịch những người già cả, ban thưởng cho những người con hiếu thảo, và khen tặng những phụ nữ tiết trinh. Chiếu chỉ ấy đã được toàn dân hân hoan đón nhận với tấm lòng cảm phục biết ơn. Bởi vì nhà vua đã thấy được sự cống hiến to lớn của nhân dân cả sinh mệnh và tài sản cho cuộc kháng chiến đầy cam go, nên đã an ủi và tưởng lệ những công lao cao quí của họ. Việc làm ấy tuy dễ, nhưng không phải ai cũng làm được, ngoại trừ những nhà lãnh đạo thực lòng yêu nước, thương dân, biết cái gốc của một quốc gia nằm trong lòng người.

4. THƯỢNG TÔN LUẬT PHÁP

Một quốc gia muốn được vững mạnh, cần có sự đoàn kết của toàn dân. Muốn cho toàn dân đoàn kết một lòng, người lãnh đạo phải có đức độ và thực sự yêu dân. Nhưng chỉ có thương dân thì chưa đủ mà còn phải làm cho mọi người sống hạnh phúc, an vui. Để cho xã hội an lạc, ổn định thì trật tự, kỷ cương phải được thiết lập. Nền tảng để thiết lập một xã hội kỷ cương là pháp luật. Một nước không có pháp luật, nước ấy sẽ loạn. Vì vậy mà sau khi thống nhất đất nước, Lê Thái Tổ đã hạ lệnh cho các quan: “Từ xưa tới nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì nước sẽ loạn. Cho nên học tập đời xưa đặt ra pháp luật là để các quan và trăm họ biết thế nào là thiện, là ác. Điều thiện thì làm, điều ác thì tránh, không để đến nỗi phạm pháp.” (Sđd, 292)
Các bậc nhân vương chân chính xưa nay rất am hiểu giá trị của luật pháp, và pháp luật ấy phải vô tư, khách quan, nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của tất cả mọi người. Bởi vì mọi người sinh ra là đã mặc nhiên có quyền tự do và bình đẳng trước pháp luật. Do đó, người cầm quyền phải bảo vệ quyền tự do và bình đẳng cho mọi công dân, và coi đó như là trách nhiệm chính yếu và tiên quyết. Được như vậy, mới gọi là một xã hội văn minh, có luật pháp, giữa người và người đối xử với nhau dựa trên lẽ công bằng và lòng nhân ái. Người lãnh đạo không được phép xem mình ở trên nhân dân, trên luật pháp, ban phát cho dân được điều gì thì người dân phải cúi đầu chấp nhận, không được đòi hỏi gì nữa. Quan niệm đó là một thứ phong kiến lỗi thời không thể chấp nhận được giữa một thế giới văn minh, trong một đất nước có truyền thống nhân bản. Tuy thế, vẫn có người mơ màng cho rằng tất cả các chế độ vua chúa xưa kia đều là những chế độ phong kiến, theo một ý nghĩa không được tốt đẹp. Nhưng, cứ theo quan niệm của vua Lê Thái Tổ trên đây, chúng ta thấy chẳng có gì đáng gọi là phong kiến cả. Chúng ta phải công tâm mà thấy rằng trong thế giới văn minh ngày nay có những chính thể tự cho là dân chủ, là tự do, mà thực sự người dân trong chế độ ấy chịu biết bao điều oan trái và bất công. Thế thì, cái nhãn hiệu danh xưng của một chế độ không quan trọng, mà điều quan trọng là nhà cầm quyền phải biết vận dụng chính sách như thế nào để đem lại tự do, no ấm và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người. Làm được như vậy, thì chế độ ấy dù mang bất cứ nhãn hiệu gì, nhân dân cũng nhiệt liệt hoan nghênh và tận tình ủng hộ. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta phản đối tất cả các chế độ mang những danh xưng tốt đẹp. Nhưng chỉ muốn nhắc nhở chúng ta một điều là nội dung đích thực có giá trị gấp nghìn lần hơn những nhãn hiệu phô trương.
Trương Hán Siêu (?-1354) làm chức Hành khiển, được vua tin dùng, nên lạm dụng lòng tin của vua, vu cáo Phạm Ngộ và Lê Duy ăn hối lộ. Trần Minh Tông (1300-1357) liền cho điều tra, rốt cuộc, Hán Siêu đuối lý, phải nạp phạt 300 quan tiền. (Sđd, III)
Qua đây chúng ta thấy được đức công minh sáng suốt của vua Minh Tông, ông rất am hiểu tâm lý của những kẻ bầy tôi được sủng ái, thói thường, họ hay lạm dụng quyền thế để ức hiếp, vu oan những người không ăn cánh với mình. Biết vậy nên vua đã thẳng thắn nghiêm trị những kẻ sai phạm, dù người đó lâu nay được vua tín nhiệm. Vì ông hiểu rằng nếu những nỗi hàm oan kia không được minh oan đúng mức, thì đó không những là nỗi đau riêng của bản thân họ, của gia đình họ, mà còn là nỗi đau chung của mọi người công dân lương thiện, sống trong một xã hội văn minh biết quí trọng tự do công bằng và tinh thần thượng tôn luật pháp.
Linh Từ Quốc mẫu (phu nhân của Thủ Độ) có lần ngồi kiệu đi qua thềm cấm, bị quân hiệu ngăn lại, bà về than phiền, khóc lóc với Thủ Độ. Thủ Độ giận lắm, sai thủ hạ đi bắt tên ấy. Người lính hiệu nghĩ rằng mình chắc phải chết, nên khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi, y cứ thành thực trình bày. Thủ Độ nói: “Ngươi ở chức vụ thấp mà giữ được luật pháp, ta còn trách nỗi gì.” Liền lấy vàng, lụa ban thưởng, rồi cho về.
Người xưa nói: Công pháp bất vị thân. Thủ Độ là quan đứng đầu triều, hơn ai hết, chính ông phải quán triệt lẽ đó, không những quán triệt mà còn phải làm gương cho tất cả mọi người. Thế nên, những người có chức trọng quyền cao bao nhiêu càng phải triệt để tôn trọng luật pháp bấy nhiêu. Nếu không, thì quốc gia sẽ có nguy cơ dẫn đến rối loạn. Việc ông ban thưởng cho tên lính hiệu vừa thể hiện đức sáng suốt công minh của ông, vừa có tác dụng khuyến khích mọi người tôn trọng luật pháp.
Một lần khác, ông duyệt sổ hộ khẩu, Quốc mẫu xin cho một người làm chức Câu đương (như viên công an xã ngày nay), ông gật đầu. Khi duyệt đến sổ bộ của xã ấy, tên kia mừng rỡ chạy đến. Thủ Độ bảo hắn: “Ngươi nhờ có Quốc mẫu xin cho mới được làm chức Câu đương, nên không thể xem như người thường, mà phải chặt một ngón chân để phân biệt với những kẻ khác.” Người ấy van xin, không dám nhận chức Câu đương nữa, năn nỉ mãi, ông mới tha cho.
Ông làm như vậy là cốt để cảnh cáo những kẻ hay cậy thế ỷ lại, dựa dẫm quyền hành, xem thường luật pháp, khinh rẻ lẽ công bằng, làm cho kỷ cương của xã hội càng thêm rối loạn.
Tóm lại, trong công cuộc xây dựng đất nước giàu đẹp, chúng ta rất cần những kinh nghiệm quá khứ của ông cha. Lịch sử luôn cống hiến cho ta những bài học tưởng chừng như cũ kỹ mà kỳ thực rất sinh động và mới mẻ vô cùng. Chúng ta thường lầm tưởng cái hình thức có thể gói trọn được nội dung, nhưng ngược lại, chính nội dung mới quyết định giá trị của hình thức. Điều hiển nhiên là suốt dòng lịch sử của dân tộc, không ai có thể phủ nhận những giá trị tốt đẹp tiềm ẩn bên trong các xã hội xưa kia của cha ông chúng ta. Như vậy, rõ ràng đạo đức nhân bản là đáng quí, chứ không phải hình thức của chế độ là đáng quí. Thế nên, bất cứ chế độ nào, miễn là nó đưa đất nước đến phồn vinh, đem con người đến hạnh phúc thực sự, thì chế độ ấy đáng cho chúng ta ca ngợi và trân trọng./.

Nguồn: Hòa Thượng Thích Phước Sơn

Bài khác nên xem

Tiểu Sử Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu

phuocthanh

Ăn chay

datthinh

BHD Gia Định tổ chức Trại huấn luyện Huynh trưởng Lộc Uyển 34

nhuanphap