( hay tính vô thường và vô ngã của Không gian và Thời gian )
( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu – Bậc Chánh Thiện
do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )
I.QUA ĐỊNH NGHĨA KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN
1. Không gian : hay vũ trụ hoặc nói theo danh từ Phật giáo là “ Pháp giới ” thì rộng lớn vô cùng tận, hành tinh mà chúng ta đang sống chỉ là hạt cát trong sa mạt pháp giới mà thôi. Thật vậy, chỉ với trí óc hạn hẹp của con người ta cũng ý thức được sự rộng lớn bao la của vũ trụ, với hằng hà sa số thiên hà … còn theo kinh Phật thì cứ 1000 thế giới nhỏ hợp lại thì ta gọi là tiểu thiên thế giới, 1000 tiểu thiên thế giới là trung thiên thế giới, 1000 trung thiên thế giới họp thành gọi là đại thiên thế giới hay còn gọi là “ Tam thiên đại thiên thế giới ” mỗi tam thiên đại thiên thế giới như vậy một ngàn triệu thế giới như thế giới của chúng ta và vũ trụ thì gồm vô số đại thiên thế giới. Do đó, ta thấy rằng trí óc nhỏ bé của chúng ta khó có thể hình dung vũ trụ bao la như thế nào, mà chỉ có một ý niệm rất mơ hồ về không gian, vũ trụ hay nói theo ngôn ngữ Phật giáo “ không thể nghĩ bàn ”
2. Còn thời gian là gì ? nếu không gian là vô cùng thì thời gian là vô tận… Thật vậy , khi đọc sử, nghe nói : “ Vào thế kỷ thứ nhất trước tây lịch ” hay “ 109 sau tây lịch…” ta không thể hình dung được đó là vào lúc nào, vì với thói quen ta chỉ biết hôm qua, hôm nay, ngày mai, năm ngoái, sang năm …. mà thôi. Cùng lắm, những người già khi nghĩ đến dĩ vãng của mình thì cũng “ Mấy chục năm trước …” là cùng, do đó nếu một lúc nào đó ta tự hỏi : khi quả đất mà chúng ta đang ở đây còn là một khối tinh cầu nóng bỏng thì liệu ai xác định được đó là năm nào, thế kỷ nào hay không ? Nói cách khác thời gian bằng năm tháng chỉ là sản phẩm của tư duy con người, và trên mặt đất này thì nó chỉ có, khi sự sống của con người được hình thành với một nền văn minh tương đối, do đòi hỏi của nhu cầu giao tiếp … chứ không có một mốc thời gian cố định dùng làm gốc. Đức Phật dạy : thế giới nào cũng vậy điều bị chi phối bởi định luật : Thành, trụ, hoại, diệt và sự thành trụ của thế giới này là sự hoại diệt của một thế giới khác. Cứ như thế mà xoay vẫn không dứt, nói theo ngôn ngữ khoa học thì : Khi một khối tinh vân này nổ ra, vỡ thành những tinh cầu nhỏ, rồi những tinh cầu này nguội dần đi và sự sống ở đó bắt đầu … nghĩa là sự hoại diệt của khối tinh vân lớn, sinh ra các tinh cầu nhỏ vậy …
Mặt khác ta lại được nghe rằng : “ Con người là một tiểu vũ trụ ” Tại sao ? – Vì con người là một tập hợp vô số tế bào, mỗi tế bào là một tập hợp vô số phân tử và nguyên tử, và nguyên tử cũng chưa phải là đơn vị nhỏ nhất vì nó còn điện tử quay quanh, mà cơ cấu gần như thái dương hệ của chúng ta, với mặt trời và các hành tinh quay chung quanh. Do đó, con người là vô cùng nhỏ bé đối với vũ trụ bao la, đồng thời là vô cùng lớn với tất cả tế bào, những phân tử, những vi trùng, những vi khuẩn ….
Nói tóm lại, to lớn hay nhỏ bé điều chỉ là tương đối mà thôi. Nói cách khác , không gian và thời gian là không có thực tính cũng như con người ngũ uẩn mà chúng ta phân tích mà thôi …
Thời gian thật là dài đối với những tù nhân mất tự do, vì đối với họ “ Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại ” thời gian thật là ngắn khi người ta cảm thấy hạnh phúc, như câu chuyện Lưu Nguyễn lên tiên, sống ba năm ở đó mà trần gian đã mấy thế hệ đi qua … hay những người đang sung sướng, luôn kêu rằng thời gian qua mau quá …(“ Hỡi thời gian xin dừng cánh lại, giờ học vàng xin hãy khoan bay ” ) nói tóm lại thời gian không có thực tính, nó chỉ có số đo riêng với từng căn cơ, hoàn cảnh, tâm trạng, nghiệp cảm…….
II. SUY NGHIỆM VỀ KHÔNG GIAN VÀ THỜI GIAN :
Như vậy là con người có đáng kể hay không đáng kể đối với không gian bao la, vũ trụ rộng lớn thời gian vô cùng vô tận ?
Đời người với một trăm năm là dài hay ngắn ? Nó tùy thuộc thái độ sống và cách suy nghĩ của mỗi chúng ta mà thôi.
Như đã biết con người là một tiểu vũ trụ, là một tập thể ngũ uẫn luôn luôn sinh diệt biến đổi …. Biết được như vậy, ta không bi quan vì cuộc đời quá ngắn ngủi, cũng không sống gấp sống vội để hưởng thụ, để lao vào tam độc mà hại người hại mình, cũng không coi chết là hết, mà chỉ là sự tan rã của tứ đại đó chỉ là giai đoạn hoại diệt của các nhân duyên.
Biết được tính không thật có của một không gian, thời gian, con người ngũ uẩn… tức là biết được tính vô thường vô ngã của mọi sự vật, kể cả những đau khổ phiền não cũng như hạnh phúc sung sướng … từ đó ta không mê đắm tham dục cũng như không triền miên trong đau khổ phiền não …
III. TU TẬP VÀ ỨNG DỤNG :
Từ những suy nghĩ trên đây, em cố gắng :
1. Huân tập những tư tưởng hành động thiện lành, để mỗi ngày trong tâm tư và việc làm của em là một thay đổi hướng thiện.
2. Không biến nhát, giải đãi, buông lung vì cuộc đời là vô thường, em không thể biết được đến bao giờ thì mình không thể làm việc gì có ích cho mình, cho người … nữa. Em không coi trọng vấn đề sống lâu hay chết sớm, và luôn tinh tấn tu học và làm lành tránh dữ.
3. Bên cạnh cái vô thường vô ngã của mọi sự vật, em còn nhớ lời Phật dạy “ Mọi chúng sanh điều có Phật tánh ”, vậy Phật tánh là cái thường có trong vô thường. Em cố gắng làm hiển bày Phật tánh – dù chỉ trong từng giây phút ngắn ngủi – để tự mình giải thoát ra khỏi phiền não khổ đau, mà phần lớn là do chính mình gây ra .
4. Đức Phật dạy : “ Khi mê, con người tự làm cho mình đau khổ, nhưng khi biết mình mê mà tìm cách thoát ra khỏi mê lầm thì con người tự đem lại hạnh phúc cho mình ”. Vậy, em áp dụng vào cuộc sống công thức loại trừ tam độc đã biết : làm tất cả việc thiện dù nhỏ nhặt nhất, tránh các việc ác dù bình thường nhất, giữ gìn tâm ý trong sạch .
5. Vũ trụ cũng không lớn không nhỏ, thời gian cũng không dài không ngắn, con người không phải là trung tâm của vũ trụ, cũng không phải mang thân phận bi đát … tất cả đều là tương đối và nương vào nhau mà thành. Nếu không có con người thì cũng không có vấn đề không gian, thời gian đặt ra… vậy em luôn luôn khiêm tốn, sống hòa hợp với người và thiên nhiên trong tinh thần không tự tôn cũng không tự ti, mà bình đẳng với mọi người, mọi bài.
Câu hỏi :
1. Từ bài này em rút ra dược bài học nào ? Và áp dụng vào cuộc sống ra sao ?
2. Em hãy giải thích câu : “ Khi bắt đầu nhận được mình mê lầm, con người có thể hoán cải được hoàn cảnh và cuộc sống của mình ”.
3. Kể một câu chuyện hay một mẫu chuyện đạo, trong đó nói lên ý “ Đời chỉ là một giấc mộng ”.