Tinh thần chuyển hóa nội tâm và hộ trì chánh pháp của vua A Dục

 

( Tài liệu Huấn Luyện Huynh Trưởng Cấp I – A Dục

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2001 – PL.2545 )

 

(Trước khi học bài nầy cần ôn lại lịch sử A Dục Vương ở chương trình bậc Trì)

 Như đã tìm hiểu ở phần lịch sử A Dục vương, từ một người tàn bạo, hiếu chiến, trong một phút tỉnh thức đã trở thành một vị vua hiền đức, hết mình phục vụ đạo pháp, đem lại thanh bình an lạc cho đất nước.

Hôm nay chúng ta đi sâu vào tinh thần chuyển hóa nội tâm và hộ trì chánh pháp của Ngài .

A. TINH THẦN CHUYỂN HÓA NỘI TÂM CỦA A DỤC :

Để thấy được giá trị của sự chuyển hóa nội tâm ở một vị vua mà lúc đầu là tàn bạo, chúng ta cần nhìn rõ thêm tính chất tàn bạo hung ác của A Dục mà trong chương trình bậc Trì chúng ta chỉ mới đề cập đến một cách khái quát.

 I. CUỘC ĐỜI TÀN BẠO HUNG ÁC CỦA A DỤC VƯƠNG :

Nói đến sự tàn bạo, hung ác, hiếu chiến của A Dục thì có lẻ không sao nói hết, ở đây chúng ta chỉ nêu lên mấy hiện trạng tiêu biểu. Chỉ mấy hiện trạng tiêu biểu thôi, chúng ta cũng đủ rùng mình, không ngờ được một vị hộ pháp đắc lực trong Phật giáo An Độ lại có một quá trình hết sức hung tàn.

–    Ngay khi còn là một Hoàng tử, Ngài là người võ nghệ xuất chúng, nhưng cũng là người tàn bạo không ai bằng. Quân dưới tay Ngài mà không tuân lệnh khi ra chiến trường là Ngài chém đầu ngay. Với Ngài, chỉ có tiến chứ không có thối, chỉ có thắng chứ không có bại.

–    Để kế nghiệp vua cha , A Dục đã dùng một số mưu kế hết sức tàn độc để hại người anh khác mẹ tên là Susima. Khi đã diệt xong hoàng thân Susima, A Dục lại hành phạt các quan lại, trước đã khinh rẽ mình ( vì vua A Dục tướng mạo xấu xí) (1).

–    Vừa lên ngội Ngài đã xuống lệnh giết hết mấy trăm đại thần rất trung tín, cũng chỉ vì các vị nầy dám can gián vua làm những điều bạo ngược tàn ác, muôn dân oán thán.

–    Trong thời gian tiếp đó, Ngài đã không từ bỏ một việc gì làm thỏa mãn sở thích của Ngài, dù việc ấy tác hại đến sơn hà xã tắc và dù phải đổi bằng bao nhiêu mạng sống của người dân vô tội.

–    Có một lần, hôm ấy vào một sáng mùa xuân, A Dục cùng đoàn cung nữ dạo chơi trong thượng uyển, ngàn hoa đang đua nở, muôn sắc khoe tươi, hương thơm tỏa ngát. Cung nữ mải mê ngắm hoa mà quên không quấn quýt bên nhà vua để mơn trớn đùa cợt như mọi khi. Vua tức giận truyền lệnh bắt giết tất cả các cung nữ rồi lập tức trở về triều.

–    Ngài còn lập ra vườn “ Ái lạc ”. Thật ra đây là một địa ngục chốn trần gian vì đây là một cảnh vườn, bên ngoài kiến trúc cực kỳ mỹ lệ, nào là ao sen, non bộ, nào là hoa quý muôn màu, hương thơm đặc sắc. Những thảm cỏ toàn là cỏ quý, trông như những tấm thảm nhung khổng lồ. Công viên vô cùng ngoạn mục, có cầu, có suối, có giả sơn . . . Nhân dân tự do, mặc tình đến thưởng ngoạn. Nhưng đi lần vào trong thì. . .  núi kiếm, rừng đao, vạc dầu lò lửa đủ mọi khí cụ để hành hình một cách ghê rợn. Vườn “ Ái Lạc ” chỉ có lối vào không có lối ra. Bất cứ ai đã lỡ vào trong đó thì ngục tốt bắt giam và hành hình, con cung phi thể nữ mà cãi cọ xung đột nhau thì cũng bị đưa vào đấy cho chủ ngục phân xử.

II. NHỮNG TIẾNG CHUÔNG CẢNH TỈNH :

 Trong bài A Dục vuơng ở bậc Trì, chúng ta đã thấy, một chiều trên chiến trường Kalinga, sau một chiến thắng oanh liệt, khi nhìn lại cảnh hoang phế điều tàn và hàng chục ngàn thây người phơi trên chiến địa, Ngài đã giật mình bừng tỉnh.

 Nhưng đó là hồi chuông cảnh tỉnh sau cùng. Trước đó đã có những tiếng chuông cảnh tỉnh vang vọng và lắng sâu vào tâm hồn Ngài.

* Có một ngày nọ, một vị Tỳ kheo đi khất thực ở thành Hoa Thi, không thông thuộc đường sá nên lạc vào vườn Ái lạc. Khi vào bên trong, Thầy hoảng kinh, toan kiếm đường thoát ra nhưng ngục tốt đã đón bắt Thầy lại, định hành hình. Thầy khẩn thiết van xin mà bọn ngục tốt không dung tha nên Thầy bèn oà khóc. Chủ ngục thấy vậy liền hỏi :

–     Thầy là người tu hành mà cũng sợ chết hay sao ?

       Thầy Tỳ kheo đáp :

–     Tôi đâu có sợ chết, nhưng tiếc rằng tôi mới xuất gia chưa chứng được đạo quả. Bây giờ xin chủ ngục thi ân, cho tôi sống thêm 7 ngày rồi hãy hành hình.

Chủ ngục thấy vị tu hành nói vậy cũng động lòng nên hoản lại 7 ngày.

Trong 7 ngày vị Tỳ kheo chứng kiến bao nhiêu cảnh đau đớn, nào người phụ nữ thân hình trẻ đẹp lại bị bỏ vào cối giả nát, nào là những ca nhi nhan sắc tuyệt vời mà bị quẳng vào lò lửa, nào là những đống xương khô, những đống thịt thối. Cảnh tượng ấy làm cho Thầy nhàm chán, nhớ đến lời Phật dạy : “ Sắc đẹp mĩ miều cũng như bọt nước, nhung y diễm lệ rồi cũng hóa tro tàn ”. Nhờ nhớ lại lời dạy ấy, Thầy tỏ ngộ, dứt hết các điều tạp nhiễm, chứng quả A La hán.

Bảy ngày trôi qua, ngục tốt bắt Thầy đem hành quyết. Họ quẳng Thầy vào chảo dầu đang đun trên bếp lửa to tướng. Nhưng đun hết một khối củi lớn mà dầu vẫn không nóng, vị Tỳ kheo vẫm điềm nhiên ngồi kiết già trong chảo (2). Chủ ngục vội vàng tâu lại với vua A Dục. Nhà vua tức tốc đến tận nơi thì thấy vị Tỳ kheo đang lơ lửng trên không trung còn chảo dầu biến thành bồn nước mát. Nhà vua kinh ngạc đứng lặng một hồi lâu, tự suy gẫm : mình với vị Tỳ kheo nầy cũng đồng là người nhưng Thầy tu hành chứng quả, an nhiên tự tại, trong chảo dầu sôi mà hóa ra trong bồn nước mát, còn ta thì mãi vui say trong việc sát hại nhân dân, làm điều tàn ác !

Nhà vua bèn quỳ xuống thưa với vị Tỳ kheo :

–    Thưa Ngài, mong Ngài chiếu cố hạ xuống nơi đây, tôi nguyện từ nay về sau, bỏ ác làm lành, xin quy ngưỡng với Ngài.

Vị Tỳ kheo đáp :

–    Đại vương biết hối cải chuyển hóa nội tâm, theo đường hướng thiện thì phước đức vô cùng.

Nói xong vị Tỳ kheo từ từ hạ xuống và ung dung trở về trụ xứ (3).

Dĩ nhiên, làm sao trong phút chốc mà dứt hết tập khí bạo tàn được. Khi vị Tỳ kheo đã khuất dạng, tên chủ ngục tâu :

–    Tâu bệ hạ, khi lập cảnh vườn Ái lạc nầy, bệ hạ đã ra lệnh, hễ ai vào đây thì không thể cho ra và phải chịu ngục tốt hành hình. Tôi đã cung mang thánh chỉ nên không dám sai lời. Đại vương là bậc Thiên tử nên cũng phải nhất ngôn.

Vua sửng sốt hỏi lại :

–    Vậy ngươi muốn xử tội ta như thế sao ?

Chủ ngục : Tâu vâng.

Vua liền hỏi lại :

–    Ta và ngươi ai vào đây trước ? và tức thì sai ngục tốt bắt chủ ngục quẳng vào chảo dầu, đồng thời ra lệnh phóng hỏa đốt hết cả vườn “ Ái lạc ”. Từ đó cảnh địa ngục trần gian không còn nữa.

Cũng từ đó, nhà vua dần dần bỏ các điều tàn bạo hung ác.

* Tuy thế, tập khí hiếu chiến vẫn chưa dứt sạch. Rồi Ngài lên đường chinh chiến. . . . Từ chiến trận nầy đến chiến trận khác, cũng như mọi lần trước đó, lần nào cũng chiến thắng lẫy lừng. Càng chiến thắng, lòng hiếu chiến càng trổi dậy. Có một lần giữa trận tuyến tên bay vùn vụt, gươm giáo chan chát lại có một nhà Sư đi qua một cách ung dung. Có lẽ Thầy đang trên đường về trú xứ sau khi đã hành đạo đâu đó. Nhà vua hết đổi ngạc nhiên, tại vùng chiến tuyến, hai bên đang đánh nhau kịch liệt, thế mà lại có một nhà sư đi qua một cách điềm nhiên tự tại. Vua hạ lệnh bắt nhà sư. Khi quân lính dẫn nhà sư đến trước mặt vua, ra lệnh nhà sư quỳ xuống.Nhà sư ôn tồn nói :

–    Khi tôi đã xuất gia tôi chỉ quỳ trước chân lý và trước Tam bảo mà thôi.

Nhà vua im lặng giây lát, có lẽ câu nói ấy đã làm cho nhà vua phải kính nể, nhưng lòng sân hận lại nổi lên.

Vua bảo : Hãy quỳ xuống không thì ta chém đầu.

Vị sư vẫn bình thản : Bần tăng xin chọn cái chết.

Vua sai quân lính giữ nhà sư lại và khi chiến trận chấm dứt, dẫn về triều. Nhà vua vô cùng thắc mắc, tra hỏi nhà sư :

–   Tại sao ai cũng phải tuân lệnh ta, các chư hầu cũng đều thần phục ta mà nhà ngươi lại không chịu tuân lệnh ? Lúc nào ta hết thắc mắc ta sẽ giết ngươi.

Nhà sư cam lòng chịu chết nhưng xin vua hoản lại cho 7 ngày. Vua lại thắc mắc :

–    Tại sao phải xin hoản lại 7 ngày ?

 Nhà sư giải thích : làm được kiếp người là khó lắm, được làm kiếp người mà gặp chánh pháp lại càng khó khăn hơn, không phải ai làm người cũng gặp chánh pháp đâu ! Bần tăng chưa được đắc quả cho nên xin sống thêm 7 ngày để tu tập thiền định hầu mong giải thoát.

 Câu nói ấy lại làm cho nhà vua càng thêm thắc mắc. Càng thắc mắc nhà vua lại càng muốn tìm hiểu, càng muốn tìm hiểu nhà vua phải gạn hỏi nhà sư, càng gạn hỏi thì lại càng thắc mắc. Trong những câu nói của nhà sư, có một câu đã làm chao đảo cả tâm hồn nhà vua.

 Nhưng rồi một trận chiến khác xãy ra, nhà vua lại cất quân đi đánh. Đây là trận chiến Kalinga, một trận chiến ác liệt nhất và đây cũng là “ trận chiến lẫy lừng nhất ” của A Dục vương.

Sau sự phấn khởi, đắc thắng, reo mừng, bỗng A Dục Vương dạo một vòng quan sát trận địa, một hình ảnh ghê rợn đập vào mắt, nói đúng hơn là đập vào tâm thức của nhà vua : hàng chục ngàn xác chết ngỗn ngang, la liệt trên bãi chiến, quân sĩ của cả đôi bên ! Thật là kinh hoàng. Bất giác Ngài thốt lên : “ Tại sao hàng vạn người đã chết mà ta được sống? ”. Ngài nhớ lại câu nói của nhà sư đã từng làm Ngài xao xuyến tâm hồn : “ Vì sao ai cũng mong cầu sự sống thế mà ai cũng gây chết chóc cho nhau !”. Ngài liền vứt thanh bảo kiếm đã từng đem lại những chiến thắng oanh liệt từ trước đến nay (chính giây phút nầy mới chính là giây phút “ chiến thắng lẫy lừng nhất ”).

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ : cảnh điêu tàn hoang vắng với hàng vạn sinh linh phơi thây trên chiến trường Kalinga trong buổi chiều hắt hiu nhạt nắng là hồi chuông sau cùng cảnh tỉnh A Dục Vương, còn những lời của các vị sư trước đây là những tiếng chuông đã từng đi vào tâm thức của A Dục. Hơn nữa, một tiền kiếp của A Dục đã kết duyên với Phật, đó là cậu bé Java. Khi đó Java đang cùng với Gijava dùng đất cát dựng một đô thị giả, có đền đài dinh thự, kho tàng chứa đầy ngũ cốc, Đức Phật đi khất thực ngang qua, Java xuất ngũ cốc trong kho – thật ra chỉ là chén cát của chúng đang chơi – cúng dường Đức Phật. Đức Phật vui vẻ thọ nhận. Ngài A nan đi theo Đức Phật, rất ngạc nhiên trước thái độ của Như Lai, Như lai liền khai dạy : “ Này A Nan, sau khi Như lai nhâp diệt khoảng 200 năm, đứa trẻ ấy (Java) sẽ được thọ sanh làm một vị Thánh quân đóng tại thành Patalitutra và lấy vương hiệu là A Dục ”.

III. TINH THẦN CHUYỂN HÓA NỘI TÂM CỦA A DỤC VƯƠNG :

Nhờ những tiếng chuông cảnh tỉnh của các vị sư và hồi chuông tỉnh thức sau cùng của hàng chục ngàn người phơi thây trên chiến trường Kalinga, làm chuyển hóa được một cách mạnh mẽ nội tâm của vị vua tàn bạo. Lúc về đến triều đình Ngài liền xuống lệnh không giết vị sư và đưa thầy về trụ xứ, phá hết các nhà tù, bỏ án tử hình. Ngài đi tìm hiền tài mời ra phò vua giúp nước.

Lúc bấy giờ có một ẩn sĩ ngày ngày sống trong hang đá nơi chốn thâm sơn với bà mẹ già, chỉ có một cái rìu để đốn củi nuôi sống mẹ. Cây rìu ấy là tặng vật của một người biếu chàng đền ơn cứu sống một em bé. Chàng có cái tên là Tu Lại. Chàng đã khước từ mọi cám dỗ của phú quý, công danh. Tiếng thơm hiền đức của chàng vang danh thiên hạ. A Dục vương biết tiếng chàng và đã từng thử tấm lòng chất phác không màng của cải, bạc vàng, danh vọng, bằng cách cho người giả làm ba Tiên nữ đánh mất trâm vàng. Vàng ngọc ấy, sắc hương ấy của các Tiên nữ chẳng vấy bận mảy may tâm hồn thanh cao của chàng.

Lại có một hôm, một người lạ mặt đến biếu chàng một thoi vàng và chỉ nhờ chàng giúp cho một tiếng nói, khi có ai hỏi : “ Có một đoàn người vùa đi qua đây không? – chàng chỉ đáp một tiếng : có ”. Tu Lại cũng vội vã khước từ vì chàng đã quy y Tam bảo, thọ trì năm giới nên không thể vì thoi vàng mà nói dối (sau nầy mới rõ, chuyện ấy cũng do vua A Dục thử lòng chàng mà thôi).

Thế rồi một ngày kia có một tên đao phủ đến, hiên ngang tuyên bố với chàng : “ Tôi vâng lệnh nhà vua đến giết tráng sĩ ”. Tu Lại hỏi : “ Tôi tội tình gì? ”. Đao phủ đáp : “ Chỉ vì nhà vua ganh tức tiếng tốt hiền đức của tráng sĩ mà thôi ”. Tu Lại điềm nhiên cảm ơn đao phủ và nhờ đao phủ chiếu cố đùm bọc giúp mẹ già. Ông ta hỏi : “ Vậy tráng sĩ không oán hờn nhà vua sao? ”. Vẫn với giọng nói thản nhiên : “ Tôi chỉ thương cho nhà vua đã gây quá nhiều nghiệp ác ”. Lưỡi gươm sáng quắc đưa lên cao rồi lại từ từ hạ xuống và chui thẳng vào vỏ kiếm của đao phủ.

Hôm sau vua A Dục đích thân đến tận hang đá nầy để đón tráng sĩ về triều. Ban đầu tráng sĩ từ chối, vua năn nỉ bao lần, cuối cùng Tu Lại xin hẹn lại ba hôm để hỏi ý kiến của mẹ. Mẹ chàng bảo : “ Mẹ nghe hiện nay trong nước nhà vua thì tàn bạo, nhân dân thì oán thán, các trung thần đều bị giết, số còn lại chỉ toàn là người xu thời, dua nịnh, tham ô. Đến nỗi ngoài thiên hạ đã dùng cái tên “ Chiên Đà La A Dục (ông vua hung tợn như người hàng thịt). Nhưng biết đâu khi con đã vào làm quan trong triều, con có thể tìm cách cảm hóa nhà vua, xoay chuyển lại chế độ. Và dẫu con có bị trúng kế nhà vua muốn giết hại hiền tài mà con không cách nào xoay chuyển nổi, thì âu cũng là duyên nghiệp của con.Vã lại, biết đâu ngày nay thật sự nhà vua đã ăn năn hối cãi, con có thể giúp nhà vua, đem giáo lý nhà Phật đưa Ngài vào con đuờng sáng và cảm hóa quần sanh ”.

Khi Tu Lại về triều, nhà vua tỏ lòng tri ân tặng cho chàng cái tên : “ Quốc Bữu ”. Đầu tiên Quốc Bửu khuyến hóa nhà vua quy y Tam bảo, thọ trì năm giới. Tiếp đó khuyên nhà vua tìm đến các chơn tăng học hỏi giáo pháp.

Nhà vua cho dựng ngay nhiều tháp bia. Có hai bia, nội dung được chú trọng nhất : “ Ta dựng bia nầy, ta viết lời nầy để sau đây con cháu ta biết : Không có sự thắng trận nào vẻ vang bằng sự thắng trận của Chánh pháp. Chính sự thắng trận của Chánh pháp mới soi sáng được nỗi u tối của con người và đem lại hạnh phúc thật sự cho con cháu của chúng ta hiện tại và tương lai ”. – “ Trong khi ta truyền bá đạo vô thượng của đức Như Lai, ta khuyên mọi người nên theo đạo Phật, nhưng vẫn tôn trọng các nhà tu của các tôn giáo khác, nên cúng dường thức ăn, cung cấp quần áo cho các vị ấy ”.

Đối với bản thân, nhà vua dành một phần lớn thời giờ trong ngày tham cứu học đạo với các vị danh tăng, nghiên cứu học tập kinh điển, tinh cần thiền tập và áp dụng triệt để giáo pháp vào cuộc sống hàng ngày.

Từ đó nhà vua thay đổi hẳn chính sách, không dùng uy quyền tàn bạo như trước mà lấy đức độ bao dung đối xử với quần thần cũng như với thiên hạ. Ngài trừng trị kẻ hoang dâm, đàng điếm, xảo trá. Ngài chăm lo đời sống của dân, lập viện dưỡng lão, chăm sóc chu đáo những người già cả bệnh hoạn.

Đối ngoại, Ngài trả lại độc lập cho các tiểu quốc đang bị thống trị dưới tay Ngài. Nhân dân tặng cho Ngài cái tên “ Thích ca A Dục ” (ông vua sống theo giáo pháp đức Thích ca).

Từ một ông vua tàn bạo hiếu chiến thế mà đã chuyển hóa nội tâm để trở thành một Phật tử tinh tấn tu tập, tích cực hộ trì chánh pháp, một vị vua hiền đức biết dựa vào Phật pháp để trị dân, hết lòng lo cho đời sống của nhân dân được ấm no an lạc, quả thật hiếm có trong cuộc đời. Trong nhân dân đã từng có cái tên “ Chiên Đà La A Dục ”, thế mà nay cũng từ nhân dân lại có cái tên “ Thích ca A Dục ”. Chúng ta bái phục Ngài chính là ở điểm đó. Chúng ta mượn danh hiệu Ngài để đặt tên cho trại huấn luyện Huynh trưởng cấp I cũng là vì lẽ đó.

Giá trị tuyệt hảo của con người là ở chỗ chuyển hóa được nội tâm. Ngày xưa ông Vô Não, một người hung ác tàn bạo nhất cũng chỉ vì mê muội vô minh, đến toan giết cả mẹ để lấy cho được ngón tay thứ một trăm của người mà mình đã giết, sau đó lại rắp tâm giết Phật. Nhưng . . . chính giây phút ấy được Phật khai ngộ mà chứng quả. Chúng ta chỉ biết vị nầy đã chứng quả A la hán, thế thôi. Còn A Dục vương, khi đã chuyển hóa được nội tâm thì quyết đem cuộc đời còn lại của mình cống hiến cho đất nước, cống hiến cho dân tộc, cống hiến cho đạo pháp. Đây chính là bài học chính đáng mà trại sinh A Dục chúng ta đang học hôm nay.

Sự cống hiến đó như thế nào ? chúng ta sẽ thấy rõ ở phần hộ trì chánh pháp của A Dục. Tại đây chúng ta thấy được thêm một điều là đã chuyển hóa được nội tâm thì cũng có thể chuyển biến được nghiệp lực. Vì “ tu là chuyển nghiệp ”. Nếu tâm thật sự được chuyển hóa thì sẽ được an tịnh mà “ Tâm tịnh rồi, tội liền tiêu. Tội tiêu tâm tịnh thảy đều không ”. Hơn nữa công năng tu tập hộ trì chánh pháp, giúp nước, giúp dân như  A Dục vương cũng đủ tạo thiện nghiệp bù đắp cho cuộc đời quá khứ.

B. SỰ HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP CỦA A DỤC VƯƠNG

(Phần nầy đã học ở bài : Lịch sử A Dục vương trong chương trình bậc Trì nhưng ở đây cũng cần nêu lại những nét chính. Tuy nhiên nếu thấy cần, giảng viên cũng có thể triển khai rộng ra).

Đối với A Dục vương, việc chăm lo đời sống cho dân, mong cho đất nước thanh bình an lạc cũng là cách hộ trì chánh pháp vì Ngài đã khuyến hóa nhân dân quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới, kỉnh trọng các vị tăng sĩ. Nhờ vậy mà nhà nhà đều thờ Phật, trọng Pháp, kỉnh Tăng. Ngài lấy lượng từ bi mà cư xử với mọi người. Nhà tù được phá bỏ, trường học, bệnh viện được mở mang thêm nhiều và nhất là xây dựng nhiều chùa làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho dân chúng và cũng chính là nơi xây dựng, bồi dưỡng đạo đức cho mọi người dân.

–    Ngài ủng hộ chư tăng hết lòng để quý vị có đầy đủ phương tiện tu tập và hành đạo.

–    Nhưng Ngài cũng nhất quyết sa thải những phần tử không xứng đáng làm hoen ố Phật giáo.

–    Ngoài thì giờ tu tập, nghiên cứu kinh điển, Ngài còn dành nhiều thời giớ thăm viếng các địa tích liên quan đến lịch sử đức Phật, xây dựng tại đó những bảo tháp hay trụ đá (nay vẫn còn). Chính những di tích nầy đã giúp không ít cho các nhà khảo cổ khi tìm hiểu về cuộc đời Đức Phật.

–    Thời đại của A Dục vương thì Phật giáo An Độ đã có đến 20 bộ phái, nhiều người muốn tu hành theo Phật giáo một cách đúng đắn, không biết nên y cứ vào đâu, những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu Phật giáo đến nơi đến chốn rất hoang mang. Vua A Dục thấy cần có một sự thống nhất cho nên Ngài đã chủ trương kỳ kiết tập kinh điển lần thứ ba tại thành Pataniputra. Lần kiết tập nầy gồm 100 vị Đại Trưởng lão và do Ngài Moggalinputtatissa chủ tọa. Kết quả kỳ kiết tập là dung hòa được những quan điểm dị biệt và thống nhất một giáo lý gọi là : “ Thượng tọa bộ ” (Theravada). Sau hội nghị kiết tập nầy, Thượng tọa Mahinda con trai của vua A Dục đã đem ba tạng kinh (Kinh – Luật – Luật) cùng với sớ giải đã kiết tập sang Tích lan (hiện nay vẫn còn được bảo tồn).

–    A Dục vương cũng đã dựng lên khắp xứ An Độ 84,000 bảo tháp để thờ Xá Lợi Phật (tom góp phần Xá Lợi tại các chư hầu và phân đều lại 84.000 phần để thờ khắp nơi). Vùng nào có 10 triệu dân trở lên thì được thờ một hột Xá Lợi.

–    Ngài cho xây dựng rất nhiều chùa và có lắm đền thờ chạm trổ những sự tích Phật giáo.

–    Rải rác khắp nơi có nhiều bia đá ghi khắc những chỉ dụ của nhà vua khuyên bảo dân chúng ăn ở theo chánh pháp.

–    Nhà vua còn thỉnh nhiều vị A La hán đi truyền bá đạo Phật tại những xứ ở miền Tây Bắc Ấn Độ như : Cachemire, Gandhara và nhiều nơi khác như Mahisamandala (Maisur hiện nay), vanasa  . . .

Những việc làm lớn lao hữu ích, thiết thực như trên chứng tỏ công sức hộ trì, hoằng dương chánh pháp của A Dục Vương vĩ đại biết chừng nào !

Qua bài nầy chúng ta thấy ở A Dục có hai con người, hay đúng hơn, một con người A Dục có hai cuộc đời trái ngược nhau : một cuộc đời hung ác tàn bạo, giết hại bao sinh linh vô tội – một cuộc đời hiền đức, tích cực hộ trì chánh pháp, đem lại thanh bình an lạc cho muôn dân, đem lại sự hưng thịnh cho xứ sở và cho cả các lân bang. Chính nhờ những tiếng chuông tỉnh thức, dần dà đã biến chuyển nội tâm của Ngài một cách mãnh liệt.

Vậy vấn đề được nhìn rõ ở đây là chúng ta không ngại tội lỗi, không mặc cảm tội lỗi quá khứ dù tội lỗi ấy lớn lao đến bao nhiêu, mà chỉ ngại khi có được những tiếng chuông tỉnh thức, liệu ta có biến chuyển được nội tâm không ? Sự chuyển hóa nội tâm mới là vấn đề quan trọng. Trại sinh A Dục – Một trại đưa chúng ta đi vào chính thức cuộc đời làm Huynh trưởng – Chúng ta cần phải nắm vững vấn đề nầy. Nhìn vào thực tế cuộc đời, chúng ta cũng từng thấy, có những vị đức độ tiếng tăm, công năng tu tập khá vững, nhưng rồi một phút sa cơ, một phút lỗi lầm vì hoàn cảnh hay vì một lý do nào đó mà làm hoen ố cả cuộc đời trong sáng quá khứ của mình. Ngược lại, những người đã từng phạm lỗi lầm dù là lỗi lầm to lớn đến đâu mà đã chuyển hóa được nội tâm, chuyển cải được cuộc sống của mình thì sẽ trở thành con người tốt đẹp, chúng ta có thể đặt tin tưởng vào đó.

Trên bước đường tu học, chúng ta cần có chí hướng chuyển hóa nội tâm. Biết chuyển hóa nội tâm chúng ta mới có thể tin tưởng sự thành tựu của chúng ta.

 Chú thích :

(1)  Có tài liệu viết : Lúc có nội loạn tại thành Hưu Thi La, vua sai Ngài đem quân đi đánh dẹp, Ngài đã chiến thắng một cách dễ dàng. Vì có công lớn ấy, vua cha, tức là Tần Đầu Sa phong Ngài làm Thái tử. Khi vua cha băng hà, Ngài kế nghiệp trị vì xứ An Độ. Tánh tình Ngài rất hung hăng .

(2)  Dù có cho rằng người viết sử có ý thiêng liêng hóa thì hình ảnh vị Tỳ kheo ngồi điềm nhiên kiết già trong chảo dầu là điều chắc chắn có được vì khi định lực của vị Tỳ kheo đã mạnh thì việc ngồi trong chảo dầu sôi vẫn an nhiên tự tại là thường. Việt Nam ta cũng đã có Ngài

(3)  Thích Quảng Đức và một số Tăng Ni khác an nhiên tự tại trong lửa đỏ.

(4)    Việc vị Tỳ kheo lơ lửng trên không trung rồi từ từ hạ xuống và ung dung trở về trụ xứ, cũng có thể cho rằng người viết truyện có ý thiêng liêng hóa mà cũng có thể là có thật vì vào thời kỳ đó các vị tu hành đắc đạo, một số có thần thông, không phải là không xẩy ra.

Ghi chú :

Mục I và II phần A cốt cho Giảng viên nghiên cứu, thấy được một cách rộng rãi cuộc đời của A Dục vương, biết được cái quá khứ tàn bạo của nhà vua mới nhìn ra được nét nỗi bật về sự chuyển hóa nội tâm của A Dục vương. Trong khóa huấn luyện nếu thời gian ít ỏi thì mục I và II của phần A giảng viên có thể lướt qua, chỉ cần nhấn mạnh những nét trọng tâm, sau đó, khi về nhà trại sinh có thể đọc kỹ lại tài liệu.

 

Bài khác nên xem

GĐPT Bà Rịa Vũng Tàu kết khóa liên trại HLHT A Dục11-Lộc Uyển 17

Tâm Lễ

Trại Phú Lâu Na 4 (Giai Đoạn 2)

phuocthanh

Tiểu Sử Cố Huynh Trưởng Cấp Dũng Tâm Lạc Nguyễn Văn Thục

phuocthanh