Ý nghĩa Đản Sanh và Xuất Gia của Thái tử Tất Đạt Đa

( Tài liệu Tu học Ngành Thiếu Bậc Sơ Thiện

do BHD Trung Ương GĐPT Việt Nam tu chỉnh năm 2006 – PL 2550 )

I. VĂN :

Cần ôn lại sơ lược lịch sử của Ngài trước khi tìm hiểu ý nghĩa Đản sanh và Xuất gia.

–   Thái tử Tất Đạt Đa ra đời tại nước Ấn Độ, giữa một xã hội phong kiến đầy áp bức bất công, phân chia giai cấp.

–   Thời niên thiếu : Thái tử ra đời vào ngày rằm tháng tư âm lịch, vào năm 624 trước Tây lịch tại vườn Lâm Tỳ Ni, lúc hoàng hậu Ma Gia đang dạo chơi ngắm cảnh. Tiên A Tư Đà nhìn Thái tử và nói rằng : “ Nếu làm vua thì sẽ làm vị Chuyển luân thánh vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật ”

–   Thái tử chào đời được 7 ngày hoàng hậu Ma Gia qua đời, Ngài được Bà dì nuôi dưỡng. Thái tử nổi tiếng thông minh, văn võ song toàn, lại luôn khiêm tốn lễ độ nên được mọi người yêu mến.

–   Đến năm 17 tuổi, Thái tử cưới công chúa Da Du Đà La làm vợ và sanh được đứa con trai tên La Hầu La.

–   Cuộc sống trong cung điện với đầy đủ tiện nghi và cung phi mỹ nữ ngày đêm ca múa để làm cho Thái tử vui lòng. Nhưng mọi lạc thú và hạnh phúc của thế gian không lay chuyển được lòng thương chúng sanh ở con người cao cả ấy được thể hiện trong lần đầu tiên theo cha dự lễ hạ điền nhìn thấy người và vật xâu xé, tranh giành nhau trong cuộc sống.

–   Những lần du ngoạn ngoài hoàng cung, Thái tử cảm nhận nỗi đau khổ của nhân loại với sự chứng kiến hình ảnh cụ già da nhăn, lưng còm; hình ảnh người bệnh rên la thảm thiết; chứng kiến một đám tang thân nhân khóc la sầu thảm. Và lần du ngoạn thứ tư nhìn hình ảnh thanh thoát của vị sa môn làm Thái tử nảy sanh ý muốn xuất gia tìm phương pháp cứu chúng sanh thoát khỏi khổ đau.

–   Một đêm kia sau buổi yến tiệc linh đình, thừa lúc mọi người ngủ say, thái tử nhìn vơ con lần cuối rồi cùng Xa Nặc phi ngựa Kiền Trắc vượt thành xuất giá tìm đạo.

 II. TƯ :

Khi tìm hiểu Lịch sử của một vị Phât có 2 phương diện :

* Về bản thể : từ vô thỉ đến vô chung, khi có chúng sanh là có chư Phật thị hiện để cứu độ chúng sanh.

* Về lịch sử : có bia đá ghi chép thời đại, nơi chốn xuất hiện.

1.  Ý nghĩa Đản sanh :

 Trong kinh Trường A Hàm, theo cổ lệ thì mười phương ba đời chư Phật khi thị hiện ra đời ( sự kiện Đản sanh ) đều giống nhau như :

* Người mẹ khi sanh đều về quê ngoại.

* Lấy mội trường sinh thái làm nhà : Đản sanh, Xuất gia, Thành đạo, nhập Niết bàn đều dưới gốc cây.

Sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca cũng không ngoài cổ lệ đó. Sự kiện Đản Sanh được giải thích trên 3 phương điện :

a.  Về Huyền thoại :

Mang ý nghĩa triết học là một hệ tư tưởng. Những bậc vĩ nhân xuất hiện trong thế gian không thể diễn tả như người thường mà được thần thánh hoá, như nguồn gốc dân tộc Việt Nam là con rồng cháu tiên, bà Âu Cơ đẻ ra 100 trứng …

–   Phật như hoa Ưu Đàm ngàn năm mới xuất hiện một lần, tuỳ hoàn cảnh thuận tiện mới xuất hiện, vì thế mới có Phật tiền, Phật hậu : sinh ra trước hoặc sau khi Phật ra đời ( sinh ra lúc không gặp Phật ). Các đức Phật liên tiếp xuất hiện ra giữa đời để cứu độ chúng sanh, liên tiếp vị này đến vị khác, nhưng không bao giờ xuất hiện cùng một lần.

–   Với những hiện tượng lạ xuất hiện khi Thái tứ Tất Đạt Đa đản sanh cho thấy Ngài không phải là ngừời bình thường mà đây là lần thọ sanh sau cùng của muôn ngàn kiếp trước đây ( qua những chuyện tiền thân đức Phật ). Lần thọ sanh này không phải thọ thân do nghiệp lực mà là do nguyện lực của một Bồ tát ( Ngài là Bồ tát Hộ Minh ở cung trời Đâu Suất ).

b.  Về biểu tượng :

–   Sự ra đời của Thái tử Tất Đạt Đa là sự thị hiện của một vị Bồ tát. Công hạnh của Ngài trong các kiếp trước đã gần viên mãn và do hạnh nguyện của Ngài nên lần này thị hiện, xuống cõi Ta Bà để hoàn tất việc tu chứng, để cứu độ chúng sanh đang quằn quại trong đau thương mà điển hình nhất là xã hội Ân Độ lúc bây giờ. Hiểu được sự thị hiện này mới thấy lòng từ bi của 1 đấng Thế Tôn thật quá bao la. Vì lẽ đó trong kinh Khánh Đản có đoạn : “ Đêm dày tăm tối, Đuốc tuệ rạng soi, Nguyện cứu muôn loài. Pháp dùng phương tiện, Ta Bà thị hiện, Thích chủng thọ sanh … ”. Và cũng chính do sự thị hiện nên khi vừa ra đời Thái tử Tất Đạt Đa đã thốt lên câu nói : “ Thiên thượng thiện hạ duy Ngã độc tôn ”. Ý nghĩa câu này : Trong 3 cõi, Phật là đấng Chí tôn, không ai xứng đáng hơn Phật. Đây là lời xác định địa vị chí tôn của Phật và chỉ có giáo pháp của Phật mới đưa chúng sanh vượt thoát ba cõi sáu loài, chứng đạt quả vị Vô thượng Bồ đề. Lời tuyên bố trên là tiếng rống của sư tử.

–   Đi 7 bước trên 7 hoa sen : Đây là biểu tượng của một vị Phật. “ Khể thủ năng nhân đệ thất tiên ”, chỉ cho đức Phật Thích Ca là vị Mâu Ni thứ 7.

–   Ý nghĩa con số 7 : ngôi sao Bắc Đẩu là ngôi sao thứ 7, ngôi sao chỉ đường. Cả thế giới xoay quanh sao Bắc Đẩu. Ngày xưa khi chưa có La bàn, chưa có đồng hồ, người ta nhìn sao Bắc Đẩu mà đi, nhìn sao Bắc Đẩu mà đoán giờ.

Thế giới lấy con số 7 làm chuẩn, 7 ngôi sao là 7 vị tiên chỉ đường, Phật đi 7 bước là 7 ngọn đuốc soi sáng thế gian.

–   Với 32 tướng tốt và 80 vẽ đẹp của Thái tử Tất Đạt Đa cho thấy tuy là thân người nhưng lại vô cùng cao quý, đặc biệt hơn người bình thường. Đó là báo thân do công phu tu tập của Ngài nhiều kiếp về trước.

c.  V Lịch sử :

–   Sự có mặt của Ngài không phải là một huyền thoại. Các nhà nghiên cứu lịch sử đã chứng minh Ngài là một nhân vật lịch sử, một nhân vật có thật.

–   200 năm sau khi Phật nhập diệt, đời vua A Dục là vị vua ngưỡng mộ Phật pháp đã dựng một trụ đá đánh dấu nơi Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa.

2.  Ý nghĩa Xuất gia :

–   Tuy sống trong cung vàng điện ngọc, nhưng Thái tử Tất Đạt Đa không tham đắm những gì ngươi đời cho là hạnh phúc nhất thế gian ( ngôi báu, vợ đẹp, con ngoan ) mà Ngài luôn nghĩ đến sự khổ đau của chúng sanh và tìm phương cách cứu khổ cho muôn loài.

–   Thái tử Tất Đạt Đa đã có lần xin vua cha được xuất gia, vua Tịnh Phạn không cho. Thái tử đưa ra 3 yêu cầu, nếu vua cha thoả mãn được những yêu cầu đó thì Thái tử sẽ ở lại để nôi nghiệp đế vương. Đó là :

1.  Làm sao cho con trẻ mãi không già.
2.  Làm sao cho con mạnh hoài không đau.
3.  Làm sao cho chúng sanh hết khổ được vui.

Vua Tịnh Phạn không làm sao đáp ứng được những yêu cầu đó của Thái tử Tất Đạt Đa. Một hoàng tử làm vua có giúp cho mọi người hết khổ đau hay không ? Quyền lực, danh vọng, của cải thế gian có giúp người được hạnh phúc vĩnh cửu hay không ?

–   4 cửa thành Thái tử đi qua biểu trưng cho sanh, lão, bệnh, tử, những nỗi khổ đau của chúng sanh ai cũng biết, nhưng không thể vượt qua được. Thái tử đã hiểu sâu sắc những nỗi khổ đấy và Ngài đủ năng lực để vượt qua.

–   Thái tử xuất gia lúc tuổi tráng niên, tóc còn xanh mượt, ra đi cha mẹ khóc đầm đìa. Ngài ra đi vì lý do gì ? Ra đi tìm lẽ sông an ổn chí thượng, hạnh phúc an lạc chân thật cho cuộc đời mình và cho tất cả chúng sanh. Hạnh phúc hiện tại tuy có, nhưng chỉ là tạm bợ nên Ngài đi tìm cái hạnh phúc tối thượng hơn. An lạc thế gian tuy có nhưng mong manh, Ngài ra đi tìm sự an lạc chân thật.

–   Với ý chí dũng mãnh, Thái tử Tất Đạt Đa đủ năng lực vượt qua bể ái sông mê ( biểu tương Ngài nắm đuôi Kiền Trắc vượt qua dòng sông A Nô Ma ) và vượt qua mọi gian khổ trên bước đường xuất gia tìm đạo giải thoát.

–   Vì lòng thương muôn cứu độ chúng sanh, Thái tử đã xem nhẹ danh lợi, tài sắc, giã từ hạnh phúc nhỏ bé của gia đình để đi tìm hạnh phúc chân thật vĩnh cửu, tìm một con đường giải thoát sanh tử luân hồi cho muôn loài.

III. TU :

Em học được bài học ở cậu bé Tất Đạt Đa :

Vào cái tuổi mà mọi cậu bé chỉ biết học hành và vui chơi thì Thái tử Tất Đạt Đa đã biết trầm tứ về cuộc sông khổ cực của mọi loài và phát khởi lồng thương rộng lớn trước những giành giật vì sự sống của con người và muôn vật.

Thái tử Tất Đạt Đa ở vào tuổi thanh xuân như các em mà Ngài đa từ bỏ nếp sống vương giả, đầy quyền uy, dấn thân vào con đường vô cùng gian khổ đi tìm chân lý giải thoát cho mình và cho muôn loài.

Do đó em nguyện :

–   Không đua đòi theo thế gian, không ăn chơi quá độ, tập hướng suy nghĩ của mình vào những vấn đề thoát tục, nhận rõ tính chất vô thường, vô ngã trong mỗi sự vật và trong chính bản thân mình.

–   Luôn nghĩ đến những khổ đau của người khác để chia xẻ và giúp đỡ họ.

–   Thương yêu mọi người như thương chính bản thân mình.

–   Tập suy tư về vấn đề hạnh phúc, danh vọng của thế gian để thây rõ bản chất thật sự của nó, để hiểu được ý nghiã sự ra đi tìm đạo của. Thái tử Tất Đạt Đa cũng như tập cho mình một cuộc sống “ Ít muốn, biết đủ ” và tiến đến sông đạo.

–   Không hơn thua ganh tỵ, không hèn nhát để nhận ra lẽ phải.

–   Tinh tấn trong việc tu học cũng như trong công việc làm.

–   Luôn mở rộng lòng từ bi, hoà ái, khiêm cung học tập theo những đức tính của Thái tử Tất Đạt Đa.

Và cao hơn, để hoàn thiện nhân cách của một người Phật tử, các em cần thực hành những điều sau đây trong cuộc sống :

* Tập sống có nghị lực, có ý chí, dũng mãnh vượt qua mọi chướng duyên để tu học và ứng dụng những lời Phật dạy vào đời sống thường nhật, đó là thực hành hạnh Tinh tấn Ba La Mật.

* Tập kham nhẫn trước mọi hoàn cảnh ngang trái, chịu đựng các pháp vô thường biến đổi của thế gỉan mà không sinh lòng hờn oán, đó là thực hành hạnh nhẫn nhục Ba La Mật.

* Biết đem của cải bố thí, dâng hiến cho người, “ Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp người bớt khổ ”, bố thí cho người sự không khiếp sợ trong những lúc nguy biến, bố thí với tâm không phân biệt, không thấy có người đem cho, người nhận và của cho, đó là thực hành hạnh Bô” thí Ba La Mật.

* Tập sống bình thản, trầm tĩnh trước mọi biến cố của cuộc đời với tâm an nhiên tự tại, đó là thực tập Thiền định Ba La Mật.

* Luôn luôn gương mẫu về đạo đức, chuyên tâm giữ gìn giới luật đã thọ, xem Giới đã thọ lãnh là mạng mạch của đời mình mà không bao giờ dám vi phạm, đó là thực hành hạnh Trì giới Ba La Mật.

* Biết quan sát sự vật chung quanh, quan sát thiên nhiên, thế giới loài người với một sự hiểu biết sáng suốt, hướng về chân lý, đó là thực hành hạnh Trí tuệ Ba La Mật.

Thực hành 6 Ba La Mật cũng là toàn thiện nhân cách của mình, là đem lại hạnh phúc, an lạc cho bản thân, cho gia đình và mọi người quanh ta.

Một đời sống đạo hạnh được thể hiện trong hiện tại và tương lai hướng đến sự toàn thiện cao nhất là thành Phật, mục đích tối thượng của người con Phật.

 IV. CÂU HỎI :

  1. Trước khi thọ sanh, Thái tử Tất Đạt Đa là ai ? Ở tại đâu ?
  2. Việc du ngoạn cửa thành lần thứ tư đã đem đến cho Thái tử Tất Đạt Đa ý muốn gì ?
  3. Sự thị hiện của Thái tử Tất Đạt Đa với sự giáng thế của các đấng tối cao các tôn giáo khác nhau như thế nào ?
  4. Hãy nêu lên dũng lực của Thái tử Tất Đạt Đa qua hành động giã từ vợ con trong đêm xuất gia như thế nào ?
  5. Nêu lên ý nghiã Xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa ?
  6. Noi gương Thái tử Tất Đạt Đa, qua cuộc đời của Ngài, em có những tư duy và thực hành được gì cho chính bản thân mình ?

Bài khác nên xem

Một Số Phương Pháp Sinh Động để Truyền Đạt Một Bài Phật Pháp

phuocthanh

Luật đi đường – Một số biển báo hiệu đường bộ phổ biến

datthinh

Chương trình tu học Bậc Chân Cứng

datthinh