Vài dòng về Anh Năng Quang – Nguyễn Hữu Thạnh


Để viết về Anh, ý muốn ấy đã có từ lâu, nó được nảy sinh và ấp ủ từ những ngày anh nằm yên không nói trong suốt sáu năm trường. Cũng chỉ muốn để ngợi ca anh với những lời lẽ tốt đẹp nhất đối với một người anh thương kính nhất của lòng mình. Nhưng nếu chỉ vậy thôi thì thật quá bình thường, thật xưa như trái đất như mọi người thường nói.

Nơi anh chỉ có một điều thật là giản dị : sống hết lòng cho mọi người, luôn xoa dịu những nỗi khổ niềm đau cho tất cả mọi người, và luôn mong ước mang đến cho họ niềm an vui hạnh phúc, dù là niềm vui nhỏ bé nhất. Điều đó nghe qua có vẻ bình thường, nhưng để làm được thật không dễ dàng chút nào; nên chi chúng em thường nói với nhau: anh là Bồ Tát hiện thân để cứu vớt chúng sanh trong cõi Ta Bà ngũ trược ác thế này. Cứ mỗi lần bộc bạch như thế, khi nghe được, anh đều cười với đôi mắt ngời sáng và trách chúng em thật nhẹ nhàng; rồi Anh tâm sự: Em ạ, đời là vô thường như chúng ta hay nghĩ và nói thế theo lời Phật dạy; và cũng theo lời Phật dạy: trong vô thường có một cái thường, đó là “thường vô thường”. Nói xong anh em mình cùng khen hay quá, tuyệt diệu vô cùng và cùng cười xòa thoải mái. Ngay lúc đó, em chợt nghĩ:

Một phút thong dong tiên cảnh đáo,

Một giây vô ngại Niết Bàn khai.

Chúng em luôn cảm nhận niềm thanh thoát bên người anh mà chúng em luôn kính mến, trong không gian tươi mát và thời gian vô tình ấy, anh em mình cùng hạnh phúc trong Pháp lạc.

Rồi thời gian trôi đi… Anh dấn thân vào các công việc Phật sự thường xuyên, liên tục, “Phật sự là lý tưởng, là lẽ sống, là hạnh nguyện của đời anh”. Anh đi đến gia đình này, đơn vị nọ; nghe ở đâu có rắc rối gì trong cuộc sống của các em là anh chị liền đến ngay, dù đêm hôm khuya khoắc. Hình ảnh đáng nhớ và đáng trân trọng là lúc anh chị với chiếc xe đạp cũ không đèn, anh chở chị đi khắp nơi để thăm các gia đình và khi về, anh dẫn bộ lên dốc ga xe lửa Đà Lạt. Với nụ cười tươi nở trên môi, anh khẳng khái : “Mệt chi mà mệt, đừng để Tâm mình nó mệt là được”. Cùng với chiếc xe đạp không đèn đó, anh chị đã đến tất cả các đơn vị gia đình để thăm hỏi và động viên các em cố gắng tu học dù trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào. Anh khẳng định: “Chỉ có tu học cuộc đời mới bớt khổ các em ạ, chỉ có tu học trong Chánh Pháp mới đem lại cho mình, cho người niềm an vui thật sự. Cứ sống theo lý tưởng trong sáng mà thực tiễn của tổ chức GĐPT, không phải e ngại điều gì cả, chỉ cần bản thân mình có lập trường dứt khoát, rõ ràng. Người Huynh trưởng và đoàn sinh GĐPT luôn nhớ:

  1. Không làm chính trị và không để ai lợi dụng làm chính trị.
  2. Không dựa vào bất cứ thế lực nào
  3. Anh em, chị em trong đại gia đình áo Lam luôn luôn thương yêu và giúp đỡ nhau trong tu học và trong cuộc sống.
  4. Phải luôn bám vào Chánh Pháp mà tu học.

Anh là nhạc trưởng của đoàn Kinh nhạc và cũng là người nhạc trưởng của cuộc đời. Ở anh toát ra một sức sống mãnh liệt đầy lòng vị tha và nhân ái. Bài hát “Hỷ xả và thương yêu” của Anh vẫn được vang lên trong các tuần sinh hoạt của GĐPT Giác Hoàng, một đơn vị với hơn 300 đoàn viên đang sinh hoạt, trong phần lễ đoàn của gia đình:

“Đời là đau khổ, mấy ai không khổ đau.

Muốn có an vui cùng nhau chúng con vâng lời Phật dạy.

Xả bỏ và thương yêu , xả bỏ và thương yêu

Noi gương Giác Hoàng tự soi, chúng con quyết noi gương Ngài”

Một bài hát chỉ được hát theo vần điệu tự nhiên bình thường mà sao nghe hay quá, thắm đượm tình người. Mỗi khi hát lên ai cũng cảm nhận được tấm lòng bao la như Trời biển của anh đối với mọi người. Em trộm nghĩ dù bao nhiêu kinh sách có lẽ cũng chỉ để hướng con người làm theo ý nghĩa bài hát đó mà thôi. Tu là để giải thoát sự ràng buộc của ngũ trược ác thế; với người đoàn viên GĐPT đồng thời phải đem đến cho mọi người sự an vui mà mình cảm nhận được. Có những hình ảnh đầy ấn tượng về anh mà chắc ai cũng khó quên được: đó là những lúc anh đứng uy nghiêm ban huấn từ trước các em trong các kỳ trại của GĐPT. Dáng đứng dõng mãnh của anh với đôi mắt ngời sáng, lời nói sang sảng của anh luôn vang vọng như thức tỉnh cả núi rừng, lời anh nói không cao xa mà thật bình dị, gần gũi nên tất cả mọi người đều cảm nhận và thấu hiểu được. Người Phật tử nên tự mình “mở Tâm ra tình như cánh hạc” – một câu thơ của thầy Thái Hòa, để đem an vui đến cho mình và cho mọi người. Lúc nào cũng thế, anh luôn thực hiện phong cách đi trước về sau của người Huynh trưởng GĐPT, lo cho các em ăn xong mình mới ăn sau, thậm chí đôi lúc anh quên luôn cả ăn, hỏi anh thì anh bảo: “Sao mà đói được em. Tâm anh đã no khi các em đã ăn no rồi”.

Khi anh còn tại thế, đến nay và mãi về sau sẽ có những người em phát lập hạnh nguyện noi theo gương anh, đúng như lời Phật dạy: Người Phật tử thực hành thi ân và báo ân bằng việc làm cho mình và cho mọi người bớt đi và thoát khỏi mọi nỗi khổ niềm đau mà con người đang gánh chịu. Chúng em luôn tin rằng dù anh đã về với cõi Phật, anh vẫn luôn dõi trông theo từng bước chân đi của đàn em ở cõi Ta Bà này và tiếp tục động viên, nhắc nhở chúng em trong từng giây phút, như anh Hàn Phong đã viết trong các câu thơ:

Dù sóng cả gió to,

Con thuyền Lam vững lái.

Chẳng rụt rè e ngại – dẫu hy sinh.

Bởi lẽ Chánh nên vẫn luôn tồn tại,

Đó là điều tất yếu một niềm tin”

Lành thay, anh chị em đại gia đình áo Lam vẫn luôn nối tiếp chí nguyện của anh, noi theo gương anh, nhớ lời anh dặn dò, cùng dìu dắt nhau trên con đường tu học để hướng đến bến bờ giải thoát: An nhiên tự tại là vốn quý, là hạnh phúc vĩnh hằng của mỗi con người mà ai trở về thì sẽ thấy.

 Quảng Thành – Bùi Thanh Hào

                                                                                 BHD GĐPT Lâm Đồng

 

Bài khác nên xem

Tính Chất Văn Nghệ GĐPT – Đức Quảng (tiếp)

ducquang

Tâm sự của cháu anh Nguyên y Lương Hoàng Chuẫn

phuocthanh

Nhạc: Gia Đình Phật Tử Việt Nam Úc Đại Lợi – Đức Quảng

ducquang